Chúng ta chọn một môn học mà mình chưa từng được học qua để tự mình đi nghiên cứu, sẽ biết được nỗi gian nan trong đó. Gặp phải chỗ mình chưa hiểu thường mày mò nghiên cứu rất lâu mà vẫn không hiểu được, còn một khi đã hiểu rồi thì những thứ sau đó cũng lập tức hiểu rõ được. Có lúc nảy sinh hứng thú, tự mình không nỡ buông tay, tiến hành hết sức nhanh chóng, so với tốc độ mà giáo viên giảng dạy thật đúng là cách nhau một trời một vực, hơn nữa là tự mình nghiên cứu ra được, trong lòng cũng thấy hết sức vui vẻ. Tôi thường nghĩ năm xưa khi tôi mới vào trường, nếu như trong trường học dùng phương pháp như vậy để nghiên cứu, gặp phải chỗ không hiểu có thể đến hỏi thầy giáo, không gặp trở ngại khi tiến hành, những chỗ có thể hiểu được thì để mặc tôi tự mình tiến lên, không bị hạn chế, tôi có thể tự tin rằng học vấn mà tôi có được chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Phương pháp hầm thịt lúc đầu là dùng lửa lớn, đến sau khi sôi rồi thì đổi sang dùng lửa nhỏ, chỉ cần có thể giữ được nhiệt độ sôi, dù là lửa nhỏ thì kết quả thu được vẫn không khác gì lửa lớn. Chúng ta đọc sách có lúc nảy sinh hứng thú dào dạt, đây chính là lúc đạt tới nhiệt độ sôi trong khi hầm thịt, chúng ta nên tiếp tục đọc nữa, lúc này dùng ít sức mà lại thành công nhiều. Giả sử lúc này không vì nguyên nhân gì mà ngừng việc đọc sách lại, cách một thời gian lâu sau đó mới lại xem, tự mình cũng cảm thấy hứng thú không còn được tốt như lúc trước nữa, tiếp tục đọc khá là khó khăn, đây chính là do đang hầm thịt thì để lửa tắt. Phải kiên nhẫn đọc thật lâu thì mới có thể nảy sinh hứng thú. Chúng ta quan sát tỉ mỉ kinh nghiệm của một mình mình khi đọc sách thường ngày là có thể phát hiện ra sai lầm của việc mỗi giờ học trong nhà trường đổi một môn học khác nhau.
Ví dụ trong trường trung học, học sinh lên lớp nghe giảng bài một môn khoa học nào đó, khoảng một hai chục phút đầu tiên vẫn chưa cảm thấy thú vị gì, đó là vì nước hầm thịt vẫn còn lạnh. Sau đó càng nghe càng cảm thấy thú vị, chính là lúc đã đạt đến điểm sôi. Bỗng nhiên tiếng chuông vang lên,, đổi sang giảng môn khác, việc này giống như thịt vẫn chưa được hầm nhừ đã mở nắp vung ra, đổi sang nấu cơm vậy. Học sinh lại pah3i trải qua thời gian một hai chục phút nữa mới có thể nảy sinh hứng thú, đang vào lúc cảm thấy thú vị thì thời gian lại đã hết, lại đổi sang giảng môn khác, đây chính là cơm vẫn chưa chín thì đổi lại sang xảo rau. Mỗi ngày học năm sáu môn, thay đổi năm sáu lần, kết quả thời gian bị lãng phí, sức lực thì mệt mổi, lợi ích lâu dài nhận được chẳng đáng bao nhiêu.
