Những mùa trong cuộc đời – Phần I


“Trường đời đã định”, Cicero từng viết lúc gần cuối đời mình.”Tự nhiên chỉ có một con đường duy nhất và con đường đó chỉ được đi qua một lần, và mỗi giai đoạn tồn tại lại có đặc tính phù hợp của nó”. Ở mọi nền văn hóa và thời kỳ, ở mọi giai cấp và sắc tộc, trải nghiệm của tuổi già là mẫu số chung cho thân phận của con người. “Từ quan điểm sinh học”, nhà triết học Trung Hoa Lâm Ngữ Đường nhìn nhận, “đời người gần giống như một bài thơ. Nó có giai điệu và nhịp phách, những chu kỳ nội tại phát triển và suy tàn của nó”.

Người xưa làm cho những giai đoạn của Cicero và giai điệu nhịp phách của Lâm Ngữ Đường dễ hiểu bằng cách mô tả sự lão hóa của con người như một chu kỳ mà tự nhiên và xã hội tách biệt thành bốn phần. Đối với một vài xã hội bản địa Bắc Mỹ, cuộc đời trải qua bốn “ngọn đồi” (thơ ấu, thanh niên, trưởng thành, tuổi già), mỗi ngọn đồi ứng với một cơn gió và một mùa riêng, mỗi ngọn đồi có thách thức, cao trào, và chuyển hóa riêng. Với người Hindu, đó là một hành trình qua bốn ashramas, chính là bốn giai đoạn phát triển xã hội và tâm linh. Pythagoras là một trong những nhà tư tưởng phương Tây đầu tiên giải thích cuộc đời như một chu kỳ gồm bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn dài khoảng 20 năm và gắn với một mùa: mùa xuân thơ ấu, mùa hè thanh niên, mùa thu trung niên, và mùa đông tuổi già. Tương tự, người La Mã cũng chia saeculum sinh học thành bốn giai đoạn: pueritia (thơ ấu), iuventus (thanh niên), virilitas (trung niên), và senectus (lão niên).

Trong thời hiện đại, quy luật mùa tứ phần của vòng đời người vẫn không hề thay đổi trong văn học, triết học, và tâm lý học. Nhà xã hội Daniel Levinson viết: “Theo phép ẩn dụ, mọi người đều hiểu những mối liên kết giữa các mùa trong năm với các mùa trong đời người”. Mỗi mùa đều có vị trí cần thiết và có đóng góp riêng cho toàn bộ. Nó là một phần hữu cơ của toàn bộ vòng đời, kết nối và chứa đựng quá khứ lẫn tương lai trong đó”. Tương tự, Carl Jung cũng mô tả, “vòng cung cuộc đời” như là “có thể chia thành bốn phần”.

Chúng ta kết nối vòng đời các mùa của tự nhiên không chỉ để liên kết quá khứ với tương lai của riêng chúng ta, mà còn để đặt cuộc sống riêng của mỗi cá nhân trong một bối cảnh xã hội rộng lớn hơn. Lịch sử hiện đại cũng có những mùa riêng – mùa mưa, mùa nóng, mùa khô, và mùa lạnh. Bây giờ hãy so sánh những gì sẽ xảy ra giữa một nhóm lớn lên trong mùa mưa và trưởng thành trong mùa lạnh, với một nhóm sinh sau lớn lên trong mùa khô và trưởng thành trong mùa nóng. Vì các màu trong lịch sử định hình các mùa trong đời người, nên kết quả là có các thế hệ khác nhau. Cơ bản hơn, vì các mùa trong lịch sử đến và đi theo mô hình cố định, nên các thế hệ cũng nối tiếp theo một mô hình cố định – một chu kỳ lặp lại của bốn nguyên mẫu. Bắt nguồn từ những nét tính cách cổ xưa và huyền thoại lâu đời, mấy nguyên mẫu này kết nối thời gian cá nhân với thời gian xã hội. Sau khi được các mùa trong lịch sử tôi luyện trong thời trẻ, bốn nguyên mẫu tái tạo các mùa đó, theo chính trật tự này, như những thế hệ kế tiếp nhau trải qua cuộc đời.

