Bước nhảy vọng thương mại Trung – Việt và sự hòa nhập vào mạng lưới sản xuất
Động lực cơ bản hơn để thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng kết nối đường sắt là mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam ngày càng giống với các vùng ven biển Trung Quốc trước đây. Sau va chạm thương mại Trung-Mỹ, tam giác thương mại mới Trung Quốc-Việt Nam-Mỹ dần hình thành và hội nhập sâu vào mạng lưới sản xuất châu Á.
Tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam trong GDP đã tăng từ 13% cách đây 10 năm lên hơn 17% hiện nay, hàng năm kim ngạch bình quân đầu tư nước ngoài được Việt Nam thu hút chiếm 5% GDP, là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Á từ trước đến nay. Một số tổ chức xếp hạng tín dụng cũng nâng hạng Việt Nam lên BB, gọi là “ngôi sao mới nổi”. Tính đến tháng 10/2022, vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đạt gần 270 tỷ USD. Thậm chí, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ đạt 7,2%, cao nhất khu vực Đông Á.
Tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất mang lại thành tựu nổi bật của Việt Nam trong những năm qua. Ví dụ, dữ liệu của Trung Quốc cho thấy năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam là 15,9 tỷ USD. Tính đến hết tháng 2/2022, giá trị hợp đồng dự án lũy kế của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam là 71,7 tỷ USD.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương là 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2021 đạt 55,9 tỷ USD, gấp 37 lần so với năm 2002.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thiết bị cơ khí và linh kiện khác, máy ảnh, máy quay video và linh kiện, các loại sợi dệt; các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thiết bị cơ khí và những linh kiện khác, vải các loại, điện thoại di động và linh kiện, sản phẩm nhựa.
Nhìn nhận từ tác động của đại dịch COVID-19 và kinh tế thế giới suy thoái, tốc độ tăng trưởng cao của thương mại Trung-Việt là điều rất hiếm. Cục diện đó cũng phản ánh chiều sâu và bề rộng của sự hợp tác song phương. Cục diện đó không những do chuyển dịch ngành sản xuất vì cạnh tranh Trung-Mỹ, mà còn được hưởng lợi từ thương mại chuỗi giá trị ở châu Á đã vận hành trong nhiều năm.
Đối với Việt Nam, tham gia thương mại chuỗi giá trị mang lại lợi ích to lớn, không những thúc đẩy lực lượng lao động trình độ thấp và trung bình tham gia ngành cần nhiều lao động, mà còn có thể tiến vào thị trường quốc tế cho dù không cần thương hiệu riêng, thậm chí sản xuất những linh kiện của một số nhãn hiệu nổi tiếng.
Trên thị trường thế giới, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu 6 mặt hàng của Việt Nam vượt 10 tỷ USD, mặt hàng đứng thứ nhất là điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD; thứ hai là sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện máy tính khoảng 47 tỷ USD; thứ ba là công cụ thiết bị cơ khí và phụ kiện, khoảng 38 tỷ USD; thứ tư là hàng dệt may khoảng 32 tỷ USD; thứ năm là giày dép khoảng 20 tỷ USD; đứng thứ sáu là gỗ và sản phẩm gỗ, khoảng 13,4 tỷ USD.
So sánh những sản phẩm của thương mại Trung-Việt, có thể thấy các mặt hàng thương mại Trung-Việt chiếm ưu thế trong cơ cấu thương mại của Việt Nam với thế giới. Xung đột Nga-Ukraine càng nâng cao địa vị thương mại của Việt Nam.
Ngày 01/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực. Từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 83,4 tỷ USD, tăng 24% so với giai đoạn 2016 – 2019. Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU tăng lên rõ rệt, Việt Nam cũng trỗi dậy trở thành đối tác thươn gmại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN.
Ngoài ra, điều đáng chú ý là Việt Nam ngày càng trở thành thị trường thứ ba của nhiều công ty quốc tế nhằm tránh sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Ví dụ, tháng 6/2022, Công ty Apple đã chuyển dây chuyền sản xuất máy tính bảng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam là nước xuất khẩu sản phẩm điện tử, từ vị trí thứ 47 trong năm 2001 tăng lên thứ 10 năm 2020, giá trị xuất khẩu chiếm 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử của thế giới.
Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Bắc Kinh, hay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Campuchia, khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều mong muốn Trung Quốc và Việt Nam tăng cường kết nối đường sắt, gia tăng số lượng hàng hóa Việt Nam đến nước thứ ba bằng đường sắt, mong muốn Trung Quốc sớm phê chuẩn dự án kết nối giao thông và cửa khẩu biên giới để mở cửa và nâng cấp khu vực biên giới.
Xét từ góc độ của Trung Quốc, Việt Nam gia nhập mạng lưới đường sắt xuyên Á sẽ càng mang lại hiệu ứng rộng lớn hơn. Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia những hiệp định thương mại tự do, không chỉ là thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mà còn là bên đàm phán của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), đồng thời đã ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Dân số Việt Nam sắp vượt ngưỡng 100 triệu người, những nhà lãnh đạo Việt Nam linh hoạt, địa vị của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài và ngoại thương toàn cầu dần tăng lên sẽ là quốc gia quan trọng ủng hộ thúc đẩy mở cửa thế giới và phát triển chung toàn cầu. Cục diện đó cũng rất quan trọng đối với sự phát triển và mở cửa đối ngoại của Trung Quốc trong tương lai.
Nguồn: www.comment.cfisnet.com
TLTKĐB – 08/01/2023