Các thách thức “vùng xám” nằm trong số những vấn đề an ninh đáng lo ngại mà khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Hoạt động “vùng xám” được định nghĩa là “một nỗ lực hoặc một loạt nỗ lực ngoài khuôn khổ các biện pháp răn đe và đảm bảo trong trạng thái ổn định nhằm đạt được những mục tiêu an ninh mà không phải trực tiếp sử dụng vũ lực trên quy mô lớn. Khi sử dụng chiến thuật “vùng xám”, chủ thể hành động sẽ tìm cách tránh vượt ngưỡng chiến tranh”. Có nhiều dạng chiến thuật ép buộc “vùng xám” khác nhau, bao gồm tuyên truyền và bóp méo thông tin, cưỡng ép chính trị, cưỡng ép kinh tế, tiến hành các hoạt động mạng và hoạt động không gian, hỗ trợ lực lượng ủy nhiệm, khiêu khích bằng các lực lượng do nhà nước kiểm soát. Những chiến thuật này không loại trừ lẫn nhau. Đóng vai trò là công cụ trong cạnh tranh nước lớn, một số dạng chiến thuật “vùng xám” có thể được kết hợp với nhau.
Tập trung vào lĩnh vực hàng hải và sử dụng Thuyết chuyển giao quyền lực (PTT), phần thứ nhất của Tóm tắt chính sách điều hành (EPB) gồm hai phần đưa ra lập luận rằng việc áp dụng các chiến thuật ép buộc “vùng xám” là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho họ. Để đạt được các mục tiêu chiến lược mà không kích động các hành vi thù địch có vũ trang, Bắc Kinh ưu tiên cách tiếp cận từng bước khi thách thức trật tự quốc tế. Đây chính là bối cảnh khiến những thách thức từ các chiến thuật ép buộc “vùng xám” trở thành điểm đáng chý ý trong môi trường an ninh khu vực.
Phần thứ hai của EPB thảo luận cách thức có thể giúp ASEAN đóng một vai trò nhất định trong việc đối phó với những thách thức “vùng xám” trên biển. Ngoài ra, bài viết đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau: (1) Những vấn đề phức tạp về chính sách trong việc giải quyết các thách thức “vùng xám” là gì? (2) ASEAN gặp khó khăn gì trong việc xử lý các thách thức “vùng xám”? (3) Các sáng kiến liên quan đến an ninh hàng hải có thể giúp giải quyết những thách thức đó như thế nào? Bài viết đưa ra lập luận rằng trong bối cảnh các động lực địa chính trị đang diễn ra trong nội bộ ASEAN và trong các mối quan hệ đối ngoại của tổ chức này, vai trò của ASEAN trong việc đối phó các thách thức “vùng xám” sẽ bị hạn chế.
Những vấn đề phức tạp về chính sách trong việc giải quyết các thách thức “vùng xám”
Đúng như tên gọi của nó, ép buộc “vùng xám” là hành vi nằm giữa hai trạng thái được gọi chung là “chiến tranh” và “hòa bình”. Với đặc điểm phi đối xứng, mơ hồ và từng bước, việc giải quyết các thách thức “vùng xám” – kể cả trong lĩnh vực hàng hải – bao hàm một số vấn đề phức tạp về chính sách có liên quan đến nhau. Vấn đề trước tiên là việc giải quyết thách thức cho thấy những điểm mạnh và yếu của trật tự quốc tế hiện tại. Một mặt, trật tự quốc tế hậu Chiến tranh thế giới thứ hai nhìn chung tạo ra các tiêu chuẩn tương đối bền vững để ngăn chặn các hành vi gây hấn trắng trợn và bành trướng lãnh thổ. Điều này khiến một số nước phải sử dụng trước các chiến thuật “vùng xám”. Nhưng mặt khác, việc một số nước có dính líu đến những hành động dưới ngưỡng xung đột vũ trang cho thấy hạn chế của trật tự hiện tại trong việc buộc họ phải trả giá cho những hành động cưỡng ép như vậy. Trên thực tế, Trung Quốc đã mở rộng không gian hàng hải ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) thông qua các hành động cưỡng ép “vùng xám”, chứ không phải bằng việc triển khai một chiến dịch vũ trang.
Khi giải quyết các thách thức “vùng xám”, sự mơ hồ vừa phải được duy trì, vừa phải được loại bỏ. Một mặt, việc đối phó với các chiến thuật “vùng xám” đòi hỏi phải phát triển và đầu tư vào các công cụ tương tự như lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng bán quân sự. Điều này có thể cho phép những nước phải hứng chịu các hành động ép buộc đối phó với các cường quốc xét lại trong “vùng xám”. Nhưng mặt khác, việc đối phó với các thách thức “vùng xám” cũng đòi hỏi phải xóa bỏ sự mơ hồ nhằm bác bỏ quyền không bị quy kết của các bên tham chiến, phơi bày bản chất và tính phi pháp của các hành động của họ, và làm tăng các loại phí tổn khác nhau – phí tổn chính trị, ngoại giao và kinh tế – mà họ phải chịu vì những hành động như vậy. Vấn đề về sự mơ hồ bắt nguồn từ một vấn đề chính sách phức tạp khác mang tính cố hữu – mặc dù các chiến thuật cưỡng ép “vùng xám” nhằm mục đích kiếm lợi từ chiến tranh, nhưng quân đội chỉ là một phần của phản ứng tổng thể.
Trên thực tế, khó có thể ngăn chặn các hành vi cưỡng ép “vùng xám”. Khó khăn địa chiến lược trong việc đối phó với “vùng xám” được diễn giải như sau: “Các cuộc tấn công từng bước buộc các bên bảo vệ nguyên trạng phải cân nhắc các lựa chọn vốn không hấp dẫn. Họ có thể hành động trước và chịu trách nhiệm vì khiến chiến tranh bùng nổ, vì quá mạo hiểm, vì kích động cường quốc xét lại hay vì làm ảnh hưởng đến hòa bình. Hoặc có thể lui về “án binh bất động” hoặc hành động nửa vời vì không muốn phải gánh chịu những phí tổn như vậy. Hoặc có thể làm gia tăng căng thẳng và bị dán nhãn là “kẻ bắt nạt””. Rõ ràng, những người ra quyết định phải đối mặt với những lựa chọn lớn về chính sách.
(còn tiếp)
Nguồn: www.ndcp.edu.ph
TLTKĐB – 06/11/2022