Cuba giữa khủng hoảng và đổi thay – Phần cuối


Về những sắc luật cải cách kinh tế

Tháng 8/2021, Nhà nước Cuba đã ban hành một trong những sắc luật được mong đợi nhất trong tiến trình cải cách Cuba, cho phép thành lập một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là quan sát việc triển khai sắc luật trên vào thực tiễn. Dù hiện tại đã có những bước đi ban đầu tích cực khi hơn 400 doanh nghiệp thuộc diện này đăng ký hoạt động chỉ trong vòng 2 tháng, nhưng vẫn còn sớm để đưa ra một kết luận trọn vẹn.

Nhận định đầu tiên là việc sắc luật này được công bố và lý giải theo một cách thức hàn lâm quá mức để người dân có thể hiểu và vận hành theo khuôn khổ mới được định ra. Quan trọng hơn, còn phải chờ đợi xem liệu trong quá trình triển khai phổ biến sắc luật này sắp tới, liệu La Habana có “bổ sung” thêm những hạn chế nào không hay sẽ thực sự mở ra những cơ chế cởi mở hơn như tại một số quốc gia khác, điển hình là Việt Nam. Nếu cách tiếp cận thứ hai được lựa chọn, đây sẽ là một bước đi rất tích cực.

Ngoài ra, quy định luật mới này cần được song hành với những cải cách thiết yếu khác. Vấn đề gay cấn nhất của Cuba hiện là lương thực, cần phải thúc đẩy nông nghiệp. Điều này chỉ đạt được nếu có cải cách cơ cấu sản xuất. Cuba phải tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách khác. Đây là quan điểm không mới.

Rốt cục, Chính phủ Cuba cũng đã ban hành các hoạt động kinh doanh bị cấm thay cho danh sách các hoạt động trước đây được cho phép, một bước chuyển đổi tư duy đã được gợi ý từ nhiều năm trước. Đây là điều rất tích cực. Tiến trình “bình ổn tiền tệ” hiện tại sẽ không thể tránh khỏi việc giải thể các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả và để thu hút những lao động sẽ mất việc làm đó, La Habana cần mở cánh cửa cho các thành phần phi nhà nước, đặc biệt là tư nhân. Đây là những bước đi hết sức quan trọng và quyết định, qua đó có thể thấy bản thân sắc luật không thể một mình giải quyết các vấn đề.

Mô hình cần hướng tới

Một lập luận khá phổ biến cho rằng “hòn đảo tự do” chỉ có thể đi theo 1 trong 2 lựa chọn: hoặc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo nhận thức từ trước tới nay về khái niệm này hoặc khôi phục chủ nghĩa tư bản, hay nói đúng hơn là mô hình tự do mới hoang dại. Nhưng đây là cách đặt vấn đề sai lầm. Không ít nhà kinh tế Cuba, đặc biệt ở trong nước, đã bày tỏ mong muốn về một nền kinh tế “pha trộn”, với những cấp độ can thiệp khác nhau của Nhà nước và vai trò mà thành phần kinh tế tư nhân cần đảm nhận, cùng việc tuân thủ quy luật cung – cầu của thị trường.

Ngày càng có nhiều bài viết, nghiên cứu so sánh mô hình kinh tế tập trung với những cải cách nhỏ của Cuba với Trung Quốc và Việt Nam, những nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với nhân tố tư nhân mạnh mẽ có tỷ lệ đóng góp vượt quá thành phần nhà nước và đạt được những thành công không thể phủ nhận. Sự kết hợp giữa kế hoạch hóa và thị trường của những nước này có thể là giải pháp cho Cuba và chắc chắn, chế độ một chính đảng duy nhất cùng chia sẻ lý tưởng của 2 quốc gia châu Á trên cũng rất hấp dẫn đối với các nhà lãnh đạo Cuba. Khi so sánh Cuba với Trung Quốc và Việt Nam, nếu việc các chỉ số kinh tế của 2 quốc gia châu Á này vượt trội đáng kể so với Cuba không phải là điều gì mới mẻ, điều đáng ngạc nhiên là ngay cả trong một số chỉ số xã hội – vốn là niềm tự hào của La Habana – họ cũng đã vượt qua người đồng minh ở Tây Bán Cầu.

Tất nhiên phải thừa nhận rằng vẫn có những phản kháng mạnh mẽ trong nội bộ ban lãnh đạo Cuba về việc áp dụng mô hình Trung Quốc – Việt Nam vì rõ ràng, điều này cũng bao hàm một sự chuyển giao quyền lực kinh tế và có một mối lo ngại có cơ sở rằng sự chuyển giao quyền lực kinh tế sẽ dẫn tới chuyển giao quyền lực chính trị.

Những bất bình đẳng xã hội tiềm tàng

Trong số những chỉ trích nhằm vào mô hình của Trung Quốc và Việt Nam, nổi lên khá thường xuyên mối lo ngại về việc lan rộng và đào sâu những bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội. Đúng là những hiện tượng bất bình đẳng đã gia tăng đáng kể tại Trung Quốc và Việt Nam, điều đó cũng diễn ra ở Cuba, đầu tiên là trong “thời kỳ đặc biệt” và giờ đây là trong quá trình “bình ổn tiền tệ” hay cải cách giá – lương – tiền. Bất bình đẳng là điều không thể tránh khỏi để đạt được phát triển về kinh tế. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ phải tìm ra điểm tối ưu để không bị rơi vào trạng thái bất bình đẳng quá mức. Nói cách khác là phải tìm ra sự cân bằng trong thay đổi, nhất là khi Cuba đã tới thời điểm phải lựa chọn giữa bình đẳng trong nghèo khổ hay tiến tới thịnh vượng với bất bình đẳng. Đa phần người dân Cuba hiện đang hướng nhiều hơn tới lựa chọn thứ hai, hơn nữa có rất nhiều chính sách từ kinh nghiệm của các nước, từ kinh tế tới chính sách thuế, có thể giúp giảm bớt bất bình đẳng. Về tình trạng bất bình đẳng hiện tại của Cuba, cần lưu ý việc hệ thống thuế của Cuba thực sự tụt hậu vì nguồn thu chủ chốt vẫn tiếp tục là thuế tiêu thụ và bất chấp những nỗ lực thu hẹp khoảng cách từ các nguồn thu nhất, tới năm 2020 vừa qua, thuế tiêu thụ vẫn là nguồn đóng góp chính cho hoạt động thu thuế. Với một mức độ lũy tiến hợp lý về thuế lợi nhuận, Nhà nước có thể giảm bớt bất bình đẳng khi nhóm người có thu nhập cao nhất phải trả nhiều thuế hơn và một phần những nguồn lực đó được chuyển hóa sao cho những người thu nhập thấp qua trợ cấp xã hội hay những công cụ xã hội khác. Sẽ có những thời điểm xung đột giữa kỳ vọng tái phân chia thu nhập và mong muốn kích thích tăng trưởng, nhưng đây không phải là câu chuyện trắng – đen, tốt – xấu rạch ròi mà là của những gam mầu xám rất quan trọng ở giữa, và có những chính sách có thể giúp để đương đầu nan đề đó, tùy theo hoàn cảnh.

Triển vọng của các tiến trình đối thoại Cuba – Mỹ

Trong bối cảnh gia tăng phân cực và các quan điểm cực đoan ở cả hai chiều đang chiếm “diễn đàn”, đã có nhiều lo lắng cho triển vọng của đối thoại Cuba – Mỹ. Tuy nhiên, đối thoại vẫn là yếu tố mấu chốt, vì một giải pháp bạo lực sẽ là điều khủng khiếp. Tuy nhiên, đây không phải là tiến trình ngày một ngày hai.

Thứ nhất, để giải quyết vấn đề cần phải có đối thoại và mỗi cuộc đối thoại chỉ có thể bắt đầu khi mỗi bên công nhận tư cách của phía bên kia và muốn đạt được điểm đó, hai bên phải ngừng công kích nhau theo hướng bôi nhọ. Đó là quy luật đầu tiên cần tuân thủ.

Thứ hai, phát triển từ quy luật thứ nhất, đó là sự tôn trọng thật sự đối với những lập trường và lập luận trái ngược với mình, yếu tố thiết yếu để có sự tiến triển thật sự.

Thứ ba, cần phải có nỗ lực thực sự để tiến tới một thỏa thuận, mỗi bên cần phải có nhượng bộ nhất định. Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương, lập trường của La Habana có thể tóm gọn là: tất cả những gì Mỹ làm đều được Cuba chào đón, nhưng Cuba sẽ không làm gì để đổi lại vì Mỹ là bên áp đặt các lệnh trừng phạt và tự họ phải xóa bỏ. Quan điểm này rất đúng từ khía cạnh chính trị, nhưng không giải quyết được vấn đề của đối thoại. Mỗi bên cần phải nhượng bộ một chút để có thể tiến tới một cam kết thực sự, nếu không tiến trình này vẫn mãi là điều bất khả thi.

Nguồn: TKNB – 15/11/2021

Advertisement

Cuba giữa khủng hoảng và đổi thay – Phần đầu


Theo báo mạng OnCuba, Cuba đang dần tiến tới trạng thái “bình thường mới”, với cột mốc khởi đầu là ngày 15/11. Đây cũng là ngày các nhóm “bất đồng chính kiến” hay “phản cách mạng” – tùy theo cách gọi của mỗi bên – dự định tiến hành cuộc “tuần hành hòa bình” nhằm châm ngồi một cuộc bùng nổ xã hội, tái hiện cuộc biểu tình của dân chúng ngày 11/7/2021. Dù mục tiêu phá hoại này khó thành hiện thực, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng và chuyển đổi, Cuba vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ kinh tế – xã hội. Giáo sư kinh tế Carmelo Mesa Lago (người Mỹ gốc Cuba), người có hơn 50 năm theo dõi và thúc đẩy xu hướng đối thoại song phương, tổng kết những nguy cơ này như sau:

Về những ngòi nổ chính của các cuộc biểu tình phản đối ngày 11/7

Trước tiên, phải thừa nhận Cuba đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội lớn nhất từ những năm 1990, vẫn thường được gọi là “thời kỳ đặc biệt”. Năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 10,9%, con số tồi tệ nhất kể từ mức sụt giảm 14,3% năm 1993. Trong nửa đầu năm 2021, mức sụt giảm kinh tế là 2% và tới thời điểm này có thể dự đoán kinh tế đảo quốc Caribe trogn nửa cuối năm 2021 sẽ giảm nhẹ hoặc đình trệ.

Những người theo quan điểm cực đoan tại La Habana và Florida thường chỉ nhấn mạnh một nguyên nhân gây bùng nổ từ phía bên kia. Một bên chỉ trích chính sách bao vây cấm vận như nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này trong khi phía còn lại khẳng định trách nhiệm chính cho những vấn đề tại Cuba là hệ thống cộng sản. Trên thực tế, có nhiều yếu tố gây ra cả khủng hoảng kinh tế lẫn những cuộc biểu tình phản đối. Thứ nhất là sự thiếu hiệu quả của hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung và ưu thế tuyệt đối của sở hữu nhà nước đối với thị trường và sở hữu phi quốc doanh. Thứ hai là phải kể tới cuộc khủng hoảng kinh tế – nhân đạo trầm trọng tại Venezuela, vì đây là quốc gia từ đầu thế kỷ đã hỗ trợ cho Cuba theo nhiều cách khác nhau, trước hết là với vai trò khách hàng chủ chốt trong hoạt động xuất khẩu của La Habana – chủ yếu về y tế – giờ đây là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Cuba, cũng như nguồn cung dầu khí với những điều khoản ưu đãi, một nhân tố then chốt của nền kinh tế Cuba. Mối quan hệ kinh tế này đã suy giảm đáng kể, gây ra những tác động lớn tới nền kinh tế Cuba.

