Ngay cả trong những dịp khi luận đề của tôi hóa ra sai, tôi vẫn thường có thể thoát hiểm với một khoản lợi nhuận vì thái độ phê phán của tôi cho phép tôi nhận dạng những thiếu sót trong luận đề của tôi sớm hơn những người khác. Khi tôi ngửi thấy mùi, tôi đã theo quy tắc đầu tư trước và điều tra sau. Khi luận đề là có vẻ hợp lý, điều này thường tạo cho tôi một cơ hội để chuyển thành thắng với lợi nhuận vì có những người khác sẵn sàng tin ở luận đề đó. Việc nhận ra một thiếu sót ở một luận đề tạo cho tôi một điều an ủi; việc không biết tất cả mọi điểm yếu tiềm tàng đã khiến tôi cảnh giác, vì tôi tin tưởng vững chắc rằng mọi luận đề đều có thiếu sót cố hữu.
Dựa trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân, tôi đã lập luận một giả thuyết khá lý thú về thị trường chứng khoán: tôi nêu định đề rằng thị trường chứng khoán biểu diễn lại sự sửa đổi lý thuyết của Popper về phương pháp khoa học cho phù hợp nhiều theo cùng một đường lối như tôi, chỉ với một khác biệt là nó không biết rằng nó đang làm thế. Nói cách khác, nó chấp thuận một luận đề và kiểm định nó; khi nó thất bại, như nó vẫn thường thất bại, nó thử một luận đề khác. Đó chính là điều tạo ra những dao động thị trường. Nó diễn ra ở các cấp độ ý nghĩa khác nhau, và mẫu hình được tạo ra thì mang tính lặp lại, rất giống như những hình dáng bất quy tắc fractal của Mandelbrot [các cơ cấu lặp lại trong đó những hình thể bất quy tắc được lặp lại ở tất cả mọi số tỉ lệ].
Luận đề mà thị trường chấp thuận thường không có gì đặc sắc; nó có thể không đạt đến điều gì hơn là câu nói rằng giá cả các công ty, các tập đoàn hay toàn bộ các thị trường phải đi lên hoặc đi xuống. Trong những trường hợp này, đến lúc một người tham dự nghiền ngẫm hiểu ra vì sao thị trường chấp thuận một luận đề nhất định, có lẽ lúc ấy đã quá muộn – luận đề đó đã bị loại bỏ. Đoán trước những sự dao động bằng cách nghiên cứu các mẫu hình thị trường thì tốt hơn nhiều. Đó chính là điều các nhà phân tích kỹ thuật làm. Tôi không bao giờ đặc biệt quan tâm đến điều này, mà thích đợi một luận đề đặc sắc – tức là một luận đề có tính phản xạ. Dĩ nhiên thị trường đã bắt đầu biểu hiện nó ra trước khi tôi có thể trình bày một luận đề như thế, nhưng tôi vẫn còn có thể đi trước thị trường trong việc trình bày nó. Những luận đề lịch sử, mang tính phản xạ như thế chỉ thể hiện chúng theo cách lúc có lúc không, và giữa những lần thể hiện đó có những thời kỳ không hoạt động gì cả, khi ấy tôi có lẽ tốt hơn là không làm gì.
Tôi hoài nghi liệu mình sẽ vẫn còn có một sự sắc sảo cạnh tranh trong việc nhận ra những luận đề lịch sử rộng lớn nữa hay không, vì bây giờ những người tham dự thị trường đã trở nên ý thức được cái tiềm năng mà tính phản xạ có, ví dụ đã có một sự thay đổi rõ rệt để rời khỏi những đặc điểm cơ bản và hướng tới những suy tính kỹ thuật. Vì niềm tin của những người tham dự vào tầm quan trọng của các đặc điểm cơ bản đã suy giảm, sự phân tích kỹ thuật trở nên quan trọng hơn. Điều này có một số hệ quả đối với sự ổn định của các thị trường, nhưng trước khi xem xét chúng, tôi phải đưa ra một sự phân biệt vẫn đóng một vai trò then chốt trong khung quan niệm của tôi.
Tôi muốn phân biệt giữa những điều kiện gần vị trí cân bằng và xa cân bằng. Tôi đã vay mượn những thuật ngữ này từ “lý thuyết hỗn loạn”, một lý thuyết mà cách tiếp cận của tôi có nhiều quan hệ thân thuộc. Trong những điều kiện gần cân bằng, thị trường hoạt động với những luận đề không có gì đặc sắc, do đó một bước rời khỏi sự cân bằng dễ có khả năng gây ra một bước đối chọi lại nhằm đưa các giá cả trở lại với vị trí nơi chúng xuất phát. Những dao động này giống với những gợn sóng nổi lên trong một bể bơi.
Trái lại, nếu một luận đề có tính phản xạ có thể xác lập được nó, nó sẽ tác động không chỉ các giá cả, mà cả những đặc điểm cơ bản, và một sự đảo ngược sẽ không dẫn đến việc trở lại vị trí xuất phát. Nó sẽ giống nhiều hơn với một con sóng triều hay một đợt lở tuyết. Một chuỗi thực sự bùng nổ/đổ vỡ thâm nhập vào vùng lãnh địa xa vị trí cân bằng. Đó chính là điều tạo cho chúng ý nghĩa lịch sử. Vậy thì đường phân tuyến ở đâu?
