Tiết mục biến mất của tư bản – Phần IV


Nếu chúng ta gộp tất cả các quốc gia vào trong một biểu đồ, chúng ta sẽ có được Hình 2.4, cho thấy đầu tư vô hình đã vượt qua đầu tư hữu hình vào khoảng thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hình 2.4: Đầu tư vô hình và hữu hình ở châu Âu và Hoa Kỳ. Các quốc gia bao gồm Áo, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Mỹ.

Phân tích kết quả theo từng quốc gia cho thấy một số nước có mức thâm dụng vốn vô hình cao hơn những quốc gia khác. Hình 2.5 biểu thị tỷ trọng trong GDP của đầu tư hữu hình và vô hình của các quốc gia có số liệu này. Biểu đồ được xếp hạng theo tỷ lệ tài sản vô hình. Bắt đầu từ bên trái là Tây Ban Nha và Italy.

Hình 2.5: Đầu tư vô hình và hữu hình tính theo tỷ trọng trong GDP quốc gia (trung bình từ năm 1999 đến năm 2013). Dữ liệu lấy từ toàn bộn nền kinh tế, GDP được điều chỉnh để bao gồm các yếu tố vô hình. Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạch (DK), Phần Lan (FI), Pháp (FR), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NL), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE), Vương quốc Anh (UK), Mỹ (US).

Cả hai đều có tỷ trọng đầu tư vô hình trong GDP thấp nhất và tỷ trọng đầu tư hữu hình tương đối cao – đây là những nền kinh tế thâm dụng vốn hữu hình. Tiếp theo là Đức, Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Pháp, theo thứ tự mức độ thâm dụng vốn vô hình từ thấp đến trung bình và mức độ thâm dụng vốn hữu hình từ cao đến trugn bình; tất cả các quốc gia này đều đầu tư vào tài sản hữu hình nhiều hơn là vô hình. Phần Lan, Anh, Hoa Kỳ và Thụy Điển đều có mức độ thâm dụng vốn vô hình cao hơn hữu hình.

Những khác biệt này giữa các quốc gia dường như đúng với dự đoán của chúng ta. Nhìn chung, các quốc gia Địa Trung Hải nằm ở cuối về tỷ lệ đầu tư vô hình, các quốc gia Bắc Âu, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đứng đầu và phần còn lại nằm ở giữa.

Những biểu đồ này là thành quả của hơn một thập kỷ nghiên cứu để hệ thống hóa và đo lường về đầu tư vô hình. Chúng ta sẽ tiếp tục xem xét nghiên cứu và cách thực hiện các phép đo này. Nhưng trước khi làm vậy, chúng ta cùng suy ngẫm về lý do của sự gia tăng này trong dài hạn của đầu tư vô hình.

Lý do của sự tăng trưởng đầu tư vô hình

Mục đích của chúng tôi không phải là giải thích tại sao đầu tư vô hình lại có sự gia tăng ổn định và lâu dài như vậy: mà chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc mô tả sự gia tăng và kết quả của nó đối với nền kinh tế. Nhưng trước khi xem xét chi tiết cách đo lường đầu tư vô hình, chúng ta hãy xem xét một lý do dẫn đến sự gia tăng này.

Để hiểu được nguyên nhân của sự thay đổi đáng chú ý này, chúng ta sẽ quay lại một số điểm khác biệt giữa các quốc gia đã được trình bày trong các biểu đồ trên.

Công nghệ và chi phí

Từ lâu, người ta đã hiểu rằng năng suất của khu vực sản xuất chế tạo tăng trưởng nhanh hơn so với các ngành dịch vụ, vì các thiết bị tự động hóa và thiết bị tiết kiệm lao động rất hữu ích đối với các nhà sản xuất. Theo thời gian, điều này có nghĩa là các dịch vụ sử dụng nhiều lao động trở nên đắt hơn một cách tương đối so với hàng hóa được sản xuất (Để tôn vinh mô tả của William Baumol về hiệu ứng này, các nhà kinh tế học gọi nó là Căn bệnh chi phí của Baumol).

Ngày nay, hầu hết các khoản đầu tư hữu hình đều được sản xuất hàng loạt (hãy nhgĩ đến các nhà máy trên khắp thế giới sản xuất mọi thứ từ xe tải đến máy công cụ cho đến chip silicon). Tất nhiên cũng có nhiều lao động tham gia vào các khoản đầu tư hữu hình này (đặt dây cáp, lắp đặt cửa hàng, các công đoạn trong ngành xây dựng), nhưng năng lực sản xuất chế tạo là rất quan trọng.

Mặt khác, các khoản đầu tư vô hình phụ thuộc nhiều hơn vào lao động. Thiết kế phát sinh chi phí cho các nhà thiết kế. R&D phát sinh chi phí cho các nhà khoa học. Công nghệ phần mềm phát sinh chi phí cho các nhà phát triển phần mềm. Vì vậy, theo thời gian, ta kỳ vọng chi tiêu đầu tư vô hình sẽ dần tăng lên so với hữu hình như Baumol đã dự đoán. Sự gia tăng đó có thể được bù đắp phần nào bởi vấn đề mà chúng ta xem xét chi tiết dưới đây, rằng một số chi phí vô hình chủ yếu là “cố định” hoặc một lần, vì vậy đây không thể là toàn bộ câu chuyện, nhưng sẽ là một phần của câu chuyện.

