Hậu Hắc tạp đàm – Phần V


Trước giờ người đứng đầu thư viện được mời giữ chức bởi sở quan, được đối đãi bằng lẽ của thầy giáo, họ đương nhiên tự mình hết sức tôn trọng, bởi vậy có thể tạo thành phong tục tốt đẹp. Nhưng hiện nay đã biến trường học thành hình thức sở quan, sở quan dùng mệnh lệnh đối với họ, họ dùng tờ trình với sở quan, chẳng những bốn chữ “tôn sư trọng đạo” đã bị quét sạch hết mà còn tạo thành muôn vàn loại thói quen xấu như theo đuổi danh lợi, bài xích lẫn nhau, lâu dài như vậy, tương lai lòng người và phong tục không biết còn đến mức độ nào. Trong lịch sử Trung Quốc, những vị di lão tiền triều cũng những cao nhân ở ẩn không ra làm quan, quá nửa đều dành cả đời người dạy học, nếu họ sinh ra vào thời buổi hiện nay, muốn dạy học thì chỉ có cách thay đổi tiết tháo, nhận mệnh lệnh của chính quyền đi làm hiệu trưởng, hoặc nhờ người khác đi xin xỏ hiệu trưởng, muốn xin một vị trí giáo viên, nếu như muốn thanh cao thì chỉ có cách chết đói mà thôi. Do vậy tôi chủ trương mở ra một con đường tư thục bên ngoài trường học của nhà nước để sắp xếp cho những người này.

Có người nói với tôi rằng tỉnh Tứ Xuyên sau này khi thi hành cắt giảm binh lính, có thể bảo binh sĩ đi làm ruộng, đi sửa đường, làm đường sắt, chỉ có những văn nhân trong quân đội thì biết cho họ về đâu bây giờ? Tôi nói: Để xướng mở trường tư thục, để họ đi làm giáo viên trong trường tư thục là được. Các văn nhân trong quân đội từ tham mưu cố vấn cho đến lục sự, có tới quá nửa xuất thân từ trường học, bảo họ đi làm giáo viên rất có khả năng sẽ làm tốt, sau này khi đã kết thúc việc cắt giảm binh lính, những người này nếu có tài năng sẽ được các gia đình giàu có dùng hậu lễ để mời về làm thầy giáo, cũng chính là đã được tiếp nhận một cách vô hình rồi. Nhưng muốn đề xướng trường tư thục, trước tiên cần phải vạch đường cho các học sinh tư thục, cho nên tôi chủ trương khi tiến hành thi tốt nghiệp, các trường tư thục cũng được phép tham gia, khiến trường tư thục và trường quốc lập nhận được đãi ngộ như nhau, trường tư thục tự nhiên sẽ phát triển.

Tôi chủ trương cải thiện nội dung của trường học, chủ trương đề xướng trường tư thục, hi vọng tuy lớn nhưng biện pháp của tôi lại rất đơn giản, chỉ là lúc tốt nghiệp tiến hành khảo thí tổng hợp, các học sinh bên ngoài nhà trường cũng được phép thi là được, tất cả mọi suy luận đều không gì khác ngoài việc nói rõ cho tính tất yếu của biện pháp này.

Có người nói: Theo chủ trương của ông thì biện pháp về mặt giáo dục khó tránh khỏi không đồng nhất. Tôi nói: Biện pháp hà cớ gì phải đồng nhất, chỉ khi không đồng nhất mới có thể phát minh ra những biện pháp tốt hơn. Ví dụ như vào thời Chu Tần, học thuyết rất không đồng nhất, ai nấy đều muốn dựng riêng một ngọn cờ, do vậy liền phát minh ra biết bao nhiêu đạo lý sâu xa, trở thành thời đại cực thịnh của học thuật Trung Quốc. Đến thời Hán Vũ đế, tôn Khổng Tử làm thánh nhân, bãi bỏ “Bách gia”, phàm là những học thuyết đi ngược lại với Khổng Tử liền bị coi là đại nghịch bất đạo, từ đó học thuyết quay về đồng nhất, nhưng giới tư tưởng từ đó liền trở nên trầm lắng. Học thuyết của Khổng Tử không phải là không tốt, nhưng nếu muốn nói là ngoài đạo lý của Khổng Tử ra thì không còn học thuyết tốt đẹp nào khác, vậy thì lại không đúng. Chế độ học tập mới hiện nay cũng không phải là không tốt, nhưng nếu muốn ra lệnh cho người dân trong cả nước phải dựa theo biện pháp đó mà làm, không cho phép bất kỳ thứ gì vượt ra ngoài phạm vi, vậy thì lại không tốt.

