Đàm Khưu Thái
Do kể từ đầu năm 2022, tỷ giá hối đoái của đồng NDT so với đồng USD đã mất giá mạnh và dao động dữ dội, nên để nhận định xu hướng tỷ giá hối đoái này trong năm 2023, tác giả bài viết cho rằng dưới các cơ chế tỷ giá hối đoái khác nhau, xu hướng tỷ giá hối đoái cũng khác nhau, vì vậy cần phải phân tích xu hướng tỷ giá hối đoái trên cơ sở cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái.
Những thay đổi trong cơ chế hình thành giá hối đoái của đồng NDT
Theo phân loại của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ giá của đồng USD từ lâu đã thuộc kiểu “thả nổi hoàn toàn”. Kể từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách tỷ giá hối đoái vào ngày 11/8/2015, cơ chế tỷ giá của đồng NDT có tương đối nhiều thay đổi. Báo cáo hàng năm về cơ chế tỷ giá và những hạn chế ngoại hối (AREAER) do IMF công bố năm 2015 đã điều chỉnh cơ chế tỷ giá đồng NDT thành cơ chế tỷ giá hối đoái neo với biên độ điều chỉnh (crawl-like arrangement), năm 2019 và 2020 điều chỉnh thành cơ chế sắp xếp quản lý khác (other managed arrangement), và đến năm 2021 lại điều chỉnh thành cơ chế tỷ giá hối đoái neo với biên độ điều chỉnh (crawl-like arrangement). Luật pháp Trung Quốc nêu rõ cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý, tức là cơ chế hình thành tỷ giá của đồng NDT tuân theo cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý dựa trên cung và cầu của thị trường, được điều chỉnh theo rổ tiền tệ. Vì vậy, để dự đoán xu hướng tỷ giá của NDT so với đồng USD trong năm 2023, cần phân tích từ các góc độ sau: Một là, yếu tố thị trường; hai là, yếu tố quản lý (yếu tố quản lý của chính phủ được thể hiện ở việc phát huy chức năng tự điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô và ổn định cán cân thanh toán quốc tế, tức là chức năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định giá cả của tỷ giá hối đoái), và ba là, yếu tố điều chỉnh tỷ giá hối đoái (với mấu chốt là tỷ giá của đồng NDT được duy trì ở mức hợp lý và cân bằng thông qua việc quản lý vĩ mô và thận trọng).
Yếu tố thị trường: Từ cơ bản không can thiệp đến hoàn toàn không can thiệp
Kể từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách tỷ giá hối đoái năm 2005, đặc biệt là kể từ khi thực hiện cải cách tỷ giá hối đoái ngày 11/8/2015, tỷ giá của đồng NDT so với đồng USD đã không ngừng được nâng cao. Ngày 18/10/2017, ngay trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XIX) khai mạc, Phan Công Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương), Cục trưởng Cục quản lý ngoại hối Nhà nước, cho biết tỷ giá hối đoái của đồng NDT đã tương đối ổn định trong thời gian gần đây, hơn nữa có thể nhận thấy tỷ giá hối đoái được thúc đẩy bởi thị trường hàng hóa, về cơ bản ngân hàng trung ương đã không can thiệp ngoại hối và tỷ giá hối đoái của đồng NDT sẽ có cơ sở ổn định hơn sau Đại hội XIX. Kết quả đánh giá từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8/2018 của IMF cho thấy Ngân hàng nhân dân Trung Quốc hầu như không còn can thiệp vào ngoại hối. Năm 2019, Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc Dịch Cương cho biết ngân hàng đã không còn can thiệp vào ngoại hối, mức độ thị trường hóa và tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái đồng NDT đã được nâng cao đáng kể và nó đã duy trì được vị trí ổn định trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Tỷ giá của đồng NDT do cung và cầu thị trường quyết định. Báo cáo thực hiện chính sách tiền tệ trong quý III/2022 của Ngân hàng nhân Trung Quốc tiếp tục cho rằng ngân hàng này đã không còn can thiệp vào ngoại hối và tỷ giá hối đoái của đồng NDT do cung và cầu của thị trường quyết định.
Tỷ giá hối đoái do cung và cầu thị trường quyết định bao gồm cả tỷ giá hối đoái cân bằng do các yếu tố cơ bản quyết định và tỷ giá hối đoái thị trường do các yếu tố gây xáo trộn gây ra. Lý thuyết kinh tế cho rằng các yếu tố cơ bản bao gồm xu hướng giá cả ở hai quốc gia, thay đổi năng suất tương đối, đầu tư quốc tế, điều kiện thương mại, biến số tài chính và chênh lệch lãi suất. Trong khi Ngân hàng nhân dân Trung Quốc cho rằng các yếu tố cơ bản bao gồm một số điểm sau: Một là, kinh tế trong nước ổn định là yếu tố quan trọng nhất để ổn định tỷ giá hối đoái, từ đó khiến các yếu tố cơ bản của nền kinh tế như có khả năng chống chịu, có tiềm năng lớn, tràn đầy sức sống và phát triển tốt trong thời gian dài không thay đổi; hai là, cán cân thanh toán quốc tế có nền tảng vững chắc là cơ sở cho sự hoạt động ổn định của thị trường ngoại hối; ba là, dự trữ ngoại hối đứng đầu thế giới là nền tảng để duy trì ổn định tỷ giá và an ninh tài chính.
Yếu tố chính phủ: Phát huy chức năng tự điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô và ổn định cán cân thanh toán quốc tế
Lý thuyết kinh tế cho rằng cơ chế thuế lũy tiến, cơ chế thanh toán chuyển giao tự động giá cả và tỷ giá hối đoái linh hoạt là những yếu tố tự động ổn định nền kinh tế thị trường, có thể giúp nền kinh tế tự thực hiện sự cân bằng. Cơ chế tự ổn định của tỷ giá hối đoái được thể hiện ở việc đồng nội tệ mất giá sẽ có lợi cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đó, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Quản lý tỷ giá hối đoái có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của chính phủ. Ví dụ như tỷ giá hối đoái được định giá thấp có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong nước và thúc đẩy việc nâng cao xuất khẩu ròng trong cỗ xe tam mã (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). Tỷ giá hối đoái tăng có lợi cho việc chống lại áp lực lạm phát do nhập khẩu và đảm bảo vật giá ổn định. Trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), hầu hết các quốc gia đã từ bỏ cuộc chiến tỷ giá hối đoái nhằm đẩy tai họa cho nước khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong Báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ công bố vào tháng 11/2022, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định ba tiêu chí quan trọng đối với các đối tác thương mại chính: (1) Thặng dư thương mại song phương với Mỹ; (2) thặng dư cán cân vãng lai; và (3) can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ.
Hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể về việc chính phủ các nước có can thiệp vào tỷ giá hối đoái để đảm bảo ổn định vật giá hay không. Do Mỹ từ lâu đã kiên trì cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn đối với tỷ giá hối đoái của đồng NDT so với đồng USD, nên có ít khả năng can thiệp vào tỷ giá hối đoái để ổn định vật giá. Về phía Trung Quốc, trong Báo cáo thực hiện chính sách tiền tệ quý III/2022, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc hiếm khi đề xuất duy trì sự ổn định cơ bản của giá trị tiền tệ và sức mua của đồng NDT. Vì vậy, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã lựa chọn lấy cơ chế tỷ giá hối đoái để bảo vệ sự ổn định của vật giá.
(còn tiếp)
Nguồn: www.ftchinese.com
TLTKĐB – 09/01/2023