Người ta vượt qua bậc thềm của sự mất cân bằng động khi một xu thế thịnh hành trong thế giới thực trở nên phụ thuộc vào một thiên hướng thịnh hành trong tâm trí những người tham dự, và ngược lại. Cả xu thế lẫn thiên hướng khi ấy sẽ phát triển xa hơn khả năng có thể nếu không có một mối liên hệ ngược kép mang tính phản xạ. Ví dụ trong những năm 1990, sự hào hứng của các nhà đầu tư và nhà băng quốc tế đối với các cổ phần và tài sản châu Á đã tạo ra những cuộc bùng nổ nội địa, vốn được thúc đẩy bằng những sự định giá cao và tín dụng dễ dàng. Những cuộc bùng nổ này làm gia tốc sự tăng trưởng trong khu vực đó và tăng những sự định giá, là những điều mà đến lượt chúng lại tạo ra giá trị và khuyến khích dòng vốn tiếp tục chảy vào từ nước ngoài. (Nhưng có một con sâu trong nồi canh: cuộc bùng nổ đã chẳng phát triển xa như nó đã phát triển, nếu như không có việc không chính thức chốt giá đồng USD, một việc đã cho phép các nước chịu đựng một sự thâm hụt thương mại lâu hơn họ lẽ ra nên chịu. Sau sẽ nói thêm về điều này).
Tự thân một thiên hướng thịnh hành thì chưa đủ; nó phải tìm ra cách để trở nên có giá trị bằng việc xác lập hay tăng cường một xu thế trong thế giới thực. Tôi nhận ra rằng điều quan trọng mà tôi đang nêu ra là một sự lặp thừa: khi một liên hệ ngược kép đang hoạt động, chúng ta có thể nói về một sự mất cân bằng động. Nhưng điều quan trọng đáng được nêu ra: tư duy của những người tham dự luôn luôn có thiên hướng, nhưng không phải bao giờ nó cũng chuyển thành một chuỗi bùng nổ/đổ vỡ. Ví dụ cuộc bùng nổ liên hợp công ty đã có thể được dừng lại nếu các nhà đầu tư nhận ra rằng khái niệm tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phần là có thiếu sót ngay khi các công ty liên hợp bắt đầu lợi dụng nó. Cuộc bùng nổ châu Á đã có thể bị chặn lại, giá như các nhà đầu tư và người cho vay nhận ra rằng mặc dầu những dòng vốn chảy vào và những thiếu hụt tài khoản hiện nay của khu vực hiện đang tài trợ cho “những đầu tư sinh lãi”, những đầu tư này sẽ vẫn “sinh lãi” chỉ chừng nào có thể duy trì dòng vốn chảy vào.
Đây chưa phải phần kết của câu chuyện. Điều gì sẽ xảy ra khi mối liên hệ có tính phản xạ giữa những đặc điểm cơ bản và sự định giá được những người tham dự thị trường nhận ra? Điều đó cũng có thể trở thành nguồn gốc của sự không ổn định. Nó có thể dẫn tới một sự nhấn mạnh cái gọi là những nhân tố kỹ thuật, tới việc bỏ qua những đặc điểm cơ bản và sinh ra sự đầu cơ theo đuôi xu thế chung. Làm thế nào có thể giữ được ổn định? Chỉ có thể bằng cách tiếp tục dựa vào cái gọi là những đặc điểm cơ bản, mặc dù có một thực tế rằng chúng phụ thuộc vào sự định giá của chúng ta. Có thể đạt được điều này bằng sự dốt nát. Nếu những người tham dự thị trường không ý thức được tính phản xạ, các thị trường sẽ vẫn ổn định chừng nào một kẽ hở nào đó không cho phép phát triển một quá trình bùng nổ/đổ vỡ. Nhưng làm thế nào có thể giữ được sự ổn định khi những người tham dự thị trường trở nên ý thức được tính phản xạ? Câu trả lời là: nó không thể được tiến hành chỉ bởi một mình những người tham dự thị trường; việc gìn giữ sự ổn định phải trở thành một mục tiêu của chính sách công cộng.
Có thể thấy rằng bản thân khái niệm tính phản xạ cũng mang tính phản xạ. Lý thuyết kinh tế thực sự đã đề cao xu thế tiến tới sự cân bằng, bằng việc bỏ qua tính phản xạ, và nhấn mạnh tầm quan trọng của những đặc điểm cơ bản. Trái lại, lập luận của tôi dẫn tới kết luận rằng không thể bỏ mặc cho các thị trường xoay xở lấy. Việc ý thức được tính phản xạ chỉ giúp vào việc tăng sự không ổn định trừ phi các nhà chức trách cũng ý thức được ngang như vậy, và can thiệp khi sự không ổn định đe dọa tuột khỏi tầm tay.
Vấn đề về sự không ổn định đang trở nên gay gắt hơn. Niềm tin vào những đặc điểm cơ bản đang xói mòn, và hành vi theo đuôi xu thế chung đang tăng lên. Nó được nuôi dưỡng bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhà đầu tư thể chế, những người mà kết quả thực hiện được đo bằng “thực hiện tương đối” hơn là “tuyệt đối”, và bằng những nhà băng trung tâm tiền tệ lớn hoạt động với tư cách là những “người tạo thị trường” trong tiền tệ và giao dịch phái sinh. Họ thu lợi nhờ tình trạng gia tăng biến động với tư cách người tạo thị trường lẫn tư cách người cung cấp các cơ chế phòng rủi ro. Vai trò của các quỹ phòng rủi ro thì mơ hồ hơn: với tư cách những người dùng đòn bẩy, họ đóng góp vào tính biến động, nhưng ở mức độ động cơ thúc đẩy họ là “thực hiện tuyệt đối” hơn là “tương đối”, họ thường đi theo xu thế đối chọi. Vì bản thân các thị trường phát triển theo một cách thức lịch sử, không nên xem nhẹ nguy cơ tăng sự không ổn định.
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của Chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999