Để làm cho minh họa này gần gũi và cụ thể hơn, người Mỹ ngày nay chỉ cần nhớ lại Thế chiến II với những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi thế hệ mà nó chạm tới. Hãy nhìn vào bảng sau:
Những thế hệ người Mỹ và Thế chiến II
Thế hệ | Năm sinh | Thành viên mẫu | Mối liên quan của thế hệ với Thế chiến II |
CẤP TIẾN | 1843 – 1859 | Woodrow Wilson | Những người lớn tuổi trước chiến tranh (những người theo chủ nghĩa đa phương không thành công) |
SỨ MỆNH | 1860 – 1882 | Franklin Roosevelt | Những nhà lãnh đạo lớn tuổi: có tầm nhìn mang tính nguyên tắc |
LẠC LÕNG | 1883 – 1900 | Dwight Eisenhower | Những tướng lĩnh trung niên: nhà quản lý thực dụng |
VĨ ĐẠI NHẤT | 1901 – 1924 | John Kennedy | Những người lính thanh niên: anh hùng luôn sẵn sàng hành động |
IM LẶNG | 1925 – 1942 | Michael Dukakis | Những đứa trẻ được che chở: người bạn đời đáng kính |
BÙNG NỔ | 1943 – 1960 | Bill Clinton | Những đứa trẻ sau chiến tranh (đứa trẻ chiến thắng) |
THỨ 13 | 1961 – 1981 | Tom Cruise | Những đứa trẻ sau chiến tranh (biểu tượng của đạo đức công dân đã mất) |
THIÊN NIÊN KỶ | 1982 – 2002 | Lứa 2000 | Những đứa trẻ sau chiến tranh (mối quan hệ cá nhân cuối cùng) |
Thế chiến II đã để lại một ấn tượng lớn đối với vai trò xã hội của mọi người sống vào thời điểm đó. Nó hun đúc người lớn tuổi thuộc Thế hệ Sứ mệnh thành những người có tầm nhìn xa nhất, những tên tuổi đương thời như Henry Stimson, George Marshall, Douglas MacArthur, và Albert Einstein gắn liền với danh hiệu “những người già thông thái” của thời đại, và trong ký ức của người Mỹ, họ hoàn toàn khác với Thế hệ Cấp tiến trước đó. Cuộc chiến giúp Thế hệ Lạc lõng đang ở tuổi trung niên có một việc lớn để hoàn thành, nổi bật là những kỳ tích dũng cảm của một George Patton hay một Harry Truman và làm bén rễ một nhóm đồng đẳng trước đó đã từng sống chậm rãi để ổn định cuộc sống. Chiến thắng cho phép thanh niên Thế hệ Vĩ đại nhất có quyền ngạo mạn như những kẻ chinh phục thế giới, gia tăng danh tiếng để “không yêu cầu” đạo đức công dân và sự chung sức của Đại xã hội, để sau đó thế hệ này có được nhiệm kỳ tổng thống dài nhất trong lịch sử Mỹ. Chiến tranh nuôi dưỡng sự thận trọng và nhạy cảm ở trẻ em Thế hệ Im lặng, cho chúng khoác lên một cá tính mà đã sinh ra mối bận tâm suốt đời gắn với quy trình, công bằng, và thể hiện khéo léo.
Thế chiến II có tác động mạnh mẽ đến xã hội tới mức nó xác định nhiều ranh giới thế hệ. Thế hệ Vĩ đại nhất bao gồm như tất cả những người chứng kiến cuộc chiến này. Ngược lại, Thế hệ Lạc lõng bao gồm những người đủ tư cách tham chiến trong Thế chiến trước đó, và Thế hệ Im lặng là những người nhớ tới chiến tranh với tư cách cá nhân và thậm chí có thể sẵn sàng nhập ngũ nhưng phần lớn là bỏ lỡ hành động tham chiến. Những người đầu tiên thuộc Thế hệ Bùng nổ sinh vào năm 1943, trong đó có “những đứa trẻ chiến thắng” đầu tiên, chúng được nuôi dạy từ đầu với sự lạc quan lớn lao và còn quá nhỏ để nhớ được sự vắng mặt của người cha trong thời chiến.
Trong số các thế hệ sinh ra sau đó, ký ức biểu tượng về cuộc chiến sử thi tiếp tục vang dội, nhưng tiếng vang đã giảm bớt phần nào. Thế hệ Vĩ đại nhất về hưu khi Thế hệ Thứ 13 đến tuổi trưởng thành mà không có anh hùng nào, và bị người lớn phê bình vì đã quên mất cảm giác thời chiến của cộng đồng. Những đứa trẻ Thiên niên kỷ ngày nay sẽ là thế hệ cuối cùng có nhiều liên hệ cá nhân với G.I. Joe và Rosie Thợ tán đinh, mà những giá trị công dân cũ của họ hiện đang được các gia đình, trường học, nhà thờ và phương tiện truyền thông đại chúng nhấn mạnh lại. Vào thời điểm thế hệ tiếp theo xuất hiện, Thế chiến II sẽ chỉ là lịch sự thuần túy, cách xa cuộc sống của họ giống như Nội chiến đối với đứa trẻ của Thế hệ Im lặng.
