Điện gió Việt Nam và mối lo về an ninh-quốc phòng


Mỹ Hằng

Có thông tin cho rằng Việt Nam chưa mở cửa nước ngàoi đầu tư vào điện gió ngoài khơi chủ yếu là do lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, theo GS Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), vùng biển mà Việt Nam có tiềm năng gió dồi dào nhất lại là vùng “an toàn” không nằm trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Các nghiên cứu khoa học dự báo về sự phát triển điện gió trong tương lai ở Việt Nam đã chỉ ra rằng, các trang trại gió gần bờ và ngoài khơi trong phạm vi 50 km tính từ đường cơ sở ven biển của Việt Nam sẽ sản xuất điện nhiều gấp 19 lần so với các trang trại gió ngoài khơi nằm ngoài phạm vi 50 km tính từ đường cơ sở. Nếu Việt Nam chú tâm vào đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi trong phạm vi này thì có thể sản xuất được 9500 MW điện vào năm 2030, so với chỉ 500 MW từ các trang trại gió ngàoi khơi xa hơn 50 km tính từ đường cơ sở.

Theo nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Khu vực dưới 50 km tính từ đường cơ sở nằm trong phạm vi quyền lợi hợp pháp của Việt Nam, là Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Hiện Việt Nam đang vận hành một nhà máy điện gió ở đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận”.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Australia về an ninh hàng hải, về mặt an ninh thì các điện gió ít gặp thách thức hơn so với các dự án dầu khí: “Các dự án điện gió hầu hết được triển khai ở khu vực lãnh hải của Việt Nam, vốn không có tranh chấp, trong khi dầu khí thì lại triển khai ở thềm lục địa và EEZ mở rộng. Chuyện có thể phức tạp hơn khi Việt Nam xuất khẩu điện ra nước ngoài, vì có thể liên quan tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải. Thế nhưng, điều này cũng không tác động nghiêm trọng tới tranh chấp”.

Vấn đề an ninh biển, đảo và nguy cơ từ Trung Quốc luôn là quan ngại của Việt Nam, nhưng GS. Carl Thayer cho rằng bên cạnh đó, Chính quyền Việt Nam vẫn khuyến khích đầu tư Trung Quốc và điện gió ngoài khơi không phải là ngoại lệ.

Giải pháp cho điện gió ngoài khơi Việt Nam

Theo nhiều chuyên gia, sự chậm trễ trong việc thông qua Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) của Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố chứ không chỉ vấn đề Trung Quốc hay an ninh quốc gia. Chẳng hạn như về cơ chế giá bán điện (FIT), vấn đề cơ cấu nguồn năng lượng (than, LNG và năng lượng tái tạo) để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và thu hút đủ đầu tư trực tiếp nước ngoài, ước tính ở mức 15,5 tỷ USD, để tài trợ cho dự án năng lượng ngoài khơi.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác như thiếu quy hoạch biển quốc gia, lưới điện quốc gia xuống cấp và lạc hậu, các chính sách chồng chéo, thay đổi liên tục làm nản lòng nhà đầu tư… Theo GS. Carl Thayer: “Việc cần làm hiện này là đẩy nhanh quá trình rà soát và sửa đổi các luật và quy định trong nước, các trách nhiệm pháp lý chồng chéo đang thay đổi của chính quyền địa phương…”.

Mới đây, Chính quyền Việt Nam lại một lần nữa không thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã chỉnh sửa nhiều năm. Điều này đồng nghĩa hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực điện gió sẽ bị đình trệ, khiến các nhà đầu tư nản lòng và tiếp tục làm lãng phí nguồn điện gió được đánh giá là tiềm năng nhất khu vực châu Á của Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Reuters, một số nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết Việt Nam cũng muốn xem xét kỹ lưỡng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi vì lý do an ninh quốc gia, lo ngại các trang trại gió có thể được sử dụng để giám sát.

Nguồn: TKNB – 28/02/2023

Công nghệ Plasma trong xử lý rác thải giúp Việt Nam độc lập về năng lượng


Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh sẽ tăng cường khả năng độc lập của Việt Nam về năng lượng, không chỉ giúp Việt Nam tránh được các cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai mà sẽ thúc đẩy an ninh năng lượng và bảo vệ Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong một thế giới đầy bất ổn.

Rác thải là nguồn năng lượng khổng lồ

Trung bình, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để.

Ước tính, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 – 16%/năm, chưa kể một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp.

Nguồn thải lớn, nhưng khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, vừa lãng phí và đòi hỏi nhiều quỹ đất. Đáng nói, nhiều rác thải có lẫn rác thải nguy hại, như rác thải công nghiệp, rác thải y tế cũng đễ lẫn trong các bãi rác chôn lấp.

Với gần 100 triệu dân, mỗi năm, lượng rác thải tại Việt Nam tăng thêm 10% đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.

Công nghệ ưu việt để xử lý rác thải

Tái chế rác thải để tiết kiệm tài nguyên và sản xuất năng lượng đang trở thành xu hướng trên thế giới. Nhiều năm gần đây, Việt Nam bắt đầu quan tâm tới giải quyết bài toán xử lý rác thải. Chính phủ Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, đóng cửa 90 – 95% các bãi chôn lấp; các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh sẽ được xử lý ô nhiễm và cải tạo môi trường.

GS. Nguyễn Quốc Sỹ, Trưởng khoa Năng lượng Plasma thuộc Đại học Năng lượng Quốc gia Nga (MEI), Chủ tịch Viện Công  nghệ Vinh IT, từ nhiều năm nay vẫn luôn say mê nghiên cứu và phát triển công nghệ Plasma trong xử lý rác thải với mục tiêu chấm dứt chôn lấp rác, biến rác thành điện, không thải khí độc ra môi trường và xử lý rác hoàn nguyên.

Là một trong những người đi tiên phong về lĩnh vực công nghệ Plasma trong xử lý rác thải, GS. Nguyễn Quốc Sỹ cùng nhiều nhà khoa học Liên bang Nga tập trung nghiên cứu công nghệ Plasma và coi đây là một trong những giải pháp mang tính bền vững cho môi trường. Quan trọng hơn là sự thể hiện trách nhiệm của nhà khoa học với xã hội.

Công nghệ Plasma trong xử lý rác thải ở đây là công nghệ duy nhất có khả năng xử lý triệt để chất thải nhựa, nylon, lưu huỳnh và các tạp chất nhiễm độc thủy ngân, cadimi, chì, xenon, cyan, rác thải điện tử… đảm bảo tất cả các chỉ tiêu môi trường nghiêm ngặt như G7 hay EURO6.

Ở Việt Nam không có công nghệ Plasma, trong khi công nghệ Plasma của thế giới hiện đại chưa hoàn thiện, bởi hệ thống đầu phát của công nghệ Plasma mà thế giới hiện nay đang dùng là đầu DIC, có tuổi thọ nhỏ và hệ số kém. Đầu phát công nghệ Plasma mà các nhà khoa học nghiên cứu đang dùng là đầu IC 3 pha, thời gian làm việc cao hơn, phù hợp với đặc tính của rác thải ở Việt Nam. Theo GS. Nguyễn Quốc Sỹ, có nhiều lý do khiến công nghệ xử lý rác thải hiện đại ở châu Âu không thể áp dụng tại Việt Nam. Nếu không chủ động được công nghệ thì sẽ rất thiệt thòi, khó nắm bắt và khó làm chủ được ngành công nghiệp tái chế rác. Để ứng dụng thành công công nghệ đốt rác phát điện cho rác thải có nhiệt lượng kém như Việt Nam là bài toán rất khó về mặt kỹ thuật, công nghệ.

Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo từ rác thải Việt Nam

Chia sẻ về những ưu điểm của công nghệ Plasma so với các công nghệ Plasma hiện hành và một số công nghệ đốt rác phát điện khác, GS. Nguyễn Quốc Sỹ cho biết: “Một trong những ưu điểm của công nghệ Plasma trong xử lý rác thải là nhiệt độ cao tiêu hủy triệt để và không yêu cầu phải phân loại rác như Việt Nam. Với công nghệ khí hóa ở nhiệt độ cao (T> 1700 oC) giúp phân hủy triệt để các chất thải hữu cơ và vô cơ, không thải ra các chất độc hại như Dioxin và Furans, hàm lượng tro xỉ và tro bay thấp hơn 5% và gần như là khói trắng”.

Hiện Viện Công nghệ Vin IT đã được cấp bằng sáng chế cho hệ thống đầu phát này. Đây là hệ thống lõi, hệ thống quan trọng nhất cho cả dây chuyền lớn xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma: “Nhiệm vụ của chúng tôi là biến rác thải với thành phần như rác thải của Việt Nam thành hỗn hợp khí tổng hợp Syngas với hàm lượng trên 37 – 38%, đủ để phát điện có lãi. Nếu phát điện và có lãi, đồng nghĩa với việc giải quyết được 2 bài toán: tiêu hủy triệt để chất thải rắn sinh hoạt và giải quyết bài toán kinh tế”.

Công nghệ tiên phong này của nhà khoa học chắc chắn sẽ đặt nền móng cho nền công nghiệp “xanh” tái chế rác thải tại Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu tăng turởng xanh và giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26. Hơn nữa, việc Việt Nam độc lập về năng lượng, không chỉ giúp đất nước tránh được các cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai, mà sẽ thúc đẩy an ninh năng lượng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: TKNB – 25/08/2022

Philippines dừng đàm phán về thăm dò năng lượng với Trung Quốc ở Biển Đông


Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 23/6 cho biết, đàm phán về khả năng thăm dò khai thác năng lượng chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông đã chấm dứt do “những giới hạn của Hiến pháp và các vấn đề về chủ quyền”.

