Các tuyến Bắc Nam và Đông Tây khi kết nối đường sắt Việt Nam
Tăng cường kết nối, mở cửa ở cửa khẩu là sáng kiến do Việt Nam chủ động đề xuất. Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mong muốn duy trì chuỗi cung ứng thông suốt và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai nước thông quan thuận lợi; tăng hạn ngạch hàng hóa Việt Nam đi qua Trung Quốc để đến một nước thứ ba bằng đường sắt; tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác vận tải đường không, đường bộ và đường sắt.
Khoản 1 phần 7 của Tuyên bố chung Trung-Việt được ký vào ngày 1/11 có nội dung: Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, nhanh chóng trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, triển khai hợp tác năng lực sản xấut, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Điều 8 phần 7 nêu rõ: Tiếp tục đẩy mạnh mở cửa cửa khẩu/lối mở biên giới, thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng qua biên giới, trong đó tập trung trao đổi, thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã đề xuất một kế hoạch táo bạo hơn. Theo “Chương trình nâng cao năng lực phục vụ liên vận đường sắt quốc tế đến năm 2030” do Bộ này trình chính phủ, Việt Nam sẽ tăng mạnh khối lượng xuất khẩu hàng hóa đường sắt từ 1,1 triệu tấn năm 2021 lên 4 – 5 triệu tấn vào năm 2030.
Chương trình này nối Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất ở phía Nam, về ý tưởng giống với tuyến đường sắt Bắc Kinh-Thượng Hải của Trung Quốc. Trong đó, kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam dự kiến đầu tư 56 tỷ USD, được chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch phát triển, tuyến đường sắt sẽ tiếp tục kéo dài về phía Bắc và kết nối với Bằng Tường, Sùng Tá và Nam Ninh của Quảng Tây thông qua Đồng Đăng.
Hiện nay tuyến đường sắt từ Nam Ninh đến Sùng Tả đã đi vào hoạt động và tuyến đường sắt Sùng Tả-Bằng Tường dự kiến sẽ khai trương vào năm 2024. Trong tương lai, tuyến đường sắt cũng sẽ kết nối với các cảng lớn trong Hành lang đất liền-biển phía Tây như cảng Phòng Thành, sau đó hình thành logistics có phạm vi lớn hơn với liên vận đường sắt – đường biển của cảng thương mại tự do Hải Nam.
Một tuyến đường sắt khác là tuyến Đông Tây với trung tâm là Hà Nội, hướng Đông đến cảng Hải Phòng, kết nối Lào Cai với Hà Khẩu của Vân Nam về phía Tây Bắc, tiếp đó kết nối với Côn Minh, có thể kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào bắt đầu từ Côn Minh. Trên thực tế, tháng 3/2019, tuyến đường sắt Vân Nam-Việt Nam đã khai trương tuyến liên vận đường biển-đường sắt.
Việt Nam hội nhập sâu hơn vào mạng lưới đường sắt xuyên Á đang hình thành
Với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ Trung-Việt cũng bước sang một giai đoạn phát triển mới. Theo tuyên bố của Việt Nam, quan hệ với Trung Quốc được coi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay bất ổn và khó lường gia tăng, từ cân nhắc chính trị, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc.
Trung Quốc nhiều năm giữ vững vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 thế giới của Trung Quốc, năm 2021 kim ngạch thương mại song phương lên tới 230 tỷ USD.
Tuy Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng, nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức lớn nhất và là đối tác xuất khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam, nhưng tiềm năng phát triển của Nhật Bản còn kém xa Trung Quốc. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 123 tỷ USD vào năm 2021 và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam nhưng chỉ là nước đầu tư đứng thứ 11 vào Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ thấp hơn so với xuất khẩu sang Trung Quốc và Mexico.
Việt Nam là hình mẫu của mô hình phát triển kinh tế hướng ngoại, do tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng và biến động tỷ giá hối đoái nên tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ thấp hơn năm 2022. Để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, Việt Nam mong muốn đẩy nhanh đầu tư vào các cơ sở công cộng trong nước, tất nhiên bao gồm cả xây dựng cơ sở hạ tầng.
Về mục tiêu trung và dài hạn, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào mạng lưới tuyến đường sắt xuyên Á đang hình thành và tận dụng tốt cơ hội do sự phát triển của Trung Quốc mang lại. Việt Nam đồng ý đi sâu thảo luận kết nối đường sắt, một trong những cân nhắc là Việt Nam kết nối thương mại với Trung Á và châu Âu thông qua tuyến đường của Trung Quốc
Tháng 3/2019, hành lang vận tải đường sắt Việt Nam-Trung Quốc-Kazakhstan-châu Âu chính thức được đưa vào hoạt động, có thể gọi đây là tuyến đường liên vận Việt Nam-châu Âu phiên bản Việt Nam. Lô hàng đầu tiên là sản phẩm điện tử do công ty Hàn Quốc vận chuyển đến Duisburg, Đức, mất 22 ngày. Tháng 10/2021, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam nghiên cứu dự án đường sắt Lào Cai-Hà Khẩu, có kế hoạch kết nối với công trình cải tạo đường ray của Trung Quốc.
Việc xây dựng đường sắt trong lãnh thổ Trung Quốc và vận tải xuyên biên giới tiến triển nhanh chóng. Một mặt, ngoài tuyến Ngọc Khê, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Di Lặc-Mông Tự thuộc châu tự trị dân tộc Cáp Nê-Di Hồng Hà từ năm 2015, dự báo sẽ được đưa vào khai thác trong năm nay, điều này sẽ giúp tăng đáng kể năng lực vận chuyển hành khách của mạng lưới đường sắt Vân Nam đến Đông Nam Á.
Đồng thời, tuyến đường sắt Trung Quốc-Việt Nam ngày càng mở rộng đến các khu vực miền Trung và miền Tây của Trung Quốc. Ví dụ, đầu tháng 6/2022, phương thức “Đường sắt tốc hành” của khu vực hải quan xuyên quốc gia từ Trùng Khánh đến Việt Nam đã được triển khai, đánh dấu tuyến đường sắt liên vận Trung Quốc – Việt Nam bước vào thời kỳ mới. Cửa ngõ đường sắt vào Việt Nam là Bằng Tường của Quảng Tây. Tính đến cuối tháng 10, tổng cộng có 238 chuyến tàu liên vận xuyên biên giới Trung Quốc-Việt Nam đã được khai thác trong năm 2022, tăng hơn 178% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đáng chú ý là tiến triển của việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ cảng Phòng Thành của Quảng Tây đến Phòng Đông thuộc Đông Hưng, thành phố biên giới Trung-Việt đang tiến triển nhanh chóng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2023.
(còn tiếp)
Nguồn: www.comment.cfisnet.com
TLTKĐB – 08/01/2023