Mỹ Latinh đối mặt với một trật tự an ninh mới – Phần cuối


Bạo lực tập trung theo lãnh thổ

Dựa vào dữ liệu do Horizon Intelligence tổng hợp, phần lớn các vụ việc liên quan đến sản xuất và buôn bán ma túy xảy ra trên lãnh thổ Ecuador đều tập trung ở 3 điểm biên giới phía Bắc Ipiales-Tulcán, thành phố Esmeraldas, đặc biệt ở khu vực cảng, và khu vực trung tâm và phía Nam Guayaquil thuộc tỉnh Guayas.

Đương nhiên, sự gia tăng nhanh chóng số lượng tội phạm và tình trạng bạo lực ở Ecuador không tách rời các vấn đề an ninh nghiêm trọng ở Mỹ Latinh. Los Choneros, một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất ở Ecuador, được xem là mắt xích buôn bán ma túy cho những người bất đồng chính kiến thuộc Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC). Theo InSight Crime, Los Choneros – bao gồm Los Lobos, Los Chone Killers và Los Tiquerones – phân phối cocaine do Mặt trận số 48 và Mặt trận Oliver Sinisterra của FARC cung cấp.

Các băng đảng Mexico cũng tham gia cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát đường dây buôn bán ma túy này. Quả thật, Esmeraldas bị bó tay trong cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát mạng lưới buôn bán ma túy, giữa băng đảng Sinaloa – với sự hỗ trợ của Los Choneros, Los Águilas và Los Gángsters ở Ecuador, và nguồn cocaine do Mặt trận Oliver Sinisterra cung cấp – và băng đảng Nueva generación de Jalisco (Thế hệ mới Jalisco) – với sự hỗ trợ của Los Lobos, Los Tiguerones và Los Chone Killers, và nguồn cocaine do Urias Rondón Mobile Column, một phe khác của FARC, cung cấp.

Sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng bạo lực – sản phẩm của các cuộc đấu tranh giữa các băng nhóm tội phạm (ví dụ như trong nhà tù), tập trung chủ yếu ở các khu vực từ miền núi Nariño cho đến các thành phố cảng phía Tây Ecuador – và sự xâm nhập ngày càng sâu của quân du kích Colombia và các băng đảng Mexico phản ánh một bước ngoặt mới trong việc đánh giá thực trạng buôn bán ma túy quốc tế và chứng tỏ một trật tự mới ở khu vực Mỹ Latinh liên quan đến tình trạng buôn bán ma túy và tội phạm đang được hình thành, vì trên thực tế các băng nhóm tội phạm đang tiến tới hợp tác với nhau để chia sẻ lợi ích.

Ecuador – bước ngoặt mới trong đánh giá thực trạng buôn bán ma túy

Trật tự an ninh mới trong khu vực cho thấy sự xuất hiện các tác nhân có giá trị địa chiến lược khác nhau. Một mặt, giá trị của các tác nhân được xác định dựa trên số lượng ma túy sản xuất và khả năng hoạt động ở các vùng lãnh thổ khắc nghiệt; mặt khác, các bên tham gia có mạng lưới hỗ trợ và hậu cần phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh mới này, Ecuador được coi là một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động hậu cần và vận chuyển ma túy quốc tế.

Ngày 17/04, nhà chức trách Ecuador đã bắt giữ một lô hàng kỷ lục gồm 7 tấn cocaine tại cảng Guayaquil, với đích đến là cảng Antwerp (Bỉ). Đây là một trong số nhiều lô ma túy chủ yếu là cocaine, bị bắt giữ. Từ năm 2020, nhiều trường hợp tương tự đã được phát hiện ở Bulgaria, Estonia, Hy Lạp, Italy, Hà Lan và khu vực Bờ Tây nước Mỹ. Ecuador hiện được coi là trung tâm hậu cần chính của hoạt động xuất khẩu ma túy. Đặc biệt, cảng Guayaquil đã được Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là trung tâm hậu cần chính cho hoạt động vận chuyển ma túy sang châu Âu và Mỹ.

Thách thức chính mà Ecuador phải đối mặt hiện nay từ tội phạm có tổ chức là việc các băng nhóm tội phạm có khả năng vượt qua các hoạt động an ninh, trong bối cảnh hợp tác khu vực dường như ngày càng rời rạc và hạn chế. Như khái niệm về hiệu ứng bong bóng cho thấy, khi áp lực từ các chiến dịch an ninh nhằm truy quét tội phạm buôn bán ma túy và tôi phạm có tổ chức tăng lên, các điểm nút mới sẽ xuất hiện nhằm giải phóng áp lực và giảm thiểu rủi ro quốc tế. Trong trường hợp của Colombia và Ecuador, tuy Colombia có mức độ lưu thông container cao hơn 2,5 lần so với Ecuador (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới), nhưng nước này có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phòng chống buôn bán ma túy. Đó là động cơ hợp lý thúc đẩy các băng đảng ma túy lựa chọn những con đường ít tắc nghẽn hơn và những quốc gia ít kinh nghiệm hơn trong việc phòng chống buôn bán ma túy.

Đối mặt với viễn cảnh đáng lo ngại này, các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh cần phải biết cách phân biệt lợi ích chính trị và xã hội của họ với những đòi hỏi của bối cảnh đáng báo động về an ninh. Mặc dù vấn đề xung quanh an ninh bán cầu có thể làm nảy sinh những bất đồng về ý thức hệ, nhưng tầm quan trọng của vấn đề này sẽ đóng vai trò như một động lực lớn thúc đẩy các nước vượt qua rào cản ý thức hệ này và tập trung vào các chiến lược khả thi để củng cố mô hình an ninh toàn diện, trong đó việc cung cấp dữ liệu tình báo và đào tạo nước ngoài có ý nghĩa quyết định, và việc hợp tác trong các vấn đề thông tin và thiết lập các mô hình phối hợp thể hiện ở sự phong phú về nguồn lực, các cam kết và trên hết là tính chuyên nghiệp.

Trật tự mới ở Mỹ Latinh giống như trò chơi được mất ngang nhau trong trung hạn và dài hạn: Các quốc gia phải hợp tác, ngay cả khi các biện pháp khuyến khích dường như gợi ý điều ngược lại. Nếu không, tội phạm sẽ đạt đến độ tinh vi và thâm nhập không chỉ vào hàng ngũ cảnh sát mà cả vào lĩnh vực văn hóa và chính trị tới mức không thể bị tiêu diệt.

Nguồn: TLTKĐB – 01/08/2022

Mỹ Latinh đối mặt với một trật tự an ninh mới – Phần đầu


Khu vực Mỹ Latinh đang phải đối mặt với một thách thức lịch sử: Sự gia tăng tình trạng buôn bán ma túy và sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa tội phạm và các tổ chức khủng bố cho thấy một sự chuyển đổi trong lĩnh vực an ninh bán cầu.

Theo phân tích của trang mạng revistafal.com, sự hội tụ giữa các nhóm tội phạm khác nhau theo đuổi các mục tiêu khác nhau cho thấy sự đột biến về quy mô và mức độ phức tạp của tội phạm có tổ chức và khủng bố trong khu vực: Khả năng hoạt động, nguồn lực và hậu cần của những tác nhân này đã tăng lên cả về chất và lượng đến mức sự hợp tác giữa các lực lượng an ninh địa phương của các nước Mỹ Latinh bị cắt đứt, nếu không muốn nói rằng những lực lượng này cũng đã “nhúng chàm”, bởi sự thâm nhập ngày càng sâu của những tổ chức tội phạm này.

Ngoài các trường hợp nổi tiếng ở Colombia, Mexico và khu vực biên giới ba nước Argentina-Brazil-Paraguay, còn có thêm các trường hợp ở Ecuador – quốc gia được nhiều đối tượng tội phạm lựa chọn do vị trí địa chiến lược của nó. Trên thực tế, Ecuador đã trở thành một điểm nút quan trọng khác trong mạng lưới địa chính trị của những kẻ buôn bán ma túy và tôi phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Trong bối cảnh này, cần phải tiến hành phân tích cách thức hoạt động của các tổ chức tội phạm và các cơ sở hoạt động tiềm tàng để đưa ra các giải pháp toàn diện, khả thi đối với các quốc gia trong khu vực. Mặc dù có sự chia rẽ nội bộ tới mức nghiêm trọng trong bầu cử và các vấn đề xã hội, nhưng các nhà lãnh đạo cần phải ưu tiên hợp tác trong các vấn đề an ninh và thừa nhận tầm quan trọng của Mỹ trong vấn đề này. Việc chia sẻ một khuôn mẫu văn hóa giúp các nước trong khu vực dễ dàng hợp tác với nhau hơn. Vì không có kiến thức phong phú về Mỹ Latinh như Mỹ, nên cả Nga và Trung Quốc sẽ không can dự vào khu vực ngoài những việc họ đã làm thông qua các khoản hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và các phương tiện kỹ thuật nhất định.

Trong trường hợp của Nga, hệ quả của cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine sẽ buộc nước này phải phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho các vấn đề chiến lược đang tồn tại. Do đó, Mỹ Latinh vẫn đứng thứ ba, chứ không phải ở vị trí thứ yếu, trong danh sách các nước có liên quan đến lợi ích quốc tế của Moskva. Về phần mình, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các vấn đề kinh tế-chiến lược, chẳng hạn như cảng và viễn thông, trong nỗ lực tăng cường dự án toàn cầu Sáng kiến Vành đai và Con đường. Do vậy, mặc dù Trung Quốc là nhà cung cấp vật liệu quốc phòng cho một nước Mỹ Latinh, nhưng quốc gia này sẽ không can dự, ít nhất trong trung hạn, vào các vấn đề an ninh nội khối.