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Locsin nêu rõ mục tiêu của Philippines trong việc thăm dò khai thác nguồn dự trữ năng lượng ngoài khơi không thể đạt được nếu phải đánh đổi bằng chủ quyền quốc gia. Ông không giải thích chi tiết quyết định này. Đàm phán lần này xoay quanh tài sản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Philippines và Trung Quốc đã tranh cãi về chủ quyền biển trong nhiều thập kỷ. Năm 2018, hai bên cam kết cùng nhau thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, bất chấp việc Trung Quốc cũng đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khu vực này. Phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin về quyết định ngừng đàm phán với Trung Quốc có đoạn: “Chúng tôi đi xa nhất có thể về mặt Hiến pháp. Chúng tôi đã đến sát mép vực và chỉ tiến thêm một bước thôi là rơi vào khủng hoảng Hiến pháp. Ba năm đã trôi qua và chúng tôi chưa đạt được mục tiêu phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí rất quan trọng đối với Philippines, nhưng không thể vì thế mà phải trả giá bằng chủ quyền; thậm chí 1 ly cũng không”.

Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh: “Điều này giải thích cho sự thoái lui đột ngột từ phía Philippines. Việc đàm phán đã phải dừng lại sau 3 năm làm việc cùng nhau rất chân thành và nỗ lực từ phía Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và tôi. Cả hai chúng tôi đều đã cố gắng đi xa nhất có thể – tính đến cả các mong muốn của Trung Quốc và các giới hạn Hiến pháp của Philippines. Mọi chuyện đã phải dừng lại”.

Ông khẳng định trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia hiện thuộc về chính quyền mới, đồng thời nhấn mạnh: “Việc từ bỏ bất kỳ phần nào thuộc chủ quyền của Philippines không phải là một lựa chọn. Không phải tình cảm; không phải vì tiền”. Nhà ngoại giao đầu của Philippines, được trang mạng Inquirer dẫn lời khẳng định rằng việc “2 nước có bất đồng không đồng nghĩa với việc họ mâu thuẫn trên mọi phương diện”. Không có quyết định về vấn đề nêu trên được đưa ra khi nào.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa phản hồi yêu cầu bình luận về sự kiện này.

Philippines, quốc gia chủ yếu dựa vào nhập khẩu nhiên liệu, đã gặp khó khăn khi cố tìm kiếm các đối tác nước ngoài giúp khai thác nguồn năng lượng ngoài khơi do vướng vào các tranh cãi chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc. Việc Philippines và Trung Quốc cam kết sẽ làm việc cùng nhau một phần là do mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhiều chuyên gia từng hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận này do tính chất nhạy cảm về chính trị, cảnh báo rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc chia sẻ tài nguyên năng lượng đều có thể được coi là động thái hợp pháp hóa yêu sách chủ quyền của phía bên kia hoặc từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Ngoại trưởng Locsin cho biết chính Tổng thống Duterte đã quyết định hủy các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề này: Ông nói: “Tổng thống đã lên tiếng… các cuộc thảo luận về dầu khí đã chấm dứt hoàn toàn… mọi thứ đã kết thúc”.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines, cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Locsin cho thấy 2 bên đã rơi vào tình thế bế tắc. Ông nói: “Chúng ta có những hạn chế về mặt Hiến pháp với việc khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí ngoài khơi. Điều quan trọng nhất là mọi hoạt động phát triển dầu khí đều phải diễn ra với sự giám sát toàn diện và kiểm soát của nhà nước, bởi đó là tài nguyên của chúng ta”. Ông cũng cho rằng lợi nhuận phân chia cho Philippines phải lớn hơn mới là điều hợp lý.

Tháng 4/2022, Bộ Năng lượng Philippines (DOE) đã ra lệnh đình chỉ các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Tây Philippines. Yêu cầu được đưa ra một tháng sau khi Tổng thống Duterte, trong một bài phát biểu trước công chúng, cho biết nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ thỏa thuận thăm dù chung với Bắc Kinh để tránh xung đột, và một nhân vật nào đó “từ Trung Quốc” đã nhắc nhở ông về điều này khi biết về các hoạt động theo kế hoạch của các công ty khác trong khu vực. Ông Duterte nói thêm rằng chính nhân vật này cũng cảnh báo ông rằng Bắc Kinh sẽ điều động binh sĩ đến Biển Tây Philippines nếu nước này triển khai quân đội trong khu vực.

Yêu cầu của DOE đã chấm dứt “tất cả các hoạt động thăm dò” theo Hợp đồng Dịch vụ 72 và 75 – hai địa điểm ngoài khơi tỉnh Palawan trước đó từng được chính phủ xác định là các khu vực có thể xúc tiến hoạt động thăm dò năng lượng chung với Bắc Kinh – trong khi chờ đợi thông tin từ Cơ quan Điều phối An ninh, Công lý và Hòa bình sau khi cơ quan này nhắc đến “các tác động chính trị, ngoại giao và an ninh quốc gia của bất kỳ hoạt động nào ở Biển Tây Philippines”. Tập đoàn Năng lượng PXP và công ty con Forum – được chính phủ thuê để tiến hành các hoạt động thăm dò – đã phải tuyên bố dừng hoạt động do điều kiện bất khả kháng, cho biết lệnh đình chỉ ngăn cản họ “thực hiện các nghĩa vụ của mình”.

Theo các nhà chỉ trích, Trung Quốc đã đe dọa các bên tranh chấp ở Biển Đông, vốn đang tiến hành các hoạt động thăm dò năng lượng, nhằm gây áp lực buộc họ phải chấp nhận các thỏa thuận phát triển chung.

Nguồn: TKNB – 27/06/2022

“Đòn cân não khí đốt” của Nga và “chính trị thực dụng” của phương  Tây


Theo đài RFI, châu Âu sống sót như thế nào qua mùa Đông tới mà không có khí đốt của Nga? Đây là chủ đề được các báo Pháp chú ý nhiều nhất trong ngày 27/7. Nhật Báo Le Figaro tỏ ra bi quan với tựa trang nhất “Châu Âu khốn khổ trước lời đe dọa của Putin”. Châu Âu có thể sẽ chuẩn bị đối mặt với tình huống xấu nhất. Trong lúc 12 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bị cắt toàn bộ hoặc một phần khí đốt của Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 25/7 một lần nữa gia tăng áp lực với EU, khiến cho giả thuyết về một mùa Đông không có khí đốt của Nga có thể trở thành hiện thực và điều này sẽ là một thảm kịch đối với lục địa già.

Chưa đầy một tuần sau khi đường ống dẫn khí Nord Stream 1 hoạt động trở lại, Tập đoàn Gazprom đã thông báo sẽ giảm năng suất đường ống. Từ ngày 27/7, lưu lượng của đường ống vốn chỉ hoạt động 40% công suất, sẽ giảm xuống còn 20%. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, hành động này của Moskva càng khiến mọi người nhận thấy rằng Nga không phải là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Điện Kremlin đã hành động như vậy vào lúc châu Âu đang phải vật lộn để lấp đầy kho dự trữ khí đốt, vốn phải đạt 80% trước khi mùa Đông bắt đầu, so với mức 65% vào thời điểm hiện tại. Theo tính toán của EC, 2/3 lượng khí đốt dữ trữ sẽ chỉ đủ tiêu thụ trong vòng 46 ngày vào mùa Đông.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn nhật báo Libération, chuyên gia năng lượng Thierry Bros thuộc Trường Khoa học Chính trị Paris (Sceinces Po) cho rằng Nga sẽ không dại gì cắt toàn bộ khí đốt cung cấp cho châu Âu, bởi nếu làm vậy, Tổng thống Putin sẽ tự đánh mất thu nhập 100 triệu Euro mỗi ngày, một khoản tiền không hề nhỏ. Nhưng quan trọng nhất là điều đó sẽ chứng minh cho dự báo của EU, vốn đã lường trước một viễn cảnh như vậy.

Kể từ khi bắt đầu xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga đã chơi trò “mèo vờn chuột” với những nguyên tắc bất định. Putin là bậc thầy của trò chơi này và đó là điều mà các nước châu Âu đã thấy, khi ông yêu cầu họ thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng Ruble. Và nhiều nước do sợ bị cắt khí đốt đã đồng ý làm theo yêu cầu của Nga.

Cũng theo chuyên Bros, EU sẽ phải tìm cách giảm lượng tiêu thụ và tìm lượng khí đốt bổ sung. Châu Âu đang chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Bangladesh hay Pakistan. Các nước sản xuất khí đốt khác, như Na Uy, Azerbaijan hoặc Algeria cũng đang được châu Âu để ý và nhiều hợp đồng đã được ký kết trong những tuần gần đây, điển hình là việc bà Ursula von der Leyen đã ký một thỏa thuận ở Baku để tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan. Mỹ đã phần nào giúp EU vượt qua cuộc khủng hoảng này, cam kết sẽ cung cấp thêm 15 tỷ m3 cho châu Âu vào cuối năm nay.