Điều gì xảy ra khi Sự kiện Lớn và những tiếng vang của nó phai mờ theo dòng chảy thời gian? Trong một xã hội truyền thống, không có gì xảy ra. Không có thêm Sự kiện Lớn nào, những thế hệ dần biến mất. 21 năm sau đó, chỉ có ba thế hệ khác nhau được hình thành nhờ sự kiện này còn tồn tại. Sau 42 năm, chỉ còn hai thế hệ; sau 63 năm, chỉ có những người hồi đó còn trẻ con mới có thể nhớ về nó; và sau 84 năm, chỉ còn một vài tiếng nói khàn khàn còn sót lại để kể lại ký ức cá nhân về những vinh quang trong quá khứ. Sau đó, quán tính xã hội sẽ hích nhẹ con người ở mọi lứa tuổi quay lại vòng đời của thế hệ trước đó. Trong vô số áng sử thi cổ đại, đây là nơi mà bức màn thời gian rủ xuống, đặt dấu chấm hết cho trường thiên tiểu thuyết về chiến công.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những Sự kiện Lớn mới vẫn tiếp tục xảy ra vô cùng đều đặn. Đây là các điểm chí của saeculum: Khủng hoảng và Thức tỉnh. Qua năm thế kỷ trong lịch sử của người Mỹ gốc Anh, không có khảong thời gian nào kéo dài hơn 50 năm (khoảng thời gian bằng hai giai đoạn của cuộc đời) từng trôi qua mà không có sự xuất hiện của một thời kỳ Khủng hoảng hoặc Thức tỉnh. Do đó, mỗi thế hệ đều đã và đang được định hình bằng một thời kỳ Khủng hoảng hay Thức tỉnh ở một trong hai giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, và gặp cả Khủng hoảng lẫn Thức tỉnh vào một số thời điểm trong suốt vòng đời của mình.
Biểu đồ dưới đây cho thấy rõ ràng trường hợp xảy ra với Mỹ trong thế kỷ 20 ra sao:
Từ đỉnh cao của Thế chiến II, hãy chuyển sự chú ý của bạn tới khoảng 40 năm sau đó, vào thời điểm kết thúc Sự kiện Lớn tiếp theo của saeculum, Cách mạng Nhận thức sau chiến tranh. Từ đầu thập niên 1940 đến đầu thập niên 1980, mỗi thế hệ đã già thêm hai giai đoạn cuộc đời. Hai thế hệ (Lạc lõng và Sứ mệnh) trước đó vốn tích cực, giờ đây đã rời khỏi chính trường, và hai thế hệ mới (Bùng nổ và Thứ 13) trước đó chưa sinh ra, giờ đã xuất hiện.
Thời kỳ Thức tỉnh này – nỗi ám ảnh toàn xã hội đối với việc phá vỡ các quy tắc, tôn vinh tinh thần, bỏ rơi kỷ cương xã hội – một lần nữa định nghĩa lại các thế hệ, nhưng theo những cách hoàn toàn không giống như thời kỳ Khủng hoảng trước đó. Quay trở lại Thế chiến II, người 65 tuổi thời đó là nhà đạo đức nhìn xa trông rộng; hiện nay, trong Cách mạng Nhận thức, họ là những người bảo vệ một sự thiết lập duy lý. Trước đây, người 45 tuổi là người theo chủ nghĩa thực dụng ở tuổi trung niên với đồng lương chết đói `và phải lao động cực nhọc; hiện nay, họ là hoa tiêu nhạy cảm của “hành trình” tuổi trung niên. Trước đây, người 25 tuổi là lính mặc đồng phục; hiện nay, họ là người yêu bản thân nhưng thích thuyết giáo. Còn trẻ em? Đã không còn “người hay ra vẻ đạo đức” cho chở; ở vị trí của mình, họ là đứa trẻ tự xoay xở tìm cách trưởng thành.
Cứ khoảng 40 năm, cá tính của từng giai đoạn trong đời trở nên gần như trái ngược với những gì từng được thế hệ trước đó đã đi qua nó thiết lập. Trở lại giai đoạn đầu thời hiện đại, nhịp điệu này lại diễn ra. Trẻ em người Anh sinh ra trong những năm đầu tiên dưới triều đại Nữ hoàng Elizabeth I đã đến tuổi trưởng thành như những nhà xây dựng đế chế đầy tham vọng. Trẻ em sinh ra trong những năm cuối cùng của triều đại này đến tuổi trưởng thành bị ám ảnh với sự linh thiêng. Hai thế hệ sau đó, thanh niên Mỹ thời Cách mạng Vinh quang thích làm việc theo nhóm hơn là thay đổi tôn giáo; thanh niên thời kỳ Đại thức tỉnh lại thích những điều trái ngược. Trong thời kỳ Thức tỉnh Tiên nghiệm, thanh niên đã cố gắng thắp lửa cho những đam mê của tuổi già; trong thời kỳ Khủng hoảng Nội chiến, thanh niên lại dập tắt ngọn lửa của những bậc lão niên. Không đúng khi một số người cho rằng hầu hết các thế hệ đến tuổi trưởng thành đều có thái độ (với cuộc sống, chính trị, văn hóa) tương tự như người lớn tuổi khi còn trẻ. Khi trở lại 500 năm trước, điều này chưa bao giờ xảy ra.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019