Hành trình 80 năm

Ralph Waldo Emerson nhận thấy “Không có lịch sử, chỉ có tiểu sử”, ông là người đã lưu ý rằng phần lớn chúng ta chỉ nhớ được rất ít nội dung về những thời gian và những nơi đã xa, ngoại trừ cách mà từng người đối mặt với các thách thức cá nhân trong cuộc sống. Hầu như mọi người đều bắt đầu một hành trình sống với thời hạn dự kiến giống nhau. Hầu như mọi người đều có thể mong đợi trải qua bốn màu cuộc đời với nhiều thứ vẫn giống nhau, vì Pythagoras đã xác định được bộ tứ này từ gần ba thiên niên kỷ trước. Vòng đời có bốn mùa trong thời đại Hy Lạp, La Mã, mỗi mùa kéo dài từ 20 đến 25 năm. Và đến nay đều vẫn đúng.

Tuổi thọ trung bình hiện nay tăng lên nhưng không hề kéo dài các giai đoạn này của cuộc đời. Tuổi thọ tăng lên chủ yếu là nhờ sự giảm mạnh về tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, trẻ em, và thanh thiếu niên. Đối với nam giới hoặc nữ giới, nếu không bị bệnh tật sớm hoặc dinh dưỡng kém, thì tuổi thọ tự nhiên thay đổi rất ít. Cựu Ước tuyên bố rằng “tuổi của chúng ta” là “70” hoặc “80”. Theo các bảng thống kê bảo hiểm, người Mỹ 50 tuổi điển hình ngày nay vẫn có thể mong đợi sinh nhạt lần cuối cùng vào khoảng giữa hai độ tuổi trên. Hơn nữa, một giai đoạn cuộc đời không nhất thiết phải thay đổi chỉ vì nhiều người xung quanh đã hoặc sắp hoàn thành nó. Jung nhận định hợp lý rằng “con người chắc chắn sẽ không thể sống được đến 70 hay 80 tuổi, nếu tuổi thọ này không có ý nghĩa gì đối với loài người”. Ý nghĩa này sẽ không khác nếu 50% chứ không phải 5% tổng số trẻ sinh ra sẽ sống đến 80 tuổi. Tự nhiên mong muốn ít nhất mỗi bộ lạc có một vài người gia, nhưng tự nhiên chẳng đặc biệt quan tâm là có bao nhiêu người như thế.

Điều chủ yếu quyết định độ dài của mỗi giai đoạn cuộc đời không hẳn là xác định độ dài của tuổi thọ thông thường như động lực xã hội và sinh học của sự sống. Trong hơn hai thế kỷ qua, khi tuổi thọ trung bình tăng lên, động lực này đã thật sự thay đổi theo chièu hướng khác. Nó đã thúc đẩy, khiến ba giai đoạn đầu đời ngắn lại chút ít. Điều này đã xảy ra trong khoảng thời gian tương tự, trong đó saeculum cũng đã rút ngắn từ một thế kỷ trọn vẹn xuống chỉ còn 80 đến 85 năm.

Theo định nghĩa, mỗi giai đoạn cuộc đời mang đến vai trò xã hội và hình ảnh cá nhân hoàn toàn mới cho những người bước vào giai đoạn đó. Chúng ta kêu gọi vai trò và hình ảnh này mỗi khi chúng ta nói với ai đó “Sống đúng với tuổi của mình”. Các nhà đạo đức học thế kỷ 17 thậm chí còn đưa ra một học thuyết mà họ gọi là tempestivitas (đúng lúc) để mô tả cách hành xử lý tưởng theo từng mùa trong đời người. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chuyển tiếp giữa các mùa trong cuộc đời, mọi xã hội đều thiết lập những nghi lễ chuyển giao khác nhau, những sự bắt đầu với những nhiệm vụ và đặc quyền mới đi kèm một bản sắc xã hội mới.

