Theo thehill.com thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh những rủi ro trong cuộc chiến của ông ở Ukraine. Nội dung nổi bật trong bài phát biểu là việc ông thông báo rằng Nga sẽ đơn phương ngừng tham gia hiệp ước hạt nhân cuối cùng còn lại với Mỹ – một động thái càng làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa hạt nhân ở phương Tây.
Bên cạnh đó, Thông điệp Liên bang cũng đưa ra những dấu hiệu về cách nhà lãnh đạo Nga có thể đối phó với năm thứ hai của cuộc chiến và cách Putin định hình về cuộc chiến cho cả dư luận trong nước và thế giới.
Daniel Goure – chuyên gia quốc phòng và là Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách công Lexington – nhận định: “Đây gần như thực sự là một bài phát biểu thời chiến mà chúng ta đã nghe cho đến nay”.
Putin không còn định hình cuộc chiến như “chiến dịch quân sự đặc biệt” để giải phóng Ukraine. Giờ đây, ông ta đang biến nó thành một cuộc chiến sống còn chống lại nền văn minh phương Tây.
Xung đột giữa các nền văn minh
Trong thông điệp liên bang, Putin phát biểu: “Giới tinh hoa phương Tây không giấu giếm mục tiêu, đó là “sự thất bại chiến lược của Nga”. Các chuyên gia cho rằng việc dàn dựng cuộc chiến bao trùm – đổ lỗi cho đế quốc Mỹ và các đồng minh để khơi mào chiến tranh bất chấp những nỗ lực hòa bình của Nga sẽ mang lại cho Putin “vỏ bọc chính trị” cần thiết khi ông chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài. Nhà lãnh đạo Nga đã kỳ vọng rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông chỉ mất vài ngày. Giờ đây, ông cần biện minh cho một cuộc chiến tổng lực đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, khiến nước Nga bị cô lập trên trường quốc tế và sẽ phải chịu thêm nỗi đau trong nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa.
Andress Kasekamp – giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto và là chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh – lưu ý rằng Putin cũng cần giải thích lý do tại sao nỗ lực chiến tranh của Nga đang thất bại. Theo giáo sư Kasekamp, trên bình diện quốc tế, việc đổ lỗi cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về cuộc chiến sẽ làm vẩn đục “các vùng biển ngoại giao” và có thể giúp thuyết phục một số quốc gia ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh duy trì lập trường trung lập, thay vì lên án hành động gây hấn của Nga.
“Tống tiền” hạt nhân
Theo Giáo sư Kasekamp, thông báo Nga sẽ đình chỉ tham gia hiệp ước hạt nhân New Start là “sự làm bộ và cố gắng nhấn một nút mà Putin nghĩ rằng đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, ông có thể thu hút sự chú ý và khiến họ khó chịu”. Leon Aron, một chuyên gia về Nga tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho biết tống tiền hạt nhân là công cụ duy nhất còn lại của Putin. Trong khi Putin đe dọa sử dụng hạt nhân từ trước khi chiến tranh bắt đầu, chuyên gia Aron cho rằng việc Putin đình chỉ hiệp ước hạt nhân New Start là một động thái cụ thể nhằm hỗ trợ cho việc tống tiền hạt nhân của ông chủ Điện Kremlin.
Liệu Putin có thực sự sủ dụng vũ khí hạt nhân hay chỉ gia tăng mối đe dọa? Cho đến nay, đòn “đe dọa sử dụng hạt nhân” của Putin đã phát huy tác dụng – với việc Mỹ và các đồng minh phương Tây tham gia điều mà ông Kasekamp gọi là “tự răn đe”, chờ đợi hàng tháng trước khi cung cấp vũ khí sát thương vì sợ khiêu khích Putin. Và mỗi loại vũ khí bổ sung lại gây ra một cuộc tranh luận mới xung quanh cùng một nỗi sợ leo thang với bối cảnh là vũ khí hạt nhân của Nga.
Chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài
Thiếu lựa chọn hạt nhân, chiến lược của Putin dường như là duy trì cuộc chiến tranh tiêu hao hiện tại và khuyến khích người Nga thích nghi với thực tế mới này.
Với việc Tổng thống Biden đưa ra bài phát biểu hôm 21/2 hứa hẹn sẽ sát cánh cùng Ukraine đến cùng. Putin đã gửi thông điệp riêng về “cam kết bất diệt” trong cuộc chiến. Giáo sư Kasekamp phân tích: “Kế hoạch trò chơi của Putin luôn là ông ta nghĩ rằng mình có thể tồn tại lâu hơn phương Tây”. Và mặc dù Biden có thể có quyết tâm hỗ trợ Ukraine về lâu dài, nhưng điều đó có thể nhanh chóng thay đổi nếu đảng Cộng hòa giành được Nhà Trắng vào năm 2024 hoặc nếu sự thống nhất của NATO tan vỡ do những thay đổi ở các quốc gia khác.
Nguồn: TKNB – 27/02/2023