Mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo ở Trung Quốc
Ở châu Á, toàn cầu hóa lại được nhìn nhận theo một cách khác, là một nhân tố tích cực. Trớ trêu thay, chính việc theo đuổi mô hình chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc đã đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949 bằng cách tiến hành đồng thời cuộc cách mạng dân tộc (chống lại sự thống trị của nước ngoài) và cuộc cách mạng xã hội (chống chế độ phong kiến), nhằm quét sạch mọi tư tưởng và phong tục được cho là làm trì trệ quá trình phát triển kinh tế và tạo ra sự phân chia giai tầng. (Ngược lại so với cuộc đấu tranh giành độc lập ít triệt để hơn của Ấn Độ khi nước này vẫn chưa xóa bỏ được hệ thống đẳng cấp). Về lâu dài, cuộc cách mạng này là tiền đề cho việc tạo ra một giai cấp tư sản bản địa để vực dậy nền kinh tế. Các cuộc cách mạng ở Trung Quốc đóng vai trò tương tự như sự trỗi dậy của giai cấp tư sản ở châu Âu thế kỷ XIX.
Ở Trung Quốc, quá trình chuyển đổi từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản diễn ra nhanh chóng dưới sự kiểm soát của một nhà nước đầy quyền lực. Trong khi đó, chế độ phong kiến ở châu Âu phải mất vài thế kỷ mới bị xóa sổ do nhà nước có rất ít vai trò trong quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản. Với lịch sử như vậy, không có gì ngạc nhiên khi mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo ở Trung Quốc thường có đặc điểm chung là đề cao vai trò của nhà nước.
Hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo có ba đặc điểm. Thứ nhất, nhà nước được điều hành bởi một bộ máy kỹ trị và có quyền lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, mặc dù nhà nước đưa ra hệ thống pháp luật, song thường thì chúng được áp dụng một cách tùy tiện, phần lớn là vì lợi ích của giới tinh hoa, những người có thể sử dụng quyền lực của mình để thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp hoặc dùng luật pháp để trừng phạt các thế lực chống đối. Sự tùy tiện trong nền pháp trị trong các xã hội này tạo ra đặc điểm thứ ba của hệ thống này đó là: sức mạnh tự chủ tuyệt đối của nhà nước. Để nhà nước có thể đưa ra các hành động quyết đoán, cần thiết phải thoát khỏi những ràng buộc pháp lý. Sự xung đột giữa hai nguyên tắc đầu tiên, giữa chế độ bộ máy quan liêu kỹ trị và việc áp dụng luật pháp lỏng lẻo là cơ sở dẫn tới nạn tham nhũng – một vấn đề thường thấy trong hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những đặc điểm trên đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia châu Á. Trong khoảng thời gian 27 năm, tính đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Trung Quốc đạt khoảng 8% so với mức tăng trưởng chỉ 2% ở Mỹ. Mặt trái của tăng trưởng siêu tốc ở Trung Quốc là mức độ bất bình đẳng tăng lên nhanh chóng. Trong giai đoạn 1985 – 2010, hệ số Gini của Trung Quốc nhạy vọt từ 0,3 đến khoảng 0,5 cao hơn so với Mỹ và tiệm cận với các nước Mỹ Latinh. Bất bình đẳng ở Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt ở cả khu vực nông thôn và thành thị, và thậm chí còn tăng cao hơn nữa ở cấp độ quốc gia vì chênh lệch bất bình đẳng ngày càng tăng lên giữa các vùng miền. Sự bất bình đẳng cũng tăng rõ rệt ở các khía cạnh khác nhau: tỉnh giàu và tỉnh nghèo, lao động kỹ năng và lao động thiếu kỹ năng, nam và nữ, khu vực tư nhân và khu vực nhà nước.
Một điểm đáng chú ý của tầng lớp tư sản mới ở Trung Quốc là phần lớn họ có xuất phát điểm thấp với khoảng gần 80% trong số họ có cha mẹ là nông dân hoặc tầng lớp lao động chân tay. Sự chuyển đổi tầng lớp giữa các thế hệ này không có gì đáng ngạc nhiên khi chiến thắng của chính quyền cộng sản năm 1949 và sau đó là cuộc Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960 đã xóa sổ gầng như hoàn toàn giai cấp tư sản ở Trung Quốc. Nhưng sự biến đổi này có thể không tiếp diễn trong tương lai, khi mà việc tập trung sở hữu tư bản, chi phí giáo dục tăng và tầm quan trọng của việc chuyển giao tài sản và quyền lực giữa các thế hệ ở Trung Quốc bắt đầu phản ánh đúng những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây.
