Thế thân và tác phẩm – Phần II


Khi Chân Đế còn hoạt động ở Quảng Châu, một trong những cộng sự chính của ông là Huệ Khải có đề cập đến một truyện ký về Thế Thân có nhan đề Biệt Truyện. Sau đó một trăm năm, Pháp Tạng (640 – 710) xác nhận có truyện ký này và thêm rằng có thêm một cuốn nữa tên là Bổn Truyện. Ngoài ra, Tĩnh Mại, trong Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kỷ viết năm 664 sdl, có liệt kê một truyện ký khác về Thế Thân mang tên Bà Tẩu Bàn Đậu Truyện và ghi rằng do Cửu Ma La Thập dịch. Với tất cả các cuốn này, bây giờ chúng ta biết rõ rằng vào cuối thế kỷ thứ VII đã có ít nhất năm truyện ký về Thế Thân được giới văn học của thế kỷ đó biết đến. Đó là:

1/ Bà Tẩu Bàn Đậu Truyện do Cửu Ma La Thập dịch.

2/ Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện do Chân Đế dịch.

3/ Biệt Truyện được Huệ Khải và Pháp Tạng đề cập.

4/ Bổn Truyện được Pháp Tạng dẫn.

5/ Thiên Thân Bồ Tát Truyện được Huệ Chiểu dẫn.

Tất cả các truyện ký này ngày nay đều không còn ngoài cuốn số 2. Thật không dễ trả lời câu hỏi cuốn nào trong số năm cuốn này có thể nhận ra là chỉ có tên mà không có thật và, vì thế, có thể xem như là một với một trong bốn cuốn còn lại hay không. Péri đã tập trung giải quyết câu hỏi này và đã do dự đề nghị rằng các cuốn số 1 và 4 là một, trong khi các cuốn số 2, 3 và có thể cả cuốn 5 chắc chắn là giống nhau. Một lần nữa, tiêu chuẩn cho sự nhận dạng này lại là sự tương tự về văn từ của chúng. Kết quả, sự nhận dạng vẫn dựa trên một nền tảng không chắc chắn, như chúng ta đã bàn về các sử truyện Trung Quốc.

Trong trường hợp này, các trích dẫn từ Bổn Truyện của Pháp Tạng thật sự có đặc điểm của các truyện ký được cho là của La Thập về phương diện chúng có đầy các chuyện thần dị. Nhưng những mô tả theo cách thần thoại như thế không liên quan gì đến khả năng Bổn Truyện phải tương đồng với Bà Tậu Bàn Đậu Truyện được xem là do La Thập dịch, bởi vì hai cuốn này có thể lấy thông tin từ cùng một nguồn, và trong trường hợp này nguồn tài liệu đó thường từ Ấn Độ. Và dù sao đi nữa thì một truyện ký Ấn Độ vẫn luôn luôn có khuynh hướng có nhiều điều thần dị. Thật ra Péri đã chú ý đến sự kiện Huệ Tường, trong Pháp Hoa Kinh Truyện Ký, đã nhiều lần nói đến phát biểu của Chân Đế về sự xuất hiện của một Tây Vực Truyện Ký nào đó. Kết quả là chỉ một mình sự kiện có tương đồng về ngôn ngữ trong hơn một bản văn thì không phải là chứng cứ cụ thể để kết luận chúng giống nhau và được viết hoặc dịch bởi cùng một người. Ta cũng có thể nói như vậy về phần còn lại của sự xác minh về chúng do Péri đưa ra.

Thật ra giờ đây vấn đề trở nên hoàn toàn sáng tỏ khi giả định của Péri không được chứng minh là đúng. Cho dù đúng, đó vẫn là giả định chứ không phải sự thật. Sự thật là trong tất cả các bản dịch cũng như các bản còn giữ được hoặc được dẫn bởi Chân Đế không có chỗ nào cho thấy ông ấn định thời điểm 1100 năm cho Thế Thân, và trong tất cả các trích dẫn của nhiều người viết sau đó cũng không có chỗ nào nói rõ hay hàm ý Chân Đế có ý đó. Ngược lại, ông đã được dẫn như là người bác bỏ điều đó, như chúng ta đã biết. Vì thế, chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc rằng Chân Đế không đưa ra hai thời điểm khác nhau về Thế Thân, và theo ông thì Thế Thân sinh vào năm 900 sau P.N. Mọi khẳng định của các học giả như Frauwallner chỉ là tưởng tượng riêng của họ.

Một tình huống gây nhiều ngạc nhiên hơn khi những người chống lại giả thuyết hai-Thế Thân của Frauwallner dường như mặc nhiên thừa nhận sự chính xác trong giả định của Péri cũng như khẳng định của Frauwallner cho rằng có hai thời điểm về Thế Thân. Trong một bài phê bình dài về cuốn On the Date of the Buddhist Master of the Law Vasubandhu của Frauwallner, Sakurabe không hề nhắc đến giả định của Péri và khẳng định của Frauwallner. Jaini thì khẳng định thẳng thừng rằng “Chân Đế có đưa ra hai thời điểm về Thế Thân” nhưng lại không chịu khó kiểm tra xem điều đó có thật hay không. Wayman, mặc dù bác bỏ giả thuyết hai-Thế Thân do Frauwallner suy đoán, đã hoàn toàn im lặng về nền tảng thiết lập giả thuyết này. Đó là chưa kể đến sự kiện ông tự gánh lấy thuyết hai-Thế Thân của riêng ông, một thuyết chắc chắn không có gì khả quan hơn thuyết của Frauwallner, nếu không phải là bi đát hơn, do việc ông sử dụng các chứng cứ non nớt của các sử gia Tây Tạng ở đời sau. Vấn đề này cuối cùng đã được Lê Mạnh Thát giải quyết dứt khoát khi ông phát hiện việc “Chân Đế đưa ra hai thời điểm về Thế Thân” chỉ là một phát biểu sai lạc.

Bây giờ, nếu giả định của Péri là sai thì chúng ta phải tìm ra ai là người đầu tiên ghi lại các thời điểm này mà không cần phải dựa vào bất cứ giả định nào. Chúng ta biết rằng:

1/ Chân Đế nói đến thời điểm 900 P.N. về Thế Thân.

2/ Huyền Tráng mô tả thời điểm 1000 P.N.

3/ Huệ Khải đưa ra thời điểm 1100 P.N.

Đây là ba thời điểm và những người ghi lại chúng sớm nhất, và người ta có thể tự mình nhận ra đã có sai lệch lớn về thời gian giữa các thời điểm này. Để giải quyết, tôi đề nghị trước hết hãy bàn đến hai thời điểm sớm hơn ở đây, bởi vì các thời điểm do Chân Đế và Huyền Tráng đưa ra thì dễ dàng phối hợp hơn thời điểm của Huệ Khải.

Theo Chân Đế, Thế Thân sinh vào năm 900 P.N. Phổ Quang, trong Câu Xá Luận Ký, cho chúng ta thông tin: “Chân Đế nói, “Một ngàn hai trăm sáu mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi Đức Phật qua đời đến nay””. Chúng ta biết đích xác Chân Đế và Phổ Quang sống vào năm nào. Vì thế, để biết được thời điểm 900 P.N. dành cho Thế Thân chính xác chỉ cho năm nào, chúng ta phải biết Đức Phật qua đời năm nào; và để biết được Đức Phật qua đời năm nào, chúng ta phải xác định nhóm từ “đến nay” của Phổ Quang chính xác có nghĩa là gì. Frauwallner đã diễn dịch là “đến thời Chân Đế”, tức khoảng 564 sdl khi Chân Đế bắt đầu dịch Câu Xá Luận ở Quảng Châu. Do điều này mà Sakurake đã chỉ ra rằng trong trường hợp đó nhân vật được gọi là Thế Thân-lớn-tuổi-hơn có lẽ sinh vào thế kỷ thứ III sdl, đúng hơn là năm 320 sdl như Frauwallner đề nghị. Tuy nhiên, diễn dịch của Frauwallner sai lầm không phải về điểm này mặc dù một tính toán sai lầm như thế thật là đáng thương. Diễn dịch này sai bởi vì dường như nó đã dựa vào một kiến thức nghèo nàn về Hán ngữ của người diễn dịch.

Nhóm từ “đến nay”, khi được dùng bởi một tác giả, ngay cả trong trường hợp tác giả này dẫn thông tin từ một tác giả khác, luôn luôn chỉ cho cái “nay” của tác giả trích dẫn chứ không phải của tác giả được trích dẫn. Thí dụ, trong Nhị Giáo Luận, Đạo An viết:

Theo Pháp Sư Cựu Ma La Thập Niên Kỷ và Thạch Trụ Minh, phù hợp với Xuân Thu, thì Như Lai sinh vào năm thứ 5 của Chu Hoàn Vương, tức năm Ất Sửu, […], và Ngài nhập diệt vào năm thứ 15 của Tương Vương, tức năm Giáp Thân. Từ đó đến nay đã một ngàn hai trăm linh năm năm.

Chúng ta biết rằng Đạo An viết Nhị Giáo Luận năm 568 sdl và năm thứ 15 của Chu Hoàn Vương tương đương với năm 687 tdl. Chỉ tính nhẩm từ năm 687 tdl xuống đến năm 568 sdl sẽ cho ta con số 1205 năm. Vì thế, không còn nghi ngờ gì nữa về năm mà nhóm từ “đến nay” trong đoạn văn trên nói đến. Nó chỉ cho năm 568 sdl của Đạo An chứ không phải năm của La Thập, người được Đạo An trích dẫn. Kết quả, đối với những gì Phổ Quang đã đề cập về lời của Chân Đế, ta phải hiểu rằng hai chữ “đến nay” nhằm chỉ cho thời điểm của Phổ Quang chứ không phải của Chân Đế như Frauwallner diễn giải.

Nếu nhóm từ này chỉ cho thời của Phổ Quang, vậy Quang đã sống khi nào? Ta biết rằng Quang là học trò và cũng là đồng sự thân cận của Huyền Tráng. Tuy nhiên, điều chúng ta không biết là thời điểm ông viết Câu Xá Luận Ký, tức tác phẩm trong đó ta tìm thấy câu nói vừa dẫn. Thật may là chúng ta biết Huyền Tráng dịch Câu Xá Luận trong khoảng thời gian 651 – 654. Vậy, đương nhiên Phổ Quang phải viết Câu Xá Luận Ký sau năm 654 sdl, thời điểm Huyền Tráng hoàn tất việc dịch và giảng Câu Xá Luận cho những đồng sự của ông. Rất có khả năng Câu Xá Luận Ký đã được viết sau năm 664 sdl, khi Tráng chết và Phổ Quang phải tự lo liệu lấy và có thời gian cho riêng mình. Trong bất cứ trường hợp nào, ta có thể chắc chắn rằng câu nói trên của Phổ Quang hẳn phải được đưa ra sau 654 sdl, thời điểm mà Huyền Tráng chính thức hoàn tất việc dịch Câu Xá Luận. Như vậy, nếu ta chọn sau năm 664 sdl làm thời điểm Quang bắt đầu viết Câu Xá Luận Ký, ta có thể thấy rằng năm đó thật sự là thời điểm được Phổ Quang diễn tả qua hai chữ “đến nay”. Nói cách khác, cho đến năm 664 sdl thì một ngàn hai trăm sáu mươi năm đã trôi qua kể từ khi Phật Niết bàn. Vì thế ta có thể nói năm 664 sdl tương ứng với năm 1265 sau P.N. Một khi điều này đã được xác quyết, việc tìm ra Thế Thân sinh vào thời nào đương nhiên sẽ trở thành đơn giản.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lê Mạnh Thát – Triết học Thế Thân – NXB THTPHCM 2006

Advertisement

Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 – Phần I


Trình Thực

Quá khứ và hiện tại của nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn tăng entropy (được hiểu như một đơn vị đo lường sự hỗn loạn) trong 40 năm qua. Dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát vào cuối năm 2019 đã dẫn đến cú sốc nguồn cung mới, gây nên tình trạng kinh tế đình trệ do lạm phát trong ngắn hạn và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) suy giảm trong dài hạn, khiến nền kinh tế toàn cầu bị tổn thất nặng nề, thị trường tài chính biến động mạnh, xu hướng suy thoái kinh tế cũng xuất hiện và dẫn đến sự rối loạn ở phương diện phi kinh tế, tình hình địa chính trị ngày càng căng thẳng, tiến trình toàn cầu hóa gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nền kinh tế xã hội của nhân loại luôn tiến về phía trước, một loạt nỗ lực đưa mình vào khuôn khổ, tự phấn đấu vươn lên đang giúp nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi khó khăn.

