Tập đoàn Lego đã chọn Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên. Theo trang tiếng Anh của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) ngày 11/01, động thái này phản ánh cách thức các tập đoàn đa quốc gia có cùng chí hướng đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Thiệt hại đầu tư trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên mối lo ngại ở Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích giải thích các lợi ích của Đông Nam Á bị hạn chế như thế nào.
Tập đoàn Lego vừa động thổ xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên ở châu Á và sẽ khai trương vào năm 2023. Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Lego, cho biết: “Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đầu tư mở rộng hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và hợp tác với các công ty nước ngoài đang tìm kiếm đầu tư chất lượng cao. Đây là một yếu tố khiến Lego quyết định xây dựng tại Việt Nam”.
Dù nhiều công ty chọn Việt Nam để mở rộng hoạt động sản xuất, nhưng những người trong ngành cho rằng Việt Nam đơn lẻ không thể thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc, vốn là điểm đến đầu tư sản xuất của thế giới trong những thập kỷ gần đây.
Sự cạnh tranh đó dự kiến sẽ ngày càng gay gắt khi cả chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng cao bằng nhiều ưu đãi khác nhau. Và không chỉ riêng hai nước này làm như vậy. Khi toàn bộ Đông Nam Á đang tìm cách giành lấy “một miếng bánh sản xuất” của Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc khó có thể duy trì sự thống trị trong dài hạn.
Làn sóng đầu tư và chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây thực sự khiến Trung Quốc lo ngại về việc đánh mất hoạt động kinh doanh sản xuất vào tay Việt Nam. Ông David Dapice, nhà kinh tế cấp cao của các chương trình Việt Nam và Myanmar tại Trung tâm Đổi mới và Quản trị dân chủ của Đại học Harvard nhận định: “Chừng nào còn có FDI và có sẵn lao động thì “miếng bánh xuất khẩu” của Trung Quốc sẽ chạy sang Việt Nam, nhưng không nhiều. Với 7% dân số Trung Quốc, Việt Nam sẽ không thể thay thế hơn một phần nhỏ hàng xuất khẩu của Trung Quốc”.
Ông Zhang Monan, Phó Giám đốc Việt Nghiên cứu châu Mỹ và châu Âu tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho rằng các quốc gia cần một hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh và thị trường nội địa khổng lồ để có thể trở thành công xưởng của thế giới. Những tiêu chí này khiến Việt Nam rơi vào thế bất lợi trong việc thay thế Trung Quốc.
Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp Deep C, phân tích: “Việt Nam không thể trở thành công xưởng của thế giới. Đó là lý do tại sao Việt Nam nên khôn ngoan và lựa chọn cẩn thận loại hình đầu tư muốn thu hút và phải cực kỳ sáng tạo trong việc thu hút đầu tư vì Việt Nam sẽ sớm cạn kiệt nhân lực, năng lượng và đất đai, điều mà Trung Quốc sẽ không bao giờ cạn”.
Ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp của chương trình nghiên cứu Việt Nam tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), cho rằng dù Việt Nam sẽ không bao giờ thay thế Trung Quốc nhưng toàn bộ Đông Nam có thể làm được việc này trong dài hạn.
Nguồn: TKNB – 13/01/2023