Mọi chuyện sẽ kết thúc ra sao?
Điểm cuối của quỹ đạo hiện tại đã rõ ràng: Đó là một thế giới nhiều hiểm họa và ít sự sống hơn, được xác định bởi nguy cơ đối đầu và khủng hoảng luôn hiện hữu, với việc chuẩn bị cho xung đột được ưu tiên hơn là giải quyết thách thức chung.
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách, ít nhất là ở Washington, đều không mong muốn chứng kiến một cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng khủng hoảng là điều khó tránh khỏi và hậu quả của nó là rất lớn. Ngay cả khi hai bên đều muốn tránh chiến tranh, thì họ cũng khó có thời gian để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trước sự giám sát chặt chẽ của công chúng, khiến việc tìm ra cách để giảm leo thang trở nên khó khăn. Ngay cả việc áp dụng vũ lực hoặc cưỡng ép có giới hạn cũng có thể tạo ra một loạt phản ứng khó lường trước trên nhiều lĩnh vực – quân sự, kinh tế, ngoài giao và thông tin. Khi các nhà lãnh đạo thể hiện quyết tâm bảo vệ tiếng tăm của họ ở trong nước, thì khủng hoảng là điều khó kiểm soát.
Đài Loan có lẽ là điểm dễ bùng phát nhất vì những thay đổi ở cả Đài Bắc và Bắc Kinh ngày càng khiến hòn đảo này trở thành trung tâm của căng thẳng Mỹ – Trung. Sự thay đổi về nhân khẩu học và thế hệ ở Đài Loan, kết hợp với cuộc đàn áp của Trung Quốc ở Hong Kong, đã khiến Đài Loan tăng cường phản kháng trước ý định kiểm soát của Bắc Kinh và khiến mục tiêu thống nhất hòa bình ngày càng trở nên xa vời. Sau khi đảng Dân Tiến (DPP), vốn có truyền thống ủng hộ Đài Loan độc lập, thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Tổng thống Thái Anh Văn, bất chấp những nỗ lực thận trọng của bà nhằm tránh động thái hướng tới mục tiêu giành độc lập chính thức. Các kênh liên lạc qua eo biển bị ngăn chặn và Bắc Kinh dựa vào các biện pháp cưỡng chế để trừng phạt và răn đe những động thái mà họ cho là làm gia tăng khả năng Đài Loan vĩnh viễn tách khỏi Đại lục.
Về phần mình, Mỹ tăng cường tuần tra quân sự xung quanh eo biển Đài Loan, nới lỏng hướng dẫn để tăng cường tương tác với các quan chức Đài Loan, mở rộng chính sách thông qua tuyên bố để nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với hòn đảo này và tiếp tục vận động Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc. Tuy nhiên, các nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ hòn đảo và ngăn chặn Trung Quốc lại thúc đẩy Bắc Kinh tìm cách cản trở mối quan hệ Mỹ-Đài đang ngày càng phát triển.
Ngay cả khi Mỹ vẫn tiếp tục chính sách “mơ hồ chiến lược” về cách thức phản ứng trong trường hợp Đài Loan bị tấn công, thì các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc vẫn cho rằng Mỹ sẽ can dự. Quả thật, khó khăn được tiên lượng trong việc ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan và kìm chân Mỹ từ lâu đã thúc đẩy việc tăng cường khả năng răn đe ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, nhiều hành động của Mỹ nhằm tăng cường khả năng chống chịu cưỡng ép của Đài Loan mang tính hình thức hơn là thực chất, nhằm mục đích khiêu khích hơn là răn đe Trung Quốc. Ví dụ, Chính quyền Trump đã nỗ lực tăng cườgn các chuẩn mực liên quan tới việc Mỹ can dự với Đài Loan. Tháng 8/2020, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Alex Azar trở thành thành viên nội các cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vòa năm 1979. Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, bỏ qua hành lang bảo vệ không chính thức để tạo điều kiện cho các hoạt động an toàn đường thủy. Việc xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan đã trở thành động thái thường xuyên của Trung Quốc nhằm bày tỏ thái độ không hài lòng trước việc Mỹ tăng cưỡng hỗ trợ hòn đảo này. Tháng 10/2021, Trung Quốc đã gia tăng tần suất xâm nhập ADIZ của Đài Loan lên mức cao mới – 93 máy bay trong vòng 3 ngày – để đáp trả các cuộc tập trận do Mỹ đứng đầu.
