Liên Xô không những nghèo hơn Hoa Kỳ; mà trong Chiến tranh Lạnh, vẫn đang phải phục hồi sau sự tàn phá khủng khiếp của Đức Quốc xã. Trong Thế chiến thứ Hai, Liên Xô đã mất 24 triệu dân, chưa kể hơn 70.000 thị trấn và làng mạc, 32.000 công xưởng và 40.000 dặm đường ray. Họ không có lợi để đối đầu với Hoa Kỳ. Ngược lại, Trung Quốc đã tham chiến lần cuối vào năm 1979 (tấn công biên giới Việt Nam) và trong những thập kỷ sau đó đã trở thành một đầu tàu kinh tế.
Liên Xô còn vướng vào rào cản khác mà Trung Quốc không gặp phải: đó là các đồng minh phiền hà. Trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh, một số lượng lớn quân đội Liên Xô vẫn duy trì hiện diện ở Đông Âu và tham gia sâu vào nền chính trị của hầu hết mọi quốc gia trong khu vực đó. Họ phải đối đầu với các cuộc nổi dậy ở Đông Đức, Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc. Trong khi đó, Albania, Romania và Nam Tư thường xuyên thách thức các chính sách an ninh và kinh tế của Moscow. Liên Xô cũng phải bận rộn với Trung Quốc, nước này đã đổi phe giữa chừng trong Chiến tranh Lạnh. Những đồng minh này giống con chim hải âu quanh cổ Moscow khiến các nhà lãnh đạo Liên Xô bị phân tán sự chú ý khỏi đối thủ chính của họ: Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện nay có ít đồng minh, chẳng hạn như Bắc Triều Tiên nhưng quan hệ đồng minh còn lạnh nhạt hơn so với quan hệ Liên Xô đối với họ. Nói tóm lại, Bắc Kinh có khả năng linh hoạt hơn nhiều khi vươn ra bên ngoài khu vực.
Còn về vấn đề hệ tư tưởng? Giống như Liên Xô, trên danh nghĩa Trung Quốc do chính phủ cộng sản lãnh đạo. Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh từng sai lầm khi coi Moscow là một hiểm họa cộng sản, quyết tâm truyền bá hệ tư tưởng xấu trên toàn cầu, và cũng sẽ là một sai lầm khi nhận định Trung Quốc là một hiểm họa ý thức hệ ngày nay. Chính sách đối ngoại của Liên Xô bị chi phối bởi tư duy cộng sản; Joseph Stalin là một người theo chủ nghĩa hiện thực cứng rắn, giống như những người kế nhiệm ông. Trung Quốc đương đại ít chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản hơn, diễn giải rõ nhất thì đó là một nhà nước độc tài kèm theo chủ nghĩa tư bản. Hoa Kỳ nên mong rằng Trung Quốc là một nước cộng sản; vì khi đó nền kinh tế của nó sẽ chậm chạp.
Trung Quốc còn đeo đuổi một chủ nghĩa nữa, có khả năng làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa họ với Hoa Kỳ: đó là chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là hệ tư tưởng chính trị mạnh mẽ nhất thế giới, nhưng lại có tầm ảnh hưởng hạn chế ở Liên Xô vì nó mâu thuẫn với chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã nổi lên từ đầu những năm 1990. Điều khiến nó trở nên đặc biệt nguy hiểm là vì nó nhận mạnh vào “thế kỷ đất nước bị sỉ nhục” của Trung Quốc, thời kỳ bắt đầu từ Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, khi đó Trung Quốc là nạn nhân của các cường quốc, đặc biệt là Nhật Bản, và cả Hoa Kỳ theo như lời người Trung Quốc thuật lại. Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ này được thể hiện khi Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vào những năm 2012 – 2013, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã nổ ra trên khắp Trung Quốc. Trong những năm tới đây, tranh chấp an ninh ngày càng gay gắt ở Đông Á chắc chắn sẽ làm gia tăng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hoa Kỳ, làm gia tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh vũ trang.
Ngoài ra, những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực làm gia tăng khả năng chiến tranh. Các nhà lãnh đạo Liên Xô phải tập trung phục hồi sau Thế chiến thứ Hai và quản lý đế chế của họ ở Đông Âu, nên phần lớn trong số họ hài lòng với hiện trạng ở khu vực. Ngược lại, Trung Quốc dấn sâu vào chương trình nghị sự bành trướng ở Đông Á. Mặc dù các mục tiêu chính mà Trung Quốc khao khát chắc chắn có giá trị chiến lược đối với Trung Quốc, nhưng chúng đồng thời cũng được coi là lãnh thổ thiêng liêng, người dân ở đó có sự ràng buộc với chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng với Đài Loan: người Trung Quốc cảm thấy gắn bó tình cảm với hòn đảo này, điều mà người Liên Xô chưa bao giờ cảm nhận được đối với Berlin, cho nên cam kết che chở hòn đảo này của Washington mang lại nhiều nguy cơ hơn.
Cuối cùng, vị trí địa lý của cuộc chiến tranh lạnh mới có khả năng xảy ra cao hơn so với cuộc chiến tranh lạnh cũ. Mặc dù tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trên phạm vi toàn cầu, nhưng trung tâm của nó là Bức màn Sắt ở châu Âu, nơi cả hai bên đều tập trung quân đội và lực lượng không quân khổng lồ được trang bị hàng nghìn vũ khí hạt nhân. Rất ít khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa các siêu cường ở châu Âu, bởi vì các nhà hoạch định chính sách của cả hai bên đều hiểu rõ những nguy cơ đáng sợ của leo thang hạt nhân. Không một nhà lãnh đạo nào sẵn sàng khơi mào một cuộc xung đột có khả năng sẽ phá hủy đất nước của mình.
