Thách thức và cơ hội trong hợp tác an ninh Mỹ – Việt – Phần I


Giới thiệu

Quan hệ Việt – Mỹ đã được cải thiện trong 27 năm qua với việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tăng cường các chuyến thăm ngoại giao giữa Hà Nội và Washington và mở rộng hỗ trợ hàng hải song phương. Trong khi đó, quan hệ Trung – Việt ngày càng căng thẳng trước các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Đây cũng là quan ngại an ninh của Mỹ. Trong những thập kỷ tới, Mỹ và Việt Nam có tiềm năng mở rộng hợp tác chiến lược, tuy nhiên, quan hệ đối tác an ninh mở rộng có ba trở ngại chính cần được giải quyết.

Thứ nhất, bất chấp sự gắn kết lợi ích hiện tại, Mỹ và Việt Nam không nhất thiết phải là “đồng minh tự nhiên”. Việt Nam là nhà nước một đảng, yếu tố có khả năng tạo thành một rào cản khiến Quốc hội Mỹ do dự chưa chấp thuận mở rộng đáng kể hỗ trợ an ninh. Thứ hai, trong khi Hà Nội nỗ lực bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải của mình ở biển Nam Trung Hoa, tính toán nội bộ của Việt Nam về phản ứng với Trung Quốc chắc chắn phải kể đến sự gần gũi về mặt địa lý và sự phụ thuộc kinh tế của Việt Nam vào nước này. Điều này có thể hạn chế nghiêm trọng quyết tâm của Việt Nam chống lại Trung Quốc. Thứ ba, Việt Nam vẫn duy trì chính sách an ninh “ba không”: không tham gia liên minh quân sự, không cho phép nước khác đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không liên kết với nước này chống lại nước kia. Tuy nhiên, trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019, Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia các cơ chế an ninh và quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Lập trường không liên kết và sự nhấn mạnh vào truyền thống tự cường của Việt Nam đã làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ. Để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP), Washington phải đánh giá xem họ định thúc đẩy mối quan hệ an ninh với Hà Nội bằng cách nào trong bối cảnh những lo ngại về nhân quyền, mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và chính sách không liên kết của Việt Nam.

Bài viết phân tích ba trở ngại đối với việc mở rộng hợp tác an ninh Việt – Mỹ và tìm hiểu quan điểm của Việt Nam về từng chủ đề. Đối với mỗi hạn chế từ phía Mỹ, sẽ có một hạn chế tương ứng từ phía Việt Nam cản trở quan hệ quốc phòng song phương phát triển nhanh chóng. Bài viết kết luận với một số khuyến nghị nhằm tăng cường quan hệ an ninh Việt – Mỹ bằng cách thúc đẩy các lợi ích an ninh chung và đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Bài toán nhân quyền

Báo cáo Nhân quyền năm 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ về Việt Nam nêu lên một danhs ách mà phía Mỹ gọi là các hành vi “không thể chấp nhận được” liên quan đến nhân quyền. Báo cáo này khiến Quốc hội Mỹ phải cân nhắc lại việc mở rộng bán vũ khí cho Việt Nam. Một số thành viên Quốc hội Mỹ thậm chí đã yêu cầu phải có các biện pháp trừng phạt. Chẳng hạn như Đạo luật trừng phạt các vi phạm nhân quyền của Việt Nam được đề xuất vào năm 2019 viết: “Quan hệ Việt – Mỹ không thể tiến triển khi hồ sơ nhân quyền và pháp quyền ở Việt Nam tiếp tục xấu đi”.

Tuy vậy, Mỹ vẫn ưu tiên tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam. Điều này được thể hiện qua quyết định của Chính quyền Obama vào năm 2016 về việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và tăng cường các sáng kiến xây dựng năng lực do M4y tài trợ đến nay. Điều này đánh dấu sự thay đổi rõ ràng trong chính sách. Năm 2014, việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương vẫn còn là một vấn đề gây tranh luận trong nước Mỹ. Nó đòi hỏi phải cân bằng lợi ích an ninh quốc gia trong bối cảnh các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa cùng với những lo ngại về việc tăng viện trợ cho Việt Nam mà không có tiến triển về tự do chính trị và nhân quyền. Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm năm 2016 được đưa ra vào thời điểm Chính quyền Obama đang cố gắng tái cân bằng chính sách đối ngoại đối với châu Á. Việt Nam là một đối tác chiến lược trong khu vực cần được cải thiện an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, Việt Nam rất nhạy cảm trước các cuộc thảo luận về vấn đề nhân quyền. Trang web của Đại sứ quán Việt Nam nêu rõ Việt Nam sẵn sàng “chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì nhân quyền” cũng như quyết tâm “ngăn chặn các âm mưu, hành vi xuyên tạc, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc và tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, ổn định chính trị của Việt Nam”. Bộ Chính trị Việt Nam dường như lo ngại ý định thực sự của Mỹ là lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tiến trình “diễn biến hòa bình”. Mối quan ngại đó không hoàn toàn vô căn cứ khi chính sách đối ngoại của Mỹ luôn nhấn mạnh việc truyền bá dân chủ và truyền thống thúc đẩy thay đổi chế độ.

