Khi mô tả sự phối hợp đầy thận trọng giữa Mỹ với Việt Nam vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, học giả Lewis Stern cho biết Việt Nam ban đầu do dự không muốn tham gia cuộc xét duyệt bắt buộc theo luật Leahy để nhận được hỗ trợ huấn luyện quân sự từ Mỹ. Cuối cùng, Việt Nam đã đồng ý để những người tham gia huấn luyện trải qua quá trình kiểm tra nhân quyền này – một minh chứng cho thấy cách tiếp cận thực dụng để tiếp nhận các điều khoản đi kèm hợp tác an ninh với Mỹ, cũng là bằng chứng cho thấy Việt Nam coi trọng hỗ trợ huấn luyện và trang bị quân sự của Mỹ. Sau đó, năm 2017, với cuộc chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton của USCG, Việt Nam đã chấp thuận các yêu cầu của Mỹ để tiếp nhận các trang thiết bị quốc phòng dư thừa trong chương trình bán trang thiết bị quốc phòng (EDA).
Tóm lại, bất chấp những lo ngại về nhân quyền trong quan hệ Việt – Mỹ, hai nước dường như đã nhất trí với một thỏa hiệp không mấy dễ dàng cho phép tăng cường hợp tác an ninh. Mỹ đã có thái độ thoải mái hơn trong những năm qua trong khi Việt Nam ngày càng chấp nhận các biện pháp kiểm soát và cân bằng đi kèm trong hợp tác an ninh với Mỹ. Cuối cùng, có lẽ vẫn còn những vấn đề đáng bận tâm khác mà hai nước cho là còn gây tổn hại hơn tới hợp tác an ninh. Từ quan điểm của Mỹ, mối quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng hoặc cách tiếp cận của Hà Nội đối với an ninh mạng đều có vấn đề. Về phía Việt Nam, nước này lo ngại hợp tác quân sự công khai vượt ra ngoài ranh giới vốn có trong quan hệ Việt – Mỹ có thể tác động đến mối quan hệ Việt – Trung, do đó điều này đảm bảo Việt Nam vẫn duy trì nhất quán lập trường trung lập.
Quan hệ Việt – Trung
Việt Nam có mối quan hệ đầy sóng gió với Trung Quốc. Cả hai nước đều được Đảng Cộng sản lãnh đạo, có thế giới quan tương đồng và có mối quan hệ gần gũi từ trong lịch sử. Trung Quốc là đối tác thương mại, láng giềng địa lý lớn nhất và “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” duy nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, căng thẳng trong mối quan hệ bùng phát theo định kỳ. Trong những năm 1980, Trung Quốc nã pháo vào Việt Nam trên đường biên giới chung giữa hai nước, cô lập Việt Nam về mặt ngoại giao và hỗ trợ Khmer Đỏ trong cuộc chiến kéo dài với Việt Nam. Gần đây hơn, việc Trung Quốc theo đuổi vị thế bá chủ khu vực dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm phức tạp thêm thái độ nhường nhịn từ trong lịch sử của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa đã xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Bắc Kinh củng cố tuyên bố này thông qua các hành động gây hấn đe dọa chủ quyền và quyền hàng hải của Việt Nam, đặc biệt nhắm vào lĩnh vực dầu khí ngoài khơi của nước này. Trong năm 2009 và 2012, Bắc Kinh đã gây sức ép thành công với BP và ConocoPhiliips – các công ty dầu mỏ có đầu tư lớn vào Trung Quốc – buộc các công ty này phải từ bỏ các hoạt động trong EEZ của Việt Nam. Năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi quốc gia của Trung Quốc (CNOOC) đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu quyền khai thác vùng lãnh thổ chồng lấn với EEZ của Việt Nam. Tháng 5/2014, Trung Quốc đã triển khai một giàn khoan dầu vào EEZ của Việt Nam, hành động này khiến Hà Nội phản đối thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao và thúc đẩy các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. Năm 2017, Trung Quốc lại gây sức ép buộc Việt Nam phải thu hồi quyền khai thác của các công ty dầu khí lớn trong EEZ của Việt Nam – khiến Việt Nam thiệt hại ước tính hàng tỷ USD. Năm 2020, Trung Quốc đã đánh chìm một tàu cá Việt Nam trong khu vực tranh chấp trên biển quần đảo Hoàng Sa. Ngay sau sự cố này, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã hộ tống một tàu khảo sát địa chất vào EEZ của Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố kiểm soát hành chính đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp.
