Thomas Blass, một nhà tâm lý học xã hội đã dành suốt mười lăm năm nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời và các công trình của Stanley Milgram, chỉ cho tôi thấy, bản thân Milgram không bao giờ dùng cụm “sáu bước cách biệt”. John Guare lần đầu sử dụng thuật ngữ này trong vở kịch xuất sắc của ông năm 1991. Sau một mùa rất thành công ở Broadway, vở kịch được chuyển thể thành phim cùng tên. Trong vở kịch, Ousa (nhân vật Stockard Channing đóng trong phim), suy nghĩ về mối tương kết của mọi thứ, nói với con gái rằng, “Cha được đọc ở đâu đó rằng mọi người trên hành tinh chỉ cách nhau sáu người khác. Sáu bước cách biệt. Giữa chúng ta và mọi người trên hành tinh này. Cả Tổng thống Mỹ. Người chèo thuyền ở Venice… Không phải chỉ những tên tuổi mới như vậy. Ai cũng thế. Một thổ dân trong một khu rừng nhiệt đới. Một Tierra del Fuegan hay một Eskimo nào đó. Cha bị buộc với mọi người trên thế giới này bởi một chuỗi sáu người. Đó quả là một suy nghĩ uyên thâm… Mỗi người là một cách cửa mới mở ra những thế giới khác”.
Nghiên cứu của Milgram chỉ giới hạn trong nước Mỹ, kết nối những người dân từ các thành phố như Wichita và Omaha đến Boston. Tuy nhiên, đối với nhân vật Ousa của Guare, sáu bước đúng trên quy mô toàn thế giới. Bởi nhiều người xem phim hơn là đọc những nghiên cứu xã hội học, bộ phim của Guare nhanh chóng trở nên phổ biến. Giả thuyết “sáu bước cách biệt” đã ra đời như thế.
Giả thuyết này thật sự là điều thú vị, bởi vì nó cho rằng, dù xã hội này có rộng lớn, đa dạng đến mức nào, ta đều có thể kết nối hai người bất kỳ qua những liên kết xã hội. Trong một mạng lưới gồm sáu tỉ nút, nối bất kỳ hai nút nào với nhau chỉ cần trung bình sáu liên kết mà thôi. Thật sự có một con đường giữa hai người bất kỳ từ mọi ngóc ngách của thế giới! Điều này quả kỳ diệu! Chúng ta đã biết rằng, để tạo một mạng kết nối hoàn toàn, chỉ cần mỗi người có hơn một liên kết xã hội. Vì tất cả chúng ta đều có nhiều hơn một liên kết, nên mỗi người cũng đều là một phần của mạng lưới khổng lồ mà chúng ta gọi là xã hội.
Stanley Milgram khiến ta nhận ra rằng, chúng ta không chỉ kết nối với nhau, mà sống trong thế giới mà mỗi người chỉ cách nhau khoảng vài cái bắt tay mà thôi. Tức là, thế giới này thật sự nhỏ bé, xã hội là một mạng lưới rất dày đặc. Chúng ta có nhiều quan hệ xã hội hơn ngưỡng tới hạn. Tuy nhiên, phải chăng sáu bước cách biệt là một nét độc đáo chỉ có ở con người, gắn với ước vọng thuộc về các xã hội, và cộng đồng trong sâu thăm con người chúng ta? Hay những mạng lưới khác cũng như vậy? Câu trả lời cho những câu hỏi này chỉ xuất hiện vài năm trước. Bây giờ, chúng tôi đã biết rằng các mạng xã hội không phải là những tiểu thế giới duy nhất.
2
“Giả sử, hết thảy thông tin trữ trong máy tính khắp nơi được kết nối với nhau… Tất cả những thông tin giá trị nhất trong mọi máy tính của CERN (Trung tâm châu Âu Nghiên cứu hạt nhân) và trên thế giới đều có sẵn cho tôi và mọi người sử dụng. Thế là xuất hiện một không gian thông tin toàn cầu đơn nhất”. Đây là điều mong mỏi của Tim Berners-Lee khi ông là một lập trình viên tại CERN, Geneva, Thụy Sĩ. Để biến giấc mơ thành sự thật, ông viết một chương trình điện toán cho phép các máy tính chia sẻ thông tin – tức kết nối với nhau. Nhờ đó, ông đã tạo ra một mạng lưới nhân tạo mà giờ đây tất cả chúng ta đều biết đến. Chỉ chưa đến mười năm, nó đã trở thành Mạng toàn cầu (World Wide Web), một trong những mạng lưới nhân tạo lớn nhất từ trước đến nay. Mạng toàn cầu chính là mạng ảo, có các nút là những trang web có đủ thứ trên đời: tin tức, phim ảnh, các công thức, tiểu sử, sách vở. Bất cứ thứ gì có thể viết ra, vẽ hình, hay chụp ảnh, đều có thể tìm thấy trong một nút của Mạng toàn cầu dưới một hình thức nào đó.
Sức mạnh của Web nằm ở các liên kết (đường link), định vị cố định của nguồn tài nguyên (URL) cho phép chúng ta chỉ một cú nhấp chuột có thể nhảy từ trang này sang trang khác. Nhờ các liên kết URL mà ta có thể lướ (surf), định vị và xâu nối thông tin lại với nhau. Các liên kết này biến những tài liệu cá nhân thành một mạng khổng lồ bện với nhau qua những cú nhấp chuột. Chúng là những mũi khâu giữ cho những mảnh vải của thông tin hiện đại gắn kết với nhau. Nếu cắt bỏ các liên kết này, Mạng toàn cầu sẽ tan biến trong tích tắc, vô số những cơs ở dữ liệu khổng lồ thành vô dụng, một sự phá hủy tạm thời thế giới tương kết của chúng ta.