Việc Mỹ quan tâm tới hồ sơ nhân quyền của Việt Nam cũng như sự thận trọng của Việt Nam khi tham gia đối thoại về vấn đề này với Mỹ không phải là những diễn biến mới. Những rào cản này từ lâu đã trở thành yếu tố cần phải tính đến trong mối quan hệ nhưng không ngăn được hợp tác an ninh giữa hai nước tiến triển mạnh trong những năm qua.

Khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, quân đội hai nước ban đầu đã tiếp cận mối quan hệ một cách thận trọng, tập trung vào những sáng kiến hợp tác quân sự dễ giải trình và không mang tính nhạy cảm, chẳng hạn như các chuyến thăm chính thức, các hội nghị đa phương và các hoạt động như rà phá bom mìn, quân y và tìm kiếm cứu nạn. Sau 8 năm, quan hệ đã được cải thiện đủ để Mỹ tiến hành một chuyến thăm tới cảng Việt Nam vào năm 2003. Đến năm 2017, mối quan hệ song phương gần gũi được thể hiện qua việc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) bàn giao một con tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, Mỹ và Việt Nam đã tăng cường quan hệ song phương, ngoại giao và quân sự một cách từ từ và nhất quán. Điều này đòi hỏi nhiều hoạt động xây dựng lòng tin, từng bước mở rộng để xây dựng sự tin tưởng và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.

Cách tiếp cận của Mỹ đối với Việt Nam đã có sự tiến triển rõ ràng. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí năm 2016 là một tín hiệu cho thấy Quốc hội Mỹ đang giảm bớt lo ngại về nhân quyền và các vấn đề về quản lý ở Việt Nam khi các hành động của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa trở nên ngày càng đáng báo động và Mỹ phải tập trung trở lại vào việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ngya cả những ý kiến trong nước phản đối Mỹ mở rộng hỗ trợ cho Việt Nam cũng công nhận rằng xây dựng năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam là nhiệm vụ có tầm quan trọng địa chính trị chiến lược. Một dự luật được đưa ra tại Hạ viện vào năm 2019 đã khuyến nghị Mỹ không bán vũ khí gây sát thương cho Việt Nam trừ phi nước này cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình. Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ được chấp thuận khi “việc bán các khí tài hoặc dịch vụ như vậy được Tổng thống xác định là đảm bảo lợi ích của Mỹ trong việc thực thi quyền hàng hải tự do và cởi mở ở biển Nam Trung Hoa”.

Tuy nhiên, Mỹ đã không từ bỏ hẳn vấn đề nhân quyền. Hợp tác an ninh của Mỹ đi kèm với nhiều ràng buộc nhằm đảm bảo việc đào tạo và chuyển giao thiết bị quân sự sẽ thúc đẩy một môi trường quân sự tập trung vào quản trị tốt và bảo vệ nhân quyền. Chẳng hạn, mặc dù Chính quyền Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, bất kỳ đơn xin xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng, dù gây sát thương hay không gây sát thương, vẫn phải có sự chấp thuận của Cục Quản lý thương mại quốc phòng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đối với từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, tùy thuộc vào loại trang thiết bị quân sự, Việt Nam sẽ phải tuân thủ sự giám sát mục đích sử dụng được Mỹ tiến hành đều đặn. Hơn nữa, các sinh viên và đơn vị quân sự nước ngoài nhận sự huấn luyện cũng như hỗ trợ vật chất từ Mỹ sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt về hồ sơ nhân quyền.

(còn tiếp)

Nguồn: Diễn đàn Thái Bình Dương

CĐ số 01/2023

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s