Mùa đầu tiên là thời thơ ấu, mùa xuân của cuộc đời, thời gian lớn lên và học tập, lĩnh hội năng lực, chấp nhận bảo vệ, và tiếp thu truyền thống theo yêu cầu của người lớn. Trong lịch sử Mỹ, các hàng rào bảo vệ giữa thời thơ ấu và trưởng thành đôi khi được gia cố (như trong các thập niên 1850, 1920 và hiện nay) và đôi khi bị suy yếu (như trong các thập niên 1890 và 1970). Những cải tiến gần đây trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng và y học nhi khoa đã làm giảm bớt những rủi ro và chấn thương mà trẻ em phải đối mặt một thời, nhưng về cơ bản vẫn chưa thay đổi được vai trò xã hội của trẻ em.

Thời thơ ấu kết thúc bằng nghi lễ chuyển tiếp phổ biến nhất, lễ trưởng thành, được người La Mã gọi là adulescentia (theo nghĩa đen là “chín muồi” hay “rực sáng”). Nhiều xã hội truyền thống thực hiện nghi lễ cho thời điểm này với một chút thử nghiệm đau đớn, sợ hãi, hay cô lập, tưởng niệm cái chết của một người như một đứa trẻ và tái sinh như một người trưởng thành. Ở Mỹ đương thời, sự chuyển tiếp này kéo dài thành một chuỗi sự kiện, mỗi sự kiện lại có mức độ phù hợp từ vị thành niên đến tuổi trưởng thành (bar mitzvah, sự xác nhận, giấy phép lái xe đầu tiên, công việc đầu tiên, lá phiếu đầu tiên, tốt nghiệp trung học và đại học, tách ra ở riêng, đi nghĩa vụ quân sự). Giai đoạn trưởng thành này cũng là khi vị thành niên học cách thay thế sự chấp thuận của cha mẹ bằng sự chấp thuận của bạn bè – một sự thay thế giúp tạo ra một bản sắc thế hệ. Học giả về vòng đời John Schowalter của Đại học Yale ghi nhận: “Con đường từ trẻ con thành người lớn của mỗi người đều phải đi qua một cây cầu của bạn bè đồng trang lứa”. Mặc dù tuổi adulescentia dao động theo tiến trình của lịch sử Mỹ, nhưng xu hướng chung của nó là giảm dần. Trong hai thế kỷ qua, tuổi vị thành niên sinh học (kinh nguyệt lần đầu tiên ở nữ giới và dậy thì ở nam giới) đã giảm khoảng 3 tuổi. Độ tuổi thông thường mà thanh niên bắt đầu đi bỏ phiếu, ký hợp đồng, vay nợ, và gia nhập nền kinh tế thị trường cũng giảm tương ứng.

Bên kia cây cầu của tuổi dậy thì này là thời thanh niên, mùa hè của cuộc đời. Đây là độ tuổi để biến những ước mơ và ý tưởng thành các dự án và kế hoạch, để khởi nghiệp và lập gia đình, để đi lính, để phụng sự xã hội bằng sức lực và nghị lực. Levinson mô tả đây là một mùa vòng đời “bắt kịp những rắc rối và xung đột cảm xúc của thời thơ ấu” nhưng “phải vất vả đối phó với những yêu cầu của gia đình, công việc và cộng đồng”. Trong một số thời kỳ (các thập niên 1880 và 1950), thanh niên bước vào sự nghiệp và hôn nhân khá thông suốt và nhanh chóng; những thời kỳ khác (các thập niên 1920 và 1990), quá trình này lại khó khăn hơn và dài hơn. Độ tuổi kết hôn trung bình và tách ra ở riêng hiện nay tương đối cao – trong khi đó độ tuổi kết hôn và khởi nghiệp vào cuối thập niên 1950 là trẻ nhất trong lịch sử Mỹ. Qua thời gian dài, ngưỡng bắt đầu của giai đoạn này đã rút ngắn phần nào. Chẳng hạn trong suốt thế kỷ 19, độ tuổi trung bình của sinh viên đại học và lính là 20. Vào cuối thập niên 1960, độ tuổi trung bình của sinh viên đại học và lính tham chiến (tại Việt Nam) đều dưới 20 cho cả hai trường hợp – độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử Mỹ.

(còn tiép)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s