Ở châu Á, không có chiến trường phân chia rõ ràng như Bức màn Sắt. Thay vào đó, có một số khu vực tiềm ẩn xung đột mà có thể kiểm soát và triển khai vũ khí thông thường, những nơi này có thể trở thành chiến trường, bao gồm các cuộc chiến giành quyền kiểm soát Đài Loan, Biển Đông, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và các tuyến hàng hải chạy giữa Trung Quốc và Vịnh Ba Tư. Những cuộc xung đột này chủ yếu diễn ra ở các vùng biển rộng giữa các lực lượng không quân và hải quân đối địch, và trong những trường hợp giành quyền kiểm soát trên một hòn đảo, thì các lực lượng quân đội mặt đất quy mô nhỏ có thể tham chiến. Trong cuộc chiến giành Đài Loan, Trung Quốc đã triển khai quân đội đổ bộ chứ không sử dụng đội quân trang bị vũ khí hạt nhân.
Điều này không có nghĩa là những kịch bản chiến tranh kiểm soát này được tính đến, nhưng vẫn hợp lý hơn một cuộc chiến tranh lớn giữa khối NATO và khối Warsaw. Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn rằng không có leo thang hạt nhân giữa Bắc Kinh và Washington trong cuộc tranh giành Đài Loan hoặc Biển Đông. Thật vậy, nếu một bên bị thua nặng, thì ít nhất bên đó cũng sẽ tính đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân để cứu vãn tình hình. Một số người có quyền ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân mà kiểm soát được nguy cơ leo thang, miễn là các cuộc tấn công diễn ra trên biển và ngoài lãnh thổ của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đồng minh. Cuộc chiến giữa các cường quốc và cả việc sử dụng hạt nhân đều không dễ nổ ra trong cuộc chiến tranh lạnh mới.
Đối thủ do Hoa Kỳ tạo nên
Mặc dù số lượng đã giảm đi nhưng những người ủng hộ chính sách hỗ trợ Trung Quốc vẫn còn, và họ vẫn nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể tìm thấy tiếng nói chung với Trung Quốc. Vào cuối tháng 7 năm 2019, 100 chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc đã ký một bức thư ngỏ gửi Trump và các thành viên Quốc hội bác bỏ ý kiến cho rằng Bắc Kinh là một mối đe dọa. Họ nhận định nhiều quan chức và giới tinh hoa Trung Quốc hiểu rằng cư xử ôn hòa và có tinh thần thực sự hợp tác với phương Tây phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc và kêu gọi Washington hợp tác với các đồng minh và đối tác để tạo nên một thế giới tự do và thịnh vượng hơn trong đó Trung Quốc được trao cơ hội tham gia.
Thế nhưng các cường quốc chỉ đơn giản là không muốn để các cường quốc khác phát triển mạnh hơn. Động lực thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các cường quốc này là do cấu trúc, có nghĩa là vấn đề không thể được loại bỏ nhờ vào việc hoạch định chính sách khéo léo hơn. Điều duy nhất có thể thay đổi tiềm lực này là một cuộc khủng hoảng lớn ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc – điều này dường như khó có thể xảy ra nếu xét đến quá trình phát triển ổn định, về năng lực và tăng trưởng kinh tế của đất nước này. Do đó, nguy cơ của một cuộc đối đầu an ninh là không thể tránh khỏi.
Tốt nhất là các bên phải kiểm soát sự thù địch để tránh chiến tranh. Điều đó đòi hỏi Washington phải duy trì các lực lượng mạnh và thường trực ở Đông Á để thuyết phục Bắc Kinh rằng một cuộc đụng độ vũ trang sẽ chỉ mang lại chiến thắng kiểu Pyrros. Ngăn chặn chiến tranh bằng cách thuyết phục đối thủ rằng họ không thể đạt được chiến thắng nhanh chóng và dứt khoát. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ phải liên tục nhắc nhở chính họ – cũng như các nhà lãnh đạo Trung Quốc – về khả năng leo thang hạt nhân trong thời chiến. Xét cho cùng, vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe cuối cùng. Washington cũng có thể thiết lập các quy tắc rõ ràng trong quá trình tiến hành cuộc đối đầu an ninh này – ví dụ, các thỏa thuận để tránh các va chạm trên biển hoặc các cuộc xung đột quân sự ngẫu nhiên khác. Nếu mỗi bên đều nắm vững ý nghĩa của việc vượt qua ranh giới đỏ của bên kia, thì chiến tranh sẽ ít xảy ra hơn.
Những biện pháp này chỉ có thể làm giảm thiểu những nguy cơ tiềm tàng trong cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên đó là cái giá mà Hoa Kỳ phải chịu cho việc phớt lờ quan điểm của chủ nghĩa hiện thực và để Trung Quốc thành một quốc gia hùng mạnh, quyết thách thức Hoa Kỳ trên mọi phương diện.
Người dịch: Tạ Thanh Hải
Nguồn: John J. Mearsheimer (2021) – The Inevitable Rivalry: America, China, and the Tragedy of Great-Power Politics – Foreign Affairs, 100 (6), 48 – 59.
TN 2022 – 1, 2