Điều này cho thấy an ninh khu vực phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của lực lượng an ninh mỗi nước, do gần như toàn bộ khu vực đang trải qua cuộc khủng hoảng xã hội-kinh tế-chính trị sâu sắc và đang để lộ những điểm yếu về cấu trúc nội tại. Việc đối đầu với một kẻ thù vượt trội về khả năng và nguồn lực trong điều kiện như vậy là điều không thể.

Để đưa ra các sáng kiến hợp tác trước tình trạng lực lượng an ninh của tất cả các quốc gia trong khu vực đang suy yếu, cần đánh giá bản chất của những gì mà các quốc gia Mỹ Latinh đang phải đối mặt để thiết lập một lộ trình đối phó với thách thức lớn này. Theo đó, trường hợp của Ecuador là một ví dụ minh họa, bởi nước này cho phép chúng ta nhận thấy gần như trong thời gian thực cách thức phạm tội của tội phạm có tổ chức ở Mỹ Latinh tại một quốc gia mà trong vòng chưa đầy 5 năm trở lại đây đã trở thành một nước chịu ảnh hưởng đáng kể của quyền lực của những kẻ buôn bán ma túy.

Tử vong do bạo lực và tỷ lệ tội phạm

Theo báo cáo tháng 5/2022 của Viện Thống kê và điều tra Ecuador, số vụ giết người có chủ đích trong quý I/2022 là 1.322 vụ, tăng 89,7% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kết quả phân tích dữ liệu do Horizon Intelligence thu thập được, tỷ lệ tử vong trong các vụ phạm tội đã tăng từ 1,56% vào tháng 01/2022 lên 2,93% vào tháng 4 và 3,38% vào tháng 5, gần với mức kỷ lục 4,81% được ghi nhận vào tháng 11/2021, được đánh dấu bằng cuộc bạo động khiến hơn 100 người chết tại nhà tù Guayaquil.

Điểm nổi bật là việc sử dụng chất nổ trong các vụ phạm tội, chẳng hạn như vụ việc xảy ra tại các nhà tù Guayas, Esmeraldas và Guayaquil trong những tháng đầu năm 2022. Tương tự, việc sử dụng máy bay không người lái chứa chất nổ cho thấy mức độ tinh vi của các nhóm tội phạm có tổ chức. Trong bối cảnh đó, theo báo cáo của InSight Crime, chỉ trong một tuần đầu tháng 5/2022, ba nhân viên an ninh đã thiệt mạng trong các vụ tấn công sát thủ và một số trường hợp có dấu hiệu bị tra tấn. Việc thực hiện các vụ tấn công sát thủ nhằm vào các đặc vụ của cơ quan an ninh và việc sử dụng máy bay không người lái đều cho thấy sự chuyển giao các chiến thuật phạm tội từ Mexico và Colombia. Đó là lý do giải thích vì sao chúng ta đang chứng kiến sự ăn khớp lịch sử giữa các băng nhóm tội phạm trong nỗ lực cải thiện khả năng quân sự và hậu cần.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 01/08/2022

Mỹ Latinh trước “vận mệnh hiển nhiên”- Phần cuối


“Dân chủ” co dãn

Thông qua tivi hay các thiết bị kỹ thuật số khác, mọi người thường xuyên tiếp nhận những lời bào chữa đầy nhiệt huyết cho các cuộc chiến nhân danh nhân quyền và hòa bình. Trong ký ức của nhiều người, những cuộc chiến tại Nam Tư, Afghanistan, Iraq đều có chung hình ảnh về các nhà nước tội phạm bị dẹp bỏ, chứ không phải những nạn nhân của xâm lược và chiến tranh địa chính trị để tước đoạt tài nguyên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tự trao cho mình quyền tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để lên lớp những người đồng cấp mình trên toàn thế giới về dân chủ và những kẻ thù của nó, trong khi những hình ảnh về vụ hỗn loạn tại đồi Capitol hôm 6/01/2021 vẫn còn mới và nhân vật cánh hữu Robert Kagan tuyên bố trên tờ Washington Post rằng Mỹ sắp rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp sâu sắc, khiến nền dân chủ lâm nguy và gây ra nguy cơ nội chiến.

Tiếp đó, Biden tổ chức một hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, nhưng lại không muốn mời 3 quốc gia là Cuba, Venezuela, và Nicaragua. Những gì diễn ra hôm nay chỉ đơn giản là một phần của một lịch sử dài đầy rẫy những cuộc chiến và nền ngoại giao sử dụng sức mạnh của Mỹ tại khu vực, những lần Mỹ công nhận các chế độ độ tài tại Mỹ Latinh (như Trujillo, Somoza, Batista, Pérez Jiménez, Pinochet, Videla, Stroessner, Duvalier cùng nhiều ví dụ khác), cũng như những lần lật đổ các chính phủ hợp hiến và dân chủ (như Jacobo Arbenz tại Guatemala, Joao Goulart tại Brazil, Salvador Allender tại Chile, Manuel Zelaya tại Honduras và Evo Morales tại Bolivia), chưa kể những âm mưu bất thành nhắm vào các lãnh đạo khác (Fidel Castro tại Cuba,Hugo Chávez và Nicolás Maduro tại Venezuela).

Chính phủ Mỹ và các tập đoàn phục vụ họ là những tác nhân khuyến khích các nền độc tài hữu khuynh đẫm máu tại khu vực kể từ thế kỷ XIX, và cũng tạo ra nỗi ám ảnh về “chủ nghĩa cộng sản” cũng như hiện trạng xã hội khó khăn tại Cuba và Venezuela. Giọng điệu khi đề cập tới 2 quốc gia này vẫn được giữ nguyên từ thời Chiến tranh Lạnh, và một ví dụ điển hình về việc kích động tư tưởng đó là việc Thống đốc bang Florida mới đây đã phê chuẩn một đạo luật tiểu bang cho phép giảng dạy về những “nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản” trong các trường học.

Mới đây, Mỹ cũng vừa tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo đánh giá của tạp chí Economist, hiệp hội này bao gồm các “nền dân chủ khiếm khuyết” là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, các “chính phủ toàn trị” là Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Lào, cùng một vương triều Hồi giáo chuyên chế là Brunei. Thông cáo của Nhà Trắng về sự kiện này chỉ liệt kê các dự án mà hai bên đã và sẽ thực hiện, mà không đả động tới đề tài “dân chủ”. Một lần nữa, Washington cho thấy giá trị thực sự mà họ theo đuổi chỉ là lợi ích, vì việc sắm vai “bên bảo vệ nền dân chủ” lúc này là không khôn ngoan. Biden chỉ có thể cam kết đầu tư 150 triệu USD vào hạ tầng, an ninh và cuộc chiến lại đại dịch COVID-19 cho các đối tác trên, chỉ bằng 1/10 cam kết tương tự trước đó của Bắc Kinh với ASEAN.

Khi châu Âu lên tiếng

Hồi đầu tháng 5/2022, tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã diễn ra một cuộc họp cấp cao của Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF) với chủ đề “Củng cố quan hệ giữa 2 bờ Đại Tây Dương”.

Tại đây, Tổng thư ký của Tổ chức Iberia-Mỹ Latinh Andres Allmand – một chính trị gia cực hữu người Chile từng tham gia sáng lập và làm chủ tịch Phong trào đoàn kết và đổi mới dân tộc – đã kêu gọi châu Âu và Mỹ Latinh cần củng cố “giao thoa chiến lược” của mình. Cuộc chiến tại Ukraine khiến cho Mỹ Latinh trở thành khu vực thiết yếu để thỏa mãn “những nhu cầu của châu Âu về năng lượng, nguyên liệu và lương thực”. José Juan Ruiz, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hoàng gia Elcano của Tây Ban Nha, nhấn mạnh rằng những thách thức hiện tại mang đặc điểm “cuộc cuộc đấu tranh giữa các nền dân chủ và các chế độ độc tài” và nhắc nhở rằng Mỹ Latinh “thuộc về trật tự thế giới mà châu Âu và Mỹ bảo vệ, dựa trên nền tảng các lợi ích, tính chất đặc thù của các thể chế và các giá trị”. Một điểm nhấn của hội nghị là việc Đại sứ Mỹ tại Tây Ban Nha, Julissa Reynoso, được mời phát biểu và đã đề cao “khái niệm về dân chủ mà Mỹ Latinh và châu Âu chia sẻ”.

Rõ ràng trong cuộc thảo luận này, đề tài xuyên suốt chính là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh: những người tham gia đều thể hiện rõ mối lo ngại trước dòng đầu tư gia tăng liên tục của Trung Quốc vào Mỹ Latinh và Caribe, điều mà theo họ gây nguy hiểm cho những giá trị và nền dân chủ tại khu vực này, cũng như quan hệ với châu Âu. Như vậy, trong nỗ lực kiềm chế vị thế của Trung Quốc tại Mỹ Latinh, giờ đây Mỹ quay lại sử dụng châu Âu.

Đại sứ Julissa Reynoso, một người gốc Cộng hòa Dominica, bạn của Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden và từng nhận học bổng của quỹ Soros, đã lấy làm tiếc về tình trạng đối thoại thưa thớt giữa Mỹ và Mỹ Latinh. Có lẽ nhà ngoại giao này đã bỏ qua thực tế rằng cuộc đối thoại đó đã bị thay thế bởi cuộc đối thoại của Nhà Trắng từ vài năm qua, với việc các chính quyền Mỹ liên tiếp áp đặt các lợi ích và điều kiện của mình.

Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất giữa Mỹ và Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) diễn ra từ tháng 6/2015, nhưng ngay trước đó, Washington đã nỗ lực phá hoại các sáng kiến hội nhập và hợp tác nội khối trong khu vực Mỹ Latinh, điển hình như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ *Unasur) và chính bản thân CELAC. Chính tình thế xa cách này đã được Trung Quốc tận dụng, và quốc gia đông dân nhất thế giới hiện đã vượt Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Mỹ Latinh, chỉ sau Mỹ.

