Sự va chạm giữa các mô hình kinh tế thị trường tư bản: Cuộc chiến thực sự cho tương lai nền kinh tế toàn cầu – Phần II


Mô hình kinh tế thị trường tự do

Sự thống trị toàn cầu của chủ nghĩa tư bản là một trong hai thay đổi mang tính thời đại mà thế giới đang trải qua. Bên cạnh đó là sự tái lập cân bằng sức mạnh kinh tế giữa phương Tây và châu Á. Lần đầu tiên kể từ Cách mạng Công nghiệp, thu nhập ở châu Á tiến gần hơn với khu vực ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Năm 1970, phương Tây đóng góp 56% sản lượng kinh tế thế giới, trong khi đó châu Á (bao gồm cả Nhật Bản) chỉ đóng góp 19%. Tuy nhiên, chỉ sau ba thế hệ, tỷ lệ này đã thay đổi thành 37% và 43%, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ.

Mô hình kinh tế thị trường ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây đã tạo ra công nghệ thông tin và truyền thông, từ đó tạo ra làn sóng toàn cầu hóa mới vào cuối thế kỷ XX, giai đoạn mà châu Á bắt đầu thu hẹp khoảng cách với phương Tây. Mặc dù ban đầu bị phụ thuộc vào các nền kinh tế phương Tây, toàn cầu hóa đã làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc của kinh tế thế giới và tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều nước châu Á. Bất bình đẳng thu nhập trên thế giới đã giảm đáng kể so với những năm 1990, hệ số Gini toàn cầu (thước đo phân phối thu nhập, với 0 là đại diện cho bình đẳng tuyệt đối và 1 là đại diện cho bất bình đẳng tuyệt đối) là 0,7 ở những năm 1990 và hiện nay chỉ khoảng 0,6. Con số này sẽ giảm nhiều hơn nữa khi thu nhập tiếp tục tăng ở châu Á.

Mặc dù bất bình đẳng giữa các quốc gia được cải thiện, song tình trạng này lại tăng  lên bên trong chính các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phương Tây. Hệ số Gini của Mỹ đã tăng từ 0,35 năm 1979 lên khoảng 0,45 tính tới nay. Sự gia tăng bất bình đẳng trong chính các quốc gia ở phương Tây phần lớn là do hệ quả của toàn cầu hóa và tác động của nó đối với các nền kinh tế phát triển hơn ở phương Tây: sự suy yếu của tổ chức công đoàn, thất nghiệp và chậm tăng lương.

Mô hình kinh tế thị trường tự do theo chế độ trọng dụng nhân tài (liberal meritocratic capitalism) ra đời cách đây 40 năm. Để hiểu rõ nhất mô hình này, có thể so sánh với hai hình thái khác là: mô hình chủ nghĩa tư bản cổ điển ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX và mô hình kinh tế thị trường xã hội hay phúc lợi xã hội ở Tây Âu và Bắc Mỹ từ Thế chiến II đến đầu những năm 1980.

Không giống mô hình chủ nghĩa tư bản cổ điển ở thế kỷ XIX khi của cải chủ yếu được tạo ra từ việc sở hữu tài sản, trong mô hình ngày nay, các cá nhân giàu thường có xu hướng có vừa nhiều vốn vừa nhiều lao động, điều này cho phép họ tạo ra nguồn thu nhập từ đầu tư và làm việc. Họ cũng có xu hướng kết hôn và lập gia đình với những người có chung nền tảng giáo dục và tài chính – một hiện tượng xã hội học gọi là “giao phối lựa chọn”. Bên cạnh đó, những người ở top đầu trong hệ thống phân phối thu nhập theo mô hình chủ nghĩa tư bản cổ điển thường là những nhà tài chính, trong khi ngày nay, những người được trả lương cao có thể là các nhà quản lý, nhà thiết kế web, bác sĩ, các nhà tài chính và các chuyên gia ưu tú khác. Những người này làm việc để kiếm được mức lương cao và đồng thời họ cũng thu lợi thêm từ các tài sản tài chính của họ qua các khoản thừa kế hoặc tiền tiết kiệm của riêng họ.