Vấn đề then chốt khác là tiến trình thống nhất tiền tệ và tỷ giá hối đoái của Cuba. Các nhà kinh tế Cuba đã khuyến nghị điều này từ hơn 10 năm qua, khi cho rằng đây là bước đi thiết yếu để tạo điều kiện cho các cải cách cấu trúc mà Đại tướng Raúl Castro từng khởi xướng. Tuy nhiên, vấn đề là thời điểm được lựa chọn tiến hành bước đi này bị đánh giá rộng rãi là “tồi tệ nhất có thể”. Hiện tại, nếu được áp dụng tốt, tiến trình này sẽ có rất nhiều hiệu ứng tích cực về dài hạn vì nó tạo ra xu hướng chung khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu theo quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, những tác động tức thì của nó khó tiêu cực: năm 2021, các nhà kinh tế Cuba – cả trong và ngoài nước – đã đưa ra các dự báo về lạm phát thực tế dao động từ 500 – 900%, mức cao nhất tại châu Mỹ sau Venezuela; song song với đó là sự cần thiết phải đóng cửa các doanh nghiệp không đạt năng suất và thiếu hiệu quả, làn sóng gia tăng giá cả các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất và tình trạng thiếu thốn trầm trọng lương thực và thuốc men.

Trong bối cảnh phức tạp đó, còn phải tính tới những tác động khổng lồ của đại dịch COVID-19. Cuba đã sản xuất được 2 loại vaccine và tiến hành tương đối nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà, kể cả đối với trẻ em, hiệu quả của các loại vaccine này phần nào được chứng minh, nhưng vẫn phải đánh giá thêm trong tương lai. Điều chắc chắn là các biện pháp trừng phạt của Trump kết hợp với đại dịch đã hạ “đo ván” ngành du lịch Cuba.

Ngoài những vấn đề nền tảng đó, cũng có những yếu tố tạo thuận lợi cho việc mở rộng và gia tăng quy mô của các cuộc biểu tình ngày 11/7: việc mở rộng quyền và khả năng truy cập Internet cùng các mạng xã hội; việc “van xả áp” bức xúc xã hội đã bị khóa – những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây luôn kéo theo những đợt di cư lớn nhưng giờ đây, lối thoát này đã không còn khi Mỹ từ bỏ chính sách nhập cư “chân ướt, chân ráo” đối với công dân Cuba; sự thiếu vắng một lãnh tụ lôi cuốn như Fidel Castro – người từng xuất hiện gần như là đơn độc để hạ nhiệt và kiểm soát đám đông phản đối trong cuộc vận động “maleconazo” năm 1994; và cuối cùng là những thay đổi trong tư tưởng tầng lớp thanh niên, những người sinh ra sau Cách mạng 1959 và nhiều trong số họ không còn chia sẻ những tư tưởng của cha anh.

Những chiến lược mới cho các nguồn thu chủ chốt

Nhiệm vụ đầu tiên là phải giải quyết những vấn đề nội bộ, nâng cao được sức sản xuất. Một khi năng lực sản xuất được cải thiện, khả năng xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ được nâng cao. Một trong những vấn đề cơ bản của Cuba là chưa bao giờ đạt được sự cân bằng thực sự trong ngoại thương mà không cần tới trợ giá hay ưu đãi, và đây là yếu tố then chốt.

Mặt khác, riêng về xuất khẩu dịch vụ chuyên môn, các nhà kinh tế Cuba từng cảnh báo từ rất sớm rằng cơ chế triển khai của La Habana hứng chịu những rủi ro lớn, chủ yếu là về chính trị, khi chính quyền nước nhập khẩu có thể thay đổi và không còn thân thiện với Cuba, hoặc đơn giản là không còn khả năng thực hiện những trao đổi ưu đãi. Một vấn đề khác cũng từng được chỉ ra là để đối lấy khoản thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ y tế, hoạt động chăm sóc ý tế trong nước cũng chịu nhiều ảnh hưởng khi một nửa số bác sĩ gia đình xuất ngoại, chưa kể những bác sĩ chuyên khoa cao cấp. Về kiều hối mặt cơ chế vận động của nguồn thu này khá tốt. Cần phải biến được nguồn kiều hối này thành tiền đầu tư và xóa bỏ những rào cản không cần thiết, tiến hành những thay đổi để người dân Cuba cảm thấy dễ chịu, an toàn hơn với các khoản đầu tư và mở các hoạt động kinh doanh nhỏ, để kiều hối không hạn chế ở mức chi tiêu gia đình. Ở đây không chỉ là câu chuyện tiền bạc, mà còn liên quan tới công nghệ và kết nối quốc tế. Trên thực tế, nhiều doanh nhân Mỹ gốc Cuba có mạng lưới hoạt động khắp thế giới và với những chính sách đúng đắn, có thể chuyển hóa thực trạng này về nước. Một điều quan trọng khác là phải tiến hành nỗ lực trong giáo dục và cảm nhận xã hội để giảm dần những tháy độ thù địch và ác cảm giữa hai cộng đồng người Cuba trong nước và kiều dân, phải tạo ra những không gian, những điểm chung cho cả hai phía.

Cuba vẫn cần tiếp tục phải dựa vào du lịch. Phải chuyển biến ngành công nghiệp du lịch và để thực hiện mục tiêu này điều quan trọng là phải có một sự cạnh tranh dù ở mức giới hạn. Yếu tố này từng có với việc cấp phép cho các nhà trọ tư nhân phục vụ khách quốc tế, nhưng phải mở rộng ở những quy mô lớn hơn cho các hãng lữ hành tư nhân, đủ để tạo thách thức khiến các doanh nghiệp nhà nước phải thực sự cạnh tranh, chứ không phải áp đặt, khi muốn đạt được lợi nhuận. Điểm mấu chốt của du lịch là lôi kéo được khách quay trở lại, và họ chỉ trở lại nếu nhận được giá cả phải chăng và dịch vụ chất lượng. Du lịch vẫn phải là một ngành mũi nhọn đối với Cuba, nhưng phải có sự thay đổi.

(còn tiếp)

Nguồn: TKNB – 15/11/2021

Đánh giá “canh bạc” của Thủ tướng Canada Trudeau – Phần cuối


Nhà nghiên cứu Lưu Đan cho rằng với tư cách là đảng cầm quyền, đảng Tự do có những lợi thế rõ rệt: có nhiều cơ hội để phát huy điểm mạnh và khiến các cử tri thực sự hiểu được thành quả của chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh; sức hút của Trudeau cũng phát huy được vai trò nhất định. Tuy nhiên, mặt trái là việc kiên quyết tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh đã khiến một số cử tri khó chấp nhận, điều này cũng khiến các đảng đối lập tìm được điểm yếu để tấn công; chính phủ không thể cân đối thâm hụt tài chính và bị các đảng đối lập chỉ trích nặng nề.

Về phía đảng Bảo thủ, lợi thế của họ là có một cử tri trung thành cố định, các chính sách kinh tế tương đối thực dụng của đảng này cũng nhận được nhiều sự ủng hộ và lãnh đạo của đảng, Erin O’Toole cũng có tư tưởng cởi mở. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ cũng có nhược điểm lớn, đó là thiếu sức hút, đặc biệt là người lãnh đạo đảng.

Theo giáo sư Tiền Hạo, mặc dù Trudeau sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng Tự do, nhưng lần này vẫn là một chính phủ thiểu số, đó thực sự là một thất bại. Điều này cũng cho thấy một vài điểm: Thứ nhất, mặc dù cử tri đã ghi nhận khả năng điều hành kinh tế của Trudeau trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng họ vẫn không hài òng việc tổ chức bầu cử trong thời gian dịch bệnh, chi phí cho cuộc bầu cử được đánh giá là tốn kém nhất trong lịch sử. Thứ hai, một số vụ bê bối như vụ bê bối liên quan đến Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin, hay sự thiếu quyết đoán trong chính sách đối với Trung Quốc cũng bị đảng Bảo thủ và các đảng đối lập khác công kích, làm dấy lên làn sóng phản đối đảng Tự do và ủng hộ phe bảo thủ. Thứ ba, có tới 22 đảng tham gia tranh cử và số ứng cử viên độc lập tăng lên, mặc dù một số đảng nhỏ không nỗ lực giành được ghế nhưng vẫn có thể khiến phiếu bầu bị phân tán.

Thay đổi

Điều đáng chú ý là quan sát hai cuộc bầu cử gần đây, giới truyền thông nước ngoài và các nhà phân tích cho rằng chính trường Canada đang có một số thay đổi.

Trước tiên, uy tín của Justin Trudeau giảm sút. Là con trai của cố Thủ tướng Pierre Trudeau, ông lần đầu tiên thắng cử với ưu thế áp đảo vào năm 2015, được coi là đại diện mới của chủ nghĩa tư do phương Tây, trái ngược với Trump ở nước láng giềng. Tuy nhiên, hiện nay do tác động của các yếu tố như nạn phân biệt chủng tộc, tranh chấp đường ống dẫn dầu và cuộc bầu cử diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh… uy tín của vị thủ tướng 49 tuổi này đã bị suy giảm.

Theo giáo sư Tiền Hạo, trong tương lai, vị trí lãnh đạo đảng của Justin Trudeau có thể được thay thế bởi Phó Thủ tướng đương nhiệm, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Chrystia Freeland, để ông này dẫn dắt đảng Tự do giành được vị thế chính phủ đa số trong cuộc bầu cử khóa tới.

Thứ hai, chính trị liên bang đã bước vào một thời kỳ mới. Năng lực và phong thái của các nhà lãnh đạo hiện nay, cho dù là đảng cầm quyền hay đảng đối lập, đều không bằng thế hệ lãnh đạo đi trước. Do thời hạn cầm quyền của chính phủ thiểu số tương đối ngắn, nên các đảng trong Quốc hội luôn trong trạng thái tranh cử và quan tâm nhiều hơn đến những được mất trước mắt và sẽ khó có thể có những đóng góp trong vấn đề dài hạn như năng lực cạnh tranh của Canada giảm sút và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp diễn ra chậm chạp.

Thứ ba, vấn đề Trung Quốc đang nóng lên. Trong các cuộc tranh luận giữa chủ tịch các đảng trong cuộc bầu cử lần này, Trung Quốc chứ không phải Mỹ là vấn đề ngoại giao được nhắc đến nhiều nhất. Nhìn lại nửa thế kỷ qua, quan hệ Canada – Trung Quốc luôn chỉ là yếu tố bổ sung và cân bằng cho quan hệ Canada – Mỹ Tuy nhiên, hiện nay các chủ tịch đảng dường như không còn quan tâm nhiều đến quan hệ Canada – Mỹ, mà chỉ quan tâm đến việc tỏ ra cứng rắn hơn trong ngoại giao với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Lưu Đan cho rằng quan hệ Canada – Mỹ ít được nhắc đến là điều bình thường, bởi từ trước đến nay Canada không có nhiều lựa chọn. Bất kỳ đảng cầm quyền nào cũng đều phải tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ và không có lựa chọn nào khác. Sau khi lên cầm quyền, Biden đã có một số động thái hữu nghị với Canada, Trudeau cũng rất coi trọng điều này, do đó không cần phải thảo luận vấn đề này. Các cuộc thảo luận tập trung về quan hệ Canada – Trung Quốc cũng không chứng minh được vấn đề gì. Trudeau vẫn là một chính phủ thiểu số, quan hệ Canada – Trung Quốc vẫn bị các đảng đối lập cản trở, ông chỉ có thể duy trì các tiêu chuẩn hiện tại và khó có thể có nhiều thay đổi.