Như vậy, thông điệp trong hội nghị cấp cao của CAF khá đơn giản: trên danh nghĩa các “giá trị” gắn kết khu vực này với châu Âu, Mỹ Latinh cần phải bước vào cuộc chiến “giữa các nền dân chủ và các thể chế độc tài” và cân nhắc lại quan hệ với Trung Quốc như một yếu tố chống lại các giá trị và thể chế của khu vực. Có thể hiểu đây là thông điệp mà những diễn đàn và hội nghị mang tính khu vực, châu lục hay liên khu vực như CAF sẽ phát đi trong giai đoạn này.

Với Mỹ Latinh, một hình thái “chiến tranh lạnh” mới như giữa Mỹ và Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích, mà sẽ khiến khu vực này bị chia rẽ do sức ép từ bên ngoài và tầm nhìn ngắn hạn của lãnh đạo nhiều nước trong khu vực, do đó khiến Mỹ Latinh lại trở thành tiêu điểm của cạnh tranh giữa các cường quốc. Để tránh bị lừa dối, Mỹ Latinh cần thực sự hội nhập thành một mặt trận thống nhất trong một thế giới đa cực và ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn, và áp dụng chính sách chủ động không liên kết để bảo vệ người dân và các nền kinh tế của mình trước những xung đột không liên quan tới lợi ích của mình.

Nguồn: TLTKĐB – 28/06/2022

Mỹ Latinh trước “vận mệnh hiển nhiên”- Phần đầu


Trang mạng Digital Question gần đây đăng bài viết của nhà báo người Uruguay Aram Aharonian, Chủ tịch Quỹ vì hội nhập Mỹ Latinh (FILA) và thành viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ Latinh (CLAE) về những vận động gần đây trong quan hệ Mỹ – Mỹ Latinh trong tình hình mới và những vấn đề trong bản chất của mối quan hệ này.

Mỹ luôn cố áp đặt một số phận mà họ cho là không thể tránh khỏi của Mỹ Latinh và Caribe, theo đó hai khu vực này là đồng minh của Mỹ do vị trí địa lý và đặc điểm thể chế, và đứng cùng hàng ngũ trong một trật tự thế giới mà Washington và các đồng minh Tây Âu tới nay vẫn bảo vệ, dựa trên lợi ích của chính các nước này, bản chất các thể chế họ lập ra và những giá trị “dân chủ” mà chính họ cổ vũ nhưng lại không làm theo.

Nên nhớ rằng Mỹ Latinh là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Mỹ và là đối tác thương mại có mức tăng trưởng nhanh nhất, đồng thời là nguồn cung chính cho cocaine và người nhập cư – cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Những yếu tố này nhấn mạnh sự phát triển liên tục của mối quan hệ giữa 2 bên. Nhưng dường như những áp lực của riêng Mỹ giờ đây là không đủ và Washington phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các đồng minh của mình trong NATO.

Trước nay, ảnh hưởng của Mỹ dựa trên sự bảo hộ các quyền lợi của doanh nghiệp nước này và lợi ích địa chính trị của Washington, cùng với chủ nghĩa can thiệp quân sự. Về mặt tư tưởng, nó dựa vào học thuyết “vận mệnh hiển nhiên”, trong đó cho rằng quá trình “thuộc địa hóa” và gây ảnh hưởng đến Mỹ Latinh phải do Mỹ tiến hành.

Lập luận của Mỹ luôn là áp đặt đối với các nước khác những luật lệ và cách diễn giải của riêng mình, về tự do và dân chủ. Mỹ rất tinh thông trong nghệ thuật biến những cuộc chiến chinh phục của mình thành những cách thức để thiết lập trật tự thế giới. NATO và Liên minh châu Âu luôn đặt các giá trị dân chủ và nhân quyền vào trọng tâm các diễn văn của họ. Mọi hành động được tiến hành, bào chữa, áp đặt, trên danh nghĩa của những giá trị này hay để bảo vệ chúng. Và bộ mặt khác của chúng luôn là can thiệp “nhân đạo”, cuộc chiến chống “chủ nghĩa khủng bố”, chống các chính phủ không đảm bảo nhân quyền, chống những “nhà nước tội phạm”. Tất nhiên tất cả là dựa trên cách nhìn của Mỹ.

Thế giới được phân chia rõ ràng thành 2 phe: Một bên là dân chủ, là chân lý, là những người tốt; bên kia là chủ nghĩa toàn trị, là những kẻ xấu xa. Kẻ thù là những kẻ toàn trị, bạn bè là những người ủng hộ dân chủ. Cách thức xác định ai thuộc phe nào mang nặng tính trừng phạt và được áp đặt như mô hình kỷ luật. Những nước nào không đi theo Mỹ sẽ là những nước độc tài, phát xít và là kẻ thù của tự do; còn những nước nào nghi ngờ, chỉ trích hoặc lên án Mỹ sẽ bị coi là những kẻ phản bội hay ngu ngốc.

Hành xử ngoại giao

Vào cuối tháng 5/2022, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Cố vấn đặc biệt cho Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ Christopher Dodd đã tiếp kiến Tổng thống Argentina Alberto Fernández để đề nghị ông không vắng mặt trong hội nghị này và đưa ra “mồi nhử” rằng Biden rất nóng lòng gặp người đồng cấp Argentina.

Câu trả lời của Tổng thống Fernández là không ai mong muốn chiến thắng của Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 hơn ông, vì người tiền nhiệm Donald Trump đã gây ra quá nhiều tổn hại cho khu vực, khi làm suy yếu Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) kể từ khi Tổng thư ký Luis Almagro được bổ nhiệm, như việc kiểm soát Ngân hàng phát triển liên Mỹ – thể chế tài chính này lần đầu tiên có một Chủ tịch người Mỹ thay vì một người Mỹ Latinh như truyền thống, vụ đảo chính tại Bolivia và mưu đồ tấn công quân sự Venezuela.

Nhưng ông cũng nói thêm rằng không ai sau đó thất vọng hơn ông, khi một năm rưỡi đã trôi qua nhưng Tổng thống Biden vẫn chưa sửa chữa được bất kỳ sai lầm nghiêm trọng nào trong số đó. Đây chính là lúc cuộc đối thoại đột ngột trở nên căng thẳng, khi Đại sứ Mỹ tại Argentina Marc Stanley xen vào chất vấn về cuộc gặp giữa Tổng thống Fernández và người đồng cấp Nga Vladimir Putin và nhấn mạnh rằng nước chủ nhà sẽ có quyền lựa chọn khách mời (liên quan tới việc Mỹ không mời Cuba, Venezuela và Nicaragua tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, điều làm dấy lên sự phản đối từ nhiều quốc gia Mỹ Latinh). Alberto Fernández đã đáp lại rằng Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ không phải là một bữa tiệc sinh nhật và rằng “không thể chấp nhận một sự can thiệp như vậy vào quan hệ giữa hai nước có chủ quyền”.

Đó là một ví dụ về cách hành xử điển hình của Mỹ tại Mỹ Latinh, ngay cả khi thế giới và châu lục đã bước sang những năm 2020, với đảng Dân chủ cầm quyền tại Mỹ và Argentina là một quốc gia có tầm ảnh hưởng đáng kể tại Nam Mỹ.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 28/06/2022

Mỹ Latinh nhìn về phương Đông – Phần cuối


Một vài người sẽ không để mắt tới những ý tưởng này, thậm chí tỏ vẻ coi thường vì chúng được các nhà hoạt động cánh tả chiếm thiểu số đề xuất, những người không bỏ qua cơ hội nào để bêu xấu Mỹ. Nhưng khi tạp chí chính trị lâu đời chuyên về châu Mỹ Americas Quarterly mới đây đặt hàng một loạt bài viết từ những tiếng nói có trọng lượng trong khu vực xung quanh câu hỏi các nước Mỹ Latinh cần ứng phó với mối quan hệ tương tác Trung Quốc và Mỹ ra sao, thay vì một cuộc tranh luận nóng bỏng như thường lệ thì những câu trả lời thu về đều là những cách diễn đạt khác nhau của cùng một ý tưởng: khu vực này nên tránh việc chọn bên. Bolsonaro, người trong vai trò ứng viên năm 2018 đã thường xuyên công kích Trung Quốc và thậm chí còn thăm Đài Loan, đã hầu như tránh đối đầu với Bắc Kinh trên cương vị tổng thống và còn bỏ qua những lời khẩn cầu của Chính phủ Joe Biden về việc loại bỏ hoàn toàn tập đoàn Huawei khỏi vai trò nhà cung cấp mạng 5G cho Brazil. Tổng thống trung hữu của Uruguay Luis Lacalle Pou tuyên bố hồi tháng 9/2021 rằng ông sẵn sàng nói chuyện cởi mở với Bắc Kinh về một thỏa thuận thương mại tự do mới, trong đó quốc gia Nam Mỹ tương đối nhỏ bé này có thể đóng vai trò cửa ngõ hội nhập kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại của khu vực. Nhiều quan chức Colombia, đồng minh truyền thống và thân cận nhất của Mỹ tại tiểu lục địa Nam Mỹ, đã bóng gió về khả năng gia nhập Sáng kiến “Vành đai và Con đường” trước khi đương kim Tổng thống Duque, một người theo tư tưởng bảo thủ, mãn nhiệm vào tháng 8 tới. Mexico theo cách nào đó là người đứng ngoài xu hướng chung này của khu vực, do tính chất đặc biệt gần gũi về thương mại của quốc gia này với Mỹ. Nhưng ngay cả vậy, sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc vào năm 2021, Ngoại trưởng Mexico đã thông báo về những kế hoạch để “mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước”. Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ Argentina đã ký biên bản ghi nhớ với một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với trị giá 8 tỷ USD, khiến cho các thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ phải đưa ra lời cảnh báo và hối thúc Buenos Aires đảo ngược tiến trình này.

