Thế giới trải qua một năm nhiều biến động – Phần XVI


XV/ Tình hình an ninh-chính trị-ngoại giao của châu Phi

(Hà Văn Bình, Nhà nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu Tây Á-châu Phi thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và nhà nghiên cứu tại Viên Nghiên cứu châu Phi Trung Quốc)

Năm 2022, tình hình chính trị và an ninh ở châu Phi đón nhận một số “tin tốt”. Ngày 2/11/2022, dưới sự hòa giải của Liên minh châu Phi, Chính phủ liên bang Ethiopia và Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, đặt dấu chấm hết cho tình trạng nổi dậy có vũ trang diễn ra ở vùng Tigray phía Bắc Ethiopia từ tháng 11/2020. Ngày 9/8/2022, Kenya tổ chức bầu cử tổng thống, ứng cử viên của đảng Liên minh dân chủ thống nhất và Phó Tổng thống đương nhiệm William Ruto cuối cùng đã giành được 50,49% số phiếu bầu, đánh bại nhà lãnh đạo đảng đối lập Raila Odinga. Odinga kêu gọi tổ chức bầu cử lại, nhưng Tòa án Tối cao Kenya phán quyết rằng kết quả là hợp lệ. Không giống như cựu Tổng thống Uhuru Kenyatta là đối thủ Odinga xuất thân từ gia đình chính trị, Ruto là tổng thống có xuất thân “thường dân”, đây là một sự kiện mang tính thời đại ở Kenya.

Tác động của “bộ ba khủng hoảng”

Nhưng cũng có một số tin xấu. Quan hệ giữa Cộng hòa dân chủ Congo và Rwanda luôn trong trạng thái căng thẳng, Cộng hòa dân chủ Congo cáo buộc Rwanda hỗ trợ lực lượng phiến quân Phong trào 23 tháng 3 (M23) ở khu vực phía Đông Congo, trong khi Rwanda bác bỏ điều này. Ngày 29/10, xung đột giữa hai nước lại leo thang, Cộng hòa dân chủ Congo trục xuất đại sứ Rwanda – “quốc gia phát triển điển hình ở châu Phi” gây tác động tiêu cực đến hòa bình và ổn định ở phía Đông châu Phi.

Những năm gần đây, các cuộc đảo chính quân sự ở châu Phi trỗi dậy, tập trung ở khu vực Tây Phi. Mali xảy ra đảo chính quân sự vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021, Burkina Faso xảy ra đảo chính quân sự vào tháng 1 và tháng 9/2022, Guinea xảy ra đảo chính quân sự vào tháng 9/2021 và Guinea-Bissau suýt xảy ra đảo chính quân sự vào tháng 2/2022. Lý do khiến khu vực Tây Phi thường xuyên xảy ra đảo chính quân sự ngoài vấn đề nghèo đói do dịch bệnh và khí hậu cũng như sự gia tăng của các hoạt động khủng bố, còn có sự bất mãn của quân đội đối với chính quyền quân sự tiền nhiệm và sự can dự của các thế lực bên ngoài. Pháp luôn coi các nước thuộc địa cũ ở Tây Phi là khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình. Đầu năm 2013, theo đề nghị của Chính phủ Mali, Pháp gửi quân đến chống khủng bố và phát động chiến dịch “Mèo rừng ở châu Phi” ở Mali và vùng Sahel-Sahara. Tháng 8/2014, Pháp tiếp tục mở rộng hoạt động chống khủng bố tại khu vực Sahel, điều hàng nghìn binh sĩ tới khu vực này. Tuy nhiên, sau gần chục năm hoạt động chống khủng bố không hiệu quả, bị nhiều người dân địa phương phản đối, cộng thêm với việc chính quyền được nhiệm quay lưng lại với Pháp sau cuộc đảo chính quân sự ở Mali, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố chính thức chấm dứt hoạt động chống khủng bố ở Mali vào tháng 11/2022.

Trong chuyến thăm châu Phi hồi tháng 5/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine đang làm trầm trọng thêm “bộ ba khủng hoảng” lương thực-năng lượng-tài chính trên khắp châu Phi. Dịch bệnh và chiến tranh làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực và năng lượng toàn cầu, hầu hết các quốc gia ở châu Phi đều bị ảnh hưởng trực tiếp, thâm hụt ngân sách gia tăng và nền kinh tế càng trở nên tồi tệ hơn. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế châu Phi hàng năm do Ngân hàng Phát triển châu Phi công bố vào tháng 8/2022, tăng trưởng kinh tế của châu Phi năm 2022 dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4,1%, thấp hơn mức 6,9% của năm 2021, tỷ lệ lạm phát trung bình ở khu vực châu Phi năm 2022 dự kiến sẽ ở mức 13,5%. Lạm phát ở Nigeria – nền kinh tế lớn nhất châu Phi chạm mức 20,5% trong tháng 8/2022, mức cao nhất trong 17 năm qua. Tỷ lệ lạm phát của Ghana lên tới 31,7% trong tháng 7/2022, mức cao nhất kể từ tháng 11/2003.

Biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội và an ninh sinh thái của châu Phi. Nhiều nước phải gánh chịu những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, việc đền bù cho “những mất mát và thiệt hại” mà các nước nghèo nhất phải gánh chịu do biến đổi khí hậu đã trở thành đề tài thảo luận chính của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27).

Ngoại giao cân bằng không muốn “chọn phe”

Sau khi khủng hoảng Ukraine bùng nổ, hầu hết các nước châu Phi đều giữ quan điểm trung lập, cho rằng cần giữ “khoảng cách an toàn” với cuộc khủng hoảng này và “bình tĩnh quan sát” những thay đổi của trật tự quốc tế sau khủng hoảng để bảo vệ lợi ích cho lục địa châu Phi. Tháng 6/2022, Tổng thống Senegal Macky Sall đến thăm Nga với tư cách là Chủ tịch luân phiên của liên minh châu Phi, thay mặt Liên minh châu Phi thúc đẩy ngừng bắn, đồng thời kêu gọi Nga và cộng đồng châu Phi, thay mặt Liên minh châu Phi thúc đẩy ngừng bắn, đồng thời kêu gọi Nga và cộng đồng quốc tế hết sức coi trọng vấn đề thiếu lương thực và phân bón. Cùng với việc nói lên tiếng nói của mình, châu Phi cũng chú trọng “ngoại giao cân bằng”. Năm 2022, sau khi gia nhập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Ai Cập tích cực xin gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và giành được địa vị đối tác đối thoại. Tháng 11/2022, Algeria chính thức nộp đơn xin tham gia cơ chế hợp tác BRICS.

Sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng Ukraine cũng khiến các nước lớn phương Tây xem xét lại châu Phi từ góc độ an ninh năng lượng, liên kết ngoại giao, định hình ý thức hệ và giá trị quan… Tháng 8/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Nam Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda, khi đó ông đã công bố Chiến lược của Mỹ đối châu Phi cận Sahara, nhấn mạnh rằng các nước châu Phi là “bên tham gia địa chiến lược và đối tác chính” trong các vấn đề cấp bách nhất hiện nay, mục đích là đưa châu Phi vào các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc. Sau khi tái đắc cử vào tháng 4/2022, Tổng thống Pháp Macron đã chọn châu Phi là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ mới. Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau khi lên nắm quyền đã đến thăm châu Phi. Cuối năm 2022, Mỹ cũng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi. Châu Phi một lần nữa trở thành tâm điểm của cuộc tranh giành quyền lực giữa các nước lớn.

Quan hệ Trung Quốc-châu Phi không ngừng được củng cố. Trung Quốc và châu Phi đạt được tiến triển lớn trong hợp tác vaccine và y tế. Với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Ai Cập không những có thể tự sản xuất vaccine mà còn xuất khẩu vaccine sang các nước như Sudan và Nam Sudan. Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, hợp tác “Vành đai và Con đường” giữa Trung Quốc và châu Phi không những không bị đình trệ mà còn đạt được nhiều bước tiến mới, trong đó có mỏ dầu quy mô lớn đầu tiên ở Uganda với sự tham gia của Tập dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và dự án điện gió Adama ở Ethiopia do China Power Construction đảm nhận. Tháng 7/2022, dự án đường sắt 10th of Ramadan City của Ai Cập do một công ty Trung Quốc đảm nhận đã hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động. Tháng 11/2022, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, trở thành nguyên thủ quốc gia châu Phi đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Hassan cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ Trung Quốc-Tanzania lên quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, mở ra một chương mới cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Tanzania và việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-châu Phi.

(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Tri thức thế giới (TQ) – số 24/2022

TLTKĐB 3-11/01/2023

Advertisement

Cái bẫy Trung Quốc – Phần IV


Trung tâm không thể kiểm soát

Ngay cả khi hai bên có thể tránh được một cuộc khủng hoảng, thì việc tiếp tục tiến trình hiện tại sẽ gây chia rẽ địa chính trị và hạn chế hợp tác trong các vấn đề toàn cầu. Mỹ ngày càng tập trung vào việc tập hợp các nước trên thế giới để chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, một liên minh chống lại Trung Quốc được hình thành, đặc biệt trong bối cảnh khuôn khổ ý thức hệ mà cả Chính quyền Trump và Chính quyền Biden đều pá dụng, khó có thể bao gồm một loạt đối tác có khả năng đứng ra bảo vệ luật pháp phổ quát và thể chế. Năm 2020, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết về Trung Quốc và Mỹ như sau: “Các nước châu Á không muốn bị ép phải chọn bên. Nếu một nước nào đó tìm cách ép buộc các nước châu Á làm vậy – nếu Washington cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc Bắc Kinh tìm cách xây dựng vùng ảnh hưởng độc quyền ở châu Á – thì họ sẽ bắt đầu quá trình đối đầu kéo dài hàng thập kỷ và đặt châu Á vào tình thế nguy hiểm, điều đã được dự thảo từ lâu”.

Cách tiếp cận cạnh tranh hiện tại cũng có khả năng thúc đẩy liên kết giữa Trung Quốc và Nga. Chính quyền Biden đã tìm cách ngăn chặn Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga ở Ukraine và Trung Quốc hầu như tuân thủ các lệnh trừng phạt. Điều này chứng tỏ trên thực tế, có những giới hạn đối với quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moskva. Tuy nhiên, chừng nào chính phủ hai nước vẫn tin rằng họ không thể an toàn trong một hệ thống do Mỹ lãnh đạo, thì họ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với nhau. Kể từ khi Nga tấn công Ukraine, hai nước đã thực hiện tuần tra chung ở Thái Bình Dương và phát triển giải pháp thay thế hệ thống tài chính do Mỹ kiểm soát.

Cuối cùng, quan hệ Nga-Trung sẽ được định hình thông qua việc Bắc Kinh cân nhắc giữa ưu tiên chống Mỹ với nhu cầu duy trì mối quan hệ về vốn và công nghệ quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Liên kết của Trung Quốc với Nga không được xác định trong lịch sử: Trong nội bộ Bắc Kinh đang diễn ra cuộc tranh luận cấp cao về việc làm thế nào để tiếp cận Moskva với cái giá là phải liên kết toàn diện và điều này dẫn đến bất đồng giữa một số nhà phân tích Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Washington không chỉ ra được những lợi ích chiến lược chứ không phải chỉ có rủi ro chiến lược mà Bắc Kinh có thể có được từ việc tách khỏi Moskva, thì những người ủng hộ việc thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục thắng thế.

Tâm trạng bất an và sợ hãi tác động tiêu cựu đến nền dân chủ. Căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng cũng cản trở tiến triển trong việc giải quyết những thách thức chung, cho dù Chính quyền Biden muốn ngăn chặn một số vấn đề nhất định. Mặc dù Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong hợp tác khí hậu với Trung Quốc, bao gồm cả tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 tại Glasgow (Scotland), nhưng tiến triển lại bị sự gay gắt át đi đã tiến xa hơn ở những lĩnh vực mà các nỗ lực chung trước đây từng mang lại kết quả như bài trừ ma túy, không phổ biến vũ khí hạt nhân và Triều Tiên. Rất nhiều nhà hoạch định chính sách ở cả hai phía lo ngại rằng việc sẵn sàng hợp tác sẽ bị xem là thiếu giải pháp.