“Chính trị thực dụng” của phương Tây

Vẫn về chủ đề khí đốt, xã luận của báo Libération nói về “chính trị thực dụng” của các nhà lãnh đạo phương Tây. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các nhà lãnh đạo vốn bị chỉ trích về các hành động vi phạm nhân quyền hay tham nhũng nay đã trở thành những người bạn yêu quý của các nước phương Tây. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong mấy tháng gần đây đã tay bắt mặt mừng với Thái tử Saudi Arabia Mohammed ben Salmane, vốn bị liệt vào danh sách đen kể từ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, trong khi cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi trước khi từ chức đã được Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tiếp đón nồng hậu ở Alger.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp đón người đồng cấp Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohammed ben Zayed Al Nahyane. Thực ra không phải phương Tây đã thay đổi đường lối chính trị, mà đây chỉ là “chính trị thực dụng”. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện năng lượng thế giới. Phương Tây và châu Âu chợt nhận ra họ đã quá phụ thuộc vào Nga. Do mức độ phụ thuộc khí đốt Nga của các quốc gia thành viên EU không giống nhau, nhiều nước đã quyết định tự đàm phán với các nhà cung cấp khác. Liệu việc EU ký một hợp đồng 30 năm (một điều kiện do các nhà cung cấp yêu cầu) với các quốc gia như Algeria hoặc Saudi Arabia có hợp lý hay không khi mục tiêu cuối cùng là giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch? Vì không lường trước được những gì sẽ xảy ra, châu Âu giờ đây sẽ chỉ có một lựa chọn là đoàn kết và giảm tiêu thụ năng lượng.

Vũ khí chiến lược để Putin phản công EU

Điều khiển đóng mở van cấp khí đốt cho châu Âu theo ý muốn như đòn cân não phương Tây, Tổng thống Nga Putin đang có trong tay thứ vũ khí chiến lược để phản công lại các lệnh trừng phạt kinh tế của EU. Sau 10 ngày ngừng hoạt động để bảo dưỡng, đường  ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 đã trở lại hoạt động. Nhưng chỉ chưa đầy 5 ngày sau, ngày 25/7, Tập đoàn Gazprom, nhà cung cấp khí đốt duy nhất của Nga cho châu Âu, thông báo từ ngày 27/7 giảm 33 triệu m3 khí đốt cung cấp cho châu Âu, mỗi ngày qua đường ống này. Lý do là lệnh cấm vận ảnh hưởng đến turbin nén khí đang bảo trì. Tháng 6 vừa qua, Nga đã 2 lần cắt giảm khối lượng khí cung cấp cho châu Âu cũng với lý do tương tự. Các nước EU, giờ đây rơi vào cảnh không biết lúc nào bị Nga cắt hẳn nguồn cung cấp khí đốt, đang ráo riết tìm mọi giải pháp ứng phó, từ việc đổ xô tìm nguồn cung thay thế từ Azerbaijan, Algeria, đến các quốc gia Arab Vùng Vịnh, hay gần đây là quyết định cắt giảm tiêu thụ để tích trữ cho mùa Đông tới cũng như về lâu dài.

Trước cuộc chiến tranh ở Ukraine, hơn 40% nhiên liệu tiêu thụ tại châu Âu là do Gazprom cung cấp, giờ đây khối lượng này chỉ còn 20%. Con số giảm còn một nửa này không phải là nỗ lực của EU muốn thoát khỏi phụ thuộc vào khí đốt Nga, mà đó là do trò chơi đóng mở van cấp khí đốt cho các nước EU của chủ nhân Điện Kremlin để phản công các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga.

Trong cuộc đọ sức với phương Tây, Putin nhanh chóng hiểu rằng khí đốt Nga là thứ vũ khí hiệu quả để chống lại châu Âu, lúc này đang tìm cách cô lập, gây áp lực tối đa để Kremlin dừng cuộc phiêu lưu quân sự ở Ukraine. Điệm Kremlin tin rằng với lá bài khí đốt, Nga có thể đẩy châu Âu vào hoàn cảnh bất định về năng lượng. Kinh tế bất ổn tất sẽ dẫn đến bùng phát phong trào xã hội chống chính phủ, như kiểu phong trào “Áo vàng” ở Pháp. Mặt khác, rơi vào tình trạng bất an về năng lượng sẽ khiến các nước châu Âu bị chia rẽ, đặc biệt trong các chủ trương trừng phạt mới đối với Nga.

Theo giới quan sát, các nước EU đang rơi vào cái bẫy khí đốt Nga do chính họ giăng ra. Từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, Brussels đã nhiều lần dọa Moskva rằng EU sẽ chấm dứt hoàn toàn lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Nhưng những hậu quả về kinh tế, xã hội nhãn tiền của một chính sách triệt để như vậy đã khiến một số nước, đặc biệt là Đức hay Hungary, ngăn cản hoặc do dự.

Với Nga, hậu quả tài chính không phải là lớn khi giảm hay không còn nguồn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Trái lại, tạo ra tình trạng khan hiếm khí đốt sẽ đẩy giá khí đốt lên cao, bù đắp cho khối lượng xuất khẩu giảm. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhờ vào việc hạn chế cũng như đe dọa ngừng cấp khí đốt, năm nay Nga có thể sẽ tăng gấp đôi thu nhập từ khí đốt.

EU trước nguy cơ khủng hoảng, hơn bao giờ hết cần đoàn kết. Nhưng Putin đã sử dụng khí đốt là vũ khí để chia rẽ các nước trong liên minh. Chẳng hạn, ngay sau khi Brussels đề nghị các nước nhất trí cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt, lãnh đạo ngoại giao Hungary đã vội vàng có chuyến công du Moskva, mục đích chính là để mua thêm khí đốt của Nga. Budapest lâu nay luôn phản đối chủ trương trừng phạt của EU và dường như chưa bao giờ có ý định thoát khỏi lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Trước khả năng kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra là Nga cắt hoàn toàn khí đốt, chiến lược của châu Âu nhằm vào 3 hướng: Thay thế nguồn khí đốt Nga, đoàn kết và tiết kiệm năng lượng. Kịch bản tồi tệ đó sẽ đẩy châu Âu vào suy thoái kinh tế, khủng hoảng xã hội, rối ren chính trị và khiến EU suy yếu.

Putin giờ đây mất hướng về chiến trường miền Đông Ukraine, nhưng tay luôn đặt trên khóa van đường ống dẫn khí sang châu Âu, sẵn sàng ra đòn cân não với phương Tây. Chuyên gia về chính sách năng lượng châu Âu Simone Tagliapetra nhận định: “Châu Âu đang ở giữa cơn bão năng lượng và có thể sẽ không có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cho mùa Đông này. Rõ ràng là chiến lược của Putin là làm suy yếu sự hậu thuẫn của châu Âu cho Ukraine bằng cách dùng khí đốt như một thứ vũ khí”.

Nguồn: TKNB – 29/07/2022

Việt Nam sẽ xem xét lại việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân


Theo báo Kommersant, các nhà chức trách Việt Nam muốn tính toán lại việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở phía Nam của đất nước để đảm bảo an ninh năng lượng. Vấn đề này được truyền thông địa phương đề cập sau phiên họp gần đây của Ủy ban về các vấn đề kinh tế của Quốc hội Việt Nam.

Giới chức Việt Nam lưu ý rằng họ có kế hoạch nghiên cứu khởi động lại dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, phía Đông Nam của đất nước. Dự án này bị từ bỏ vào năm 2016 để chuyển sang sản xuất than và khí đốt. Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh của chương trình nghị sự về khí hậu, Việt Nam muốn từ bỏ dự án điện từ than vốn chiếm 50% trong cán cân năng lượng. Ngoài ra, năng lượng hạt nhân một lần nữa được cho là có lợi hơn trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng.

Việt Nam lần đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng điện hạt nhân vào năm 2006 do nhu cầu về điện ngày càng tăng. Ban đầu, Việt Nam muốn vận hành lò phản ứng đầu tiên vào năm 2020 và đến năm 2030 sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất 15 GW. Năm 2011, Nga và Việt Nam đã ký một thỏa thuận về việc xây dựng hai tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận – 1 với công suất 2,4 GW. Tổng chi phí dự án 10 tỷ USD, trong đó khoản vay của nhà nước Nga là 8 tỷ USD. Việt Nam cũng muốn xây dựng thêm hai tổ máy bổ sung với công suất 2,4 GW theo dự án đầu tư của tập đoàn JINED Nhật Bản với trị giá 11 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ ký hợp đồng chắc chắn với bất kỳ ai.

Vào năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã hoãn việc phát triển điện hạt nhân trong 4 năm do các cuộc đàm phán về kinh phí, và vào năm 2016, chính phủ đã tuyên bố đóng băng kế hoạch trong thời gian không xác định. Sau đó, các nhà chức trách Việt Nam đã giải thích quyết định của họ bằng các dự báo thấp hơn về nhu cầu điện, cũng như “điều kiện kinh tế”, cụ thể là mức nợ công nước ngoài cao, vào thời điểm đó đã lên đến 65% GDP. Thay vì các nhà máy điện hạt nhân đắt tiền, Quốc hội đề xuất xây dựng 6 GW điện than và các trạm khí đốt vào năm 2030.

Mùa Hè năm 2020, truyền thông địa phương cho rằng Hà Nội có thể quay trở lại ý tưởng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, từ bỏ hoàn toàn điện than. Theo các kế hoạch đang được thảo luận, đơn vị điện đầu tiên có thể được xây dựng vào năm 2035 với mức công suất tăng lên 5 GW vào năm 2045. Hiện nay, sản lượng phát điện từ than trong cán cân năng lượng của Việt Nam chiếm khoảng 50% với sản lượng phát khoảng 119 TWh mỗi năm (1 TWh (Terawatt/giờ) = 1.000.000 MWh), tỷ trọng của các nhà máy nhiệt điện khí khoảng 18% (42,5 TWh), khoảng 1/3 sản lượng đến từ thủy điện (66 TWh). Tổng sản lượng năm 2019 là 238 TWh và mức tiêu thụ là 209 TWh.

Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nga Ekaterina Kvasha cho biết, Việt Nam quay trở lại xem xét xây dựng nhà máy điện hạt nhân chủ yếu là do giá nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng. Ngoài ra, vào đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đưa năng lượng hạt nhân vào phân loại của EU, tức là công nhận năng lượng hạt nhân là năng lượng sạch và xanh. Bằng cách này, Việt Nam sẽ có thể giảm thiểu rủi ro do chi phí phát điện cao và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chuyên gia Ekaterina Kvasha tin rằng “việc lựa chọn công nghệ và đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ phụ thuộc vào tình hình chính trị trên thế giới, như thường diễn ra trong các dự án lớn”.

Hiện tại, Tập đoàn công nghệ hạt nhân Rosatom có dnah mục xuất khẩu lớn nhất thế giới về xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, và các tập đoàn Trung Quốc và KEPCO của Hàn Quốc cũng đang tích cực tham gia vào thị trường này. Các công ty Mỹ và EU đã xây dựng rất ít tổ máy trong thập kỷ qua.

Trong bài phân tích được đăng trên trang mạng của Trung tâm Carnegie Moskva, nhà nghiên cứu Việt Nam Anton Svetsov cho rằng Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng đối với chiến lược xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân của Nga. Ông tin tưởng Rosatom có thể trở thành một đầu tầu mới trong hợp tác song phương, hình thành một ngành công nghiệp công nghệ cao mới và là một bước đột phá cho Việt Nam cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Theo nghĩa rộng hơn, việc xây dựng thực tế một nhà máy điện hạt nhân ở Đông Nam Á có thể là một đóng góp nghiêm túc vào chiến lược hiện diện của Nga ở khu vực này, ngoài các dự án trong lĩnh vực dầu khí và xuất khẩu vũ khí.

Theo ông Anton Svetsov, câu chuyện hủy bỏ dự án điện hạt nhân trước đây của Nga tại Việt Nam không phải là chuyện Nga mất gì hay không thực hiện thành công dự án kinh tế đối ngoại ở châu Á. Ngược lại, đây là lời đề nghị có chất lượng cao với công nghệ tiên tiến và phù hợp thực tế của Nga, nhưng hợp đồng đã không thành công do một tình huống không may. Điều làm cho sự mất mát này càng đáng chú ý là bởi sự thiếu vắng các dự án khác có trình độ tương tự của Nga ở Đông Nam Á.

Nguồn: TKNB – 15/06/2022

Kinh tế châu Âu vật lộn với cú sốc năng lượng nghiêm trọng


Theo tờ The Economist ngày 6/6, nền kinh tế châu Âu đang phải vật lộn với cú sốc năng lượng nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa rơi vào vòng suy thoái.

Trong khoảng thời gian tốt nhất trước đây, lãi suất chạm đáy dường như là một thực tế của cuộc sống ở khu vực đồng euro – cũng như lạm phát thấp. Giờ đây, giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ hàng năm vượt quá 8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các thành viên của hội đồng quản trị ngân hàng đã bắt đầu báo hiệu ý định tăng lãi suất sớm, một thông điệp mà họ nhiều khả năng sẽ tái khẳng định tại cuộc họp họp chính sách tiền tệ vào ngày 9/6 tới. Tuy nhiên, ECB lại đang ở một tình thế khó khăn: không chỉ giành giật với giá cả tăng vọt, vốn có thể biện hộ cho việc nâng tỷ lệ lãi suất nhanh chóng mà còn đối mặt với viễn cảnh tăng trưởng ảm đạm hơn.

Nguyên nhân sâu xa của cả hai diễn biến này là một cú sốc giá năng lượng nghiêm trọng. Giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng trước khi Nga xâm lược Ukraine; và cuộc chiến này đã khiến giá cả vẫn tiếp tục tăng vọt. Giá hàng hóa tăng cao đã đóng vai trò lớn hơn nhiều trong việc đẩy lạm phát giá tiêu dùng ở châu Âu lên cao hơn ở Mỹ, nơi mà các biện pháp kích thích hào phóng cũng là một thủ phạm. Theo Ngân hàng Goldman Sachs, giá năng lượng ở khu vực đồng euro – vốn tăng với tốc độ hàng năm là 39% vào tháng 5 – đang đóng góp khoảng 4 điểm phần trăm vào lạm phát chính, so với 2 điểm ở Mỹ.

Các tác động đang bắt đầu lan sang những giá tiêu dùng khác. Lạm phát “cốt lõi” không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng nhanh hơn trong khu vực đồng euro vào tháng 5 so với dự đoán của các nhà kinh tế. Giá sản xuất của Đức tăng ở mức kỷ lục 33,5% trong tháng 4, so với năm 2021, bắt nguồn không chỉ bởi năng lượng mà còn cả hàng hóa trung gian sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như kim loại, xi măng và hóa chất. Kết quả của tất cả những điều này tạo ra một tác động lớn đối với chi phí của các doanh nghiệp và sức mua của các hộ gia đình. Tình trạng này gây nguy hiểm đến mức nào đối với nền kinh tế của khu vực đồng euro?

Hậu quả của cú sốc năng lượng là thu nhập thực tế của các hộ gia đình thấp đi. Tăng trưởng tiền lương tăng khiêm tốn trong toàn khu vực, nhưng vẫn xếp hàng sau lạm phát. Một số người sử dụng lao động đã thanh toán một lần cho người lao động để bù đắp cho họ do giá cả tăng cao. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, tăng trưởng lương hàng năm ở Hà Lan chỉ ở mức 2,8% trong tháng 5, bất chấp tâm lý kinh doanh mạnh mẽ và thị trường lao động eo hẹp.

Theo một nghĩa nào đó, đây lại là một tin tốt đối với ECB vì điều này làm giảm nguy cơ xảy ra vòng xoáy giá tiền lương. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ dẫn đến mức tiêu dùng thấp hơn, làm suy yếu phần còn lại của nền kinh tế.

Nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn do các đợt đóng cửa gần đây của Trung Quốc và giá năng lượng cao đang gây tổn hại cho các doanh nghiệp, trong đó, Đức vào Đông Âu có vẻ dễ bị tổn thương nhất, qua đó dẫn đến suy thoái công nghiệp. Đơn đặt hàng mới cho các nhà sản xuất của khu vực này trong tháng 5 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, qua đó cho thấy nhu cầu yếu hơn. Do đó, các nhà kinh tế nhận định mức tăng trưởng chậm hơn trong những năm còn lại bởi một số bộ phận của nền kinh tế phải đối mặt với cú sốc năng lượng từ vị thế mạnh. Nhiều công ty dịch vụ vẫn đang gặt hái thành quả từ việc mở cửa trở lại và chấm dứt các hoạt động giãn cách liên quan đến biến thể Omicron. Các quốc gia phía Nam đang được hưởng lợi nhiều nhất do phụ thuộc vào du lịch. Ở Tây Ban Nha, những người phương Bắc tìm kiếm ánh năng Mặt Trời gần như đạt đến mức trước đại dịch hồi tháng 4. Nhìn chung, tâm lý kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ vẫn mạnh mẽ, với nhiều công ty báo cáo lượng công việc tồn đọng ngày càng tăng.

Thị trường việc làm vẫn rất dồi dào. Trong toàn khối, cứ 100 việc làm thì có 3 vị trí tuyển dụng trong quý I/2022, một mức cao theo tiêu chuẩn lịch sử. Kỳ vọng tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn vững chắc, mặc dù hơi yếu hơn kể từ khi bắt đầu xung đột tại Ukraine. Theo ước tính, hơn một trong 4 doanh nghiệp ở châu Âu nói rằng việc thiếu nhân viên đang ngăn cản họ sản xuất nhiều hơn.

Việc tích trữ các khoản tiết kiệm được tích lũy trong quá trình phong tỏa do dịch COVID-19 cũng sẽ cung cấp cho người tiêu dùng một số vùng đệm chống lại cú sốc năng lượng. Theo tính toán của The Economist, khoản tiết kiệm “vượt mức” như vậy ở Pháp và Đức lên tới khoảng 1/10 thu nhập định đoạt của các hộ gia đình trong quý đầu tiên của năm 2022. Những vùng đệm này sẽ làm giảm tác động của cú sốc năng lượng, nhưng chúng sẽ không bù đắp hoàn toàn. Đầu tiên, khoản tiết kiệm dư thừa không được phân bổ đồng đều. Chẳng hạn như ở Slovakia, tỷ lệ tiết kiệm chưa bao giờ tăng nhiều trong thời kỳ đại dịch và hiện đang ở mức thấp hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn.

Nhiều chính phủ đã đưa ra các chương trình chi tiêu lớn để bảo vệ các hộ gia đình khỏi giá năng lượng cao. Theo tổ chức tư vấn Bruegel, Đức, Pháp, Italy và những nước khác đang chi tiêu từ 1% đến 2% GDP. Tuy nhiên, không phải tất cả những điều đó đều được nhắm mục tiêu tốt. Phần lớn trong số đó sẽ cứu trợ cho các hộ gia đình khá giả không cần đến nó; các biện pháp khác liên quan đến việc can thiệp vào giá cả, với một số lợi ích sẽ thuộc về các nhà cung cấp năng lượng.

Ngay cả khi khu vực đồng euro không bị suy thoái thì cú sốc năng lượng vẫn là lực cản đối với tăng trưởng. ECB phải đối mặt với một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” không thể giải quyết. Với việc lạm phát gia tăng do giá thực phẩm và năng lượng, nền kinh tế châu Âu ngày càng suy yếu.

