Sự va chạm giữa các mô hình kinh tế thị trường tư bản: Cuộc chiến thực sự cho tương lai nền kinh tế toàn cầu – Phần cuối


Một lý do khác giải thích cho việc Bắc Kinh trở nên chủ động hơn trên trường quốc tế. Nếu Trung Quốc không đẩy mạnh quảng bá mô hình thể chế riêng của mình trong khi để cho phương Tây tiếp tục thúc đẩy các giá trị của chủ nghĩa tư bản tự do ở Trung Quốc, thì người dân Trung Quốc dễ bị thu hút bởi các thể chế phương Tây. Những bất ổn hiện nay ở Hong Kong không có cơ hội xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác ở Trung Quốc, song điều này thực sự cho thấy sự bất mãn của người dân Hong Kong về việc chính phủ áp dụng luật pháp một cách tùy tiện. Việc chính phủ siết chặt kiểm duyệt Internet cũng là một vấn đề gây bức xúc đối với thế hệ trẻ và tài năng.

Bằng cách đưa ra đánh giá về lợi thế của việc mở rộng mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo ở trên thế giới, Trung Quốc muốn làm giảm mức độ hấp dẫn của mô hình kinh tế thị trường tự do của phương Tây đối với công dân của mình. Sự mở rộng mô hình này ra bên ngoài về cơ bản chính là nhân tố quyết định tới sự tồn vong của mô hình này ở trong nước. Dù quan hệ chính thức hay không chính thức với các quốc gia cùng đi theo mô hình này, Trung Quốc vẫn phải gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn đối với các thể chế quốc tế – điều mà các quốc gia ở phương Tây đã nỗ lực xây dựng trong hai thế kỷ qua để phục vụ lợi ích cho phương Tây.

Tương lai của chủ nghĩa tư bản

John Rawls, nhà triết học theo chủ nghĩa tự do hiện đại, lập luận rằng một xã hội ưu việt phải tạo dựng được quyền tự do cơ bản đối với tài sản và thu nhập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng nhiều người sẵn sàng đánh đổi các quyền dân chủ để có thu nhập cao hơn. Nhìn một cách đơn giản rằng hoạt động sản xuất trong công ty cần được phân cấp theo hệ thống thứ bậc nhất định, chứ không thể vận hành dựa trên cơ chế dân chủ. Nugời lao động không thể tự do sản xuất những gì họ muốn hoặc lựa chọn cách thức sản xuất nhữgn sản phẩm này. Phân cấp là cách thức tổ chức sản xuất tạo ra hiệu quả cao hơn và để đạt được mức tiền lương cao hơn. Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà triết học người Pháp Jacques Ellul đã từng viết “Công nghệ chính là ranh giới của dân chủ, nếu công nghệ thắng thì dân chủ thua”. Tương tự, các quyền dân chủ có thể sẵn sàng bị từ bỏ để cho thu nhập cao hơn.

Trong thế giới phát triển nhanh và tốc độ thương mại hóa cao như ngày nay, người dân hiếm khi có thời gian, kiến thức hoặc mong muốn tham gia nghĩa vụ công dân trừ các vấn đề liên quan trực tiếp đến họ. Ở Mỹ, một trong những nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới, trong cuộc bầu cử tổng thống, người giành chiến thắng thường cũng chỉ vừa đủ dành được hơn một nửa số cử tri đi bầu cử. Xét về khía cạnh này, mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo khẳng định tính ưu việt của nó.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là để có thể chứng minh tính ưu việt, hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo cần phải liên tục tạo ra được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Như vậy, trong khi những lợi thế của hệ thống kinh tế thị trường tự do là sẵn có thì những lợi thế của hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo khởi đầu tương đối bất lợi khi phải chứng minh tính ưu việt về mặt thực nghiệm của nó. Nó cũng phải đối mặt với hai vấn đề nữa. Liên quan đến chủ nghĩa tư bản tự do, hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo có xu hướng tạo ra các chính sách yếu kém và hiệu quả xã hội thấp mà khó có thể đảo ngược tình thế vì những người nắm quyền lực không có động lực để thay đổi hướng đi. Nó cũng có thể dễ dàng gây ra sự bất mãn khi mà tham nhũng trở thành vấn đề mang tính hệ thống bởi hệ thống luật pháp thiếu rõ ràng.

Hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo cần phải chứng tỏ khả năng quản lý xã hội tốt hơn, tốc độ tăng trưởng cao hơn và quản trị hiệu quả hơn (bao gồm cả hệ thống tòa án). Khác với tâm lý tương đối thoải mái trong việc xử lý các vấn đề trong hệ thống kinh tế thị trường tự do, hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo luôn bị đặt các áp lực phải giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, đây có thể được coi là một lợi thế theo quan điểm của Darwin: do áp lực liên tục, hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo phải liên tục hoàn thiện năng lực quản lý điều hành nền kinh tế và áp lực tạo ra tăng trưởng cao hơn so với mô hình tư bản tự do. Như vậy, những bất lợi ban đầu lại trở thành một lợi thế cho mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo.

Nhưng liệu các nhà tư sản mới của Trung Quốc sẽ mãi chấp nhận một thực tế rằng các quyền chính thức của họ có thể bị hạn chế hoặc thu hồi bất cứ lúc nào? Hay khi họ trở nên mạnh hơn và đông đảo hơn, liệu họ có tổ chức lại và gây ảnh hưởng tới nhà nước, và cuối cùng, thâu tóm lấy nó, như đã xảy ra ở Mỹ và châu Âu? Con đường đi của phương Tây được Karl Marx phác họa có logic chặt chẽ: sức mạnh kinh tế có xu hướng giải phóng chính nó và bảo vệ hay áp đặt các lợi ích riêng của nó. Nhưng theo hồ sơ theo dõi gần 2000 năm về mối quan hệ bất bình đẳng giữa nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy một trở ngại lớn đối với Trung Quốc nếu đi theo con đường tương tự như phương Tây.