Tình trạng căng thẳng như vậy tiếp tục làm xói mòn các nền tảng vốn đã yếu ớt của hệ thống quản trị toàn cầu. Không rõ trung tâm của trật tự dựa trên luật lệ quốc tế có thể tồn tại trong bao lâu nữa nếu không có nỗ lực đổi mới trên diện rộng. Thế nhưng, mặc dù Bắc Kinh ngày càng lo ngại việc Mỹ tìm cách kiềm chế hoặc thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc – chẳng hạn bằng các phủ nhận việc nước này có tiếng nói lớn hơn trong hệ thống điều hành kinh tế quốc tế – nhưng họ vẫn tăng cường đầu tư vào các tổ chức thay thế như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh việc tham gia hệ thống đa phương nhằm làm mất uy tín của Mỹ trong vai trò lãnh đạo hệ thống. Mặc dù, Bắc Kinh không thể hiện rõ ràng sự trung thành với nhiều nguyên tắc mà họ tuyên bố ủng hộ, nhưng sự chia rẽ giữa các nước xoay quanh vấn đề này cho phép họ xem Mỹ là lực lượng bảo vệ đặc quyền của một số ít các nước hùng mạnh. Tại Liên hợp quốc, Bắc Kinh và Washington thường cố gắng hạn chế ảnh hưởng từ các sáng kiến của nhau, đồng thời phát động các cuộc chiến mang tính biểu tượng buộc các nước thứ ba phải chọn bên.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc cạnh tranh dẫn đến phí tổn và rủi ro lớn ở Mỹ. Những nỗ lực tích cực của Mỹ nhằm bảo vệ an ninh nghiên cứu và sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, đồng thời làm giảm sức mạnh của Mỹ trong việc thu hút nhân tài quốc tế. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Vật lý Mỹ năm 2021 cho thấy 43% sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý quốc tế và các nhà khoa học khởi nghiệp sớm ở Mỹ không mặn mà với đất nước này; khoảng một nửa số nhà khoa học quốc tế mới vào nghề ở Mỹ cho rằng cách tiếp cận của chính phủ đối với vấn đề an ninh nghiên cứu khiến họ ít có cơ hội ở lại đó lâu dài. Những tác động này đặc biệt rõ rệt đối với các nhà khoa học gốc Hoa. Theo một nhà nghiên cứu gần đây của Diễn đàn Học giả người Mỹ gốc Á, 67% giảng viên gốc Hoa (bao gồm cả giảng viên là công dân nhập tịch và thường trú nhân) đang cân nhắc việc rời khỏi Mỹ.

Vì Mỹ đang tìm cách bảo vệ đất nước trước các hoạt động gián điệp, trộm cắp và tập quán thương mại bất công của Trung Quốc, nên Washington thường nhấn mạnh nguyên tắc có đi có lại như một điều kiện tiên quyết cho các trao đổi thương mại, giáo dục và ngoại giao với Bắc Kinh. Thế nhưng, Mỹ sẽ phải trả giá bằng những lợi thế so sánh mà họ đang có khi tăng cường tương tác với một hệ thống ngày càng khép kín như của Trung Quốc: Đó là tính cởi mở, sự minh bạch vốn có, cơ hội bình đẳng trong xã hội và trong nền kinh tế, cũng như cơ hội thúc đẩy đổi mới, năng suất và tiến bộ khoa học.

Tâm trạng bất an và sợ hãi cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền dân chủ và chất lượng của các cuộc tranh luận công khai về chính sách của Trung Quốc và Mỹ. Đề xuất tránh tỏ ra mềm mỏng đối với Trung Quốc xuất hiện nhiều lần trong các cuộc thảo luận về chính sách công và tư ở Mỹ. Kết quả là những phản hồi khuyến khích giới phân tích và quan chức bàn luận về chính trị thay vì chỉ ngồi phân tích. Khi các cá nhân cảm thấy cần phải tỏ ra hiếu chiến hơn người khác để bảo vệ bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp, thì kết quả cần nói đến là lối suy nghĩ theo nhóm. Một môi trường chính sách khuyến khích việc tự kiểm duyệt và điều chỉnh quan điểm mang tính phản xạ sẽ ngăn cản những cuộc tranh luận đa nguyên và một “thị trường ý tưởng” sôi động – vốn được xem là những thành phần quan trọng đối với khả năng cạnh tranh quốc gia của Mỹ.

Từ việc bỏ tù người Mỹ gốc Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi chủ nghĩa McCarthy những năm 1950, cho đến những hành vi tội ác do thù ghét nhằm vào người Mỹ theo đạo Hồi và đạo Sikh sau sự kiện 11/9 – lịch sử Mỹ tràn ngập những ví dụ về việc những người Mỹ vô tội rơi vào tâm trạng lo sợ quá mức về “kẻ thù bên trong”. Trong mỗi trường hợp, phản ứng thái quá còn gây hại cho nền dân chủ và sự thống nhất của Mỹ không kém hoặc còn nhiều hơn kẻ thù gây ra. Mặc dù Chính quyền Biden lên án những hành vi thù ghét chống lại người Mỹ gốc Á và nhấn mạnh rằng chính sách phải nhắm mục tiêu vào hành vi thay vì sắc tộc, nhưng một số cơ quan chính phủ và chính trị gia Mỹ vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng sắc tộc của một cá nhân và mối quan hệ với gia đình ở nước ngoài là cơ sở của việc tăng cường giám sát.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/china/china-trap-us-foreign-policy-zero-sum-competition

TLTKĐB – 02 & 03, 04/11/2022

Nga và Trung Quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu – Phần III


Trong những năm gần đây, học giả các nước phương Tây đưa ra nhiều cách tiếp cận khác nhau về việc thực hiện quản trị toàn cầu, tuy nhiên mỗi cách đều có thể phân tích, phê phán. Tại Trung Quốc cũng vậy, theo ý kiến của các học giả Nga, đã ra đời một quan điểm thống nhất được phát triển liên tục và tuyên truyền tích cực trong nước và trên thế giới.

Quan điểm kiến tạo “thế giới hài hòa” của Trung Quốc có quan hệ qua lại với quan điểm “quản trị toàn cầu”, với những ý tưởng phối hợp toàn cầu mới, những giá trị mới và logic mới trong quan hệ quốc tế, cũng như với những thay đổi khách quan về thể chế của cấu trúc thế giới hiện đại.

Quan điểm kến tạo “thế giới hài hòa” kêu gọi các dân tộc, quốc gia và xã hội có những giá trị khác nhau hãy tiến tới sự hài hòa, tìm kiếm điểm tương đồng, phát triển hòa bình bất chấp những khác biệt đang tồn tại. Quan điểm này có thể vận dụng vào quản trị toàn cầu, và hơn thế nữa, xét về mặt hiệu quả, nó có thể vượt trội hơn tất cả các mô hình mà thế giới phương Tây đưa ra.

Chủ tịch Học viên Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải Dương Khiết Miễn nhận định rằng, sự nỗ lực của các thiết chế quốc tế hiện có hết sức quan trọng để thể hiện trong thực tiễn những nguyên tắc quản trị toàn cầu thực sự. Thế nhưng, thách thức liên quan đến nó là ở chỗ cộng đồng quốc tế không đủ mức đồng thuận cần thiết để nghiên cứu đề xuất quy tắc và những cách tiếp cận để giải quyết những vấn đề gắn liền với việc này:

Thứ nhất, các nước lớn thường không hào hứng trong việc phối hợp hành động với những “người chơi” kém nổi hơn, khiến cho việc đề xuất nghiên cứu những quan điểm chung và cùng nhau nỗ lực trở thành một nhiệm vụ phức tạp. Thứ hai, cái gọi là “quản trị mạng lưới” giữa các “diễn viên” nhà nước và phi nhà nước tiến triển rất chậm chạp, bởi vì phần lớn cơ chế quan liêu nhà nước xuất phát từ tính bảo thủ và sự mang tính trì trệ hệ thống vẫn như trước đây đề cao những thiết chế hình thức và chỉ tập trung vào chúng.

Thách thức thứ ba liên quan tới việc vận dụng nỗ lực trên quy mô cấp khu vực để giải quyết những vấn đề hoạt động chung cấp toàn cầu. Thất vọng trước những bế tắc của việc xây dựng quản trị toàn cầu, nhiều nước và khu vực ngày càng hướng về hội nhập khu vực và tiểu khu vực.

Theo cách phân loại mà Ch. Grant đưa ra, quan điểm của Bắc Kinh và Moskva đối với việc tham gia các thiết chế quản trị toàn cầu trùng nhau ít nhất theo năm “tham số”.

Thứ nhất, cả hai nước đều cho rằng quản trị toàn cầu là khái niệm của phương Tây, được phương Tây sử dụng phục vụ cho lợi ích của riêng mình. Theo ý kiến của họ, những quy phạm và quy tắc quốc tế hiện thời phản ánh tương quan lực lượng, nghĩa là phục vụ lợi ích của kẻ mạnh. Vì vậy, Nga và Trung Quốc chấp nhận tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế nhằm mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Thứ hai, Nga và Trung Quốc vẫn một mực duy trì sự gắn bó với quan niệm về một thế giới đa cực và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền.

Thứ ba, hình thức quản trị toàn cầu mà Nga và Trung Quốc ưa thích hơn cả, đó là một “dàn nhạc” ngoại giao: những cuộc gặp không chính thức của đại diện các nước lớn để giải quyết vấn đề về hình mẫu Công ước Vienna năm 1814. Cho dù với hình thức nào, “dàn nhạc” các cường quốc cũng không được phép có khuôn khổ đứng trên quốc gia, nghĩa là quốc gia chỉ chuyển một phần chủ quyền cho các thiết chế quốc tế mà thôi.

Thứ tư, Nga và Trung Quốc tích cực sử dụng các tổ chức khu vực để củng cố vị thế của mình đối với các nước láng giềng và trên trường quốc tế. Cả hai nước gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, những thành viên còn lại là Kazakhstan, Kirgizistan, Tatzikistan và Uzbekistan. Trung Quốc tham gia “ASEAN+3” (“bộ ba” gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á. Nga có vị trí trong Liên minh Thuế quan với Belarus, Kazakhstan và trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Tất cả những cấu trúc này có thể được tổ chức như những “dàn nhạc” khu vực của các quốc gia, trong đó Nga và Trung Quốc, vốn là những nước lớn, đóng vai trò ưu thế vượt trội.

Thứ năm, cả ở Nga lẫn ở Trung Quốc đều chứng kiến cuộc đấu tranh và tranh luận giữa những người ủng hộ hai xu thế chung – những người tương đối tự do chủ trương có thái độ tích cực với việc hợp tác với các thiết chế toàn cầu, và những người dân tộc chủ nghĩa hơn, mà đại biểu là những người nhìn quan hệ hợp tác này với con mắt nghi ngờ. Ở cả hai nước, phe “tự do” có ảnh hưởng nhất định lên việc nghiên cứu đề xuất chính sách đối ngoại, nhưng nhìn chung trong chính quyền (kể cả các cơ quan chính trị đối ngoại và quân sự) thì phe “dân tộc chủ nghĩa” chiếm ưu thế.

Mặc dù có tất cả những nét chung như thế, nhưng cách tiếp cận của Nga và Trung Quốc đối với vấn đề quản trị toàn cầu vẫn khác nhau. Một trong những nguyên nhân của việc này là do tính chất của nền kinh tế hai nước khác nhau: đối với Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp có tầm quan trọng rất lớn, do đó nước này sẽ có lợi hơn nếu ủng hộ những quy phạm quốc tế bảo đảm mở cửa thị trường. Trong khi xuất khẩu của Nga chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt, nhưng lại không có chế độ thương mại quốc tế nào dành cho những mặt hàng này.

