Ở những trường học mà tôi đã từng đến, các hiệu trưởng thường nói với tôi rằng: “Năm nay tuyển sinh một lớp mới, số người dự thi khoảng một hai trăm người, tôi chọn ra được mấy chục người, số còn lại có một số người rất tốt, nhưng vì đã đủ chỉ tiêu rồi nên đều không nhận vào nữa, học sinh lớp này của tôi trình độ rất đồng đều”. Tôi nghe xong tuy ngoài miệng không nói gì nhưng trong lòng khó tránh khỏi buồn phiền. Chúng ta còn muốn thi hành giáo dục bắt buộc, những người không đi học đều bị ép buộc đi học, vì sao những người muốn đi học, chúng ta ngược lại ra lệnh ép họ phải bỏ học? Điều tra chưa tính đến con đường mà những học sinh đó sẽ đi, ngoài việc bỏ học ra thì có người tìm đến các trường học khác, có người vào học trường tư thục. May mà còn có con đường tư thục để đi, bằng không số người bỏ học sẽ càng nhiều hơn.
Có người nói: “Trong các trường học hiện nay dạy đủ mọi loại môn khoa học, khác với chế độ học tập cũ của Trung Quốc, không thể không chia lớp để giảng dạy, trình độ mỗi lớp không thể không đồng đều, không thể không đưa ra hạn chế”. Tôi nói: Trình độ đồng đều đương nhiên là tốt, nhưng cho dù trình độ không đồng đều thì cũng không phải là không có biện pháp. Hiện nay các môn quốc văn, lịch sử, địa lý trong trường học, chế độ học tập cũ của Trung Quốc đã có rồi. Riêng môn Anh văn trong trường học hiện nay là chữ nước ngoài, tiếng nước ngoài, trước giờ giảng văn, giảng âm vận là nghiên cứu chữ của thời xưa, âm của thời xưa, đều khó khăn như nhau. Các môn lý hóa cũng không thấy khó hơn kinh học từ chương là bao nhiêu. Còn riêng môn toán học, các thầy giáo trước kia có rất nhiều người tinh thông, hơn nữa trình độ của họ cũng rất cao, đọc các tác phẩm của họ là có thể biết được. Họ dạy dỗ học trò không áp dụng hình thức hiện nay, vậy mà vẫn có thể dạy dỗ được rất tốt, há không phải là chuyện rất kỳ lạ hay sao?
Có người nói: “Ông đã chủ trương như vậy, nếu tôi làm hiệu trưởng trường trung học, nhất định sẽ mời ông về làm giáo viên, giao cho ông một trăm học sinh có trình độ không đồng đều để ông dạy cho tôi xem”. Tôi nói: “Việc này tôi có thể đảm nhiệm được, ông có chọn ra các môn học, rồi quy định thời gian kết thúc học kỳ, trình độ của học sinh phải đạt tới một mức độ nào đó, khi kết thúc học kỳ thì mời ông đến kiểm tra, nếu học sinh không đạt được tới trình độ đó thì tôi chịu phạt là được. Còn về phương pháp giáo dục thì để tôi tự do, ông không được hỏi tới”. Ông ta hỏi: “Trình độ của học sinh chênh lệch khác nhau, ông có biện pháp gì?” Tôi nói: “Dù họ có chênh lệch thì cũng có biện pháp. Tôi đề xướng việc học sinh đọc sách phải hình thành được khả năng tự học, tôi chỉ cần chỉ dẫn đường lối, nói qua đại khái để họ tự mình nghiên cứu, học tập lẫn nhau, có chỗ nào không hiểu thì trước tiên hỏi bạn học, nếu vẫn không hiểu thì mới tới hỏi tôi, làm như vậy thì những học sinh có trình độ cao sẽ trở thành người trợ giảng của tôi”. Mạnh Tử nói: “Tai họa của con người là ở việc thích lên mặt dạy đời thiên hạ”. Có thể thấy bản tính tự nhiên của con người là thích làm thầy giáo. Những học sinh có trình độ cao một chút, nếu có người tới nhờ họ chỉ giáo, họ nhất định sẽ rất vui vẻ mà giảng giải, mỗi khi giảng giải cho người khác một lần lại giống như tự mình ôn tập lại một lần, đối với họ cũng có ích. Người thầy giáo chỉ đứng ở địa vị khảo sát, khảo sát xem mỗi học sinh có hiểu hay không, việc chỉ dẫn của mỗi học sinh có sai sót hay không, nếu có gì không hợp thì kịp thời sửa cho đúng. Hơn nữa, tính cách thông thường của học sinh phần lớn đều thích hỏi bạn học, không mấy ai chịu tới thầy giáo, nếu có ai tới hỏi thầy giáo thì nghĩa là đã suy nghĩ kỹ lắm rồi mà vẫn không lý giải được, những người này chính là kiểu người mà Khổng Tử gọi là ấm ức trong lòng, chỉ cần chỉ dẫn sơ qua về điều mà họ hoài nghi, họ sẽ nhanh chóng lĩnh hội được, không cần phải phí công nói quá nhiều. Tôi dùng phương pháp này để thực hiện, cho dù là một trăm học sinh có một trăm trình độ khác nhau, dạy dỗ họ cũng không tốn quá nhiều công sức.