Trong mô hình kinh tế thị trường tự do theo chế độ trọng dụng nhân tài, xã hội trở nên bình đẳng hơn so với thời kỳ chủ nghĩa tư bản cổ điển khi phụ nữ và người dân tộc thiểu số có quyền tham gia vào lực lượng lao động; cùng với đó, các quy định về phúc lợi và nguồn lực xã hội được đưa ra nhằm giảm thiểu đặc quyền và đặc lợi của nhóm thiểu số trong xã hội. Mô hình kinh tế thị trường tự do theo chế độ trọng dụng nhân tài kế thừa thành tựu từ mô hình tiền thân của nó là mô hình kinh tế thị trường dân chủ xã hội.

Mô hình kinh tế thị trường tự do theo chế độ trọng dụng nhân tài được xây dựng dựa trên lợi ích người công nhân với sự tham gia sôi nổi của các tổ chức công đoàn, góp phần rất lớn trong việc thu hẹp sự bất bình đẳng. Mô hình kinh tế thị trường dân chủ xã hội cũng giữ vị trí quan trọng trong giai đoạn mà các giải pháp như Đạo luật G.I và Hiệp ước Detroit năm 1950 ở Mỹ và sự phát triển bùng nồ về kinh tế và thu nhập ở Pháp và Đức. Tăng trưởng được phân phối khá đồng đều; người dân được hưởng lợi từ việc tiếp cận tốt hơn với hệ thống y tế, nhà ở và giáo dục với chi phí thấp; và nhiều gia đình trở nên khá giả hơn.

Nhưng đặc điểm công việc đã thay đổi đáng kể trong bối cảnh tác động của quá trình toàn cầu hóa và mô hình kinh tế thị trường tự do theo chế độ trọng dụng nhân tài, đặc biệt với việc thiếu chú trọng tới tầng lớp lao động và sự suy yếu của các tổ chức công đoàn. Từ cuối thế kỷ XX, mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên, trong đó phần lớn lợi nhuận rơi vào tay các tập đoàn lớn và những người giàu có. Xu hướng phát triển này đã phát triển khá mạnh mẽ ở Mỹ và ở hầu hết các quốc gia khác, cả các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển. Sự gia tăng mức thu nhập bình quân trên tổng thu nhập nhền kinh tế hàm ý rằng vốn và các nhà tư bản trở nên quan trọng hơn lao động và công nhân, và vì thế các nhà tư bản có sức mạnh kinh tế và chính trị lớn hơn. Điều đó cũng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng bởi những người nhận được phần lớn thu nhập từ tư bản có xu hướng giàu có hơn.

Sự bất ổn ở phương Tây

Mặc dù mô hình hiện nay đã tạo ra một tầng lớp tinh hoa đa dạng hơn (về cả giới tính và chủng tộc), việc thiết lập mô hình kinh tế thị trường tự do làm tình trạng bất bình đẳng trở nên ngày càng sâu sắc. Những người giàu có nhất ngày nay có thể cho rằng vị thế của họ xuất phát từ công việc của họ, mà che giấu những lợi thế họ có được từ hệ thống và từ các xu hướng xã hội khiến sự phát triển của tầng lớp thượng lưu, nhóm ngày càng trở nên có quyền lực vượt trội so với phần còn lại của xã hội. Tại Mỹ, 10% số người sở hữu nhiều tài sản nhất sở hữu tới hơn 90% các tài sản chính. Giai cấp thống trị có trình độ học vấn cao, nhiều người trong số đó làm việc với thu nhập cao đến từ nguồn lao động đó. Họ có xu hướng tin rằn ghọ xứng đáng với địa vị và thu nhập cao.