Một nguyên nhân nữa mang tính lịch sử: Trung Quốc có tiềm năng chiến lược thua Hoa Kỳ và Nga, không muốn tự trói tay mình bởi bất kỳ quy tắc nào trong lĩnh vực vũ trang và an ninh. Nga thì sức mạnh tuy thua kém Liên Xô trước đây, nhưng lại có ưu thế về kho vũ khí hạt nhân khủng khiếp. Nước này coi những thiết chế và cấu trúc trong lĩnh vực an ninh như là di sản thời hậu Xô Viết và là công cụ duy trì quy chế của mình.

Do những hoàn cảnh trên, Trung Quốc không mấy tập trung vào việc tham gia quản trị toàn cầu trong lĩnh vực an ninh, nhưng lại tham gia hợp tác quốc tế có tính chất kinh tế và nhân văn, bởi họ cho rằng việc này phù hợp với lợi ích của mình. Nga thì ngược lại, sẵn sàng duy trì những quy phạm quốc tế trong lĩnh vực an ninh, nhưng lại không tỏ ra tích cực đặc biệt trong những vấn đề kinh tế của quản trị toàn cầu. Theo Ch. Grant, khác với Trung Quốc, Nga không coi trọng đưa những chuyên gia ưu tú vào các tổ chức kinh tế quốc tế. Ngoài ra, trong phần lớn những thiết chế này, Nga hành xử một cách tương đối lặng lẽ và thụ động, hiếm khi đề xuất sáng kiến, trong khi họ lại rất nhiệt tình tham gia tranh luận về những gì liên quan đến nguồn năng lượng.

Phân tích chi tiết hơn nữa so sánh về sự tham gia cảu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Nga vào các thiết chế quản trị toàn cầu cho thấy cả Nga lẫn Trung Quốc đều coi Tổ chức Liên hợp quốc là hạt nhân trung tâm của hệ thống quản trị toàn cầu. Cả hai nước đều ủng hộ việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ủng hộ tư tưởng thượng tôn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong các vấn đề giải quyết xung đột và duy trì hòa bình.

Một bộ phận các chuyên gia Trung Quốc phát biểu ủng hộ việc cải tổ Liên hợp quốc một cách hợp lý và mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an, kết nạp những nước lớn đang phát triển làm Ủy viên thường trực Hội đồng. Bộ phận khác, ngược lại, lại kêu gọi phải thận trọng  hơn khi mở rộng thiết chế này.

Bản thân lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ủng hộ công cuộc cải tổ, nhưng đồng thời vẫn giữ thái độ khá kiềm chế đối với những thay đổi sâu sắc nào đó trong Tổ chức Liên hợp quốc. Khách quan mà nói, phần lớn những chương trình và dự án chủ chốt hiện nay đều phục vụ cho sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Mối “ràng buộc” tin cậy giữa Nga và Trung Quốc hình thành trong năm đại diện thường trực của Hội đồng Bảo an trở thành điều đảm bảo bổ sung cho nhiều sáng kiến toàn cầu và khu vực của Trung Quốc.

Đối với Nga, cách sắp xếp như vậy về mặt khách quan là có lợi cho Nga. Sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trong Liên hợp quốc không mâu thuẫn với mục tiêu và nhiệm vụ của Nga cả trong khuôn khổ Tổ chức này lẫn trong các khu vực khác trên thế giới.

Còn về việc tham gia vào các cơ chế quản trị toàn cầu liên quan đến bảo vệ môi trường, thì cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ những thỏa thuận quốc tế về đối phó với thay đổi khí hậu. Với tư cách là những thành viên tham gia Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, hai nước cam kết áp dụng những biện pháp đấu tranh với tình trạng biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, chương trình quốc gia của Trung Quốc về đấu tranh chống tình trạng biến đổi khí hậu trong một loạt khoản mục còn đề xuất nhiều nhiệm vụ kỳ vọng hơn cả trong khuôn khổ những hiệp ước quốc tế.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: m.L. Titarenko, V.E. Petrovski – Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới: Lý luận và thực tiễn – NXB CTQG 2017

Hiệp ước về đại dịch: Mắc kẹt giữa chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa nhà nước – Phần II


Khởi đầu của quản trị y tế toàn cầu

Nguồn gốc của hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với bệnh truyền nhiễm đã được đưa ra tại các Hội nghị Vệ sinh Quốc tế (ISC) bắt đầu từ năm 1851, qua đó các quốc gia và thành phố châu Âu tìm cách thiết lập các cơ chế để giảm sự lây lan của dịch bệnh trong khi chỉ làm gián đoạn tối thiểu các hoạt động thương mại, một điều mà IHR ngày nay vẫn cố gắng đạt được. Năm 1951, Đại hội đồng Y tế Thế giới, khi thông qua Quy định Vệ sinh Quốc tế, đã tìm cách đặt WHO vào trung tâm của việc quản trị dịch bệnh quốc tế này bằng cách hài hòa các công cụ ISC cũ, cũng như các thỏa thuận khu vực, dưới sự điều chỉnh của một công cụ toàn cầu, dần dần đạt tới Điều lệ IHR – công cụ quản lý toàn cầu để ứng phó và chuẩn bị cho đại dịch.

Bằng cách áp dụng Điều lệ IHR, các quốc gia thành viên và WHO đã công nhận sự cần thiết phải cân bằng các động lực chính trị với y tế cộng đồng và thương mại, hay nói cách khác, nhu cầu thúc đẩy các phương pháp tiếp cận theo chủ nghĩa toàn cầu và lý tưởng quốc tế đối với vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề lây nhiễm dịch bệnh bùng phát, và để vượt qua những hạn chế về an ninh của chủ nghĩa nhà nước vốn có trong giới hạn của hệ thống Westphalia nói chung – là những hạn chế tiếp tục hoành hành thế giới trong đại dịch COVID-19. Việc xây dựng Điều lệ IHR là một quá trình không ngừng nghỉ mà ở đó WHO tìm cách phát triển các quy định sao cho phù hợp với bối cảnh thế giới thực tế với những rào cản thấy được và cần điều chỉnh các quy định dựa theo chúng; tranh luận giữa người theo chủ nghĩa nhà nước và người theo chủ nghĩa toàn cầu chưa bao giờ có hồi kết, và nếu không được giải quyết hợp lý, nó sẽ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán về hiệp ước đại dịch. Thật vậy, dù đã trải qua 150 năm hợp tác quốc tế về phòng chống và kiểm soát đại dịch nhưng những vấn đề về tranh cãi trọng tâm vẫn không thay đổi kể từ phiên họp Hội đồng ISC đầu tiên. Làm sao để đẩy mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc kiểm soát dịch bệnh xuyên quốc gia, và không thực hiện những biện pháp ứng phó mang tính nhà nước chủ nghĩa cao. Hơn thế nữa, động lực nào có thể khiến các chính phủ (bằng mọi phương pháp thuyết phục chính trị cần thiết) tuân theo các quy chuẩn quốc tế thay vì ưu tiên những mục tiêu ngắn hạn chỉ dành cho đất nước họ giữa đại dịch?

Nhìn chung, hợp tác quốc tế trong việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm thường được thể hiện dưới dạng các quy định lỏng lẻo, cụ thể ở WHO, những quy định như Khuôn khổ chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch (PIP), hoặc các khuôn khổ hành động và hướng dẫn của WHO ở các nước thành viên, và các nghị quyết của WHA. Mặc dù những điều này mang bản chất của chủ nghĩa toàn cầu, thể hiện ở việc chúng hướng tới một cách ứng phó hài hòa và công bằng cho đại dịch, song nhiều nghi ngờ đang dấy lên khi các phản ứng của phe theo chủ nghĩa nhà nước coi thường những biện pháp của chủ nghĩa toàn cầu trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp y tế. Tính đến nay, WHO chỉ sử dụng quyền lực xây dựng hiệp ước một lần duy nhất, đó là Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC).

Sự chia rẽ quan điểm của chủ nghĩa nhà nước và chủ nghĩa toàn cầu, nhìn theo nhiều góc độ không có gì ngạc nhiên, và bất cứ những phân tích nào về y tế toàn cầu, đặt trong các quan hệ quốc tế, đều chỉ ra rằng nền móng của hợp tác quốc tế đang không vững chắc. Tuy nhiên, sự chia rẽ quan điểm này hiển hiện rõ ràng đối với vấn đề hiệp ước về đại dịch. Những gì còn chưa được làm rõ là làm sao để bản chất và nội dung theo chủ nghĩa toàn cầu của hiệp ước được đề xuất hòa hợp với cách tiếp cận theo chủ nghĩa nhà nước đối với cấu trúc y tế toàn cầu và thương lượng hiệp ước.

Những đề xuất về hiệp ước đại dịch

Liên minh châu Âu (EU) vốn là người đề xuất, cho rằng hiệp ước này nên tập trung vào phát hiện và đề phòng sớm dịch bệnh; phòng vệ và đối phó với đại dịch, bao gồm sự tiếp cận quốc tế về thuốc men, vaccine và chẩn đoán (mặc dù chủ nghĩa nhà nước về vaccine mạnh mẽ được duy trì trong suốt thời kỳ COVID-19 tại nhiều nước); một khuôn khổ y tế quốc tế mạnh mẽ hơn với trung tâm điều chỉnh là WHO; cách tiếp cận “Một sức khỏe” (One health) – là một giải pháp tích hợp các nhân tố môi trường và sức khỏe động vật vào sức khỏe cộng đồng; áp dụng công nghệ tốt hơn vào thu thập và chia sẻ dữ liệu; chuỗi cung ứng dồi dào, phối hợp nghiên cứu và phát triển; chia sẻ dữ liệu về mầm bệnh và gen bệnh; hệ thống y tế và cơ chế báo cáo vững chắc hơn; và khôi phục niềm tin trong hệ thống y tế quốc tế. Ủy ban độc lập của WHO về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch (IPPPR) đề xuất thêm việc cân nhắc xây dựng cơ chế đầu tư về sự chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực, và củng cố hành lang pháp lý đối với an ninh y tế quốc tế. WHO và một nhóm nhỏ các nguyên thủ quốc gia, với mong muốn có một không gian quản trị cho sự phát triển các chính sách xung quanh khủng hoảng COVID-19, đã thêm vào đề xuất rằng “một hiệp ước như vậy nên hướng tới nghĩa vụ và trách nhiệm chung, hướng tới sự minh bạch và hợp tác trong hệ thống quốc tế với những quy tắc và chuẩn mực của nó”.

Tuy nhiên, rốt cục, dù có những khuyến khích từ các cơ quan quốc tế, nội dung của bất cứ hiệp ước nào cũng đều được xác định bởi các quốc gia. Từ các báo cáo lập trường của các quốc gia thành viên, công việc của Nhóm công tác các quốc gia thành viên về tăng cường sự chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp y tế khẩn cấp của WHO, và các tuyên bố tại WHASS, có thể hiểu rõ hơn về các nội dung đang được đề xuất phải được điều chỉnh theo hiệp ước. Đã có đề xuất rằng hiệp ước nên bao gồm quyền tiếp cận thiết bị công cụ y tế và các biện pháp phòng ngừa, như vaccine, chẩn đoán và điều trị; xây dựng năng lực và thiết lập tiêu chuẩn cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe; hợp tác trong nghiên cứu và công nghệ; cách tiếp cận “Một sức khỏe”; chia sẻ dữ liệu; cải cách cơ chế cảnh báo của WHO, tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng của quá trình tuyên bố mối quan ngại quốc tế và các hạn chế đi lại; và những vấn đề xuyên suốt như trách nhiệm, đầu tư vào hệ thống y tế, gia tăng quyền lực cho WHO và gia tăng sự phối hợp toàn cầu. Những vấn đề nằm ngoài phạm vi y tế, ví dụ thương mại, chuỗi cung ứng hay du lịch quốc tế, đều đã đang được xem như một chủ đề tiềm năng để hiệp ước điều chỉnh. Cuối cùng, nhiều quốc gia thành viên đã phát triển hiệp ước dựa trên vấn đề nhân quyền, đoàn kết và công bằng, bao gồm khắc phục những sai lầm đã xảy ra trong thời kỳ COVID-19. Nói chung, những đề xuất này vẫn mang tính kỳ vọng cao; nội dung hiệp ước đề xuất này sẽ được xác định, thảo luận và thương lượng thêm.

