Sự lão hóa của thế hệ biến nhịp điệu của quá khứ thành nhịp điệu của tương lai. Nó giải thích tại sao mỗi thế hệ không chỉ được lịch sử định hình mà sau đó còn định hình lịch sử. Nó kiểm soát tốc độ thay đổi xã hội. Nó kết nối cuộc sống giữa sự gắn bó mật thiết về tiểu sử với lịch sử trong sự vĩ đại của xã hội hoặc chính trị. Theo tất cả những cách này, thế hệ nằm ở gốc rễ của saeculum.
Nếu kết nối giữa các thế hệ và lịch sử mạnh mẽ như vậy, thì tại sao con người chưa từng biết về nó? Họ biết đấy. Song trong thế giới cổ đại, kết nối bị mờ đi do một sự nhầm lẫn giữa dòng dõi gia đình với các nhóm đồng đẳng. Và trong thời hiện đại, những người ủng hộ sự tiến bộ đã phải miễn cưỡng thừa nhận một sự tác động lực nhịp nhàng sẽ làm suy yếu kế hoạch của họ.
Vào buổi bình minh của lịch sử được ghi chép lại, thế hệ (chứ không phải là ngay hay tháng hay năm) là tiêu chuẩn phổ quát của thời gian xã hội. Khi đưa những huyền thoại của thời tiền sử Aegea vào thơ, các nhà thơ Hy Lạp hồi đầu đã sử dụng những thế hệ tuần tự để đánh dấu sự xuất hiện kế tiếp của Gaea, Uranus, Cronus, và Zeus, Philo, khi viết về huyền thoại ra đời của Phoenicia, đã bắt đầu câu chuyện của mình với Genos, nam thần đầu tiên cầm quyền. Cựu Ước bắt đầu với Genesis, cách vũ trụ được sinh ra, và đo thời gian vĩnh hằng bằng một chuỗi thế hệ, thế hệ này sinh ra và nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo. Đồng hồ thế hệ tương tự cũng xuất hiện trong các huyền thoại và truyền thuyết của người Ai Cập, Babylon, Ba Tư, Celts, Teuton, Slav, và Hindu.
Các xã hội cổ đại thường mập mờ về những gì họ hàm ý trong từ ngữ. Từ gen- trong gốc Ấn – Âu chỉ có nghĩa cụ thể là “đến hoặc sinh ra” hoặc (như một danh từ) bất kỳ thực thể mới nào “được sinh ra”. Áp dụng cho con người, khái niệm rộng này có thể chiếm lấy những nghĩa khác. Một nghĩa là thế hệ gia đình: tất cả những người cùng một cha hay mẹ sinh học sinh ra. Các thế hệ trong gia đình được định ra khi dòng dõi là vấn đề đang được tranh luận, như khi Herodotus nói về “345 thế hệ” của các tu sĩ Ai Cập hoặc bằng những thuật ngữ kiểu như người thừa kế “thế hệ thứ tư”. Một nghĩa khác là thế hệ xã hội: tất cả những người mà tự nhiên hay xã hội sinh ra trong cùng một thời gian. Các thế hệ xã hội được định ra khi toàn bộ một nhóm đồng đẳng là vấn đề đang được quan tâm, như khi Tân Ước nói về “một thế hệ tráo trở” hoặc Hesiod nói về “những thế hệ” của vàng, bạc và đồng.
Một số ít xã hội truyền thống ngại làm rõ các vấn đề do được tổ chức xung quanh những bộ lạc gia đình, nên ít có nhu cầu tìm kiếm một sự khác biệt: Trong giới tinh hoa, mỗi cuộc hôn nhân mới hàm ý về một thế hệ xã hội mới. Bên cạnh đó, những khác biệt lớn về thế hệ thường không nảy sinh trong một bối cảnh truyền thống. Một khi đã phát sinh, chúng chẳng mấy khi quan trọng với hơn hai hoặc ba giai đoạn liên tiếp của cuộc đời. Qua một khoảng thời gian ngắn như vậy chỉ cần nhắc chút ít đến các thế hệ gia đình (cha mẹ của hùng, anh hùng, con của anh hùng) hẳn là đã có vẻ đầy đủ rồi.