Tiên sinh Vương Nhậm Thu chỉ nắm giữ thư viện Tôn Kinh ở Tứ Xuyên chưa đầy sáu năm, chỉ dùng một giáo viên, nhưng những học sinh mà ông đào tạo ra có chuyên gia kinh học, chuyên gia từ chương, chuyên gia cổ văn, chuyên gia bát cổ, chuyên gia lịch sử. Ngày nay hai tiên sinh Mậu Quý Bình, Tống Văn Tử không ra khỏi Tứ Xuyên một bước nhưng có thể tạo ra học vấn nổi danh khắp cả nước. Tứ Xuyên xây dựng trường học đã hơn hai mươi năm, xin hổi không ra khỏi Tứ Xuyên một bước, tạo ra học vấn nổi danh khắp cả nước, có được bằng người không? Nguyên nhân này có quan hệ với tổ chức của trường học. Thư viện Tôn Kinh về sau đổi thành Tứ Xuyên cao đẳng học đường. Giả sử thư viện Tôn Kinh ngày đó cũng có phương pháp tổ chức giống như cao đẳng học đường sau này, hàng ngày tám đến chín giờ lên lớp, Vương tiên sinh lại lên lớp, chín đến mười giờ giảng từ chương, mười đến mười một giờ giảng cổ văn, mười một đến mười giờ giảng bát cổ, sau bữa một đến hai giờ giảng lịch sử, hai đến ba giờ giảng tiểu học, mỗi ngày lên lớp sáu tiếng, tất cả những gì đã giảng đều phải chép lại đầy đủ, lại đặt ra mấy người giám sát đi tuần tra các phòng học. Học sinh trong toàn thư viện ôn tập bài học trong ngày hôm đó. Hôm sau lên lớp, lần lượt hỏi lại những nội dung đã giảng ngày hôm qua, chỗ nào không hiểu thì giảng lại, đến kỳ nghỉ hè hàng năm, đưa ra đề thi dựa trên những gì đã giảng, xếp thứ hạng nhất nhì, cứ làm như vậy trải qua sáu năm, chúng ta thử nghĩ xem: Học vấn của các tiên sinh Mậu, Tống sẽ kém cỏi tới mức độ nào! Tôi có thể chắc chắn rằng trong nước Trung Quốc tuyệt đối không có những tên tuổi lớn như Mậu, Tống, đây coi như là đã hủy diệt mất hai nhân tài. Hai người bọn họ sinh sớm mấy chục năm, thoát khỏi phương pháp tổ chức trường học hiện nay, đây coi như là sự may mắn của hai người bọn họ. Từ đây suy ra Tứ Xuyên chấn hưng việc học tập hơn mười năm, vô hình trung không biết đã hủy diệt bao nhiêu nhân tài, ngay cả những người bị hủy diệt cũng không tự mình ý thức được.