Nguồn: TKNB – 09/06/2022

Sau COP26, Việt Nam có thể vực dậy năng lượng sạch?


Trang South China Morning Post của Hong Kong ngày 8/5 đăng bài cho rằng ngành năng lượng mặt trời của Việt Nam tăng trưởng mạnh, song chính sách chậm trễ đang khiến các nhà đầu tư lo lắng. Kinh nghiệm của Trung Quốc có thể mang lại bài học kinh nghiệm, song Hà Nội vẫn cảnh giác với việc để nhà đầu tư Trung Quốc tham gia các dự án được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.

5 năm kể từ khi Hà Nội triển khai các chính sách khuyến khích sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió – đóng góp khoảng 1/10 tổng sản lượng điện vào cuối năm 2021, ngành công nghiệp này hiện đang đi vào bế tắc. Việt Nam chủ yếu dựa vào thủy điện, than và khí đốt tự nhiên để sản xuất điện. Việt Nam nhập khẩu than và từ năm nay sẽ nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Việt Nam cũng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

Zhou Xizhou, chuyên gia lĩnh vực năng lượng đang làm việc tại S&P Gobal, cho biết nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời kỳ hậu đại dịch và ước tính mức tăng trung b2inh sẽ là 5% mỗi năm cho đến năm 2030.

Tình trạng lấp lửng

Tháng 01/2022, Bộ Công Thương đề xuất tạm dừng phê duyệt đầu tư đối với các dự án điện mặt trời và điện gió chưa được thực hiện. Các nhà phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió cho rằng họ bị nhà nước “bỏ rơi” với tương lai không rõ ràng về các kế hoạch mua điện và băn khoăn liệu họ có nên tiếp tục kinh doanh hay không.

Giám đốc một công ty Đài Loan đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ở châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ cho biết việc thiếu khả năng dự đoán gây khó khăn cho các nhà đầu tư: “Giữa các lần thông báo về chính sách mới, có khoảng trống chính sách kéo dài hàng tháng hoặc hơn một năm”. Ví dụ, biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn chỉ vừa mới được công bố vào tháng 4/2020 – 10 thág sau khi các mức giá trước đó hết hạn. FIT cho các nhà phát triển thời hạn chỉ 8 tháng để hoàn thành các dự án trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Không rõ điều gì sẽ xảy ra nếu họ bỏ lỡ thời hạn.

Bài học, đầu tư từ Trung Quốc?

Liu Huan, Tổng giám đốc công ty con tại Việt Nam của Sungrow Power Supply,  một công ty năng lượng tái tạo niêm yết tại Thâm Quyến, cho biết tình hình hiện tại – với nhiều dự án cơ sở hạ tầng hỗ trợ – là điều dễ hiểu: “Chính quyền trung ương và địa phương phê duyệt nhiều đề xuất hơn mức lưới điện có thể hỗ trợ vì họ không thể biết dự án nào cuối cùng sẽ được xây dựng”.

Ông tin rằng điều này sẽ được cải thiện khi các cơ quan chức năng của Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc xử lý các dự án năng lượng tái tạo. Ông Liu Huan lấy ví dụ về bài học từ Trung Quốc – quốc gia đã thúc đẩy đáng kể việc sản xuất điện gió và mặt trời thông qua FiTs từ năm 2009: “Qua nhiều năm phát triển năng lượng tái tạo, nhà chức trách nhận thức được mức độ tin cậy của từng doanh nghiệp địa phương và thị trường đã dần loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ hơn và có vấn đề”.

Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng Xanh (CEGR) – tổ chức nghiên cứu và tư vấn phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Nội, cho biết Bộ Công thương hiện đang xây dựng quy hoạch phát triển điện mới gọi là Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8), theo đó, vạch ra kế hoạch phát triển điện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo ông: “Bộ đang giới thiệu các công cụ mô hình hiện đại để phát triển QHĐ 8”. QHĐ 8 sẽ phân tích kỹ lưỡng việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, ông Sơn chỉ ra rằng: “Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm quốc gia nào có thể thực hiện những nghiên cứu phức tạp như Phòng thí nghiệm năng lược tái tạo quốc gia (NREL) hay Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley ở Mỹ. NREL có siêu máy tính của riêng mình và do đó có thể tiến hành mô phỏng hệ thống điện quốc gia trong vòng vài ngày. Nếu không có năng lực như vậy, chính phủ VIệt Nam cần tới tuần hoặc vài tháng để hoàn thành công việc đó. Do đó, nhà quy hoạch điện của Việt Nam cần tạm thời cắt bỏ việc phê duyệt dự án để tiến hành phân tích tình huống cơ sở”.

Bà Vũ Chi Mai, Trưởng bộ phận năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng tại Cơ quan hợp tác quốc tế Đức, cho biết Tập đoàn điện lực Việt Nam và chính phủ đã chủ động giải quyết vấn đề bằng cách đề xuất các thay đổi pháp lý để cho phép các nhà phát triển tư nhân đầu tư vào mạng lưới truyền tải điện. Những người trong ngành cho biết Chính phủ Việt Nam có thể sẽ thận trọng với các nhà đầu tư Trung Quốc do những cẳng thẳng về lãnh thổ và lịch sử giữa hia bên.

Một nhà quản lý của công ty Trung Quốc tham gia lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió của Việt Nam cho biết việc thúc đẩy các dự án điện gần bờ biển hoặc biên giới quốc gia rất “rắc rối” hoặc thậm chí là các dự án quy mô lớn vì tính nhạy cảm song phương. Ông cho biết nếu căng thẳng leo thang, những điều này có thể ảnh hưởng đến các quy trình xoay quanh dòng tiền và đầu tư xuyên biên giới.

Giám đốc CEGR Hà Đăng Sơn cho biết với bản chất của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, việc trì hoàn có thể là cần thiết để đưa ra các quyết định chính sách sáng suốt hơn: “Chúng ta phải kiên nhẫn. Quá trình chuyển đổi năng lượng đi kèm với rất nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là với năng lực của các nhà lập kế hoạch và sự phối hợp của chính phủ”.

Nguồn: TKNB – 11/05/2022

Liệu châu Âu có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga? – Phần cuối


Các nước Baltic: Đã sớm thực hiện chính sách “tách khỏi Nga, kết nối châu Âu”

Kết cấu năng lượng cơ bản của Litva: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (3%), dầu mỏ (40%), khí đốt tự nhiên (23%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (20%), năng lượng khác (14%).

Từng thuộc Liên Xô trước đây, mặc dù về chính trị đối đầu đến cùng với Chính quyền Putin, nhưng về nguồn cung năng lượng 3 nước Baltic vẫn khó tách rời hoàn toàn khỏi Nga. Về mặt địa lý, các quốc gia Tây và Bắc Âu có đường ống dẫn khí đốt đến thẳng các nước cung ứng chủ yếu như Na Uy, cũng như nhiều trạm nhập khẩu LNG, ngược lại, các quốc gia Đông Âu, Baltic và bán đảo Balkan rất khó thoát khỏi sự phụ thuộc vào đường ống vận chuyển khí đốt của Nga.

Trong đó, Litva là một trong những quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn năng lượng của Nga. Năm 2021, Litva nhập khẩu dầu, khí đốt và điện của Nga lên đến 3 tỷ euro, tỷ trọng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga lần lượt chiếm 69% và 42%.

Kết cấu năng lượng cơ bản của Litva: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (2%), dầu mỏ (37%), khí đốt tự nhiên (22%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (37%), năng lượng khác (2%).

Kết cấu năng lượng cơ bản của Estonia: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (60%), dầu mỏ (4%), khí đốt tự nhiên (8%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (24%), năng lượng khác (4%).

Trong những năm qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã phân bổ tổng cộng 1,6 tỷ euro chia thành nhiều đợt khác nhau để hỗ trợ các nước Baltic tách khỏi lưới điện của Nga, kết nối vào EU. Ngoài lưới điện sẵn sàng “tách khỏi Nga, kết nối châu Âu”, sau sự kiện Crimea năm 2014, ba quốc gia nhỏ bé sống dưới cái bóng của Liên Xô đã bắt đầu triển khai kế hoạch giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Chẳng hạn, trạm LNG nổi Klaipeda được đưa vào vận hành từ năm 2014 đã cung cấp một nửa nhu cầu thị trường khí đốt tự nhiên của các nước Baltic và Phần Lan.

Còn về Litva, năm 2021, 90% khí đốt tự nhiên nhập khẩu vẫn đến từ Nga, tuy nhiên chính phủ nước này cho biết việc nhập khẩu khối lượng lớn khí đốt tự nhiên của Nga là do giá rẻ và tiện lợi, không phải không có sự lựa chọn khác. Chỉ cần có kế hoạch phù hợp, dựa vào trạm LNG Kalipeda đã đủ đáp ứng nhu cầu của ba nước Baltic. Ngoài ra, vừa qua Estonia cũng tuyên bố thúc đẩy kế hoạch dự án năng lượng 10 năm – trạm tiếp nhận LNG nổi. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, giá mua một tàu LNG khoảng 300 triệu euro.

Bốn nước Trung Âu: Czech, Slovakia, Áo, Hungary đều có lập trường riêng

Kết cấu năng lượng cơ bản của Czech: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (34%), dầu mỏ (23%), khí đốt tự nhiên (17%), năng lượng hạt nhân (18%), năng lượng tái tạo (11%).