Ngoài các đề xuất nội dung thực chất này, các quốc gia đã làm rõ kỳ vọng của họ rằng bất kỳ hiệp ước nào cũng phải hoạt động theo Điều lệ IHR 2005; có các cơ chế cưỡng chế ràng buộc về mặt pháp lý; một ban thư ký mạnh và các thước đo rõ ràng để giám sát và đánh giá; có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia chứ không chỉ đơn giản là các chuyên gia y tế cộng đồng; hình thành nỗ lực cải cách WHO quy mô rộng hơn; có cả hướng dẫn kỹ thuật và tham gia chính trị; đủ linh hoạt để những nhóm nhỏ hoạt động hiệu quả trong phạm vi quản trị y tế toàn cầu quy mô rộng hơn; giải quyết các điều kiện vật chất để tạo thuận lợi cho việc tuân thủ; và không chỉ tập trung vào cấp độ toàn cầu, mà còn yêu cầu hành động ở cấp quốc gia.

Hàng loạt những đề xuất này cho thấy rằng chẩn đoán chính xác những điểm yếu của phản ứng quốc tế đối với đại dịch COVID-19 và quản trị y tế toàn cầu còn xa mới hoàn thiện được. Một nguy cơ rất thực tế là có quá nhiều đề xuất được đưa vào một hiệp ước duy nhất đến mức dường như không thể đạt được tất cả. Hơn nữa, nếu những nội dung cơ bản được đề xuất được đưa vào quá trình soạn thảo và đàm phán của INB, thì không chắc rằng quá trình này sẽ đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên về những vấn đề đã nêu, và từ đó sẽ hạn chế việc phê chuẩn bất cứ hiệp ước nào ở cấp quốc gia, đặc biệt là nếu những vấn đề gây tranh cãi được coi là ảnh hưởng đến thương mại hoặc chủ quyền. Nói đơn giản, nội dung của hiệp ước đại dịch đang được đề xuất là cốt lõi của một dự án mang tính toàn cầu, tìm cách cải thiện sức khỏe cho tất cả mọi người, cho phép sự công bằng trong việc chuẩn bị và ứng phó với những đại dịch trong tương lai, và khẳng định cốt lõi của nó là tính phổ quát của con người. Ngay cả trong các nước cũng cho thấy sự căng thẳng giữa các bộ y tế và bộ phát triển, và giữa nội các và các bộ ngoại giao, về những vấn đề như vậy. Việc bảo vệ sự đoàn kết và công bằng đòi hỏi các quốc gia phải rời bỏ việc hoạch định chính sách lấy nhà nước làm trung tâm và tập trung vào toàn cầu, điều mà các quốc gia không thể hoặc không muốn làm trong lĩnh vực quản trị y tế toàn cầu cho đến nay, và trong cả thời kỳ đại dịch COVID-19. Cho đến khi sự căng thẳng như vậy giữa thực tế theo chủ nghĩa nhà nước và các lý tưởng theo chủ nghĩa toàn cầu được giải quyết, bất kỳ hiệp ước đại dịch nào cũng sẽ không thể thực hiện được. Để tiến lên phía trước, những nước giàu có cần phải trả lời câu hỏi liệu họ sẵn sàng đến mức nào từ bỏ những gì trong phạm vi quốc gia để có thể chuẩn bị tốt hơn trên phạm vi quốc tế cho các đại dịch trong tương lai. Quá trình hoạch định chính sách của các quốc gia trong thời kỳ COVID-19 đã cho thấy câu trả lời: họ không quá sẵn sàng.

(còn tiếp)

Người dịch: Vũ Mỹ Hạnh

Nguồn: Clare Wenham, Mark Eccleston-Turner, Maike Voss – The futility of the pandemic treaty: Caught between globalism and statism – International Affairs, 98 (3), p837-852

TN 2022 – 70, 71, 72

Thế giới trải qua một năm nhiều biến động – Phần XV


XIV/ Châu Âu đối mặt với nhiều thách thức do khủng hoảng Ukraine gây ra

(Phùng Trọng Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu, Viện khoa học xã hội Trung Quốc)

Năm 2022, cuộc khủng hoảng Ukraine khiến châu Âu trở thành tiêu điểm toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này đã làm nổi bật những bế tắc an ninh cố hữu ở châu Âu, gây ra khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, dẫn đến rủi ro kinh tế châu Âu suy thoái tăng lên rõ rệt. Đồng thời, do tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ giữa các nước châu Âu với Nga, Mỹ, Trung Quốc đã có sự thay đổi và điều chỉnh mới.

“Bước ngoặt thời đại” mà châu Âu phải đối mặt

Ở châu Âu, nơi đang xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng, nhiều quốc gia coi năm 2022 là một “bước ngoặt lịch sử”. Ngày 27/2, tại Hội nghị đặc biệt của Quốc hội Đức, Thủ tướng Scholz cho rằng nước Đức và thế giới đang ở “bước ngoặt của thời đại”.

Năm 2022, châu Âu đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc nhất trong 30 năm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sự thay đổi này trước hết thể hiện ở trật tự an ninh. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cục diện an ninh châu Âu đã do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng vai trò chủ đạo, mâu thuẫn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga vẫn chưa được giải quyết căn bản, ngược lại ngày càng trầm trọng hơn do NATO tiếp tục mở rộng sang phía Đông. Bề ngoài, cuộc khủng hoảng Ukraine là xung đột vũ trang giữa Nga với Ukraine, nhưng thực chất đó là sự leo thang tranh chấp quyền chủ đạo an ninh giữa Nga với châu Âu và Mỹ.

Khủng hoảng Ukraine dẫn đến cuộc đối đầu mới giữa NATO và Nga. Tháng 6/2022, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Nga được xác định lại là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh châu Âu. Để tăng cường khả năng răn đe với Nga và ứng phó với xung đột giữa Nga và các nước thành viên NATO, NATO đã tăng cường triển khai quân đội ở Đông Âu, quân số của lực lượng phản ứng nhanh của NATO tăng từ 40.000 lên 300.000. NATO coi Nga là đối tượng răn đe và ngăn chặn toàn diện, tuyên bố chấm dứt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh của châu Âu. Tháng 11/2022, Ba Lan tuyên bố sẽ xây dựng một bức tường ở biên giới vùng đất Kaliningrad của Nga, phải chăng sự kiện này mang ý nghĩa một bức màn sắt mới đang thiết lập ở châu Âu?

Châu Âu không chỉ bị bao phủ trong bóng tối của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà suy thoái kinh tế cũng đang có nguy cơ xuất hiện. Gần đây, tạp chí The Economist của Anh đã đăng bài viết nhận định “mọi đèn cảnh báo đều nhấp nháy đỏ” trong nền kinh tế châu Âu. Báoc cáo dự báo kinh tế mùa Thu năm 2022 của Ủy ban châu Âu cho biết kinh tế của EU, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và đa số các quốc gia thành viên dự kiến sẽ rơi vào suy thoái trong quý 4/2022 và tiếp tục suy thoái trong quý 1/2023. Ngày 22/11/2022, Báo cáo triển vọng kinh tế do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nêu rõ tốc độ tăng trưởng của 19 quốc gia thuộc khu vực đồng euro năm 2023 chỉ là 0,5%. Kinh tế Đức sẽ suy giảm 0,3% vào năm 2023 do phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Kinh tế Anh sẽ tăng trưởng âm 0,4% vào năm 2023, chỉ tăng trưởng 0,2% vào năm 2024. Năm 2023, tuy kinh tế Pháp và Italy không rơi vào suy thoái nhưng cũng chỉ có thể duy trì mức tăng trưởng 0,6% và 0,2%.

Tình hình kinh tế nghiêm trọng mà châu Âu phải đối mặt chủ yếu do tình trạng thiếu năng lượng. Từ khi khủng hoảng Ukraine bùng nổ đến nay, EU đã áp đặt tổng cộng 8 đợt trừng phạt kinh tế đối với Nga, trừng phạt năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, cùng với các biện pháp trừng phạt leo thang, EU cũng rơi vào khốn quẫn vì thiếu năng lượng. Cuối tháng 9/2022, sau khi đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc – 1 và Dòng chảy phương Bắc – 2 bị phá hoại, hầu hết các đường ống năng lượng nối liền châu Âu và Nga hoàn toàn bị cắt đứt, khiến khủng hoảng năng lượng châu Âu trở nên tồi tệ hơn. Cùng với giá năng lượng cao, chi phí sinh hoạt của người dân và chi phí sản xuất của doanh nghiệp các nước châu Âu tăng vọt. Số liệu của Cơ quan thống kê EU (Eurostat) cho thấy tỷ lệ lạm phát ở Eurozone lên tới 10,7% vào tháng 10/2022, mức cao kỷ lục. Trong số 19 quốc gia thành viên Eurozone, 11 nước có tỷ lệ lạm phát hai con số. Ngoài việc tiết kiệm năng lượng, tăng cường nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, các nước châu Âu hiện đang tích cực tìm kiếm nguồn năng lượng mới từ Mỹ, Trung Á, Bắc Phi và Trung Đông… Để đối phó với giá khí đốt tăng cao, Bộ trưởng Năng lượng của các quốc gia thành viên EU đã đạt được sự đồng thuận về việc mua chung khí đốt sau nhiều tháng đàm phán liên tục nhưng chưa đạt được thỏa hiệp về phương án áp giá trần khí đốt. Những nước như Đức, Hà Lan… lo ngại áp giá trần khí đốt sẽ khiến nguồn cung cho châu Âu giảm hơn nữa. Tháng 9/2022, trong Thông điệp Liên minh hàng năm của Ủy ban châu Âu (EC), Chủ tịch EC Von der Leyen thẳng thắn thừa nhận những ngày sắp tới sẽ không dễ dàng.

Lý tưởng “tự chủ chiến lược” vẫn tồn tại

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã phủ bóng đen lên nỗ lực tự chủ chiến lược mà châu Âu theo đuổi. Những hành động gây thiệt hại do Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra trong 4 năm ở Nhà Trắng khiến châu Âu nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ. Đại dịch COVID-19 bộc lộ tính mỏng yếu của chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong bối cảnh đó, những nước EU như Pháp đã yêu cầu giữ chủ quyền của châu Âu, thực hiện tự chủ về chiến lược, kinh tế và công nghệ. Tuy nhiên, đối mặt với cuộc khủng hoảng Ukraine, châu Âu phải có thái độ thực tế hơn đối với quyền tự chủ quốc phòng và quan hệ với Mỹ. Tháng 3/2022, EU công bố Định hướng chiến lược an ninh và quốc phòng, cam kết các quốc gia thành viên sẽ tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, đến năm 2025 thành lập Lực lượng phản ứng nhanh châu Âu gồm 5000 người. Đồng thời các nước châu Âu cố gắng duy trì liên minh Âu – Mỹ, phấn đấu hình thành quan hệ hợp tác phân công rõ ràng giữa EU và NATO trong tương lai, đó là EU có năng lực tự xử lý khủng hoảng khu vực khi Mỹ không muốn can thiệp trực tiếp.