Tuy nhiên, so với tầng lớp tư sản ở phương Tây, tầng lớp tư sản mới này ở Trung Quốc có thể còn hơn là một giai cấp. Các hình thức sở hữu theo kiểu “byzantine” của Trung Quốc, ở cả cấp địa phương và quốc gia, làm mờ đi ranh giới giữa khu vực công và tư nhân, cho phép giới lãnh đạo chính trị kiềm chế quyền lực của nhà tư sản mới.
Trong khoảng một nghìn năm qua, Trung Quốc luôn có chính quyền mạnh với sự tập trung quyền lực tuyệt đối, điều này đã ngăn cản tầng lớp thương gia trở thành một trung tâm quyền lực độc lập. Theo học giả người Pháp Jacques Gernet, những thương nhân giàu có dưới triều đại nhà Tống ở thế kỷ XIII không bao giờ thành công trong việc thiết lập một giai cấp quyền lực vì nhà nước luôn kìm hãm quyền lực của họ. Mặc dù các thương nhân tiếp tục giàu có xét về mặt cá nhân (như các nhà tư sản mới hiện nay ở Trung Quốc), song họ không bao giờ thiết lập được một vị thế quyền lực chính trị rõ ràng cùng với các chiến lược cụ thể cho nhóm lợi ích của họ. Theo Gernet, kịch bản này khác biệt lớn hơn so với tình hình ở Italy thời Trung cổ hay các quốc gia vùng đất thấp nằm ở khu vực ven biển Tây Bắc châu Âu thời kỳ cận đại. Xu hướng các nhà tư sản mở rộng tiềm lực kinh tế mà không có quyền lực chính trị có thể sẽ tiếp tục ở Trung Quốc cũng như ở các nước theo hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo khác.
Sự va chạm giữa hai mô hình
Khi Trung Quốc mở rộng vai trò của mình trên trường quốc tế, mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo của nước này luôn có sự xung đột với mô hình kinh tế thị trường tự do theo chế độ trọng dụng nhân tài của phương Tây. Mô hình của Trung Quốc có thể thay thế mô hình của phương Tây ở nhiều nước trên thế giới.
Lợi thế của mô hình thị trường tự do của phương Tây dựa vào hệ thống chính trị dân chủ. Tất nhiên, dân chủ là mong muốn trong chính nội tại của mô hình, song nó cũng có một lợi thế về mặt công cụ. Bằng việc tham vấn người dân thường xuyên, dân chủ cho phép điều chỉnh mạnh mẽ đối với các xu hướng kinh tế và xã hội gây bất lợi cho lợi ích chung. Ngay cả khi có những quyết định chính sách dẫn tới làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng ô nhiễm hoặc giảm tuổi thọ, quyết định mang tính dân chủ có thể khắc phục những sai lầm đó trong một khoảng thời gian khá ngắn.
Trong khi đó, mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo chú trọng tới mục tiêu quản lý nền kinh tế hiệu quả hơn và tốc độ tăng trưởng cao hơn. Thực tế là Trung Quốc đã trở thành quốc gia thành công nhất về kinh tế trong nửa thế kỷ qua, cho phép nước này có thể gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị một cách chính danh. Điều đó được thể hiện rõ nhất thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một dự án đầy tham vọng để liên kết hệ thống cơ sở hạ tầng giữa các lục địa thông qua nguồn vốn tài trợ từ Trung Quốc. Đây là chiến lược mang tính thách thức về mặt ý thức hệ đối với phương Tây. Trong khi phương Tây tập trung vào việc xây dựng các thể chế, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng cứng. Thông qua sáng kiến BRI, các quốc gia đối tác của dự án này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Thậm chí, Bắc Kinh còn có kế hoạch thiết lập cơ quan tòa án riêng để xử lý các tranh chấp đầu tư trong tương lai, một sự đảo ngược hoàn toàn đối với một đất nước mà trong thế kỷ XIX đã bị người Mỹ và người châu Âu ở Trung Quốc từ chối tuân theo luật pháp Trung Quốc.
Nhiều quốc gia sẵn lòng tham gia vào sáng kiến BRI. Nguồn đầu tư của Trung Quốc sẽ giúp các quốc gia này phát triển hệ thống đường bộ, bến cảng, đường sắt và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác, mà không đi kèm với các điều kiện thường thấy của các khoản đầu tư từ phương Tây. Trung Quốc không quan tâm đến các chính sách đối nội của các quốc gia tiếp nhận; thay vào đó, họ nhấn mạnh vào việc đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia. Cách tiếp cận này của Trung Quốc thực sự thu hút lãnh đạo của các nước trong khu vực. Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng các thể chế quốc tế, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, theo như cách mà Mỹ đã đi đầu trong việc thành lập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ QUốc tế sau Thế chiến II.
(còn tiếp)
Người dịch: Nguyễn Tuấn Anh
Nguồn: Branko Milanovic – The clash of capitalisms. The real fight for the global economy’s future – Foreign Affairs – January/February 2020.
TN 2020 – 71, 72