Chu kỳ hành động-phản ứng, được thúc đẩy bởi các hành động kèn cựa lẫn nhau ở Bắc Kinh, Đài Bắc và Washington, đang nhanh chóng phá hoại hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan. Trong những tháng gần đây, luận điệu của Trung Quốc ngày càng mang tính đe dọa, với những cụm từ báo hiệu ý định gia tăng căng thẳng. “Ai chới với lửa sẽ bị bỏng” là câu nói mà Tập Cận Bình đã lặp lại nhiều lần với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tháng 5/2022, sau khi Biden ngụ ý cam kết bảo vệ Đài Loan vô điều kiện, thay vì chỉ thực hiện nghĩa vụ lâu dài của Mỹ là cung cấp cho hòn đảo này phương tiện quân sự để tự vệ và duy trì khả năng của Mỹ để chống lại bất kỳ hành vi sử dụng vũ lực nào, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh của họ.
Mặc dù Bắc Kinh tiếp tục ưu tiên thống nhất hòa bình, nhưng nhiều người cho rằng cần có các biện pháp cưỡng chế nhằm ngăn chặn các động thái của Đài Loan hướng tới việc vĩnh viễn tách khỏi Đại lục và buộc hòn đảo này phải tiến tới thống nhất, đặc biệt là khi Trung Quốc cho rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan là công cụ để kiềm chế Trung Quốc. Ngay cả khi sự tin tưởng vào quỹ đạo kinh tế và quân sự của Trung Quốc khiến Bắc Kinh cho rằng thời gian và động lực vẫn đứng về phía họ, thì các xu hướng chính trị ở Đài Loan và Mỹ vẫn khiến các quan chức ngày càng bi quan về triển vọng thống nhất hòa bình. Bắc Kinh đã không đặt ra thời gian biểu cụ thể cho việc chiếm lại Đài Loan và dường như không tìm được cớ để làm vậy. Tuy nhiên, như nhà khoa học chính trị Taylor Fravel chỉ ra, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực khi cho rằng các tuyên bố chủ quyền của họ đang bị thách thức. Những cử chỉ cho thấy sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan có thể bị Trung Quốc hiểu là sự sỉ nhục và do đó cần có hành động đáp trả. (Theo tác giả bài viết này, sau khi tin tức về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, chuyến đi đầu tiên của bà kể từ năm 1997, được đưa ra, Trung Quốc đã cảnh báo rằng quân đội nước này sẽ không bỏ qua điều này, và động thái tiếp theo của họ là tiến hành các cuộc tập trận và thử tên lửa xung quanh Đài Loan).
Khi cả Mỹ và Đài Loan cùng tiến hành bầu cử tổng thống vào năm 2024, chính trị đảng phái có thể thúc đẩy nỗ lực khẳng định vị thế chính trị và nền độc lập của Đài Loan. Không rõ liệu nhân vật kế nhiệm Thái Anh Văn có kiên định như bà trong việc chống lại sức ép từ những người kiên quyết ủng hộ độc lập hay không. Ngay cả dưới thời Thái Anh Văn, đã có những dấu hiệu đáng lo ngại về việc các nhà lãnh đạo đảng DPP không bằng lòng với hiện trạng. Các nhà lãnh đạo DPP đã vận động Washington không đưa ra tuyên bố rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập. Tháng 3/2022, văn phòng đại diện của Đài Bắc tại Washington đã trao cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo vinh dự lớn khi ông đến thăm Đài Loan, nơi ông kêu gọi Mỹ công nhận về mặt ngoại giao Đài Loan là một quốc gia tự do và có chủ quyền.
Nguy cơ xảy ra các vụ va chạm chết người trên không hoặc trên biển cũng đang tăng lên ở khu vực bên ngoài eo biển Đài Loan. Với việc quân đội Trung Quốc và Mỹ hoạt động gần nhau ở biển Nam Trung Hoa và biển Hoa Đông, hai bên đều tỏ ý sẵn sàng chiến đấu; các chỉ huy và phi công đều đang áp dụng chiến thuật nguy hiểm làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ. Năm 2001, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va chạm với máy bay do thám của Mỹ trên biển Nam Trung Hoa, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng và phi hành đoàn Mỹ bị giam giữ trong 11 ngày. Sau thành công ban đầu, Trung Quốc đã nỗ lực vượt qua một cuộc khủng hoảng toàn diện.
(còn tiếp)
Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/china/china-trap-us-foreign-policy-zero-sum-competition
TLTKĐB – 02 & 03, 04/11/2022