Trong tương lai, mặc dù con đường giảm entropy còn nhiều chông gai, nhưng có triển vọng hứa hẹn. 2023 là năm bước ngoặt để nền kinh tế toàn cầu bước lên con đường giảm entropy: Một mặt, các yếu tố nội sinh gây nên tình trạng hỗn loạn và mất trật tự bước vào thời kỳ suy yếu, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc giảm entropy; mặt khác, những nỗ lực ngoại sinh theo đuổi cân bằng và trật tự sẽ từng bước giải phóng năng lượng tích cực, điều này sẽ có lợi cho việc giảm entropy. Mặc dù con đường giảm entropy đầy trở ngại và gian khó, nhưng chỉ cần kiên trì thì sẽ đến được đích. Để có thể chuyển từ tăng entropy sang giảm entropy, nền kinh tế toàn cầu không những vẫn phải tiếp tục trả các phí tổn tương ứng, mà còn phải tích lũy được các động lực phục hồi.

Từ tăng entropy đến giảm entropy: Logic cơ bản của vận hành kinh tế toàn cầu

Chức năng và mục tiêu chính của việc nghiên cứu kinh tế vĩ mô chính là phải tìm ra logic cơ bản trong cục diện phức tạp, bởi dựa trên logic cơ bản cô đọng súc tích, chính xác và hiệu quả thì mới có thể giải thích đầy đủ quá khứ, phản ánh đúng mức hiện tại và suy luận về tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

Kể từ dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là năm 2022 tồn tại cả dịch bệnh, chiến tranh và bất ổn, nền kinh tế thế giới đối diện với nhiều khó khăn, thị trường tài chính biến động chưa từng có trong lịch sử, điều này không những khiến cho việc tìm kiếm logic cơ bản trở nên khó khăn hơn, mà còn khiến cho giá trị tồn tại của logic cơ bản cũng trở nên rõ ràng hơn.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố vào giữa và cuối năm 2021, tôi đã tổng kết logic cơ bản của quá trình vận hành kinh tế là “cú sốc nguồn cung mới” và lạm phát tăng do cú sốc này gây nên. Xét từ ý nghĩa kinh tế học, dịch COVID-19 đã dẫn đến cú sốc nguồn cung nghiêm trọng nhất trên toàn cầu trong 40 năm qua. Hơn nữa, dựa trên lý luận học thuật và thực tiễn lịch sử, mỗi khi xuất hiện cú sốc nguồn cung, nền kinh tế toàn cầu đều không thể tránh khỏi tình trạng kinh tế đình trệ do lạm phát trong ngắn hạn và làm suy yếu TFP trong dài hạn, và việc phân bổ các loại tài sản lớn cũng sẽ chuyển sang giai đoạn lạm phát tăng và tăng trưởng giảm. Nhìn lại năm 2022, logic cơ bản này đã cung cấp sự giải thích và dự đoán đầy thuyết phục.

Triển vọng năm 2023, mặc dù logic cơ bản này vẫn rất mạnh mẽ, nhưng cũng cần phải nâng cấp. Nâng tầm nhìn từ góc độ kinh tế lên góc độ vật lý học, thậm chí góc độ triết học, cái gọi là “cú sốc nguồn cung mới” cũng chỉ là một phần nội hàm của việc tăng entropy trong nền kinh tế toàn cầu. Nhìn rộng hơn, nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn tăng entropy bao gồm: Một là, cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn chưa từng có trong 100 năm qua đã khiến cho chuỗi cung ứng bị hỗn loạn; hai là, nền kinh tế thế giới bị chia thành hai cực và “phục hồi hình chữ K” khiến cho chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ trở nên thịnh hành; ba là, “hiệu ứng trần” (ceiling effect) của khoa học cơ bản hình thành nút thắt cổ chai đối với sự phát triển của lực lược sản xuất; bốn là, xuất hiện sự đứt gãy và mâu thuẫn trong quá trình chuyển đổi mang tính hệ thống từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số; năm là cuộc xung đột giữa các nền văn minh và cuộc đọ sức nước lớn khiến cho tình hình địa lý trở nên căng thẳng hơn; sáu là, năng lượng hoạt động của vết đen Mặt Trời suy giảm khiến khí hậu Trái Đất xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường. Một số yếu tố trong những yếu tố làm tăng entropy này có thể xếp vào yếu tố đột xuất trong ngắn hạn, trong khi một số yếu tố khác lại thuộc về sự tích lũy nội sinh trong dài hạn.

Năm 2023, tác động tổng hợp của những nhân tố làm tăng entropy này có thể sẽ suy yếu: Một mặt, các yếu tố ngắn hạn có thể xuất hiện sự thay đổi, hoặc do đã ở trạng thái cực đoan nên rất khó gây nên những ảnh hưởng tiêu cực hơn; mặt khác, các yếu tố dài hạn có hy vọng được cải thiện. Trong quá trình phức tạp và biến động này, sự phối hợp hiệu quả của các chính sách toàn cầu là sức mạnh bên ngoài then chốt để thúc đẩy quá trình chuyển từ tăng entropy sang giảm entropy. Các phương hướng chính sách có lợi cho việc giảm entropy bao gồm: giảm thiểu tính biến động, tăng cường tính cởi mở, nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng tính hợp tác. Dựa vào những phương hướng này, năm 2023 kinh tế toàn cầu sẽ bước vào con đường giảm entropy, tốc độ tiến về phía trước và khoảng cách có thể đạt được vừa chịu ảnh hưởng của các yếu tố khó đoán định, vừa được quyết định bởi cách thức mà xã hội loài người có thể tự đưa mình vào khuôn khổ, tự phấn đấu vươn lên theo chiều hướng văn minh.

Cái giá kinh tế để bước lên con đường giảm entropy

Tăng entropy giống như nước chảy mây trôi, trong khi giảm entropy giống như thuyền đi ngược dòng. Nền kinh tế toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn trên con đường giảm entropy, một mặt là do tác động dài hạn không theo trình tự của giai đoạn trước vẫn tiếp diễn, mặt khác là do hiệu ứng tích cực để hướng đến tuân thủ trình tự vẫn cần thêm động lực.

Năm 2023, mặc dù nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đình trệ do lạm phát, nhưng điều khác với năm 2022 là trọng tâm của sức ép đang chuyển từ “lạm phát” sang “đình trệ”. Xét từ góc độ tăng trưởng, sự tự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch chưa bị gián đoạn, nhưng cường độ phục hồi rất yếu, trên thực tế nền kinh tế toàn cầu đã ở vào thời điểm ảm đạm nhất trong thế kỷ này, thậm chí còn tồi tệ hơn thời kỳ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn năm 2008. Điều này cũng đã chứng minh “cú sốc nguồn cung mới” có ảnh hưởng rộng lớn, thực chất, toàn diện và sâu sắc, lâu dài hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,7%, không những thấp hơn mức 6% và 3,2% trong năm 2021 và 2022, mà còn thấp hơn mức trung bình lịch sử 3,5% trong giai đoạn 1980 – 2019. IMF thậm chí còn dự đoán có khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm xuống mức 2%. Tôi sử dụng số liệu của các nước theo chu kỳ dài để tiến hành tính toán, kết quả cho thấy: Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tiến trình phục hồi. Năm 2023, trong số 192 nền kinh tế có số liệu thống kê trên toàn cầu, chỉ có 35 nền kinh tế vẫn nằm “dưới ngưỡng”, nghĩa là mức tuyệt đối của quy mô GDP thực tế thấp hơn năm 2019 trước khi dịch COVID-19 bùng phát, trong khi cón số này vào năm 2022, 2021 và 2020 lần lựt là 51, 87 và 157, nền kinh tế của nhân loại đang từng bước thích ứng và tự phục hồi. Thứ hai, sự phục hồi của nền kinh tế luôn thiếu động lực. Năm 2023, trong số 192 nền kin tế có số liệu thống kê trên toàn cầu, có 110 nền kinh tế dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình trong lịch sử của nước mình, 179 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trong 4 năm (2020 – 2023) thấp hơn mức trung bình trong lịch sử của nước mình, từ “vượt ngưỡng” đến “trở lại bình thường”. Thứ ba, tài sản quốc gia bị tổn thất. Năm 2023, trong số 192 nền kinh tế có số liệu thống kê trên toàn cầu, có 72 nền kinh tế ghi nhận mức GDP bình thân đầu người thấp hơn so với năm 2019. 173 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kép về GDP bình quân đầu người trong 4 năm (2020 – 2023) thấp hơn mức trung bình trong lịch sử của nước mình, sức ép tăng trưởng vĩ mô đã hoàn toàn chuyển xuống cấp độ vi mô.

(còn tiếp)

Nguồn: Theo ftchinese.com

TLTKĐB – 12/01/2023

Thế giới trải qua một năm nhiều biến động – Phần XVII


XVI/ Trung Đông: Cạnh tranh nước lớn trỗi dậy, tiến lên trong sự hỗn loạn

Ngưu Xuân Tân (Trưởng phòng nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc)

Nếu dùng một từ để khái quát tình hình Trung Đông năm 2022, thì đó sẽ là “hỗn loạn”. Xét từ ba cấp độ toàn cầu, khu vực và nội bộ, tình hình khu vực Trung Đông mặc dù có nhiều dấu hiệu mới nhưng chưa đủ để hình thành một xu thế rõ ràng.

Cuộc đọ sức nước lớn lần đầu tiên xuất hiện kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một đạo diễn Mỹ từng là nước lãnh đạo tuyệt đối trong các vấn đề Trung Đông. Tuy nhiên, cùng với việc Mỹ bắt đầu thực hiện thu hẹp chiến lược vào năm 2011, Trung Quốc đề xuất sáng kiến “Vành đai và Con đường” vào năm 2013 và Nga can thiệp vào cuộc chiến Syria năm 2015, thời kỳ “bá quyền” của Mỹ ở khu vực này đã dần kết thúc. Ngày nay, khu vực này xuất hiện sự “cân bằng đa phương” – điều hiếm thấy trong thế kỷ qua sau khi Mỹ, Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu lần lượt “vào cuộc” nhưng chưa xảy ra cục diện đọ sức nước lớn. Các nước lớn mặc dù có sự bất đồng trong các vấn đề điểm nóng nhưng không trực tiếp đối đầu cũng như không hợp tác ở khu vực Trung Đông.

Bước sang năm 2022, tình hình này đã có những thay đổi nhỏ. Báo cáo “Chiến lược An ninh Quốc gia” của Mỹ công bố hồi tháng 10/2022 trực tiếp tuyên bố rằng “thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và thời kỳ cạnh tranh nước lớn đã bắt đầu”, quan hệ Mỹ – Trung bước vào thời kỳ cạnh tranh chiến lược và quan hệ Mỹ – Nga đang ở trạng thái “cận chiến”. Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng những sai lầm trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông trong 20 năm qua đã tạo cơ hội cho Nga và Trung Quốc “lấp lỗ trống”. Tháng 7/2022, trước và sau chuyến thăm Trung Đông, Tổng thống Mỹ Biden đã 3 lần đề xuất rằng Mỹ không được để Trung Quốc và Nga lấp đầy “khoảng trống quyền lực” ở Trung Đông. Đồng thời, các học giả trong nước Trung Quốc cũng nhắc lại khái niệm Trung Đông là “vùng đệm” của cạnh tranh nước lớn. Nhưng cho đến nay, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về sự cạnh tranh nước lớn ở Trung Đông.

Các liên minh mới xuất hiện giữa các nước lớn trong khu vực

Hiện tại, tình hình các nước trong khu vực chủ yếu thể hiện 3 đặc điểm chính, các xu hướng liên minh mới đã xuất hiện, nhưng “niềm vui mới” và “hận thù cũ” sẽ đi về đâu là điều chưa thể đoán định.