Công nghệ và năng suất của tài sản vô hình

Công nghệ mới dường như cũng gia tăng cơ hội đầu tư hiệu quả vào tài sản vô hình cho các doanh nghiệp. Ví dụ rõ ràng nhất là công nghệ thông tin. Bởi vì có rất nhiều tài sản vô hình liên quan đến thông tin và truyền thông, chúng giúp thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn. Hãy nghĩ đến khoản đầu tư cho tổ chức của Uber vào việc xây dựng mạng lưới tài xế rộng lớn của mình: về mặt lý thuyết, điều này có thể thực hiện được trước khi phát minh ra máy tính và điện thoại thông minh (xét cho cùng, mạng taxi vô tuyến đã tồn tại), nhưng lợi tức đầu tư đã tăng lên ồ ạt nhờ điện thoại thông minh, với khả năng kết nối mọi người nhanh chóng, cho phép đánh giá tác phong làm việc của các tài xế và đo lường khoảng cách của các chuyến đi.

Công nghệ cộng đồng cũng đã cải thiện lợi tức đầu tư vô hình. Khái niệm về phòng thí nghiệm R&D của các doanh nghiệp ở Đức vào thế kỷ XIX, và sự phát triển của nó ở cả Đức và Hoa Kỳ (các khoản đầu tư vô hình vào quá trình sản xuất ra các khoản đầu tư vô hình), đã làm cho R&D trở nên có hệ thống hơn và đáng giá hơn. Việc phát minh và phát triển các hệ thống, chẳng hạn như Kanban, kỹ thuật sản xuất tinh gọn gắn với Toyota, đã làm tăng lợi tức đầu tư của tổ chức. Các kho lưu trữ mã nguồn như GitHub và Stack Overflow và cách chúng được sử dụng là một hình thức của công nghệ cộng đồng – một loại công nghệ giúp tăng lợi tức đầu tư vào phần mềm bằng cách giúp các lập trình viên hợp tác với nhau.

Dữ liệu từng quốc gia về đầu tư vô hình sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này. Hình 2.6 cho thấy mối tương quan giữa tỷ trọng đầu tư vô hình trong GDP ở một quốc gia và tỷ trọng đầu tư hữu hình trong ngành công nghệ thông tin.

Hình 2.6: Đầu tư vô hình và công nghệ thông tin (trung bình từ năm 1999 đến năm 2013). Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạch (DK), Phần Lan (FI), Pháp (FR), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NT), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE), Vương quốc Anh (UK), Mỹ (US).

Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị: Có lẽ nào sự gia tăng đầu tư vô hình chỉ đơn giản là hệ quả của những cải tiến trong công nghệ thông tin? Nền kinh tế vô hình có phải là một hệ quả của Định luật Moore hay là một hiện tượng mà Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee gọi là Thời đại máy móc thứ hai? Rất khó để chứng minh hệ quả này của sự thay đổi công nghệ, nhưng hoàn toàn có cơ sở để nghĩ rằng mối quan hệ này không chỉ đơn giản như thế. Đúng là một số tài sản vô hình hoạt động thông qua hệ thống vi tính – thực vậy, đối với một loại tài sản vô hình như phần mềm, máy tính là điều kiện cần để nó tồn tại. Và có vẻ như quy mô thị trường cho nhiều tài sản vô hình, chẳng hạn như ngành giải trí, đã được mở rộng đáng kể nhờ công nghệ thông tin.

Nhưng hình như sự trỗi dậy của máy tính không phải là nguyên nhân duy nhất của nền kinh tế vô hình. Thứ nhất, như chúng ta đã thấy, sự gia tăng của đầu tư vô hình bắt đầu trước cuộc cách mạng về vật liệu bán dẫn, vào những năm 1940, 1950 và thậm chí là trước đó. Thứ hai, trong khi một số thứ vô hình như phần mềm và dữ liệu phụ thuộc rất nhiều vào máy tính, thì những thứ khác lại không: ví dụ như thương hiệu, phát triển tổ chức và đào tạo. Cuối cùng, một số tác giả trong các nghiên cứu về sự đổi mới lập luận rằng có thể chính sự gia tăng của những tài sản vô hình đã dẫn đến sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại cũng giống như cách mà tài sản vô hình chịu ảnh hưởng từ công nghệ thông tin. Nhà sử học James Beniger (1986) lập luận rằng công nghệ thông tin hiện đại phát triển như vậy là do nhu cầu quá lớn về kiểm soát sản xuất và hoạt động, trước tiên là trong quân đội, và sau đó là trong thế giới kinh doanh – theo logic này, công nghệ thông tin và các nghiên cứu khai sinh ra nó dường như được định hình bởi một nền kinh tế khao khát đầu tư vô hình, thay vì đầu tư vô hình xảy ra như một sự phản ứng đối với phát minh tình cờ của các dạng công nghệ thông tin khác nhau.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jonathan Haskel & Stian Westlake – Chủ nghĩa tư bản không có tư bản – NXB CTQG 2021

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s