Có người nói: Rất nhiều biện pháp hay, ý định tốt đẹp, ở nước ngoài thi hành thì không có gì là không tốt, chỉ khi tới Trung Quốc, bất kỳ phương pháp nào được lấy ra thi hành đều khiến tệ nạn phát sinh, không biết đạo lý là gì? Tôi nói: Nước ngoài đặt ra các loại chế độ pháp lệnh là vì họ đã mắc loại bệnh đó rồi nên mới dùng loại thuốc đó, Trung Quốc vẫn chưa thấy rõ được nguồn gốc căn bệnh của mình mà đã sao chép phương thuốc, cắt thuốc để uống, trở thành thuốc chữa không đúng bệnh, đương nhiên người không có bệnh cũng thành ra có bệnh.

Trước kia có một người nói với tôi rằng: Biến pháp của người Trung Quốc thường là biến lợn lành thành lợn què rồi mới chữa bệnh. Tôi suy nghĩ kỹ thấy quả thật không sai. Chỉ nói riêng về việc đổi thư viện thành trường học, trước kia trong thư viện phải học bát cổ thí thiếp, là những thứ hết sức vô dụng, trong trường học đổi thành các môn khoa học, đây coi như là chữa bệnh đúng thuốc, sẽ không tạo ra sai lầm nào.

Có điều chế độ lúc đó không phân biệt giàu nghèo, chỉ cần thời gian học đủ tiêu chuẩn là đều được nhập học như nhau, con em những nhà nghèo khó được nhà nước lựa chọn, họ không có gì làm hại đến nhà nước mà còn lập được rất nhiều công trạng cho nhà nước.

Vì sao khi xây dựng trường học lại đặt ra chế độ này, khiến con em những nhà nghèo khó vĩnh viễn không thể có được học vấn tiến sĩ, học sĩ? Xin hỏi đây có phải là biến lợn lành thành lợn què rồi mới chữa bệnh hay không? Vào thời điểm đó, những người đi học trong thư viện chắc chắn sẽ được tuyển chọn, còn những người ở bên ngoài thư viện, chỉ cần có học vấn thì cũng có thể được tuyển chọn giống như vậy, những người này được chọn ra đều có thể làm việc cho nhà nước, nguyên nhân khiến Trung Quốc đói nghèo yếu kém không phải là tội lỗi của những người này, vì sao muốn hạn chế những người này, khiến họ vĩnh viễn không có đường ra? Xin hỏi đây có phải là biến lợn lành thành lợn què rồi mới chữa bệnh hay không? Nhà nước đặt ra luật pháp như vậy, há chẳng chiến cho tệ nạn sinh ra hay sao?

Ngày nay chỗ A mở trường tiểu học, chỗ B mở trường trung học, chỗ C chỗ D mở trường đại học chuyên ngành, phàm là những trường học chưa chính thức lập hồ sơ, mặc kệ học vấn của anh tốt đến đâu thì đều không được chọn. Việc này giống như trồng cây, quy định núi này trồng thông, núi kia trồng bách, vườn này trồng mận, vườn kia trồng đào, trừ bỏ hết các loại cây cối đang mọc trên sườn dưới dốc, trước nhà sau nhà để cho thống nhất. Khi người mua quả mua gỗ tới, chỉ cần nói với họ cây gỗ này được trồng ở núi nào, loại quả này được hái từ vườn nào, họ liền trả giá để mua, còn nếu nói với họ cây này quả này được trồng ở trên sườn dưới dốc, trước nhà sau nhà, họ liền lắc đầu không cần nữa. Xin hỏi biện pháp này rốt cuộc có đúng hay không?

