Đối phó với những thách thức “vùng xám” trên biển ở Đông Nam Á – Phần II


Những thách thức đối với ASEAN

Như đã đề cập ở trên, các thách thức “vùng xám” nằm trong số những vấn đề an ninh lớn mà ASEAN và khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn đang phải đối mặt. Với việc tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc an ninh đa phương khu vực, ASEAN phải đối mặt với những thách thức nào khi đối phó – hay ít nhất là kiểm soát – các thách thức “vùng xám” trên biển? Thách thức đầu tiên mà ASEAN phải đối mặt là sự khác biệt về lợi ích quốc gia giữa các nước thành viên. Những hành động cưỡng ép “vùng xám” trên biển – và tranh chấp biển Nam Trung Hoa nói chung – đã phơi bày sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Xét cho cùng, trong số 10 nước thành viên ASEAN, chỉ có 4 nước đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Bốn nước này cũng đưa ra các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau. Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi nhiều phần của Trường Sa nằm trong tuyên bố chủ quyền của Brunei, Malaysia và Philippines.

Mặc dù hầu hết, nếu không phải là tất cả, các nước thành viên ASEAN đều quan ngại về lối hành xử ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, nhưng tính toán chiến lược của họ chủ yếu vẫn do các lợi ích quốc gia tương ứng định hình. Trong số 4 quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, hai nước tiền tuyến là Philippines, giáp biển Nam Trung Hoa ở phía Tây, và Việt Nam, giáp biển Nam Trung Hoa ở phía Đông, là những nước bày tỏ quan điểm mạnh mẽ nhất. Cả Việt Nam và Philippines đều sẽ mất đi phần nhiều Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, cũng như các tuyên bố chủ quyền đối với nhiều cấu trúc địa hình ở biển Nam Trung Hoa nếu Trung Quốc thành công làm chủ vùng biển này. Triển vọng này có thể thay đổi tùy thuộc vào cách nhìn nhận của các nước Đông Nam Á lục địa về môi trường an ninh khu vực. Xét cho cùng, phần lớn các nước Đông Nam Á lục địa có nhiều điểm tương đồng hơn với Trung Quốc về địa chính trị. Trên thực tế, vì tranh chấp biển Nam Trung Hoa, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 do Campuchia chủ trì năm 2012 không thể đưa ra tuyên bố chung – hiện tượng xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN. Cựu Đại sứ Singapore Bilahari Kausikan thẳng thắn nhận định rằng điều này là do Campuchia, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, kiên quyết từ chối xem xét bất kỳ văn kiện nào về biển Nam Trung Hoa mà có thể làm phật lòng Trung Quốc, nhà bảo trợ của họ. Mặc dù trên danh nghĩa các nước thành viên ASEAN đã đạt được sự đồng thuận dưới hình thức nào đó về vấn đề này sau sự việc được đề cập ở Campuchia, nhưng sự khác biệt về lợi ích quốc gia và quan điểm giữa các nước thành viên ASEAN xung quanh vấn đề biển Nam Trung Hoa vẫn luôn là một thách thức an ninh lớn.

Sự khác biệt về lợi ích quốc gia dẫn tới thách thức lớn thứ hai: Các nước thành viên ASEAN khó đạt được sự đồng thuận. Cần lưu ý rằng trong ASEAN, sự đồng thuận trên thực tế được định nghĩa là sự nhất trí về việc thực thi quyền phủ quyết của từng nước. Do đó, trong cơ chế hội nhập được thiết kế nhằm củng cố chủ quyền của mỗi nước thành viên và trong nhận thức về sự khác biệt giữa họ, “Phương thức ASEAN” hướng tới hai mục tiêu chiến lược: (1) ngăn chặn xung đột song phương giữa các nước thành viên ASEAN  mà có thể tác động đến sự ổn định khu vực và hoạt động của tổ chức, và (2) tránh những vấn đề gây tranh cãi giữa các nước thành viên và những nước không phải là thành viên của ASEAN mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ bên trong tổ chức. Tuy nhiên, là kết quả của tiến trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, các sáng kiến của ASEAN phần lớn là về các vấn đề không gây tranh cãi và tập trung vào những kết quả dễ đạt được hay những lĩnh vực hợp tác được ví như là “mẫu số chung nhỏ nhất”. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã thẳng thắn phàn nàn về sự tê liệt thể chế của ASEAN: “Chúng ta là một nhóm những kẻ luôn nhất trí với nhau về những vấn đề chẳng có giá trị gì”.

