Năm 1912, khi Anna Erdős vừa biết rằng cô đang mang thai đứa con thứ ba – bé Paul, những đường phố Budapest ồn ào nói về tập thơ và tản văn của những nhà văn hàng đầu Hungary và thế giới. Những bản in đầu tiên đã bán sạch hết, thậm chí giới phê bình văn chương cũng chẳng mua kịp. Loạt sách in thứ hai cũng nhanh chóng biến mất khi những bài phê bình đầu tiên chính thức xuất hiện trên mặt báo trên cả nước. Lúc đó, Anna Erdős đã bước vào bệnh viện, hạ sinh Paul, về nhà và phát hiện rằng hai đứa con gái lớn của cô bị bệnh sốt phát ban vốn đang hoành hành ở Budapest lúc bấy giờ.
Mặc dù trong thành phố dịch bệnh bắt đầu lan tràn, cơn sốt văn chương vẫn không hề thuyên giảm. Sự nổi tiếng của cuốn sách bắt nguồn từ một điều: tất cả những bài thơ và truyện ngắn đều là giả. Trong Igy irtok ti, hay This Is How You Write, Frigyes Karinthy, một nhà thơ và nhà văn vô danh hai mươi lăm tuổi, đã tạo ra thứ mà ông gọi là biếm họa văn chương. Cuốn sách là tuyển tập các bài thơ và truyện ngắn (giả mạo) của những nhân vật có tên tuổi của giới văn chương thế giới. Nếu bạn đã quen với các tác giả, bạn có thể dễ dàng nhận ra phong cách của họ. Mỗi tác phẩm là một bài văn, bài thơ giễu nhại khéo léo, giống như một cái gương gây méo ảnh, để độc giả vẫn nhận ra những tác giả bị bắt chước nhưng thay đổi tất cả các tỉ lệ. Karinthy đã sử dụng lối hài hước chua cay với cả những người lồ đã khuất và những bạn thân trong giới văn chương. Karinthy đã giáng những đòn chí tử: những tác giả mà ông nhại cay độc nhất chỉ được người đời biết đến qua Igy irtok ti, những tác phẩm thật sự của họ lạc mất trong những cơn sóng vô tình của thị hiếu văn chương và lịch sử.
Igy irtok ti là một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất trong lịch sử Hungary, khiến Karinthy ngay lập tức nổi như cồn. Ông không bao giờ phải đứng đợi xe bus ở trạm dừng nữa, dù đang đứng ở bất cứ nơi đâu, ông chỉ cần vẫy nhẹ tay, các bác tài sẽ cười thật tươi, dừng xe để đón người nổi tiếng. Công việc viết lách của ông chủ yếu diễn ra sau những cửa sổ kính đắt tiền của quán Central Café giữa trung tâm Budapest. Những người đi qua sẽ có hành động khá hài hước: đang đi, họ sẽ đột ngột dừng lại, xoay người và nhìn qua khung cửa kính chiêm ngưỡng nhà văn đang làm việc, như chiêm ngưỡng một sinh vật lạ trong bể nuôi.
Sau gần hai thập kỷ kể từ Igy irtok ti, năm 1929, lúc bấy giờ Erdős mười bảy tuổi đang diễn thuyết về định lý Pitago trong cửa hàng giày, cách tiệm Café Central vài con phố, Karinthy xuất bản cuốn sách thứ bốn mươi sáu của mình, Mọi thứ đều khác biệt (Minden masképpen van), một hợp tuyển gồm năm mươi hai truyện ngắn. Giờ đây, mọi người đều tôn vinh ông là một thiên tài của văn chương Hungary. Tuy nhiên, mọi người vẫn tiếp tục ngóng đợi một tác phẩm để đời của ông, một tiểu thuyết thực sự làm nên tên tuổi của Karinthy và đảm bảo vị trí của ông giữa những tượng đài văn chương bất hủ. Giới phê bình lên tiếng, quan ngại rằng Karinthy đang làm cạn kiệt tài năng độc đáo của mình nếu chỉ viết những truyện ngắn “ăn tiền”. Karinthy sống cuộc đời rối ren và xô bồ giữa những tiệm cà phê và một căn nhà nhiều ồn ào, hối hả đã không thể thực hiện cuốn sách được ngóng đợi đó. Tuyển tập truyện ngắn không được giới phê bình đánh giá cao và sớm chìm vào quên lãng. Từ đó, sách cũng không còn được tái bản. Tôi đã ghé thăm hầu hết các tiệm sách và cửa hàng đồ cổ ở Budapest nhưng không thấy dấu vết gì của cuốn sách. Nhưng có một truyện ngắn tên là Láncszemek hay Các chuỗi, đáng được chú ý.
