Ảo tượng tai hại về việc “có tất cả”
Năm 2015, Anne-Marie Slaughter đã đáp lại Sandberg bằng một bài viết với tựa đề hấp dẫn “Tại sao phụ nữ vẫn không thể có tất cả?”. Trong bài viết này, Slaughter cho rằng lập luận về việc dấn thân gây ảo tưởng tai hại. Trước vô vàn rào cản cấu trúc và văn hóa gây khó khăn hơn cho việc kết hợp sự thành công trong công việc với sự hòa hợp trong gia đình, những phụ nữ ủng hộ lập luận của Sandberg cuối cùng sẽ đi đến chỗ tự trách mình vì không đạt được tất cả. Những trải nghiệm riêng của Slaughter khi cố gắng vừa làm tròn vai trò một quan chức cấp cao trong Chính quyền Obama vừa thực hiện trách nhiệm với gia đình cuối cùng cũng khiến bà tin rằng ai rồi cũng sẽ buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc phải ưu tiên điều gì.
Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ 2022 không ưu tiên bất cứ điều gì. Hay nói đúng hơn, mặc dù văn kiện chứa đựng mộ vài dấu hiệu ngầm của sự ưu tiên – chẳng hạn như phần nói về Trung Đông được đặt sau phần nói về một vài khu vực khác – nhưng những dấu hiệu này mâu thuẫn với nội dung văn kiện. Ví dụ, văn kiện khẳng định Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, nếu so sánh phần nói về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với phần nói về châu Âu, bạn sẽ khó có thể nhận ra rằng có sự khác biệt về mức độ ưu tiên.
Quả thực, đối với từng khu vực địa lý hoặc lĩnh vực chức năng được thảo luận trong văn kiện, danh sách những thách thức cần được giải quyết tiếp tục dài thêm: di cư, phát triển kinh tế, hợp tác công nghệ, tăng cường các thể chế toàn cầu, quản lý hệ thống răn đe về an ninh ở Trung Đông, khí hậu, năng lượng và an ninh lương thực. Không có phần thảo luận về việc phải đánh đổi thứ này lấy thứ kia hay tranh cãi về vấn đề liệu việc chú trọng đến châu Âu có làm giảm giá trị của châu Á hay không, mà chỉ có sự khẳng định rằng việc mở rộng can dự vào từng khu vực sẽ mang lại những lợi ích toàn cầu thông qua một quá trình nào đó chưa rõ ràng.
Chỉ có một thay đổi duy nhất về nội dung chính sách. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ 2022 cuối cùng cũng thừa nhận điều mà nhiều người ở Washington đã nhận ra từ lâu: Kỷ nguyên thay đổi chế độ và xây dựng quốc gia đã kết thúc. Đây là lựa chọn được chào đó, theo đó chính quyền cuối cùng cũng công khai thừa nhận điều mà những người chỉ trích Cuộc chiến chống khủng bố đề cập đến trong nhiều thập kỷ: Việc sử dụng vũ lực để tái tạo xã hội gần như là không thể.
Trên thực tế, văn kiện còn đi xa hơn với lập luận rằng việc chính quyền những nhiệm kỳ gần đây chú trọng truyền bá dân chủ là hành động sai lầm. Văn kiện viết: “Chúng tôi không cho rằng cần phải tái tạo các chính phủ và xã hội ở mọi nơi theo hình ảnh của Mỹ để được an toàn”. Tu nhiên, Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ 2022 tiếp tục ủng hộ nguyên trạng trong hầu hết các lĩnh vực của chính sách an ninh quốc gia trong khi bổ sung thêm những trách nhiệm mới. Văn kiện có thể không sử dụng cụm từ “cạnh tranh nước lớn” từ thời Trump, nhưng lại hoàn toàn ủng hộ chính sách đầy tham vọng này.
Có lẽ cách tiếp cận được lựa chọn này có thể phát huy hiệu quả: Việc tái khẳng định sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế có thể mang lại lợi ích, cho phép Mỹ đạt được một vài trong số các mục tiêu đầy tham vọng của họ. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Sức mạnh của Mỹ hiện đã giảm tương đối so với năm 1992; Mỹ phải đối mặt nhiều đối thủ đáng gờm hơn về tài ch1inh và quân sự, và nền tảng trong nước của họ đã suy yếu. Lợi thế quân sự của Mỹ so với các nước khác đã giảm cả về chất lượng. Thế giới đang trở nên đa cực hơn. Mặc dù cuộc chiến ở Ukraine đã làm nổi rõ hơn nhiều thế mạnh của Mỹ, nhưng nó cũng phơi bày một số hạn chế đối với sức mạnh của họ.
Tuy nhiên, nghị trình này xét cho cùng không kém tham vọng so với Nghị trình tự do thời đơn cực, mà Tổng thống Geroge W. Bush (con) từng mô tả trong bài phát biểu nhậm chức lần thứ hai là không khác gì “mục tiêu tối thượng chấm dứt chế độ chuyên chế trên thế giới”. Chính quyền Biden không chỉ đưa ra chiến lược an ninh quốc gia – chiến lược tập trung vào an ninh và nhu cầu của người dân Mỹ – mà còn đưa ra cam kết xây dựng một thế giới công bằng hơn cho tất cả các nước, bất kể tầm vóc hay sức mạnh ra sao, trong việc thực thi quyền tự do lựa chọn để phục vụ lợi ích của họ.
Như tất cả những phụ nữ từng nỗ lực làm theo lời khuyên của Sandberg cuối cùng đã nhận ra, việc có tất cả thực sự là không thể. Người ta luôn phải đánh đối điều gì đó, cho dù nó liên quan đến việc ngôi nhà của bạn sạch đến đâu, bạn dành bao nhiêu thời gian cho công việc hay con cái bạn dành bao nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử. Phần lớn các bậc phụ huynh còn đi làm đều ngầm xây dựng chiến lược để giải quyết vấn đề này, chấp nhận đánh đổi và lựa chọn các ưu tiên tương ứng. Những người không làm vậy sẽ rơi vào tình trạng kiệt sức.
Quả thực, dấu hiệu của một chiến lược tốt là việc nó phát huy hiệu quả các nguồn lực khan hiếm để đạt được mục tiêu. Như những người chú ý đến các cuộc tranh luận chính trị ở Mỹ đều biết, các nguồn lực của nước này là có hạn. Chi tiêu quốc phòng đã chiếm gần một nửa chi tiêu tùy nghi. Giới chuyên gia lo sợ rằng ngân sách quốc phòng trước năm 2023 có thể vượt quá 1000 tỷ USD/năm. Không chỉ có hạn chế về tài chính, năng lực quản lý và quân sự của Mỹ cũng có hạn. Việc chú ý đến một cuộc khủng hoảng hay một khuv ực nào đó hẳn sẽ khiến họ sao nhãng những vấn đề khác.
Tuy nhiên, Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ 2022 là một kế hoạch không có giới hạn hay lo ngại về nguồn lực khan hiếm. Trong khi tìm cách để có tất cả, Chính quyền Biden bác bỏ quan điểm, về việc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để làm cho phương tiện phù hợp với mục tiêu. Theo đó, kế hoạch này hoàn toàn không có tính chiến lược.
Nguồn: Just Security – 14/10/2022
TLTKĐB – 02/11/2022