Một số khoản đầu tư này là những ý tưởng công nghệ mới. Một số khác là ý tưởng ít liên quan đến công nghệ cao như: thiết kế sản phẩm mới hoặc mô hình kinh doanh mới . Một số có dạng mối quan hệ lâu dài hoặc độc quyền, chẳng hạn như mạng lưới tài xế của ứng dụng taxi. Một số lại là thông tin được mã hóa, như cơ sở dữ liệu thẻ khách hàng thân thiết. Điểm chung của chúng là không tồn tại ở dạng vật chất. Do đó chúng ta gọi chúng là đầu tư vô hình.
Bảng 1 đưa ra một số ví dụ. Ở phía cột bên trái là các khoản đầu tư kinh doanh hữu hình: tòa nhà, thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như phần cứng máy tính, thiết bị khác và xe cộ. Ở phía cột bên phải là các tài sản vô hình: phần mềm, cơ sở dữ liệu, thiết kế, thăm dò khoáng sản, R&D và quy trình kinh doanh. Tuy nhiên, những yếu tố vô hình ở cột bên phải là những khoản chi tiêu mà kế toán doanh nghiệp và quốc gia rất miễn cưỡng coi là đầu tư, nhưng như chúng ta sẽ thấy, trong 40 năm qua, một số chi tiêu này đã được tính vào là đầu tư.
Bảng 1: Ví dụ về đầu tư kinh doanh hữu hình và vô hình
Khoản đầu tư hữu hình | Khoản đầu tư vô hình |
Tòa nhà | Phần mềm |
Thiết bị ICT (ví dụ: phần cứng máy tính, các phương tiện liên lạc | Cơ sở dữ liệu |
Các máy móc và thiết bị khác ngoài ICT | R&D |
Xe cộ | Thăm dò khai thác khoáng sản |
Các sáng tạo về giải trí, văn học và nghệ thuật | |
Thiết kế | |
Đào tạo | |
Nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu | |
Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp |
Nguồn: Phỏng theo Hệ thống Tài khoảng Quốc gia (SNA) 2008, đoạn 10.67 và Bảng 10.2, và Corrado, Hulten và Sichel, 2005. SNA cũng bao gồm tài sản hữu hình là hệ thống vũ khí và tài nguyên sinh vật được nuôi trồng. Tài sản vô hình bao gồm R&D, thăm dò và đánh giá khoáng sản, phần mềm máy tính và cơ sở dữ liệu, cũng như tạo ra các bản gốc nghệ thuật. Các tài sản vô hình khác là những tài sản được nêu trong Corrado, Hulten và Siche, 2005.
Đầu tư vô hình đã tăng trưởng ổn định
Câu chuyện mở rộng đầu tư vô hình giống như trong lĩnh vực thể hình không phải là chuyện bất thường.
Hãy xem xét một lĩnh vực khác quen thuộc với hầu hết mọi người: siêu thị bán lẻ. Nếu bạn thấy mình đang ở trong một siêu thị tự phục vụ của 40 năm trước, nó trông sẽ cũ kỹ, nhưng không phải là không thể nhận ra. Các siêu thị lúc đó, cũng như bây giờ, là những căn phòng lớn đầy kệ, tủ lạnh và tủ đông; khách hàng tự bỏ hàng hóa của mình vào giỏ hàng và đến quầy thu ngân để thanh toán; phía sau khu mua sắm, các xe tải tiếp tế cho siêu thị từ các kho trung tâm. Tất nhiên, các khía cạnh của tài sản hữu hình của một siêu thị đã thay đổi kể từ đó: các cửa hàng đã thay đổi hình thù (một số lớn hơn và đặt ở ngoại ô, một số khác nhỏ hơn nhiều và ở trung tâm thành phố), các quầy thu ngân sử dụng nhiều chip silicon hơn và một vài trong số đó là quầy tự thanh toán. Nhưng những thay đổi này là rấ tnhỏ so với những thay đổi về tài sản vô hình của siêu thị. Ngya từ những năm 1970, mã vạch đã được sử dụng nhiều hơn để theo dõi hàng tồn kho của siêu thị; cho đến những năm 1980 và 1990, điều này đã giúp hình thành các hệ thống được vi tính hóa để quản lý chuỗi cung ứng, gia tăng năng suất ngành một cách đáng kể. Các siêu thị bắt đầu đầu tư vào hệ thống định giá phức tạp; các chiến dịch tiếp thị và xây dựng thương hiệu trở nên tham vọng hơn (bao gồm việc tung ra các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng); các quy trình và hệ thống chi tiết được hỗ trợ bởi công tác đào tạo để nhân viên tuân theo; và hệ thống quản lý để cho phép các cửa hàng và văn phòng trung tâm theo dõi hiệu quả hoạt động, cân bằng lượng hàng tồn kho và lập kế hoạch về các chính sách khuyến mại. Bên cạnh đó, một loạt doanh nghiệp thâm dụng vốn vô hình đã xuất hiện trong lĩnh vực này, từ các đối thủ cạnh tranh trực tuyến sử dụng phần mềm để thay thế các cửa hàng như FreshDirect và Ocado, đến các doanh nghiệp xử lý thông tin để giúp các siêu thị như các chuyên gia dữ liệu khách hàng thân thiết DunnHumby và LMUK.