Theo tổ chức của trường học hiện nay, sự vất vả và thời gian của học sinh, những chỗ hi sinh vô nghĩa quá nhiều. Ví dụ như bài học của giờ này, học sinh kia vốn đã nắm rõ rồi, nhưng khi tiếng chuông vang lên vẫn phải lên lớp ngồi một tiếng đồng hồ, đây coi như là đã hi sinh mất công sức và thời gian của một tiếng đồng hồ. Còn học sinh kia trình độ quá thấp, cho dù nghe giảng rồi vẫn không hiểu, cũng vẫn phải lên lớp ngồi một tiếng đồng hồ, đây cũng là hi sinh mất công sức và thời gian của một tiếng đồng hồ. Tôi điều tra trường học thường quan sát bằng con mắt khách quan, thấy có một số thứ không cần phải giảng, họ vẫn cứ giảng đi giảng lại, có những chuyện không cần phải làm cũng bảo học sinh đi làm, thời gian đã hi sinh nếu tổng hợp lại, quả thật không thể nào tưởng tượng nổi. Mỗi khi nghe thấy giáo viên nói với học sinh về sự quý giá của thời gian giống như vàng bạc, tôi nghe xong chỉ đành cười thầm, nghĩ bụng phàm là những lời không cần giảng giải mà cũng đem ra để giảng giải, lãng phí mất mấy giây, tự bản thân giáo viên coi như đã tổn thất mấy giây vàng bạc, mỗi học sinh cũng tổn thất mất mấy giây vàng bạc, gộp tất cả học sinh trong lớp lại thì tổn thất đó đã rất lớn rồi. Vàng bạc của học sinh đã bị nhà trường làm tổn thất hết, học sinh không biết, nhà trường cũng không biết, đôi bên còn khuyến khích lẫn nhau phải biết giữ lấy vàng bạc, thật đúng là điều thiếu suy nghĩ.
Nói về phương pháp tổ chức của trường học hiện nay, người quản lý chịu trách nhiệm về mặt hình thức, tiếng chuông vừa vang lên, chỉ cần người đó có thể khiến cho toàn bộ học sinh vào ngồi trong lớp thì coi như người đó đã hoàn thành trách nhiệm, còn giáo viên chịu trách nhiệm về mặt thời gian, chỉ cần mỗi tiếng đồng hồ có thể ở trên giảng đường giảng bài mười phút hoặc bốn mươi lăm phút thì coi như người đó đã hoàn thành trách nhiệm. Khổng Tử nói, kẻ nào không nổi nóng lên để tìm hiểu thì ta không gợi mở cho, không biết nói thành lời thì ta không khai phá cho. Đây vốn là phương pháp giáo dục rất hay nhưng ngày nay không còn dùng được nữa, tiếng chuông vừa vang lên là phải vào lớp học nghe giảng, người không nổi nóng lên cũng phải gợi mở, không nói thành lời thì cũng phải khai phá, tổ chức của trường học như vậy, sao có thể không sinh ra sai sót được chứ?
Chúng ta nghiên cứu một chút về nguyên lý phân công mà Smith đã phát minh ra là biết được tổn thất và công sức và thời gian của học sinh trong nhà trường thật sự là không thể tưởng tượng nổi.
Theo điều tra của Smith, một người làm kim mỗi ngày chỉ có thể làm hai mươi chiếc, nếu như chia các công đoạn của việc làm kim ra, một người kéo, một người cắt, một người khoan, một người mài, tổng cộng chia ra mười tám người, mỗi ngày có thể làm tám vạn sáu nghìn chiếc, bình quân mỗi người mỗi ngày làm được tám trăm chiếc, thành tích đạt được tăng lên gấp hơn hai trăm lần. Tổ chức của trường học hiện nay, mỗi ngày phải học mấy môn học, mỗi môn có giới hạn là một tiếng đồng hồ, đây giống như một người làm kim, lúc thì kéo, lúc thì cắt, lúc thì khoan, lúc thì mài, đương nhiên tốn rất nhiều thời gian và công sức, trở thành sự hao phí vô ích. Tuy nói rằng học sinh đã quen thuộc với nhiều môn học khác nhau, không giống với tình hình khi làm kim, nhưng chúng ta hiểu rõ được nguyên lý đó liền biết rằng mỗi giờ học đổi học một môn là không kinh tế nhất. Các môn cần được giảng dạy ở trường trung học không nên tiến hành đồng thời, thứ tự học tập các môn trước sau cùng thời gian học tập đều nên tính toán thay đổi, loại bỏ phương pháp mỗi ngày học năm sáu môn, hiệu quả thu được nhất định sẽ tăng lên rất nhiều.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020