Những cuộc bầu cử sắp tới dường như sẽ còn đẩy khu vực tiến xa hơn theo chiều hướng này, bắt đầu với nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin. Luiz Inácio Lula da Silva, cựu tổng thống Brazil giai đoạn 2003 – 2010 và hiện đang chiếm ưu thế để đánh bại Bolsonaro vào tháng 10 tới và trở lại nắm quyền, từng làm dậy sóng hồi tháng 12 vừa qua với tuyên bố rằng các nước Nam Mỹ cần hình thành một khối với Liên minh châu Âu để “đối mặt với 2 người khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc”. Amorim, nhân vật mà nhiều người tin sẽ trở lại ghế Ngoại trưởng Brazil nếu Lula đắc cử, mới đây nói rằng một mối quan hệ khăng khít hơn với Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên ông cũng bổ sung thêm rằng Brazil không nên lựa chọn Trung Quốc thay cho Mỹ. Tất cả các ứng viên dẫn đầu trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống tại Colombia, sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 5 tới, đều có xu hướng ít cam kết với Mỹ hơn Tổng thống Iván Duque hiện tại, đặc biệt là ứng viên trung tả Gustavo Petro, người đang dẫn đầu cuộc đua. Gabriel Boric, tân Tổng thống Chile và cựu lãnh đạo phong phản kháng của sinh viên, từng tuyên bố sẽ không phê chuẩn hiệp ước thương mại thay thế cho TPP, vốn được nhìn nhận như một liên minh kinh tế chống Trung Quốc.

Những tín hiệu cảnh báo

Người ta có thể lập luận rằng các chính trị gia Mỹ Latinh đang để cảm xúc về Washington làm lóa mắt trước những “thành tích bất hảo” của Bắc Kinh về việc đối xử tệ bạc với các đồng minh tại châu Phi và những nơi khác trên thế giới, và cho rằng cả thời điểm lẫn bản chất của lập trường mới nổi này là sai lầm. Nhiều lãnh đạo khác trên thế giới, như tại Australia, Đông Á và một phần của châu Âu, đang trở nên hoài nghi hơn về Trung Quốc, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng trở nên độc đoán và những hành vi hiếu chiến hơn của Bắc Kinh tại biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) hay các bước đi trấn áp tại Hong Kong và Tân Cương. Trở lại với khu vực này, những khoản cho vay của Trung Quốc là sự hỗ trợ mang tính sống còn cho chế độ độc tài của Nicolás Maduro tại Venezuela, dẫn tới khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Nam Mỹ này và làm dấy lên những câu hỏi rộng mở hơn về tính minh bạch của các nguồn vốn Trung Quốc tại khu vực. Có người cảnh báo rằng với việc cố gắng “đi dây” và né tránh cả Mỹ và Trung Quốc, Mỹ Latinh cuối cùng có thể đánh mất cơ hội từ cả hai nước và bị “cho ra rìa” trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các khoản đầu tư mang tính quan trọng sống còn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Nhưng cũng có một thực tế khác là những lời khuyên nhủ của Mỹ về Trung Quốc hầu như đều bị phớt lờ tại Mỹ Latinh, khi bị nhìn nhận không khác gì so với phản đối đầy vị kỷ của một thế lực bá quyền đang suy yếu.

Một nhóm nhỏ các nhà hoạch định chính sách của Mỹ về Mỹ Latinh ý thức được thách thức này, và những lời cảnh báo về sự nổi lên của Bắc Kinh trong khu vực giờ đây cũng trở nên nhàm chán như những lời than phiền về “con đường tơ lụa” mới. Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ sắp tới, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tại Los Angeles có thể là diễn đàn nơi Washington chí ít có thể tái tập hợp một phần lực lượng. Nhưng để tạo đột phá thực sự, Mỹ cần phải đặt thêm nhiều tham vọng vào các quân bài của mình. Ví dụ, Mỹ có thể khôi phục cuộc thảo luận về khối tự do thương mại Tây bán cầu vốn đã bị quên lãng bấy lâu nay – nhưng đây rõ ràng là điều bất khả thi với cả Biden và Đảng Cộng hòa của Trump. Washington cũng có thể lôi kéo một số nước bằng việc mở rộng tương đối các chương trình lưu trú cho người lao động nước ngoài, nhưng lựa chọn này sẽ làm gia tăng cảm giác chống người nhập cư vốn đã căng thẳng trong một bộ phận khá lớn cử tri Mỹ. Điều rất tích cực mà Mỹ có thể làm để cạnh tranh với Trung Quốc là ổn định lại trật tự ngay tại trong nước và khôi phục lòng tin về các nguyên tắc và giá trị dân chủ mà đa số người Mỹ Latinh chia sẻ. Còn từ nay tới lúc đó, người ta có thể được nghe ngày càng nhiều trong những cuộc trao đổi và tranh luận tại khu vực này rằng rốt cuộc cũng chẳng có nhiều khác biệt trong thực hành giữa Washington và Bắc Kinh.

Rõ ràng, các nước Mỹ Latinh có quyền theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập phù hợp với các lợi ích chủ quyền của mình. Nhưng trong quá trình này, các nước trong khu vực xoay chuyển những kỳ vọng dài hạn về hành xử của họ trong các liên kết về chính trị, kinh tế và quân sự trong những năm tới. Khó có thể tránh khỏi cảm giác về việc bản đồ địa chính trị đang được vẽ lại, và giờ đây lòng trung thành và sự ủng hộ của khu vực Mỹ Latinh cần phải được thêm vào danh sách ngày càng dài các ưu thế mà Mỹ không còn nghiễm nhiên được thụ hưởng.

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/reviews/review-essay/2022-02-24/latin-america-looks-east

TLTKĐB – 16/04/2022

Mỹ Latinh nhìn về phương Đông – Phần đầu


Brian Winter

Ngày nay, Mỹ Latinh cũng phân cực như phần còn lại của phương Tây, khi bị chia rẽ bởi những cuộc tranh luận gay gắt và những “cuộc chiến Twitter” vì đủ loại đề tài, từ “tư tưởng giới tính” cho tới cách thức tái kích hoạt các nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 tàn phá. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Mỹ Latinh từ cả phe tả lẫn phe hữu ngày càng càng đồng thuận với nhau rằng trong cuộc đối đầu toàn cầu ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, các nước trong khu vực nên thực sự theo đuổi một con đường độc lập và không liên kết với bên nào. Lập trường này, vốn dường như sẽ được củng cố thêm sau các cuộc bầu cử trong năm nay tại 2 quốc gia quan trọng trong khu vực là Brazil và Colombia, rất có thể là diễn biến chính sách đối ngoại quan trọng nhất của khu vực kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Quá trình dịch chuyển sang đường lối trung lập giữa Bắc Kinh và Washington bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ, khá lâu trước cả khi Trung Quốc giành được ảnh hưởng sâu rộng tại khu vực như ngày nay. Ngay khi quá trình liên kết lâu dài với Washington và kèm theo đó là quá trình chuyển hướng sang dân chủ và các thị trường mở bắt đầu giảm tốc, Trung Quốc đã bắt đầu quá trình thâm nhập phi thường của mình vào khu vực này. Giá trị thương mại của Trung Quốc với Mỹ Latinh và Caribe tăng vọt từ mức 18 tỷ USD năm 2002 lên mức 450 tỷ USD năm 2021, với động lực chính là nhu cầu của Trung Quốc về các sản phẩm nguyên liệu như đậu tương, quặng sắt và dầu thô. Trong những năm gần đây, kể cả những lãnh đạo hữu khuynh thân Mỹ, như Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil, Tổng thống Sebastián Piñera của Chile hay Tổng thống Iván Duque của Colombia, đều “nhún vai” phớt lờ cảnh báo của Washington về những rủi ro của mối ràng buộc kinh tế với Trung Quốc và của dòng vốn đầu tư cùng công nghệ từ quốc gia đông dân nhất thế giới này, bao gồm cả các mạng 5G tại một số nước, các mỏ khai thác lithium tại Chile, và công trình xây dựng một tuyến tàu điện ngầm mới tại thủ đô Bogota của Colombia. Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực Mỹ Latinh và là bạn hàng lớn nhất của Brazil, Chile, Peru và Uruguay. Chỉ trong tháng 2/2022, Tổng thống Ecuador và Tổng thống Argentina đã thăm Bắc Kinh với mục tiêu thương lượng một thỏa thuận thương mại mới (Ecuador) hay trở thành điểm thu hút chính đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng thông qua việc tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” (Argentina).

Qua bước tiến ngoạn mục này, nhiều nước khu vực giờ đây chào đón Trung Quốc như những “vị khách sộp” mới, một lựa chọn xứng đáng thay thế cho Mỹ, nước có lối hành xử trịnh thượng kiểu đế quốc tại khu vực này hơn 200 năm. Nhưng cho tới gần đây, vẫn có niềm tin khá vững chắc tại đa phần các nước Mỹ Latinh, và ngay cả tại Mỹ, rằng nếu bị đẩy tới lựa chọn sống còn khi thế giới bị phân cực trắng đen rõ ràng – giả sử như trong trường hợp Bắc Kinh tấn công xâm lược Đài Loan – thì đa phần các nước trong khu vực cuối cùng cũng đứng về phía Mỹ, như đại đa số họ đã từng làm trong Chiến tranh Lạnh. Nói cho cùng, Mỹ Latinh vẫn được coi là một phần của thế giới phương Tây. Họ đã quá quen thuộc với nếp nghĩ theo kiểu dân chủ và có những quan hệ kinh doanh và văn hóa thâm căn cố đế với Mỹ – nơi mà không phải ngẫu nhiêu khi một lượng đáng kể bộ phận dân chúng Mỹ Latinh sinh sống. Nhưng một số diễn biến gần đây dường như đang làm thay đổi tính toán đó. Những hành xử không đúng mực với các đồng minh truyền thống của Mỹ, kể cả Mexico, trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, và tiếp đến là những hình ảnh gây sốc của cuộc bạo loạn tháng 01/2021 tại Đồi Capitol ở Washington, đã khiến nhiều lãnh đạo Mỹ Latinh phải nghiêm túc đặt ra nghi vấn về tính khả tín dài hạn của Washington trong vai trò một đối tác chiến lược. Việc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ngừng ủng hộ định hướng tự do thương mại càng làm rõ cảm nhận rằng Trung Quốc có thể là cứu cánh duy nhất cho “cơn đói khát” các thị trường xuất khẩu mới và các nguồn vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19, vốn gây ra tác động đặc biệt nặng nề tại Mỹ Latinh. Mặc dù cũng có những tiếng nói lập luận rằng đây là lối tư duy thiển cận và bỏ qua những khiếm khuyết của chính Trung Quốc trong vai trò đối tác chiến lược, nhưng không dễ bỏ qua cảm giác được “giã đúng chỗ ngứa” và rằng luận điểm mặc định bấy lâu nay về cái gọi là khu vực ảnh hưởng của Mỹ tại Tây bán cầu giờ đây vẫn cần được rà soát lại.