Chính phủ Czech vẫn chưa thể hiện lập trường về việc EU có thể cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, Thủ tướng Petr Fiala nhiều lần cho biết EU cần phải giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhưng không ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu. Khoảng 90% khí đốt tự nhiên và 50% dầu mỏ của Czech được nhập khẩu từ Nga, nước này có các mỏ than của mình và nguồn than đá nhập khẩu thêm chủ yếu đến từ Ba Lan. Các chuyên gia kinh tế của Czech cho rằng mặc dù việc cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga là vấn đề nguy hiểm đối với nền kinh tế Czech, nhưng vẫn có thể ứng phó một cách dễ dàng với lệnh cấm nhập khẩu dầu.

Kết cấu năng lượng cơ bản của Slovakia: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (17%), dầu mỏ (21%), khí đốt tự nhiên (24%), năng lượng hạt nhân (13%), năng lượng tái tạo (13%), năng lượng khác (1%).

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết nước này ủng hộ tất cả các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, bao gồm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. 87% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Slovakia được nhập khẩu từ Nga. Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulík cảnh báo lệnh cấm có thể mang lại hậu quả đối với ngành công nghiệp của Slovakia và châu Âu. Hiện nay, một trong những chính sách của Slovakia là nhập khẩu LNG thông qua các tàu chở dầu, dự kiến cuối tháng này tàu chở dầu đầu tiên sẽ về đến, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của Slovakia trong một tuần. Thủ tướng Eduard Heger nói: “Đương nhiên, chi phí sử dụng tàu chở dầu để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Mỹ đắt hơn so với sử dụng đường ống từ Nga, nhưng đây chính là cuộc sống, chúng tôi phải học cách chấp nhận”.

Kết cấu năng lượng cơ bản của Áo: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (10%), dầu mỏ (37%), khí đốt tự nhiên (22%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (30%), năng lượng khác (1%).

Tương tự như Đức, Áo phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Tân Thủ tướng Karl Nehammer cam kết ủng hộ lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, nhưng cảnh báo điều này có thể gây nên hậu quả cho Áo. 80% khí đốt tự nhiên của Áo nhập khẩu từ Nga, ngoài ra nước này còn nhập khẩu của Na Uy (10%) và Đức (5%), do đó với tỷ lệ trên, mức độ lệ thuộc của Áo vào Nga còn cao hơn cả Đức. Hiện nay, Chính phủ Áo đang xây dựng kế hoạch nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo, đồng thời tìm kiếm nguồn khí đốt tự nhiên thay thế ở Trung Đông, cũng như nguồn cung LNG, trong đó bao gồm việc vận chuyển từ bờ biển phía Bắc biển Adriatic của Italy về Áo thông qua tuyến đường ống Adria-Vienna.

Kết cấu năng lượng cơ bản của Hungary: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (8%), dầu mỏ (31%), khí đốt tự nhiên (32%), năng lượng hạt nhân (15%), năng lượng tái tạo (11%), năng lượng khác (4%).

Hungary nhập khẩu phần lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga. Thủ tướng Viktor Orban cho biết sẽ phản đối lệnh trừng phạt năng lượng của EU, ông nói: “Mặc dù chúng tôi lên án hành động xâm lược của Nga và cũng lên án chiến tranh, nhưng chúng tôi sẽ không để cho các gia đình ở Hungary phải gánh chịu hậu quả”. Năm 2021, Hungary và tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận cung ứng khí đốt tự nhiên mới với thời hạn 15 năm. Mặc dù vậy, những năm gần đây, Budapest đã bắt đầu thực hiện đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, trong đó có được nguồn cung LNG từ trạm LNG của Croatia.

Anh: Tự chủ hơn về năng lượng sau khi rời khỏi EU (Brexit)

Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (3%), dầu mỏ (40%), khí đốt tự nhiên (36%), năng lượng hạt nhân (6%), năng lượng tái tạo (15%).

Anh đã rời khỏi EU nên không còn chịu sự ràng buộc của EU về việc có trừng phạt năng lượng đối với Nga hay không, hơn nữa trên thực tế mức độ phụ thuộc của Anh vào nhập khẩu năng lượng của nước ngoài khá thấp, tỷ lệ phụ thuộc năm 2019 chỉ 35%. Đầu tiên, một nửa nguồn cung khí đốt tự nhiên Anh đến từ trong nước, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Na Uy và Qatar. Về dầu mỏ, nhập khẩu từ Nga chiếm 8% tổng nhu cầu dầu mỏ của Anh, nhưng bản thân Anh cũng là nước sản xuất quan trọng các sản phẩm dầu mỏ và dầu thô, hơn nữa cũng có thể tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ Hà Lan, Saudi Arabia và Mỹ.

Theo Cục quản lý thương mại quốc tế Mỹ (ITA), xét từ tình hình chung của thị trường và số liệu giao dịch, ngành công nghiệp năng lượng là ngành có triển vọng nhất của Anh. Anh có thị trường năng lượng hùng hậu, ngành năng lượng đã tạo ra các hoạt động kinh tế trị giá 130 tỷ USD. Lĩnh vực năng lượng cung cấp 730.000 việc làm cho nước Anh – tương đương cứ 49 việc làm trên thị trường thì có 1 việc làm trên lĩnh vực năng lượng. Chính quyền Boris Johnson thúc đẩy Anh phát triển theo hướng là một nền kinh tế carbon thấp, năm 2019, Anh trở thành nền kinh tế chủ chốt đầu tiên ban hành đạo luật để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phát triển toàn diện năng lượng tái tạo.

Do đó, về khía cạnh Anh loại bỏ năng lượng của Nga, có thể nói Johnson rất tự tin khi tuyên bố: Chính quyền Putin xâm lược phi pháp Ukraine, chúng ta sẽ giáng một đòn kinh tế đối với họ – việc Anh sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong năm nay sẽ tăng thêm một đòn trừng phạt quốc tế cứng rắn với Nga.

Các nước nhỏ của châu Âu: Chỉ có thể chờ đợi EU cứu trợ?

Một số quốc gia tương đối nhỏ ở châu Âu phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt tự nhiên của Nga, bao gồm Slovenia, Serbia, Bắc Macedonia, Bosnia và Heszegovina, Moldova, Romania, Bulgaria…, đây phần lớn là các nước thành viên của Nam Tư cũ hoặc Liên Xô trước đây, hầu hết không phải là các nước thành viên EU, do đó chắc chắn các nước này sẽ tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Liên quan đến các thành viên EU như Romania và Slovenia, tạm thời chưa có động thái tán thành có trừng phạt năng lượng đối với Nga hay không, giai đoạn hiện nay đang tập trung thảo luận mở rộng nhập khẩu từ các nguồn khác để làm giảm mức độ phụ thuộc vào Nga.

Mặt khác, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, từ năm 2015 đến nay Ukraine đã ngừng mua khí đốt tự nhiên từ Nga, chuyển sang mua khí đốt tự nhiên của EU, tuy nhiên điều này cũng chỉ đồng nghĩa với việc Ukraine thông qua EU để tái nhập khẩu khí đốt của Nga, đồng thời phản ánh thực trạng không ít nước châu Âu không nhập khẩu từ Nga về mặt số liệu sổ sách, nhưng trên thực tế năng lượng vẫn có nguồn gốc từ Nga.

Nguồn: CVĐQT – số 04/2022

Liệu châu Âu có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga? – Phần II


Pháp: Nước lớn về năng lượng hạt nhân của châu Âu

Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (4%), dầu mỏ (31%), khí đốt tự nhiên (14%), năng lượng hạt nhân (41%), năng lượng tái tạo (11%).

Pháp là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai châu Âu, chỉ xếp sau Đức, chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu do trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ít. Đồng thời, Pháp cũng là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, là nước xuất khẩu ròng điện. Phần lớn điện năng của Pháp đến từ năng lượng hạt nhân, tiếp đó là thủy điện, về cơ bản có thể tự cung tự cấp năng lượng.

Về khía cạnh nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, nguồn cung của Pháp đa dạng hơn so với Đức. Năm 2020, Pháp nhập khẩu xăng nhiều hơn dầu thô, trong đó dầu thô chủ yếu có nguồn gốc từ Kazakhstan (16%), Mỹ (16%) và Saudi Arabia (13%); sản phẩm xăng chủ yếu nhập khẩu từ Nga (18%) và Bỉ (13%). Nhìn chung, Nga vẫn là nước cung ứng lớn nhất các sản phẩm dầu thô và xăng của Pháp, các nhà cung ứng chủ yếu còn lại bao gồm Mỹ, Saudi Arabia, Algeria, Kazakhstan, các khu vực cung ứng khác nắm 50% nhu cầu của Pháp.

Nguồn cung khí đốt tự nhiên lớn nhất của Pháp là Na Uy (36%), tiếp đó là Nga (17%) và Algeria (8%). Trong khi đó, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Pháp chủ yếu đến từ Algeria (21%), Nga (21%), Nigeria (20%), tổng nguồn cung của Mỹ và Qatar chiếm khoảng 10%.

Do đó, so với Đức, sức ép trả đũa từ Nga mà Pháp đối diện không quá lớn, Chính quyền Emmanuel Macron tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc gia tăng các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga. Hơn nữa, có “sức mạnh” từ năng lượng hạt nhân, Chính phủ Pháp sẽ dốc toàn lực thúc đẩy các biện pháp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, một mặt Pháp nhanh chóng yêu cầu các nước cung ứng khác gia tăng nguồn cung dầu và khí đốt, mặt khác đưa ra các biện pháp cải cách năng lượng ở trong nước: giữa tháng 3 vừa qua, Chính quyền Emmanuel Macron tuyên bố sẽ ngừng trợ cấp cho việc lắp đặt mới các lò sưởi khí đốt tự nhiên trong khu dân cư, đồng thời tăng cường hỗ trợ đối với việc sưởi ấm bằng năng lượng tái tạo, tăng trợ cấp 1000 euro cho các hộ lắp hệ thống sưởi bơm nhiệt và sinh khối. Chính phủ sẽ cung cấp 150 triệu euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan chức năng ở các thành phố chuyển sang sưởi ấm bằng năng lượng tái tạo.