Có người nói: Bài học mỗi ngày có độ khó dễ tương đồng mới không lãng phí đầu óc, m6õi một tiếng đồng hồ lại đổi một môn học, khiến đầu óc thay đổi mới không bị tổn thương. Cách nói này tôi cũng có chút nghi ngờ, xin hỏi mọi chuyện trên thế gian này, chuyện già là khó, chuyện gì là dễ? Theo lý giải của tôi: (1) Tiến lên không gặp trở ngại là dễ, tiến lên gặp trở ngại là khó, cho nên đi đường bằng phẳng thì dễ, đi đường quanh co khúc khuỷu thì khó. (2) Thuận theo thói quen thì dễ, trái với thói quen thì khó, cho nên người đi học thấy việc viết chữ thì dễ, việc gánh gồng thì khó, còn người nông dân ở làng quê lại thấy việc gánh gồng thì dễ, việc viết chữ thì khó. Học sinh học tập một môn nào đó, đang lúc cảm thấy hứng thú dạt dào, nếu để mặc họ tiếp tục học nữa, há chẳng phải tiến lên không gặp trở ngại hay sao? Chúng ta đột nhiên lại đổi sang một môn học khác, bắt học sinh đi học, đây giống như người đi đường đang mải miết tiến lên phía trước, sau đó lại gặp trở ngại, không thể không rẽ sang đường khác. Đang học tập một cách hăng say, thuận theo quán tính của học sinh, bảo học sinh tiến lên đương nhiên là dễ dàng, vì sao lại phải đổi sang dạy môn khác, cản trở quán tính của học sinh chứ? Chúng ta khảo sát kỹ loại biện pháp đó, rõ ràng là biến dễ thành khó, lấy đâu ra khó dễ tương đồng chứ? Rõ ràng là làm rối loạn đầu óc của học sinh, lấy đâu ra cái gọi là thay đổi đầu óc chứ? Cho dù nói rằng học sinh cố gắng đã lâu rồi, đầu óc nên được nghỉ ngơi, các môn được học nên có độ khó dễ tương đồng, chúng ta cũng chỉ có thể nói rõ đạo lý này, để học sinh tự lựa chọn cái mà họ gọi là khó, gọi là dễ, tôi không thể đột nhập vào trong đầu óc của học sinh, thay họ lựa chọn cái mà họ gọi là khó, gọi là dễ. Học sinh học tập một môn nào đó, muốn tiếp tục học nữa, không chịu dừng lại, việc này là có thể, họ tự cảm thấy chán nản, muốn đổi một môn học khác, cũng là có thể, hoàn toàn do học sinh chủ động, giáo viên ở bên cạnh chỉ dẫn, giúp đỡ bất kỳ lúc nào chứ không ép buộc sinh học sinh tự nhiên sẽ tiến bộ rất nhanh, đầu óc cũng sẽ không bị tổn thương.
Phương pháp quản lý công trường có nguyên tắc chính là dựa vào lượng hao phí nhỏ nhất để thu được hiệu quả lớn nhất, đều có kế hoạch tỉ mỉ đối với bốn thứ tiền bạc, nguyên vật liệu, công sức, thời gian. Tiền bạc và nguyên vật liệu không thể lãng phí, đương nhiên không cần phải nói nữa, chỉ là sức lao động của nhân công cùng thời gian làm việc đều là dùng phương pháp khoa học để nghiên cứu, không khiến chúng lãng phí một chút nào. Nếu chúng ta dùng ánh mắt quản lý công trường để khảo sát trường học, sự hao phí bốn thứ tiền bạc, nguyên vật liệu, công sức, thời gian thật sự khiến chúng ta kinh ngạc không thôi, không một trường học nào là không có lượng hao phí lớn nhất để thu được hiệu quả nhỏ nhất, chẳng trách giáo dục ngày càng thụt lùi.
Sự hao phí sức lao động và thời gian phía trước đã nói rõ rồi, còn về sự hao phí tiền bạc và nguyên vật liệu ở đâu cũng vậy, xin được lấy một hai chuyện để nói rõ. Tôi đã từng nói: Thiết bị thí nghiệm ở các trường học, thời gian khóa kín thì nhiều mà thời gian dùng đến thì ít, vì sao không công khai chúng, khiến mọi người đều được hưởng lợi ích, đây chính là chỗ sử dụng nguyên vật liệu không kinh tế.