Theo giáo sư Tiền Hạo, vấn đề Trung Quốc đang nóng lên ở Canada hoàn toàn là sự việc ngẫu nhiên bởi Canada và Trung Quốc từ trước đến nay luôn có quan hệ hữu nghị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với một số thay đổi ở Trung Quốc, các nước bảo thủ truyền thống đã có sự hoài nghi đối với Trung Quốc, và “bẫy Thucydides” trở thành luận điệu để giải thích quan hệ Canada – Trung Quốc hiện nay. Việc Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu thuộc tập đoàn Huawei năm 2018 đã trở thành sự kiện then chốt khiến quan hệ hai nước rạn nứt.

Thứ tư, chương trình nghị sự có phần “thiên tả”. Trong hai cuộc bầu cử gần đây, đảng Dân chủ mới – chính đảng cánh tả – đã trở thành lực lượng cân bằng quyền lực chính. Đảng này tích cực chủ trương tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng thuế đối với người giàu. Đảng Tự do cũng cam kết sẽ đánh thuế thu nhập bổ sung đối với doanh nghiệp có lợi nhuận vượt 1 tỷ USD CAD, và tăng mục tiêu giảm phát thải đối với các nhà sản xuất dầu. Có thể thấy về chính sách, liên minh giữa hai đảng có thể thúc đẩy chuyển hướng sang thiên tả.

Vấn đề nan giải

Nhìn về tương lai, cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa như thế nào đối với Canada? Trọng tâm cầm quyền của chính phủ mới nằm ở đâu?

Dư luận đều cho rằng đối với người Canada, chính phủ thiểu số là chuyện bình thường. Trong 7 cuộc bầu cử gần đây đã xuất hiện 5 chính phủ thiểu số, với thời gian cầm quyền trung bình là 24 tháng. So với cuộc bầu cử trước đó, sau khi Trudeau bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, tình cảnh của chính phủ mới cũng không có nhiều thay đổi.

Giáo sư Tiền Hạo cho rằng nhìn chung chính phủ thiểu số mới vẫn phải đối mặt với sự cản trở của các đảng đối lập và khó có thể tạo ra bước đột phá lớn. Về đối nội, phục hồi kinh tế sau đại dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Về đối ngoại, Canada sẽ tiếp tục tham gia các vấn đề quốc tế trong khuôn khổ đa phương, muốn có những hành động tích cực trong các vấn đề như bảo vệ môi trường và nhân quyền, đây cũng là quan niệm giá trị cốt lõi của đảng Tự do. Về quan hệ Trung Quốc – Canada, chỉ khi Mạnh Vãn Châu được trả tự do và hai công dân Canada ở Trung Quốc trở về nước, thì quan hệ hai nước mới có thể thực sự bắt đầu được xây dựng lại, nhưng cũng khó có thể trở lại “thập kỷ vàng” trong những năm 1990.

Theo nhà nghiên cứu Lưu Đan, Chính quyền Trudeau vẫn phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải, trong đó vấn đề kinh tế được xếp ở vị trí đầu tiên. Đây cũng là vấn đề mà người dân quan tâm, bao gồm chi phí sinh hoạt, phục hồi kinh tế, việc làm, nhà ở, nợ công và thâm hụt. Hai là, các vấn đề xã hội, bao gồm y tế, sức khỏe tâm lý, hòa giải các dân tộc bản địa và phân biệt chủng tộc. Ba là, vấn đề ngoại giao, bao gồm quan hệ Trung Quốc – Canada (vấn đề 5G của Huawei, vụ việc Mạnh Vãn Châu), áp lực đến từ Mỹ và các đồng minh.

Nguồn: Mạng Quan sát Thượng Hải (TQ) – 21/09/2021

TLTKĐB – 23/09/2021

Đánh giá “canh bạc” của Thủ tướng Canada Trudeau – Phần đầu


Kết quả cuộc bầu cử lần thứ 44 tại Canada được đánh giá rất giống với cuộc bầu cử trước đây. Theo kết quả sơ bộ ngày 21/9, đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng Justin Trudeau một lần nữa đánh bại các đối thủ, song lại không giành được quá bán và vẫn là chính phủ thiểu số. Đảng Bảo thủ – đảng đối lập lớn nhất tại Canada một lần nữa giành được số phiếu đa số tương đối, nhưng vẫn không thể chiến thắng.

Dư luận đặt câu hỏi trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, liệu cuộc bầu cử tiêu tốn khoảng 600 triệu CDA (khoảng 470 triệu USD) này có cần thiết?

Canh bạc

Quốc hội Canada được tổ chức bầu cử 4 năm 1 lần, đảng nào giành được nhiều ghế nhất sẽ lên nắm quyền và lãnh đạo của đảng sẽ trở thành thủ tướng. Tháng 10/2019, Canada đã tổ chức cuộc bầu cử lần thứ 43. Theo trình tự thông thường, cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 10/2023.

Tuy nhiên, trung tuần tháng 8/2021, Thủ tướng đương nhiệm Trudeau, người mới nắm quyền hơn nửa nhiệm kỳ, bất ngờ tuyên bố tranh cử sớm. Dư luận cho rằng Trudeau nhân cơ hội dịch bệnh để bắt đầu một canh bạc chính trị. Một mặt, ông cố gắng lợi dụng thành tích chống dịch – hơn 80% người Canada đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, để xoay chuyển địa vị bất lợi của đảng Tự do trong Quốc hội, cố gắng đưa chính phủ với đảng cầm quyền chiếm thiểu số trong Quốc hội thành một chính phủ với đảng cầm quyền chiếm đa số, để giảm bớt rào cản về lập pháp. Mặt khác, ông nắm được điểm yếu của đảng Bảo thủ đối lập, đó là luôn giữ thái độ hoài nghi đối với các biện pháp phong tỏa và “hộ chiếu vaccine”, đánh cược rằng cử tri sẽ không mạo hiểm trong thời kỳ đại dịch.

Điều đáng nói là đảng đối lập cũng coi dịch COVID-19 là một “ngón đòn”. Theo các cuộc thăm dò, chỉ có 26% người Canada ủng hộ tổ chức bầu cử vào mùa Thu. Trong chiến dịch tranh cử, đảng Bảo thủ đã lợi dụng tâm lý này của người dân để dựng lên hình ảnh Trudeau là tầng lớp tự do “ích kỷ”, đặt lợi ích cá nhân lên trên vận mệnh đất nước. Ngoài ra, chiến lược tranh cử của đảng Bảo thủ gần gũi hơn với phe trung lập với nội dung cương lĩnh ôn hòa hơn trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, quản lý súng và cân bằng ngân sách, thu hút nhiều cử tri hơn.

Giáo sư Tiền Hạo, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Canada thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải cho rằng Canada là một quốc gia quân chủ lập hiến, nên việc các cuộc bầu cử diễn ra sớm là hoàn toàn bình thường. Trong cuộc bầu cử năm 2019, Trudeau không giành được số phiếu quá bán trong Hạ viện và chỉ có thể thành lập chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, chính phủ thiểu số thường không ổn định và bầu cử có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, hoặc các đảng đối lập hợp lực buộc thủ tướng miễn nhiệm, khiến những kiến nghị về sự bất tín nhiệm đối với đảng cầm quyền được thông qua tại quốc hội, hoặc đảng cầm quyền thấy đến thời điểm thích hợp và yêu cầu Toàn quyền giải tán quốc hội. Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt và dư luận đang có lợi cho đảng Tự do cầm quyền, đảng này đã chủ động đề xuất bầu cử với hy vọng sẽ giành được vị thế cầm quyền của một đảng chiếm đa số nhằm đảm bảo việc thực hiện thuận lợi quan điểm cầm quyền và sách lược điều hành đất nước trong 4 năm tới.

Theo Lưu Đan, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Canada thuộc Đại học Ngoại ngữ-ngoại thương Quảng Đông, có 2 yếu tố thúc đẩy Trudeau tổ chức bầu cử sớm. Thứ nhất, môi trường cầm quyền của một chính phủ thiểu số rất khắc nghiệt và thường bị các đảng đối lập gây cản trở. Ví dụ: đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục chỉ trích và gây cản trở cho tiến trình lập pháp, còn đảng Dân chủ mới sẽ tiếp tục ra thêm điều kiện để đổi lấy việc ủng hộ đảng Tự do. Thứ hai, Trudeau tin rằng thời điểm hiện tại đã chín muồi. Chính phủ đã bỏ rất nhiều tiền cho chính sách viện trợ chống dịch, nhiều cử tri được hưởng lợi từ đó. So với nước láng giềng Mỹ, thành tích phòng chống dịch của Canada vượt trội, mức hỗ trợ của chính phủ từng lên đến 40%. Bên cạnh đó, cùng với thâm hụt trong nước ở mức cao và các vấn đề xã hội khác đang nảy sinh, Trudeau cần một môi trường cầm quyền thoải mái hơn. Vì vậy, ông thực sự muốn đánh một canh bạc.

Bản sao

Theo các kênh truyền thông nước ngoài như Global News, kết quả sơ bộ ngày 21/9 cho thấy sự phân bổ ghế của các chính đảng trong Hạ viện gần như là bản sao của cuộc bầu cử năm 2019. Đảng Tự do cầm quyền giành được 158/338 ghế (trước bầu cử là 157 ghế) và tiếp tục giữ vị trí đảng cầm quyền; Trudeau cũng trở thành nhà lãnh đạo thứ 8 trong lịch sử Canada giành chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử liên tiếp. Tuy nhiên, cũng giống như hai năm trước, đảng Tự do vẫn không vượt qua được ngưỡng 170 ghế.

Đảng Bảo thủ, đảng đối lập lớn nhất, giành được 119 ghế (trước bầu cử là 121 ghế) và một lần nữa dẫn đầu về phiếu đa số tương đối, nhưng vẫn không lật đổ được đảng Tự do, đã cầm quyền trong 6 năm.

Các đảng còn lại cũng không có nhiều thay đổi. Đảng Québec (PQ) dành được 34 ghế (trước bầu cử là 32 ghế), đảng Dân chủ mới giành được 25 ghế (trước bầu cử là 24 ghế) và đảng Xanh giữ 2 ghế.

Theo truyền thông Canada, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cử tri đã lựa chọn bỏ phiếu qua đường bưu điện, nên công tác kiểm phiếu bị kéo dài, việc công bố kết quả cuối cùng có thể bị trì hoãn. Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều rằng Trudeau sẽ tái đắc cử một cách thuận lợi và đảng cầm quyền một lần nữa trở thành một chính phủ thiểu số.

Cách nhau hai năm, tại sao kết quả của 2 cuộc bầu cử lại giống nhau đến vậy? Các nhà phân tích Canada cho rằng cuộc bầu cử sớm của đảng Tự do không được lòng dân, song chủ trương chống dịch của đảng Bảo thủ cũng không đủ độ tin cậy, và các đảng cực hữu đã rút lại phiếu bầu cho đảng Bảo thủ. Có thể nói rằng bố cục phân bổ phiếu bầu truyền thống vẫn chưa bị phá vỡ.

(còn tiếp)

Nguồn: Mạng Quan sát Thượng Hải (TQ) – 21/09/2021

TLTKĐB – 23/09/2021

Nhìn lại 2020 – Tình hình Mỹ Latinh: Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch


Giang Thời Học

Mỹ Latinh là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tính đến giữa tháng 11/2020, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở khu vực này đã lên tới hơn 12 triệu, trong đó Brazil là 6 triệu, đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau Mỹ và Ấn Độ).