ASEAN và an ninh hàng hải

Mặc dù an ninh hàng hải nằm trong nghị trình của ASEAN – đặc biệt là nghị trình Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) – nhưng các thách thức “vùng xám” trên biển chưa phải là chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, bất chấp những điểm yếu về thể chế và những mâu thuẫn trong nội bộ ASEAN, cũng như những động lực của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, ADMM vẫn thông qua một số sáng kiến mà có thể đóng góp khiêm tốn vào việc quản lý căng thẳng ở biển Nam Trung Hoa, và nhìn rộng ra là hỗ trợ những nỗ lực giải quyết các mối quan ngại an ninh truyền thống. Năm 2014, ADMM đã thông qua Đề án xây dựng Kênh thông tin trực tiếp (DCL) – nay được gọi là Cơ sở hạ tầng thông tin trực tiếp ASEAN (ADI) – nhằm mục đích cung cấp một phương tiện lâu dài, nhanh chóng, đáng tin cậy và bảo mật giúp bộ trưởng quốc phòng hai nước ASEAN có thể trao đổi thông tin với nhau để đi đến những quyết định chung trong việc xử lý khủng hoảng hoặc các tình huống khẩn cấp, nhất là những tình huống liên quan đến an ninh hàng hải. Năm 2019, ADMM đã thông qua một đề án mở rộng, ADI sang các nước đối tác của ASEAN.

Năm 2017, ADMM đã thông qua Hướng dẫn tương tác hàng hải (GMI) nhằm xây dựng các biện pháp quản lý tranh chấp hàng hải một cách toàn diện và hiệu quả trên cơ sở xây dựng lòng tin, thực hiện ngoại giao phòng ngừa và quản lý hòa bình căng thẳng có thể xuất hiện ở biển. GMI lưu ý rằng văn kiện này ủng hộ tất cả các thỏa thuận hàng hải hiện có giữa các nước thành viên ASEAN, cũng như giữa những nước này với các nước và tổ chức khác bao gồm cả, chứ không giới hạn ở, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Bộ quy tắc ứng xử về các cuộc đụng độ bất ngờ trên biển (CUES). Mặc dù bản chất là tự nguyện, nhưng GMI khuyến khích đối thoại dân sự-quân sự giữa các lực lượng hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển, lực lượng cảnh sát biển với các ngành công nghiệp tư nhân có can dự vào các hoạt động hàng hải. Một trong những hoạt động có thể được tiến hành trong khuôn khổ GMI là thảo luận về các chiến lược, kế hoạch làm việc, đạo luật, báo cáo, quy tắc can dự hiện hành và những thông tin khác liên quan đến an ninh hàng hải, an ninh cảng biển và quyền quá cảnh bằng đường hàng không, cũng như các dạng thức và thủ tục khác. Hơn nữa, ADMM đã mở ra khả năng áp dụng GMI với cả các nước đối tác của ASEAN.

Năm 2018, ADMM ban hành Hướng dẫn tránh va chạm quân sự trên không (GAME). Văn kiện này về bản chất mang tính tự nguyện và không có tính ràng buộc, nhưng nó giúp ngăn ngừa các cuộc đụng độ vô tình giữa các máy bay quân sự đang di chuyển phía trên các vùng biển khơi và đảm bảo khoảng cách an toàn để tránh tạo ra mối nguy hại đối với an toàn hàng không. Để giữ khoảng cách an toàn, các máy bay quân sự nên xem xét toàn diện các quy tắc riêng của nước họ và hướng dẫn quốc tế thích hợp. GAME có 4 phụ lục về việc tuân thủ các quy ước và quy tắc hàng không hiện hành, thông tin liên lạc an toàn và chuyên nghiệp, thực hiện thủ tục bay tiêu chuẩn và khuyến khích sự tin tưởng lẫn nhau khi ở trên không. Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng ADI, GMI và GAME có thể góp phần hoàn thiện các cơ chế quản lý khủng hoảng hiện có nhằm ngăn chặn và/hoặc giảm thiểu căng thẳng.

(còn tiếp)

Nguồn: www.ndcp.edu.ph

TLTKĐB – 06/11/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s