Tiết mục biến mất của tư bản – Phần cuối


Cấu trúc ngành kinh tế

Một lời giải thích cho sự gia tăng đầu tư vô hình có thể là sự cân bằng trong sản xuất của doanh nghiệp đã thay đổi. Chúng ta đều biết rằng sản lượng của các nước phát triển, ngay cả những nước có ngành sản xuất chế tạo lớn như Đức hay Nhật Bản, chủ yếu đến từ ngành dịch vụ. Một số nhà xã hội học và tương lai học, những người đầu tiên báo trước về sự trỗi dậy của “xã hội hậu công nghiệp” cũng là những nhà tiên tri về cái được gọi là nền kinh tế tri thức. Vậy có đúng là thế giới hiện đại đang thay thế các nhà máy cũ kỹ [dark satanic mills] bằng các doanh nghiệp dịch vụ đầu tư vào hệ thống, thông tin và ý tưởng không?

Trên thực tế lại không có những bằng chứng rõ ràng cho điều này. Hình 2.7 cho thấy, ở tất cả các quốc gia, ngành dịch vụ có mức độ thâm dụng vốn hữu hình lớn hơn vào cuối những năm 1990, nhưng điều này đã đảo ngược sau đó. Đáng chú ý là lĩnh vực sản xuất chế tạo có mức độ thâm dụng vốn vô hình lớn hơn so với vốn hữu hình, và xu hướng ấy vẫn tiếp tục gia tăng. Vì vậy, cấu trúc của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến tầm quan trọng tương đối của tài sản vô hình, nhưng ảnh hưởng đó sẽ thay đổi theo thời gian. Những quan sát này trong ngành sản xuất chế tạo không có gì là bất ngờ, vì đây có thể là một phần của toàn cầu hóa. Khi các nước đang phát triển mở cửa thương mại, như khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2000, các nước phát triển phải chuyên môn hóa hơn nữa vào lĩnh vực mà họ có lợi thế tương đối. Các lĩnh vực sản xuất chế tạo có xu hướng phát triển mạnh ở các nền kinh tế phát triển là những lĩnh vực đầu tư rất nhiều vào tài sản vô hình, từ các chương trình R&D của Pfizer hay Rolls-Royce đến các kỹ thuật sản xuất tinh gọn của ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản (Trong phạm vi toàn cầu hóa đòi hỏi việc xây dựng các mạng lưới và tổ chức phức tạp hơn, nó cũng có thể trực tiếp thúc đẩy sự gia tăng của đầu tư vô hình).

Hình 2.7: Mức độ thâm dụng vốn vô hình trong sản xuất và dịch vụ (tỷ trọng giá trị gia tăng thực của ngành, tại châu Âu và Mỹ, đối với các ngành kinh doanh phi nông nghiệp).

Một môi trường kinh doanh đang thay đổi

Từ sau những năm 1980, hàng loạt các quy định đối với cả sản phẩm và thị trường lao động đã được nới lỏng ở hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng thời, hầu hết các chính phủ trên khắp thế giới đều tự hào về mức độ thân thiện của môi trường kinh doanh mà thậm chí có thể khiến các chính trị gia của những năm 1960 hoặc 1970 phải ngạc nhiên. Liệu đây có phải điều đã khuyến khích sự gia tăng dài hạn trong đầu tư vô hình?

Quay trở lại việc so sánh tài sản vô hình giữa các quốc gia, chúng ta thấy một số bằng chứng cho thấy việc nới lỏng quy định thị trường sản phẩm và thị trường lao động sẽ khuyến khích đầu tư vô hình. Hình 2.8 cho thấy tỷ trọng GDP của khu vực kinh doanh sử dụng đầu tư hữu hình và vô hình, so với một chỉ số mà OECD gọi là “mức độ nghiêm ngặt của thị trường việc làm”, trong đó một số quốc gia đạt giá trị cao ở chỉ số này, chẳng hạn như Italy, có nghĩa là việc tuyển dụng và sa thải công nhân tương đối tốn kém, trong khi giá trị thấp có nghĩa là tương đối rẻ, với các nước như Mỹ và Anh.

Hình 2.8: Đầu tư hữu hình và đầu tư vô hình, và quy định (tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành, trung bình từ năm 1999 đến năm 2013). Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạch (DK), Phần Lan (FI), Pháp (FR), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NL), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE),Vương quốc Anh (UK), Mỹ (US).

Đồ thị cho thấy một điều thú vị. Các quốc gia nghiêm ngặt hơn trong việc tuyển dụng và sa thải nhân viên thường đầu tư nhiều hơn vào tài sản hữu hình, và ít hơn vào tài sản vô hình. Tác động của các quy định trên thị trường lao động đối với tài sản hữu hình là rất dễ thấy: nếu việc thuê và quản lý nhân viên là thực sự khó khăn, thì doanh nghiệp có thể thay thế bằng đầu tư vào máy móc. Nhưng tác động đối với đầu tư vô hình thì ngược lại. Vì sao lại như vậy? Người lao động thường phải thay đổi cách thức làm việc khi tiếp túc với các tài sản vô hình mới như khi một nhà máy triển khai quy trình sản xuất tinh gọn – một loại hình đầu tư cho phát triển tổ chức – hoặc thay đổi bản chất của sản phẩm. Những tài sản vô hình mới có thể đi kèm với nhiều rủi ro và các ông chủ doanh nghiệp có thể dự báo về khả năng thất bại trong tương lai. Một sự kém linh hoạt của lực lượng lao động có thể ngăn cản khoản đầu tư như vậy ngay từ đầu.