Các nước lớn chủ yếu trong khu vực đã giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ, tính tự chủ trong chính sách đối ngoại đã tăng lên. Kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra đến nay, Mỹ luôn gây sức ép buộc chính phủ các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia phải tăng nguồn cung dầu thô để hạ giá dầu quốc tế. Tuy nhiên, tháng 10/2022, cuộc họp cấp bộ trưởng giữa Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC lần thứ 33 do Saudi Arabia chủ trì đã quyết định giảm tổng sản lượng dầu thô trung bình 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11/2022. Sau khi thông tin được công bố, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Mỹ đang đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia. Tuy nhiên, dù cho quan hệ Mỹ – Saudi Arabia đang rơi vào khó khăn, thì Saudi Arabia vẫn khó tách khỏi Mỹ. Ví dụ, việc lực lượng Houthi ở Yemen thường xuyên phóng tên lửa vào Saudi Arabia là một trong những vấn đề an ninh chính mà nước này phải đối mặt, trong khi đó hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ an ninh quốc gia của Saudi Arabia.

Quan hệ giữa các nước trong khu vực có xu hướng hòa dịu rõ rệt

Trong 10 năm kể từ năm 2010, xung đột giữa các nước lớn trong khu vực từng rất gay gắt. Ví dụ, năm 2016, Saudi Arabia đã hành quyết một nhóm tù nhân với tội danh khủng bố, trong đó có giáo sĩ Hồi giáo Shiite nổi tiếng al-Nimr, làm dấy lên sự bất mãn mạnh mẽ ở Iran và cuối cùng dẫn đến việc Saudi Arabia và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao. Năm 2017, các nước như Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập lần lượt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do nước này “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”. Năm 2018, Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, Palestine nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn và đụng độ với quân đội và cảnh sát Israel, Thổ Nhĩ Kỳ lên án Israel và trục xuất đại sứ Israel tại Thổ Nhĩ Kỳ, Israel tuyên bố trục xuất tổng lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem. Tuy nhiên, năm 2021, Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 41 do Saudi Arabia dẫn đầu đã ký “Tuyên bố Euler”, điều này cho thấy cuộc “khủng hoảng cắt đứng quan hệ ngoại giao với Qatar” đã được giải quyết; Saudi Arabia và Iran liên tiếp tổ chức 4 vòng đàm phán hòa bình tại Baghdad, thủ đô của Iraq. Tháng 8/2022, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng tuyên bố khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai nước vẫn chưa thực sự được giải quyết, và “làn sóng xoa dịu” ở mức độ đáng kể là sự thỏa hiệp đạt được sau nhiều năm đấu tranh không có kết quả giữa hai nước.

Các quốc gia trong khu vực dường như đang hình thành các tổ hợp phe cánh mới. Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đang có dấu hiệu hợp tác, trong khi giữa Mỹ, Israel và một số nước Arab có xu hướng trở thành một phe. Tuy nhiên, do mâu thuẫn nội bộ giữa các nước này quá nổi bất, rất khó dự đoán liệu hai phe có thực sự hình thành hay không.

Các nước Trung Đông khó thúc đẩy cải cách

Ở phương diện đối nội, các nước trong khu vực có thể tạm chia thành bốn nhóm tùy theo tình hình mà họ phải đối mặt, điểm chung là cải cách chính trị đều rơi vào vòng xoáy bế tắc.

Nhóm đầu tiên là các quốc gia Arab vùng Vịnh tương đối ổn định. Sau khi khủng hoảng Ukraine leo thang, giá dầu quốc tế tăng cao, khiến các nước Arab vùng Vịnh nhìn chung ổn định về chính trị, tình hình kinh tế chung của họ cũng vẫn khả quan kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, điều này cho thấy chiến lược nhất quán “bỏ tiền mua ổn định” của các quốc gia này rất hiệu quả. Nhưng đồng thời, họ cũng đang đối mặt với những thách thức mới, đó là liệu họ có thể nâng cao năng lực đổi mới và tự chủ, nâng cấp ngành sản xuất hay không?

Nhóm thứ hai là các nước như Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ – những nước có hệ thống chính trị tương đối hoàn thiện ở Trung Đông. Năm 2002, sự ổn định chính trị của các nước này chịu thách thức lớn. Ví dụ, tháng 11/2022, Israel tổ chức bầu cử quốc hội lần thứ 5 chỉ trong vòng 4 năm, phe cánh hữu do cựu Thủ tướng Netanyahu đứng đầu giành chiến thắng. Tuy nhiên, Bezalel Smotrich – lãnh đạo đảng Religious Zionist, đảng cực hữu được coi là chìa khóa để phe cánh hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, lại giữ lập trường cứng rắn đối với Palestine, vì vậy dư luận lo ngại những thay đổi về cục diện chính trị ở Israel sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Palestine và Israel.

Nhóm thứ ba là các nước như Iraq, Lebanon, Sudan và Tunisia, có tính hình chính trị tương đối hỗn loạn. Các nước này trải qua nhiều lần bầu cử, các chính đảng luân phiên nắm quyền, nhiều lần điều chỉnh thể chính trị nhưng vẫn không xoa dịu được bất ổn trong nước, dẫn đến việc người dân mất lòng tin, đất nước rơi vào “chủ nghĩa hư vô chính trị”. Nhóm thứ tư là các nước như Syria, Yemen và Libya vẫn còn chiến tranh. Mặc dù trong năm qua các nước này không xảy ra chiến tranh quy mô lớn nào, nhưng nỗ lực nhằm thực sự chấm dứt chiến tranh vẫn chưa đạt được tiến triển thực chất.

(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Tri thức thế giới (TQ) – số 24/2022

TLTKĐB 3-11/01/2023

Nga và Trung Quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu – Phần IV


Có thể nhận thấy sự tương đồng quan điểm và cách tiếp cận của Nga và Trung Quốc đối với một bộ phận quan trọng của hệ thống quản trị kinh tế – tài chính toàn cầu, đó là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các cơ quan tài chính của Nga và Trung Quốc đều coi IMF là thiết chế quan trọng nhất, tác động đến việc lựa chọn chính sách kinh tế, cũng như góp phần điều chỉnh mối quan hệ kinh tế qua lại giữa hai nước. Song, mức độ ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc lên những quyết định và hạn ngạch áp dụng trong IMF, tùy theo quan điểm chính thức của họ, lại không tương xứng với địa vị hai nước trong nền kinh tế thế giới. Vì vậy mà cả Nga lẫn Trung Quốc đều lên tiếng ủng hộ việc cải tổ hạn ngạch và bộ máy quản lý của IMF năm 2010.

Cụ thể, việc cải tổ nêu ra những biện pháp sau đây:

+ Tăng gấp đôi quy mô hạn ngạch từ xấp xỉ 238,4 tỷ SDR lên xấp xỉ 476,8 SDR (khoảng 720 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại);

+ Phân bổ lại hơn 6% cổ phần hạn ngạch từ những nước thành viên có quyền đại diện quá mức sang cho các nước thành viên có quyền đại diện không đầy đủ;

+ Phân bổ lại hơn 6% cổ phần hạn ngạch cho những nước phát triển năng động có thị trường đang hình thành và những nước đang phát triển;

+ Tái cơ cấu một cách căn bản cổ phần hạn ngạch, mà kết quả là Trung Quốc trở thành quốc gia thành viên IMF đứng thứ ba về quy mô hạn ngạch, và bốn nước có thị trường đang hình thành và những nước đang phát triển (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga) thuộc vào số 10 cổ đông lớn nhất của IMF.

Tuy nhiên, mãi đến thời gian gần đây cả Moskva lẫn Bắc Kinh đều không có cơ sở để bằng lòng với việc thực hiện cải tổ này. Tháng 01/2014 cần phải hoàn tất không chỉ là vòng cải tổ thứ 14, mà cả vòng thứ 15 dựa trên công thức tính toán hạn ngạch mới của các nước cổ đông của IMF.

Những điều kiện của vòng cải tổ thứ 14 đã được Hội đồng quản trị IMF phê duyệt ngày 15/12/2010, ủy nhiệm cho tất cả các quốc gia cổ đông phải hoàn tất việc phê chuẩn quyết định này vào giữa năm 2012. Các nước đại diện cho 76% vốn điều lệ của IMF, trong đó có Nga và Trung Quốc, đã thực hiện điều này. Nhưng Hoa Kỳ, nước có 16,6% vốn điều lệ, không chịu thực hiện phê chuẩn và kéo dài việc cải tổ Nga, Trung Quốc và những nước có cùng quan điểm trong số những nước đang phát triển đặt câu hỏi ngày càng khẩn thiết – cải tổ IMF ở đâu? Và tất cả cùng lớn tiếng tuyên bố: nếu không có cải tổ, chúng tôi sẽ không thể duy trì khối lượng dự trữ tiền tệ của IMF như trước được nữa.

Trong Tuyên bố Ufa, nhóm BRICS đã tuyên bố một cách hết sức rõ ràng: “Chúng tôi thất vọng sâu sắc trước việc Hoa Kỳ vẫn như cũ không chịu phê chuẩn gói cải tổ IMF năm 2010, tiếp tục hủy hoại lòng tin cậy đối với Quỹ, cùng với tính hợp pháp và hiệu quả của Quỹ. Việc này đã ngăn cản việc tăng quy mô của dự trữ hạn ngạch của Tổ chức, xem xét hạn ngạch và số phiếu theo hướng có lợi cho các nước đang phát triển và những nước có thị trường mới hình thành, như đã được thông qua với đa số phiếu áp đảo của các thành viên, trong đó có Hoa Kỳ vào năm 2010. Chúng tôi chờ đợi việc Hoa Kỳ đến giữa tháng 9/2015 sẽ phê chuẩn việc cải tổ của năm 2010 như đã thỏa thuận ở IMF. Trong thời gian đó, chúng tôi sẵn sàng thực hiện những biện pháp trung gian để có thể đưa quy mô dự trữ hạn ngạch và phân bổ số phiếu đến gần với mức được thỏa thuận theo khuôn khổ của đợt rà soát chung hạn ngạch lần thứ 14”.

Tháng 01/2016, sau thời gian trì hoãn kéo dài, việc cải tổ IMF cuối cùng đã có hiệu lực.

Chủ đề cải tổ IMF theo truyền thống đứng ở vị trí đầu bảng trong chương trình nghị sự của Nhóm các nền kinh tế lớn G20, mà trong khuôn khổ nhóm này Nga và Trung Quốc đã nhiều năm liên tục thực hiện phối hợp bằng nỗ lực của mình trong vấn đề này hay vấn đề khác liên quan đến việc hình thành và hoạt động của các cấu trúc tài chính thế giới và đấu tranh chống những hậu quả của khủng hoảng kinh tế – tài chính thế giới.

Tại cuộc gặp gỡ cấp cao Nga – Trung Quốc tháng 5/2015 ở Moskva đã ghi nhận rằng hai bên đang tăng cường phối hợp trong khuôn khổ G20, sẽ cùng nhau đấu tranh để cho G20 đóng vai trò quan trọng hơn trong những vấn đề như: kích thích tăng trưởng kinh tế thế giới, bảo đảm ổn định cho nền tài chính quốc tế, hoàn thiện công việc quản trị kinh tế toàn cầu, xây dựng nền kinh tế thế giới cởi mở,… Nga và Trung Quốc bày tỏ thái độ ủng hộ đối với việc nhanh chóng thực hiện những dự án cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế, nâng cao hơn nữa uy tín của G20 và mở rộng những khả năng của nhóm này.

Bộ dụng cụ kinh tế chính trị đối ngoại của quản trị toàn cầu bao gồm: kích thích thương mại quốc tế; sử dụng các chế tài kinh tế, nợ nước ngoài và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; thiết lập các khối và chế độ kinh tế – thương mại khu vực, quản lý các dòng tài chính quốc tế, hỗ trợ kinh tế và nhân đạo; điều hành các hoạt động của các tổ chức tài chính quốc tế, sử dụng khuếch trương thương mại của doanh nghiệp quốc gia phục vụ cho lợi ích chính trị đối ngoại của đất nước.

Chỉ có những nước có nền kinh tế lớn, chiếm vị trí quan trọng trong thương mại thế giới và khu vực như Trung Quốc và Nga mới đủ sức sử dụng những dụng cụ này. Vì vậy, kinh nghiệm so sánh của việc Trung Quốc và Nga liên kết với những thiết chế kinh tế – thương mại của quản trị toàn cầu như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hết sức đáng quan tâm.