Sức mạnh tổng hợp của Brazil khá mạnh ở khu vực Mỹ Latinh. Nhưng trước sự tấn công của dịch COVID-19,Chính quyền Bolsonaro không coi trọng đầy đủ vấn đề này trong giai đoạn đầu. Tổng thống Jair Bolsonaro thường nói rằng dịch COVID-19 chỉ là “cảm cúm nhẹ”, không cần phải ầm ĩ, không cần đeo khẩu trang. Ông thậm chí cho rằng khả năng miễn dịch của người Brazil cao, cho dù bơi trong cống nước thải thì cũng không bị nhiễm bệnh. Thái độ tiêu cực khi chống dịch của ông về khách quan khiến Brazil chịu thiệt hại lớn. Xét từ tính cách của người Mỹ Latinh, họ ưa thích giao tiếp, không muốn đeo khẩu trang, ở mức độ nhất định không có lợi cho sự kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, khu vực kinh tế phi chính thức của các quốc gia này khá lớn, giữa kiếm tiền và sinh mạng, người lao động làm trong khu vực phi chính thức không thể có lựa chọn đúng đắn, từ đó cũng đẩy nhanh sự lan rộng của virus SARS- CoV-2. Sau khi dịch bệnh lan rộng, nguồn nhân lực y tế của Brazil có khiếm khuyết nhất định, tuy chính quyền của một số bang đã thành lập một số bệnh viện dã chiến tạm thời, nhưng vẫn có một số người bệnh bị chết do thiếu bác sĩ và thuốc men.

Những chuyên gia về Mỹ Latinh nêu rõ dịch bệnh đã bộc lộ sự yếu kém và khiếm khuyết về mô hình phát triển của khu vực này. Do đó, chính phủ các quốc gia thuộc khu vực này cần tăng cường năng lực quản lý đất nước, tuân thủ nguyên tắc lấy dân làm gốc.

Năm 2020, tình hình chính trị của đa số các nước Mỹ Latinh khá ổn định. Trong vài tháng cuối cùng năm 2019, nhiều nước bùng phát biểu tình chống chính phủ với quy mô lớn. Sau khi bước vào năm 2020, do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài một số ít quốc gia, Mỹ Latinh cơ bản chưa bùng phát các cuộc biểu tình lớn, cục diện chính trị khá ổn định.

Nhưng cuộc khủng hoảng Venezuela vẫn chưa được giải quyết. Tháng 01/2020, quốc hội tổ chức bầu lãnh đạo, Luis Parra và Juan Guaido đều tuyên bố mình là chủ tịch mới. Tổng thống Nicolas Maduro công nhận Luis Parra đắc cử, nhưng Guiado lại tiếp tục gọi mình là “chủ tịch quốc hội đắc cử” và “tổng thống lâm thời” của Venezuela. Các quan chức của Chính phủ Mỹ cũng nêu rõ sẽ tiếp tục ủng hộ Guaido và chống lại Tổng thống Mudaro.

Ngày 10/11/2019, do yêu cầu của phe đối lập và quân đội, Tổng thống Bolivia Evo Morales bị ép phải từ chức, sau đó ông phải sống lưu vong. Trong cuộc bầu cử tổng thống Bolivia ngày 18/10/2020, ứng cử viên của đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS) do Evo Morales lãnh đạo, Luis Arce giành thắng lợi. Ngày 09/11/2020, Morales chấm dứt cuộc sống lưu vong, trở về Bolivia.

Từ khi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez mất năm 2013 đến nay, lực lượng cánh tả của khu vực Mỹ Latinh dường như đã mất ưu thế. Do đó, một số chuyên gia phân tích trên thế giới cho rằng việc Arce giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống chứng tỏ phe cánh tả của khu vực này vẫn có hy vọng trỗi dậy trở lại.

Điều bất ngờ là ngày 9/11. Quốc hội Peru đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống Martin Vizcarra. Phe đối lập cáo buộc ông nhận hối lộ để giúp một số doanh nghiệp giành được gói thầu công trình của chính phủ trong thời gian làm thống đốc tỉnh Moquegua năm 2014. Cục diện chính trị rối ren đó bất lợi cho việc chống dịch COVID-19 của Peru.

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh giảm mạnh. Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với kinh tế khu vực không thể xem nhẹ. Theo một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 6/10/2020 của Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL), dự báo kinh tế khu vực này sẽ giảm 9,1% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13,5%, tỷ lệ nghèo đó tăng lên 37,3%, bình quân thu nhập đầu người giảm xuống mức năm 2010, hiện tượng phân phối thu nhập không công bằng cũng ngày càng nghiêm trọng. CEPAL còn cho rằng tình hình kinh tế Mỹ Latinh là điều đáng lo ngại nhất trong khu vực này mấy chục năm qua.

Để kích thích phục hồi kinh tế, một số nước Mỹ Latinh đã bắt đầu sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ. Nhưng một mặt giữa kích thích phục hồi kinh tế và kiểm soát dịch bệnh có mâu thuẫn khó giải quyết, không dễ xác định nhân tố nào quan trọng hơn; mặt khác, mức độ suy thoái của kinh tế thế giới có thể lớn hơn 5%, điều kiện bất lợi ỏ trong và ngoài nước khiến các nền kinh tế Mỹ Latinh khó đi trên con đường tăng trưởng tốt đẹp về ngắn hạn.

Năm 2020, Chính quyền Trump tiếp tục thực hiện biện pháp cả mềm dẻo lẫn cứng rắn đối với các quốc gia Mỹ Latinh. Sau khi ông bước vào Nhà Trắng, Mỹ liên tục đưa ra “cây gậy” của chủ nghĩa bá quyền và bắt nạt, gia tăng trừng phạt Venezuela và Cuba. Đồng thời, Chính quyền Trump cũng cung cấp “củ cà rốt” để cải thiện quan hệ với các nước Mỹ Latinh. Ngày 2/2/2018, tại một hội thảo về quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và vấn đề quốc tế (CSIS) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề quốc tế khi đó là David Malpass cho biết để tăng cường phát triển quan hệ với các nước Mỹ Latinh, liên tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dân chủ và pháp trị của khu vực này, Chính quyền Washington đã đưa ra một số sáng kiến có lợi cho tăng trưởng khu vực. Ông còn nêu rõ những sáng kiến này có thể được coi là “sáng kiến tăng trưởng châu Mỹ”. Ngày 17/12/2019, Lễ khởi động sáng kiến “Tăng trưởng châu Mỹ” đã được tổ chức ở Washington, nhưng Cuba, Venezuela và Nicaragua bị gạt ra ngoài lề. Đến nay, Mỹ đã ký văn bản thực hiện sáng kiến này với hơn 10 nước Mỹ Latinh.

Ngày 1/7/2020, Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) được ký. Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã bị xóa bỏ. Mexico đương nhiên là nước hưởng lợi từ USMCA, nhưng hiệu ứng “chuyển dịch thương mại” của hiệp định này đối với nước Mỹ Latinh khác dần xuất hiện.

Năm 2020, quan hệ Trung Quốc với khu vực Mỹ Latinh tiếp tục được thúc đẩy ổn định. Năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm với nhà lãnh đạo của hơn 10 nước thuộc khu vực này, hai bên đã trao đổi quan điểm về chống dịch bệnh và một số vấn đề khác. Ngày 23/7/2020, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng với hơn 10 ngoại trưởng các nước Mỹ Latinh tổ chức hội nghị trực tuyến đặc biệt về ứng phó với dịch COVID-19. Tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ: “Trung Quốc và khu vực Mỹ Latinh được dẫn dắt bằng tình hữu nghị sâu sắc và tinh thần hợp tác, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay đã triển khai hợp tác chống dịch hiệu quả cao. Trung Quốc cám ơn sự hỗ trợ của các nước Mỹ Latinh và Caribe, ca ngợi thái độ cởi mở triển khai hợp tác quốc tế chống dịch bệnh của họ. Các nước Mỹ Latinh khẳng định Trung Quốc thực hiện biện pháp chống dịch quyết đoán và giành được hiệu quả nổi bật, cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc”.

Ngoài ra, Trung Quốc còn cùng với một số nước Mỹ Latinh tổ chức các hội nghị trực tuyến giữa các chuyên gia chống dịch bệnh. Những hội nghị này đã đem đến kinh nghiệm quý báu của Trung Quốc cho vấn đề chống dịch của những quốc gia tại khu vực này.

Năm 2020, Trung Quốc lần lượt tổ chức Hội chợ thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc và Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc. Các nước Mỹ Latinh đã tích cực tham gia hai sự kiện này, đóng góp cho việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại song phương trong thời kỳ dịch bệnh.

Cần phải quan tâm đến thái độ của Washington đối với sự hiện diện của Bắc Kinh ở khu vực ngày càng đáng lo ngại và đề phòng. Ví dụ như vì sức ép của Mỹ, một số quốc gia Mỹ Latinh do dự trong việc có cho phép Công ty Huawei của Trung Quốc tham gia đấu thầu mạng công nghệ 5G hay không. Về vấn đề này, Trung Quốc cần phải tỉnh táo.

* * *

Giang Thời Học, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh, Đại học Thượng Hải.

Nguồn: Tạp chí Tri thức thế giới (TQ) – số 24/2020. TLTKĐB – 26/12/2020

Tác động của dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh và Caribe


Hầu như không nước nào thoát khỏi những tác động mạnh mẽ của đại dịch toàn cầu COVID-19. Mỹ Latinh và Caribe cũng không ngoại lệ. Cuộc khủng hoảng xảy ra tại thời điểm khu vực này tương đối ổn định nhưng mong manh. Vì vậy, chế độ dân chủ, hệ thống quản trị và điều kiện kinh tế, cũng như các động lực khu vực và quan hệ quốc tế với Mỹ và các bên tham gia ngoài bán cầu cũng sẽ trải qua những thay đổi đáng kể. Ở Tây bán cầu, đại dịch mang lại cơ hội lẫn thách thức cho tầm ảnh hưởng của nước Mỹ, và điều này sẽ tác động lâu dài đến trật tự thế giới.

Các đối tác Mỹ Latinh và Caribe tương đối ổn định nhưng mong manh

Đầu năm 2020, mối quan hệ của Mỹ với các nước Mỹ Latin và Caribe trên đà phát triển mạnh mẽ, và các thể chế dân chủ trong khu vực dường như đã được cải thiện. Phong trào “Thủy triều hồng”, hay hiện tượng một nhóm các nước trong khu vực (như Brazil, Argentina, Ecuador và Bolivia) theo sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo Venezuela Nicolás Maduro lạnh nhạt với Mỹ bằng việc thực hiện chính sách và cải cách ngày càng thiếu dân chủ, bắt đầu suy yếu. Trong 5 năm qua, những nước này đã bầu ra các nhà lãnh đạo thông qua các quá trình bầu cử dân chủ và tìm cách nối lại hoặc thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự với Mỹ.

Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 tăng trưởng chậm, với việc nhiều nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009. Triển vọng này không có gì đáng chú ý, nhưng vẫn khả quan hơn so với những dự báo trước đó. Bất chấp những xu hướng tích cực trong lĩnh vực quản lý dân chủ và tăng trưởng kinh tế, tình trạng hỗn loạn trong khu vực thể hiện sự thất vọng và bất mãn của người dân về việc chính phủ không có năng lực đáp ứng được những kỳ vọng đang gia tăng. Việc nâng cao các chỉ số kinh tế không cải thiện được điều kiện sống của đại bộ phận người dân. Khả năng chịu đựng tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói vẫn tiếp diễn, các thể chế yếu kém và các vụ bê bối tham nhũng trên toàn khu vực (nhiều vụ được tiết lộ nhờ việc cải thiện tính minh bạch và quy định) dường như đã đạt đến giới hạn vào nửa cuối năm 2019. Bất ổn ở nhiều nước – không chỉ Venezuela, Nicaragua và Bolivia mà còn cả những nước ổn định hơn như Ecuador, Peru, Colombia và Chile – là nguyên nhân gây lo ngại về tình hình dân chủ trong khu vực này, làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư và dẫn đến suy thoái kinh tế. Tình trạng bất ổn ở Chile, chủ yếu do người dân phản đối việc tăng giá vé tàu điện ngầm, là điều đặc biệt đáng chú ý, vì nước này thường được xem là hình mẫu của sự ổn định dân chủ trong khu vực. Các mối lo ngại khác liên quan đến chế độ độc tài vẫn tiếp diễn ở Venezuela, cuộc khủng hoảng nhân đạo do sự di cư của gần 5 triệu người tị nạn Venezuela (trong đó có 1,7 triệu người tập trung ở Colombia) gây ra, và sự hiện diện cũng như ảnh hưởng đang gia tăng nhanh chóng của các bên tham gia phi dân chủ ngoài bán cầu như Trung Quốc và Nga.

Những biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh và Caribe

Mối quan ngại về dịch COVID-19 dần xuất hiện ở Mỹ Latinh và Caribe sau khi đại dịch đã lan tới châu Âu và Bắc Mỹ. Sự ứng phó ban đầu của các nước khác nhau về tốc độ và phạm vi, từ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu nghiêm ngặt ngay từ đầu đến việc hoàn toàn xem nhẹ những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch. Các nhà phân tích đã đối chiếu các biện pháp trước đó của El Salvador nhằm hạn chế các chuyến bay vào ngày 25/1 trước khi có bất kỳ ca nhiễm nào được phát hiện ở nước này với hành động của các nhà lãnh đạo ở Nicaragua, Mexico và Brazil. Tại Nicaragua, Tổng thống Daniel Ortega kêu gọi người dân tuần hành chống lại dịch COVID-19. Tại Mexico, Tổng thống Andes Manuel Lopez Obrador vẫn tổ chức và tham dự các cuộc tụ họp nơi công cộng. Ở đó, ông vẫn ôm hôn những người tham dự, coi thường các khuyến nghị của chuyên gia y tế quốc tế. Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro công khai cho rằng đại dịch là một trò lừa bịp, cho dù một nhân viên thân cận của ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đến giữa tháng 3, hầu hết các nước trong khu vực đã bắt đầu áp dụng các biện pháp được các chuyên gia y tế khuyến nghị, bao gồm việc cấm các chuyến bay từ các nước then chốt, cấm các cuộc tụ họp đông người nơi công cộng và tạm thời đóng cửa trường học. Không những không đưa ra được các chính sách và phản ứng đồng nhất mà các chính phủ trong khu vực còn thiếu sự hợp tác đáng kể trong việc giải quyết đại dịch, khiến gần 45.000 người mắc bệnh trong khu vực này (vốn có thể tiến hành xét nghiệm).

Tác động khu vực

Tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tồi tệ hơn tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009, và ở Mỹ Latinh và Caribe, nơi 30% dân số sống dưới mức nghèo và gần 12% sống trong cảnh nghèo đó cùng cực, tác động sẽ rất thảm khốc. Cuộc khủng hoảng này sẽ đặt ra thách thức lớn nhất trong lĩnh vực y tế, nơi mà phạm vi và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế vẫn còn hạn chế, đặc biệt đối với những người dân nghèo ở nông thôn. Giống như những nơi khác, số giường bệnh và máy thở khó có thể đáp ứng nhu cầu trong đợt dịch bệnh này. Ở Venezuela, Haiti và Honduras, tỷ lệ giường bệnh/bệnh nhân còn chưa đến 1/1000. Tỷ lệ này ở Colombia, Peru và Mexico chưa đến 2/1000. Ở Venezuela, cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện tại và tình trạng thiếu thốn dịch vụ y tế ngày một tồi tệ hơn – tới mức Chính quyền Maduro phải đưa ra đề nghị hợp tác với Tổng thống phe đối lập Juan Guaido để đối phó với đại dịch. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela sẽ đặc biệt gay gắt vì kinh tế toàn cầu đang suy thoái, giá dầu giảm và nguồn nhân lực của các nước láng giềng dành cho việc tiếp tục hỗ trợ và tiếp nhận những người nghèo nhất và những người đang tìm kiếm sự chăm sóc y tế vốn không thể thấy ở Venezuela là có hạn.

Nền kinh tế của khu vực này không những phải chịu tác động sâu rộng và kéo dài của đại dịch mà có thể sẽ còn cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài khu vực để hồi phục. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ giảm ít nhất 1,8%. Xuất khẩu hàng hóa và du lịch, hai trong số các nguồn thu nhập chính của Mỹ Latinh và Caribe, sẽ trải qua những cú sốc đáng kể. Ngành công nghiệp du lịch, sản xuất và chế tạo sẽ bị gián đoạn. Giá cả hàng hóa v à nhu cầu từ các nước như Trung Quốc, Saudi Arabia và Nga sẽ giảm và đồng tiền sẽ mất giá. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo về khả năng số người trong tình trạng nghèo đói cùng cực sẽ tăng từ 57,4 triệu người lên 90 triệu người. Với tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói đã đạt đến mức cao, tỷ lệ nợ trên GDP cao hơn so với năm 2008 và khả năng ứng phó theo chu kỳ bị hạn chế, sự không chắc chắn về thời gian đại dịch kéo dài và cú sốc nhu cầu trong khu vực sẽ đẩy Mỹ Latinh và Caribe vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Khu vực này sẽ không thể hồi phục nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng nhân đạo và khủng hoảng kinh tế nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Các tác động lâu dài đối với Mỹ

Mặc dù Mỹ là nước tài trợ cũng như đối tác truyền thống của khu vực này trong các cuộc khủng hoảng ở Tây Bán cầu, nhưng dường như họ đã tập trung mọi nguồn lực để đối phó với đại dịch COVID-19 ở trong nước. Cảnh tượng các tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ neo đậu ở thành phố New York và Los Angeles – trước đây là biểu tượng cho viện trợ của Mỹ dành cho các nước yếu kém hơn trong giai đoạn khủng hoảng – truyền đi thông điệp rằng Mỹ không thể giúp gì cho khu vực này. Mặc dù Đạo luật viện trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế trong đại dịch COVID-19 (CARES) có đề cập đến việc cung cấp ngân sách cho các chương trình viện trợ nước ngoài và ủy quyền cho các thể chế tài chính quốc tế hỗ trợ các biện pháp ứng phó quốc tế, nhưng nó bị lu mờ trước nỗ lực của Mỹ trong việc tập trung ứng phó với cuộc khủng hoảng trong nước. Khu vực này có thể cho rằng Mỹ không có khả năng giúp đỡ họ. Hơn nữa, việc Chính quyền Mỹ phát đi những thông điệp mâu thuẫn nhau đến người dân đã tạo cơ hội cho các thế lực nhà nước thâm hiểm tiến hành các chiến dịch tuyên truyền những thông tin sai lệch và phát tán những câu chuyện bịa đặt nhằm làm giảm uy tín của Mỹ như: 1) Mỹ không còn là nhà lãnh đạo toàn cầu; 2) Mỹ là nguồn phát tán virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19; và 3) Trung Quốc giỏi hơn Mỹ trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế và đề nghị cung cấp viện trợ nhân đạo, trong đó có khẩu trang và máy thở, điều mà trước đây thường thấy ở Mỹ.

Ví dụ, cuối tháng 3/2020, Đại sứ Trung Quốc đã diện kiến Tổng thống Argentina Alberto Fernandez để thảo luận về đề nghị viện trợ nước này và được Chính quyền Fernandez nhiệt liệt hoan nghênh. Trung Quốc hiện đang tận dụng khả năng sản xuất thiết bị y tế và kinh nghiệm đối phó với dịch COVID-19 như một công cụ để có được sức mạnh mềm ở các khu vực như Nam Mỹ, nơi mà họ đã có được ảnh hưởng ngày càng lớn so với Mỹ. Một báo cáo nhận xét: “Các nước Mỹ Latinh, từ Argentina đến Mexico, từ Brazil đến Peru, đều đã chấp nhận đề nghị hỗ trợ từ Trung Quốc vì số ca nhiễm trên toàn khu vực đã tăng lên, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng hệ thống y tế của họ đang gia tăng… Sự viện trợ của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh phản ánh một xu hướng toàn cầu lớn hơn, khi Bắc Kinh tìm cách lèo lái câu chuyện theo hướng nước này không phải là nơi phát tán virus và cũng không phải là nước ban đầu đã xem nhẹ đại dịch này. Thay vào đó, Trung Quốc muốn được nhìn nhận là nước đi đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch.

Mặc dù Mỹ đã dành sẵn khoản viện trợ nước ngoài trị giá gần 274 triệu USD cho các nước có nguy cơ bị tác động nhiều nhất, nhưng vẫn chưa tập trung nỗ lực trong việc phối hợp với chính phủ các nước trong khu vực, và dường như Mỹ cũng không có phản ứng gì trước thông điệp của Trung Quốc.

Để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và hồi phục sau đó, Mỹ Latinh và Caribe sẽ cần đến sự hỗ trợ và viện trợ từ nhiều nước. Mỹ luôn là nước duy nhất cung cấp viện trợ đáng kể và dẫn đầu các nỗ lực đa quốc gia trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng ở Tây bán cầu. Lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19, các cường quốc ngoài bán cầu đã xuất hiện và thách thức đáng kể ảnh hưởng cũng như sức mạnh của Mỹ khi đề nghị tiếp nhận vai trò lãnh đạo này. Thách thức này đối với vị thế và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực bán cầu của chính họ có thể gây ra những tác động lâu dài đáng kể nhất đối với Mỹ trong vai trò một cường quốc toàn cầu.

Nguồn: www.fpri.org – 10/04/2020

TLTKĐB – 17/04/2020

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại sân sau của Mỹ


Theo đài RFI, bảo vệ thương mại đa phương là vỏ bọc che đậy rạn nứt trong nội bộ Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Theo chuyên gia kinh tế Julien Marcilly thuộc cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Pháp (COFACE), Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng áp dụng các biện pháp bảo hộ và điều đó cản trở khối BRICS đạt được mục tiêu làm đối trọng với phương Tây.

Nhóm BRICS vừa kết thúc thượng đỉnh lần thứ 11 tại Brazil hôm 14/11. Các bên khẳng định quyết tâm “vượt qua mọi khó khăn đang thách thức mô hình mậu dịch đa phương”, cùng nhau “củng cố và cải tổ” để mô hình đó “hoạt động hiệu quả hơn, mở rộng hơn” tránh mọi “quyết định đơn phương và mang tính bảo hộ”. Theo giới quan sát, những khẩu hiệu chung chung này đều gián tiếp nhắm vào Mỹ và chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump và không có gì mới so với thượng đỉnh năm 2018 ở Johannesbourg (Nam Phi).

Trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai toàn cầu, trước một nước Mỹ đi theo con đường “Nước Mỹ trước tiên” và một Liên minh châu Âu (EU) đang bị suy yếu vì Brexit, vì một số khó khăn của nước Đức, đầu tàu kinh tế châu Âu, BRICS tưởng chừng có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để khẳng định thêm tiếng nói của mình.