Vận mệnh hiển nhiên

Một cuốn sách quan trọng mới xuất bản mang tên “Chủ động không liên kết và Mỹ Latinh: học thuyết cho thế kỷ mới”, với sự đóng góp của một vài nhân vật lãnh đạo chính sách nổi bật trong khu vực như Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Jorge Taiana, và các cựu Ngoại trưởng Jorge Castañeda của Mexico và Celso Amorim của Brazil, có thể giúp lý giải phần nào lối tư duy trong khu vực. Bên cạnh cảm giác ngày càng bất an về sức mạnh của các thể chế dân chủ Mỹ, các tác giả còn chỉ ra quyết định của Mỹ năm 2017 khi từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Chile, Mexico và Peru là các nước ký kết, như một bước ngoặt cho vị thế của Washington tại khu vực. Quyết định này, cùng với việc Chính quyền Trump không ngừng đe dọa đưa ra các trừng phạt bằng biểu giá thuế như một công cụ chính trị, đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách trên khắp Mỹ Latinh đi tới kết luận rằng họ phải đa dạng hóa quan hệ thương mại để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Những cuộc tranh cãi về chính sách của Tổng thống Joe Biden vừa qua cùng khả năng Trump trở lại Nhà Trắng năm 2024 càng xóa bỏ những hi vọng của họ rằng bước thụt lùi trong những năm vừa qua chỉ là hiện tượng nhất thời.

Nhưng cả những sự kiện nội bộ trong các nước cũng đang dẫn tới thay đổi. Những năm 2010 là một thập kỷ trì trệ về kinh tế, bất ổn về xã hội và xói mòn về dân chủ tại Mỹ Latin. Đây cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ COVID-19, khi chiếm tới 30% số nạn nhân tử vong của đại dịch, bất chấp chỉ chiếm 8% dân số toàn cầu. Nền kinh tế khu vực sụt giảm bình quân 7% trong năm 2020 và chỉ có mức độ tàn phá kinh tế tại khu vực đồng euro mới có thể so sánh được. Cho dù có rất nhiều nguyên nhân cho những khó khăn của Mỹ Latinh, từ tình trạng bất bình đẳng cao độ tới việc các hệ thống y tế thiếu hụt ngân sách, một số nhà chiến lược đã kết luận rằng khu vực có vị thế yếu kém xem xét từ góc độ liên kết quốc tế, và lưu ý rằng Mỹ ban đầu đã giữ lại vaccine cho nhu cầu nội bộ thay vì cung cấp cho các đồng minh phía Nam. “Đã tới lúc phải chấm dứt vị thế ngày càng thứ yếu của khu vực”, các tác giả cuốn sách đã viết ngay trong lời giới thiệu, và bổ sung: “điều này gắn liền với việc nắm lấy vận mệnh của chính mình, không để rơi vào tay người khác”.

Trên thực tế, khái niệm “không liên kết” được nêu trong tiêu đề của cuốn sách này không hẳn là một sự gợi nhớ lại phong trào quốc tế được cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru sáng lập vào những năm 1960, phong trào tự quảng bá là một lựa chọn khác so với hai thái cực của Chiến tranh Lạnh nhưng trên thực tế lại thường hoạt động như một diễn đàn chống Mỹ một cách khéo léo. Khái niệm hiện đại đang ngày càng trở nên hấp dẫn tại Mỹ Latinh, được học giả Argentina Juan Gabriel Tokatlian nêu trong cuốn sách dưới thuật ngữ trên, hàm ý nói về một chính sách đối ngoại “cân bằng” giữa Washington và Bắc Kinh, không phụ họa và cũng không thù địch với bất kỳ bên nào. Những người đóng góp ý kiến khác trong tác phẩm này thì nhấn mạnh tới sự cần thiết của hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, kể cả bên trong khu vực Mỹ Latinh, cũng như trong quan hệ với các nước châu Phi và châu Á, mở rộng các mối quan hệ “Nam-Nam”, vốn từng là trào lưu thời thượng vào hồi đầu thế kỷ. Một số chiến lược gia khác lại chú trọng việc hướng tới coi các nước châu Âu là đối tác để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào cả Washington lẫn Bắc Kinh.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/reviews/review-essay/2022-02-24/latin-america-looks-east

TLTKĐB – 16/04/2022

Việt Nam – Canada: Tăng cường hợp tác để đối phó cùng một đối thủ


Theo đài RFI, Canada là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 14 tại Việt Nam tính đến tháng 11/2021, với 231 dự án trị giá 4,81 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong khối ASEAN.

Từ vài năm gần đây, Canada hướng đến Việt Nam như một nhân tố năng động giữ vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang từng bước được Ottawa định hình. Hà Nội cũng có thêm được sự ủng hộ từ một nước phương Tây để đối phó với những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Có thể nói, năm 2018 đánh dấu bước ngoặt trong chính sách về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada. Từ né tránh đề cập những tranh chấp ở Biển Đông, chính phủ của thủ tướng Trudeau đã chỉ đích danh Trung Quốc và thường xuyên điều chiến hạm đi qua những vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền để “cho thấy sự ủng hộ của Canada đối với các đối tác và đồng minh thân cận về an ninh và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

Trả lời đài RFI tiếng Việt, Giáo sư Eric Mottet thuộc Đại học Công giáo Lille (Pháp) nhận định Canada đang tăng tốc để bù lại thời gian bỏ lỡ trong việc định hình chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi được cho là sẽ chiếm đến hơn một nửa GDP toàn cầu vào năm 2040. Trong chiến lược này, Việt Nam được đánh giá là một nhân tố năng động. Điều này giải thích cho hàng loạt sự kiện gặp gỡ, hợp tác song phương từ quốc phòng đến thương mại giữa Việt Nam và Canada trong những năm 2020 và 2021. Giáo sư Eric Mottet phân tích.

“Động cơ” khiến Canada thay đổi

Từ vài năm gần đây, Canada đã thay đổi hoàn toàn lập trường về những tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và ngày càng tỏ ra quan tâm hơn đến khu vực này. Hải quân Hoàng gia Canada ngày càng hiện diện thường xuyên hơn ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Việc này được giải thích phần nào qua việc chính quyền Ottawa đang suy nghĩ đến một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên quan sát xem Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia, Ấn Độ làm gì về mặt an ninh trong khu vực này.

Canada cân nhắc xem chiến lược của họ ở Thái Bình Dương sẽ ra sao và đi đến kết luận là cần hiện diện quân sự, kể cả lực lượng hải quân, tại các vùng biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này cũng giúp Canada thoát khỏi thế kẹt trong xung đột với Trung Quốc kéo dài suốt 3 năm. Canada hy vọng bằng cách nào đó lấy lại thế bình quyền trong quan hệ với Trung Quốc. Và để đi đến sự bình thường hóa này, Ottawa cho rằng phải hiện diện diện thường xuyên hơn về mặt hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông.

Căng thẳng với Trung Quốc

Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada rất căng thẳng trong những năm qua. Sự hiện diện thường xuyên hơn của Canada ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, không làm gia tăng thêm căng thẳng vì Canada đã củng cố lập trường. Trong suốt 3 năm, các sự kiện liên quan đến tập đoàn Huawei (Hoa Vi) và hai công dân Michael Spavor và Kovrig bị giam giữ ở Trung Quốc đã khiến quan hệ song phương trở nên phức tạp. Trong thời gian dài, Canada không biết phải làm thế nào với vấn đề này.

Hiện 2 công dân trên đã về nước, mối quan hệ song phương dịu đi một chút. Tuy nhiên, Canada vẫn khá bất bình về cách Trung Quốc xử lý tình hình đó, nên phải tỏ ra cứng rắn hơn, hung hăng hơn một chút và thể hiện rằng Canada là một nước có thể sẽ hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sẽ triển khai một chiến lược đối với khu vực này. Vì thế, Canada sẽ hoạt động nhiều hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tương lai.

Vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Canada

Nhìn một cách tổng thể, chiến lược của Việt Nam nằm trong chiến lược của ASEAN. Đối với tất cả các bên đang nghiên cứu chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dù là Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia hay Ấn Độ, đều coi ASEAN là nhân tố trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ. Việt Nam là một thành viên có vai trò lớn trong ASEAN về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao, nên dĩ nhiên các nước trên cũng phải dựa vào Việt Nam.

Trong khuôn khổ của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ottawa, mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada sẽ dựa trên các thỏa thuận đã có, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp đơn giản hóa trao đổi kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, cũng có thể thấy Việt Nam sẽ trở thành một điểm tựa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho Canada. Mối quan hệ song phương này còn dựa vào cộng đồng người Việt sinh sống ở Canada, cũng như việc Việt Nam là một đất nước đang trỗi dậy mà hiện cả thế giới đang hướng tới.

Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có hai nước rất được chú ý đến là Indonesia và Việt Nam. Các bên hướng đến khu vực này đều chú ý đến Việt Nam, một quốc gia sẽ nằm hoàn toàn trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada.

Lợi ích của Việt Nam khi tăng cường quan hệ với Canada

Ngày 7/7/2021, Tham vấn Quốc phòng Việt Nam – Canada đã diễn ra ở Hà Nội. Sau đó, Canada đã mở Văn phòng thường trực Tùy viên Quốc phòng ở Hà Nội.

Về mặt an ninh, có được sự ủng hộ của Ottawa trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông là điều rất tích cực đối với Việt Nam vì Canada là một nhân tố có trọng lượng, là một nước phương Tây cũng nằm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Canada đã tăng cường quan hệ đối tác với các nước và thể chế cấp vùng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Canada đã đến dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội tháng 11/2020. Ông cũng tham gia nhiều diễn đàn quốc phòng với các nước ASEAN. Hiện giờ, Canada có 1 tùy viên quân sự ở VIệt Nam và 1 ở Malaysia. Có thể thấy Việt Nam được Canada nhắm đến là nơi phải thành lập văn phòng tùy viên quân sự và cùng nghiên cứu để ra được một thỏa thuận cụ thể hóa nghị định thư về kế hoạch an ninh (được hai Bộ trưởng Quốc phòng ký năm 2019). Ngoài ra, Hải quân Canada cũng ghé thăm cảng Cam Ranh, miền trung Việt Nam vào tháng 6/2021. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ nhiều năm qua. Nhìn chung, có thể thấy Việt Nam và Canada xích lại gần nhau nhiều hơn về mặt an ninh.

Về lĩnh vực thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại chính của Canada trong khối ASEAN. Chính quyền Ottawa cũng thể hiện mong muốn từng bước ưu tiên Việt Nam là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng, kể cả thông qua việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm hoặc hợp tác về các vấn đề liên quan đến giáo dục, công nghệ, thông tin và truyền thông… Có thể thấy cả hai nước đang gia tăng quan hệ kinh tế song phương.

Canada coi Việt Nam là một nước trong ASEAN, trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cần phải dựa vào trong tương lai, vừa về mặt an ninh, vừa về thương mại và kinh tế.

Nguồn: TKNB – 23/02/2022

Cuba giữa khủng hoảng và đổi thay – Phần cuối


Về những sắc luật cải cách kinh tế

Tháng 8/2021, Nhà nước Cuba đã ban hành một trong những sắc luật được mong đợi nhất trong tiến trình cải cách Cuba, cho phép thành lập một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là quan sát việc triển khai sắc luật trên vào thực tiễn. Dù hiện tại đã có những bước đi ban đầu tích cực khi hơn 400 doanh nghiệp thuộc diện này đăng ký hoạt động chỉ trong vòng 2 tháng, nhưng vẫn còn sớm để đưa ra một kết luận trọn vẹn.

Nhận định đầu tiên là việc sắc luật này được công bố và lý giải theo một cách thức hàn lâm quá mức để người dân có thể hiểu và vận hành theo khuôn khổ mới được định ra. Quan trọng hơn, còn phải chờ đợi xem liệu trong quá trình triển khai phổ biến sắc luật này sắp tới, liệu La Habana có “bổ sung” thêm những hạn chế nào không hay sẽ thực sự mở ra những cơ chế cởi mở hơn như tại một số quốc gia khác, điển hình là Việt Nam. Nếu cách tiếp cận thứ hai được lựa chọn, đây sẽ là một bước đi rất tích cực.

Ngoài ra, quy định luật mới này cần được song hành với những cải cách thiết yếu khác. Vấn đề gay cấn nhất của Cuba hiện là lương thực, cần phải thúc đẩy nông nghiệp. Điều này chỉ đạt được nếu có cải cách cơ cấu sản xuất. Cuba phải tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách khác. Đây là quan điểm không mới.

Rốt cục, Chính phủ Cuba cũng đã ban hành các hoạt động kinh doanh bị cấm thay cho danh sách các hoạt động trước đây được cho phép, một bước chuyển đổi tư duy đã được gợi ý từ nhiều năm trước. Đây là điều rất tích cực. Tiến trình “bình ổn tiền tệ” hiện tại sẽ không thể tránh khỏi việc giải thể các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả và để thu hút những lao động sẽ mất việc làm đó, La Habana cần mở cánh cửa cho các thành phần phi nhà nước, đặc biệt là tư nhân. Đây là những bước đi hết sức quan trọng và quyết định, qua đó có thể thấy bản thân sắc luật không thể một mình giải quyết các vấn đề.

Mô hình cần hướng tới

Một lập luận khá phổ biến cho rằng “hòn đảo tự do” chỉ có thể đi theo 1 trong 2 lựa chọn: hoặc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo nhận thức từ trước tới nay về khái niệm này hoặc khôi phục chủ nghĩa tư bản, hay nói đúng hơn là mô hình tự do mới hoang dại. Nhưng đây là cách đặt vấn đề sai lầm. Không ít nhà kinh tế Cuba, đặc biệt ở trong nước, đã bày tỏ mong muốn về một nền kinh tế “pha trộn”, với những cấp độ can thiệp khác nhau của Nhà nước và vai trò mà thành phần kinh tế tư nhân cần đảm nhận, cùng việc tuân thủ quy luật cung – cầu của thị trường.

Ngày càng có nhiều bài viết, nghiên cứu so sánh mô hình kinh tế tập trung với những cải cách nhỏ của Cuba với Trung Quốc và Việt Nam, những nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với nhân tố tư nhân mạnh mẽ có tỷ lệ đóng góp vượt quá thành phần nhà nước và đạt được những thành công không thể phủ nhận. Sự kết hợp giữa kế hoạch hóa và thị trường của những nước này có thể là giải pháp cho Cuba và chắc chắn, chế độ một chính đảng duy nhất cùng chia sẻ lý tưởng của 2 quốc gia châu Á trên cũng rất hấp dẫn đối với các nhà lãnh đạo Cuba. Khi so sánh Cuba với Trung Quốc và Việt Nam, nếu việc các chỉ số kinh tế của 2 quốc gia châu Á này vượt trội đáng kể so với Cuba không phải là điều gì mới mẻ, điều đáng ngạc nhiên là ngay cả trong một số chỉ số xã hội – vốn là niềm tự hào của La Habana – họ cũng đã vượt qua người đồng minh ở Tây Bán Cầu.

Tất nhiên phải thừa nhận rằng vẫn có những phản kháng mạnh mẽ trong nội bộ ban lãnh đạo Cuba về việc áp dụng mô hình Trung Quốc – Việt Nam vì rõ ràng, điều này cũng bao hàm một sự chuyển giao quyền lực kinh tế và có một mối lo ngại có cơ sở rằng sự chuyển giao quyền lực kinh tế sẽ dẫn tới chuyển giao quyền lực chính trị.

Những bất bình đẳng xã hội tiềm tàng

Trong số những chỉ trích nhằm vào mô hình của Trung Quốc và Việt Nam, nổi lên khá thường xuyên mối lo ngại về việc lan rộng và đào sâu những bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội. Đúng là những hiện tượng bất bình đẳng đã gia tăng đáng kể tại Trung Quốc và Việt Nam, điều đó cũng diễn ra ở Cuba, đầu tiên là trong “thời kỳ đặc biệt” và giờ đây là trong quá trình “bình ổn tiền tệ” hay cải cách giá – lương – tiền. Bất bình đẳng là điều không thể tránh khỏi để đạt được phát triển về kinh tế. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ phải tìm ra điểm tối ưu để không bị rơi vào trạng thái bất bình đẳng quá mức. Nói cách khác là phải tìm ra sự cân bằng trong thay đổi, nhất là khi Cuba đã tới thời điểm phải lựa chọn giữa bình đẳng trong nghèo khổ hay tiến tới thịnh vượng với bất bình đẳng. Đa phần người dân Cuba hiện đang hướng nhiều hơn tới lựa chọn thứ hai, hơn nữa có rất nhiều chính sách từ kinh nghiệm của các nước, từ kinh tế tới chính sách thuế, có thể giúp giảm bớt bất bình đẳng. Về tình trạng bất bình đẳng hiện tại của Cuba, cần lưu ý việc hệ thống thuế của Cuba thực sự tụt hậu vì nguồn thu chủ chốt vẫn tiếp tục là thuế tiêu thụ và bất chấp những nỗ lực thu hẹp khoảng cách từ các nguồn thu nhất, tới năm 2020 vừa qua, thuế tiêu thụ vẫn là nguồn đóng góp chính cho hoạt động thu thuế. Với một mức độ lũy tiến hợp lý về thuế lợi nhuận, Nhà nước có thể giảm bớt bất bình đẳng khi nhóm người có thu nhập cao nhất phải trả nhiều thuế hơn và một phần những nguồn lực đó được chuyển hóa sao cho những người thu nhập thấp qua trợ cấp xã hội hay những công cụ xã hội khác. Sẽ có những thời điểm xung đột giữa kỳ vọng tái phân chia thu nhập và mong muốn kích thích tăng trưởng, nhưng đây không phải là câu chuyện trắng – đen, tốt – xấu rạch ròi mà là của những gam mầu xám rất quan trọng ở giữa, và có những chính sách có thể giúp để đương đầu nan đề đó, tùy theo hoàn cảnh.

Triển vọng của các tiến trình đối thoại Cuba – Mỹ

Trong bối cảnh gia tăng phân cực và các quan điểm cực đoan ở cả hai chiều đang chiếm “diễn đàn”, đã có nhiều lo lắng cho triển vọng của đối thoại Cuba – Mỹ. Tuy nhiên, đối thoại vẫn là yếu tố mấu chốt, vì một giải pháp bạo lực sẽ là điều khủng khiếp. Tuy nhiên, đây không phải là tiến trình ngày một ngày hai.