Điều cần coi trọng là cùng với việc thúc đẩy quá trình loại bỏ năng lượng của Nga, thì sự phụ thuộc kinh tế giữa châu Âu với Trung Quốc cũng bị hoài nghi. Những luận điệu như tách rời Trung Quốc, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đa dạng hóa chuỗi cung ứng… liên tục xuất hiện. Mặc dù Thủ tướng Scholz phản đối rõ ràng việc tách rời Trung Quốc về kinh tế, nhưng việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã trở thành sự đồng thuận cơ bản của các tầng lớp khác nhau ở Đức. Bộ trưởng kinh tế Đức Habeck cho rằng trước đây Đức quá ngây thơ đối với Trung Quốc, giờ đây nước này cần đa dạng hóa thị trường và nguồn nguyên liệu.

(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Tri thức thế giới (TQ) – số 24/2022

TLTKĐB 3-11/01/2023

Cái bẫy Trung Quốc – Phần III


Mọi chuyện sẽ kết thúc ra sao?

Điểm cuối của quỹ đạo hiện tại đã rõ ràng: Đó là một thế giới nhiều hiểm họa và ít sự sống hơn, được xác định bởi nguy cơ đối đầu và khủng hoảng luôn hiện hữu, với việc chuẩn bị cho xung đột được ưu tiên hơn là giải quyết thách thức chung.

Hầu hết các nhà hoạch định chính sách, ít nhất là ở Washington, đều không mong muốn chứng kiến một cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng khủng hoảng là điều khó tránh khỏi và hậu quả của nó là rất lớn. Ngay cả khi hai bên đều muốn tránh chiến tranh, thì họ cũng khó có thời gian để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trước sự giám sát chặt chẽ của công chúng, khiến việc tìm ra cách để giảm leo thang trở nên khó khăn. Ngay cả việc áp dụng vũ lực hoặc cưỡng ép có giới hạn cũng có thể tạo ra một loạt phản ứng khó lường trước trên nhiều lĩnh vực – quân sự, kinh tế, ngoài giao và thông tin. Khi các nhà lãnh đạo thể hiện quyết tâm bảo vệ tiếng tăm của họ ở trong nước, thì khủng hoảng là điều khó kiểm soát.

Đài Loan có lẽ là điểm dễ bùng phát nhất vì những thay đổi ở cả Đài Bắc và Bắc Kinh ngày càng khiến hòn đảo này trở thành trung tâm của căng thẳng Mỹ – Trung. Sự thay đổi về nhân khẩu học và thế hệ ở Đài Loan, kết hợp với cuộc đàn áp của Trung Quốc ở Hong Kong, đã khiến Đài Loan tăng cường phản kháng trước ý định kiểm soát của Bắc Kinh và khiến mục tiêu thống nhất hòa bình ngày càng trở nên xa vời. Sau khi đảng Dân Tiến (DPP), vốn có truyền thống ủng hộ Đài Loan độc lập, thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Tổng thống Thái Anh Văn, bất chấp những nỗ lực thận trọng của bà nhằm tránh động thái hướng tới mục tiêu giành độc lập chính thức. Các kênh liên lạc qua eo biển bị ngăn chặn và Bắc Kinh dựa vào các biện pháp cưỡng chế để trừng phạt và răn đe những động thái mà họ cho là làm gia tăng khả năng Đài Loan vĩnh viễn tách khỏi Đại lục.

Về phần mình, Mỹ tăng cường tuần tra quân sự xung quanh eo biển Đài Loan, nới lỏng hướng dẫn để tăng cường tương tác với các quan chức Đài Loan, mở rộng chính sách thông qua tuyên bố để nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với hòn đảo này và tiếp tục vận động Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc. Tuy nhiên, các nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ hòn đảo và ngăn chặn Trung Quốc lại thúc đẩy Bắc Kinh tìm cách cản trở mối quan hệ Mỹ-Đài đang ngày càng phát triển.

Ngay cả khi Mỹ vẫn tiếp tục chính sách “mơ hồ chiến lược” về cách thức phản ứng trong trường hợp Đài Loan bị tấn công, thì các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc vẫn cho rằng Mỹ sẽ can dự. Quả thật, khó khăn được tiên lượng trong việc ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan và kìm chân Mỹ từ lâu đã thúc đẩy việc tăng cường khả năng răn đe ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, nhiều hành động của Mỹ nhằm tăng cường khả năng chống chịu cưỡng ép của Đài Loan mang tính hình thức hơn là thực chất, nhằm mục đích khiêu khích hơn là răn đe Trung Quốc. Ví dụ, Chính quyền Trump đã nỗ lực tăng cườgn các chuẩn mực liên quan tới việc Mỹ can dự với Đài Loan. Tháng 8/2020, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Alex Azar trở thành thành viên nội các cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vòa năm 1979. Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, bỏ qua hành lang bảo vệ không chính thức để tạo điều kiện cho các hoạt động  an toàn đường thủy. Việc xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan đã trở thành động thái thường xuyên của Trung Quốc nhằm bày tỏ thái độ không hài lòng trước việc Mỹ tăng cưỡng hỗ trợ hòn đảo này. Tháng 10/2021, Trung Quốc đã gia tăng tần suất xâm nhập ADIZ của Đài Loan lên mức cao mới – 93 máy bay trong vòng 3 ngày – để đáp trả các cuộc tập trận do Mỹ đứng đầu.

Chu kỳ hành động-phản ứng, được thúc đẩy bởi các hành động kèn cựa lẫn nhau ở Bắc Kinh, Đài Bắc và Washington, đang nhanh chóng phá hoại hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan. Trong những tháng gần đây, luận điệu của Trung Quốc ngày càng mang tính đe dọa, với những cụm từ báo hiệu ý định gia tăng căng thẳng. “Ai chới với lửa sẽ bị bỏng” là câu nói mà Tập Cận Bình đã lặp lại nhiều lần với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tháng 5/2022, sau khi Biden ngụ ý cam kết bảo vệ Đài Loan vô điều kiện, thay vì chỉ thực hiện nghĩa vụ lâu dài của Mỹ là cung cấp cho hòn đảo này phương tiện quân sự để tự vệ và duy trì khả năng của Mỹ để chống lại bất kỳ hành vi sử dụng vũ lực nào, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh của họ.

Mặc dù Bắc Kinh tiếp tục ưu tiên thống nhất hòa bình, nhưng nhiều người cho rằng cần có các biện pháp cưỡng chế nhằm ngăn chặn các động thái của Đài Loan hướng tới việc vĩnh viễn tách khỏi Đại lục và buộc hòn đảo này phải tiến tới thống nhất, đặc biệt là khi Trung Quốc cho rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan là công cụ để kiềm chế Trung Quốc. Ngay cả khi sự tin tưởng vào quỹ đạo kinh tế và quân sự của Trung Quốc khiến Bắc Kinh cho rằng thời gian và động lực vẫn đứng về phía họ, thì các xu hướng chính trị ở Đài Loan và Mỹ vẫn khiến các quan chức ngày càng bi quan về triển vọng thống nhất hòa bình. Bắc Kinh đã không đặt ra thời gian biểu cụ thể cho việc chiếm lại Đài Loan và dường như không tìm được cớ để làm vậy. Tuy nhiên, như nhà khoa học chính trị Taylor Fravel chỉ ra, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực khi cho rằng các tuyên bố chủ quyền của họ đang bị thách thức. Những cử chỉ cho thấy sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan có thể bị Trung Quốc hiểu là sự sỉ nhục và do đó cần có hành động đáp trả. (Theo tác giả bài viết này, sau khi tin tức về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, chuyến đi đầu tiên của bà kể từ năm 1997, được đưa ra, Trung Quốc đã cảnh báo rằng quân đội nước này sẽ không bỏ qua điều này, và động thái tiếp theo của họ là tiến hành các cuộc tập trận và thử tên lửa xung quanh Đài Loan).

Khi cả Mỹ và Đài Loan cùng tiến hành bầu cử tổng thống vào năm 2024, chính trị đảng phái có thể thúc đẩy nỗ lực khẳng định vị thế chính trị và nền độc lập của Đài Loan. Không rõ liệu nhân vật kế nhiệm Thái Anh Văn có kiên định như bà trong việc chống lại sức ép từ những người kiên quyết ủng hộ độc lập hay không. Ngay cả dưới thời Thái Anh Văn, đã có những dấu hiệu đáng lo ngại về việc các nhà lãnh đạo đảng DPP không bằng lòng với hiện trạng. Các nhà lãnh đạo DPP đã vận động Washington không đưa ra tuyên bố rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập. Tháng 3/2022, văn phòng đại diện của Đài Bắc tại Washington đã trao cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo vinh dự lớn khi ông đến thăm Đài Loan, nơi ông kêu gọi Mỹ công nhận về mặt ngoại giao Đài Loan là một quốc gia tự do và có chủ quyền.

Nguy cơ xảy ra các vụ va chạm chết người trên không hoặc trên biển cũng đang tăng lên ở khu vực bên ngoài eo biển Đài Loan. Với việc quân đội Trung Quốc và Mỹ hoạt động gần nhau ở biển Nam Trung Hoa và biển Hoa Đông, hai bên đều tỏ ý sẵn sàng chiến đấu; các chỉ huy và phi công đều đang áp dụng chiến thuật nguy hiểm làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ. Năm 2001, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va chạm với máy bay do thám của Mỹ trên biển Nam Trung Hoa, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng và phi hành đoàn Mỹ bị giam giữ trong 11 ngày. Sau thành công ban đầu, Trung Quốc đã nỗ lực vượt qua một cuộc khủng hoảng toàn diện.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/china/china-trap-us-foreign-policy-zero-sum-competition

TLTKĐB – 02 & 03, 04/11/2022

Nga và Trung Quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu – Phần II


“Đại chiến lược” của Trung Quốc được xác định bởi sự kết hợp giữa lý luận hiện đại phát triển quốc gia với những giáo điều cổ xưa về chế độ nhà nước. Trung Quốc từ lâu đã phải đối với phó với những thách thức địa chính trị đòi hỏi phải duy trì quyền kiểm soát phần “trung tâm” của Trung Quốc và những hợp phần cơ bản “bên trong châu Á”. Ngoài ra, Trung Quốc còn cố gắng bảo vệ an toàn cho vùng ngoại vi rộng lớn gồm những đường biên giới trên biển và trên đất liền. Một thuộc tính bất biến trong chiến lược của Trung Quốc, đó là cố gắng tranh thủ thời gian để hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra. Về mặt này người ta thường viện dẫn lời phát ngôn của Đặng Tiểu Bình gồm 24 chữ được ghi lại vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước: “Lặng lẽ quan sát; giữ vững trận địa; bình tĩnh ứng phó; giấu mình chờ thời; giỏi về phòng thủ; quyết không đi đầu”.

Ở đây, “giấu mình” không có nghĩa là âm thầm có ý muốn phục thù hay bá quyền, mà chỉ là nhằm mục đích thông qua việc xây dựng kinh tế để đạt tới sự chấn hưng đất nước Trung Quốc, và trong chính sách đối ngoại là “thống nhất trong đa dạng” và “cùng nhau thịnh vượng”. Đường lối này không ngụ ý là không hành động gì đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như với những vấn đề quốc tế quan trọng. Nếu như sự việc đi đến giới hạn nghiêm trọng, thì Trung Quốc phải sẵn sàng chống lại bất kỳ bước chuyển biến sự kiện nào.

