Trang mạng aspistrategist.org.au của Viện Chính sách Chiến lược Australia ngày 13/2 đăng bài viết đánh giá về những thay đổi trong quan hệ Trung Quốc và Philippines thời gian gần đây và một số bài học cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong quan hệ với Bắc Kinh.
Gần 4 năm sau, việc Trung Quốc không ngừng bắt nạt và áp dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” đối với Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác liên quan tới những yêu sách mâu thuẫn nhau và những đặc quyền trên Biển Đông đã phá hỏng thời kỳ “đầy thiện ý” của ông Duterte dành cho Bắc Kinh và kéo Manila lại gần hơn với Washington. Trước khi đặt chân đến Bắc Kinh, ông Marcos Jr. thừa nhận rằng “các vấn đề hàng hải… không phải là tất cả mối quan hệ giữa hai nước” nhưng nhấn mạnh rằng xung đột ở Biển Đông vẫn là một “mối quan ngại đáng kể”.
Áp dụng nghệ thuật “xoay trục” địa chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ yếu tránh né xung đột Biển Đông trong cuộc gặp với ông Marcos Jr. và tiếp tục đưa ra những hứa hẹn như trước đây về việc hai nước tăng cường phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Một loạt sáng kiến được đưa ra trong cuộc gặp, bao gồm các dự án phát triển dầu khí chung, đầu tư năng lượng tái tạo, tăng cường thương mại và một đường dây nóng giải quyết khủng hoảng để giải quyết các tranh chấp hàng hải.
Hành trình điều chỉnh hướng tới hòa bình trên biển là cơ sở thúc đẩy Bắc Kinh quyết định khôi phục quan hệ với Manila và các nước láng giềng khác bằng cách quay trở lại câu chuyện cũ về không can thiệp và “hợp tác” liên châu Á. Các hành động và tuyên bố gần đây, như cam kết rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ sử dụng sức mạnh quân sự để “bắt nạt” các quốc gia nhỏ hơn, cho thấy Trung Quốc thừa nhận chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ của họ nhằm thống trị Biển Đông đã gây hại nhiều hơn là có lợi. Bằng cách chấp nhận “các kết quả hòa bình”, Bắc Kinh tìm cách biến mình thành một lực lượng tốt trong khu vực, một cường quốc có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo các vấn đề châu Á được giải quyết bởi các nước châu Á – chứ không phải những nước ngoài khu vực “hung hăng” như Mỹ. Khi làm như vậy, Trung Quốc “tử tế và ôn hòa hơn” này cam kết hợp tác chứ không phải đối đầu, hài hòa chứ không hiếu chiến, để theo đuổi “kết quả đôi bên cùng có lợi”. Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, những kết quả này sẽ mở ra một “thời kỳ hoàng kim mới” trong quan hệ Trung Quốc – Philippines. Nhưng như người ta vẫn nói, “không phải tất cả những thứ lấp lánh đều là vàng”. Nếu chính quyền của ông Marcos Jr. kiên quyết duy trì các yêu sách của mình trên Biển Đông bất chấp chủ nghĩa trả đũa của Trung Quốc, Manila không thể quá thoải mái với cách tiếp cận “hợp tác” của Bắc Kinh.
Việc kiểm soát “các vùng biển gần” mang lại nhiều lợi ích cho phép Trung Quốc hiện thực hóa khái niệm chống tiếp cận/chống xâm nhập, củng cố triển khai sức mạnh trên khắp chuỗi đảo thứ nhất và nâng cao khả năng chống can thiệp đối với Washington và các đồng minh, đồng thời mở rộng vùng đệm an ninh để bảo vệ Trung Quốc. Ngoài ra, quyền kiểm soát “các vùng biển gần” (hay Biển Đông) hợp pháp hóa việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và chưa được khai thác, đồng thời bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng mà giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng có thể bị đe dọa trong một cuộc xung đột với phương Tây.
Tuy nhiên, sau một thập kỷ cải tạo các rạn san hô đang tranh chấp thành các căn cứ quân sự, các màn phô diễn thể hiện chủ quyền, đánh chìm tàu các tàu cá, quấy rối các tàu khảo sát và tiếp tế, rùm beng tuyên truyền các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với 9/10 Biển Đông, chiến dịch “kiểm soát biển” của Trung Quốc đã phải trả giá đắt về địa chiến lược.
Theo báo cáo khảo sát Tình hình Đông Nam Á năm 2022, đánh giá quan điểm của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về một loạt vấn đề chính sách khu vực, chỉ 26,8% số người được hỏi tin tưởng Trung Quốc “làm điều đúng đắn”. Trong số những người được hỏi không tin tưởng Trung Quốc, có một nửa cho rằng Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để đe dọa lợi ích và chủ quyền của quốc gia họ”. Đồng thời, một số nước ASEAN đã tự tách mình khỏi Bắc Kinh bằng cách tăng cường quan hệ đối tác trong ASEAN và với “Nhóm Bộ tứ”. Các quốc gia khác, như Malaysia đã tăng ngân sách quốc phòng để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông không phải là một kết luận có thể đoán trước. Bắc Kinh đã điều chỉnh tính toán rủi ro khi cái giá phải trả của việc bị quốc tế lên án lớn hơn lợi ích của hành động hiếu chiến trên biển. Philippines, các quốc gia ASEAN và Nhóm “Bộ tứ” có thể tiếp tục áp đặt và báo hiệu cái giá mà Trung Quốc sẽ phải trả đó. Và điều nay sẽ cần tới việc triển khai sức mạnh cứng, bao gồm: máy bay phản lực, tàu hộ tống, tàu tuần tra, tàu tuần duyên và tên lửa.
Các đối tác Nhóm “Bộ tứ” nên bắt đầu đưa Philippines (và các quốc gia sẵn sàng khác) tham gia Sáng kiến Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải để cùng đưa ra các nhận thức chung, chia sẻ thông tin và các giải pháp có mục tiêu. Các nhà lãnh đạo Nhóm “Bộ tứ” cũng nên đưa ra các chương trình kinh tế để đối phó với các đề xuất của Trung Quốc.
Hiện tại, quyết định của ông Marcos Jr. trong tháng này về việc cho phép Mỹ tạm thời và luân phiên tiếp cận 4 căn cứ quân sự và nối lại các cuộc tuần tra chung trên biển ở Biển Đông là một quyết định khôn ngoan vì điều này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Philippines, khả năng tương tác với các đồng minh và cam kết chống lại hành vi hung hăng trên biển của Bắc Kinh. Cần phải có nhiều sự hợp tác và phối hợp hơn nữa, mặc dù Marcos Jr. đã nói rõ rằng mối quan hệ quân sự đang phát triển giữa Mỹ và Philippines không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với Trung Quốc, cho dù đó rõ ràng là một phản ứng trực tiếp đối với hoạt động quân sự hóa và hủy hoại Biển Đông của Trung Quốc.
Nguồn: TKNB – 17/02/2023