Tình trạng nhà ở của quần thể sinh viên mới tốt nghiệp, trong đó kể cả “họ kiến”, chẳng khá hơn là bao so với những di dân nông thôn ra thành thị này. Có một số quần thể tốt nghiệp sinh đại học ở lứa tuổi “8x” thu nhập thấp tụ cư hình thành nên “họ kiến”, quần thể này có rất nhiều đặc điểm giống như kiến: thông minh, nhỏ yếu, sống thành bầy. Tại các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu, Tây An… quần thể này đều tồn tại với quy mô lớn. Tại các “thôn tụ cư” mà họ sinh sống như Đường Gia Lĩnh (Tangjialing), Tiểu Nguyệt Hà (Xiaoyuehe), Mã Liên Oa (Malienwa), điều kiện ăn ở sơ sài, môi trường tồi tệ. Ở đây, các loại cửa hàng cửa hiệu liên doanh không phép như quán cơm nhỏ, hiệu làm tóc nhỏ, xưởng thủ công nhỏ, phòng khám nhỏ, quán cà phê Internet nhỏ, cửa hiệu đồ dùng người lớn và quán giải trí cấp thấp… tập trung rất nhiều và tăng lên một cách lộn xộn, các vụ án hình sự như đột nhập trộm cắp, cướp của, đánh lộn thường xuyên xảy ra, tình hình đời sống rất đáng lo ngại. Môi trường đó rõ ràng thuộc về một thế giới hoàn toàn khác với những quán bar sang trọng, các cửa hiệu chuyên bán hàng tinh chế, quán cà phê hạng sang, hội quán, câu lạc bộ… Những người sống trong hai loại môi trường cũng rất ít giao lưu đi lại với nhau trong đời sống thường ngày, thuộc các mạng quan hệ xã hội tách biệt nhau.
3/ Giá nhà và ác quỷ trong đời sống thường ngày
Trong 7 năm tác giả sống ở Thượng Hải, ít có cuộc tụ họp đồng nghiệp hay bạn bè nào mà không nói tới chuyện nhà ở và giá nhà. Là lý tưởng an cư lạc nghiệp cơ bản nhưng đối với không ít người lại là ác mộng thường xuyên xảy ra. Thỉnh thoảng nghe được những câu chuyện như thế này: một bác sĩ ở tuổi 30 vì không có nhà ở cảm thấy xấu hổ, thấp kém một bậc giữa đồng nghiệp; một sinh viên vừa mới tốt nghiệp hai năm làm việc trong công ty tuyển mộ chuyên viên giỏi hỏi dò bạn thân tín về giá một loại chất kích thích, bởi vì cô ta đang tính toán mua nhà mà tích lũy trong tay có hạn; một cặp tình nhân vì một bên để mất cơ hội mua nhà năm 2003, cuối cùng họ không đi tới lâu đài hôn nhân; mấy sinh viên tỉnh ngoài đến thành phố làm việc, vì không chịu được sức ép của giá nhà, cảm thấy đời sống bấp bênh, buộc phải trở về tỉnh nhà tìm lối thoát khác; một vị trí thức vì hỏi vay tiền đồng nghiệp kiêm bạn bè trong văn phòng để trả tiền nhà lần đầu, từ đó giữa hai người chỉ còn quan hệ đồng nghiệp; một nhân tài khoa học kỹ thuật với chức cao được tiến cử, vì chính sách của đơn vị quy định phải kết hôn mới được nhận trợ cấp tiền nhà, căn phòng đã ưng năm 2004 thì đến năm 2009 giá đã tăng gấp 3 lần, anh ta thường xuyên kể lể dài dòng về chuyện này giống như thím Tường Lâm [nhân vật nữ chịu nhiều bất hạnh trong tiểu thuyết Chúc phúc của Lỗ Tấn] vậy, và đem sự bất mãn đối với đơn vị truyền đạt cho bạn bè và thân thích; một cặp vợ chồng tình cảm bất hòa nhiều năm nay vì không ly hôn được đành sống riêng dưới cùng một mái hiên; để mua được một căn phòng rẻ, một cặp vợ chồng trung niên đành hy sinh chỗ đi làm gần và thuận tiện, kết quả là hàng ngày đi đi về về giữa chỗ ở và nơi làm việc mất hơn 4 tiếng đồng hồ, một cặp khác cũng trong tình cảnh tương tự đành làm vợ chồng cuối tuần ở cùng thành phố; để trả tiền thuê nhà, một trưởng ban của công ty đã tham ô công quỹ và bị kết án; một phụ nữ vì nhà đang bị gắn bảng “nhà cho thuê” nên tố cáo lên báo chí, vì vậy bị mang tiếng xấu, kỳ thị và oan khuất; vì lo con đến lúc cần không mua được nhà, một số cha mẹ đã tìm mọi cách mua nhà cho con cái; vì vấn đề mua nhà dẫn đến gia đình bất hòa, cha mẹ anh chị em lục đục.
