10 nguy cơ hàng đầu trên toàn cầu năm 2023 – Phần I


Bài viết dưới đây trình bày những rủi ro hàng đầu trên toàn cầu trong năm 2023 dưới góc độ của Mỹ và thế giới.

Dựa trên nhiều năm kinh nghiệm trong việc dự báo các xu hướng và rủi ro toàn cầu tại Hội đồng tình báo quốc gia thuộc Cộng đồng tình báo Mỹ, nơi các chuyên gia và nhà phân tích được giao nhiệm vụ cung cấp cho các nhà lãnh đạo Mỹ những phân tích và đánh giá sâu rộng, nhóm tác giả bài viết đã xác định những rủi ro toàn cầu hàng đầu vào năm 2023 từ góc độ của Mỹ và thế giới. Hồ sơ theo dõi được xây dựng dựa trên những rủi ro mà các chuyên gia đã xác định cho năm 2022, vì vậy tương đối đáng tin cậy. Các biến thể của virus SARS-CoV-2 quả thực là một nguồn gây lo ngại, đặc biệt là ở Trung Quốc, chúng đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đúng như chúng tôi đã dự đoán. Các chuyên gia đã dự báo về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng, điều quả thực đã diễn ra vào đầu năm nay mặc dù giá năng lượng đã giảm phần nào trong nửa cuối năm 2022. Tình trạng thiếu lương thực, khủng hoảng kinh tế và vấn đề nợ ngày càng gia tăng ở các nước đang phát triển đều được nhấn mạnh vào năm ngoái, và năm nay đã diễn ra đúng như vậy. Một số nhà kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng nợ có thể không lan rộng như nhóm tác giả bài viết và những người khác đã dự đoán, nhưng các nước có thu nhập thấp và trung bình, chẳng hạn như Sri Lanka và Pakistan, đã phải đối mặt với thực tế này. Dự đoán năm ngoái về công tác đối phó với biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều thiếu sót đã được xác nhận tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đáng thất vọng ở Cairo, Ai Cập, hồi tháng 11; chúng tôi đánh giá xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2023. Cuối cùng, do căng thẳng gia tăng xung quanh vấn đề Đài Loan, cũn gnhư lệnh cấm vận của Mỹ đối với việc xuất khẩu các thiết kế và thiết bị bán dẫn cao cấp, những bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục tồn tại trong năm 2023.

Mỗi rủi ro sẽ đi kèm với xác suất. Xác suất trung bình có nghĩa là có 50/50 khả năng rủi ro sẽ xảy ra như dự đoán trong năm nay. Việc đưa ra dự đoán trở nên ngày càng khó khăn vì nhiều rủi ro đan cài với nhau. “Đa khủng hoảng” là thuật ngữ được sử dụng để mô tả bản chất đan xen của một cuộc khủng hoảng gắn liền với các cuộc khủng hoảng khác. Mặc dù tình trạng “đa khủng hoảng” đã tồn tại trước đó, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã nêu bật một loạt cuộc khủng hoảng phụ thuộc lẫn nhau mà hiện nay thế giới phải đối mặt. Cuộc khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng hơn do Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc trong thời gian gần đây. Cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ những nỗ lực của phương Tây nhằm từ chối chi trả lợi nhuận từ năng lượng cho cỗ máy chiến tranh của Nga, và phần nào cũng bắt nguồn từ sự trả đũa của Vladimir Putin khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Lạm phát gia tăng do giá năng lượng và lương thực tăng cao, nhưng nó cũng liên quan đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch. Giống như nợ, lạm phát cũng bắt nguồn từ việc giá cả hàng hóa ngày càng tăng do chiến tranh ở Ukraine, đồng USD mạnh và khoản tiền mà các quốc gia chỉ ra để chống lại suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Thực tế là hầu hết các rủi ro đều có mối liên hệ với nhau, điều này có nghĩa là việc giảm thiểu bất kỳ rủi ro nào sẽ phụ thuộc vào việc nhiều rủi ro khác cũng giảm đồng thời. Tương tự như vậy, mức độ nghiêm trọng của bất kỳ rủi ro riêng lẻ nào đều có liên quan và thường làm trầm trọng thêm những rủi ro khác. Tuy nhiên, việc xem xét từng rủi ro riêng lẻ cũng là điều hữu ích, đồng thời cần lưu ý đến bản chất đan xen của tất cả các rủi ro, và dự báo chiều hướng của mỗi rủi ro tính theo xác suất – cao hơn hoặc thấp hơn – cho dù bất kỳ rủi ro riêng lẻ nào cũng không thể biến mất hoàn toàn khi những rủi ro khác chưa được giải quyết.