Về mặt này, chiến lược và sách lược tham gia WTO của Trung Quốc hết sức điển hình (và là tấm gương cho Nga học tập). Kinh nghiệm Trung Quốc gia nhập WTO nhìn chung rất đáng được nhìn nhận là sáng tạo và hết sức thành công.

Khởi đầu quá trình gia nhập WTO, ở Bắc Kinh người ta xuất phát từ thực tế rằng những hiệp định hiện hành trong khuôn khổ WTO, một mặt công nhận tính chất quá độ sang thị trường của những nền kinh tế các nước đang phát triển, dành cho họ trọn bộ những ưu đãi và ưu tiên hơn so với các nước đang phát triển. Mặt khác, chúng buộc các nước phát triển phải hỗ trợ toàn diện và bền vững cho các nước đang phát triển về kinh tế, kỹ thuật – công nghệ, giáo dục, thủ tục, nhằm mục đích giúp các nước này hội nhập một cách ít rủi ro vào nền kinh tế thị trường thế giới.

Dựa trên quy chế của một nước đang phát triển và những điều khoản phù hợp của Hiệp định, Trung Quốc với tư cách là thành viên WTO không chỉ nhận được về mình những quyền năng mới về nguyên tắc, mà còn duy trì một loạt những quyền năng cụ thể trước kia của một chủ thể kinh tế thế giới dưới dạng chuyển đổi. Trong đó nổi bật nhất là:

+ Quyền trong thời kỳ quá độ 3 – 5 năm mở cửa dần dần thị trường trong nước, hạ mức thuế quan nhập khẩu, tiếp tục và đẩy mạnh cải tổ thị trường chung;

+ Toàn quyền tham gia các hiệp định hiện hành trong khuôn khổ WTO, cho phép tăng cường xuất khẩu và đưa ra nước ngoài bằng những phương pháp kinh tế đối ngoại khác;

+ Quyền với tư cách một nước đang phát triển tài trợ cho nông nghiệp của mình với mức 8,5% giá thành sản phẩm.

+ Quyền được phép tài trợ cho toàn bộ sản xuất trong nước không hướng về xuất khẩu (trong khuôn khổ thỏa thuận với WTO);

+ Quyền được duy trì hệ thống thương mại quốc gia, bao gồm quyền được thiết lập và điều chỉnh giá cả những chủng loại sản phẩm cơ bản;

+ Quyền được duy trì những hạn chế khi mở cửa lĩnh vực dịch vụ cho tư bản nước ngoài;

+ Quyền quy định thuết xuất khẩu cho trên 80 nhóm hàng hóa với chủ trương bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc;

+ Quyền thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm xuất – nhập khẩu;

+ Quyền bảo vệ và loại trừ tương ứng khỏi lĩnh vực cạnh tranh thị trường những ngành nghề kinh tế liên quan đến an ninh quốc gia và do đó không phải mở cửa cho tư bản nước ngoài (công nghiệp quốc phòng, xuất bản, sản xuất phim ảnh,…).

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: m.L. Titarenko, V.E. Petrovski – Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới: Lý luận và thực tiễn – NXB CTQG 2017

Sự phát triển của hợp tác Việt-Mỹ về sông Mekong – Phần cuối


Bổ nhiệm một phái viên về sông Mekong

Trong khi các đối tác khu vực đánh giá cao ý định đằng sau LMI, họ chỉ trích Washington vì đã không cung cấp tài trợ thích hợp hoặc sự ủng hộ chính trị nhất quán. Đáp lại những chỉ trích này, Tổng thống Biden nên bổ nhiệm một Đặc phái viên cho Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ để tạo điều kiện cho sự phối hợp hiệu quả hơn, đảm bảo sự chú trọng lâu dài ở cấp cao và thể hiện cam kết của Mỹ thông qua tài trợ và sự hiện diện liên tục.

Để đạt được những mục tiêu này, một phái viên sẽ cần có sự hậu thuẫn chính trị, quyền tự chủ và uy tín cao, cả với các đối tác bên ngoài và bộ máy hành chính của Washington. Phái viên này phải được cử tới hoạt động trong khu vực và được hỗ trợ thêm số nhân viên thích hợp để tăng hiệu quả cho đội ngũ MUSP hiện có ở Washington. Cơ cấu này sẽ giảm bớt khối lượng công việc cho các nhân viên đại sứ quán và USAID, mà trước đây đã được giao nhiệm vụ quản lý các khía cạnh của MUSP và giảm bớt căng thẳng cho nhóm MUSP ở Washington. Lý tưởng nhất là một phái viên phải có kinh nghiệm về kinh tế, vì sự thành công của các chương trình tập trung vào khu vực sông Mekong rộng hơn sẽ phụ thuộc vào khả năng của Washington cung cấp các giải pháp thay thế có sức thuyết phục so với các sáng kiến phát triển do Trung Quốc lãnh đạo. Kinh nghiệm trong khu vực tư nhân hoặc khả năng tập hợp các công ty và nhà đầu tư chủ chốt trong khu vực tư nhân của Mỹ cũng như của các quốc gia đối tác sẽ rất quan trọng. Nhân viên của đặc phái viên cũng nên bao gồm các cá nhân với kinh nghiệm đa dạng – từ môi trường, an ninh, kinh tế, thương mại đến các lĩnh vực khác – để cung cấp thông tin cho nhiều chương trình MUSP.

Từ quan điểm quản lý, việc giao nhiệm vụ cho một quan chức duy nhất được trao quyền giám sát tất cả các dự án trong khuôn khổ MUSP sẽ giúp cải thiện sự phối hợp với các đối tác, khắc phục tình trạng tranh cãi nội bộ và đảm bảo tính nhất quán trong thông điệp và cách tiếp cận. Khi làm việc tại khu vực, đặc phái viên có thể cải thiện khả năng tập hợp của Mỹ, đại diện cho Washington trong các cam kết cấp cao với khu vực, bao gồm với ASEAN, và đóng vai trò là đầu mối liên lạc hữu ích cho các đối tác. Đặc phái viên cũng có thể phối hợp với Tập đoàn tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) và các đối tác từ Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và các nước khác để giúp thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng phức tạp, nhằm đem lại một giải pháp thay thế thực sự cho các dự án phát triển do Trung Quốc lãnh đạo. Ngoài ra, việc bổ nhiệm một đặc phái viên để quản lý danh mục các vấn đề về song Mekong sẽ nâng cao tầm quan trọng của các vấn đề này với các đối tác của Mỹ, bằng cách ra tín hiệu về cam kết của Washington và cung cấp một đầu mối liên lạc có quyền hành chính trị. Điều này sẽ có vai trò hữu ích để tăng cường hợp tác tiểu vùng có ý nghĩa và thúc đẩy vị thế của các vấn đề tác động đến sông Mekong trong ASEAN và các diễn đàn khác.

Đối với Việt Nam, một phái viên sẽ là một sự mở rộng đáng hoan nghênh cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Phái viên sẽ thu hút sự chú ý đến những rủi ro mà sông Mekong phải đối mặt – không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả với khu vực – và cung cấp các cơ hội mới cho can dự đa phương nhằm giải quyết các quan ngại của Việt Nam. Nó cũng có nghĩa là Mỹ có một bên tham gia cấp cao khác can dự vào hợp tác kinh tế, đặc biệt đối với các dự án về điện và năng lượng. Hơn nữa, việc bổ nhiệm một phái viên sẽ nâng cao hiệu quả chung của MUSP, mang lại lợi ích cho Việt Nam ở sông Mekong và giúp hỗ trợ sinh kế của người Việt Nam phụ thuộc vào dòng sông.

Thúc đẩy hợp tác về biến đổi khí hậu để giải quyết các mối quan tâm về sông Mekong

Chính quyền Biden đã thể hiện rõ rằng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên ngoại giao quan trọng của họ. Hà Nội nhận thức được điều này và trong những cam kết ban đầu đã thể hiện mong muốn mở rộng hợp tác về lĩnh vực này. Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và các nỗ lực để giải quyết và giảm thiểu những thách thức này cần được đưa vào các nỗ lực hợp tác về biến đổi khí hậu có phạm vi rộng hơn. Trong khi trọng tâm của hợp tác Việt – Mỹ về biến đổi khí hậu có khả năng tập trung vào hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, Washington cũng nên tận dụng cơ hội này để hỗ trợ về các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Mekong. Điều này có thể bao gồm công nghệ và đào tạo cho dự báo và xây dựng mô hình, xây dựng năng lực kỹ thuật cho các giải pháp dựa vào tự nhiên, và cung cấp các công nghệ và thực hành nông nghiệp sáng tạo để người dân châu thổ sông Mekong có thể thích ứng với các điều kiện đang thay đổi nhanh chóng.

Mối quan hệ đặc biệt của cựu Ngoại trưởng Kerry với Việt Nam tạo thêm động lực để tăng cường can dự. Với vai trò quan trọng của ông trong việc thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ song phương, ông từ lâu đã có sự tín nhiệm đáng kể ở Hà Nội. Sau nhiệm kỳ ngoại trưởng, ông trở lại Việt Nam với tư cách cá nhân để khuyến khích các quan chức chính phủ xem xét việc áp dụng các công nghệ tái tạo, như điện gió và điện mặt trời, với nguồn tài chính từ khu vực tư nhân. Với việc Kerry hiện là Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, Washington nên tận dụng sự tín nhiệm Việt Nam dành cho Kerry để phát triển một kế hoạch tổng thể nhằm hỗ trợ cho Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch. Kế hoạch này có thể được đồng phát triển với Đặc phái viên về Quan hệ đối tác Mỹ-Mekong và sẽ áp dụng toàn bộ công cụ và năng lượng của Mỹ để thúc đẩy một cách tiếp cận toàn diện, qua đó có thể đóng vai trò là hợp tác tiêu biểu cho can dự của Mỹ và một mô hình cho các nỗ lực hợp tác trên toàn cầu.

Đưa hợp tác về sông Mekong thành một khía cạnh của quan hệ đối tác chiến lược

Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt được công bố năm 2013 đề cập đến sông Mekong trong phạm vi rộng hơn là hợp tác song phương về môi trường và biến đổi khí hậu. Khi Washington và Hà Nội xem xét nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược, Washington nên đề xuất nhấn mạnh sông Mekong thành một lĩnh vực hợp tác quan trọng. Điều này sẽ chứng minh cho người VIệt Nam thấy rằng Mỹ nhận thức được tầm quan trọng ngày càng tăng của dòng sông và các vấn đề liên quan đến nó, đồng thời đảm bảo rằng sông Mekong đóng một vai trò nổi bật trong các can dự cấp cao (bao gồm đưa nó trở thành mục tiêu cho các kết quả hợp tác chính). Khi công bố sông Mekong là lĩnh vực hợp tác chính, Washington và Hà Nội có thể nhấn mạnh nỗ lực chung trên nhiều kênh, bao gồm việc áp dụng nông nghiệp thông minh ở đồng bằng sông Mekong, khuyến khích chia sẻ thông tin và dự báo nâng cao, hỗ trợ sinh kế của người dân Việt Nam phụ thuộc vào dòng sông, đảm bảo phát triển bền vững với các đối tác trong khu vực, và đẩy nhanh việc giới thiệu công nghệ năng lượng sạch như một phần của nỗ lực rộng hơn nhằm giải thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu.

Nguồn: Diễn đàn Thái Bình Dương

CĐ số 01/2023

Cái bẫy Trung Quốc – Phần V


Trước thảm họa

Nếu Mỹ và Liên Xô đã có thể tiến tới giảm căng thẳng, thì Mỹ và Trung Quốc không có lý do gì không thể làm vậy. Vào thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, Tổng thống John F. Kennedy đã hcú trọng sự cần thiết của việc khiến thế giới an toàn cho sự đa dạng và nhấn mạnh rằng thái độ của tất cả các bên đều cần thiết như nhau. Ông cảnh báo: “Người Mỹ không nên coi xung đột là điều không thể tránh khỏi, hòa giải là điều không thể và giao tiếp không khác gì đe dọa lẫn nhau”.

