Thế giới trải qua một năm nhiều biến động – Phần II


II/ Tình hình an ninh quốc tế bất ổn khiến toàn cầu xuất hiện xu thế rạn nứt

(Diêu Vân Trúc, Ủy viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược và an ninh quốc tế, Đại học Thanh Hoa)

Sự kiện lớn nhất trong lĩnh vực an ninh quốc tế năm 2022 là cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2 và kéo dài cho đến nay. Cuộc khủng hoảng này không những khiến các quốc gia trên thế giới bắt đầu thay đổi cách đánh giá đối với tình hình an ninh toàn cầu và điều chỉnh sâu sắc an ninh của mình, mà còn tác động nghiêm trọng đến cơ cấu cung cầu năng lượng và lương thực toàn thế giới.

Hình thành trận tuyến an ninh quân sự và gia tăng đấu tranh ý thức hệ

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến thế giới xuất hiện xu hướng hình thành trận tuyến an ninh quân sự rõ ràng. Ở châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự sâu vào cuộc khủng hoảng và lợi dụng cuộc khủng hoảng để gia tăng số lượng thành viên. Ngày 18/5/2022, Thụy Điển và Phần Lan chính thức gửi đơn xin gia nhập NATO. Việc làm này sẽ giúp họ nâng cao mức độ liên kết của thể chế tác chiến liên minh, đổi mới phương thức can thiệp quân sự, xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác và phối hợp trong các lĩnh vực khác nhau, hình thành sự đồng thuận về tăng cường mạnh mẽ can thiệp quân sự.

Ngay sau khi khủng hoảng Ukraine bùng phát, Mỹ đã rêu rao nguy cơ tương tự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á. Mỹ có ý đồ lợi dụng vấn đề Đài Loan để củng cố đồng minh quân sự, tăng cường hợp tác quốc phòng với những nước đồng minh và đối tác khác ở châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Mỹ cũng tích cực phát triển quan hệ đối tác quốc phòng bằng cách lợi dụng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa một số quốc gia láng giềng với Trung Quốc. Ấn Độ đã trở thành nước thành viên duy nhất không phải là đồng minh của Mỹ trong cơ chế an ninh bốn bên (Bộ Tứ) do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển với Trung Quốc cũng có sự phụ thuộc kinh tế chặt chẽ và mối quan hệ lịch sử, văn hóa lâu đời với Trung Quốc, đã hạn chế nhất định xu thế hình thành trận tuyến về quân sự của khu vực Đông Á.

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến thế giới xuất hiện xu thế tăng cường đấu tranh ý thức hệ. Chính quyền Biden của Mỹ đã lợi dụng sự khác biệt giữa “dân tộc với độc tài” và định vị cạnh tranh chiến lược nước lớn nhằm khoét sâu hố ngăn cách giữa các nước phát triển phương Tây với những quốc gia như Trung Quốc và Nga. Tuy hai bên không tạo thành tuyến đối đầu đối kháng toàn diện, nhưng lại là giới tuyến cạnh tranh quyết liệt, đối đầu lâu dài, có lúc xung đột. Cuối cùng, tình hình sẽ leo thang căng thẳng hay hòa dịu là vấn đề nan giải buộc thế giới phải đối mặt.

Cùng với cuộc khủng hoảng Ukraine, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đang xuất hiện xu thế chia rẽ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Tình hình chính trị khá ổn định trên bán đảo Triều Tiên kể từ năm 2017 không còn tồn tại. Mỹ không muốn nối lại đối thoại với Triều Tiên. Mùa Hè năm 2022, họ đã tổ chức cuộc tập chung quy mô lớn đầu tiên với Hàn Quốc kể từ năm 2017, tăng thêm số lượng vũ khí chiến lược được triển khai trên bán đảo Triều Tiên và các khu vực lân cận, tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên. Đồng thời, Triều Tiên ngày càng tiến hành nhiều vụ thử tên lửa và vũ khí tối tân khác. Tháng 9/2022, Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên đã ban hành Sắc lệnh chính sách lực lượng hạt nhân, đưa ra nhiều kịch bản đối với việc sử dụng trước và trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. Đồng thời, mong muốn hợp tác của các cường quốc trong vấn đề bán đảo Triều Tiên đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tháng 5/2022, Trung Quốc và Nga đều phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được áp đặt nhằm trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Đây là bất đồng đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến vấn đề Triều Tiên kể từ năm 2006. Khả năng Đông Bắc Á xảy ra cuộc khủng hoảng mới làm gia tăng sự chia rẽ giữa các nước trong khu vực.

Khủng hoảng hạt nhân trở lại và thách thức toàn cầu tăng vọt

Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng khiến thế giới lần đầu tiên phải đối mặt với mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ngày 26/3, khi trả lời phỏng vấn, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân khi an ninh bị đe dọa, nhưng ông vẫn cho rằng đàm phán là giải  pháp đúng đắn nhất. Ngày 22/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov cảnh báo NATO nếu coi nhẹ giới hạn đỏ của Nga có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh hạt nhân. Về vấn đề này, cùng với cảnh báo Nga không leo thang rủi ro sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ liên tục đưa ra các cam kết như không đưa quân can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine, không cung cấp vũ khí tấn công cho Ukraine, không tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga… Đương nhiên, Mỹ và Nga vẫn duy trì kết nối cấp cao sau khi khủng hoảng Ukraine bùng nổ. Từ tháng 10-11/2022, trong nhiều bối cảnh khác nhau, hai bên đã đưa ra những tuyên bố riêng liên quan, nói rằng chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không thể tiến hành. Khi thế giới một lần nữa thực sự đối mặt với khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân, cần phải đi sâu đánh giá lại về quá trình kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân trong những năm gần đây đã chạm đáy, nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân bế tắc, việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi chiến tranh và thảm họa.

Hiện nay, các mối đe dọa đối với sự tồn tại của toàn nhân loại ngày càng gia tăng, mong muốn hợp tác toàn cầu đang giảm sút. Xã hội loài người đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố và các lực lượng cực đoan lan rộng… Mặc dù những vấn đề an ninh nghiêm trọng này cần phải được giải quyết khẩn cấp thông qua hợp tác quốc tế, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiềm năng và hiệu quả hợp tác của cộng đồng quốc tế đang mờ dần. Trong thời đại thiếu an ninh và ổn định, nếu các quốc gia trên thế giới chỉ chú trọng lợi ích trước mắt của mình thì xã hội loài người nhất định sẽ phải tiếp tục trả giá đắt.

(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Tri thức thế giới (TQ) – số 24/2022

TLTKĐB 3-11/01/2023

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s