Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Bộ tứ
Có thể nhận thấy rằng điểm hội tụ quan trọng trong các phương pháp tiếp cận của cả 4 quốc gia được nêu ở trên đều là vấn đề an ninh. Ấn Độ lo ngại về tranh chấp biên giới với Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền với một trong số các bang của họ – Arunachal Pradesh, được Bắc Kinh gọi là Nam Tây Tạng và coi là lãnh thổ Trung Quốc bị thực dân Anh chiếm giữ trái phép – cũng như với một số vùng lãnh thổ biên giới. Trong khi đó, New Delhi cho rằng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép một phần lãnh thổ của Ấn Độ ở Aksai Chin. Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Australia lo ngại trước sự bành trướng về kinh tế, và tương lai là chính trị và quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Về phần mình, Mỹ đang cố gắng duy trì vị thế bá chủ của mình, mà theo Washington là đang bị Trung Quốc tranh giành.
Các lợi ích chung trong lĩnh vực an ninh đã thúc đẩy 4 quốc gia này hình thành một diễn đàn đối thoại không chính thức, được gọi là Bộ tứ. Phiên bản đầu tiên của nhóm Bộ tứ ra đời vào năm 2007 và đã không còn tồn tại một năm sau đó do các nhà chức trách mới của Australia không muốn phá hoại quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, những lo ngại kéo dài về sự bành trướng của Trung QUốc, sự trở lại nắm quyền của ông Shinzo Abe ở Nhật Bản – một trong những người đưa ra sáng kiến nhóm Bọ tứ, và sự chuyển đổi chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump theo hướng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc đã giúp hồi sinh sáng kiến này vào năm 2017.
Không thể đánh đồng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với nhóm Bộ tứ, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là điều kiện cần thiết cho hoạt động của Bộ tứ, vạch ra khuôn khổ địa lý cho hoạt động của nhóm này tồn tại. Nhưng Bộ tứ lại không phải là điều kiện cho sự tồn tại của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Là một cấu trúc, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể được giải thích theo các cách khác nhau và có thể bao hàm nhiều tổ chức không chính thức tương tự. Ở một mức độ nhất định, “trục” Pakistan – Trung Quốc là một cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tương tự như Bộ tứ. Sự không đồng nhất của các khái niệm về “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và “Bộ tứ” là rõ ràng, do tồn tại tầm nhìn và cách hiểu riêng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của các quốc gia không là thành viên và không có ý định tham gia Bộ tứ, ví dụ như Pháp, Đức và châu Âu nói chung hay các nước ASEAN. Số lượng các quốc gia này sẽ còn tăng lên nhiều trong tương lai gần ở cả châu Á, châu Âu và các quốc gia Nam Mỹ hay châu Phi.
Rõ ràng, có thể nhận thấy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Bộ tứ đều có lợi cho Mỹ, cho phép Mỹ áp đặt tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với các quốc gia quan tâm đến các dự án hội nhập khu vực lớn và lôi kéo họ tham gia các sáng kiến chống lại Trung Quốc.
Từ châu Á – Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Có một số khu vực ảnh hưởng tới lợi ích và an ninh quốc gia của Nga. Bất cứ vấn đề nào trong các khu vực này đều ảnh hưởng tới Moskva, vì bằng cách này hay cách khác chúng đe dọa an ninh kinh tế hoặc quân sự của Nga. Không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Bắc Cực là các khu vực như vậy. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hướng tới các đại dương và các chính thể ven biển nên không liên quan đến SNG, nhưng lại liên quan trực tiếp đến Bắc Cực.
Bắc Cực được liên kết địa lý với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua eo biển Bering. Điều này có nghĩa là việc đảm bảo an ninh cho Bắc Cực nên được bắt đầu từ phía Bắc Thái Bình Dương, khu vực vốn do Hạm đội Thái Bình Dương của Nga chịu trách nhiệm.
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Bắc Cực chỉ có thể thực hiện được khi thu hút được các khảon đầu tư và công nghệ từ các công ty châu Á. Nếu Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) được định hướng trở thành tuyến đường trung chuyển hàng hóa chính, hàng hóa châu Á sẽ được vận chuyển đến châu Âu qua tuyến đường này. Nếu Bắc Cực vẫn chủ yếu là nguồn cung cấp dầu khí thì các nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh chóng chắc chắn sẽ trở thành nơi tiêu thụ chính lượng dầu khí này trong bối cảnh phương Tây ngày càng quan tâm tới năng lượng xanh. Như vậy, công nghệ, đầu tư và thương mại với các nước châu Á đang trở thành yếu tố then chốt trong sự phát triển của Bắc Cực và Nga phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn: đảm bảo thu hút công nghệ và đầu tư mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích chủ quyền của mình.