Bất chấp những hành động gây hấn này, Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách “hợp tác và đấu tranh”, đối phó với căng thẳng đồng thời duy trì tình hữu nghị trên các khía cạnh khác của mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Ngày 21/4/2020, bất chấp một loạt xung đột trên biển Nam Trung Hoa chỉ vài ngày trước đó, Việt Nam đã tiến hành tuần tra bảo vệ bờ biển chung với Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ. Trong khi Việt Nam đã thực hiện các bước pháp lý để chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chẳng hạn như đệ trình một công hàm lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản đối các tuyên bố của Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã không có hành động trực tiếp để răn đe Trung Quốc và cho đến nay đã kiềm chế khởi xướng một vụ kiện ra tòa trọng tài.
Mối quan hệ thất thường giữa Hà Nội và Bắc Kinh cũng ảnh hưởng đến chính trị trong nước Việt Nam. Phe bảo thủ Việt Nam, hay còn gọi là nhóm chống đế quốc, muốn đảm bảo rằng Trung Quốc vẫn là một đồng minh chiến lược. Đây cũng có thể là những người nghi ngờ các nỗ lực của Mỹ. Tuy nhiên, những người ủng hộ hội nhập cải cách lại thiên về coi Trung Quốc là một mối đe dọa vì quy mô, vị trí địa lý liền kề và sự hung hăng của nước này trong các tranh chấp lãnh thổ. Một bộ phận đáng kể dân chúng, bị thúc đẩy bởi sự thận trọng từ trong lịch sử và sự gây hấn gần đây của Trung Quốc, vẫn duy trì tâm lý chống Trung Quốc. Điều này tạo ra một ranh giới mong manh cho lãnh đạo Việt Nam khi tìm cách duy trì mối quan hệ với Bắc Kinh trong khi vẫn thận trọng với dư luận ở Việt Nam.
Nỗi lo sợ của Việt Nam về một cuộc Chiến tranh Trung – Việt tái diễn đã tạo ra sức ép lớn với những tính toán chiến lược về cách giải quyết các tranh chấp nảy sinh giữa hai nước. Một mối quan hệ hòa bình và ổn định với Trung Quốc sẽ thúc đẩy ổn định khu vực và giúp Việt Nam không xao nhãng sự chú ý khỏi sự phát triển và tăng trưởng trong nước. Mặc dù các hành động của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa đã khiến Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ, Hà Nội vẫn thường là một yếu tố cần tính đến trong nhận thức của Trung Quốc trước khi tiến hành bất kỳ động thái chính sách đối ngoại công khai nào, đặc biệt là những động thái liên quan đến Mỹ. Năm 2012, chuyên gia Lê Thu Hương dự đoán rằng “Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cân bằng giữa Trung Quốc với Mỹ. Việt Nam sẽ coi mối quan hệ với hai cường quốc là một phần trong chiến lược tổng thể “đa dạng hóa và đa phương hóa” các mối quan hệ đối ngoại vì lợi ích phát triển trong nước”. Cho đến nay, có thể coi đó là một đánh giá chính xác về vị thế của Việt Nam.
Có thể cho rằng Việt Nam có khả năng tiến hành một số động thái nhằm buộc Trung Quốc phải trả giá vì hành vi gây hấn của nước này ở biển Nam Trung Hoa. Theo nhận định củ Derek Grossman, nhà phân tích thuộc Tập đoàn RAND – tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu của Mỹ, những động thái này bao gồm cả việc đưa vấn đề ra một tòa án quốc tế, hạ cấp mối quan hệ đối tác với Trung Quốc, đáp trả quân sự như Indonesia đã làm ở quần đảo Natuna vào tháng 12/2019, sử dụng tư cách thành viên và ảnh hưởng của mình trong ASEAN để hình thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ hoặc tham gia các cuộc tập trận đa phương ở biển Nam Trung Hoa với các nước trong Đối thoại an ninh bốn bên (Bộ tứ) hoặc các đối tác khác. Tuy nhiên, nhiều hành động trong số này đi ngược lại với xu hướng của Việt Nam về việc đảm bảo quyền tự chủ và sự phát triển ổn định trong nước bằng cách duy trì ổn định khu vực bằng mọi giá. Việc Việt Nam từ chối thực hiện những động thái buộc Trung Quốc trả giá là phù hợp với chính sách quốc phòng được nêu trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của nước này:
“Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam kiên quyết giải quyết mọi tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tích cực và chủ động phòng ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ xa, sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh xâm lược. Việt Nam nhất quán chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, đứng về phía nước này chống lại nước khác, cho phép nước khác lập căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện các hoạt động quân sự chống lại nước khác, cũng như không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
(còn tiếp)
Nguồn: Diễn đàn Thái Bình Dương
CĐ số 01/2023