Italy: “Ngồi chung một con thuyền” với Đức

Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (5%), dầu mỏ (36%), khí đốt tự nhiên (39%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (19%), năng lượng khác (2%).

Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1987, Italy quyết định ngừng phát triển điện hạt nhân bằng một cuộc trưng cầu dân ý với số phiếu áp đảo, trở thành nền kinh tế lớn nhất không sử dụng năng lượng hạt nhân ở châu Âu, đồng thời đến nay cũng là quốc gia Tây Âu có tỷ lệ phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng cao nhất (77,5% vào năm 2019).

Hiện nay, khí đốt tự nhiên đáp ứng 40% nhu cầu năng lượng của Italy, tuy nhiên 40% khí đốt tự nhiên nhập khẩu của nước này đến từ Nga, tương đương với 3 tỷ m3/năm, muốn thoát khỏi phụ thuộc vào Nga có thể nói là khó khăn chẳng thua kém Đức. Ngoài việc tìm cách mở rộng nguồn cung từ hai nước cung ứng lớn thứ hai và thứ ba là Algeria (23%) và Na Uy (11%) thì Italy đang có kế hoạch xây dựng hai kho chứa LNG nổi (FSRU) để tăng cường nhập khẩu LNG.

Hai tàu vận chuyển LNG có tổng dung lượng hơn 10 triệu m3 sẽ được bố trí ở biển Tyrrhenus và biển Adriatic, gần các cảng hiện có cơ sở hạ tầng đường ống của Italy, tìm cách nhập khẩu LNG từ các nơi như Qatar, Mỹ, Mozambique… Đầu tháng 3, Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng Italy Roberto Cingolani cho biết ít nhất cần phải mất 3 năm mới có thể hoàn thành việc thay thế nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, tuy nhiên thông qua việc tăng cường nhập khẩu LNG có thể thay thế 2 tỷ m3 trong trung hạn.

Năm 2020, lượng sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo (38%) của các nước EU đã lần đầu tiên vượt qua nhiên liệu hóa thạch (34%), tuy nhiên tỷ trọng của năng lượng tái tạo ở Italy lại khá thấp, thấp hơn mức bình quân 22% của châu Âu. Cùng với chiến tranh Ukraine và cuộc chiến trừng phạt diễn ra, Chính phủ Italy đã nhanh chóng phê chuẩn nhiều dự án năng lượng tái tạo lớn, tuy nhiên để làm được điều này cần phải có thời gian. Mặc dù Thủ tướng Italy Mario Draghi tạm thời chưa thể hiện lập trường về việc liệu có trừng phạt năng lượng đối với Nga hay không, nhưng nhiều khả năng là chỉ đồng ý cấm nhập khẩu dầu. Đối với Italy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay luôn là tìm kiếm nguồn cung thay thế, nhưng điều không may là đây không phải là điều có thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Hà Lan: “Kẻ thừa kế giàu có” cũng gặp rắc rối về năng lượng

Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (11%), dầu mỏ (35%), khí đốt tự nhiên (38%), năng lượng hạt nhân (3%), năng lượng tái tạo (8%), năng lượng khác (5%).

Như đã đề cập ở trên, trữ lượng năng lượng hóa thạch của châu Âu ít nhất toàn cầu, nhưng trong đó có một “kẻ thừa kế giàu có”, chính là Hà Lan. Một mặt nước này cùng Anh, Na Uy, Đan Mạch chia sẻ các giếng dầu ở Bắc Hải, mặt khác lại có giếng khí đốt Groningen lớn nhất EU, nên Hà Lan không thiếu năng lượng. Tuy nhiên, do khai thác quá mức giếng khí đốt Groningen từ thập niên 1960 đến nay đã khiến mặt đất của tỉnh này chìm xuống, cường độ và tần suất động đất của khu vực phía Bắc trong mấy thập niên trở lại đây không ngừng tăng lên, đe dọa an toàn tính mạng của người dân bản địa. Trước sự phản đối mạnh mẽ của người dân, năm 2019 cơ quan quản lý chức năng quyết định đóng cửa giếng khí đốt vào năm 2022, sớm hơn 8 năm so với dự kiến vào năm 2030. Kể từ năm 2018, Hà Lan đã chuyển từ nước xuất khẩu ròng sang nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên.

So với năm 2000, tỷ lệ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Hà Lan chỉ là 38%, nhưng năm 2019 đã tăng vọt lên 64%, chỉ đứng sau Đức ở châu Âu, hiện nay ngay cả công ty Shell cũng phải dựa vào nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga để duy trì hoạt động, trong đó khí đốt của Nga chiếm tới 30% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Hà Lan.

Hiện nay, Hà Lan chỉ có một nhà máy điện hạt nhân và một trạm LNG. Hai năm qua, các cơ quan chức năng của Hà Lan gấp rút theo đuổi phát triển năng lượng tái tạo, hy vọng từng bước giảm thiểu việc sử dụng khí đốt tự nhiên. Số liệu mới nhất của năm 2020 cho thấy tỷ trọng năng lượng tái tạo của Hà Lan đã đạt 11,1%.

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine đến nay, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng lên mức chưa từng có, mặc dù vậy Chính phủ Hà Lan vẫn hết sức thận trọng đối với việc khai thác lại giếng khí đốt Groningen. Cuối tháng 2, Thủ tướng Mark Rutte cho biết: không thể để 100.000 – 200.000 người dân phải đối diện với rủi ro động đất lớn hơn vì giảm giá khí đốt. Tuy nhiên, Mark Rutte không loại trừ khả năng thay đổi lập trường liên quan, ông nói “Đây là tình huống cuối cùng, cũng là kịch bản cuối cùng nếu đột nhiên không có khí lưu chuyển từ các đường ống trong nhà”.

Mark Rutte cũng phản đối việc EU trừng phạt năng lượng của Nga. Trước khi xảy ra tình huống và kịch bản cuối cùng nêu trên, về cơ bản Hà Lan vẫn có khuynh hướng dựa vào nhập khẩu để giải quyết nhu cầu, và Nga đang là nhà cung cấp không thể thiếu.

Ba Lan: Than đá, khí đốt, đều dựa hoàn toàn vào Nga, liệu có thực sự ổn định?

Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (42%), dầu mỏ (30%), khí đốt tự nhiên (15%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (12%), năng lượng khác (1%).

Là nước láng giềng tốt của Ukraine, Ba Lan có phản ứng mạnh mẽ nhất đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, hàng triệu người tị nạn đã tràn vào nước này và được các gia đình mở rộng vòng tay chào đón. Chính phủ Ba Lan đứng ở “tuyến đầu chống Nga”, yêu cầu mạnh mẽ EU cấm nhập khẩu toàn bộ năng lượng của Nga. Tuy nhiên, là quốc gia có dân số đông thứ 5 của EU, sự tự tin về năng lượng của Nga dường như không đủ. Một đặc trưng trong kết cấu năng lượng của Ba Lan là tỷ lệ sử dụng than đá vẫn khá cao, chiếm 42% vào năm 2019, chỉ đứng sau Estonia (60%) trong số các nước thành viên EU. Nguồn cung điện lực của Ba Lan phụ thuộc đến 70% vào than đá.

Hiện nay, khí đốt tự nhiên của Nga chiếm khoảng 55% tổng lượng nhập khẩu của Ba Lan, hơn nữa dầu mỏ và than đá của Nga lại chiếm đến 67% và 75% khối lượng nhập khẩu của nước này, đủ thấy nhu cầu cơ bản về năng lượng của Ba Lan cũng phụ thuộc vào Nga rất nhiều. Để theo đuổi mục tiêu giảm phát thải carbon do EU đưa ra, Ba Lan luôn tìm cách nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn để thay thế than đá trong thập kỷ này. Cùng với việc hợp đồng dài hạn của Ba Lan với tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay, Ba Lan đã có sự chuẩn bị nhất định: ngoài tăng cường nhập khẩu LNG của Mỹ, tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên nối với Na Uy sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 11 năm nay.

Trong chương trình cải cách năng lượng dài hơi, điện hạt nhân sẽ là trụ cột. Chính quyền Warsaw có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong năm tới, đồng thời dự kiến Ba Lan có thể sản xuất 6 – 9 GW điện hạt nhân vào năm 2043, chiếm 10% tổng sản lượng điện, tổng kinh phí đầu tư xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ước tính lên đến 22,5 tỷ euro.

Mặc dù nỗi ám ảnh của Ba Lan về thảm họa hạt nhân Chernobyl trong những năm 1980 sâu đậm hơn nhiều quốc gia châu Âu, nhưng phát triển điện hạt nhân dường như là con đường tất yếu, chính phủ hiện tại coi năng lượng hạt nhân là một khâu then chốt để thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá. Trong đó, Ba Lan có ý định đặt nhà máy điện hạt nhân ở khu vực sông Oder gần biên giới Đức – Ba Lan. Là quốc gia đang có kế hoạch loại bỏ điện hạt nhân, Đức cảm thấy lo ngại đối với các nhà máy điện hạt nhân. Trong chuyến thăm Ba Lan gần đây, Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke – người thuộc đảng Xanh chủ trương loại bỏ năng lượng hạt nhân đã phát biểu rằng không loại trừ khả năng sử dụng công cụ pháp lý: theo quan điểm của Berlin, năng lượng hạt nhân vừa không tốt vừa không an toàn. Nếu các lò phản ứng hạt nhân được xây dựng ở Ba Lan, chúng tôi sẽ sử dụng các văn bản pháp lý thích hợp để theo đuổi đến cùng… Ở cấp độ châu Âu, điều này không cần nói”.

