Mỹ Hằng
Có thông tin cho rằng Việt Nam chưa mở cửa nước ngàoi đầu tư vào điện gió ngoài khơi chủ yếu là do lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, theo GS Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), vùng biển mà Việt Nam có tiềm năng gió dồi dào nhất lại là vùng “an toàn” không nằm trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Các nghiên cứu khoa học dự báo về sự phát triển điện gió trong tương lai ở Việt Nam đã chỉ ra rằng, các trang trại gió gần bờ và ngoài khơi trong phạm vi 50 km tính từ đường cơ sở ven biển của Việt Nam sẽ sản xuất điện nhiều gấp 19 lần so với các trang trại gió ngoài khơi nằm ngoài phạm vi 50 km tính từ đường cơ sở. Nếu Việt Nam chú tâm vào đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi trong phạm vi này thì có thể sản xuất được 9500 MW điện vào năm 2030, so với chỉ 500 MW từ các trang trại gió ngàoi khơi xa hơn 50 km tính từ đường cơ sở.
Theo nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Khu vực dưới 50 km tính từ đường cơ sở nằm trong phạm vi quyền lợi hợp pháp của Việt Nam, là Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Hiện Việt Nam đang vận hành một nhà máy điện gió ở đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận”.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Australia về an ninh hàng hải, về mặt an ninh thì các điện gió ít gặp thách thức hơn so với các dự án dầu khí: “Các dự án điện gió hầu hết được triển khai ở khu vực lãnh hải của Việt Nam, vốn không có tranh chấp, trong khi dầu khí thì lại triển khai ở thềm lục địa và EEZ mở rộng. Chuyện có thể phức tạp hơn khi Việt Nam xuất khẩu điện ra nước ngoài, vì có thể liên quan tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải. Thế nhưng, điều này cũng không tác động nghiêm trọng tới tranh chấp”.
Vấn đề an ninh biển, đảo và nguy cơ từ Trung Quốc luôn là quan ngại của Việt Nam, nhưng GS. Carl Thayer cho rằng bên cạnh đó, Chính quyền Việt Nam vẫn khuyến khích đầu tư Trung Quốc và điện gió ngoài khơi không phải là ngoại lệ.
Giải pháp cho điện gió ngoài khơi Việt Nam
Theo nhiều chuyên gia, sự chậm trễ trong việc thông qua Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) của Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố chứ không chỉ vấn đề Trung Quốc hay an ninh quốc gia. Chẳng hạn như về cơ chế giá bán điện (FIT), vấn đề cơ cấu nguồn năng lượng (than, LNG và năng lượng tái tạo) để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và thu hút đủ đầu tư trực tiếp nước ngoài, ước tính ở mức 15,5 tỷ USD, để tài trợ cho dự án năng lượng ngoài khơi.
Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác như thiếu quy hoạch biển quốc gia, lưới điện quốc gia xuống cấp và lạc hậu, các chính sách chồng chéo, thay đổi liên tục làm nản lòng nhà đầu tư… Theo GS. Carl Thayer: “Việc cần làm hiện này là đẩy nhanh quá trình rà soát và sửa đổi các luật và quy định trong nước, các trách nhiệm pháp lý chồng chéo đang thay đổi của chính quyền địa phương…”.
Mới đây, Chính quyền Việt Nam lại một lần nữa không thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã chỉnh sửa nhiều năm. Điều này đồng nghĩa hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực điện gió sẽ bị đình trệ, khiến các nhà đầu tư nản lòng và tiếp tục làm lãng phí nguồn điện gió được đánh giá là tiềm năng nhất khu vực châu Á của Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Reuters, một số nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết Việt Nam cũng muốn xem xét kỹ lưỡng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi vì lý do an ninh quốc gia, lo ngại các trang trại gió có thể được sử dụng để giám sát.
Nguồn: TKNB – 28/02/2023