Trang CNBC của Mỹ ngày 8/6, đăng bài nhận định sáng kiến của nhóm “Bộ tứ” (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản) sử dụng vệ tinh để theo dõi chuyển động của tàu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể dẫn đến gia tăng nỗ lực quân sự hóa trong khu vực.
Thiếu tướng Dhruv Katoch của Quân đội Ấn Độ nói: “Dù hiện tại không phải là một tổ chức an ninh, song “Bộ tứ” có khả năng nhanh chóng biến thành một tổ chức như vậy. Nếu sự hiếu chiến của Trung Quốc đe dọa các nước ASEAN, có lẽ các nước Đông Nam Á sẽ có xu hướng tham gia một nhóm như “Bộ tứ””.
Lý do sáng kiền này gây quan ngại về mặt quân sự là vì chương trình được điều khiển bởi lực lượng hải quân của bốn quốc gia gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Chương trình “Đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” (IPMDA), được công bố tại hội nghị thượng đỉnh nhóm “Bộ tứ” ở Tokyo vào tháng 5 càng khiến tình trạng cảnh giác được nâng cao.
An ninh hàng hải Ấn Đô Dương – Thái Bình Dương
IPMDA sẽ chia sẻ dữ liệu vệ tinh thương mại có sẵn và cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á khi có hành vi xâm phạm lãnh thổ, đánh bắt trái phép, buôn lậu hoặc cướp biển trong vùng biển thuộc ranh giới hàng hải của các nước này. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: “Sáng kiến này sẽ chuyển đổi khả năng của các đối tác ở quần đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương trong việc giám sát đầy đủ vùng bên bờ, đồng thời duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Theo Nhà Trắng, dữ liệu về chuyển động của tàu sẽ được chia sẻ với các bên tham gia tại 4 “trung tâm tổng hợp thông tin” ở Ấn Độ, Singapore, Quần đảo Solomon và Vanuatu – một quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương. Thiếu tướng Katoch nhấn mạnh: “Quyết định của “Bộ tứ” cung cấp dữ liệu từ các vệ tinh thương mại cho các quốc gia trên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ mang lại giá trị to lớn cho khu vực. Ở Biển Đông, sáng kiến này giúp tăng cường hợp tác giữa một số nước ASEAN và “Bộ tứ””.
Cơ chế hoạt động của IPMDA
Nhà Trắng cho biết IPMDA sẽ theo dõi các tàu muốn tránh bị phát hiện bằng cách tắt bộ phát truyền dữ liệu nhận dạng và vị trí. IPMDA cũng sẽ xác định các hoạt động cấp chiến thuật khác như vận chuyển trái phép vũ khí bị cấm hoặc đánh cá bất hợp pháp. Dữ liệu sẽ tích hợp ba khu vực quan trọng – quần đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương – trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chaitanya Giri, nhà tư vấn hệ thống thông tin tại New Delhi, phân tích: “Hài quân Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng trên các chuỗi đảo thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Họ di chuyển về phía Đông, hướng tới bờ biển nước Mỹ, có được sự hiện diện nhiều hơn ở Guam và đến cả Hawaii. “Bộ tứ” sẽ theo dõi sát sao điều đó”.
Ba chuỗi đảo là một phần của khái niệm an ninh địa lý được các nhà hoạch định quân sự sử dụng. Họ mô tả ba đường liên tiếp của khối đất liền trải dài từ các đảo gần Trung Quốc, ví dụ như Đài Loan, gồm Philippines và Indonesia và kết thúc với Hawaii ở đầu kia của Thái Bình Dương.
Theo Giri, dữ liệu cũng sẽ hỗ trợ quá trình thực thi pháp luật. Kho dữ liệu gần thời gian thực có sẵn trong chương trình sẽ bao gồm số nhận dạng tàu hoặc biển báo cuộc gọi, vị trí và đường đi tiềm năng, cảng xuất phát và điểm đến cuối cùng của tàu: “Đây là những phương tiện cần thiết để theo dõi việc vận chuyển trong đêm và thông tin tình báo từ các nguồn mặt đất có thể được kết hợp với dữ liệu vệ tinh để xác định ngay cả hàng hóa đang được vận chuyển trên những con tàu như vậy”.
Đối phó với Trung Quốc
Theo Chỉ số đánh cá IUU, Trung Quốc xếp hạng cao về chỉ số theo dõi đánh bắt bất hợp pháp. Tướng Katoch cho rằng sáng kiến của “Bộ tứ” sẽ được hoan nghênh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: “Từ góc độ thương mại thuần túy, thông tin miền hàng hải này là điều mà các quốc gia nhỏ hơn vô cùng mong muốn. Sáng kiến này cũng có thể xác định và chống lại nạn cướp biển cũng như các mối đe dọa khủng bố”.
Pavan Choudary, Chủ tịch Blue Circle – tổ chức tư vấn địa chính trị ở New Delhi, nhận định mục tiêu của “Bộ tứ” có phạm vi rộng hơn: “Mục đích thực sự của sáng kiến trong lĩnh vực hàng hải là chiến lược, nhằm kiểm tra “đánh bắt bất hợp pháp”, song đó cũng thực sự là phương tiện để “Bộ tứ” thúc đẩy các sáng kiến an ninh”.
Không phải ai cũng đồng quan điểm rằng việc quân sự hóa sẽ là kết quả cuối cùng.
Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS – Mỹ), đánh giá: “Sáng kiến này thực sự không mang tính chất quân sự nhiều như thực thi pháp luật. Nó sẽ giúp các quốc đảo nhỏ và các quốc gia đang phát triển ven biển ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương giám sát và thực thi luật pháp trong vùng biển của chính họ. Bằng cách giúp cung cấp những hàng hóa công cộng như thế này, “Bộ tứ” còn có thể cạnh tranh với Trung Quốc nhiều hơn là áp dụng các biện pháp chống Trung Quốc một cách rõ ràng”.
Trong một báo cáo mới đây, trang tiếng Anh của tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng dù sáng kiến này không đề cập đến tên quốc gia, song rõ ràng nhắm vào Trung Quốc: “Cơ chế này biến Trung Quốc thành trung tâm bằng cách thổi phồng “mối đe dọa” của Bắc Kinh và dù họ có đưa ra mục tiêu kiềm chế Trung Quốc như thế nào đi chăng nữa, thì sẽ rất ít quốc gia trong khu vực bị lừa”.
Nguồn: TKNB – 13/06/2022