“Để chứng minh rằng con người trên Trái Đất hiện nay đang xích lại gần nhau hơn trước đây, một thành viên trong nhóm đề xuất một thử nghiệm. Anh cá cược rằng chúng tôi có thể chọn một người nào trong số một tỷ rưỡi người sống trên hành tin này, qua năm người, trong đó có một người ta biết, anh có thể kết nối với người được chỉ định”. Karinthy đã viết như vậy trong chuyện ngắn Các chuỗi. Và thật ra, nhân vật hư cấu của Karinthy đã ngay lập tức kết nối mình với một người đạt giải Nobel khi kể lể rằng người đạt giải Nobel phải biết vua Gustav. Đức vua Thụy Sĩ trao giải Nobel này cũng chính là một người chơi tennis giỏ, thỉnh thoảng chơi với quán quân tennis tình cờ là bạn tốt của nhân vật của Karinthy. Biết rằng trò kết nối với những người nổi tiếng tương đối dễ, nhân vật của Karinthy ra một yêu cầu khó hơn. Lần này, anh thử kết nối mình với một công nhân ở nhà máy Ford: “Người công nhân biết người quản lý cửa hàng, quản lý sẽ biết Ford; Ford có mối quan hệ với giám đốc của Tạp chí Heartst, năm ngoái ngài giám đốc lại làm bạn với Arpad Pasztor, Arpad Pasztor thì không những tôi biết, mà còn là người bạn thân thiết của tôi – vì vậy, tôi dễ dàng nhờ anh gửi một bức điện đến giám đốc nhờ Ford bảo với quản lý yêu cầu công nhân trong cửa hàng nhanh chóng lập cho tôi một cái xe hơi, tôi đang có ý thay xe mới!” Mặc dù, những truyện ngắn này không nhận được sự quan tâm, nhưng điều này thể hiện rằng từ năm 1929, Karinthy đã cho rằng, con người chúng ta kết nối với nhau qua tối đa năm liên kết. Khái niệm ngày nay chúng ta vẫn gọi là “sáu bước cách biệt”.
1
Ba thập kỷ sau, năm 1967, Stanley Milgram – giáo sư Đại học Harvard đã khám phá lại “sáu bước”, biến giả thuyết này thành một nghiên cứu trứ danh mang tính đột phá về thế giới tương kết. Điều tuyệt vời là, nghiên cứu đầu tiên của Milgram về chủ đề này lại khá giống như bản dịch tiếng Anh của “Các chuỗi” (Karinthy) viết cho độc giả là các nhà xã hội học. Có lẽ, Milgram là người sáng tạo nhất trong lĩnh vực tâm lý học thực nghiệm, nổi tiếng với hàng loạt những thí nghiệm về sự tuân thủ mệnh lệnh một cách mù quáng và bản chất của cái ác. Nhưgn hiểu biết của ông rất rộng, không lâu sau, ông lại quan tâm đến cấu trúc mạng xã hội, chủ đề thảo luận thường xuyên của những nhà khoa học xã hội ở Harvard và MIT trong những năm cuối thập kỷ 1960.
