Theo eurasiareview.com, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan vừa qua tại Campuchia đã gây sự chia rẽ trong nội bộ, cho thấy sự gắn kết và vai trò của tổ chức khu vực 55 tuổi này đang dần suy giảm, trừ phi có sự cải tổ lớn.
ASEAN cần giải quyết các vấn đề quan trọng còn tồn tại, những vấn đề tiếp tục định hình quan điểm và nhận thức hiện có về sự gắn kết, uy tín và vai trò của ASEAN.
Khi cố gắng áp dụng Phương thức ASEAN và thể hiện vai trò trung tâm trước các cường quốc bên ngoài, với hy vọng giảm bớt tác động của cuộc tranh giành quyền lực ở khu vực, điều đó lại càng phản tác dụng khi uy tín và lòng tin của ASEAN bị sụt giảm trong một thời gian dài và hiệp hội này không thể hành động trong nhiều lĩnh vực và quyết định quan trọng.
Trong khi mong muốn của ASEAN là duy trì thế cân bằng đã có từ lâu và thích ứng với tác động của cuộc cạnh tranh giành ưu thế về quân sự và kinh tế trong khu vực, các cường quốc cạnh tranh ngày càng tỏ ra táo bạo và chán nản với việc ASEAN không đứng về bên nào. Điều này dẫn đến các hành động quyết đoán, trực tiếp và táo bạo hơn trên thực địa, vừa gia tăng việc sử dụng “cây gậy” so với “củ cà rốt” để thúc đẩy các quốc gia thành viên ủng hộ nỗ lực địa chính trị của các cường quốc cạnh tranh.
Chừng nào ASEAN vẫn còn ảo tưởng về ai trò trung tâm từ thời Chiến tranh Lạnh, tách rời khỏi thực tế về các thay đổi cấu trúc địa chính trị và mối đe dọa hiện nay, khi sự suy giảm nhanh chóng về vai trò, ảnh hưởng và cuối cùng là sự tan rã là điều không thể tránh khỏi. Tổ chức này cũng thiếu kế hoạch và chiến lược quản lý xung đột hiệu quả, đáng tin cậy và mang tính tương lai trong việc đối phó với nguy cơ tiềm ẩn của một cuộc xung đột toàn diện ở Đài Loan hoặc Biển Đông.
Mỹ và phương Tây hiện coi ASEAN là một tổ chức khó có thể thành công. Về cơ bản, ASEAN đang chấp nhận các biện pháp quốc phòng và quân sự trực tiếp hơn, đặc biệt là trong việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ quân sự và cho phép Mỹ triển khai các lực lượng và căn cứ tại các quốc gia thành viên, để có các biện pháp phòng thủ và răn đe lớn hơn chống lại các mối đe dọa khác nhau, mặc dù mục tiêu dự kiến vẫn rõ ràng.
Trung Quốc coi ASEAN là một “con hổ giấy”. Bắc Kinh nhận ra rằng ngay cả khi là một khối thống nhất, ASEAN chỉ có thể tập hợp sức mạnh ngoại giao để phản đối các biện pháp đã được thực hiện mà không có sức mạnh răn đe cứng rắn thật sự.
ASEAN đã cố gắng làm cả hai, bằng cách tận dụng lập trường không liên kết và vai trò trung tâm của mình để có thể nhận được nhiều lợi ích nhất từ tất cả các bên. ASEAN muốn gặt hái những lợi ích từ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, song cũng muốn hưởng lợi từ các viện trợ và hứa hẹn về các công cụ kinh tế và phát triển từ Nhật Bản, EU và thậm chí cả Ấn Độ.
Tổ chức này đã cố gắng duy trì thiện chí đối với Trung Quốc, tiếp tục tiếp nhận vốn, hỗ trợ kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thương mại và đầu tư của Bắc Kinh, để làm cầu nối cần thiết nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong từng quốc gia thành viên cũng như trong nội khối.
Nga có vai trò không thể thay thế, là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng và giúp đảm bảo các nhu cầu về an ninh của các quốc gia thành viên ASEAN.