Nhưng đến thời hiện đại, điều này đã thay đổi. Người châu Âu bắt đầu tư giác nói về các thế kỷ, đồng thời họ cũng bắt đầu nói rõ về những nhóm đồng đẳng. Trong tâm trạng fin-de-siècle trước Cách mạng Pháp, những lý thuyết về thế hệ xã hội bùng nổ trong bối cảnh đó. Cuộc họp mặt giới văn nghệ sĩ nào ở Paris cũng ồn ào nói (một số liên quan đến Thomas Jefferson) về cách xác định độ dài thời gian và các quyền tự nhiên của mỗi thế hệ.
Hơn 150 năm sau, nhiều bộ óc uyên bác nhất ở phương Tây vẫn gắng sức mở rộng và sàng lọc ý tưởng này. Gần như tất cả họ đồng ý với Auguste Comte rằng trong thế giới hiện đại, các thế hệ đã trở thành những nhà điều hành bậc thầy về nhịp độ thay đổi xã hội. John Stuart Mill chính thức định nghĩa một thế hệ là “một tập hợp mới gồm những người” mà “được giáo dục, trưởng thành từ thời thơ ấu giống nhau, thời thanh thiếu niên giống nhau, và có năm tháng nhiệt huyết nhất trùng nhau phần nào”. Giuseppe Ferrari dựa toàn bộ lý thuyết xã hội của mình vào các phong trào mà ông gọi là “i capi della società, i re del pensiero, i signori della generazione” (những nhà lãnh đạo xã hội, những ông vua tư tưởng, những ông hoàng của mỗi thế hệ). Khi nói về hậu quả trực tiếp của Thế chiến I, Karl Mannheim, José Ortega y Gasset, Franςois Mentré (những người đã đặt ra thuật ngữ thế hệ xã hội trong một cuốn sách cùng tên), và nhiều người khác, có lẽ đã đưa ra nội dung về các thế hệ có sức thuyết phục nhất từng được viết đến.
Cùng với sự ra đời của các lý thuyết mới về tiến bộ, người châu Âu đã trở nên nhận thức sâu sắc về sự khác biệt thế hệ trong đời sống văn hóa và chính trị của mình. Đến cuối thế kỷ 19, tầng lớp ưu tú châu Âu không ngừng huyên thuyên về các thế hệ, mỗi thế hệ được đặt tên theo một năm then chốt được bàn luận đến vốn định hình giới văn sĩ hoặc các nhà hoạt động trẻ, chẳng hạn như các thế hệ (châu Âu) năm 1815 hoặc 1848 hoặc 1870, hay thế hệ (Nga) năm 1820, thế hệ (Pháp) năm 1830, thế hệ (Tây Ban Nha) năm 1898. Thập niên 1920 lần đầu tiên đưa ra khái niệm nghiêm túc về một thế hệ vượt Đại Tây Dương, vì “thế hệ năm 1914” ở châu Âu bị chiến tranh tàn phá và Thế hệ Lạc lõng ở Mỹ bị lẫn vào nhiều quán cà phê Paris giống nhau. Sau Thế chiến I, khi Mỹ đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về tiến bộ, thì mối quan tâm của người Mỹ về các thế hệ bắt đầu nhiều hơn hẳn người châu Âu. Kể từ đó, không có nhóm đồng đẳng nào đến tuổi trưởng thành ở Mỹ mà không phải nỗ lực kiên định để đặt tên và mô tả mình.