Với 40% dân số toàn cầu, tạo ra tới 1/4 tài sản của nhân loại, trong hơn 10 năm liên tiếp, các thành viên BRICS liên tục thu hẹp sự cách biệt kinh tế với các nước công nghiệp phát triển nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhìn tới các thành tích kinh tế, chỉ có Ấn Độ và Trung Quốc thực sự vẫn “tiếp tục trỗi dậy”, trong lúc Brazil, Nga và Nam Phi đều đã bị hụt hơi. Jim O’Neill, cha đẻ ra cụm từ BRIC để chỉ nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy, (ban đầu gồm có 4 nước tham gia, mãi tới năm 2011 các bên mới mời thêm Nam Phi tham dự, để BRIC có thêm được chữ S), trong một cuộc phỏng vấn gần đây được đài Deutsche Welle của Đức trích dẫn, e rằng, trong 10 hay 15 năm nữa BRICS sẽ bị thu hẹp lại với vỏn vẹn hai thành viên là Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, trước mắt, Brazil và Nam Phi, sau nhiều năm khủng hoảng về chính trị, vẫn là các đối tác quan trọng trong khu vực ở châu Mỹ Latinh và châu Phi. Còn Nga tuy là yếu kém về kinh tế nhưng lại là một “thế lực quân sự” trên thế giới.

Có điều giới quan sát nhận thấy rằng, lần này, 5 nguyên thủ của nhóm BRICS đã tập hợp về Brazil với những tính toán quá khác nhau: Đối với Tập Cận Bình, hội nghị tại Brazil lần này là một cơ hội mới để Trung Quốc chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ. Tổng thống Jair Bolsonaro, trong cương vị chủ nhà, được mệnh danh là một “Donald Trump của châu Mỹ Latinh”. Nguyên thủ Nga thì đặt trọng tâm vào hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực từ dược phẩm đến công nghệ không gian. Moskva muốn giảm nhẹ áp lực do các biện pháp trừng phạt của châu Âu đè nặng lên nghiên cứu và kinh tế của Nga. Về phần Thủ tướng Narendra Modi, ông tuyên bố ưu tiên của Ấn Độ là “mở rộng thương mại với 4 đối tác còn lại trong khối BRICS”.

Đó là chưa kể, về mặt chính trị, cả 5 nhà lãnh đạo trong nhóm BRICS đều đang khơi dậy niềm tự hào dân tộc để củng cố quyền lực của chính mình. Do vậy, giới phân tích cho rằng “thái độ ích kỷ” đó có nguy cơ làm tan rã khối BRICS.

Trong cuộc phỏng vấn với đài RFI tiếng Việt, Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế Pháp thuộc COFACE, nhắc lại hai tham vọng ban đầu đã được Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi chính thức nêu bật nhân thượng đỉnh cách đây 5 năm cũng tại Brazil. Trước tiên, chuyên gia Julien Marcilly nhận định rằng: “Năm 2014, lần đầu tiên, nhân một cuộc họp thượng đỉnh, 5 nền kinh tế đang trỗi dậy trong nhóm BRICS chính thức đề ra hai mục tiêu cốt lõi. Thứ nhất, các bên cho rằng với trọng lượng kinh tế và cả chính trị, 5 quốc gia này không có một chỗ đứng xứng tầm trong các định chế đa quốc gia, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB). Từ đó, nhóm BRICS có tham vọng thành lập ra những định chế riêng biệt để làm đối trọng với các cơ quan đa quốc gia vốn có của phương Tây. Thứ hai, vào thời điểm 2014, hầu hết các nước trong khối này đang gặp khó khăn cả về kinh tế lẫn tài chính, đặc biệt là Ấn Độ, Brazil và Nga bị thất thoát tư bản. Từ đó các bên mới nảy ra sáng kiến thành lập một ngân hàng phát triển của riêng nhóm BRICS để hỗ trợ lẫn nhau. Thành thực mà nói, thì Trung Quốc là nguồn đóng góp lớn nhất cho ngân hàng của nhóm BRICS. Còn Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi thường trông chờ vào định chế này để có được ngoại tệ”.

Hiện tham vọng của nhóm BRICS có còn tính thời sự hay không trong bối cảnh mỗi thành viên đều bị phân tán đầu óc vì những hồ sơ nóng bỏng khác và các hiềm khích giữa 5 nước trong khối này có khuynh hướng gia tăng? Thí dụ như Brazil một mực tuyên bố đi theo đường lối của Donald Trump ở Mỹ, còn quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng. Ông Julien Marcilly cho rằng, vào thời  điểm này, chính sách bảo hộ đang là điểm nóng gây căng thẳng, cũng như là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Tại thượng đỉnh vừa qua ở Brazil, các bên đồng thanh tuyên bố chống các biện pháp bảo hộ và BRICS chủ trương một thế giới cởi mở hơn cho các luồng giao thương. Tuy nhiên, đó chỉ là tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh.

Thực tế cho thấy hiện nhóm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy này còn đang có quá nhiều những bất đồng, và như vậy sẽ chưa đạt được tham vọng tái tạo một mô hình mới để làm đối trọng với mô hình phương Tây. Chuyên gia giải thích: “Cho đến hiện tại, tôi không nghĩ là các bên đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu bởi nhiều yếu tố. Trước hết, liên quan tới vế dự trữ ngoại tệ: cho tới nay, ngân hang của nhóm BRICS không đáp ứng đúng nhu cầu, và cũng không được sử dụng đúng mức. Kế tới là tuyên bố ủng hộ mậu dịch của khối này chỉ là những lời nói suông. Bản thân mỗi nước trong nhóm đều đi theo chủ nghĩa bảo hộ, từ Brazil cho đến Trung Quốc.

Đây là yếu tố gây trở ngại rất lớn cho sự phát triển chung của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Năm nền kinh tế đang trỗi dậy này không thực sự đạt được những mục tiêu như mong muốn”.

Theo chuyên gia Julien Marcilly, để có được hơi thở mới các bên cần phải đàm phán để có được những thỏa thuận về thương mại với nhiều tham vọng hơn. Chúng ta thấy rõ là Trung Quốc cần nông phẩm, cần lương thực chế biến của Brazil, cần năng lượng của Nga, cần nguyên liệu của Nam Phi… Vậy đổi lại, Bắc Kinh cũng có trách nhiệm bảo vệ các đối tác của mình trước một số rủi ro, đặc biệt là trước rủi ro tài chính… Có rất nhiều hướng hợp tác mà 5 nền kinh tế này có thể cùng nhau khai phá.

Liệu BRICS phải chăng là một phương tiện để Bắc Kinh mở rộng thêm nữa ảnh hưởng? Chuyên gia trên đưa ra giải thích: “Đây là một khả năng và cũng là một hướng đi của Bắc Kinh.

Trung Quốc tiếp tục củng cố ảnh hưởng với phần còn lại của thế giới như chúng ta đã thấy qua dự án “Vành đai và Con đường”. Như trong tất cả các kế hoạch, Trung Quốc luôn theo đuổi hai mục tiêu. Một là, về chính trị, có nghĩa là mở rộng quyền lực mềm. Hai là, về kinh tế, Bắc Kinh luôn luôn tìm kiếm mối đối tác có lợi cho cả đôi bên, tức là Trung Quốc cần mua nông phẩm, cần nguyên và nhiên liệu của các bạn hàng. Đổi lại thì Bắc Kinh có tiền giúp 4 thành viên còn lại trong nhóm BRICS giảm bớt áp lực của thị trường tài chính”.

Nguồn: TKNB – 21/11/2019

Mối đe dọa thuế quan của Mỹ đối với Mexico vẫn hiện hữu


Tóm tắt

+ Nguy cơ Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico hiện đã được đưa ra khỏi bàn đàm phán, nhưng Mexico vẫn phải thỏa mãn yêu cầu của Washington thực hiện thỏa thuận hạn chế tình trạng nhập cư trái phép vào Mỹ qua lãnh thổ nước này.

+ Tuy nhiên, sự bất ổn do động cơ chính trị ở Honduras, cũng như tình trạng tội phạm bạo lực trên diện rộng và hạn hán dai dẳng trên toàn khu vực Tây Bắc Trung Mỹ, sẽ tạo ra nhiều động lực thúc đẩy người dân mạo hiểm nhập cư trái phép vào Mexico, bất chấp việc an ninh biên giới được tăng cường.

+ Mặc dù Mexico sẽ tìm cách đảm bảo an ninh biên giới phía Nam với Guatemala, nhưng kế hoạch này có thể thất bại vì nó phụ thuộc phần lớn vào lực lượng Vệ binh quốc gia còn non trẻ và vì các yếu tố ở Trung Mỹ có thể làm tăng lượng người di cư qua biên giới.

Một thỏa thuận của Mexico nhằm tăng cường nỗ lực ngăn chặn dòng người nhập cư từ Trung Mỹ vào Mỹ đã làm chệch hướng nguy cơ Nhà Trắng áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, sự không chắc chắn xung quanh kế hoạch trừng phạt Mexico vì đã không thực hiện cam kết của mình theo thỏa thuận nhằm chiều lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục tồn tại. Và sự không chắc chắn đó sẽ có những tác động thực sự đối với vấn đề mấu chốt của Mexico, cũng như nỗ lực củng cố quyền lực của chính quyền nước này. Chi tiết về thỏa thuận ngày 7/6/2019 với Chính phủ Mexico nhằm hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp về phía Bắc qua biên giới Mexico-Guatemala bao gồm cả cam kết của Chính phủ Mexico điều 6000 binh lính thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia đến biên giới làm nhiệm vụ củng cố an ninh ở khu vực này. Những binh lính này sẽ được bổ sung vào lực lượng gồm hàng nghìn cảnh sát liên bang, binh lính và cảnh sát bang đã và đang làm nhiệm vụ ở đó. Mexico cũng đã nhất trí về việc tiếp nhận những người di cư xin tị nạn ở Mỹ trong khi chờ đơn xin tị nạn của họ được xem xét.

Một báo cáo riêng biệt chưa được xác nhận để khẳng định Mỹ sẽ dẫn đầu nỗ lực cải cách luật tị nạn ở Mexico cũng như giữa các nước Trung Mỹ để đưa người di cư trở lại quốc gia đầu tiên họ đặt chân đến trên hành trình di cư về phía Bắc. Trên thực tế, chính sách này sẽ buộc Mexico và Guatemala phải chịu trách nhiệm đối với hàng chục nghìn người nước ngoài. Nhưng cả hai nước đều không có sự chuẩn bị để đối phó với làn sóng nhập cư này, và việc cung cấp chỗ ở cho người di cư trong điều kiện nhân đạo sẽ đòi hỏi phải có nguồn vốn tài trợ nhiều hơn mức mà chính phủ nước họ hiện đang đóng góp cho việc kiểm soát tình trạng nhập cư.

Một vài khía cạnh của thỏa thuận này, như việc Mexico triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia và tiếp nhận thêm người tị nạn, dường như đã được thảo luận trước đó. Ngày 10/6, Trump tuyên bố những khía cạnh khác của thỏa thuận sẽ sớm được tiết lộ và thỏa thuận này có thể bao gồm cả những nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội Mexico phê chuẩn đề xuất để Mexico tham gia các “hoạt động trên quy mô lớn” chống lại nạn di cư. Lượng người di cư – đặc biệt là từ Trung Mỹ – qua Mexico vào Mỹ đã tăng lên đáng kể trong 18 tháng qua. Tháng 5/2019, hơn 100.000 người đã bị nhà chức trách Mỹ bắt giữ tại biên giới với Mexico, con số lớn nhất tính theo tháng trong gần 1 thập kỷ qua. Các cuộc đàm phán dẫn đến tuyên bố về thỏa thuận này dường như đã làm rõ ràng Nhà Trắng sẽ chỉ cho rằng Mexcio tuân thủ nghiêm chỉnh thỏa thuận nếu số lượng các vụ bắt giữ người di cư qua biên giới Mỹ – Mexico giảm xuống còn 20.000 vụ/tháng, con số được thấy lần cuối cùng xung quanh thời điểm Trump nhậm chức tổng thống vào năm 2017. Trong những thập kỷ trước khi có sự sụt giảm này sau khi Trump nhậm chức, con số người nhập cư trái phép luôn lớn hơn nhiều.