Web ngày nay lớn nhường nào? Có bao nhiêu trang web và liên kết trong đó? Đến tận gần đây, không ai có thể trả lời câu hỏi đó, không có tổ chức nào chịu trách nhiệm theo dõi tất cả các nút và liên kết. Chính Steve Lawrence và Lee Giles, làm việc tại Viện nghiên cứu NEC ở Princeton, đã nhận thử thách đặc biệt này năm 1998. Phép đo của họ cho thấy vào năm 1999, Web đã có gần một tỉ trang văn bản – con số không nh3o so với một xã hội ảo mới mười năm tuổi. Bởi tốc độ phát triển của Web nhanh hơn tốc độ phát triển xã hội con người, rất có thể là vào thời điểm cuối cuốn sách này được xuất bản, số trang văn bản trên Web sẽ nhiều hơn số cư dân trên trái đất.
Nhưng vấn đề thực sự không nằm ở kích thước Web mà là khoảng cách giữa hai trang văn bản. Cần bao nhiêu nhấp chuột để đi từ trang chủ của một học sinh trung học ở Omaha tới trang web của một nhà môi giới chứng khoán ở Boston? Mặc dù có hàng tỉ nút, phải chăng Web cũng là một “thế giới nhỏ”? Câu trả lời cho câu hỏi này thực sự liên quan đến tất cả những ai dùng Web. Nếu các trang văn bản cách nhau hàng ngàn cú nhấp chuột, việc tìm tài liệu mà không có công cụ tìm kiếm là việc bất khả thi. Nếu Web không phải “thế giới nhỏ”, có lẽ mạng lưới đằng sau xã hội và thế giới trực tuyến có sự khác biệt căn bản. Nếu vậy, để thông hiểu các mạng lưới, chúng ta cần phải hiểu nguyên nhân của khác biệt này. Vì thế, cuối năm 1998, tôi cùng với Reka Albert và Hawoong Jeong – hai nghiên cứu sinh đều làm việc trong nhóm nghiên cứu của tôi tại khoa vật lý Đại học Notre Dame, bắt đầu nghiên cứu kích thước thế giới Web.
Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là có được một sơ đồ Web, về cơ bản là tóm tắt tất cả những trang văn bản và những liên kết giữa những trang văn bản này. Chắc chắn, thông tin rút ra từ sơ đồ như vậy sẽ rất mới mẻ. Nếu chúng ta tạo ra một sơ đồ tương tự cho xã hội, sơ đồ đó phải bao gồm những sở thích cá nhân, nghề nghiệp của mỗi người và cả những người mà họ quen biết. Sơ đồ này sẽ khiến thử nghiệm của Milgram trở nên cồng kềnh và lỗi thời. Chỉ trong vài giây, nó sẽ cho chúng ta biết con đường ngắn nhất đến một người bất kỳ trên thế giới. Nó sẽ là một công cụ cần thiết cho tất cả mọi người từ các chính trị gia đến nhân viên bán hàng và các nhà dịch tễ học. Tất nhiên, không thể xây dựng một “công cụ tìm kiếm xã hội” như vậy, ta sẽ mất cả đời người để phỏng vấn tất cả 6 tỷ người trên Trái Đất rồi tìm hiểu về bạn bè và người quen của họ. Tuy nhiên, Web có một khác biệt diệu kỳ với xã hội loài người: chúng ta có thể định vị các liên kết của nó ngay lập tức. Chỉ với những cú nhấp chuột mà thôi.
Không giống như xã hội hiện tại của chúng ta, Web hoàn toàn là kỹ thuật số. Chúng ta có thể viết một phần mềm tải bất cứ tài liệu nào, tìm tất cả những liên kết của các tài liệu đó, sau đó đến và tải những tài liệu mà tài liệu này chỉ đến, tiếp tục như vậy cho đến khi đi hết các trang web. Nếu bạn chạy một chương trình như thế, về lý thuyết, nó sẽ đem lại một sơ đồ Web hoàn chỉnh. Trong một thế giới máy tính phần mềm này sẽ được gọi là một robot hay crawler bởi nó sẽ đi khắp các Web dù không có sự cho phép của con người. Những bộ máy tìm kiếm (search engine) như Alta Vista hay Google, có hàng ngàn những máy tính chạy vô số những robot để ngay lập tức tìm kiếm những tài liệu mới trên Web. Về quy mô, nhóm nghiên cứu nhỏ của chúng tôi rõ ràng không thể so sánh với những bộ máy này. So Jeong tạo ra một robot thực hiện công việc đơn giản hơn. Đầu tiên, robot này sẽ vẽ cho chúng tôi sơ đổ của miền nd.edu bằng cách phác đồ khoảng 300.000 trang của Đại học Notre Dame, tức là thu thập điện tử bao gồm mọi thứ từ những trang web của các khóa triết học đến những trang cho fan nhạc Ireland. Nhưng chúng tôi không quan tâm đến nội dung của những trang này. Chúng tôi chỉ chú ý đến những liên kết cho phép chúng tôi di chuyển từ trang này đến trang khác. Có trong tay một sơ đồ như vậy, chúng tôi có thể đo khoảng cách của bất cứ hai trang nào trong Notre Dame.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Albert-László Barabási – Thế giới mạng lưới – NXB DT 2017