Do đó, các đại biểu trong giới chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh rằng cần tránh kiếu giấu mình quá mức có thể dẫn tới trạng thái thụ động, bàng quan hay biến thành đối tượng lợi dụng trong tay kẻ khác, cũng như chủ động quá mức có thể chuyển thành ý muốn hành động mà không biết tự lượng sức mình. Xuất phát từ quan điểm này, tùy theo sức mạnh dân tộc tổng hợp của Trung Quốc mạnh lên bao nhiêu thì tính chủ động của nước này sẽ tăng lên bấy nhiêu. Thế nhưng, nếu chủ động quá mức, có ý định tiếp cận giải quyết các vấn đề quốc tế trên vị thế của nước lớn, mưu toan đóng vai trò “dẫn đầu” hay “lãnh đạo” trên trường quốc tế, trở thành thành viên “câu lạc bộ nhà giảu” thì có thể sẽ gây ra những hành động chống đối không mong muốn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã rời xa phương châm “giấu mình” và chiếm giữ vị thế ngày càng tích cực hơn, thậm chí mang tính tiến công hơn trong việc giải quyết những nhiệm vụ kinh tế đối ngoại và chính trị đối ngoại quan trọng sống còn đối với họ. Quan điểm mới này chứng tỏ rằng trong giới tinh hoa Trung Quốc đã chín muồi nhận thức rằng, bước nhảy vọt về kinh tế và văn hóa – xã hội mạnh mẽ của Trung Quốc đã cho phép nước này có tham vọng đóng vai trò mới – vai trò của một cường quốc lớn hiện đại đứng vị trí thứ hai trên thế giới về sức mạnh kinh tế tổng thể. Việc này khiến ban lãnh đạo Trung Quốc có đủ cơ sở để bắt đầu có một hiệu chỉnh nhỏ lời di chúc nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình, đó là “không quá lộ liễu”.

Còn về khía cạnh địa kinh tế của “chiến lược trỗi dậy” của Trung Quốc, thì chiến lược “vượt biên giới” được tuyên bố cách đây mấy năm, nghĩa là chủ trương mở rộng, bành trướng cho vốn của Trung Quốc ra nước ngoài bắt đầu phát huy sức mạnh. Hiện nay chủ trương này theo đuổi ba mục tiêu: Thứ nhất, bảo đảm cung cấp những dạng năng lượng và nguyên liệu đang thiếu hụt nặng nề trong nước cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc. Thứ hai, trên cơ sở những công ty tốt nhất của mình, thành lập vài chục công ty xuyên quốc gia thuộc sở hữu của mình để có thể cạnh tranh thành công trên trường quốc tế với những gã khổng lồ tương tự của Hoa Kỳ và các nước hàng đầu khác trên thế giới. Và cuối cùng, thứ ba, bằng cách “hợp nhất và thu hút” mua lại những nhãn hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới, để rồi thông qua chúng mở rộng hơn nữa xuất khẩu của Trung Quốc mà không có việc đó thì khối lượng đã đạt tới mức độ hết sức đáng kể, hầu như sánh ngang với khối lượng GDP của Trung Quốc. Cả ba nhiệm vụ này gắn bó chặt chẽ với nhau, và việc giải quyết chúng thành công sẽ cho phép Trung Quốc phát huy ảnh hưởng nhiều hơn trong nền kinh tế thế giới.

Trung quốc đang tìm cách thiết lập một trật tự chính trị và kinh tế thế giới mới có lợi cho sự phát triển của bản thân và của các nước không thuộc về con số “một tỷ vàng”. Trong quá trình giải quyết nhiệm vụ này, ổn định quan hệ hợp tác toàn diện với Nga là hết sức quan trọng đối với Trung Quốc, cả ở cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu. Trung Quốc và Nga đều có những lợi ích và mục tiêu giống nhau. Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc mở ra cho Nga những khả năng mới, đồng thời cũng mang đến những thách thức mới trong quan hệ song phương Nga – Trung Quốc, trong quá trình hội nhập khu vực cũng như trong lĩnh vực chính trị thế giới.

Những phương hướng có thể của hợp tác toàn cầu Nga – Trung Quốc được xác định bởi những đặc điểm khách quan của tình hình quốc tế hiện tại, bởi những lợi ích trùng lặp của cả hai bên và bởi ý muốn phối hợp hành động giữa hai nước với nhau ở mức độ này hay mức độ khác theo phương hướng này.

Do đó, một trong những nền tảng của hợp tác toàn cầu giữa Trung Quốc và Nga có thể trở thành niềm tin được hai nước chia sẻ, đó là cần phải bảo đảm hòa bình với tư cách là điều kiện chủ yếu cho sự phục hồi kinh tế của hai nước, nâng cao sức mạnh tổng hợp của mỗi nước và tạo điều kiện cần thiết cho hai nước cùng phát triển. Trong trường hợp này thì lợi ích của Nga và Trung Quốc trùng lặp nhau, bởi trên thế giới vẫn tiếp tục mối quan ngại về hành vi có thể của cả Nga lẫn Trung Quốc sau khi họ trở nên mạnh hơn so với bây giờ.

Điều này, đến lượt nó lại gây lo ngại và tạo ra sự chống đối từ phía một số nước thành viên của nền chính trị thế giới, do đó thúc đẩy Nga và Trung Quốc phải phối hợp hành động với nhau để mỗi bên có thể bảo vệ lợi ích quốc gia của mình cùng những lợi ích trùng lặp của cả hai bên.

Việc Nga và Trung Quốc tham gia vào quá trình quản trị toàn cầu, đi đôi với hợp tác tích cực, là nhân tố quan trọng của chính trị thế giới và là bộ phận cấu thành không thể tách rời của hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại. Với mục đích phân tích so sánh những kinh nghiệm về sự tham gia như vậy vào quản trị toàn cầu, theo cách diễn đạt được đề xuất ở cấp quốc tế, ở đây nó được định nghĩa là “quá trình cùng nhau quản lý, tập hợp các chính phủ quốc gia, các tổ chức đa phương quốc gia và xã hội dân sự nhằm đạt được mục tiêu chung. Nó cung cấp phương hướng chiến lược và hướng dẫn mọi nỗ lực tập thể vào giải quyết những nhiệm vụ toàn cầu”.

Hiểu theo nghĩa rộng hơn, hệ thống quản trị toàn cầu bao gồm tất cả những thiết chế, chế độ, quá trình, quan hệ đối tác và cơ cấu tham gia vào hành động tập thể và giải quyết vấn đề ở cấp độ quốc tế.

Ở cấp độ khái niệm và lý thuyết, cả Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều công nhận tầm quan trọng của các thiết chế quản trị toàn cầu trong việc giải quyết những nhiệm vụ then chốt của an ninh và phát triển quốc tế. Như trong khái niệm chính sách đối ngoại, Liên bang Nga đã nhận định rằng những thách thức và đe dọa toàn cầu đòi hỏi phải có câu trả lời thích đáng từ phía cộng đồng quốc tế, những nỗ lực hiệp đồng của cộng đồng cộng với vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc và có tính đến mối quan hệ qua lại khách quan giữa những vấn đề an ninh, bảo đảm phát triển ổn định và bảo vệ quyền con người.

Trong công trình nghiên cứu khoa học tập thể “Quản trị toàn cầu: những khả năng và rủi ro” hoàn thành với sự tham gia của các học giả Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, đã cung cấp luận chứng khoa học đầy đủ cho luận điểm khái niệm này, đã phân tích những thực tế mới của quản trị toàn cầu trong khung cảnh khu vực và đất nước (bao gồm phân tích chính sách của Trung Quốc).

Đặc biệt là trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc xúc tiến cải tổ những thiết chế quản trị toàn cầu, khuyến khích hòa bình và phát triển kinh tế trên toàn thế giới trong bối cảnh kiến tạo “thế giới hài hòa”.

Các học giả và chuyên gia Trung Quốc cũng nhận định rằng, xu hướng chiến lược tất yếu trong tương lai của Trung Quốc trong quan hệ với các nước lớn, đó là tham gia kiến tạo “thế giới hòa bình” và quản trị toàn cầu. Ở đây, khi so sánh khái niệm quản trị toàn cầu và thế giới hài hòa, các nhà nghiên cứu đã làm nổi bật những điểm ưu việt sau đây của khái niệm thứ hai:

Thứ nhất, chiến lược kiến tạo “thế giới hài hòa” nhấn mạnh thái độ tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng thực hiện dân chủ trong quan hệ quốc tế.

Thứ hai, chiến lược kiến tạo “thế giới hài hòa” ủng hộ “hợp tác với nhau, dùng những lợi thế của mình bổ sung cho nhau, cùng nhau tiến tới toàn cầu hóa nền kinh tế để đón đầu bước phát triển ổn định chung trong lĩnh vực kinh tế”.

Thứ ba, chiến lược kiến tạo “thế giới hài hòa” khuyến khích “trao đổi với nhau, tìm kiếm những điểm chung, tôn trọng sự khác biệt của thế giới, cùng nhau góp phần vào quá trình thịnh vượng văn hóa của nhân loại trong nền văn hóa của mình”.

Thứ tư, chiến lược kiến tạo “thế giới hài hòa’ kêu gọi tiến tới “tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác, chỉ sử dụng những phương cách hòa bình và không cho phép dùng phương tiện quân sự khi giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế, duy trì hòa bình ổn định trong lĩnh vực an ninh”.

Thứ năm, chiến lược kiến tạo “thế giới hài hòa” ủng hộ việc “tương trợ lẫn nhau, hợp tác, cùng nhau chăm sóc ngôi  nhà chung Trái Đất – cho sự tồn tại của nhân loại đi đôi với gìn giữ môi trường”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: m.L. Titarenko, V.E. Petrovski – Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới: Lý luận và thực tiễn – NXB CTQG 2017

Hiệp ước về đại dịch: Mắc kẹt giữa chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa nhà nước – Phần I


Clare Wenham, Mark Eccleston-Turner, Maike Voss

Tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHASS) vào năm 2021, các quốc gia thành viên đã nhất trí thành lập một cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) nhằm soạn thảo một công ước, thỏa thuận hoặc công cụ quốc tế nhằm chuẩn bị và ứng phó với đại dịch theo Luật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Kiểu “hiệp ước đại dịch” này do Chile và Liên minh châu Âu (EU) đề xướng, và sau đó đã được nhiều nhà lãnh đạo thế giới và WHO ủng hộ. Logic cơ bản để họ ủng hộ kiểu hiệp ước này xuất phát từ việc cơ chế quản trị toàn cầu đã thất bại trong đại dịch COVID-19 và từ đó yêu cầu phải có một hiệp ước nhăm bổ sung cam kết chính trị nhằm giảm thiểu những thách thức trong tương lai trong việc ngăn ngừa, phát hiện, ứng phó và phục hồi sau các biến cố về đại dịch. Những thách thức này bao gồm dữ liệu mạnh bị giới hạn; khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu về mầm bệnh và dữ liệu liên quan; thiếu sự hợp tác và phối hợp giữa các chính phủ; các nước đang tập trung quá mức vào chủ nghĩa bảo hộ quốc gia – thể hiện qua các biện pháp như cấm xuất khẩu, đóng cửa biên giới và sự bất bình đẳng đang diễn ra trong phân bổ vaccine gây tổn hại đến hệ thống y tế toàn cầu. Những người ủng hộ lập luận rằng một hiệp ước bắt nguồn từ “các tiêu chuẩn đoàn kết, công bằng, minh bạch, toàn diện và bình đẳng” như vậy có thể trở thành nền móng cho an ninh y tế toàn cầu trong tương lai và sẽ khắc phục được những thiếu sót từng có trong ứng phó với COVID-19.

Điều này có vẻ truyền cảm hứng. Sau sự xuất hiện của COVID-19, điều cần thiết là phải phát triển các giải pháp chung phù hợp để giảm thiểu các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai và đảm bảo rằng các cơ chế này phải bắt nguồn từ tính công bằng toàn diện. Tuy nhiên, rõ ràng đã có mâu thuẫn giữa các vấn đề được chứng kiến trong giai đoạn ứng phó với COVID-19 (và an ninh y tế toàn cầu nói chung) bắt nguồn từ chính sách an ninh lấy nhà nước làm trung tâm và hiệp ước được đề xuất với mục đích thực hiện cách tiếp cận toàn cầu, gần như là phạm vi toàn thế giới để chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Tuy vậy, một hiệp ước chống đại dịch sẽ khó đạt được những điều mà những người ủng hộ nó đang tán dương, cũng như sẽ khó giải quyết được vô số vấn đề về hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực y tế nói chung.