Kinh nghiệm trên của người Mỹ gốc Âu khẳng định rằng các tiến bộ xã hội càng nhanh thì các vấn đề thế hệ có vẻ càng xuất hiện nhiều hơn. Nhưng đồng thời, một xã hội càng cho mình là hiện đại thì con người trong xã hội đó càng cố kháng cự việc chính thức hóa sự thay đổi thế hệ như một ý tưởng. Trong khi hiện đại là tiến bộ hợp lý hướng tới tương lai, thì các thế hệ giữ vai trò nhắc nhở con người vẫn còn gắn bó nhiều với những dấu tích tiềm thức từ quá khứ của họ. Trong khi hiện đại là kiểm soát xã hội, thì sự thay đổi thế hệ có xu hướng bùng nổ khi đối diện với những người kiểm soát xã hội. Lên đến cùng cực, những cuộc cách mạng chính trị hiện đại đôi khi tìm cách tiêu diệt hoàn toàn các thế hệ bằng cách bêu xấu (hoặc thậm chí là tiêu diệt) những công dân có ký ức do một chế độ “sai” định hình. Hầu hết các nhóm tinh hoa hiện đại chỉ đơn giản là phogn tảo tầm quan trọng lịch sử của các thế hệ bằng một bức tường hoài nghi cao ngất. Bởi không mong chờ thay đổi thế hệ, nên con người có vẻ luôn bất ngờ khi gặp thay đổi này.
Ở Mỹ, cứ khoảng 20 năm lại xảy ra những bất ngờ kiểu này – khoảng thời gian để một thế hệ thanh niên mới đến tuổi trưởng thành (và các thế hệ trước đó bước vào giai đoạn mới của cuộc đời). Khoảng năm 1950, người Mỹ đã ngã ngửa vì thanh niên khi đó không cho thấy sự đoàn kết, tinh thần lạc quan, và tính tích cực chính trị của người lao động CCC [Civilian Conservation Corps] trước chiến tranh. Cuối thập niên 1960, các nhà khoa học xã hội lỗi lạc nhất (từ Margaret Mead đến Kenneth Keniston) đều không lường được cơn giận dữ bất ngờ của những thanh niên được kỳ vọng là vô cùng ngoan ngoãn. Kể từ đầu thập niên 1990, ba sự chuyển đổi giai đoạn trong đời đã diễn ra và được truyền thông ầm ĩ. Hàng loạt hoạt động tưởng niệm Thế chiến II đã khơi dậy chủ đề có tính hoài niệm xem liệu những gì Robert Putnam gọi là “một thế hệ công dân vĩ đại” giờ đây sẽ biến mất hay (như Bob Dole đề xuất) sẽ thực hiện “một sứ mệnh cuối cùng”. Thế hệ Bùng nổ khi bước vào tuổi trung niên đã vượt xa Thế hệ Im lặng trong việc nắm giữ quyền lực quốc gia (Clinton và Gore năm 1992, sau đó là cuộc cách mạng Gingrich và các thành viên mới của Hạ viện năm 1994) trong bối cảnh bàn nhiều đến “những sự thất bại” thay thế cho việc thỏa hiệp. Và khi nhận ra rằng Thế hệ Bùng nổ không còn trẻ, đã sinh ra hàng loạt mối quan tâm (đa số là không phù hợp) dành cho Thế hệ Thứ 13.
Ngày nay, giới chính khách và các nhà tiếp thị đang phát hiện ra những kết quả thành công của việc tiếp thị theo vòng đời. Các tham chiếu thế hệ liên tục xuất hiện trong những quảng cáo truyền hình, bài phát biểu chính trị, phim ảnh, và ngôn ngữ riêng của văn hóa nhạc pop hiện đại. Mặc dù vậy, những hàm ý rộng hơn của khái niệm này tiếp tục bị tầm thường hóa, giống như Bob Dylan, Jim Morrison, hay Kurt Cobain vẫn cho là chẳng có gì để nói về nó cả. Các mối liên hệ của mỗi thế hệ với việc bỏ phiếu và việc mua ô tô được hiểu (và chấp nhận) tốt hơn hẳn so với mối liên hệ sâu sắc hơn của họ với tự nhiên và thời gian. Giới học thuật mới đang dần thấy sự đúng đắn trong đánh giá của sử gia Anthony Esler thuộc Cao đẳng William và Mary rằng “trên thực tế, cách tiếp cận thế hệ có thể là một trong các cách tiếp cận lịch sử toàn diện”.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019