Ngay cả khi nói rõ rằng Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt nếu dùng vũ lực hoặc các hình thức cưỡng ép khác, Washington vẫn phải đưa ra cho Trung Quốc một lựa chọn thực sự. Răn đe đòi hỏi đe dọa phải đi đôi với trấn an. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ không nên e ngại việc trực tiếp can dự với các đối tác Trung Quốc để thảo luận những điều khoản mà theo đó hai bên có thể cùng tồn tại, kể cả các giới hạn chung về cạnh tranh. Đối với Mỹ, việc chung sống với một Trung Quốc được cho là đang trên đường tự do hóa không phải là điều khó khăn. Nhiệm vụ khó khăn hơn đối với Mỹ và các đối tác là hình dung cùng chung sống với một siêu cường chuyên chế, tìm ra cơ sở mới cho tương tác song phương tập trung vào việc định hình hành vi với bên ngoài hơn là thay đổi hệ thống trong nước của Trung Quốc.

Nhu cầu cấp bách nhất hiện nay liên quan đến Đài Loan, nơi Mỹ phải tăng cường khả năng răn đe và làm rõ rằng chính sách “một Trung Quốc” của họ không thay đổi. Điều này có nghĩa là đảm bảo Bắc Kinh hiểu rằng một cuộc khủng hoảng đối với Đài Loan sẽ gây tốn kém đến mức độ nào, đẩy các mục tiêu hiện đại hóa và phát triển hơn nữa của Trung Quốc vào thế nguy. Nếu Bắc Kinh kiềm chế các hành vi cưỡng ép, thì cả Washington và Đài Bắc sẽ không khai thác cơ hội này để đẩy mạnh hơn nữa. Mặc dù Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức cấp cao khác khẳng định Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập, nhưng các hành động khác của chính quyền (đặc biệt là việc Biden nhiều lần nhắc đến đề nghị chấm dứt chính sách “mơ hồ chiến lược”) đã vấp phải sự nghi ngờ.

Mỹ phải làm nhiều hơn nữa để tăng cường sức mạnh. Trong khi hỗ trợ Đài Loan tăng cường khả năng kháng cự trước sự cưỡng ép của Trung Quốc, Mỹ nên tránh mô tả hòn đảo này có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích của họ. Những tuyên bố như vậy chỉ khiến Bắc Kinh càng tin rằng Mỹ đang tìm cach sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc, như Đại sứ Trung Quốc tại Washington đã phát biểu hồi tháng 5/2022. Thay vào đó, Mỹ nên làm rõ lợi ích lâu dài của mình trong tiến trình hòa bình để giải quyết những khác biệt giữa hai bờ eo biển, thay vì trong một kết quả cụ thể. Khi nêu bật những phí tổn mà Bắc Kinh có thể phải chịu nếu tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch cưỡng ép đối với Đài Loan, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng nên nhấn mạnh với Đài Bắc rằng những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi địa vị chính trị của Đài Loan, bao gồm nỗ lực đòi độc lập về mặt pháp lý, kêu gọi sự công nhận ngoại giao từ phía Mỹ hay các động thái mang tính biểu tượng khác nhằm báo hiệu sự tách rời vĩnh viễn của Đài Loan khỏi Trung Quốc, đang phản tác dụng.

Những bước đi này là cần thiết nhưng không đủ để vượt qua thuyết định mệnh rằng một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra, cũng như niềm tin của Bắc Kinh rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc và sẽ sử dụng Đài Loan cho mục đích đó. Để tạo nền tảng cho mối quan hệ Mỹ – Trung đang suy thoái, cần tăng cường nỗ lực thiết lập giới hạn cạnh tranh công bằng và thái độ sẵn sàng thảo luận về các điều khoản liên quan đến việc cùng tồn tại. Bất chấp các cuộc họp và cuộc gọi gần đây, quan chức cấp cao của Mỹ vẫn chưa có sự can dự thường xuyên với những người đồng cấp nhằm tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận như vậy. Các cuộc thảo luận này cần được phối hợp với nỗ lực của các đồng minh và đối tác của Mỹ nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tạo khoảng cách giữa Mỹ và các nước khác ở châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, Washington cũng nên xây dựng sự hiểu biết chung với các đồng minh và đối tác của mình về các hình thức cùng tồn tại khả thi với Trung Quốc.

Những người hoài nghi có thể nói rằng không có lý do gì để giới lãnh đạo Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu trên vì tính hiếu thắng và sự thiếu tin tưởng của họ. Đây là những trở ngại đáng kể, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng Washignton có thể thực hiện các bước nhằm xoa dịu căng thẳng đang leo thang mà không phải trải qua nhiều cuộc khủng hoảng với một đối thủ có vũ khí hạt nhân. Có căn cứ để tin rằng Bắc Kinh đủ quan tâm đến việc ổn định quan hệ để có động thái có qua có lại. Bất chấp tuyên bố rằng phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy yếu, Trung Quốc vẫn là bên yếu hơn, đặc biệt do quỹ đạo kinh tế của họ không chắc chắn. Như một số nhà bình luận phương Tây đã suy đoán, những thách thức trong nước thường có xu hướng kiềm chế hành vi của Trung Quốc, thay vì đưa họ đến những canh bạc mạo hiểm. Nhà khoa học chính trị Andrew Chubb đã chỉ ra rằng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với những thách thức liên quan đến tính hợp pháp, họ thường hành động kém quyết đoán hơn ở các khu vực như biển Nam Trung Hoa.

Vì Bắc Kinh và Washington không thích đơn phương nhượng bộ do lo ngại trong và ngoài nước xem họ là yếu kém, nên việc giảm căng thẳng sẽ đòi hỏi có đi có lại. Một sự thấu hiểu ngầm có thể khiến Trung Quốc và Mỹ giảm hoạt động ở eo biển Đài Loan và xung quanh khu vực này, khiến căng thẳng hạ nhiệt mà không báo hiệu sự suy yếu. Các hoạt động quân sự là cần thiết để chứng minh rằng Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay và tàu đi lại ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả eo biển Đài Loan. Nhưng cuối cùng, khả năng ngăn chặn của Mỹ và khả năng phòng thủ của Đài Loan trước nỗ lực thống nhất bằng vũ lực của Bắc Kinh hầu như không liên quan nhiều đến việc quân đội Mỹ đi qua eo biển Đài Loan 4, 8, 12 hay 24 lần một năm.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/china/china-trap-us-foreign-policy-zero-sum-competition

TLTKĐB – 02 & 03, 04/11/2022

Hiệp ước về đại dịch: Mắc kẹt giữa chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa nhà nước – Phần III


Thiết kế hiệp ước

Những người theo chủ nghĩa toàn cầu tập trung vào một cơ chế ràng buộc pháp lý để đảm bảo trách nhiệm của nhà nước đối với hiệp ước. Tuy nhiên, tại phiên họp WHASS, thuật ngữ “một công cụ ràng buộc pháp lý được thông qua theo Điều 19 của Hiến pháp WHO” đã được đổi thành “công ước, thỏa thuận và công cụ liên quốc gia khác… với mục tiêu được điều chỉnh bởi Điều 19, hoặc điều chỉnh bởi các quy định khác của Hiến pháp WHO mà INB có thể cho là phù hợp”, có nghĩa rằng kết quả “hiệp ước đại dịch” không hoàn toàn là một hiệp ước, mà là một loại công cụ khác, thiếu đi ràng buộc pháp lý của một hiệp ước đích thực. Các đề xuất hiện tại đang được xem xét theo cách tiếp cận công ước khung, được ví dụ ở mối liên hệ với WHO của FCTC, và trong cấu trúc lớn hơn của Liên hợp quốc bởi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Công ước về đa dạng sinh học (CBD). Cách tiếp cận công ước khung để xây dựng hiệp ước cho phép các quốc gia thành viên tiềm năng đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc và cam kết ràng buộc pháp lý ở cấp độ cao, chẳng hạn như các lý tưởng toàn cầu về “đoàn kết” và “công bằng”, trong các cuộc đàm phán khởi đầu; sau đó, vào những cuộc họp sau, các thỏa thuận có thể đạt được mà thể hiện được chi tiết những nguyên tắc này. Quan trọng nhất, phương pháp này cho phép các quốc gia chọn bất kỳ giao thức nào trong hiệp ước mà họ muốn tham gia, dẫn đến việc mỗi quốc gia phê chuẩn từng phần khác nhau của toàn bộ hiệp ước, cho phép một phương pháp được đồng thuận rộng rãi với các quy chuẩn thiết lập luật quốc tế, nhưng với mức độ khác biệt của từng nước đối với những ràng buộc cụ thể trong hiệp ước.

Ví dụ, trong Công ước về đa dạng sinh học (CBD) và Nghị định thư Nagoya liên quan, về cơ bản có cơ chế pháp lý riêng biệt: CBD riêng (73 quốc gia thành viên), CBD cộng với Nagoya (123 quốc gia thành viên) và không theo cả CBD và Nagoya (Hoa Kỳ và Tòa thánh Vatican). Đối với một hiệp ước toàn cầu nhằm ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với bệnh truyền nhiễm mới nổi, phụ thuộc vào sự tiếp nhận toàn cầu, sự phân mảnh như vậy trong việc phê chuẩn các phần khác nhau của hiệp ước đại dịch có thể là thảm họa và thực sự có thể dẫn đến sự hủy hoại chính hiệp ước. Hãy tưởng tượng kịch bản trong đó một đợt bùng phát ở một địa điểm chưa phê chuẩn giao thức hiệp ước yêu cầu chia sẻ nhanh chóng các trình tự gen của mầm bệnh; sẽ không có hệ quả nào dựa trên hiệp ước đại dịch để buộc quốc gia đó phải chịu trách nhiệm. Hoặc xem xét một kịch bản trong đó một nước không phê chuẩn các nghĩa vụ liên quan đến việc phân phối công bằng việc chẩn đoán, điều trị hoặc vaccine trong trường hợp khẩn cấp về y tế và thay vào đó họ lựa chọn tích trữ dự phòng; hành động như vậy sẽ đặt ra câu hỏi liên quan đến lợi ích tổng thể của hiệp ước trong trường hợp khẩn cấp về y tế. Do đó, mặc dù một công ước khung có vẻ hấp dẫn từ góc độ “hoàn thành mục tiêu”, dựa trên động lực chính trị đương thời, song việc nó không thể tạo ra một cơ chế pháp quốc tế hài hòa có thể tạo những khoảng trống đáng kể trong việc quản trị dịch bệnh toàn cầu. Hơn nữa, cần có thời gian đáng kể để thiết lập các nghị định thư; các nghị định thư đầu tiên của UNFCCC và CBD đã không được thông qua lần lượt sau ba và bảy năm, và không có hiệu lực lần lượt sau mười và mười một năm sau thỏa thuận về các công ước gốc. Cách tiếp cận theo công ước khung có thể khả thi nếu các quốc gia đồng ý về các mốc thời gian ngắn, xác định để đàm phán các nghị định thư tiếp theo, mặc dù điều này không giải quyết được sự khác biệt không thể tránh khỏi giữa các quốc gia về việc thông qua các nghị định thư.

Tương tác với Điều lệ Y tế quốc tế (IHR)

Điều lệ IHR, mặc dù bị lên án vì không giúp giảm thiểu sự lây lan của COVID-19, nhưng đã minh chứng cho sự căng thẳng giữa cách tiếp cận chủ nghĩa nhà nước và chủ nghĩa toàn cầu về y tế thế giới. Thật vậy, Hội đồng đánh giá IHR về Tính hiệu quả của các Quy tắc trong thời kỳ COVID-19 xác định là vấn đề không nảy sinh từ IHR như đã nói ở trên, mà là việc áp dụng IHR ở các quốc gia rất kém cỏi; và việc thiếu tính áp dụng và tuân thủ đã khiến tạo ra phản ứng, ứng phó tai hại đối với COVID-19. Thật vậy, Ủy ban IPPPR và Ủy ban Tư vấn Giám sát Độc lập của Chương trình Y tế Khẩn cấp đã nhấn mạnh thêm việc thiếu tuân thủ theo IHR và những hướng dẫn của WHO mà được coi là trọng tâm của thất bại trong việc ứng phó với COVID-19. Điều lệ IHR, một công cụ bắt nguồn từ chủ nghĩa toàn cầu, với cách thức tiếp cận dựa trên các quy tắc đối với bệnh truyền nhiễm, khuyến khích các quốc gia ưu tiên kiểm soát đại dịch hơn là chủ quyền quốc gia, đang bị coi thường bởi ưu tiên theo chủ nghĩa nhà nước về an ninh y tế toàn cầu.