Để chứng minh luận điểm trên, các cuộc tranh luận học thuật và chính sách xoay quanh hiệp ước này dưới cách tiếp cận so sánh giữa chủ nghĩa toàn cầu với chủ nghĩa nhà nước trung ương tập quyền được phân tích thông qua ngôn ngữ đề xuất; loại công cụ được đề xuất; địa điểm quản trị dự kiến và những thiếu sót của Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR). Từ đó cho thấy sự mất cân bằng giữa các đề xuất về hiệp ước và các vấn đề thực tiễn từ quản trị y tế toàn cầu. Nhiều thách thức về cấu trúc vẫn chưa được diễn giải và giải quyết một cách triệt để khi hoạch định cho một hiệp ước, và do đó các rào cản sẽ vẫn tồn đọng trong bất kỳ thỏa thuận quản trị mới nào.

“Chủ nghĩa toàn cầu” và “chủ nghĩa nhà nước” trong quản trị y tế toàn cầu

Quản trị y tế toàn cầu có thể được khái niệm hóa theo nhiều cách. Tuy nhiên, trọng tâm của hầu hết các cách hiểu chính là tình trạng căng thẳng giữa các phương pháp tiếp cận theo chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa nhà nước. Những cách hiểu theo trường phái tương tự chủ yếu tập trung vào vấn đề an ninh, coi nó là đơn vị phân tích quốc gia trong hệ thống Westphalia. Các phương thức tiếp cận theo chủ nghĩa toàn cầu tìm cách điều chỉnh các vấn đề xuyên quốc gia về y tế tổng thể và nhấn mạnh rằng việc hoạch định chính sách theo chủ nghĩa nhà nước là không đủ để giải quyết các mối quan tâm toàn cầu, mà tập trung vào quyền của các nhân và bắt nguồn từ các chuẩn mực hợp tác, đoàn kết và các giá trị dân chủ tự do chung. Cho dù có được thừa nhận một cách rõ ràng hay không, thì logic của Kant về cộng đồng phổ quát cho rằng tất cả chúng ta đều tồn tại như những cá nhân trong một cộng đồng toàn cầu duy nhất, trong đó mọi người, ở bất cứ đâu, đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận hàng hóa công và tư nhân nhằm tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật, bảo vệ mình khỏi các vấn đề về sức khỏe và được chia sẻ theo cách tiếp cận toàn cầu và các quan điểm nhân đạo về y tế hay thế giới quan xuyên quốc gia khác. Cụ thể hơn, quan điểm này cho rằng thay vì chỉ tập trung vào việc bảo vệ các “công dân” hoặc biên giới quốc gia của họ, cộng đồng toàn cầu – bao gồm các quốc gia, tổ chức quốc tế, các tổ chức từ thiện, các công ty thuộc khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, nên hợp tác để đảm bảo việc cung cấp y tế và phúc lợi. Vấn đề chính của hợp tác quốc tế trong một hiệp ước đại dịch là sự tương phản giữa mô hình an ninh y tế toàn cầu lấy nhà nước làm trung tâm và cá nhân là đơn vị phân tích trong các phương pháp tiếp cận toàn cầu về y tế.

Rất nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong các vấn đề y tế đã được thiết lập dựa trên những quan niệm toàn cầu, đặc biệt trong các chương trình viện trợ nước ngoài hoặc hỗ trợ từ các nước thu nhập cao cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong việc giải quyết các vấn đề y tế chỉ diễn ra ở Nam bán cầu. Ở đây, một khuôn khổ về các quyền, công bằng, đoàn kết và các mục tiêu chung mang tính lan tỏa khi các nhà tài trợ lẫn những người tiếp nhận cùng tìm cách nâng cao sức khỏe của người dân. Ý tưởng về luật quốc tế và cách tiếp cận dựa trên quy tắc đối với quản trị toàn cầu cũng có xu hướng phù hợp với quan điểm chung bởi “cơ chế kéo”, bắt nguồn từ “tập quán nội bộ hóa” đối với luật quốc tế mà các quốc gia phải tuân thủ; bất kể việc một người theo chủ nghĩa duy lý sẽ cho rằng các quốc gia chỉ đang tuân thủ luật pháp quốc tế trên cơ sở ngẫu nhiên, hợp tác, ép buộc và đồng thuận, các khả năng tư lợi và quyền lực của các quốc gia có thể khiến họ “rời xa” luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, thế giới quan này rất khác với phương pháp dựa theo chủ nghĩa nhà nước đối với an ninh y tế toàn cầu. Đối với nhiều nước có thu nhập cao, việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh bắt nguồn từ tầm nhìn của nhà nước về an ninh quốc gia. Bằng cách tham gia vào các nỗ lực chuẩn bị và ứng phó với đại dịch toàn cầu, các quốc gia bảo vệ người dân và nền kinh tế của họ khỏi các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm. Thật vậy, trong đại dịch COVID-19 cho thấy rõ điều này: ngay từ những giai đoạn đầu của đại dịch, từ viễn cảnh hỗ trợ toàn cầu cho các gia gặp khó khăn đã chuyển sang cách tiếp cận “ưu tiên quốc gia dân tộc trước” không hiệu quả. Các chính phủ trên toàn thế giới đã đi theo những phương pháp của riêng mình trong đại dịch, áp đặt biện pháp hạn chế biên giới, không tuân theo hướng dẫn của WHO và quy định của IHR (2005), và trong quá trình đó họ bỏ qua lời kêu gọi “mọi người cùng nhau vượt qua đại dịch” và tập trung riêng cho người dân và những nhu cầu ngắn hạn trong nước, cũng như những việc để gia tăng niềm tin chính trị và chiến thắng bầu cử, hơn là tập trung cho lợi ích toàn cầu của một tập thể các nước. Ví dụ điển hình nhất về vấn đề này chính là tư tưởng chủ nghĩa nhà nước về vaccine mà các nước phương Tây thể hiện. Đã có những lập luận quốc tế rõ ràng chỉ ra rằng các nước phân bổ vaccine công bằng nhất là ưu tiên dành cho những nhân viên chăm sóc y tế về những người thiệt thòi về y tế trên toàn cầu. Trên thực tế, dự án COVAX đã được đề xuất để đạt mục tiêu này, tuân theo tư tưởng của chủ nghĩa toàn cầu. Tuy nhiên, cách tiếp cận theo chủ nghĩa nhà nước của phương Tây đã xem nhẹ COVAX bằng cách áp đảo nguồn cung có hạn về vaccine qua các hình thức đặt mua mạnh tay để đáp ứng nguồn cung trong nước, bao gồm cả những liều bổ sung, trực tiếp hạn chế nguồn cung vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hệ quả xảy ra là tỉ lệ tử vong khác biệt khủng khiếp giữa nước thu nhập cao và nước thu nhập thấp, và nguy cơ tiềm tàng của những biến chủng mới sẽ kéo dài đại dịch.

(còn tiếp)

Người dịch: Vũ Mỹ Hạnh

Nguồn: Clare Wenham, Mark Eccleston-Turner, Maike Voss – The futility of the pandemic treaty: Caught between globalism and statism – International Affairs, 98 (3), p837-852

TN 2022 – 70, 71, 72

Thế giới trải qua một năm nhiều biến động – Phần XIV


XIII/ Cục diện sức mạnh và xu hướng chính sách ở khu vực Á – Âu có sự phân hóa mạnh mẽ

(Tôn Tráng Chí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu, Trung Á, Viện khoa học xã hội Trung Quốc)

Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, cục diện sức mạnh và xu hướng chính sách ở khu vực Á – Âu có sự phân hóa rõ rệt, chịu nhiều áp lực bên trong và bên ngoài, nhiệm vụ duy trì ổn định và an ninh của chính mình càng nặng nề phức tạp hơn, khiến mâu thuẫn vốn có càng thêm gay gắt trong bối cảnh đặc biệt.

Nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính quyền nặng nề phức tạp hơn

Năm 2022, về chính trị, các nước Á – Âu về cơ bản duy trì ổn định, nhưng tính mỏng yếu của chính quyền một số nước sẽ trở nên nổi bật hơn và lực lượng chống chính phủ lại càng sôi động hơn, sự phổ cập mạng Internet khiến phương thức động viên thay đổi, chính quyền hiện tại chịu sức ép cầm quyền lớn hơn. Để duy trì sự ổn định lâu dài, những quốc gia này đã thực hiện các biện pháp nhằm củng cố địa vị lãnh đạo hiện tại hoặc sắp xếp bộ máy quyền lực mới.

Đầu tháng 01/2022, Kazakhstan xảy ra bạo loạn. Nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể do Nga đứng đầu, Tổng thống Tokayev đã ổn định tình hình, chấm dứt tình trạng “chính trị hai phe” kéo dài hơn hai năm. Từ khi tiếp quản toàn bộ quyền lực từ Tổng thống đầu tiên Nazarbayev, Tokayev đã thúc đẩy cải cách với quy mô lớn. Ngày 20/11, Kazakhstan đã tổ chức cuộc bầu cử tổng thống bất thường và Tokayev tái đắc cử. Tháng 3/2022, Turkmenistan bất ngờ tổ chức bầu cử tổng thống sớm, Phó Thủ tướng Serdar Berdymukhamedov giành chiến thắng và kế nhiệm cha mình, Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov đã lùi lại phía sau để hoàn thành một phần quá trình chuyển giao quyền lực. Tháng 5/2022, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở khu tự trị Gormo-Badakhshan của Tajikistan và chính quyền đã điều động quân đội để ổn định tình hình. Tháng 6/2022, Uzbekistan đã công bố dự thảo sửa đổi hiến pháp. Đầu tháng 7/2022, thành phố Nukus của nước này đã diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn do vấn đề sắc tộc. Tình hình chính trị tại Armenia, khu vực Kavkaz, tiếp tục bất ổn, phe đối lập đã nhiều lần tổ chức biểu tình đòi Chính quyền Pashinyan từ chức.

Bị ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây đối với Nga, nền kinh tế của các nước Á – Âu đối mặt với nhiều khó khăn, đa số hạ thấp dự báo tăng trưởng, nhưng tình hình đã được cải thiện trong nửa cuối năm 2022, chủ yếu hưởng lợi do: giá hàng hóa tăng lên, có lợi cho nước xuất khẩu tài nguyên và năng lượng; thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng không gian hợp tác kinh tế với nước ngoài, mang lại hiệu quả tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các nước Á – Âu trong ba quý đầu năm 2022 là từ 5 – 7%, thậm chí một số quốc gia tăng trưởng hai con số. Tình hình ngoại thương tốt, chủ yếu hưởng lợi do thu nhập từ xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô tăng lên, cũng vì Nga buộc phải điều chỉnh phương hướng hợp tác kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại với các nước Trung Á. Từ tháng 1 – 8/2022, kim ngạch ngoại thương của Uzbekistan là 32,1 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch ngoại thương của Azerbaijan là 35,1 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021; trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch ngoại thương của Gruzia, quốc gia thiếu năng lượng, cũng tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn thu kiều hối của các nước Á – Âu tăng lên, cải thiện tình hình tài chính. Tuy nhiên, đa số các nước đều rơi vào vòng tuần hoàn ác tính lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao, đồng thời phải đối mặt với khó khăn đầu tư giảm nhiều từ phương Tây. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ lạm phát của một số nước Á – Âu có thể lên tới 15% đến 25% vào năm 2022.