4/ Quấy rối bằng điện thoại và tin nhắn
Do các vụ việc (như mua bán và thuê nhà), số điện thoại di động cá nhân bị các văn phòng mua bán nhà và các môi giới xấu biết được. Các đối tượng này sẽ gửi hàng loạt tin nhắn và gọi điện thoại, cho bạn biết thông tin về chỗ nào đang cho thuê hoặc bán nhà, cả những thông tin về trang trí, sửa sang như tủ chạn, gạch lát nền…, hỏi bạn phòng ở tiểu khu là bán hay cho thuê, thậm chí lừa gạt tiền bạc. Tôi và rất nhiều bạn bên cạnh đều than phiền gần đây nhận được những tin nhắn tương tự, cách làm của mọi người nói chung là trực tiếp xóa đi, có người nhìn thấy số điện thoại lạ gọi đến thì đành trực tiếp tắt máy. Phía gọi điện thoại và gửi tin nhắn không tiếc chi phí, làm tốn thời gian và sức lực của hai bên, thậm chí tổn thương tình cảm. Thứ đối thoại này có lúc kết thúc bằng chửi nhau. Trên mạng đã xuất hiện đối sách đối phó với mấy thứ quấy rối này, có một số là dĩ độc trị độc. Nhưng ý nghĩa xây dựng cảu thứ trao đổi thông tin, giao lưu điện thoại này cực ít, phần nhiều là hậu quả tiêu cực. Nhưng chỉ cần đạt được một phần vạn thành công thì bên chủ động gây chuyện vẫn sẽ kiên trì thực hiện. Nếu không phải là “có tiền mua tiên cũng được” thì không thể nào phát sinh những sự việc đê tiện và thủ đoạn thấp hèn như vậy được.
Các trường hợp mà tác giả thu thập những năm gần đây như sau:
“Sau khi mua nhà, hàng ngày tiếng điện thoại réo liên tục, tin nhắn không ngớt, trúng thưởng rồi, đã gửi tiền cho tôi tới tài khoản của ai ai rồi, đã cung cấp dịch vụ sửa chữa rồi…, còn biết chính xác họ của tôi, vị trí chính xác của căn hộ. Mới kết hôn chưa bao lâu đã tiên tục được gọi linh tinh là “tiểu thư”, “quý bà”…, phiền phức không dứt, không cách nào thoát được. Điều khác thường là ngày nghỉ, ngày tết họ cũng gọi” (25 tuổi, kế toán công ty).
“Những quấy rối qua điện thoại và tin nhắn rác này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của tôi, có lúc đang tập trung tâm trí soạn bài, đột nhiên một trận chuông làm đứt quãng dòng suy nghĩ mới hình thành. Tệ hại nhất là khó khăn lắm mới chợp được mắt thì lại bị tiếng chuông không hẹn mà tới làm bừng tỉnh, vừa cầm máy nghe thì lại là môi giới bất động sản, bực mình không kể xiết. Có lúc tôi đang chờ một cuộc gọi quan trọng, thì cuộc gọi này lại tới” (34 tuổi, giáo viên trung học).
“Chiều qua nhận được một cú điện thoại quấy rối của môi giới (nhà ở), rất phiền phức. Sáng nay vừa ngủ dậy đang chăm chú viết bài, nghe thấy chuông điện thoại. Thấy số lạ, tôi kết nối nhưng không nói, đối phương im lặng, tôi cho rằng lại gọi điện quấy rối đây, liền lạnh lùng bảo, có gì thì nói đi. Tiếng nói vang lên, hóa ra là bà con ở quê. Tôi cảm thấy ngượng và có lỗi” (41 tuổi, kỹ sư nhà máy).