Thứ nhất, để giải quyết vấn đề cần phải có đối thoại và mỗi cuộc đối thoại chỉ có thể bắt đầu khi mỗi bên công nhận tư cách của phía bên kia và muốn đạt được điểm đó, hai bên phải ngừng công kích nhau theo hướng bôi nhọ. Đó là quy luật đầu tiên cần tuân thủ.

Thứ hai, phát triển từ quy luật thứ nhất, đó là sự tôn trọng thật sự đối với những lập trường và lập luận trái ngược với mình, yếu tố thiết yếu để có sự tiến triển thật sự.

Thứ ba, cần phải có nỗ lực thực sự để tiến tới một thỏa thuận, mỗi bên cần phải có nhượng bộ nhất định. Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương, lập trường của La Habana có thể tóm gọn là: tất cả những gì Mỹ làm đều được Cuba chào đón, nhưng Cuba sẽ không làm gì để đổi lại vì Mỹ là bên áp đặt các lệnh trừng phạt và tự họ phải xóa bỏ. Quan điểm này rất đúng từ khía cạnh chính trị, nhưng không giải quyết được vấn đề của đối thoại. Mỗi bên cần phải nhượng bộ một chút để có thể tiến tới một cam kết thực sự, nếu không tiến trình này vẫn mãi là điều bất khả thi.

Nguồn: TKNB – 15/11/2021

Cuba giữa khủng hoảng và đổi thay – Phần đầu


Theo báo mạng OnCuba, Cuba đang dần tiến tới trạng thái “bình thường mới”, với cột mốc khởi đầu là ngày 15/11. Đây cũng là ngày các nhóm “bất đồng chính kiến” hay “phản cách mạng” – tùy theo cách gọi của mỗi bên – dự định tiến hành cuộc “tuần hành hòa bình” nhằm châm ngồi một cuộc bùng nổ xã hội, tái hiện cuộc biểu tình của dân chúng ngày 11/7/2021. Dù mục tiêu phá hoại này khó thành hiện thực, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng và chuyển đổi, Cuba vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ kinh tế – xã hội. Giáo sư kinh tế Carmelo Mesa Lago (người Mỹ gốc Cuba), người có hơn 50 năm theo dõi và thúc đẩy xu hướng đối thoại song phương, tổng kết những nguy cơ này như sau:

Về những ngòi nổ chính của các cuộc biểu tình phản đối ngày 11/7

Trước tiên, phải thừa nhận Cuba đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội lớn nhất từ những năm 1990, vẫn thường được gọi là “thời kỳ đặc biệt”. Năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 10,9%, con số tồi tệ nhất kể từ mức sụt giảm 14,3% năm 1993. Trong nửa đầu năm 2021, mức sụt giảm kinh tế là 2% và tới thời điểm này có thể dự đoán kinh tế đảo quốc Caribe trogn nửa cuối năm 2021 sẽ giảm nhẹ hoặc đình trệ.

Những người theo quan điểm cực đoan tại La Habana và Florida thường chỉ nhấn mạnh một nguyên nhân gây bùng nổ từ phía bên kia. Một bên chỉ trích chính sách bao vây cấm vận như nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này trong khi phía còn lại khẳng định trách nhiệm chính cho những vấn đề tại Cuba là hệ thống cộng sản. Trên thực tế, có nhiều yếu tố gây ra cả khủng hoảng kinh tế lẫn những cuộc biểu tình phản đối. Thứ nhất là sự thiếu hiệu quả của hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung và ưu thế tuyệt đối của sở hữu nhà nước đối với thị trường và sở hữu phi quốc doanh. Thứ hai là phải kể tới cuộc khủng hoảng kinh tế – nhân đạo trầm trọng tại Venezuela, vì đây là quốc gia từ đầu thế kỷ đã hỗ trợ cho Cuba theo nhiều cách khác nhau, trước hết là với vai trò khách hàng chủ chốt trong hoạt động xuất khẩu của La Habana – chủ yếu về y tế – giờ đây là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Cuba, cũng như nguồn cung dầu khí với những điều khoản ưu đãi, một nhân tố then chốt của nền kinh tế Cuba. Mối quan hệ kinh tế này đã suy giảm đáng kể, gây ra những tác động lớn tới nền kinh tế Cuba.

Vấn đề then chốt khác là tiến trình thống nhất tiền tệ và tỷ giá hối đoái của Cuba. Các nhà kinh tế Cuba đã khuyến nghị điều này từ hơn 10 năm qua, khi cho rằng đây là bước đi thiết yếu để tạo điều kiện cho các cải cách cấu trúc mà Đại tướng Raúl Castro từng khởi xướng. Tuy nhiên, vấn đề là thời điểm được lựa chọn tiến hành bước đi này bị đánh giá rộng rãi là “tồi tệ nhất có thể”. Hiện tại, nếu được áp dụng tốt, tiến trình này sẽ có rất nhiều hiệu ứng tích cực về dài hạn vì nó tạo ra xu hướng chung khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu theo quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, những tác động tức thì của nó khó tiêu cực: năm 2021, các nhà kinh tế Cuba – cả trong và ngoài nước – đã đưa ra các dự báo về lạm phát thực tế dao động từ 500 – 900%, mức cao nhất tại châu Mỹ sau Venezuela; song song với đó là sự cần thiết phải đóng cửa các doanh nghiệp không đạt năng suất và thiếu hiệu quả, làn sóng gia tăng giá cả các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất và tình trạng thiếu thốn trầm trọng lương thực và thuốc men.

Trong bối cảnh phức tạp đó, còn phải tính tới những tác động khổng lồ của đại dịch COVID-19. Cuba đã sản xuất được 2 loại vaccine và tiến hành tương đối nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà, kể cả đối với trẻ em, hiệu quả của các loại vaccine này phần nào được chứng minh, nhưng vẫn phải đánh giá thêm trong tương lai. Điều chắc chắn là các biện pháp trừng phạt của Trump kết hợp với đại dịch đã hạ “đo ván” ngành du lịch Cuba.

Ngoài những vấn đề nền tảng đó, cũng có những yếu tố tạo thuận lợi cho việc mở rộng và gia tăng quy mô của các cuộc biểu tình ngày 11/7: việc mở rộng quyền và khả năng truy cập Internet cùng các mạng xã hội; việc “van xả áp” bức xúc xã hội đã bị khóa – những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây luôn kéo theo những đợt di cư lớn nhưng giờ đây, lối thoát này đã không còn khi Mỹ từ bỏ chính sách nhập cư “chân ướt, chân ráo” đối với công dân Cuba; sự thiếu vắng một lãnh tụ lôi cuốn như Fidel Castro – người từng xuất hiện gần như là đơn độc để hạ nhiệt và kiểm soát đám đông phản đối trong cuộc vận động “maleconazo” năm 1994; và cuối cùng là những thay đổi trong tư tưởng tầng lớp thanh niên, những người sinh ra sau Cách mạng 1959 và nhiều trong số họ không còn chia sẻ những tư tưởng của cha anh.

Những chiến lược mới cho các nguồn thu chủ chốt

Nhiệm vụ đầu tiên là phải giải quyết những vấn đề nội bộ, nâng cao được sức sản xuất. Một khi năng lực sản xuất được cải thiện, khả năng xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ được nâng cao. Một trong những vấn đề cơ bản của Cuba là chưa bao giờ đạt được sự cân bằng thực sự trong ngoại thương mà không cần tới trợ giá hay ưu đãi, và đây là yếu tố then chốt.

Mặt khác, riêng về xuất khẩu dịch vụ chuyên môn, các nhà kinh tế Cuba từng cảnh báo từ rất sớm rằng cơ chế triển khai của La Habana hứng chịu những rủi ro lớn, chủ yếu là về chính trị, khi chính quyền nước nhập khẩu có thể thay đổi và không còn thân thiện với Cuba, hoặc đơn giản là không còn khả năng thực hiện những trao đổi ưu đãi. Một vấn đề khác cũng từng được chỉ ra là để đối lấy khoản thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ y tế, hoạt động chăm sóc ý tế trong nước cũng chịu nhiều ảnh hưởng khi một nửa số bác sĩ gia đình xuất ngoại, chưa kể những bác sĩ chuyên khoa cao cấp. Về kiều hối mặt cơ chế vận động của nguồn thu này khá tốt. Cần phải biến được nguồn kiều hối này thành tiền đầu tư và xóa bỏ những rào cản không cần thiết, tiến hành những thay đổi để người dân Cuba cảm thấy dễ chịu, an toàn hơn với các khoản đầu tư và mở các hoạt động kinh doanh nhỏ, để kiều hối không hạn chế ở mức chi tiêu gia đình. Ở đây không chỉ là câu chuyện tiền bạc, mà còn liên quan tới công nghệ và kết nối quốc tế. Trên thực tế, nhiều doanh nhân Mỹ gốc Cuba có mạng lưới hoạt động khắp thế giới và với những chính sách đúng đắn, có thể chuyển hóa thực trạng này về nước. Một điều quan trọng khác là phải tiến hành nỗ lực trong giáo dục và cảm nhận xã hội để giảm dần những tháy độ thù địch và ác cảm giữa hai cộng đồng người Cuba trong nước và kiều dân, phải tạo ra những không gian, những điểm chung cho cả hai phía.