Với Mỹ, ASEAN mong muốn nhận được nhiều hơn từ Washington, được thể hiện rõ ràng qua yêu cầu của nhóm này về nguồn vốn, đầu tư lớn hơn và mở cửa thị trường. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) được xem là một phần nhỏ so với những gì BRI có thể mang lại. Tuy nhiên, ASEAN không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ nguyên tắc và cam kết về IPEF dựa trên các mục tiêu có giá trị cao hơn và sự cần thiết phải hợp tác với Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. ASEAN không muốn tham gia vào kế hoạch quân sự của Mỹ trong khu vực, dù là nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh hay như một động thái phòng thủ trấn an, đồng thời bày tỏ lo ngại về thỏa thuận an ninh 3 bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) cũng như cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng, nhưng tiếp tục không có giải pháp thực sự nào để đối phó với phương Tây.
Mong muốn của ASEAN dựa vào việc tham gia các tổ chức đa phương mở rộng, thông qua các khuôn khổ hiện có bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và các khuôn khổ khác, để tiếp tục hoạt động như một bộ máy quản lý các xung đột sẽ không còn phục vụ mục tiêu đã được đặt ra khi các biện pháp răn đe bị suy giảm, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tự tin và táo bạo trong việc thể hiện sức mạnh cứng.
“Cơn khát” của ASEAN về vốn và phát triển của nước ngoài bất chấp những lo ngại về an ninh rất rõ ràng cùng những hệ lụy kèm theo và cả nỗ lực che đậy các rào cản chính trị nhạy cảm và đối đầu, sẽ chỉ làm mọi việc trở nên phức tạp hơn. Bắc Kinh chắc chắn sẽ muốn tận dụng việc tổ chức khu vực này lệ thuộc vào họ ở góc độ vốn và phát triển, trong bối cảnh sự lệ thuộc một chiều này rõ ràng nghiêng về hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Hy vọng của các nhà hoạch định chính sách ASEAN và khu vực về việc tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy các biện pháp ngăn ngừa xung đột thông qua nền tảng đối thoại mở rộng và các biện pháp xây dựng lòng tin, cũng như làm sâu sắc thêm triển vọng về tác động lan tỏa thông qua việc gia tăng các sáng kiến ngoại giao kênh 2, 3 và liên doanh phát triển ở các vùng lãnh thổ tranh chấp, sẽ không hiệu quả chừng nào nguyên nhân gốc rễ của những lo ngại và xung đột lợi ích giữa các cường quốc bên ngoài và các nước thành viên chưa được giải quyết.
Nếu ASEAN không có cách tiếp cận mạnh dạn và thực tế để nắm bắt thực tế cũng như nhu cầu hiện tại, đồng thời thay đổi các nguyên tắc phi thực tế và lỗi thời, xây dựng một khối khu vực kiên cường, tự cường và tự lực, độc lập trước sự lôi kéo và không dựa dẫm vào bên ngoài, thì tổ chức này sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong mớ bòng bong của những nhu cầu cần thiết được trợ giúp từ bên ngoài, như an ninh và kinh tế, đồng thời bị sa lầy bởi những chia rẽ và bất ổn nội bộ.
Sự sợ hãi và hoài nghi giữa các quốc gia thành viên ASEAN vẫn phổ biến nếu không muốn nói là ngày càng gia tăng. Hội nhập kinh tế và văn hóa xã hội trong khu vực vẫn còn ảm đạm, thậm chí còn thụt lùi. Điều này diễn ra song song với sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực hữu và xu hướng ưu tiên các nhu cầu của từng nước hơn là những mục tiêu tập thể và cộng đồng.
ASEN cần sự nuôi dưỡng từ bên ngoài, vì vậy, cần tiếp tục các tiếp cận không liên kết trước đây, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên. Khối này nhìn thấy tương lai trung hạn và nhu cầu của sự tiến bộ trong khu vực thông qua việc duy trì mối quan hệ với tất cả các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu hiện tại và trung hạn cần quyết định hướng đi cho ASEAN và hầu hết các quốc gia thành viên đều cần lựa chọn giữa những món hời ngắn hạn và nhanh chóng từ Bắc Kinh, hay những đề nghị dựa trên giá trị và nguyên tắc mơ hồ trong dài hạn của phương Tây?
Nguồn: TKNB – 21/11/2022