Tuy vậy, bất cứ thỏa thuận nào cũng phải tương thích với điều 57 của IHR, trong đó quy định rằng “IHR và các thỏa thuận quốc tế liên quan khác nên được thể hiện sao cho tương thích”, và “IHR sẽ không ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của bất kỳ nhà nước thành viên xuất phát từ những thỏa thuận quốc tế khác”. Trong các cuộc đàm phán với IHR, những vấn đề đáng lo ngại được dấy lên rằng chủ đề của các quy định sẽ trùng lặp với các vấn đề được đề cập theo các công cụ khác trong luật quốc tế – và hiệp ước đại dịch, đặc biệt là hiệp ước áp dụng công ước khung với nhiều nghị định thư, sẽ chỉ làm gia tăng tình trạng phân mảnh. Quả thật, vấn đề phân mảnh đang bị trầm trọng hóa hơn bởi hiệp ước đại dịch đã được Nga, Pakistan, Pháp và nhiều quốc gia khác nêu ra tại WHASS.

Trong luật quốc tế, các thỏa thuận pháp lý phải được thể hiện theo nguyên tắc “hỗ trợ lẫn nhau”, và điều này được cho là sẽ xóa bỏ xung đột giữa các cơ chế pháp lý. Thứ hai, những công cụ có thể gây xung đột không nên được hiểu theo cách là bổ sung hay xóa bỏ quyền và nghĩa vụ được quy định ở các hiệp ước khác. Tuy nhiên, bối cảnh pháp lý quốc tế về các trường hợp y tế khẩn cấp đang bị phân mảnh sâu sắc, gây ra bởi vô số các công cụ xuất phát từ các cơ quan của hệ thống quốc tế, bao gồm cả Thỏa thuận TRIPS của WTO, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), Công ước CBD, Điều lệ IHR, các nghị quyết của WHA, Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, và các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Với quy mô rộng của danh sách các lĩnh vực chủ đề mà hiệp ước đang tìm cách giải quyết, sự tương tác và tham gia tiềm năng của nó với mỗi cơ chế nêu trên cần được xem xét và làm hài hòa. Điều này đặc biệt phù hợp với các vấn đề đa ngành ví dụ như “một sức khỏe” mà sẽ trực tiếp giải quyết các cơ chế khác nhau.

Hài hòa các cơ chế pháp lý khác nhau là một nhiệm vụ lớn, và trên thực tế hiệp ước đại dịch chỉ làm cho hệ thống quản trị quốc tế vốn đã rạn nứt lại càng rạn nứt thêm. Nếu các quốc gia có thể lựa chọn giữa các công cụ khác nhau như Điều IHR, một hiệp ước mới, nghị định thư, hoặc sự kết hợp của các công cụ nêu trên, thì sự phân mảnh sẽ gia tăng cùng với những tác động tiêu cực đến sự chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Các phương án thay thế cho hiệp ước mới

Một giải pháp thay thế tiềm năng cho hiệp ước là cập nhật Điều lệ IHR, làm nó phù hợp hơn và giải quyết những lỗ hổng về quản trị và tuân thủ, giúp chúng thoát ra khỏi tình thế bị “công khai chỉ trích”. Đương nhiên, như nhóm công tác WGPR đã nêu, trong số 131 kiến nghị họ đã thực hiện, 101 kiến nghị dường như đáp ứng được bằng cách triển khai và xây dựng dựa trên khuôn khổ hiện tại và chỉ 30 kiến nghị cần một công cụ mới. Hơn thế nữa, những phân tích chuyên sâu chỉ ra rằng phần lớn trong số 30 kiến nghị nêu trên có tính khả thi thông qua việc IHR hoạt động như dự kiến ban đầu, ví dụ như thông qua các cải tiến đối với Cơ quan đầu mối quốc gia – trung tâm văn phòng quốc gia mà luôn có thể truy cập để liên lạc với WHO về các sự kiện theo IHR, phát triển tài chính bền vững, sự tham gia của cộng đồng và nhân quyền; do đó “điểm duy nhất trong số những khuyến nghị mà cần đến một công ước khung là khuyến nghị nêu rõ rằng cần phải thiết lập một công ước khung mới”.

Tuy nhiên, mở lại văn bản của IHR để đàm phán lại không chỉ đơn giản là thêm nhiều quy định hơn, mà còn là xóa bỏ một số nội dung hiện tại trong quá trình đàm phán. Đối với nhiều người, sự cân bằng giữa các quan điểm theo chủ nghĩa quốc gia và theo chủ nghĩa toàn cầu ở trong IHR là tối ưu nhất, và với các cách tiếp cận mà những người có quyền ra quyết định quốc gia thực hiện trong COVID-19, dễ có thể tưởng tượng rằng họ sẽ tìm cách giảm quyền lực của IHR và/hoặc WHO để ủng hộ việc hợp pháp hóa hơn nữa chủ nghĩa lấy nhà nước làm trung tâm trong thời kỳ đại dịch. Giải pháp nhằm tránh mở lại IHR để đàm phán là triệu tập một hội thảo xem xét để tinh chỉnh IHR thường xuyên và xử lý vấn đề khi phát sinh. Mô hình này được sử dụng tốt cho Công ước về Vũ khí Sinh học, trong đó có các cuộc họp định kỳ 6 tháng một lần để thiết lập lại các thủ tục và các quy phạm liên quan đến hiệp ước. Một cơ chế đang được hoạch định là “Báo cáo y tế định kỳ toàn cầu”, trong đó có bình duyệt khoa học, các báo cáo của các báo cáo viên đặc biệt, chuyên gia và các nhóm xã hội dân sự, và các biện pháp khích lệ và cung cấp hỗ trợ tài chính để lấp đầy những lỗ hổng đã xác định. Tuy nhiên, điều này lại một lần nữa mang một thế giới quan toàn cầu, và giả định rằng các quốc gia sẽ sẵn sàng trải qua một cuộc đánh giá báo cáo như vậy, và tự chịu sự giám sát của nước khác đối với các hệ thống và quy trình của họ, vì lợi ích lớn hơn là sự chuẩn bị đại dịch cho toàn cầu.

(còn tiếp)

Người dịch: Vũ Mỹ Hạnh

Nguồn: Clare Wenham, Mark Eccleston-Turner, Maike Voss – The futility of the pandemic treaty: Caught between globalism and statism – International Affairs, 98 (3), p837-852

TN 2022 – 70, 71, 72

Sự phát triển của hợp tác Việt-Mỹ về sông Mekong – Phần II


Những chỉ trích đối với LMI và các kiến nghị mở rộng MUSP

LMI là một khái niệm đã được đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam và các đối tác khi nó được công bố và các chương trình được thực hiện trong những năm sau đó. Mặc dù sáng kiến này nhìn chung được ca ngợi rộng rãi, nhưng nó cũng bị các đối tác khu vực, cũng như một số nhà quan sát ở Washington, chỉ trích.

Phần lớn các đối tác cho rằng sáng kiến này được cấp tài trợ tương đối ít; và dù nó đã cung cấp các hoạt động đào tạo và xây dựng năng lực có giá trị, nhưng nó lại thiếu nguồn lực tài chính so với các sáng kiến của Trung Quốc. Sự chỉ trích này càng tăng lên sau khi Trung Quốc khởi động cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) với các dự án vượt trội như sử dụng “xe ủi đất” trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Các đối tác trong khu vực cũng nêu quan ngại rằng các chương trình của LMI đôi khi không giải quyết các ưu tiên của họ. Cụ thể, sự tập trung vào phát triển xã hội dân sự đã dẫn tới căng thẳng với các chính phủ đối tác vốn ưu tiên việc xây dựng năng lực kỹ thuật trực tiếp và hỗ trợ các biện pháp thích ứng, hơn là các chương trình được thiết kế để tăng cường năng lực tổ chức chính trị nằm ngoài sự bảo trợ của nhà nước.

Trong khi một số khía cạnh của những chỉ trích này phản ánh cách tiếp cận khác biệt của Mỹ đối với quan hệ đối tác và phát triển trong khu vực, những khía cạnh khác cho thấy những khó khăn trong phối hợp nội bộ bên phía Mỹ. Hai thể chế quan trọng thúc đẩy LMI – Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID – có quan hệ đối tác phức tạp, phần lớn do sự khác biệt trong các nhiệm vụ chính của họ, cũng như cách tiếp cận riêng của họ đối với các can dự, các chu kỳ hoạt động và chu kỳ tài trợ.

Sứ mệnh ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã hướng sự tập trung trong LMI vào các chương trình phản ánh lợi ích chiến lược của Mỹ. Các chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ thường nhấn mạnh đến can dự ngoại giao, có thời gian ngắn hơn và bản chất rời rạc hơn so với các chương trình do USAID thúc đẩy. Thông thường, Bộ Ngoại giao Mỹ kiểm soát chặt chẽ về cách thức thực hiện các dự án và có các hướng dẫn tương đối nghiêm ngặt dành cho các đối tác thực hiện mà Bộ hợp tác cùng. Ngược lại, động cơ của USAID là đạt được các kết quả phát triển cụ thể, và mặc dù cơ quan này đã hỗ trợ sứ mệnh và các giá trị ngoại giao mà Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, nhưng đây không phải là các yếu tố thúc đẩy chính. Các chương trình và chu kỳ tài trợ của USAID thường kéo dài trong khung thời gian thực hiện dài hơn và có sự tham gia của bên thứ ba là các đối tác triển khai kỹ thuật – thường là các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoặc các tổ chức tư nhân thực hiện chính sách phát triển – mà không phải lúc nào cũng công nhận hoặc quảng bá sự hỗ trợ của Mỹ cho các chương trình của họ. Điều này đôi khi làm giảm giá trị thông điệp của LMI.

Do sự khác biệt trong sứ mệnh và cách tiếp cận, những chương trình này được đưa vào LMI và chương trình nào là nỗ lực riêng biệt của USAID không phải là điều luôn được xác định rõ ràng. Sự thiếu rõ ràng và thiếu phối hợp này đã cản trở khả năng truyền tải thông điệp được cho là dẫn đến một chương trình kém hiệu quả hơn về tổng thể. Nó cũng ngăn cản nỗ lực thực hiện mục tiêu chứng minh sự hiện diện và cam kết của Mỹ đối với khu vực khi không tính toán đầy đủ các khoản viện trợ đáng kể mà Washington đã cung cấp.

Ngoài những khó khăn về phối hợp giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID, còn có những thách thức về cơ cấu và nguồn lực mà đã hạn chế tiềm năng của LMI. Điểm đáng chú ý là sự phối hợp giữa đội ngũ tại Washington và đội ngũ tại các nước trong khu vực đã gặp nhiều thách thức, cũng như giữa các đại sứ quán của Mỹ trong khu vực. Mặc dù vị trí nhân viên phụ trách vấn đề môi trường khu vực (REO) tại Bangkok có thẩm quyền giám sát các vị trí trong LMI, nhưng đây chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ của REO và không phải là một thành phần quan trọng trong các nhiệm vụ hàng ngày. Từ năm 2012 đến năm 2016, có vị trí điều phối viên do USAID hỗ trợ tại Trung tâm điều phối LMI ở Bangkok. Tuy nhiên, vị trí này bị hạn chế về quyền hạn và không được trao quyền để cải thiện sự liên kết nỗ lực giữa các vị trí khác nhau, đặ cbiệt là đối với các vị trí do Bộ Ngoại giao quản lý. Những khó khăn này cho thấy thách thức lớn hơn do thiếu nguồn vốn riêng và đội ngũ nhân viên tương đối nhỏ ở Washington được giao nhiệm vụ giám sát một loạt dự án và chương trình. Do bản chất của các chu kỳ tài trợ của Bộ Ngoại giao, nhóm chịu trách nhiệm về LMI thường thiếu nhân lực và không thể đảm nhận các dự án dài hạn mà nguồn tài trợ không được đảm bảo.