(còn tiếp)

Nguồn: CVĐQT – số 04/2022

Liệu châu Âu có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga? – Phần I


Theo trang mạng hk01.com mới đây, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã kéo dài hơn 1 tháng, Mỹ đã tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt năng lượng đối với Nga, cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga. Tuy nhiên, do các đồng minh châu Âu luôn phụ thuộc sâu sắc vào nguồn năng lượng của Nga, hơn nữa mức độ phụ thuộc của các nước khác nhau, nên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được đồng thuận về mức độ trừng phạt.

Các nước thành viên EU đều có toan tính riêng trong vấn đề trừng phạt toàn diện năng lượng của Nga, cấm nhập khẩu dầu mỏ nhưng không cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên. Đặc biệt là trong bối cảnh châu Âu thúc đẩy cắt giảm phát thải carbon, nhập khẩu khí đốt thiên nhiên vẫn là trụ cột quan trọng trong kết cấu năng lượng của nhiều nước, các nước đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm phương án thay thế, nhưng liệu điều này có dễ dàng thực hiện nay không?

Khái quát tình hình năng lượng của EU

Năm 2019, EU chỉ tự sản xuất được 39% trong tổng mức năng lượng đã sử dụng của mình, 61% còn lại được nhập khẩu từ nước thứ ba, kết cấu năng lượng chủ yếu được hình thành từ 5 nguồn lớn, bao gồm 36% sản phẩm dầu mỏ (xăng, dầu diesel, dầu FO (dầu mazut)…), 22% khí đốt tự nhiên, 15% năng lượng tái tạo, 13% năng lượng hạt nhân và 13% nhiêu liệu hóa thạch thể rắn.

Trong kết cấu năng lượng nhập khẩu của EU, sản phẩm dầu mỏ chiếm 2/3, sau đó là khí đốt tự nhiên (27%) và nhiên liệu hóa thạch thể rắn (6%). Hơn nữa, Nga là nước cung ứng lớn duy nhất của ba loại năng lượng này. Lấy số liệu năm 2019 làm ví dụ, tỷ lệ dầu thô là 27%, khí đốt tự nhiên là 41% và nhiên liệu hóa thạch thể rắn (chủ yếu là than đá) là 47%. Nước mà EU có mức độ phụ thuộc tiếp sau chính là dầu thô và khí đốt tự nhiên của Na Uy.

EU phụ thuộc như thế nào vào năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài? Tỷ lệ phụ thuộc là tỷ lệ nhập khẩu ròng trong tổng mức tiêu thụ năng lượng. Trong 20 năm qua, mức độ phụ thuộc của EU đối với năng lượng bên ngoài đã tăng lên đáng kế, tỷ lệ phụ thuộc tăng từ 56% năm 2000 lên 61% vào năm 2019. Hơn nữa, mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài của 27 quốc gia thành viên EU cũng khác nhau.

Ngoại trừ các nước nhỏ như Malta, Luxembourg, Cyprus có tỷ lệ phụ thuộc rất cao (nhập khẩu trên 90% năng lượng), những nước có tỷ lệ nhập khẩu năng lượng cao bao gồm Italy (77%), Bỉ (77%), Litva (75%), Tây Ban Nha (75%), Hy Lạp (74%), Bồ Đào Nha (74%), tỷ lệ liên quan của Áo, Slovakia, Hungary, Ireland, Đức và Hà Lan cũng đều trên 64%. Bản thân Na Uy ở khu vực Bắc Âu là nước xuất khẩu ròng năng lượng, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cua Thụy Điển đạt đến 40%, cộng thêm 30% sử dụng năng lượng hạt nhân nên mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu khá thấp.

Hơn nữa tỷ trọng năng lượng giữa các nước thành viên có sự khác biệt rất lớn. Một số nước phụ thuộc nhiều vào sản phẩm dầu mỏ, chẳng hạn như Cyprus (90%), Malta (87%) và Luxembourg (65%). Trong khi đó, khí đốt tự nhiên lại chiếm hơn 1/3 trong kết cấu năng lượng của Italy và Hà Lan. Tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch thể rắn được sử dụng ở Estonia và Ba Lan lần lượt chiếm 60% và 43%. Pháp và Thụy Điển là những cường quốc về năng lượng hạt nhân, năng lượng hạt nhân là nguồn điện lớn nhất. Ở EU, Thụy Điển và Latvia là hai nước sử dụng năng lượng tái tạo khá sớm, tỷ lệ lần lượt chiếm 41% và 37%.

Để bước trên con đường tự chủ năng lượng là vấn đề không dễ dàng đối với châu Âu. Châu Âu có thể gọi là “vốn liếng nghèo nàn” so với các khu vực khác về năng lượng hóa thạch. Theo số liệu của công ty dầu mỏ (BP) của Anh, tính đến năm 2020, trong trữ lượng năng lượng hóa thạch đã thăm dò được trên toàn cầu, trữ lượng năng lượng hóa thạch của châu Âu thấp nhất thế giới, tỷ trọng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chỉ lần lượt chiếm 1% và 2% toàn cầu. Ngược lại, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cảu khu vực Trung Đông lần lượt chiếm 46% và 40%, trong khi trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của khu vực Bắc Mỹ cũng lần lượt chiếm 15% và 8% toàn cầu.

Trong những năm gần đây, để theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon của EU, các nước tích cực phát triển năng lượng tái tạo, cam kết từng bước loại bỏ phát điện bằng than đá, bên cạnh việc hai nguồn năng lượng tăng giảm trái chiều, trong giai đoạn hiện nay dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trở thành “trụ cột” trong kết cấu năng lượng của các nước. Hơn nữa, các nước có quan điểm khác nhau đối với việc sử dụng năng lượng hạt nhân, ngoài Pháp và Thụy Điển được mệnh danh là cường quốc năng lượng hạt nhân, chỉ có 10 nước thành viên khác của EU vẫn còn sử dụng năng lượng hạt nhân (phần lớn là các nước Đông Âu), trong đó một số nước có chủ trương sẽ loại bỏ trong thời gian tới. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga – Ukraine lần này có thể làm đảo lộn kế hoạch năng lượng của châu Âu, làm xoay chuyển xu thế chung về xóa bỏ điện hạt nhân trước đó.

Do đó, trong cuộc khủng hoảng Ukraine lần này, e rằng bên bị tổn thất không chỉ có Ukraine, mà còn có châu Âu từ lâu luôn phụ thuộc sâu sắc vào nguồn năng lượng của Nga.

Đức: Phụ thuộc hoàn toàn vào Nga

Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (20%), dầu mỏ (36%), khí đốt tự nhiên (24%), năng lượng hạt nhân (6%), năng lượng tái tạo (14%).

Than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm 80% trong kết cấu năng lượng của Đức, tầm quan trọng của ba loại năng lượng này tương đương nhau, hơn nữa Nga là nhà cung ứng lớn nhất ba loại năng lượng này của Đức, trong đó các sản phẩm dầu mỏ chiếm 30% và khí đốt tự nhiên chiếm đến 66%.

Những năm gần đây, Đức liên tiếp chịu tác động của thời tiết cực đoan và lũ lụt nghiêm trọng, nên giảm phát thải carbon và biến đổi khí hậu nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Chính phủ Đức vốn đã thiết kế mục tiêu loại bỏ sản xuất điện từ than đá vào năm 2030, cộng thêm tác động của thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, tiếng nói phản đối hạt nhân ở Đức tăng cao, vậy nên tháng 5/2011 Chính quyền Angela Markel tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trước tháng 12/2022.

Do đó, trong 10 năm qua, tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên, phát tiển năng lượng tái tạo đã trở thành phương hướng chuyển đổi kết cấu năng lượng tái tạo đã trở thành phương hướng chuyển đổi kết cấu năng lượng của Đức. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hợp tác với Nga dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay sẽ giúp lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên có hy vọng tăng gấp đôi, hai mục tiêu lớn là loại bỏ năng lượng hạt nhân và than đá đều có khả năng thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề Ukraine lại đã làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch triển khai của Chính phủ Đức.

Cần biết rằng 60% khí đốt tự nhiên của Đức do Nga cung cấp, hai nhà cung ứng lớn thứ hai và thứ ba là Na Uy (21%) và Hà Lan (12%) cộng lại cũng chỉ bằng một nửa nguồn cung của Nga, muốn mở rộng nguồn cung là điều vô cùng khó khăn, bởi vì nếu Nga trả đũa EU, thì Na Uy và Hà Lan phải tăng cường hỗ trợ cho toàn châu Âu. Hiện nay, ba nhà cung ứng này nắm 99% nhu cầu khí đốt tự nhiên của Đức, muốn thay thế khí đốt tự nhiên e rằng phải phát triển nguồn cung mới. Đảng Xanh, một lần nữa tham gia liên minh cầm quyền sau nhiều năm vốn chủ trương năng lượng xanh, liệu có tạm thời nhượng bộ đối với điện hạt nhân và than đá hay không?

(còn tiếp)

Nguồn: CVĐQT – số 04/2022