Tăng trưởng không đồng đều
Các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng không đồng đều trong năm 2023, căn cứ vào mức độ phục hồi của các lĩnh vực then chốt như sản xuất điện tử và trao đổi hàng hóa. Maybank dự báo tăng trưởng trong ASEAN-5 nói chung đạt 4,3%, nhưng tăng trưởng ở Malaysia (4%), Thái Lan (3,2%) và Singapore (1,5%) nói riêng lại dưới mức trung bình.
Trong khi đó, ông Cochrane chỉ ra rằng Philippines là quốc gia có thành tích tốt nhất trong ASEAN, nhờ nhu cầu nội địa đang bị dồn nén, cũng như gói kích thích tài chính dành cho y tế công cộng, cơ sở hạ tầng và giáo dục. Việt Nam được dự đoán sẽ đứng ở vị trí thứ hai trong khu vực, nhờ hoạt động kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ – đối tác thương mại then chốt của Việt Nam. Yếu hơn là Thái Lan, nước sẽ tiếp tục chờ đợi sự trở lại của lượng lớn khách du lịch Trung Quốc, vốn vẫn chưa thể rời khỏi Đại lục. Malaysia và Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm hơn so với các quốc gia khác do giá cả hàng hóa dự kiến giảm. Nền kinh tế nhỏ, mở cửa của Singapore sẽ tiếp tục tăng trưởng như với tốc độ chậm cho đến khi nhu cầu toàn cầu được cải thiện vào cuối năm 2023.
Cuối cùng, mặc dù các nhà phân tích UOB dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn của ASEAN chậm lại, xuống dưới 5% trong năm 2023, nhưng họ cũng lưu ý rằng điều này phù hợp với xu hướng tăng trưởng chậm hơn nói chung, như ở các thị trường phát triển Mỹ và châu Âu.
Tương tự, các nhà kinh tế Maybank lạc quan coi khu vực Đông Nam Á là “bến cảng phòng thủ” trong năm 2023, và IMF dự báo tăng trưởng GDP cho các nền kinh tế ASEAN-5 vẫn cao hơn nhiều so với mức dự kiến 2,7% đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung trong cùng thời kỳ.
Công ty dịch vụ chuyên nghiệp Aon gần đây phát hiện ra rằng lương ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 có thể tăng đáng kể so với năm 2022. Theo một cuộc khảo sát được công bố ngày 8/12, mức tăng trung bình có thể từ 4,7% ở Singapore lên 7,9% ở Việt Nam, do ngành khách sạn, bán lẻ và thương mại điện tử thúc đẩy. Ngược lại, lương ở những nơi khác nhìn chung sẽ tăng vừa phải, như 4,1% ở Australia, 4,7% ở Anh và 5,1% ở Mỹ.
Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực cũng được cho là sẽ ổn định hoặc giảm. Maybank dự kiến tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở Indonesia giảm xuống 5,3% trong năm 2023, từ mức 5,8% năm 2022. Ở Malaysia, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến giảm xuống 3,5%, từ mức 3,8%; ở Philippines giảm xuống 5% từ 5,5%; và ở Thái Lan giảm xuống 1,2% từ 1,4%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp năm 2023 có thể tăng lên 2,4%, từ 2,3% năm 2022, nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện so với mức 3% năm 2021. Tương tự, tỷ lệ thất nghiệp ở Singapore có thể tăng 2,2% trong năm 2023, từ 2,1% năm 2022, nhưng vẫn tốt hơn mức 2,7% được ghi nhận trong năm 2021.
Trung Quốc – nhân tố lớn khó tiên liệu
Theo báo cáo của Ngân hàng Standard Charter được công bố ngày 8/12, sự phục hồi tăng trưởng của ASEAN có thể tiếp tục trong năm 2023, nhờ sự cải thiện trong các lĩnh vực như tiêu dùng trong nước và du lịch. Báo cáo đánh giá: “Các nền kinh tế ASEAN mở cửa và theo hướng thương mại hơn (như Singapore) có thể phải đối mặt với áp lực dẫn tới sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu trong nửa đầu năm 2023”.
Đặc biệt, các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Trung Quốc gây ra rủi ro đáng kể cho những dự báo tích cực lẫn tiêu cực về ASEAN. Trung Quốc dường như không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022, vì chính sách “Zero-COVID” nghiêm ngặt đã gây ra tình trạng bất ổn trong các ngành như bất động sản và công nghệ.
Ông Cochrane đánh giá: “Chu kỳ điện tử trên toàn cầu suy yếu khi nhu cầu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển đã chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ… Sự yếu kém trong lĩnh vực điện tử có thể kéo dài trong phần lớn năm 2023, và lĩnh vực này có khả năng phục hồi vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của Singapore đã tăng trưởng âm trong tháng 11/2022 – lần suy giảm đầu tiên trong hai năm – do số lượng lô hàng điện tử và phi điện tử đều giảm so với cùng kỳ năm 2021”.
Trong khi đó, bà Ling nhận định: “Do có vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế châu Á và đặc biệt là ASEAN, nên nền kinh tế và thị trường Trung Quốc sẽ có tác động dây chuyền đối với sản xuất, thương mại, đầu tư và cả mức độ tin cậy… Cũng không nên đánh giá thấp sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một phần của chuỗi cung ứng sản xuất – đặc biệt là điện tử – và như một thị trường xuất khẩu then chốt cũng như nguồn du khách quan trọng”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Maybank lưu ý rằng thương mại nội khối ASEAN có thể bù đắp cho nhu cầu yếu hơn ở các thị trường cuối cùng khác, trong khi các nhà đầu tư đang tiếp tục chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN. Họ cũng nói thêm rằng yếu tố lớn khó tiên liệu trong năm 2023 là sự mở cửa lại của Trung Quốc, điều có thể bù đắp phần nào sự suy giảm ở Mỹ và châu Âu, và giúp tăng cường triển vọng kinh tế của ASEAN.
Mặc dù tiến sỹ Khor từ AMRO cho rằng sự suy giảm ở Trung Quốc và xu hướng giảm trong ngành điện tử dự kiến sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực, nhưng ông cũng nói thêm rằng nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ dần phục hồi trong nửa đầu năm 2023 và lĩnh vực điện tử có thể phục hồi khi nhu cầu ở các thị trường lớn phục hồi vào năm 2024.
Tiến sỹ Khor nhận định: “Sự giảm sút về xuất khẩu có thể được bù đắp bởi sự tăng mạnh về nhu cầu trong nước khi các biện pháp liên quan đến dịch bệnh tiếp tục được loại bỏ do số ca nhiễm tiếp tục giảm. Việc nối lại hoạt động du lịch và lữ hành quốc tế, cũng như việc thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, sẽ làm giảm tốc độ chậm lại của xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan và Campuchia”.
Nguồn: TLTKĐB – 09/01/2023