Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ, xếp vị trí thứ 7, 8 và 9 trong những năm gần đây. Liệu Việt Nam có thể trở thành thị trường lớn hơn cho ngành nông nghiệp Mỹ, khi Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng “xa cách” nhau? Việc Mỹ tăng xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp sang Việt Nam thay vì sang Trung Quốc có khôn ngoan? Trang asiatimes.com (Hong Kong) ngày 22/2 đăng bài phân tích như sau:
Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng hai nước có quan hệ kinh tế gần gũi. Về mặt chính sách, giống như nhiều quốc gia bậc trung và có tư tưởng độc lập, Việt Nam cảnh giác trước sự thống trị của bất kỳ nước nào và sẵn sàng đối đầu với các cường quốc lớn. Tuy nhiên, xét về lịch sử, điều đáng lưu ý là người dân Việt Nam không có thái độ tiêu cực đối với Mỹ. Thậm chí, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều người Việt Nam còn ủng hộ Mỹ.
Những lợi ích kinh tế mà Việt Nam thu được từ thương mại với Mỹ có thể giải thích cho sự thiện cảm của người dân Việt Nam đối với Mỹ.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm 2021, Mỹ đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 101 tỷ USD từ Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bằng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hơn nữa, Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam chỉ đạt 11 tỷ USD. Hơn 1/4 trong tổng số đó là sản phẩm nông nghiệp.
Việt Nam có 98 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người dưới 4000 USD nhưng đang trên đà tăng nhanh, điều đó có nghĩa là người dân Việt Nam đang ăn nhiều thịt hơn và cần nhiều thức ăn chăn nuôi hơn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 2019, “sản xuất thịt lợn và gia cầm của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất so với các nước khác trong khu vực và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất Đông Nam Á trong thập kỷ tới”. Một báo cáo khác của Bộ Nông nghiệp Mỹ xem Việt Nam là “cường quốc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi”.
Tất cả những điều đó khiến Việt Nam trở thành thị trường có vẻ hứa hẹn. Tuy nhiên, khi xét về quy mô dân số, Việt Nam đã nhập khẩu từ các trang trại và trại chăn nuôi của Mỹ lượng thức ăn chăn nuôi gần bằng Trung Quốc. Một báo cáo khác của Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ ra rằng: “Việt Nam là một thị trường đầy thách thức, cạnh tranh khốc liệt, quy định phức tạp, thuế nhập khẩu cao và bộ máy hành chính cồng kềnh”.
Liệu Việt Nam có phải là thị trường đáng kể để Mỹ tăng cường xuất khẩu hay không. Câu trả lời có thể là “có” hoặc “không”.
Nước Mỹ có thể giúp gì không? Cựu chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ đề xuất dựa vào Việt Nam để đem lại một thỏa thuận tốt cho các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như các đối thủ cạnh tranh có được từ các hiệp định thương mại tự do khu vực. Dù Mỹ không muốn tham gia các thỏa thuận này, nhưng thị trường Mỹ có vị trí đủ quan trọng để Việt Nam yêu cầu được đối xử bình đẳng.
Vì lý do chính trị, Mỹ có thể muốn tránh căng thẳng thương mại với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu được thực hiện theo cách thức không hăm dọa nhau thì Mỹ có khả năng tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam. Ít nhất cũng đáng để suy nghĩ về khả năng này.
Nguồn: TKNB – 23/02/2023