Khuyến nghị cho can dự trong tương lai

Với việc thành lập MUSP, Washington tiếp tục thể hiện cam kết hỗ trợ sự phát triển bền vững của sông Mekong trong khi tỏ ra linh hoạt hơn trong việc xây dựng thương hiệu để cho thấy chiều sâu trong hỗ trợ của Mỹ. MUSP vẫn là kênh quan trọng để phối hợp với Hà Nội về sông Mekong. Với việc Chính quyền Biden lên nắm quyền, Washington có cơ hội tăng cường hợp tác với Hà Nội bằng cách vận dụng các bài học kinh nghiệm và tận dụng các điều kiện mới để phát huy tối đa MUSP. Nói cách khác, đội ngũ Biden nên xem xét: 1) bổ nhiệm Đặc phái viên về Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ để nâng cao hiệu quả của sáng kiến; 2) nêu bật vấn đề Mekong trong việc nâng cấp chính thức quan hệ Việt-Mỹ, và 3) tận dụng kết nối của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Việt Nam và vai trò của ông là Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu nhằm đưa hợp tác Việt – Mỹ trở thành một phần chủ chốt trong sứ mệnh rộng hơn của Mỹ trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

(còn tiếp)

Nguồn: Diễn đàn Thái Bình Dương

CĐ số 01/2023

Viễn cảnh nào cho các cảng container?


Là một đầu mối quan trọng trong ngành vận tải container đường biển, các cụm cảng và bến cảng container cũng sẽ trải qua những biến động đáng kể từ nay cho đến năm 2025, một phần đến từ sự thay đổi của các hãng tàu, một phần bởi những diễn biến nhân khẩu học, và một phần xuất phát chính từ sự cạnh tranh giữa các cảng với nhau.

Trong những phần trình bày trước, chúng ta cũng đã có đề cập đến những nội dung trên một cách rời rạc, với ghi chú rằng các cụm cảng và bến cảng rồi sẽ chịu tác động thế nào. Và trong bài này, tác giả sẽ kết hợp lại tất cả những nội dung đã được bàn tới trước đó.

Diễn biến nổi bật mà chúng ta có thể sẽ được chứng kiến, chính là trận chiến khốc liệt để giành giật thị phần trong những năm kế tiếp, trận chiến vốn dĩ đã hình thành từ những sự thay đổi đã bàn đến. Đến năm 2025, chiến trường sẽ gần như được định hình với thế trận là một nhóm các cảng khu vực phát triển thêm về quy mô, một số cảng trung chuyển lớn sẽ được mở rộng. Và sự sụt giảm sản lượng đáng kể của nhóm các cảng trung chuyển khác. Với một bối cảnh như thế, những năm kế tiếp sẽ là khoảng thời gian then chốt đối với tương lai của nhiều cụm cảng, bến cảng.

Quá trình vận động tiến lên tự động hóa, bao gồm các bước bán tự động hóa, là con đường mà ngày càng nhiều bến cảng đang tích cực tham gia. Và với hiệu quả thực tiễn mà quá trình tự động hóa mang lại, thì sẽ còn có thêm nhiều cảng chen chân lên con đường này. Tự động hóa sẽ khiến cho công suất khai thác cảng tăng lên, vì bước tiến này giúp cho các cảng khai thác tàu nhnh hơn, giải phóng nhanh chóng các phương tiện giao nhận hàng ở hậu phương cảng và tăng sức chứa cảng để lưu bãi container. Do thị trường vận tải container sẽ tăng trưởng ở mức độ tương đối khiêm tốn, nên chỉ với thành công từ tự động hóa thôi là các cảng đã có thể nâng cấp công suất lên đủ để hấp thụ mức tăng dè dặt này.

Khía cạnh tiếp theo tác động lên các cảng đến từ hình thức liên minh hãng tàu container. Đặc thù hoạt động của liên minh hãng tàu đưa đến khả năng nâng cấp mạng lưới dịch vụ cho các hãng bằng cách tạo ra nhiều cặp cảng trực tiếp hơn, qua đó làm giảm tỉ lệ trung chuyển hàng hóa. Nói như vậy không hàm ý suy diễn rằng hoạt động trung chuyển container rồi sẽ biến mất, không phải thế, mạng trục chính với các siêu tàu container vẫn duy trì nhu cầu trung chuyển hàng hóa, nhưng sự phát triển của các liên minh khiến cho sản lượng hàng trung chuyển nhiều khả năng sẽ đối diện với mức tăng trưởng âm.

Dù tỉ lệ hàng trung chuyển có thể giảm xuống, nhưng những liên minh lớn hơn lại mang đến sản lượng trung chuyển ngày một nhiều hơn tại các cảng trung chuyển chính, và nếu hoạt động của cảng này đạt mức độ hiệu quả như kỳ vọng của các hàng tàu, thì kịch bản lý tưởng nhất là tất cả các tàu cùng liên minh sẽ được khai thác trên một bến cảng. Một số cụm cảng có nhiều bến cảng khác nhau, tình trạng sẽ tạo ra sự cạnh tranh mà cuối cùng sẽ chỉ có một vài bến cảng đảm nhận toàn bộ sản lượng của một liên minh nào đó.

Một phân tích được thực hiện bởi công ty LinerGrid có thể góp thêm luận cứ vào vấn đề đang bàn, phân tích này xem xét khả năng mô hình hóa cách thiết kế mạng lưới vận chuyển container toàn cầu của hãng tàu, và đã chỉ ra rằng nếu các hãng có một số cảng trung chuyển trọng điểm thì sẽ hoạt động hiệu quả hơn là sử dụng một mạng lưới nhiều cảng trung chuyển phân tán, và cũng gợi ý rằng các cảng như thế nào thì có thể đáp ứng được sản lượng khai thác như vậy.

Những phân tích từ góc nhìn thiết kế mạng lưới dịch vụ như trên đưa đến kết luận là các cảng container lớn đang phải đối diện với một cuộc chơi cực kỳ rủi ro trong vài năm tới. Thu hút thành công tàu bè từ một liên minh về khai thác ở cảng nhà sẽ đảm bảo được sản lượng thông qua cảng rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh số lượng các cảng trung chuyển chính giảm xuống. Mặt khác, thất bại sẽ kéo theo một vòng xoáy tiêu cực, vì lượng hàng trung chuyển giảm xuống nên các tuyến tiếp vận cũng sẽ không cập cảng nữa. Cảng thất bại sẽ trở nên ít hấp dẫn hơn với liên minh đó, bởi giờ đây khả năng kết nối với các cảng vệ tinh của cảng lớn này đã kém hơn, và vòng xoáy đi xuống cứ thế tiếp tục. Vòng xoáy này là rủi ro rõ ràng nhất mà nhiều cảng trung chuyển lớn phải chấp nhận cho đến năm 2025.

Một bài toán khó khác mà các cảng đang phải đối mặt, và bài toán này sẽ còn thách thức hơn nữa trong những năm tới, đó là các hãng tàu sẽ khai thác những con tàu ngày càng lớn hơn. Như đã trình bày, đây không chỉ đơn thuần là thử thách từ các tàu 18.000 đến 21.000 TEU, mà thực ra là thách thức từ tất cả các cỡ tàu do hiệu ứng thác nước tạo ra. Do đó các cụm cảng và bến cảng phải đáp ứng được nhu cầu của hãng tàu là tiếp nhận được những tàu lớn hơn, cụ thể là cảng phải tăng cường đầu tư để có cần cẩu lớn hơn, cầu tầu dài hơn và mớn nước sâu hơn. Trong bối cảnh mà sản lượng chỉ tăng trưởng tương đối ì ạch, thì đầu tư thêm rõ là chuyện đau đầu.

Một mặt, các cảng vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của hãng tàu, ví dụ như làm hàng cho các tàu lớn hơn, cụ thể là cảng phải tăng cường đầu tư để có cần cẩu lớn hơn, cầu tầu dài hơn và mớn nước sâu hơn. Trong bối cảnh mà sản lượng chỉ tăng trưởng tương đối ì ạch, thì đầu tư thêm rõ là chuyện đau đầu.

Một mặt, các cảng vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của hãng tàu, ví dụ như làm hàng cho các tàu lớn hơn. Mặt khác, các cảng lại không chắc chắn lắm về việc mình có thể tiếp nhận được lượng hàng nhiều hơn hay không sau khi đã đổ tiền ra nâng cấp cảng. Thêm vào đó, các hãng tàu còn tìm cách giảm chi phí khai thác thông qua hiệu quả thu được nhờ số lượng tàu ít đi, cỡ tàu thì lớn hơn, họ vẫn đảm bảo vận chuyển đủ lượng hàng được yêu cầu.

Tình trạng thừa công suất khai thác cảng rồi sẽ là điều mà ngành khai thác cảng không thể tránh khỏi, đặc biệt là tại các cảng trung chuyển. Bến cảng là tài sản cố định, nhưng khác với các con tàu, bến cảng thực sự cố định theo nghĩa người ta không thể di chuyển một cảng đi nơi khác được, do đó lựa chọn cho các nhà khai thác cảng “lỡ” xây những công trình này là rất hạn chế. Một trong những lựa chọn cho họ nằm ở giá dịch vụ làm hàng. Vì rủi ro đối với bến cảng là sự sụt giảm sản lượng đáng kể – hoặc giảm tuyệt đối, nên động cơ để nhà khai thác cảng giảm giá dịch vụ là rất lớn. Hơn nữa, do bến cảng là tài sản với thời gian khai thác tính bằng thập niên, nên các nhà khai thác cuảng có thể tính toán rằng họ sẽ chấp nhận lỗ ở giai đoạn này, nhưng về dài hạn thì vẫn có thể thu được lợi nhuận, miễn là giữ được hãng tàu ở lại cảng.

Khía cạnh cần xem xét tiếp theo là, những cảng cửa ngõ tại các thị trường mới nổi đang trong quá trình nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị để có thể tiếp nhận tàu với sức chở từ 8000 đến 12000 TEU, khoản đầu tư này sẽ tạo điều kiện cho hãng tàu mở rộng mạng lưới dịch vụ để có thể đưa tàu ghé trực tiếp được nhiều cảng hơn. Đối với các cảng trung chuyển, đây rõ ràng là một diễn biến tiêu cực lên sản lượng của họ.

Đối với các cảng cửa ngõ, khả năng đón tàu lớn hơn dường như sẽ mang đến kết quả tích cực cho họ, tuy nhiên các cảng không nên quá chắc ăn với màn đánh cược này. Đầu tiên, chúng ta cần ghi nhận rằng tàu lớn chỉ thay thế tàu tiếp vận làm hàng tại các cảng, chứ lượng hàng qua cảng thì không vì tàu lớn hơn mà nhiều lên. Thành quả sẽ chỉ gõ cửa nếu như cảng thu hút lượng hàng với mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình, tức là các cảng này phải nằm ở những vị trí để có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển nhân khẩu học, diễn biến mà chúng ta sẽ chứng kiến trong thập niên sắp tới.

Khía cạnh cuối cùng cần cân nhắc trong câu chuyện về các cảng là những ảnh hưởng từ sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường (One Belt, One Road – OBOR) của Trung Quốc. Đây là một chiến lược dài hạn nhiều khả năng sẽ phát triển đến sau năm 2025 và có mục tiêu tạo ra một hạ tầng chuỗi cung ứng để gắn kết các khu vực Đông Á, Trung Á, châu Phi, rìa phía Đông châu Âu và Địa Trung Hải lại gần nhau hơn nữa. Các kế hoạch đã được công bố về OBOR hiện vẫn đang nằm ở tầm vĩ mô, và những sáng kiến được chú ý nhiều nhất cho đến nay vẫn đang tập trung vào các chuỗi cung ứng trên bộ hơn là đường biển. Tuy nhiên, OBOR nêu rõ rằng hạ tầng cảng biển cũng là một bộ phận quan trọng của sáng kiến này, do đó các cụm cảng và bến cảng trong những khu vực kể trên sẽ đồng thời đối mặt với các cơ hội và thách thức. Đối với cảng nằm tại các khu vực được mô tả là có tầm quan trọng chiến lược đối với OBOR, các nhà khai thác cảng sẽ kỳ vọng vào khả năng tiếp cận vốn đầu tư dễ dàng hơn để xây dựng thêm nhiều bến cảng hay mở rộng cảng. Còn với các cảng chưa được OBOR quan tâm đến, họ rơi vào tình huống phải cạnh tranh gay gắt với các cảng nhận được vốn đầu tư từ sáng kiến. Trong bất cứ trường hợp nào, kịch bản này – nếu được triển khai với một tốc độ nhanh chóng – sẽ chỉ làm tăng thêm sức ép thừa công suất khai thác lên ngành cảng biển mà thôi.