Trước kia sơn trưởng [tên gọi của những người dạy học ở các thư viện trước kia] của thư viện nhận được mấy trăm xâu tiền, học sinh trong toàn thư viện có mấy chục người hoặc là hơn trăm người, đều do sơn trưởng giảng dạy, ngoài ra không còn một giáo viên nào khác. Hiện nay phương pháp tổ chức về giáo dục chính là người nhận tiền thì nhiều mà người dạy học thì ít. Phòng giáo dục đặt ra trưởng phòng, trưởng khoa, mấy chục thành viên của khoa đều là những người nhận tiền mà không dạy học. Toàn tỉnh Tứ Xuyên đặt ra mười người làm Đốc học tỉnh, là nhận tiền mà không dạy học. Một trăm bốn mươi mấy huyện, mỗi huyện có một người làm cục trưởng giáo dục, là nhận tiền mà không dạy học. Mỗi huyện đặt ra mấy người đốc học, là nhận tiền mà không dạy học. Hiệu trưởng các trường từ trung học trở lên, một trăm mấy chục người, là nhận tiền mà không dạy học. Toàn tỉnh từ tiểu học tới trung học có mấy trăm hiệu trưởng, rất nhiều người còn chưa từng dạy bất kỳ môn học nào, là nhận tiền mà không dạy học. Trước kia vào thời các thư viện, phẩm hạnh của học sinh do sơn trưởng phụ trách, ngoài ra không nhận được khoản lương nào khác, hiện nay chia nhỏ ra, mỗi trường đặt ra mấy người làm quản lý, nhận tiền mà không dạy học, tiền lương mà những người này nhận được đều hậu hĩnh hơn sơn trưởng trước kia, nhưng họ đều không biết dạy học, trên thực tế những người dạy học chỉ có giáo viên mà thôi. Ngoài ra còn có những người như văn thư, thủ quỹ, thư ký… đều là nhận tiền mà không dạy học. Còn vể chủ tịch cục giáo vụ, ủy viên giáo dục đều có chút lãng phí, cũng là nhận tiền mà không dạy học. Những người nhận tiền mà không dạy học nhiều như vậy, kinh phí cho giáo dục sao có thể chi trả nổi?
Dùng nhiều tiền như vậy, tốn nhiều sức lao động như vậy, kết quả thu được chẳng qua là tạo thành một tổ chức không được tự do học tập mà thôi.
Tôi đã nghiên cứu kỹ càng về tất cả phương pháp tổ chức của họ, không đâu là không có các rắc rối nảy sinh, gặp rất nhiều trở ngại. Khi mới bắt đầu duy tân, những người nắm quyền định ra chế độ học tập không khỏi quá thiếu suy nghĩ rồi.
Chế độ pháp lệnh của nước ngoài, chỉ cần thích hợp với nhu cầu của Trung Quốc, chúng ta học để làm theo nhất định sẽ không gặp trở ngại khi thi hành. Ví dụ đàn ông Trung Quốc để tóc đuôi sam, phụ nữ bó chân, kéo dài cũng đã rất lâu rồi, hiện nay đàn ông học theo đàn ông của nước ngoài cắt tóc ngắn, phụ nữ học theo phụ nữ của nước ngoài để cho đôi chân được tự do, không thấy xảy ra sai lầm gì, đây là do đã uống thuốc trị đúng bệnh. Trường học hiện nay có rấ tnhiều sai lầm, mọi người hễ nói tới đây, không phải mắng học sinh không tốt thì mắng người quản lý không tốt. Theo tôi nghĩ nếu một số ít trường học không tốt, chúng ta có thể trách người quản lý, có thể trách học sinh, nhưng nay rất nhiều trường học đều như vậy, chúng ta cũng nên xem xét lại một chút về phương diện chế độ học tập.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020