Anwar lên nắm quyền, Biển Đông sẽ dậy sóng? – Phần đầu


Theo bài viết trên trang mạng cn.apdnews.com mới đây, khoảng 17h ngày 24/11/2022 (theo giờ địa phương), ông Anwar Ibrahim đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia tại Cung điện Quốc gia Malaysia (Istana Negara). Anwar đã đạt được nguyện vọng trở thành thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 ở Malaysia, tình thế bế tắc chính trị nhiều ngày với “Quốc hội treo” đã chấm dứt, chính phủ mới của Anwar đã được công bố.

Thông qua các cuộc phỏng vấn các quan chức, học giả, chính trị và doanh nhân Malaysia là những người thân thuộc với Anwar, tìm hiểu con đường đi lên đỉnh cao danh vọng đầy gập ghềnh của ông, phân tích đặc điểm tính cách của ông, cũng như xem xét toàn diện tình hình đối nội và đối ngoại hiện tại ở Malaysia, bài viết đã có đánh giá về những thách thức trong nước của Chính phủ Thủ tướng Anwar, cũng như những xu hướng ngoại giao mới, đặc biệt là trong quan hệ Malaysia-Trung Quốc và Malaysia-Mỹ.

Anwar: Nhà cải cách vô cùng kiên trì

Anwar vừa mới trở thành tân Thủ tướng Malaysia. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra sau gần 30 năm kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng và là người được cho là sẽ kế nhiệm vị trí thủ tướng năm 1993, và sau 24 năm kể từ khi Anwar thúc đẩy phong trào cải cách “Ngọn lửa không bao giờ tắt” (Refomasi Movement) và thành lập đảng Công Lý Nhân Dân (ban đầu là đảng Công Lý Quốc Gia) năm 1998. Nhìn lại con đường lên đến đỉnh cao của Anwar, có thể thấy đầy những khúc quanh, gập ghềnh và khó khăn. Điều đó cũng thể hiện phần lớn tính cách khác biệt của Anwar.

Thứ nhất, Anwar có tinh thần dân tộc và năng nổ tham gia phong trào xã hội. Anwar, 75 tuổi, sinh ra ở Penang, tốt nghiệp Khoa Nhgiên cứu Mã Lai của Đại học Malaya. Năm 1971, ông là người đồng sáng lập Phong trào Thanh niên Hồi giáo Malaysia, phong trào này tập trung vào các vấn đề như tình trạng nghèo khổ và nạn đói ở các vùng nông thôn Malaysia. Nhìn lại sự nghiệp chính trị của Anwar, có thể thấy ông bắt đầu sự nghiệp với các phong trào xã hội và lãnh đạo sinh viên tham gia biểu tình. Năm 1974, ông bị bắt giam 20 tháng vì vi phạm Đạo luật An ninh Nội bộ. Sau khi được thả tự do, ông trở nên nổi tiếng trong giới phong trào xã hội và được Thủ tướng Malaysia lúc đó là Mahathir đánh giá cao.

Chung Đại Vinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Malaysia của Đại học Hoa Kiều, tin rằng Anwar có tư tưởng rất cấp tiến và làm việc hiệu quả trong những năm đầu sự nghiệp. Đại học Malaya mà ông theo học nổi tiếng với tư tưởng tiến bộ và bầu không khí tự do hóa và dân tộc hóa mạnh mẽ. Anwar là một người Hồi giáo giỏi điều phối, cân bằng giữa các lực lượng khác nhau và giành được sự ủng hộ của nhiều người.

Thứ hai, Anwar có sự kiên trì hiếm có cùng tinh thần đổi mới. Kể từ khi được Mahathir mời tham gia đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) năm 1982, Anwar bắt đầu những năm tháng bất bình và thù hận với Mahathir, đồng thời cũng mở ra những thăng trầm của ông trên chính trường Malaysia. Năm 1993, Anwar là người được thế giới bên ngoài tin là sẽ kế vị Mahathir, nhưng cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến mối quan hệ giữa Anwar và Mahathir rạn nứt và “sự cố Anwar” đã xảy ra vào năm đó, khi ông bị bãi chức vụ và bị trục xuất khỏi UMNO. Năm 2004, một năm sau khi Mahathir thôi giữ chức Thủ tướng, Anwar được trả tự do. Ông đã lãnh đạo đảng Công lý Nhân dân đối lập đạt được kết quả tích cực trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008, nhưng sau đó lại bị buộc tội và bị kết án 5 năm tù.

