Một hệ thống phân mảnh và phân cực về công nghệ
Tập đoàn tư vấn Boston ước tính rằng nếu các cường quốc cố gắng đạt được khả năng tự cung tự cấp toàn bộ trong sản xuất chất bán dẫn như Chính quyền Biden mong muốn, thì khoản đầu tư trả trước có thể lên tới 1000 tỷ USD và các con chip sẽ tiêu tốn thêm 35 – 65% nữa. Khi cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ tăng nhiệt, Trung Quốc sẽ không thể tiếp cận nhiều sản phẩm nước ngoài và cần phải thay thế các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất, làm suy yếu động cơ tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu. Một nghiên cứu của Viện toàn cầu McKinsey cho thấy cho thấy trong một cuộc khảo sát 81 công nghệ đang được phát triển, Trung Quốc cho đến nay đã áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu cho hơn 90% trong số đó. Đối với nhiều công nghệ trong số này, Bắc Kinh đã dựa vào các công ty đa quốc gia nước ngoài để có được 20 – 40% nguồn sản phẩm đầu vào cần thiết. Vì chất bán dẫn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tất cả các mặt hàng tiêu dùng, không chỉ đồ điện tử hay thiết bị công nghệ cao cấp, nên thị trường cho tất cả các mặt hàng sản xuất có thể bị phân mảnh do chi phí cao hơn (lạm phát) và người tiêu dùng sẽ có ít lựa chọn hơn. Theo WTO, về lâu dài, việc tách rời nền kinh tế thế giới thành hai khối phương Tây và Trung Quốc độc lập sẽ khiến GDP toàn cầu giảm ít nhất 5% – tình trạng còn tồi tệ hơn so với thiệt hại từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Mô hình của IMF cho thấy “triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển theo kịch bản này sẽ trở nên ảm đạm, trong đó một số nước phải đối mặt với tổn thất phúc lợi ở mức hai con số”.
Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng xấu đi
Hội nghị COP27 kết thúc với tâm trạng thất vọng thay vì cảm giác thành tựu. Những lời kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đã bị các quốc gia sản xuất dầu chặn lại ngay cả khi mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC đó và cuối cùng đang trên đà tăng 2,2oC trừ phi các quốc gia cam kết cắt giảm 43% tổng lượng khí thải nhà kính. Khí hậu nóng lên đồng nghĩa với hạn hán và lũ lụt kéo dài, cũng như những thay đổi nguy hiểm trong mô hình lượng mưa sẽ ảnh hưởng xấu đến sản lượng nông nghiệp. Điểm sáng duy nhất tại COP27 là thỏa thuận về một quỹ “đền bủ tổn thất và thiệt hại” mới để giúp các nước đang phát triển trang trải chi phí do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không có quyết định nào được đưa ra về số tiền tài trợ mà các nước công nghiệp hóa hứa sẽ trả. Các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong quá trình hướng đến mục tiêu vì một thế giới carbon thấp và đã không thực hiện lời hứa đó. Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Hạ viện cho biết họ không muốn trả tiền cho người khác để đối phó với biến đổi khí hậu. Sự chuyển hướng sang cánh hữu đậm tính dân tộc chủ nghĩa trong nền chính trị châu Âu cũng có thể đe dọa quỹ “đền bù tổn thất và thiệt hại” trong những năm tới. Cho dù các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra với tần suất ngày càng tăng – ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, không chỉ những nước nghèo – nhưng biến đổi khí hậu vẫn chưa phải là ưu tiên hàng đầu đối với các nước công nghiệp hóa phương Tây.