Mục đích của Milgram là tìm “khoảng cách” giữa hai người bất kỳ ở Mỹ. Câu hỏi của thí nghiệm này là, cần bao nhiêu người trung gian để kết nối hai người được chọn ngẫu nhiên? Đầu tiên, ông chọn hai người, một người vợ của một sinh viên sau đại học ở Sharon, Massachusetts và một người làm môi giới chứng khoán ở Boston. Ông chọn các thành phố Wichita, Kansas, Omaha và Nebraska là những nơi khởi đầu nghiên cứu, bởi một lẽ “từ Cambridge, những thành phố này dường như thuộc về một nơi xa xôi nào đó, trên Đại Bình Nguyên hay một nơi nào khác”. Mọi người dự đoán số liên kết cần để kết nối những người từ những vùng đất này rất khác nhau. Chính Milgram cũng nói điều này năm 1969, “Gần đây, tôi hỏi một học giả rằng anh ta cần bao nhiêu bước kết nối, anh ta nói rằng có lẽ 100 người trung gian để đi từ Nebraska đến Sharon”.
Thí nghiệm của Milgram bắt đầu bằng việc gửi những bức thư đến những người được chọn ngẫu nhiên ở Wichita và Omaha, nhờ họ tham gia vào nghiên cứu sự giao tiếp xã hội trong xã hội Mỹ. Lá thư kèm theo một bản tóm lược mục đích của nghiên cứu, một bức hình, tên và địa chỉ và những thông tin khác về một trogn những người “mục tiêu”, cùng với hướng dẫn sau đây:
CÁCH THAM GIA VÀO NGHIÊN CỨU NÀY
1/ VIẾT TÊN VÀO BẢNG KÊ PHÍA CUỐI TRANG NÀY, để người tiếp nhận thư sẽ biết ai là người gửi.
2/ GỠ RA MỘT BƯU THIẾP, ĐIỀN NỘI DUNG VÀ GỬI VỀ ĐẠI HỌC HARVARD. Không cần dán tem. Bưu thiếp này rất quan trọng. Nó cho phép chung tôi theo dõi hành trình của bức thư khi nó đang nhắm đến “mục tiêu”.
3/ NẾU BẠN BIẾT “MỤC TIÊU”, GỬI TỆP TÀI LIỆU NÀY TRỰC TIẾP ĐẾN NGƯỜI ĐÓ. Lưu ý, bạn cần đã từng gặp người này, hoặc các bạn khá thân thiết.
4/ NẾU BẠN KHÔNG BIẾT “MỤC TIÊU”, ĐỪNG LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI ĐÓ TRỰC TIẾP, HÃY GỬI TỆP TÀI LIỆU NÀY (BAO GỒM BƯU THIẾP) ĐẾN NGƯỜI BẠN BIẾT CÓ KHẢ NĂNG BIẾT NGƯỜI ĐÓ. Bạn có thể gửi tệp tài liệu cho bạn bè, người thân hay người quen, nhưng phải là người bạn biết rõ hay khá thân thiết.
Milgram rất lo lắng: liệu có bức thư nào đến được “mục tiêu” hay không? Nếu quả thật cần tới một trăm liên kết như lời đoán của bạn ông, thí nghiệm có thể thất bại, bởi sẽ luôn có một người trong chuỗi trung gian sẽ không hợp tác. Chẳng bao lâu sau, Milgram hết sức ngạc nhiên, vui sướng khi thấy chỉ sau vài ngày, lá thư đầu tiên đến được “mục tiêu” chỉ với hai liên kết. Đó là con đường ngắn nhất. Cuối cùng, có 42 trong số 160 lá thư quay lại, có những lá thư cần gần chục người trung gian. Những vòng tròn khép kín này cho phép Milgram tính được số người cần để gửi lá thư cho “mục tiêu”. Ông thấy rằng số người trung gian trung bình là 5,5 – thật ra là con số rất nhỏ, và thật tình cờ, rất gần với ước tính của Karinthy. Nếu làm tròn thành sáu, bạn sẽ có “sáu bước cách biệt”.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Albert-László Barabási – Thế giới mạng lưới – NXB DT 2017