Theo bài viết trên trang mạng Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (Trung Quốc) ngày 30/12/2022, sau khi điều chỉnh chính sách phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã tập trung vào phát triển kinh tế, tình hình chính trị ổn định, ngoại giao đa phương hóa, kinh tế phục hồi rõ rệt, lòng tin của người dân đối với đất nước được nâng lên chưa từng có. Về tổng thể, tình hình Việt Nam năm 2022 có ba đặc điểm chính:
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng Đảng
Trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế, trong nước và lãnh đạo chỉ đạo việc thực thi chính sách trong các lĩnh vực, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục coi công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua “Nghị quyết về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa X (2007) trong 15 năm qua về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhấn mạnh trong giai đoạn mới, phải phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững sự trong sạch của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm của giai đoạn phát triển mới.
Cân bằng giữa các nước lớn để tìm kiếm phát triển
Cân bằng quan hệ với các nước, tạo môi trường bên ngoài tốt đẹp để phát triển kinh tế-xã hội vẫn là nội dung chính trong đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài việc giữ thái độ trung lập về các vấn đề nóng như cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi thăm Đài Loan, trong năm 2022, các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số chuyến thăm nước ngoài để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại.
Tuyên bố chung Việt-Trung trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung nhiều vào hợp tác kinh tế-thương mại và một nửa số văn kiện hợp tác liên bộ được ký kết liên quan đến kinh tế và thương mại. Các nước mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc đều là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Chuyến thăm Thái Lan tham dự Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo APEC của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tập trung vào các vấn đề kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lần lượt có chuyến thăm Mỹ, trụ sở Liên hợp quốc, Campuchia và gần đây đã đến thăm Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN. Trong chuyến thăm Mỹ tham dự Hội nghị đặc biệt ASEAN-Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ gặp Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sỹ Leahy mà còn nhấn mạnh sự bổ sung về kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời mong muốn tối đa hóa tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Tối ưu hóa chính sách phòng dịch để ổn định kinh tế
Năm 2022 là năm then chốt để Việt Nam điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch nhằm thúc đẩy kinh tế phục hồi. Trung ương Đảng yêu cầu thực hiện đồng bộ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì chính sách sống chung với COVID an toàn, linh hoạt và thích ứng. Kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ ệt.
Ngoài ra, Triển lãm Quốc phòng quốc tế lần thứ nhất được tổ chức mới đây là sự kiện quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự của Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang không ngừng nâng cao niềm tin xây dựng đất nước giàu mạnh trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh, từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa trên các lĩnh vực, kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm.
Nguồn: TKNB – 04/01/2023