“Tôi đang lái xe trên đường vành đai về nhà, nghe chuông điện thoại kêu, sợ có chuyện gì quan trọng, bật nghe. Đối phương không giới thiệu về mình, đã hỏi có nghe rõ không, sau đó hỏi căn nhà X, X (tên tiểu khu) của anh bán phải không. Nghe điện thoại khi đang lái xe trên đường cao tốc rất dễ xảy ra sự cố, những đồ chết tiệt này bất chấp bạn đang bận gì” (54 tuổi, giám đốc công ty bất động sản).
“Lúc bình thường điện thoại không nhiều, điện thoại reo thì cho rằng bạn bè, đồng nghiệp gọi đến. Chiều qua đang họp, việc quan trọng, các thủ trưởng như trưởng ban… đều có mặt, máy điện thoại của tôi reo, không nghe không tiện, vừa nghe liền phát hiện là điện thoại quấy rối, trưởng ban liếc nhìn tôi. Chút phận thăng chức của tôi nằm trong tay lãnh đạo, cú gây rối này quá…” (30 tuổi, viên chức cơ quan chính quyền).
“Mùa thu năm ngoái nhận được một cú điện thoại, nói là cục thuế nhà nước, gia đình tôi sau khi mua nhà có thể hoàn thuế mua. Đối phương biết rành rẽ diện tích nhà tôi, tên tiểu khu, giá giao dịch. Còn tính ra cho có khoảng 5000 NDT, nói sẽ chuyển vào tài khoản của tôi, tôi căn cứ theo lời đối phương, tới máy rút tiền tự động dùng thẻ rút là được. Trong đầu tôi đã lóe lên cảnh mình dùng thẻ đi rút tiền và nhận được tiền hoàn thuế. Về sau cảm thấy có chút không đúng. Cục thuế nhà nước Thượng Hải làm gì có người nói tiếng phổ thông, thái độ tốt như vậy. Gọi điện tới Phòng Nhà đất khu, mới nói vài câu, đối phương nói “giả đấy” liền ngắt máy” (43 tuổi, giảng viên đại học).
5/ Chọn bạn đời hay chọn nhà
Trên thị trường hôn nhân, có nhà để ở không, có mua được nhà đủ rộng, đủ tốt không ngày càng chiếm địa vị và vai trò quan trọng, còn vai trò tác động của tuổi tác, nghề nghiệp, phẩm hạnh, hoàn cảnh gia đình, quan hệ xã hội và vóc dáng… tương đối giảm. Năm 1996, thông qua phỏng vấn tại nhà và điều tra theo mẫu đối với 3200 nam nữ đã kết hôn ở Thượng Hải và Cáp Nhĩ Tân, Từ An Kỳ (Xu Anqi) phát hiện, trong một khoảng thời gian rất dài những năm 80 của thế kỷ XX về trước, “lợi ích vật chất” và “kim tiền vạn năng” từng bị coi là nguồn gốc của mọi cái xấu và bị phê phán mạnh mẽ, nhưng quan niệm lựa chọn bạn đời gần đây trái ngược với hình thái ý thức cách mạng hóa, lý tưởng hóa tình yêu và coi thường ham muốn vật chất trước kia. Phát hiện khác biệt về tiêu chuẩn chọn bạn đời trong các thời kỳ khác nhau: trong lựa chọn ý trung nhân, tỷ lệ đối tượng nghiên cứu quan tâm đến nhà ở trong 4 thời kỳ 1948 – 1966, 1967 – 1976, 1977 – 1986, 1987 – 1996 lần lượt là 16,4%, 27,7%, 33,1% và 37,2%, tỷ lệ quan tâm đến thu nhập lần lượt là 20,1%, 27,5%, 27,0% và 34,9%. Nghiên cứu về thông báo cầu hôn trên tạp chí Phụ nữ Trung Quốc, tỷ lệ đề cập các biến số tài sản trong điều kiện đòi hỏi của người cầu hôn nữ các thời kỳ khác nhau, năm 1985 ít hơn rõ rệt so với các năm khác, năm 1995 nhiều hơn rõ rệt so với các năm khác, năm 1985 và 1990 ít hơn rõ rệt so với năm 1995 và 2000.
(còn tiếp)
Người dịch: Viễn Phố
Nguồn: TN 2014 – 74, 75 76