Câu hỏi quan trọng là liệu các nhà tư sản của Trung Quốc có thể kiểm soát nhà nước không và nếu làm vậy, họ sẽ cần phải sử dụng cơ chế dân chủ đại diện. Ở Mỹ và châu Âu, các nhà tư sản đã áp dụng biện pháp này một cách thận trọng theo liệu pháp vi lượng đồng căn khi nhượng quyền thương mại dần mở rộng và phải dừng lại bất cứ khi nào có mối đe dọa tiềm tàng đối với các tầng lớp sở hữu tài sản (như ở Anh sau Cách mạng Pháp, khi quyền bỏ phiếu thậm chí còn bị hạn chế nhiều hơn). Nếu nền dân chủ Trung Quốc được hình thành, nó sẽ giống với bất kỳ nền dân chủ nào khác trên thế giới ngày nay, nghĩa là về pháp lý ai cũng có quyền bầu cử. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử, sự thiếu ổn định và sự hạn chế về quy mô của các tầng lớp tư sản ở Trung Quốc, vị thế của tầng lớp trung lưu có được duy trì hay không vẫn còn là câu hỏi. Tầng lớp này đã thất bại trong giai đoạn đầu của thế kỷ XX dưới thời Trung Hoa Dân Quốc (năm 1912 đến 1949); tuy nhiên sau hơn 100 năm thử thách, vị thế của nó mới được thiết lập lại với thành công lớn hơn.

Điểm hội tụ của hai mô hình là chế độ tài phiệt?

Tương lai nào cho các xã hội tư bản phương Tây? Câu trả lời xoay quanh việc liệu mô hình kinh tế thị trường tự do có thể tiến lên nấc thang tiến bộ hơn là chủ nghĩa tư bản vị dân, trong đó thu nhập từ cả hai yếu tố sản xuất, vốn và lao động, sẽ được phân bổ đều hơn hay không. Điều này sẽ đòi hỏi phải mở rộng quy mô của nhóm top 10% dân số giàu có nhất hiện nay và tạo cơ hội tiếp cận tới các trường học hàng đầu và các công việc được trả lương cao nhất cho người dân ở bất cứ tầng lớp xã hội nào.

Để đạt được mức độ bình đẳng cao hơn, các quốc gia nên tạo dựng các ưu đãi thuế để khuyến khích tầng lớp trung lưu nắm giữ nhiều tài sản chính hơn, đánh thuế thừa kế cao hơn đối với những người giàu, cải thiện giáo dục công miễn phí và thiết lập các chiến dịch bầu cử được tài trợ công khai. Các biện pháp này sẽ giúp mở rộng quyền sở hữu vốn và kỹ năng của mọi người trong xã hội. Chủ nghĩa tư bản vị dân sẽ giống như chủ nghĩa tư bản dân chủ xã hội liên quan tới vấn đề bất bình đẳng, song ở một loại bình đẳng khác; thay vì tập trung vào phân phối lại thu nhập, mô hình này sẽ tìm kiếm sự bình đẳng lớn hơn về tài sản, cả về tài chính và về kỹ năng. Khác với chủ nghĩa tư bản dân chủ xã hội, chủ nghĩa tư bản vị dân sẽ chỉ theo đuổi các chính sách phân phối vừa phải (như tem thực phẩm và lợi ích nhà ở) bởi vì nó đã đạt được mức bình đẳng lớn hơn.

Nếu chủ nghĩa tư bản vị dân không giải quyết được vấn đề gia tăng bất bình đẳng, hệ thống kinh tế thị trường tự do phương Tây có nguy cơ đi theo một con đường khác, không phải hướng tới chủ nghĩa xã hội mà có xu hướng hội tụ với mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo. Tầng lớp thượng lưu ở phương Tây sẽ trở nên lớn mạnh hơn và sử dụng quyền lực to lớn này để nắm quyền kiểm soát ở các xã hội dân chủ mang tính hình thức ở phương Tây, giống như cách mà giới tinh hoa chính trị ở Trung Quốc lãnh đạo đất nước. Càng có nhiều quyền lực kinh tế và chính trị, chủ nghĩa tư bản tự do càng có xu hướng tập trung quyền lực và trở thành chế độ tài phiệt, tương đồng với một số đặc điểm của hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo. Theo mô hình kinh tế thị trường nhà nước lãnh đạo, chính trị là công cụ để giành được lợi tích kinh tế; trong khi đó, chủ nghĩa tư bản tự do ở phương Tây, các nhà tài phiệt sử dụng quyền lực kinh tế để chinh phục chính trị. Điểm giao thoa cuối cùng của hai hệ thống sẽ giống nhau: sự phát triển tới tột đỉnh của tầng lớp tinh hoa nắm giữ đặc quyền (tầng lớp tinh hoa chính trị hoặc các nhà tài phiệt) và khả năng tái tạo quyền lực vô hạn của giới tinh hoa đó trong tương lai.

Người dịch: Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn: Branko Milanovic – The clash of capitalisms. The real fight for the global economy’s future – Foreign Affairs – January/February 2020.

TN 2020 – 71, 72

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s