Các học giả ở Malaysia nhìn chung đều cho rằng Anwar là người có năng lực, giỏi toàn diện, chính điều này đã khiến Mahathir hết sức cảnh giác khi ông ở thời kỳ đỉnh cao và lập được nhiều thành tựu to lớn. Sự nghiệp chính trị của Anwar có những giai đoạn thăng trầm, nhưng ông đã có thể trở lại chính trường sau hai lần bị cầm tù. Điều đó cho thấy ông có một ý chí và quyết tâm hiếm có.

Cát Hồng Lượng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Malaysia thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây, tin rằng tinh thần hoạt động phong trào xã hội của Anwar đã khiến ông trở thành một nhà lãnh đạo cải cách nổi tiếng trong chính trường Malaysia. Dù Anwar nhiều lần đối mặt với các cáo buộc, bản án và nhà tù, nhưng ông vẫn lãnh đạo đảng Công lý Nhân dân và liên minh của đảng này tham gia các kỳ tổng tuyển cử năm 2008, 2013 và 2018 với khẩu hiệu “cải cách”, nhắm vào nạn tham nhũng trong chính phủ và đảng phái và kêu gọi cải cách. Chắc chắn, những điều này thể hiện đầy đủ tinh thần chiến đấu và sự kiên cường của Anwar với tư cách là một nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách trong nền chính trị Malaysia.

Anwar có tính cách hòa nhã và kiến thức uyên thâm nên luôn được lòng dân, đồng thời cũng thẳng thắn và vui vẻ. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1994, ông đã được tặng tác phẩm thư pháp “Tất cả chúng ta là một gia đình”. Anwar đồng tình với quan niệm này và treo bức thư pháp trong văn phòng làm việc của mình, hàm ý rằng tất cả các dân tộc ở Malaysia, bao gồm người Mã Lai, người Hoa và người Ấn Độ, là một gia đình. Trong lần tranh cử thủ tướng mới đây, ông lại một lần nữa đề xuất “tất cả chúng ta là một gia đình”. Câu nói này đã trở thành khẩu hiệu của ông.

Hứa Lợi Bình, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và Toàn cầu thuộc Viện Khao học Xã hội Trung Quốc, cho rằng không nên đánh giá thấp Anwar, ông ấy dám đấu tranh và biết cách thỏa hiệp. Dù mối quan hệ của ông với Mahathir và Azmin Ali (cựu Bộ trưởng công nghiệp và Thương mại quốc tế) đầy quý trọng và thù hận, nhưng Anwar vẫn cùng tranh cử với Mahathir năm 2018, hay việc thành lập nội các của Thủ tướng Anwar mới đây cũng là kết quả của sự thỏa hiệp với Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN).

Tình hình nội bộ Malaysia đối mặt với 3 vấn đề lớn

Anwar đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia, nhưng mâu thuẫn đằng sau “Quốc hội treo” và thế bế tắc chính trị của chính phủ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhà Nghiên cứu Cát Hồng Lượng tin rằng điều này sẽ khiến Chính quyền Anwar phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về các vấn đề nội bộ và cần xử lý tốt ba mối quan hệ.

Đầu tiên, chính phủ được thành lập trong bối cảnh phải ổn định tình hình chính trị và xử lý các mối bất bình của các đảng phái và liên minh chính trị trong chính trường Malaysia hiện tại.

Người đứng đầu nhà nước Malaysia, Sultan Abdullah (Quốc vương Malaysia), là nhân vật then chốt khi xảy ra tình trạng hỗn loạn chính trị. Ông kỳ vọng Malaysia sẽ thành lập một chính phủ ổn định, thống nhất và các nghị sĩ Quốc hội sẽ hợp tác cùng nhau để phát triển đất nước và phục hồi kinh tế. Quốc vương Malaysia đã nhắc nhở tất cả các bên sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 rằng “không bên nào giành chiến thắng tất cả, cũng không có bên nào thua” trong cuộc tổng tuyển cử lần này, do đó các bên phải tái hợp tác vì lợi ích của đất nước và người dân.

Cũng với mục tiêu này, Anwar đã phát biểu rằng miễn là các nghị sĩ đối lập chấp nhận các nguyên tắc cơ bản về quản trị tốt và không tham nhũng để duy trì sự ổn định, tham gia thành lập chính phủ liên minh và chăm lo cho người dân, ông sẵn sàng chấp nhận các đảng phái chính trị khác, bao gồm cả Liên minh Quốc gia (PN), tham gia chính phủ. Tuy nhiên, như đã biết, Malaysia vẫn đang trong giai đoạn chuyển giao chính trị then chốt, sự đa dạng và chia rẽ giữa các đảng phái chính trị vẫn tồn tại. Trong hoàn cảnh như vậy, Anwar không đặt kỳ vọng quá cao dành cho chính phủ liên minh.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 10/01/2023

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s