Duy trì sự cân bằng mong manh dựa vào ngoại giao năng động

Các nước Á – Âu đã bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt là Belarus, quốc gia bị Mỹ và phương Tây trừng phạt vì liên minh với Nga. Về ngoại giao, các nước Á – Âu tiếp tục duy trì thế cân bằng mong manh, không chọn bên rõ ràng, từ chối tham gia trừng phạt Nga, đồng thời tổ chức hàng loạt sự kiện quốc tế lớn, thể hiện lập trường ngoại giao tích cực. Uzbekistan đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), đây là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của SCO kể từ sau đại dịch COVID-19. Kazakhstan đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA) lần thứ 6.

Nga vẫn coi trọng ảnh hưởng và quyền chủ đạo của họ ở khu vực Á – Âu, tận dụng những cơ chế như Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Hội đồng hợp tác kinh tế Á – Âu, Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)…, nhấn mạnh cùng duy trì ổn định khu vực, thiết lập cơ chế bào đảm tăng trưởng kinh tế, tăng cường hợp tác ngành sản xuất, đồng thời lần đầu tổ chức cuộc họp thượng đỉnh “Nga + Trung Á”. Tuy nhiên, ngoại giao của các nước Á – Âu cũng đã có sự phân hóa rõ rệt. Một số nước ngày càng đi xa hơn trên con đường chống Nga (như Gruzia, Moldova và Ukraine, các thành viên của nhóm “GUAM”), có một số nước cũng xa rời Nga trong quá trình “dân tộc hóa chủ thể”, cũng có nước gắn chặt với Nga. Các nước phương Tây như Mỹ, châu Âu tiếp tục tăng cường thâm nhập vào các nước Á – Âu. Mỹ và các nước Trung Á đã tổ chức cuộc tập trận chung Hợp tác khu vực 2022. Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hội nghị thượng đỉnh với 5 nước Trung Á. Nước lớn tầm khu vực đã triển khai tấn công ngoại giao đối với Trung Á, đặc biệt là Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tóm lại, mối đe dọa an ninh truyền thống tiếp tục tăng, căng thẳng quân sự như xung đột khu vực, tranh chấp biên giới và tranh chấp lãnh thổ đã phá hoại ổn định khu vực.

Cùng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với nhiều nước Á – Âu, nhiều hoạt động song phương và đa phương quan trọng đã được tổ chức, tổng kết những thành tựu hợp tác kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong quá trình đó, quan hệ song phương được nâng lên tầm cao mới, chuẩn bị khởi đầu “30 năm hoàng kim” mới. Từ tháng 1/2022, lãnh đạo Trung Quốc và 5 nước Trung Á đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; tháng 2/2022, nguyên thủ quốc gia 5 nước Trung Á sang Trung Quốc dự lễ khai mạc Olympic mùa đông Bắc Kinh; tháng 6/2022, Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ ba “Trung Quốc+5 nước Trung Á” đã quyết định nâng cấp thành cơ chế hội nghị nguyên thủ quốc gia. Đến tháng 9/2022, lãnh đạo Trung Quốc đã lựa chọn Kazakhstan và Uzbekistan cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau dịch COVID-19. Ngoại giao láng giềng của Trung Quốc năm 2022 có thể được gọi là “Năm Trung Á”. Trong Hội nghị thượng đỉnh SCO, Trung QUốc và Belarus đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Trung Quốc và các nước Á – Âu đã tích cực thúc đẩy hợp tác kết nối trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”, dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư sẽ giúp phục hồi và phát triển kinh tế các nước Á – Âu. Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của các nước Á – Âu.

Trung Quốc cùng đa số các nước Á – Âu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, cũng như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tiếp tục là phương hướng ưu tiên ngoại giao. Hai bên ủng hộ lẫn nhau về lợi ích cốt lõi trên trường quốc tế. Đa số các nước Á – Âu có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, hai bên không có sự trở ngại về ý thức hệ, đang chung tay xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của các quốc gia trong khu vực.

(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Tri thức thế giới (TQ) – số 24/2022

TLTKĐB 3-11/01/2023

Cái bẫy Trung Quốc – Phần II


Khi giải thích về tình trạng căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng tăng, một số học giả đã chỉ ra sự thay đổi về cấu trúc trong cán cân quyền lực. Graham Allison đã viết về “cái bẫy Thucydides” với quan điểm cho rằng khi một quốc gia đang trỗi dậy thách thức cường quốc đã tồn tại từ lâu, thì cuộc chiến giành quyền bá chủ thường xảy ra. Tuy nhiên, việc chỉ tập trung vào năng lực sẽ gặp trở ngại khi tính đến những khúc quanh trong quan hệ Mỹ-Trung, vốn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhận thức về mối đe dọa, cơ hội và mục đích. Sau chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon tới Bắc Kinh vào năm 1972, Mỹ đã coi Trung Quốc là đối tác chiến lược trong việc kiềm chế Liên Xô. Và khi thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh bắt đầu, các nhà hoạch định chính sách Mỹ bắt đầu triển khai chiến lược phòng ngừa trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, cho dù họ đang tìm cách khuyến khích nước này tự do hóa kinh tế và chính trị thông qua tiến trình hội nhập sâu rộng hơn.

Trong suốt thời kỳ này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội chiến lược để ưu tiên phát triển đấn ước trong môi trường quốc tế ổn định. Nước này mở cửa cho đầu tư nước ngoài và các hoạt động tư bản, nỗ lực học hỏi từ kinh nghiệm chuyên môn của nước ngoài trong khi vẫn tích cực chống lại tình trạng “ô nhiễm tư tưởng” và “tự do hóa tư sản”. Bất chấp mọi nỗ lực giải quyết căng thẳng, kể cả trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995 – 1996 và sau vụ NATO ném bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư năm 1999, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn chung vẫn tuân thủ chiến lược “giấu mình chờ thời” của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình để tránh gây ra cảm giác bị đe dọa, có thể thúc đẩy các nỗ lực nhằm bóp nghẹt sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nếu phải chỉ ra thời điểm được coi là bước ngoặt trong cách tiếp cận thế giới của Trung Quốc, thì đó là năm 2008 chứ không phải là năm 2021, khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến Bắc Kinh từ bỏ quan điểm rằng Trung Quốc là học trò và Mỹ là giáo viên khi nói đến quản trị kinh tế. Thế vận hội mùa Hè năm đó tại Bắc Kinh được cho là nhằm đánh dấu sự xuất hiện của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế, nhưng phần lớn thế giới lại tập trung vào các cuộc bạo loạn ở Tây Tạng, nơi quan chức Trung Quốc nỗ lực ngăn cản sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc đàn áp sau đó của chính quyền nước này. Đảng Cộng sản Trung Quốc mặc định rằng các lực lượng nước ngoài có ý định cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong những năm sau đó, phong trào tự do hóa đã phát triển theo chiều ngược lại: Đảng Cộng sản Trung Quốc cản trở việc truyền bá tư tưởng tự do và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đè bẹp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, xây dựng hệ thống giám sát của nhà nước trên diện rộng và thiết lập các trại giam ở Tân Cương. Tất cả những động thái này là biểu hiện của quan niệm rộng hơn về an ninh quốc gia, được khắc họa bởi những lo ngại về tình trạng bất ổn. Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc từ bỏ mọi chiến lược thể hiện sự khiêm tốn. Nước này trở nên quyết đoán hơn trong việc bảo vệ các yêu sách lãnh thổ và lãnh hải của mình (cụ thể là yêu sách chủ quyền đối với khu vực dọc biên giới Ấn Độ, biển Nam Trung Hoa, biển Hoa Đông và Đài Loan). Sau khi vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, Trung Quốc bắt đầu sử dụng sức mạnh kinh tế để buộc các bên phải tôn trọng lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nước này không ngừng phát triển năng lực quân sự, kể cả việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, để ngăn chặn Mỹ can thiệp vào khu vực. Quyết định phát triển năng lực này đã có trước thời Tập Cận Bình nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Bắc Kinh đã áp dụng cách tiếp cận mang tính cưỡng ép và cứng rắn hơn.

Trước việc năng lực của Trung Quốc ngày càng tăng và nước này sẵn sàng sử dụng chúng, Washington đã tăng cường chính sách phòng ngừa rủi ro. Chính quyền Obama tuyên bố sẽ “xoay trục” sang châu Á. Và trong khi Washington đang tìm kiếm một vai trò mang tính xây dựng cho Trung Quốc trong hệ thống quốc tế, thì tốc độ trỗi dậy của Trung Quốc lại vượt quá sự sẵn sàng của Mỹ. Sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống, đánh giá của Washington trở nên cực đoan: Theo lời Trump, một chế độ theo chủ nghĩa Marx-Lenin đang “bắt nạt” Mỹ, thống trị thế giới và lật đổ nền dân chủ. Đáp lại, Chính quyền Trump đã khơi mào một cuộc chiến thương mại và bắt đầu nói về việc tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời đưa ra một loạt sáng kiến nhằm chống lại ảnh hưởng của cường quốc châu Á này và làm suy yếu Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong phát biểu của mình, các quan chức cấp cao Mỹ ám chỉ đến việc thay đổi chế độ, kêu gọi thực hiện các bước nhằm trao quyền cho người dân Trung Quốc và tìm kiếm hình thức chính phủ khác, đồng thời nhấn mạnh rằng lịch sử Trung Quốc chứa đựng một con đường khác cho người dân nước này.

Chính quyền Biden đã ngừng mọi phát ngôn về việc thay đổi chế độ ở Trung Quốc và phối hợp chặt chẽ cách tiếp cận của họ với các đồng minh và đối tác, tương phản với chủ nghĩa đơn phương của Trump, nhưng vẫn tiếp tục nhiều chính sách của người tiền nhiệm và ủng hộ ý kiến rằng cần phải đánh giá ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Một số nỗ lực, chẳng hạn như Sáng kiến Trung Quốc của Bộ Tư pháp, nhằm truy tố hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gián điệp kinh tế đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, các biện pháp khác vnẫ được duy trì, trong đó có việc áp đặt thuế quan, kiểm soát xuất khẩu, hạn chế thị thực và mở rộng các lệnh trừng phạt đối với quan chức và công ty Trung Quốc. Trong khi đó, sự phản đối kịch liệt hơn bao giờ hết đối Trung Quốc có lẽ là điều duy nhất có thể thấy ở cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa tại Quốc hội, cho dù mối quan tâm chung này chỉ dẫn tới một thỏa thuận hạn chế (chẳng hạn như đạo luật gần đây về đầu tư chất bán dẫn trong nước) về cách thức ganh đua mà Mỹ nên áp dụng.

Trong hơn 5 thập kỷ qua, Mỹ đã cố gắng kết hợp giữa can dự và răn đe để đưa Trung Quốc gia nhập hệ thống quốc tế giúp duy trì lợi ích và giá trị của Mỹ. Cho dù các nhà hoạch định chính sách Mỹ biết rõ đối tác Trung Quốc cam kết bảo vệ vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, song họ vẫn cho rằng thế giới sẽ an toàn hơn khi Trung Quốc ở bên trong hệ thống quốc tế. Quan điểm này được cho là đúng. Tuy nhiên, nhiều người ở Washington vẫn hy vọng tìm cách thúc đẩy sự phát triển tự do của Trung Quốc. Do đó, chủ nghĩa độc đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đã dẫn tới câu chuyện về thất bại toàn diện trong chính sách của Mỹ. Việc tập trung khắc phục thất bại đó đã khiến Bắc Kinh trở nên bất an và tin rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc trở thành siêu cường.

Giờ đây, cả hai nước đều tỏ ý sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để chứng minh rằng bất kỳ yêu cầu nào của bên còn lại cũng đều sẽ không được đáp ứng. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tin rằng đối phương chỉ lùi bước trước sức mạnh và coi sự kiềm chế là điểm yếu. Một ngày sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa, đã cam kết “chiến đấu đến cùng” với Đài Loan.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/china/china-trap-us-foreign-policy-zero-sum-competition

TLTKĐB – 02 & 03, 04/11/2022