Xác suất xảy ra rủi ro: Cao
Căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc
Bất chấp hội nghị thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình hồi tháng 11, khi cả hai nhà lãnh đạo đều nỗ lực ổn định quan hệ, hai nước vẫn tồn tại những khác biệt căn bản về vấn đề Đài Loan, các quy tắc và tiêu chuẩn công nghệ, thương mại, nhân quyền và sự quyết đoán của Bắc Kinh dựa trên các yêu sách lãnh thổ không đáng tin cậy ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và biển Hoa Đông. Các cuộc đối thoại về thương mại, khí hậu và quân sự đã bước đầu được nối lại, nhưng chủ nghĩa dân tộc dễ biến động ở cả hai nước có thể phá vỡ bất kỳ thành tựu thực chất nào. Phản ứng trước lệnh cấm của Chính quyền Biden đối với xuất khẩu trí tuệ nhân tạo, chip siêu máy tính và thiết bị sản xuất chip, Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại lên WTO và có kế hoạch đầu tư thêm 143 tỷ USD trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn của nước này. Lệnh cấm do Mỹ đưa ra là nhằm tìm cách bóp nghẹt sự phát triển công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Mặc dù cả hai đảng đều ác cảm với Trung Quốc, nhưng Hạ viện sắp tới do đảng Cộng hòa kiểm soát đã có kế hoạch thực hiện một chương trình nghị sự phản đối Trung Quốc mạnh mẽ hơn trong vấn đề Đài Loan, thương mại và nhân quyền, điều này có nguy cơ làm suy yếu chương trình nghị sự của Biden. Các chuyên gia đánh giá khả năng Trung Quốc cố gắng cưỡng ép Đài Loan thống nhất vào năm 2023 hoặc vài năm sau đó là cực kỳ thấp nhưng Đạo luật Chính sách Đài Loan đang chờ được thông qua vốn nhằm mục đích tăng cường quan hệ quân sự và chính trị với Đài Loan, điều này sẽ khơi lại các màn “ăn miếng trả miếng” và bôi nhọ lẫn nhau. Nỗ lực ổn định mối quan hệ sẽ phải đối mặt với những rào cản nghiêm trọng trong tương lai và có thể đi chệch hướng.
Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình
Tình thế ngày càng nguy hiểm trên Bán đảo Triều Tiên
Bình Nhưỡng không ngừng thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo (86 vụ thử vào năm 2022) tên lửa hành trình, tầm lửa tầm trung cơ động và có khả năng hạt nhân chiến thuật, và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tất cả là một phần trong chương trình nghị sự của Triều Tiên nhằm tạo ra một kho vũ khí có năng lực đánh trả lần hai và khó bị tiêu diệt, cung cấp thêm nhiều lựa chọn để gây sức ép và có khả năng tấn công khi cần thiết. Công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 đã diễn ra trong nhiều tháng, như chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đã cảnh báo. Một thỏa thuận sơ bộ “lấy viện trợ đổi kiềm chế” giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh góp phần giải thích lý do tại sao cuộc thử nghiệm như vậy vẫn chưa diễn ra. Tuy nhiên, nếu vụ thử thứ 7 diễn ra và Bắc Kinh phủ quyết các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm trừng phạt Triều Tiên, thì rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ trầm trọng hơn. Kho vũ khí của Bình Nhưỡng đã vượt quá mức cần thiết để răn đe M4y và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể tiến hành các hành động khiêu khích dựa trên những tính toán sai lầm, và điều này có thể dẫn đến khủng hoảng và/hoặc xung đột giữa hai miền Nam-Bắc.
Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình
Những rủi ro còn là ẩn số
Theo thuật ngữ của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, những rủi ro được thảo luận ở trên đều là “những ẩn số đã biết” – những diễn biến hoặc xu hướng đã bộc lộ rõ ràng và có thể đánh giá quỹ đạo của chúng. Ngoài ra, còn một loạt “ẩn số chưa biết” – những sự kiện mà chúng ta không thể lường trước được sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc. Có thể kể đến một vụ phun trào siêu núi lửa (chẳng hạn như vụ Yellowstone hay các vụ núi lửa phun ở Indonesia và Nhật Bản); một tiểu hành tinh khổng lồ đường kính lên tới 6 dặm, với cường độ có thể khiến loài khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm; một cơn bão mặt trời – hiện tượng bùng phát plasma – phóng một lượng lớn các hạt tích điện từ vào Trái đất, có khả năng vô hiệu hóa lưới điện trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng; và các vụ nổ tia gamma phóng xạ từ không gian sâu thẳm. Như chúng ta đã thấy từ đại dịch COVID-19, hàng nghìn loại virus trên hành tinh của chúng ta có thể gây ra các đại dịch trong tương lai, một số sẽ còn khó đối phó hơn dịch COVID-19. Tất cả đều là những thảm họa có xác suất xảy ra thấp nhưng tác động sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Nguồn: The National Interest – 19/12/2023
TLTKĐB – 08/01/2023