Trọng tâm di chuyển về phía Nam

Chính quyền Trump và Mexico đều tập trung vào việc củng cố biên giới phía Nam của Mexico với Guatemala, điểm nút đối với những người từ Trung Mỹ di cư về phía Bắc, thay vì hành động dọc biên giới Mỹ – Mexico còn dài hơn nhiều. Những kẻ buôn lậu đưa người di cư dọc theo các tuyến quốc lộ từ Guatemala, trong khi đó những người di cư thường di chuyển thành nhóm, gọi nôm na là các đoàn lữ hành, với số lượng lớn đến mức giới chức trách khó mà kiểm soát một cách hiệu quả. Mặc dù Mexico có thể điều thêm binh lính tới biên giới để tăng cường an ninh ở khu vực này, nhưng họ thay vào đó lại điều Vệ binh quốc gia – lực lượng an ninh gồm các quân nhân dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Nội vụ. Điều đó có lẽ là vì việc sử dụng các lực lượng quân sự để bắt giữ và xua đuổi người Trung Mỹ sẽ vấp phải sự chỉ trích ở trong nước và đối mặt với những thách thức pháp lý.

Lực lượng Vệ binh quốc gia Mexico hiện đã triển khai được khoảng 6000 binh lính, nhưng đã có các kế hoạch luân chuyển đủ quân số từ lực lượng lục quân và hải quân của nước này để xây dựng một lực lượng gồm 80000 quân vào năm 2020. Đợt triển khai này đến Guatemala có thể sẽ đòi hỏi một lực lượng đáng kể mà Mexico dự định triển khai trong thời gian còn lại của năm, và có thể tranh giành sự quan tâm với các ưu tiên an ninh trong nước khác. Chính số lượng các nhân tố ảnh hưởng tới lượng người di cư từ Mexico vào Mỹ khiến việc đáp ứng các yêu cầu của Nhà Trắng trở thành một nhiệm vụ nguy hiểm đối với Mexico.

Khi Mexico gia tăng các hoạt động củng cố an ninh ở biên giới phía Nam, những kẻ buôn lậu có thể sẽ phản ứng bằng cách nâng giá đưa người di cư qua các trạm kiểm soát an ninh. Các nhóm tội phạm có tổ chức đưa người di cư qua các trạm kiểm soát sẽ điều chỉnh chiến thuật buôn lậu bằng việc tìm kiếm các lộ trình thay thế hoặc hối lộ các lực lượng an ninh để được đi qua. Những động thái của Mexico nhằm tăng cường an ninh biên giới có thể làm giảm dòng người di cư, ít nhất là tạm thời, nhưng khi những kẻ buôn lậu điều chỉnh chiến thuật của mình, những động thái bổ sung đó có lẽ vẫn sẽ không đủ để đáp ứng mục tiêu của Nhà Trắng là làm giảm đáng kể tình trạng nhập cư trái phép trong dài hạn. Sự bất ổn do động cơ chính trị ở Honduras trong vài tháng tới cũng có thể khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng suy thoái và làm gia tăng lượng người nhập cư vào Mexico trong thời gian còn lại của năm. Tình trạng phạm tội, hạn hán và đói nghèo đặc hữu ở khu vực còn lại của Trung Mỹ sẽ tiếp tục tạo ra động lực thúc đẩy người dân ở đây di cư.

Nếu Nhà Trắng có bất kỳ suy nghĩ nào cho rằng Mexico không đáp ứng được những yêu cầu của Mỹ, thì họ sẽ tiếp tục đe dọa áp thuế trong tương lai gần. Các cuộc đàm phán định kỳ về mức thuế mà Mỹ có thể áp đặt cho Mexico không chỉ khiến các doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng của họ ở cả hai phía biên giới rơi vào tình trạng không chắc chắn, mà còn khiến cho tương lai chính trị của ban lãnh đạo Mexico trở nên mờ mịt. Mỹ đã làm rõ với Chính phủ Mexico rằng họ mong đợi được chứng kiến kết quả giải quyết vấn đề di cư trong vòng 90 ngày. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard tuyên bố rằng Mỹ chỉ cho Mexico thời hạn 45 ngày để đưa ra kết quả. Dù thế nào đi nữa, sức ép về thời gian đồng nghĩa với việc vấn đề thuế suất có thể sớm xuất hiện trở lại.

Trong suốt tiến trình này, Mỹ sẽ duy trì lựa chọn biện pháp trừng phạt Mexico bằng thuế suất gần như bất kỳ lúc nào. Và cho dù cuối cùng hai bên có đạt được một thỏa thuận xóa bỏ hoàn toàn nguy cơ áp thuế, thì sự không chắc chắn mà tình hình này gây ra sẽ có tác động khủng khiếp đến một số dự án đầu tư ở Mexico. Những công ty có các chuỗi cung ứng trải dài vào sâu bên trong lãnh thổ Mexico tạo ra sản phẩm cho thị trường của Mỹ sẽ thận trọng với việc đổ thêm tiền vào một nước mà hàng hóa của họ có thể sớm trở thành mục tiêu áp thuế ở mức lớn hơn rất nhiều.

Mối đe dọa đối với Tổng thống Mexico

Thuế quan của Mỹ gần như chắc chắn sẽ đẩy lùi các nỗ lực của Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador – thường gọi là AMLO – trong việc củng cố đảng Phong trào phục hưng dân tộc đang cầm quyền với tư cách là lực lượng chính trị mạnh nhất ở Mexico. Ở những bang như Chiapas, Guerrero, Michoacan và Oaxaca, nơi lao động không chính thức chiếm hơn 50% toàn bộ lực lượng lao động, mức thuế suất đáng kể dẫn tới tình trạng thất nghiệp sẽ gây ra bất ổn xã hội, chủ yếu dưới dạng các cuộc phản kháng của những người lao động bị sa thải yêu cầu được hỗ trợ thoát khỏi tình trạng khó khăn về kinh tế. Chính phủ Mexico có thể phản ứng bằng cách đưa ra gói hỗ trợ kinh tế ngắn hạn trị giá vài tỳ USD, nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa với việc lấy đi nguồn vốn tài trợ dành cho các ưu tiên khác trong ngân sách năm 2020. Bộ máy quan liêu liên bang, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề của các biện pháp thắt lưng buộc bụng của AMLO, sẽ bị cắt giảm hơn nữa và thậm chí còn trở nên kém hiệu quả.

Xét tới tổn thất chính trị và kinh tế mà thuế quan của Mỹ sẽ gây ra cho Mexico, chính phủ nước này gần như sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa nếu Nhà Trắng hiện thực hóa những lời đe dọa của mình. Nguồn nhiên liệu xuất khẩu của Mỹ, cung cấp phần lớn lượng xăng dầu được bán trên thị trường Mexico, sẽ là một mục tiêu rõ ràng của đòn trả đũa kinh tế này. Mexico cũng có thể áp thuế đáp trả đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như thịt bò, thịt gà, lúa mì và ngô. Nông nghiệp rõ ràng cũng có thể trở thành vấn đề mấu chốt lớn hơn trong tương lai nếu Nhà Trắng tiếp tục ép buộc Mexico phải mua thêm nông sản của Mỹ. Mặc dù Trump từng phát biểu rằng việc Mexico tăng nhập khẩu sẽ là một phần của thỏa thuận cuối cùng, nhưng các nhà đàm phán của Mexico đã thẳng thừng phủ nhận việc nông nghiệp được thảo luận trong 3 ngày đàm phán về thuế suất mà hiện giờ đã bị bãi bỏ. Hơn nữa, Mexico hầu như không có lý do gì để tăng nhập khẩu nông sản, đặc biệt là đối với các loại ngũ cốc như ngô và đậu nành, vì nước này đã đạt mức mua sắm kỷ lục trong quý đầu của năm.

Tình trạng nhập cư trái phép liên tục ở mức độ cao sẽ làm gia tăng sự bất mãn của Trump đối với Mexico và duy trì mối đe dọa về thuế trong thời gian trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. Yếu tố mạnh nhất cản trở Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định áp thuế đối với Mexico sẽ là các lợi ích chính trị của việc duy trì tăng trưởng kinh tế liên tục. Việc hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế đối với Mexico trên thực tế có thể khiến triển vọng kinh tế của Mỹ trở nên u ám đến mức – phụ thuộc vào thời điểm áp thuế – cản trở nỗ lực tái đắc cử của Trump. Nhưng bất chấp khả năng gây thiệt hại không lường trước được đối với nền kinh tế Mỹ, những khoản thuế suất như vậy sẽ gây tổn thất kinh tế thậm chí còn lớn hơn cho Mexico. Do đó, Chính quyền AMLO sẽ tiến tới ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Mỹ, hy vọng tránh xa được mối đe dọa về thuế quan từ Mỹ.

Nguồn: Stratfor – 11/06/2019

TLTKĐB – 14/06/2019

Lựa chọn quân sự gián tiếp của Mỹ đối với Venezuela – Phần cuối


Cây hư, trái độc

Trong cuốn sách “Blackwater – sự trỗi dậy của đội quân đánh thuê hùng mạnh nhất thế giới”, nhà báo Jeremy Scahill đã mô tả Moyock là nơi mà mỗi năm “đào tạo hàng chục nghìn quân nhân thuộc các lực lượng cụ thể, gồm cả liên bang lẫn địa phương, cũng như binh lính các nước bạn bè”.

Theo mô tả của Scahill, cựu cộng tác viên của tờ The Nation và Democracy Now, tại tổng hành dinh của mình, Blackwater “có bộ phận tình báo riêng và nắm trong tay các cựu sĩ quan quân đội cao cấp từ lực lượng chính quy và các lực lượng bí mật khác giữa vai trò điều hành”. Theo thời gian, thị trường an ninh cung cấp cho Blackwater ngày càng nhiều đơn đặt hàng béo bở và đa dạng; và do đó, họ đã xây thêm cơ sở tại California, Illionis và trong rừng rậm Philippines.

Blackwater, cũng như các hãng an ninh tư nhân đang mở rộng khác, “không chỉ là những trái táo thối, mà còn là những trái táo của một cây táo độc”. Hệ thống này phụ thuộc vào sự kết hợp giữa quyền ưu đãi và quyền miễn trừ trách nhiệm. Theo Scahill, nếu chính phủ bắt đầu tấn công các doanh nghiệp đánh thuê này bằng những tội danh chính thức như gây ra tội ác chiến tranh, ám sát hay vi phạm nhân quyền (và không phải theo hình thức tượng trưng), thì rủi ro của họ là vô cùng lớn”.

Prince từng định nghĩa doanh nghiệp của mình là “bộ phận kéo dài mang tinh thần ái quốc của Lực lượng vũ trang Mỹ”. Trước 2 âm mưu nhắm vào tòa tháp đôi và Lầu Năm Góc tháng 9/2001, Chính phủ Mỹ đã được tạo điều kiện để thực hiện về mặt quân sự một “cú va chạm giữa các nền văn minh”, với dấu ấn của nhà chính trị học Samuel Huntington. Khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Washington phải vội vã tìm kiếm cho mình những kẻ thù mới để chiến đấu.

