Những biến động và cuộc đối đầu với Iran
Cũng như cuộc chiến ở Ukraine, cuộc nổi dậy chưa từng có của quần chúng có thể biến Iran thành tâm điểm của một cuộc “đa khủng hoảng”. Các điều kiện cần và đủ đã hội tụ để dẫn đến một cuộc xung đột mới đầy nguy hiểm giữa Mỹ và/hoặc Israel với Tehran. Thỏa thuận hạt nhân Iran – chỉ cách đây vài tháng đã gần chạm đến thành công – hiện đã bị gác lại, nếu không muốn nói là đã tiêu tan. Iran đang tăng tốc độ sản xuất urani được làm giàu ở cấp độ gần như bom (với lượng urani chiếm 60% trong khi con số cần thiết để sản xuất một quả bom là 90%), chỉ một thời gian ngắn nữa là đủ để sản xuất một quả bom và một đầu đạn để có thể triển khai trong chưa đầy 2 năm nữa.
Việc Iran cung cấp máy bay không người lái và tên lửa cho Nga đã bổ sung một khía cạnh mới cho cuộc đối đầu và tạo thêm động lực cho các biện pháp trừng phạt mới. Tình hình trở nên ngày càng chông chênh do tính hợp pháp của chế độ thần quyền đã suy yếu và việc đàn áp cuộc nổi dậy chưa từng có của quần chúng. Chỉ cần một cuộc cách mạng chính trị – sự kiện có xác suất xảy ra thấp nhưng hệ lụy cao – thì biểu tình trên diện rộng sẽ nổ ra ở Iran.
Một chính phủ cực hữu mới ở Israel và Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm giữ ở Mỹ sẽ gia tăng sức ép để đánh bom hoặc phá hủy nhà máy làm giàu urani của Tehran tại Fordow cũng như các cơ sở tên lửa và máy bay không người lái của Iran. Đáp lại, Iran có thể tấn công các cơ sở dầu mỏ hoặc tàu chở dầu của Saudi Arabia ở Vịnh Hormuz, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu khí, nguy cơ xung đột leo thang. Các cuộc biểu tình của quần chúng nhằm hạ bệ chế độ thần quyền là một sự kiện có xác suất xảy ra thấp nhưng để lại hậu quả rất cao, có thể làm thay đổi cục diện địa chính trị ở khu vực Trung Quốc vốn đã đầy bất ổn.
Xác suất xảy ra đối đầu: Cao
Khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng ở các nước đang phát triển
Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo 54 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang gặp “những vấn đề nghiêm trọng về nợ”. Các quốc gia này chiếm 18% dân số toàn cầu, hơn 50% người dân sống trong cảnh nghèo đói cùng cực và có 28 nước nằm trong danh sách 50 quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới do biến đổi khí hậu. Lịch sử cho thấy việc giảm hoặc xóa nợ luôn diễn ra “chưa thỏa đáng và quá trễ”. Các vấn đề về khả năng thanh toán ban đầu thường bị nhầm lẫn với các vấn đề về thanh khoản, dẫn đến các cuộc khủng hoảng nợ kéo dài với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Các quốc gia có thu nhập thấp, chẳng hạn như Somalia và Zimbabwe, đứng đầu danh sách những nước gặp khó khăn về kinh tế của UNDP, nhưng Oxford Economics đánh giá rằng nhiều thị trường mới nổi sẽ vượt qua cơn bão nợ vì đã sớm cắt giảm chi tiêu trong chu kỳ đi xuống. Tình hình tài chính tồi tệ ở hầu hết các nước đang phát triển là một điềm xấu cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030. Thay vào đó, các nước đang phát triển có thể sẽ phải chịu cảnh nghèo đó nhiều hơn, giáo dục không mấy cải thiện và giảm khả năng đối phó với biến đổi khí hậu vào năm 2023.
Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình
Nợ toàn cầu tăng vọt
Theo Viện tài chính quốc tế, cả nợ doanh nghiệp của các công ty phi tài chính (88 nghìn tỷ USD, khoảng 98% GDP toàn cầu) cùng với nợ của chính phủi, doanh nghiệp và hộ gia đình cộng lại (290 nghìn tỷ USD vào quý III/2022), đều đang gia tăng trong vòng 4 – 5 năm qua. Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều năm lãi suất thấp – đôi khi xuống mức âm – đã giúp nới lỏng đồng tiền. Mặc dù tổng nợ nhìn chung đã giảm nhẹ, nhưng tình trạng “đa khủng hoảng” trong đó bao gồm lãi suất tăng cao, đồng USD mạnh, suy thoái ở châu Âu, nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và những bất ổn về Ukraine có khả năng sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong khu vực hoặc thậm chí trên toàn cầu. Mức nợ lớn hơn đáng kể so với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008 và điều kiện tài chính ở các nước lớn thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) còn gây nhiều rắc rối hơn. Điều đáng lo ngại hơn nữa là mức độ hợp tác quốc tế đang giảm sút, tạo môi trường kém thuận lợi hơn nhiều so với năm 2008. Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm giữ khó có khả năng thông qua đề xuất mở rộng các nguồn lực cần thiết của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ và giãn nợ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, và cũng có khả năng sẽ xảy ra ở Italy. Nhóm G20 đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008, nhưng xét từ cuộc họp nhóm G20 hồi cuối tháng 11 tại Bali, các nỗ lực phối hợp để quản lý nợ vẫn chưa thỏa đáng. Là chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển, Trung Quốc muốn quản lý nợ theo phương thức song phương, và mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẽ khó có thể hợp tác với Washington như hồi năm 2008. Những yếu tố có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khác có thể bắt nguồn từ nguy cơ vỡ nợ tại một hay nhiều quốc gia đang phát triển hoặc Italy, sự sụp đổ của các tập đoàn như Lehman Brothers, hoặc nỗi kinh hoàng nếu chiến tranh ở Ukraine leo thang đến cấp độ hạt nhân.
Xác suất xảy ra khủng hoảng khu vực: Trên trung bình; khủng hoảng toàn cầu: Trung bình
Hợp tác toàn cầu ngày càng suy yếu
Các rủi ro toàn cầu, từ biến đổi khí hậu và nợ của các nước kém phát triển nhất (LDC) cho đến các mảnh vụn ngoài không gian, đang gia tăng khi cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc khiến các nước khó có thể đi đến hợp tác trong các vấn đề toàn cầu chung. Sau cuộc gặp của nhóm G20 giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại đàm phán song phương về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một cuộc đụng độ khác trong vấn đề Đài Loan có thể sẽ cản trở nỗ lực đó. Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala gần đây cảnh báo rằng hệ thống thương mại đa phương đang vô cùng đáng báo động, mặc dù cái giá phải trả của chủ nghĩa bảo hộ và nỗ lực tựi cung tự cấp của các cường quốc sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước. Các thể chế khác cũng hoạt động kém hiệu quả: Nhóm G20 đã chậm chạp trong việc xoa dịu các cuộc khủng hoảng nợ đang gia tăng ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và các quốc gia khác, trong khi WB bị các nước đang phát triển chỉ trích gay gắt vì không cấp thêm ngân sách cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nếu các thể chế đa phương không hành động nhiều hơn để đối phó với những thách thức ngày nay, thì tính hợp pháp của trật tự tự do phương Tây thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai sẽ bị xói mòn, đặc biệt là trong mắt nhiều quốc gia ở Nam bán cầu, những nước hiện nhận thấy họ đang mất dần những cơ hội phát triển kinh tế nhanh chóng. Chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế dẫn đến hợp tác thất bại trong việc cải cách và cập nhật thể chế toàn cầu, hậu quả là trật tự quốc tế tan rã thành các cụm khu vực, với các quy tắc và tiêu chuẩn cạnh tranh không hiệu quả. Sự đổ vỡ trong hệ thống đa phương sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ nghèo đói, chủ nghĩa dân tộc và xung đột.
Xác suất xảy ra rủi ro: Cao
(còn tiếp)
Nguồn: The National Interest – 19/12/2023
TLTKĐB – 08/01/2023