Giới tinh hoa này chú trọng đầu tư vào thế hệ kế tục họ và thiết lập quyền kiểm soát về mặt chính trị. Bằng cách đầu tư vào giáo dục cho con cái, họ đảm bảo cho thế hệ tương lai có thể đạt được các công việc có mức thu nhập cao và duy trì được địa vị giới tinh hoa, vốn được gắn với tri thức và giáo dục. Tầng lớp này cũng mở rộng tầm kiểm soát chính trị bằng cách đầu tư vào các cuộc bầu cử, đội ngũ cố vấn chính sách, trường đại học,… Điều này cho phép họ can thiệp vào việc định hình khung khổ luật pháp liên quan tới thừa kế di sản của họ có thể dễ dàng được chuyển giao cho thế hệ tiếp theo. Cả hai yếu tố này (nền giáo dục được thủ hưởng và tài sản được kế thừa) đảm bảo duy trì sự tồn tại và phát triển của giai cấp thống trị.

Tầng lớp thượng lưu sẽ không thể tồn tại nếu nó không thể kiểm soát về mặt chính trị. Trong quá khứ, điều này xảy ra một cách tự nhiên; tầng lớp chính trị  hầu hết thuộc giới người giàu, và do đó, các chính trị gia và những người giàu có chung quan điểm và lợi ích. Tuy nhiên, ngày nay các chính trị gia có thể xuất thân từ bất kể tầng lớp xã hội và hoàn cảnh nào, và quan điểm của họ có thể khác biệt lớn với giới thượng lưu. Các Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama ở Mỹ và Thủ tướng Margaret Thatcher và John Major ở Anh đều xuất thân từ tầng lớp bình dân trong xã hội, song đã hỗ trợ khá hiệu quả cho lợi ích của nhóm giàu có.

Trong một nền dân chủ hiện đại, nhóm giàu có sử dụng các khoản đóng góp hoặc tài trợ nhằm vận động các nhà hoạch định chính sách và cơ quan truyền thông để thâu tóm các chính sách kinh tế mang lại lợi ích cho họ như: hạ mức thuế đánh vào các nguồn thu nhập cao, tăng mức khấu trừ thuế, cắt giảm thủ tục pháp lý,..  Kết quả là, những chính sách này giúp duy trì vị thế của nhóm giàu có và hình thành các móc nối chính trị để đạt được lợi ích kinh tế tối ưu cho tầng lớp giàu có. Nếu giới thượng lưu không mở rộng ảnh hưởng về chính trị, họ vẫn sẽ duy trì được vị thế của mình khi họ chi ngân sách cho các cuộc bầu cử và xây dựng các thể chế xã hội dân sự của riêng mình, song vị thế của tầng lớp thượng lưu vẫn có thể bị thách thức.

Khi tầng lớp thượng lưu trong hệ thống kinh tế thị trường tự do theo chế độ trọng dụng nhân tài bị chia rẽ, phần còn lại của xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Tâm lý lo ngại về toàn cầu hóa ở phương Tây phần lớn là do chênh lệch lớn giữa một bên là số ít người tầng lớp thượng lưu và một bên là phần đông tầng lớp bình dân – những người ít nhận được lợi ích từ toàn cầu hóa và thường coi thương mại toàn cầu và nhập cư là nguồn gốc của tình trạng bất bình đẳng này. Tình huống này rất giống với những gì từng được gọi “sự chia rẽ” của các xã hội ở thế giới thứ ba như ở Brazil, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1970. Khi giai cấp tư sản ở những nước này tham gia vào hệ thống kinh tế toàn cầu, các nhóm còn lại bị bỏ lại phía sau. Vấn đề này thường được cho là chỉ ảnh hưởng đến các nước đang phát triển nhưng rõ ràng các nước phát triển cũng không phải ngoại lệ.

(còn tiếp)

Người dịch: Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn: Branko Milanovic – The clash of capitalisms. The real fight for the global economy’s future – Foreign Affairs – January/February 2020.

TN 2020 – 71, 72

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s