Trường học hiện nay do bộ giáo dục quy định, hàng năm lúc nào nhập học, lúc nào được nghỉ, thời gian để tốt nghiệp là bao nhiêu năm, mỗi năm chia làm bao nhiêu học kỳ, mỗi học kỳ dạy học bao nhiêu giờ, trong đó bao nhiêu giờ lịch sử, bao nhiêu giờ địa lý, lúc nào dạy sinh vật, lúc nào dạy địa lý đều được đưa ra bằng mệnh lệnh rõ ràng, lệnh cho các trường học trong toàn quốc nhất loạt thi hành, nhìn từ bề ngoài thì rất hoàn thiện, rất chỉnh tề, kỳ thực quá hạn chế tự do của con người. Điều đáng trách hơn là chỉ cần tới lúc nhập học, ghi tên vào bảng biểu nhập học, các mục tuổi tác quê quán, đủ thời gian học tập, điền đủ các loại thông tin giấy tờ là có thể đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp, trên thực tế học sinh tốt nghiệp rốt cuộc có đủ tiêu chuẩn hay không thì đều không được khảo sát. Khuyết điểm của biện pháp này, tôi có thể đặt một phép so sánh để nói rõ: Năm nay phòng giáo dục tỉnh Tứ Xuyên triệu tập hội nghị hiệu trưởng các trường trung đẳng, đặt ra kỳ hạn phải đến tỉnh trước ngày mùng mười tháng tám, giả sử cũng học theo biện pháp của chế độ học tập, quy định người ở các tỉnh thành năm trăm dặm, ngày mùng năm khởi hành, người ở cách tỉnh thành sáu trăm dặm, ngày mùng bốn khởi hành, người ở cách tỉnh thành bảy trăm dặm, ngày mùng ba khởi hành…, mỗi ngày đi một trăm dặm. Ngày thứ nhất nghỉ ở chỗ nào, ngày thứ hai nghỉ ở chỗ nào… Còn quy định ngày nào ăn sáng ở chỗ nào, ăn trưa ở chỗ nào, ăn tối ở chỗ nào, vẫn sợ như vậy thì sơ sài, còn quy định nghỉ chân ở chỗ nào, nghỉ đểm ở chỗ nào, chỗ nào thì đi xe, chỗ nào thì đi thuyền, đi kiệu… Mệnh lệnh đưa xuống bắt họ phải tuân theo, các hiệu trưởng sau khi nhận lệnh chỉ báo lại một công văn là: Bảo tôi ngày nào thì khởi hành, sau khi đến tỉnh rồi lại làm một bản báo cáo, nêu rõ tình hình ăn nghỉ đi lại trên đường, phòng giáo dục kiểm tra đối chiếu thấy điền không sai, cho rằng người này đã tới tỉnh liền bắt đầu hội nghị. Rốt cuộc người này có từng tới tỉnh hay không cũng không tra rõ. Theo tôi nghĩ: Hà tất phải phiền phức như vậy, chỉ cần tới ngày mùng mười tháng tám kiểm tra số người, nếu có người không đến mà không đệ trình nguyên nhân thì bị trừ điểm là được, không những giảm bớt phiền phức mà còn ngăn chặn được tệ nạn. Chủ trương thi tốt nghiệp của tôi chính là vào ngày mùng mười tháng tám kiểm tra xem các hiệu trưởng đã tới tỉnh hay chưa, còn về lịch trình đi đường của các hiệu trưởng có thể không cần hỏi đến, nếu sợ họ chưa từng đến tỉnh, không biết tình hình trên đường, tôi chỉ nói rõ chỗ nọ cách chỗ bao nhiêu dặm, nhà trọ chỗ nọ thế nào, ăn uống thế nào, thuyền bè ngựa xe thế nào, để họ tự do dự tính, coi như là đã quan tâm chu đáo lắm rồi, hà tất phải phiền phức như vậy, tốn sức mà không được gì. Căn bệnh của chế độ học tập hiện nay chính là chính quyền lo lắng thay cho nhân dân quá nhiều, ngược lại còn làm hại nhân dân.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s