Điều này hoàn toàn không có ý ca ngợi cho việc không coi trọng quyền của người lao động. Nhưng nó cho thấy một khả năng nữa về nguyên nhân của sự thay đổi liên tục trong đầu tư vài thập kỷ qua, và là một lời nhắc nhở rằng chính trị không đứng ngoài những sự thay đổi này.

Hình 2.9 cho thấy có một mối tương quan giữa đầu tư vô hình và chi tiêu công đối với lĩnh vực R&D. Chẳng hạn, các quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển có chi tiêu R&D của chính phủ cao đi kèm với đầu tư vô hình cao, trong khi điều ngược lại diễn ra ở Tây Ban Nha và Italy. Do đó, đầu tư vô hình có thể thay đổi theo quốc gia tùy thuộc vào mức độ tham gia đầu tư của khu vực công.

Hình 2.9: Đầu tư vô hình và chi tiêu cho R&D của chính phủ (trung bình từ năm 1999 đến năm 2013). Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạc (DK), Phần Lan (FI), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NL), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE), Vương quốc Anh (UK), Mỹ (US).

Cuối cùng, có vẻ như các nước phát triển hơn có tỷ trọng đầu tư vô hình trong GDP cao hơn. Ví dụ, Corrado và Hao (2013) đã quan sát thấy điều này trong chi tiêu cho thương hiệu, với khoảng 1% GDP bình quân đầu người ở Mỹ so với 0,1% đối với Trung Quốc (theo dữ liệu những năm 1988 – 2011), và chúng ta đều biết rằng hầu hết hoạt động R&D đều thuộc về một số lượng nhỏ các nước phát triển (ví dụ, xem dữ liệu trong Van Ark và các cộng sự, 2009). Điều này có thể là do các quốc gia có thu nhập thấp thường chuyên môn hóa về các ngành sản xuất thâm dụng nhân công, hoặc không có tiềm lực tài chính và khoa học để đầu tư vô hình trên quy mô lớn.

Toàn cầu hóa và mở rộng quy mô thị trường

Yếu tố quyết định cuối cùng là quy mô của thị trường. Nhiều tài sản vô hình, chẳng hạn như thương hiệu của Starbucks hoặc phần mềm của Facebook, có thể được mở rộng một cách không giới hạn. Vì vậy, những thị trường nhỏ hơn (ví dụ như thị trường tại các quốc gia với nhiều rào cản thương mại) sẽ là những nơi kém hấp dẫn hơn để đầu tư vô hình.

Hình 2.10 cho thấy tỷ trọng đầu tư vô hình trong GDP theo chỉ số rào cản thương mại dịch vụ của OECD (các quốc gia bên phải biểu đồ có nhiều rào cản thương mại dịch vụ hơn). Điều này giúp giải thích về một số xu hướng đầu tư theo quốc gia mà chúng ta quan sát thấy: ví dụ, Áo có nền kinh tế ổn định, chi tiêu cho đầu tư vô hình là tương đối ít, nhưng lại có khá nhiều rào cản thương mại, do đó làm hạn chế khả năng mở rộng của đầu tư.

Hình 2.10: Đầu tư vô hình và hạn chế thương mại, năm 2013. Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạch (DK), Phần Lan (FI), Pháp (FR), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NL), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE), Anh (UK), Mỹ (US).

Vì vậy, sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại quốc tế trong 50 năm qua sẽ tạo động lực lớn hơn để đầu tư vào tài sản vô hình cho các công ty có khả năng tiếp cận thương mại. Và điều này có nghĩa là nếu các rào cản thương mại được thắt chặt, bằng Brexit hoặc chính sách thương mại, thì động lực cho đầu tư vô hình sẽ giảm.

Kết luận: Tiết mục biến mất của tư bản

Đầu tư vô hình đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Các phương pháp đo lường mới cho thấy hiện nay nó đã vượt qua đầu tư hữu hình ở một số nước phát triển. Trong khi đầu tư vô hình tiếp tục tăng trong những thập kỷ gần đây, đầu tư hữu hình lại giảm dần. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự tăng trưởng này của đầu tư vô hình, bao gồm sự thay đổi cân bằng giữa dịch vụ và sản xuất chế tạo trong nền kinh tế, toàn cầu hóa, mở rộng tự do hóa thị trường, sự phát triển của công nghệ quản lý và công nghệ thông tin, cũng như sự thay đổi chi phí đầu vào của dịch vụ (có vai trò quan trọng hơn đối với đầu tư vô hình).

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jonathan Haskel & Stian Westlake – Chủ nghĩa tư bản không có tư bản – NXB CTQG 2021

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s