Cuba vẫn cần tiếp tục phải dựa vào du lịch. Phải chuyển biến ngành công nghiệp du lịch và để thực hiện mục tiêu này điều quan trọng là phải có một sự cạnh tranh dù ở mức giới hạn. Yếu tố này từng có với việc cấp phép cho các nhà trọ tư nhân phục vụ khách quốc tế, nhưng phải mở rộng ở những quy mô lớn hơn cho các hãng lữ hành tư nhân, đủ để tạo thách thức khiến các doanh nghiệp nhà nước phải thực sự cạnh tranh, chứ không phải áp đặt, khi muốn đạt được lợi nhuận. Điểm mấu chốt của du lịch là lôi kéo được khách quay trở lại, và họ chỉ trở lại nếu nhận được giá cả phải chăng và dịch vụ chất lượng. Du lịch vẫn phải là một ngành mũi nhọn đối với Cuba, nhưng phải có sự thay đổi.

(còn tiếp)

Nguồn: TKNB – 15/11/2021

Đánh giá “canh bạc” của Thủ tướng Canada Trudeau – Phần cuối


Nhà nghiên cứu Lưu Đan cho rằng với tư cách là đảng cầm quyền, đảng Tự do có những lợi thế rõ rệt: có nhiều cơ hội để phát huy điểm mạnh và khiến các cử tri thực sự hiểu được thành quả của chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh; sức hút của Trudeau cũng phát huy được vai trò nhất định. Tuy nhiên, mặt trái là việc kiên quyết tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh đã khiến một số cử tri khó chấp nhận, điều này cũng khiến các đảng đối lập tìm được điểm yếu để tấn công; chính phủ không thể cân đối thâm hụt tài chính và bị các đảng đối lập chỉ trích nặng nề.

Về phía đảng Bảo thủ, lợi thế của họ là có một cử tri trung thành cố định, các chính sách kinh tế tương đối thực dụng của đảng này cũng nhận được nhiều sự ủng hộ và lãnh đạo của đảng, Erin O’Toole cũng có tư tưởng cởi mở. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ cũng có nhược điểm lớn, đó là thiếu sức hút, đặc biệt là người lãnh đạo đảng.

Theo giáo sư Tiền Hạo, mặc dù Trudeau sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng Tự do, nhưng lần này vẫn là một chính phủ thiểu số, đó thực sự là một thất bại. Điều này cũng cho thấy một vài điểm: Thứ nhất, mặc dù cử tri đã ghi nhận khả năng điều hành kinh tế của Trudeau trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng họ vẫn không hài òng việc tổ chức bầu cử trong thời gian dịch bệnh, chi phí cho cuộc bầu cử được đánh giá là tốn kém nhất trong lịch sử. Thứ hai, một số vụ bê bối như vụ bê bối liên quan đến Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin, hay sự thiếu quyết đoán trong chính sách đối với Trung Quốc cũng bị đảng Bảo thủ và các đảng đối lập khác công kích, làm dấy lên làn sóng phản đối đảng Tự do và ủng hộ phe bảo thủ. Thứ ba, có tới 22 đảng tham gia tranh cử và số ứng cử viên độc lập tăng lên, mặc dù một số đảng nhỏ không nỗ lực giành được ghế nhưng vẫn có thể khiến phiếu bầu bị phân tán.

Thay đổi

Điều đáng chú ý là quan sát hai cuộc bầu cử gần đây, giới truyền thông nước ngoài và các nhà phân tích cho rằng chính trường Canada đang có một số thay đổi.

Trước tiên, uy tín của Justin Trudeau giảm sút. Là con trai của cố Thủ tướng Pierre Trudeau, ông lần đầu tiên thắng cử với ưu thế áp đảo vào năm 2015, được coi là đại diện mới của chủ nghĩa tư do phương Tây, trái ngược với Trump ở nước láng giềng. Tuy nhiên, hiện nay do tác động của các yếu tố như nạn phân biệt chủng tộc, tranh chấp đường ống dẫn dầu và cuộc bầu cử diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh… uy tín của vị thủ tướng 49 tuổi này đã bị suy giảm.

Theo giáo sư Tiền Hạo, trong tương lai, vị trí lãnh đạo đảng của Justin Trudeau có thể được thay thế bởi Phó Thủ tướng đương nhiệm, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Chrystia Freeland, để ông này dẫn dắt đảng Tự do giành được vị thế chính phủ đa số trong cuộc bầu cử khóa tới.

Thứ hai, chính trị liên bang đã bước vào một thời kỳ mới. Năng lực và phong thái của các nhà lãnh đạo hiện nay, cho dù là đảng cầm quyền hay đảng đối lập, đều không bằng thế hệ lãnh đạo đi trước. Do thời hạn cầm quyền của chính phủ thiểu số tương đối ngắn, nên các đảng trong Quốc hội luôn trong trạng thái tranh cử và quan tâm nhiều hơn đến những được mất trước mắt và sẽ khó có thể có những đóng góp trong vấn đề dài hạn như năng lực cạnh tranh của Canada giảm sút và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp diễn ra chậm chạp.

Thứ ba, vấn đề Trung Quốc đang nóng lên. Trong các cuộc tranh luận giữa chủ tịch các đảng trong cuộc bầu cử lần này, Trung Quốc chứ không phải Mỹ là vấn đề ngoại giao được nhắc đến nhiều nhất. Nhìn lại nửa thế kỷ qua, quan hệ Canada – Trung Quốc luôn chỉ là yếu tố bổ sung và cân bằng cho quan hệ Canada – Mỹ Tuy nhiên, hiện nay các chủ tịch đảng dường như không còn quan tâm nhiều đến quan hệ Canada – Mỹ, mà chỉ quan tâm đến việc tỏ ra cứng rắn hơn trong ngoại giao với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Lưu Đan cho rằng quan hệ Canada – Mỹ ít được nhắc đến là điều bình thường, bởi từ trước đến nay Canada không có nhiều lựa chọn. Bất kỳ đảng cầm quyền nào cũng đều phải tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ và không có lựa chọn nào khác. Sau khi lên cầm quyền, Biden đã có một số động thái hữu nghị với Canada, Trudeau cũng rất coi trọng điều này, do đó không cần phải thảo luận vấn đề này. Các cuộc thảo luận tập trung về quan hệ Canada – Trung Quốc cũng không chứng minh được vấn đề gì. Trudeau vẫn là một chính phủ thiểu số, quan hệ Canada – Trung Quốc vẫn bị các đảng đối lập cản trở, ông chỉ có thể duy trì các tiêu chuẩn hiện tại và khó có thể có nhiều thay đổi.

Theo giáo sư Tiền Hạo, vấn đề Trung Quốc đang nóng lên ở Canada hoàn toàn là sự việc ngẫu nhiên bởi Canada và Trung Quốc từ trước đến nay luôn có quan hệ hữu nghị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với một số thay đổi ở Trung Quốc, các nước bảo thủ truyền thống đã có sự hoài nghi đối với Trung Quốc, và “bẫy Thucydides” trở thành luận điệu để giải thích quan hệ Canada – Trung Quốc hiện nay. Việc Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu thuộc tập đoàn Huawei năm 2018 đã trở thành sự kiện then chốt khiến quan hệ hai nước rạn nứt.

Thứ tư, chương trình nghị sự có phần “thiên tả”. Trong hai cuộc bầu cử gần đây, đảng Dân chủ mới – chính đảng cánh tả – đã trở thành lực lượng cân bằng quyền lực chính. Đảng này tích cực chủ trương tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng thuế đối với người giàu. Đảng Tự do cũng cam kết sẽ đánh thuế thu nhập bổ sung đối với doanh nghiệp có lợi nhuận vượt 1 tỷ USD CAD, và tăng mục tiêu giảm phát thải đối với các nhà sản xuất dầu. Có thể thấy về chính sách, liên minh giữa hai đảng có thể thúc đẩy chuyển hướng sang thiên tả.

Vấn đề nan giải

Nhìn về tương lai, cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa như thế nào đối với Canada? Trọng tâm cầm quyền của chính phủ mới nằm ở đâu?

Dư luận đều cho rằng đối với người Canada, chính phủ thiểu số là chuyện bình thường. Trong 7 cuộc bầu cử gần đây đã xuất hiện 5 chính phủ thiểu số, với thời gian cầm quyền trung bình là 24 tháng. So với cuộc bầu cử trước đó, sau khi Trudeau bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, tình cảnh của chính phủ mới cũng không có nhiều thay đổi.

Giáo sư Tiền Hạo cho rằng nhìn chung chính phủ thiểu số mới vẫn phải đối mặt với sự cản trở của các đảng đối lập và khó có thể tạo ra bước đột phá lớn. Về đối nội, phục hồi kinh tế sau đại dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Về đối ngoại, Canada sẽ tiếp tục tham gia các vấn đề quốc tế trong khuôn khổ đa phương, muốn có những hành động tích cực trong các vấn đề như bảo vệ môi trường và nhân quyền, đây cũng là quan niệm giá trị cốt lõi của đảng Tự do. Về quan hệ Trung Quốc – Canada, chỉ khi Mạnh Vãn Châu được trả tự do và hai công dân Canada ở Trung Quốc trở về nước, thì quan hệ hai nước mới có thể thực sự bắt đầu được xây dựng lại, nhưng cũng khó có thể trở lại “thập kỷ vàng” trong những năm 1990.

Theo nhà nghiên cứu Lưu Đan, Chính quyền Trudeau vẫn phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải, trong đó vấn đề kinh tế được xếp ở vị trí đầu tiên. Đây cũng là vấn đề mà người dân quan tâm, bao gồm chi phí sinh hoạt, phục hồi kinh tế, việc làm, nhà ở, nợ công và thâm hụt. Hai là, các vấn đề xã hội, bao gồm y tế, sức khỏe tâm lý, hòa giải các dân tộc bản địa và phân biệt chủng tộc. Ba là, vấn đề ngoại giao, bao gồm quan hệ Trung Quốc – Canada (vấn đề 5G của Huawei, vụ việc Mạnh Vãn Châu), áp lực đến từ Mỹ và các đồng minh.

Nguồn: Mạng Quan sát Thượng Hải (TQ) – 21/09/2021

TLTKĐB – 23/09/2021