Tác động lên các cảng container

Đến năm 2025, chúng ta sẽ ở vào giai đoạn cuối trong quá trình cạnh tranh dẫn đến sự suy giảm tỉ lệ trung chuyển hàng container trên phạm vi toàn cầu, và sản lượng hàng trung chuyển sẽ chỉ còn tập trung vào một số cảng chính, giảm so với trước đây. Kết quả là một số cảng sẽ tăng trưởng sản lượng vượt mức công suất hiện tại, và các cảng khác thì sẽ phải chấp nhận sự sụt giảm sản lượng.

Tất cả các cảng chính, đặc biệt là các cảng trung chuyển, đều sẽ bước vào con đường bán tự động hóa, dù không nhất thiết phải tự động hóa toàn bộ hoạt động của mình.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lars Jensen – Vận tải container đường biển đến năm 2025 – NBX ĐHKTQD 2018

Nguyên tắc sự tương tác trong tiếp thị theo xu hướng đám đông – Phần VII


Ẩu đả trên bãi biển (và ở vùng ngoại ô)

Sau khi hiểu được điều này, giờ là lúc cần xem xét một trường hợp có thật để nắm rõ cơ chế của hành vi đám đông thông qua những công cụ mà chúng ta vừa khám phá, và cũng để bắt đầu đưa ra một số câu trả lời.

Từ lâu, các cuộc bạo loạn và quy tắc đám đông đã được xem là biểu tượng của tất cả những gì điên rồ, xấu xa và nguy hiểm về hành vi đám đông của con người. Chúng ta tự hỏi, làm thế nào những điều này có thể xảy ra, chúng ta tự hỏi chính mình. Làm cách nào mà những con người vốn cư xử đúng mực lại làm những việc tồi tệ như thế? Từ đây, tất cả chúng ta đều quá dễ dàng nhận thấy chính mình đang đi theo các lối mòn của tư duy phạm tội – để biến những kẻ nổi loạn thành những con quỷ dữ – hay đổ lỗi cho các tác động (hoặc các cá nhân) bên ngoài, những kẻ đã “khiến người khác làm việc xấu”. Hãy thử tiếp cận hai sự kiện này với một tư duy cởi mở và những ý tưởng cơ bản mà chúng ta có được về sự tương tác cũng như cơ chế vật lý của tội phạm (physics of crime), đồng thời tìm hiểu xem liệu cách này có thể tạo ra một mô hình tốt hơn để hiểu về bản chất của các cuộc nổi loạn cũng như cách thức xử lý chúng. Bạn sẽ làm như thế nào?

Các sự kiện

Chủ nhật ngày 11 tháng 12 năm 2005, khoảng 5000 người tụ tập gần bãi biển ở Cronulla, một vùng ngoại ô ven biển nằm ở phía bắc thành phố lớn nhất Australia. Tin nhắn SMS đã đưa đám đông này tụ tập tại đây để đối mặt trực tiếp với những cuộc tấn công và hành vi quá khích của những người không phải dân địa phương nhằm “giành lại bãi biển” (theo báo cáo của hãng tin địa phương là những thanh niên Hồi giáo người Lebanon đến từ các vùng ngoại ô phía tây). Đáng chú ý nhất trong các báo cáo này là một sự kiện xảy ra từ tuần trước: hai người cứu hộ lướt sóng ở Cronulla được cho là đã trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công vô cớ bởi một nhóm thanh niên ăn mặc theo phong cách Trung Đông.

Mặc dù nhóm này có vẻ như những người tử tế, vừa ăn uống vừa trò chuyện nhưng có một vài phần tử không vui trong đó. Tài liệu về nạn phân biệt chủng tộc được chuyền tay bởi các thành viên của các nhóm như Australia First Party, Patriotic Youth League, và Blood & Honour ở Newcastle. Một nhóm gồm những kẻ phân biệt chủng tộc ngoan cố còn mang cả biểu ngữ với dòng chữ như “Chúng tôi lớn lên ở đây, còn các người thì không” hay “Niềm tự hào của người Australia” hoặc thậm chí là những nội dung đáng lo ngại hơn.

Theo như lời trích dẫn của một bản tin trên đài ABC, không khí hội hè đó bỗng chốc trở thành một sự sỉ nhục.

Trước đó, không khí giống như một bữa tiệc, bất kể đám người đông đúc… Tình hình đã thay đổi khi một người đàn ông ăn mặc kiểu người Trung Đông bị rượt đuổi chạy vào một quán rượu nhỏ của khách sạn. Trong vòng một phút, cả khách sạn đó bị bao vây bởi hàng ngàn người la hét và reo hồ. Khoảng nửa giờ sau, một cuộc ẩu đả diễn ra khắp đường phố và cảnh sát đã dẫn người đàn ông đó ra ngoài với áo thun trùm kín đầu khi đám đông ném vỏ lon bia về phía anh ta.

Suốt ngày hôm đó, một số người khác có diện mạo tương tự cũng bị tấn công, bao gồm một thiếu niên người Do Thái và một cô gái người Hy Lạp. Tất cả có 25 người bị thương và khoảng 12 đối tượng bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc nổi loạn.

Đêm hôm đó, các báo cáo cho biết là một nhóm người đang trên đường tiến đến vùng ngoại ô để trả thù. Khi một vài nhóm nhỏ đến bãi biển vào lúc 10:45 tối, cảnh sát quyết định không can thiệp mà chỉ ghi lại biển số xe. Tuy nhiên, những gì diễn ra tiếp theo cũng đáng kinh ngạc như những sự kiện đã xảy ra trong ngày. Tại Maroubra và Rockdale, xe hơi và cửa sổ đều bị đập hỏng. Khi nhà ga Rockdale cũng bị phá hủy. Một người đàn ông bị tấn công bởi khoảng mười người ăn mặc theo kiểu Trung Đông. Bạo lực lan tràn khắp các vùng ngoại ô của Sydney như Brighton Le Sands, Ashfield, Bankstown và Punchbowl. Mười sáu người bị bắt và bị kết án với các tội danh như chống đối, hủy hoại tài sản, cản trở và tấn công người thi hành công vụ, có hành vi quá khích, bạo lực, ẩu đả, và sở hữu dụng cụ sắc nhọn (dao) tại nơi công cộng.

Thứ Hai, ngày 12 tháng 12, cảnh sát và các nhà chức trách địa phương gặp nhau và lên án nạn bạo lực. Cảnh sát đổ lỗi cho “thói côn đồ của những người dân từ nơi khác đến”, còn Chủ tịch Hiệp hội HỮu nghị Hồi giáo của Australia thì cho rằng việc xảy ra tình trạng bạo lực này “là điều tất yếu” và đổ lỗi cho những lời lẽ phân biệt chủng tộc trên các phương tiện truyền thông hồi tuần trước. Một lực lượng đặc nhiệm được thành lập để lần theo dấu vết của những kẻ xấu xa. Và phiên họp quốc hội New South Wales được triệu tập vào ngày hôm sau, với mục đích củng cố quyền lực của cảnh sát (với quyền được đóng cửa các điểm bán rượu và sung công các phương tiện cơ giới).

Tôi hôm đó, tin nhắn SMS kêu gọi hành động phản đối và trả đũa lại bắt đầu xuất hiện. Một ngàn người tập trung bên ngoài Lakemba – nhà thờ lớn nhất Sydney – để bảo vệ khu vực này trước sự trả thù của người da trắng. Vào lúc 9:30 tối, khi không có hành động trả đũa nào xảy ra, đám đông đó lên xe và hướng về phía khu vực ngoại ô ở phía nam thành phố. Theo báo cáo, xe cộ và tài sản ở Bexley đã bị phá hủy trên đường. Cronulla và Maroubra bị chiếm đóng và trung tâm mua sắm địa phương cũng bị hư hại nghiêm trọng – khoảng 100 chiếc xe đã bị đập pháp bởi những người này. Cư dân địa phương thúc thủ trong nhà, còn những người phải đối mặt với đám đông này thì bị tấn công bằng vợt bóng chày và các vũ khí khác. Cảnh sát tìm thấy 30 chai Molotov và nhiều thùng sỏi được chất trên mui xe khi hàng trăm người lướt sóng tụ tập. Các vũ khí khác như thanh sắt, vợt bóng chày, dao và thậm chí súng cầm tay các loại cũng bị phát hiện và sung công.

Tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn suốt tuần bất kể sự tăng cường lệnh “giới nghiêm” của cảnh sát, một quy định cho phép cảnh sát được đóng cửa cả vùng ngoại ô. Tin nhắn SMS bắt đầu được gửi đến những người sử dụng điện thoại di động ở các khu vực xa hơn như Victoria và Queensland, từ cả người Anglo-Saxon lẫn người Trung Đông, cả hai đều kêu gọi tiếp tục các đợt tấn công trả đũa.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài ngày, tình trạng bạo lực đã biến mất nhanh như khi chúng xuất hiện. Mặc dù số lượng du khách đến các bãi biển Sydney vẫn ở mức thấp suốt mùa Giáng sinh nhưng tội phạm bạo lực đã trở về mức khá ổn định và an toàn như trước khi có những cuộc nổi loạn này. Số người tụ tập, nếu có, ở cả hai vùng đều trở nên ít đi.

Phân tích

Đây là nơi bạn phải bắt tay vào việc. Hy vọng bạn đã sẵn sàng.

Bước 1

Điều cần làm trước tiên là hiểu rõ và loại bỏ những lối tư duy truyền thống.

Ví dụ, những kẻ xấu khiến cho đám đông hành động. Thay vào đó, người ta đổ lỗi cho sự nghèo khó và tình trạng bị tước đoạt trong xã hội (đều đúng cho cả hai vùng). Nhưgn không ai có thể lý giải được sự bùng phát đột ngột của những cuộc bạo loạn này. Nạn phân biệt chủng tộc là một hiện tượng phổ biến và hẳn điều này đã khiến cho các cuộc nổi loạn xảy ra và kéo theo đó là các đợt tấn công trả đũa.

Một lựa chọn khác là biện pháp treo cổ: rõ ràng, những hình phạt chống bạo loạn không đủ sức răn đe. Những kẻ hành hung nghĩ rằng chúng vẫn có thể thoát tội. Hay bia rượu cũng là nguyên nhân. Cuộc bạo loạn đầu tiên bắt nguồn từ tình trạng say xỉn (nói đúng hơn là sự đầu độc của những người tử tế).

Bước 2

Hãy nghĩ về bản chất của đám đông Cronulla đầu tiên. Có phải tất cả bọn họ đều là người xấu? Ai là kẻ phạm tội, ai là vị thánh và ai là người hay thay đổi? Bạo lực có phải là bản chất của họ không? Hay đó chỉ là trạng thái nhất thời và chỉ diễn ra trong chốc lát?

Bước 3

Hãy suy nghĩ thật kỹ về bản chất và tần suất tương tác để dẫn đến cuộc bạo loạn đầu tiên. Đó có phải là một cuộc phản đối có tổ chức hay mang tính tự phát? Việc sử dụng tin nhắn SMS ở cả trường hợp này lẫn các lần bạo loạn tiếp theo nói lên điều gì về những thay đổi trong quá trình tương tác từ các điều kiện thông thường? Rượu và ánh nắng mặt trời có ảnh hưởng gì đến sự tương tác đó?

Bước 4

Hãy nghĩ về các nhóm hành động trả đũa đầu tiên. Đâu là bản chất và tần suất tương tác giữa các thanh niên Trung Đông đã hình thành nên nhóm người này? Điều gì đã thay đổi? Hãy suy nghĩ cho đến khi bạn cảm thấy tự tin rằng mình đã hiểu rõ được cơ chế hoạt động bí ẩn đằng sau sự kiện này. Vì nếu không hiểu được cơ chế hoạt động của nó, mọi giải pháp đều chỉ có thể giải quyết được những rắc rối bề mặt.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Mark Earls – Tâm lý bầy đàn – NXB THTPHCM 2012