Không giống như ở Bắc Cực, Nga không có lợi ích chính trị và kinh tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do vậy, các phản ứng của Nga có thể dự đoán được và điều này cho phép các quốc gia khác lợi dụng điểm yếu này của Nga vì các mục đích khác nhau. Việc không có lợi ích ở đây khiến Nga có thể hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tích cực nhất có thể, tăng cường sự hiện diện của mình trong một khu vực quan trọng về mặt chiến thuật và chiến lược đối với nước này, và nếu cần thiết, họ có thể rời bỏ khu vực này như cách họ đến. Điều này có liên quan tới việc triển khai sức mạnh biển ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương cũng như việc mở rộng các cơ quan đại diện ngoại giao.
Nga có kinh nghiệm tích cực trong việc sử dụng các khái niệm được phát triển ở nước ngoài vì lợi ích riêng – cụ thể là khái niệm khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Lịch sử của khái niệm châu Á – Thái Bình Dương tương đối giống với khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thuật ngữ “châu Á – Thái Bình Dương” được Ngoại trưởng Nhật Bản Miki Takeo sử dụng rộng rãi từ năm 1967. Ông Miki khi đó mong muốn khẳng định ý tưởng rằng Nhật Bản là quốc gia thuộc về châu Á, bao gồm Đông Nam Á và Đông Á, và Thái Bình Dương, từ đó muốn chứng minh rằng Tokyo đóng vai trò quan trọng (chủ yếu là kinh tế, bởi các chính trị gia Nhật Bản luôn né tránh vấn đề an ninh) ở cả 2 khu vực.
Ý tưởng này ban đầu được các chuyên gia và chính trị gia Mỹ, Australia và châu Á đón nhận khá nhiệt tình. Họ bắt đầu quan tâm đến ý tưởng này vào những năm 1970, khi Mỹ và Australia bắt đầu phát triển các hình thức hiện diện mới trong khu vực sau thất bại trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ban đầu những hình thức này khá mâu thuẫn với chủ nghĩa khu vực của các nước Đông Nam Á: cụ thể, vào năm 1974, Thủ tướng Australia khi đó là Gough Whitlam đã đưa ra đề xuất thành lập Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương như một đối trọng của ASEAN vừa được thành lập. Đến những năm 1980, các quốc gia ASEAN đã sử dụng thuật ngữ “châu Á – Thái Bình Dương”, thay đổi hoàn toàn không chỉ nội dung mà cả tên gọi (đổi từ cách gọi quen thuộc với những người nói tiếng Anh là “Asian Pacific” sang “Asia – Pacific”), đồng thời thu hẹp phạm vi của khái niệm này: Trong khi Mỹ tích cực quảng bá khu vực châu Á – Thái Bình Dương như một khái niệm bao trùm toàn bộ khu vực Thái Bình Dương về mặt địa lý, bao gồm cả Canada, Mỹ và Chile, thì các chính trị gia châu Á chủ yếu cho rằng khu vực này gồm các vùng lãnh thổ và vùng biển Đông Nam Á, Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Ví dụ, nhà kinh tế Nhật Bản Toshio Watanabe đã tuyên bố về sự khởi đầu của “Thời đại Tây Thái Bình Dương”.
Cần lưu ý rằng các chuyên gia và chính trị gia Liên Xô đã không ngần ngại sử dụng thuật ngữ “châu Á – Thái Bình Dương” trong suốt thời kỳ tồn tại của Liên Xô, bất chấp thực tế rằng khái niệm này được phát triển bởi một đồng minh của Mỹ và sau đó được Washington sử dụng để biện minh cho sự hiện diện của mình ở châu Á. Điều này không khiến chính sách của Liên Xô ở Thái Bình Dương thất bại, và bất cứ ai sử dụng thuật ngữ này, bao gồm cả ban lãnh đạo Liên Xô, đều không được coi là sự thừa nhận các yêu sách của Mỹ.
Quá trình định hình lại khái niệm châu Á – Thái Bình Dương là ví dụ về cách thức sử dụng các khái niệm do các nước đối thủ thúc đẩy để phục vụ cho mục đích của riêng mình. Điều tương tự có lẽ đã diễn ra đối với khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của khái niệm này ở Nga sẽ giúp cải thiện quan hệ của Nga với Ấn Độ và ASEAN và cách diễn giải về nó sẽ giúp duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. Hơn nữa, Nga và Trung Quốc hoàn toàn có thể hình thành cách tiếp cận chung đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Sự xuất hiện mang tính xây dựng, chứ không phải đối đầu, của một khái niệm như vậy sẽ tạo ra một sự lựa chọn thay thế cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ vốn nhằm chia rẽ khu vực này.
Khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nga
Khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nga có thể dựa trên các quy tắc sau:
1/ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng với Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương là bộ phận cấu thành của một tổ hợp Đại Á – Âu thống nhất, đại diện cho vùng biển bờ phía Nam và phía Đông của lục địa Á – Âu. Trong lịch sử tuyến đường biển đi qua eo biển Malacca và Ấn Độ Dương đã bổ sung cho Con đường Tơ lụa Á – Âu. Đồng thời, đặc trưng của lục địa Á – Âu không chỉ là một tuyến đường, mà là một cấu trúc mạng lưới các tuyến đường thương mại không chỉ trải rộng qua nhiều vĩ tuyến mà còn trải qua nhiều kinh tuyến. Như vậy, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một phần của hệ thống kinh tế-văn hóa toàn cầu của Cựu thế giới, nơi sinh ra tất cả các nền văn minh tại thời điểm hiện tại. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Đại Á – Âu không phải là những khái niệm đối lập nhau mà là những khái niệm bổ trợ cho nhau.
2/ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với tư cách là không gian hợp tác văn hóa, thương mại và tôn giáo trong suốt quá trình lịch sử, là một hiện tượng bao trùm, cho phép con người, hàng hóa và tư tưởng di chuyển tự do trong toàn bộ không gian từ Đông Á sang châu Âu. Tính kết nối của khu vực này không thể bị phá vỡ. Tất cả những nỗ lực loại bỏ các bên tham gia hoặc hạn chế sự kết nối này thông qua các biện pháp phong tỏa hay trừng phạt đều không thể biện minh và mâu thuẫn với bản chất của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
3/ Việc tạo ra các khối quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và biến nó thành chiến trường thời Chiến tranh Lạnh là không thể chấp nhận được. Đồng thời, sẽ là hợp lý nếu thiết lập một mạng lưới linh hoạt, bao gồm các tổ chức an ninh không chính thức, để chống lại các thách thức và mối đe dọa trong khu vực và hợp tác với nhau để tạo ra một hệ thống an ninh chung dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Tất cả các xung đột trong khu vực cần được giải quyết giữa các bên tham gia trên cơ sở song phương. Sự can thiệp của một thế lực bên ngoài cố gắng châm ngòi cho một cuộc xung đột cần bị lên án vô điều kiện. Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể là không gian cạnh tranh lành mạnh, nhưng không phải là không gian đối đầu, là không gian hợp tác chứ không phải là không gian đấu tranh.
4/ Ý tưởng về “trật tự dựa trên quy tắc” cần được bổ sung. Nếu “các quy tắc” bao gồm các chuẩn mực lâu đời của luật pháp quốc tế thì Nga hoàn toàn hoan nghênh một trật tự như vậy. Nếu trật tự này được thiết lập để củng cố một cách giả tạo cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho các quốc gia riêng lẻ, thì đối với Nga, điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Trật tự dựa trên quy tắc là trật tự được thiết lập trên cơ sở các chuẩn mực nhận thức chung của luật pháp quốc tế và không thể được hiểu theo cách khác.
5/ Trung tâm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực Đông Nam Á và các quốc gia của khu vực hiện đang là thành viên của ASEAN, chính vì thế mà Nga ủng hộ ý tưởng về vai trò trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, kêu gọi chuyển đổi tất cả các khái niệm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo quan điểm này.
6/ Nga là một phần không thể tách rời của cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lẫn khu vực Bắc Băng Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bổ sung cho Bắc Băng Dương – Thái Bình Dương. Tùy thuộc vào sự biến đổi của khí hậu hay các thực tế địa lý và xã hội, hai tuyến đường biển đi qua khu vực này, ở mức độ nào đó sẽ đóng vai trò tuyến đường huyết mạch thương mại biển Á – Âu quan trọng.
Các nguyên tắc nêu ở trên hoàn toàn phù hợp với quan điểm được Nga nhiều lần nhắc tới về tính thượng tôn của luật pháp quốc tế, phù hợp với vai trò trung tâm của ASEAN và thể hiện mong muốn ngăn chặn sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang và nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện trong tương lai. Việc thông qua và công khai khẳng định các nguyên tắc này cho thấy Nga đã sẵn sàng đề xuất một khái niệm thay thế cho khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, dựa trên ý tưởng về sự phát triển toàn cầu và cuộc chiến chung chống lại các thách thức và mối đe dọa hàng hải phi truyền thống. Khái niệm này đồng thời cũng phù hợp với tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà các chính trị gia, chuyên gia Ấn Độ và ASEAN đang thúc đẩy.
Nguồn: TLTKĐB – 14/12/2021