Các công ty công nghệ phát triển nhanh là những công ty thâm dụng vốn vô hình nhiều nhất. Điều này một phần là do phần mềm và dữ liệu là vô hình, trong khi sức mạnh ngày càng tăng của máy tính và viễn thông lại mở rộng khả năng xử lý của các phần mềm. Nhưng quá trình “phần mềm nuốt chửng thế giới”, theo lời nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen, không chỉ là câu chuyện về phần mềm: nó còn liên quan đến rất nhiều tài sản vô hình khác. Hãy xem xét các thiết kế của Apple và chuỗi cung ứng vô song của nó, điều đã giúp hãng đưa các sản phẩm sang trọng ra thị trường một cách nhanh chóng với số lượng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hoặc mạng lưới tài xế và chủ căn hộ cho thuê mà những gã khổng lồ như Uber và Airbnb đã phát triển, hay bí quyết sản xuất chế tạo của Tesla. Máy tính và Internet là những động lực quan trọng của sự thay đổi hình thái đầu tư này, nhưng sự thay đổi đó đã kéo dài và tồn tại trước khi World Wide Web và thậm chí là Internet và PC ra đời.
Sự gia tăng của đầu tư vô hình trở nên rất rõ ràng nếu chúng ta nhìn vào dữ liệu của nền kinh tế nói chung. Những năm gần đây, các nhà kinh tế đã đo lường các khía cạnh của vốn vô hình không được tính đến trong tài khoản quốc gia và xây dựng các ước tính ngày càng chính xác về lượng đầu tư này. Hình 2.1 sẽ cho chúng ta thấy xu hướng chung này.
Hình 2.1: Đầu tư vô hình và hữu hình tại Mỹ theo thời gian. Dữ liệu là đầu tư kinh doanh của Mỹ vào tài sản vô hình và hữu hình so với sản lượng của lĩnh vực kinh doanh phi nông nghiệp của Mỹ, bao gồm cả sản lượng vô hình. Điểm dữ liệu cuối cùng là năm 2007.
Mặc dù các nhà kinh tế thời kỳ trước không tập trung vào việc đo lường đầu tư vô hình, nhưng trong những năm gần đây, các học giả đã có thể tái tạo lại số tiền mà các doanh nghiệp đã đầu tư vào tài sản vô hình từ nhiều thập kỷ trước.
Trong những năm đầu tiên, ngay cả ở các nước phát triển nhất, đầu tư vô hình chỉ là một hoạt động phụ trong chu kỳ kinh doanh. Như biểu đồ cho thấy, theo thời gian, trạng thái này bắt đầu thay đổi. Đầu tư vô hình đã tăng lên đều đặn. Tỷ trọng đầu tư hữu hình trong toàn bộ nền kinh tế đã tăng chậm hơn và giảm trong một số trường hợp. Ở Hoa Kỳ, có vẻ như đầu tư vô hình đã vượt qua đầu tư hữu hình vào giữa những năm 1990.
Chỉ với Hoa Kỳ, chúng ta mới có thể quay ngược trở lại xa như vậy, còn đối với Vương quốc Anh, chúng ta có một số ước tính của Peter Goodridge và các đồng nghiệp của ông về tới năm 1992 (Goodridge và các cộng sự, 2016). Họ nhận thấy rằng đầu tư vô hình đã vượt qua đầu tư hữu hình vào khoảng cuối những năm 1990 (xem Hình 2.2).
Hình 2.2: Đầu tư vô hình và hữu hình tại Vương quốc Anh theo thời gian. Dữ liệu trên là đầu tư của khu vực thị trường Vương quốc Anh vào tài sản vô hình và hữu hình so với sản lượng của khu vực thị trường Vương quốc Anh, bao gồm cả sản lượng vô hình. Điểm dữ liệu cuối cùng là năm 2014.
Một loạt dự án do EU tài trợ gần đây đã cố gắng thu thập dữ liệu này một cách nhất quán giữa các nước EU. Số liệu về các nền kinh tế lớn của châu Âu được trình bày trong Hình 2.3 và cho thấy dù tỷ trọng tài sản vô hình đang tăng nhưng nó vẫn nhỏ hơn tỷ trọng đầu tư vô hình.
Hình 2.3: Đầu tư vô hình và hữu hình ở châu Âu. Dữ liệu trên là đầu tư của tàon bộ nền kinh tế EU vào tài sản vô hình và hữu hình so với GDP, bao gồm cả sản lượng vô hình. Điểm dữ liệu cuối cùng là năm 2013. Các quốc gia châu Âu bao gồm Áo, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Jonathan Haskel & Stian Westlake – Chủ nghĩa tư bản không có tư bản – NXB CTQG 2021