Các rủi ro toàn cầu trong năm 2023

Tình trạng “đa khủng hoảng” bắt nguồn từ cuộc chiến ở Ukraine

Ván bài sẽ được lật ở Ukraine, nhưng bằng cách nào và vào lúc nào thì vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, vòng lặp “đa khủng hoảng” bắt nguồn từ chiến tranh – mất an ninh lương thực và năng lượng, lạm phát, suy thoái kinh tế – có thể đang tạo ra “cơn chán chường mang tên Ukraine” ở phương Tây, có nguy cơ làm suy giảm nguồn hỗ trợ sống còn. Khi mùa Đông bắt đầu và chiến tranh giảm cường độ, Putin chắc chắn sẽ đẩy mạnh chiến lược tiêu hao, tân công cơ sở hạ tầng năng lượng và nước của Ukraine, tìm cách khiến Ukraine sụp đổ trước khi những tổn thất buộc ông phải chấp nhận thất bại ở một mức độ nào đó.

Việc Kiev giành lại Kherson ở phía Nam và một phần của Donbass ở phía Đông Bắc từ ngày 24/2 – hơn 50% diện tích đất mà Moskva từng chiếm giữ – đã củng cố thêm sức mạnh của Ukraine. Một giải pháp thương lượng – hoặc thậm chí là một lệnh ngừng bắn và đình chiến ổn định – vẫn là quá sớm vì cả hai bên đều cảm thấy họ có thể giành chiến thắng. Kiev đưa ra kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm tại cuộc họp nhóm G20 hồi tháng 11. Kế hoạch này yêu cầu Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine và bồi thường thiệt hại; trên thực tế, đây là lời kêu gọi Putin đầu hàng hoàn toàn. Các sức ép mâu thuẫn nhau đang ở thế giằng co: một mặt, Kiev yêu cầu Mỹ/NATO gửi thêm các loại vũ khí tiên tiến hơn, bao gồm cả vũ khí tầm xa như hệ thống tên lửa chiến thuật và hệ thống phòng thủ tên lửa của lục quân; trong khi đó, một số thành viên của Quốc hội Mỹ muốn hạn chế hỗ trợ cho Ukraine.

Chiến tranh đang tạo ra nhiều rủi ro liên kết với nhau: trong đó bao gồm một cuộc xung đột đang lâm vào thế bế tắc; nguy cơ leo thang nếu Mỹ/NATO gửi thêm các loại vũ khí tiên tiến tới Kiev để đáp trả các vụ ném bom của Putin; Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Kiev cố chiếm Crimea; “con chán chường mang tên Ukraine” ở châu Âu khi suy thoái bắt đầu; và sự chia rẽ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về số lượng và chất lượng hỗ trợ quân sự để tiếp tục cung cấp cho Kiev.

Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình.

Tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng tăng

Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã nêu bật “vòng lửa” đánh dấu nạn đói và dinh dưỡng trải dài trên toàn cầu từ Trung Mỹ và Haiti, qua Bắc Phi, Sahel, Ghana, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, vòng sang phía Đông tới Sừng châu Phi, Syria, Yemen và kéo dài tới Pakistan và Afghanistan. Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng vọt từ 135 triệu lên 345 triệu người kể từ năm 2019. Ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine được giải quyết một cách hòa bình và các chuyến hàng ngũ cốc trong tương lai từ Ukraine không còn bị đe dọa, thì tình trạng thiếu lương thực vẫn sẽ tồn tại. Bên cạnh xung đột, biến đổi khí hậu – gây hạn hán nghiêm trọng hơn và khiến lượng mưa thay đổi – là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và khó có thể được khắc phục một cách hiệu quả vào năm 2023. Chi phí cho nhiên liệu diesel và phân bón tăng vọt, và tình hình càng trầm trọng hơn do cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề trong chuỗi cung ứng (đưa nông sản ra thị trường và chế biến thịt/thị gia cầm), làm tăng chi phí thức ăn cho gia súc và động vật lấy sữa. Chi phí cho hoạt động cứu trợ nhân đạo đang tăng lên do lạm phát: Số tiền bổ sung mà WFP dành cho chi phí hoạt động hẳn đã có thể nuôi sống 4 triệu người trong một tháng nếu là trước đây.

Xác suất xảy ra rủi ro: Cao

(còn tiếp)

Nguồn: The National Interest – 19/12/2023

TLTKĐB – 08/01/2023

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s