Nếu chỉ ít năm trước đó, phong trào Taliban và Al-Qaeda còn hữu ích trong việc xua đuổi quân đội Nga khỏi Afghanistan, thì giờ đây chính các nhóm này đã trở thành thế lực đe dọa nền văn minh phương Tây. Ngoài các đơn vị chính quy, Bush đã nhấn chìm Afghanistan và Iraq bằng những đội lính đánh thuê của các công ty như DynCorp và Blackwater – doanh nghiệp đảm nhận việc bảo đảm an ninh cho nhân sự Mỹ tại 2 nước trên, huấn luyện binh sĩ và trở thành một phần cơ bản của quân đội chiếm đóng.

Trong số rất nhiều lợi ích mà những đội lính đánh thuê dưới quyền Prince được hưởng có quyền miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm về các hành động của họ, được xác định trong luật mà các nhà chức trách Mỹ tại Iraq đặt ra, cũng như quyền được hưởng lương cao gấp đôi so với binh lính Mỹ. Tạp chí Fortune tiết lộ: “Mức lương thông thường của binh lính chính quy nhận nhiệm vụ bảo vệ các cá nhân cho tới gần đây vẫn là khoảng 300 USD/ngày. Còn khi Blackwater bắt đầu tuyển dụng nhân viên làm công việc phổ thông là bảo vệ Paul Bremer – quan chức cao nhất của Mỹ tại Iraq, mức thù lao họ đưa ra là 600 USD/ngày.

Trong khi chi ra hàng triệu USD tuyển dụng các cựu sĩ quan quân đội Mỹ và Chile – tại ngũ trong thời kỳ độc tài quân sự Augusto Pinochet – để tăng cường hàng ngũ và thực hiện các yêu cầu mà Nhà Trắng giao phó, Blackwater cũng được Quốc hội Mỹ cho phép làm việc với các nghị sĩ. Một số cơ quan công quyền Mỹ từng kêu gọi Quốc hội phải thận trọng với bước đi này vì Chính phủ không giám sát doanh nghiệp này, trong khi trao cho họ quyền miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm trong các chiến dịch quân sự.

Công ty của Prince không ngừng lớn mạnh kể từ sau các vụ khủng bố năm 2001. Họ phát triển riêng bộ phận chuyên trách hàng không, tàu ngầm và công nghệ do thám tối tân, tuy nhiên vận may của họ có phần bị lu mờ do sự kháng cự của người Iraq. Tháng 3/2004, hình ảnh 4 người bị giết và bị treo xác trên một cây cầu của thành phố kháng chiến Faluya đã được phát tán ra toàn thế giới. Sau này người ta biết được rằng việc đó là do lính đánh thuê của Blackwater gây ra.

Sự kiện này phơi bày thực tế rằng doanh nghiệp quân sự trên không chỉ thực hiện các chiến dịch quân sự ngoài thỏa thuận, mà còn cử lực lượng của mình trên những phương tiện không bọc thép, với hỏa lực cực thấp thực hiện những nhiệm vụ gần như tự sát, như trường hợp của Faluya.

Năm 2007, tại quảng trường Nisur, thủ đô Baghdad, một đơn vị của Blackwater với 4 xe bọc thép trang bị đại liên 7,62 mm có khả năng húc đổ tường đã xả súng bừa bãi vào dân thường khiến 17 người thiệt mạng. Dân chúng Iraq lập tức biểu thị sự phẫn nộ của mình và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động du kích có vũ trang chống lại lực lượng chiếm đóng nước ngoài.

Cho dù được bộ máy chính trị, tư pháp và truyền thông bao che nhưng những tên lính đánh thuê Dustin Heard, Evan Liberty, Paul Slough và Nicholas Slatten vẫn bị kết án 30 năm tù. Tháng 8/2018, kênh truyền hình Russia Today thông báo một tòa án phúc thẩm của Mỹ đã hủy bỏ phán quyết này và tổ chức một phiên xét xử mới.

Cuộc thảm sát tại quảng trường Nisur có tác động lớn tới mức cụu Tổng thống Barack Obam đã phải thu hồi các hợp đồng với Blackwater vào năm 2009, nhưng sau đó quay lại ký hợp đồng trị giá gần 10 tỷ USD với doanh nghiệp này vào năm 2001. Cựu Thủ tướng Qatar Abdula bin Hamad Al-Attiyah từng tiết lộ hàng nghìn lính đánh thuê của công ty này đã được huấn luyện tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để tiến hành các cuộc xâm lược.

Theo vị quan chức này, UAE đã thuê các dịch vụ của Blackwater để tiến hành chiến dịch xâm lược Yemen, do Saudi Arabia cầm đầu. Tuy nhiên, lực lượng đánh thuê đã phải chịu một số thất bại về mặt quân sự và buộc phải rời khỏi quốc gia nghèo nhất Trung Đông này. Chính phủ Qatar cũng xác nhận Blackwater từng huấn luyện 15.000 quân nhân, “phần lớn trong số họ mang quốc tịch Colombia hay một quốc gia Nam Mỹ nào khác”, tại căn cứ quân sự Liwa của UAE.

Theo thông tin từ kênh truyền hình HispanTV, tháng 7/2017, Chính quyền Donald Trump từng có ý định đưa đội quân của Prince trở lại Afghanistan. Kênh này còn nêu rõ: “Jared Kushner, cố vấn và là con rể của tổng thống Mỹ, và Steve Bannon, một trong những chiến lược gia chủ chốt của Nhà Trắng, đã xem xét lại sáng kiến này và đề xuất ứng cử viên thực hiện kế hoạch của Trump: Prince và Stephen Feinberg, chủ sở hữu công ty DynCorp International”.

Scahill chỉ rõ rằng “chiến tranh là một hoạt động kinh doanh rất có lãi. Cần phải điều tra, công  bố và xét xử không chỉ hoạt động của Blackwater mà cả hoạt động của toàn bộ hệ thống này”. Rõ ràng điều đó sẽ không diễn ra trong nhiệm kỳ của Donald Trump.

Nguồn: www.estrategia.la

Trung tâm phân tích chiến lược Mỹ Latinh

TLTKĐB – 05/06/2019

Lựa chọn quân sự gián tiếp của Mỹ đối với Venezuela – Phần đầu


Ý thức được rằng Quốc hội Mỹ khó lòng cho phép tiến hành một cuộc phiêu lưu quân sự có thể khiến nhiều công dân Mỹ thiệt mạng, trong khi giới quân sự Colombia và Brazil phản đối đe dọa vũ trang đối với Venezuela, đội ngũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã nghiêng về phương án tài trợ một phần cho đội quân đánh thuê.

Cuối tháng 4/2019, hãng Reuters đưa tin Erick Prince, giám đốc doanh nghiệp quân sự Mỹ Blackwater, từ vài tháng trước đã lên kế hoạch thành lập một đội quân tư nhân nhằm mục đích lật đổ Tổng thống Nicolás Maduro. Lực lượng quân sự này sẽ có từ 4000 – 5000 lính đánh thuê được tuyển mộ nhân danh Juan Guaido từ các nhóm bán quân sự cực hữu ở Colombia và một vài quốc gia khác trong khu vực.

Theo trích dẫn của Reuters, đối với các chuyên gia an ninh, kế hoạch của Prince là “trái khoáy về mặt chính trị và nguy hiểm về tiềm năng”, cũng như “có thể gây ra một cuộc nội chiến”. Prince tìm kiếm nguồn tài trợ và sự ủng hộ cho sáng kiến này từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà tài phiệt Venezuela lưu vong, tại các cuộc họp kín được tổ chức tại Mỹ và châu Âu.

Một trong số những cuộc họp này diễn ra vào giữa tháng 4/2019, vài ngày trước cuộc đảo chính thất bại của phe đối lập cực hữu Venezuela ngày 30/4. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, khi phát biểu trên kênh Fox Business Network, không loại trừ khả năng xảy ra một “hành động quân sự tại Venezuela” nếu như “tình thế bắt buộc”.

Prince hiện đang tập hợp một lực lượng gồm những người Peru, Ecuador và Colombia – những người Latinh nói tiếng Tây Ban Nha – vì họ dễ được giới chính trị chấp nhận hơn so với một lực lượng toàn lính Mỹ, khi Mỹ vẫn còn lưu giữ ký ức về những chiếc túi đen đựng xác binh lính thiệt mạng ở Việt Nam. Pompeo đưa ra tuyên bố này sau khi tung ra một lời dối trá khác – hay tin tức giả – với kênh CNN. Thay vì thừa nhận cuộc đảo chính do Mỹ giật dây đã thất bại, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã chuẩn bị sẵn một lối thoát ra khỏi đất nước và trốn sang Cuba, nhưng Nga đã thuyết phục ông ở lại; lời nói dối lố bịch đến mức sau đó chính Tổng thống Trump đã phải phủ nhận và biện minh rằng đó chỉ là một “lời đồn”.

Người phát ngôn của Guaido, Edward Rodríguez, đã phủ nhận việc phe đối lập Venezuela duy trì đám phán với Prince về các hoạt động của nhóm này, còn người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Garrett Marquis né tránh đưa ra bình luận khi được hỏi về “sáng kiến” này.

Một trong những lập luận của Prince là Venezuela cần có một động thái để phá vỡ tình trạng bế tắc của mình bắt đầu từ tháng 1/2019, khi Guaido tự xung là tổng thống lâm thời và tuyên bố cươong vị của tổng thống Maduro là vi hiến. Giờ đây, ông ta lại đưa ra một lập luận nữa: Nếu chỉ có những người Venezuela, họ không thể làm điều đó.

Theo một số nguồn tin, để trang trải cho kế hoạch của mình, Prince đang tìm kiếm khoảng 40 triệu USD từ các nhà đầu tư tư nhân và muốn chiếm đoạt các quỹ trị giá hàng tỷ USD của nhà nước Venezuela đã bị đóng băng tại nhiều nơi trên thế giới do tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ông muốn cướp lại mọi thứ từ tay những kẻ cướp.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu phe đối lập Venezuela có thể tiếp cận các tài sản này một cách hợp pháp hay không. Theo tường thuật của Reuters, Prince từng nói trong các cuộc họp rằng ông tin tưởng Guaido có đủ quyền hạn cần thiết để thành lập lực lượng quân sự riêng vì đã được “quốc tế” công nhận là tổng thống hợp hiến của Venezuela.

Blackwater – tập đoàn tội phạm đa quốc gia

Blackwater, do Erick Prince và Al Clari thành lập năm 1997, là một doanh nghiệp quân sự đa quốc gia. Đây là doanh nghiệp an ninh hùng mạnh nhất thế giới, “tích lũy” hàng chục lời cáo buộc về các tội ác tại Trung Đông, lạm dụng quyền hạn, thực thi những nhiệm vụ “bẩn” của Lầu Năm Góc, và các vụ tham nhũng tại Mỹ. Phạm vi kinh doanh của Blackwater liên tục được mở rộng với sự hậu thuẫn của Nhà Trắng. Trong 2 thập kỷ qua, với “kim bài miễn trừ” và đội lính đánh thuê được trang bị vũ khí tối tân đến từ nhiều nước, Blackwater đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp an ninh có quy mô lớn nhất thế giới.

Thành lập dưới sự bảo trợ của giới cực hữu theo đạo Tin lành Mỹ và từng mang tên Academi, Blackwater đã tham gia các cuộc chơi lớn dưới thời Chính quyền Bill Clinton trong các cuộc chiến tại bán đảo Balkan vào những năm 1990 và sau đó nổi lên cùng phe tân bảo thủ trong Chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush (2001 – 2009).

Những kẻ tân bảo thủ, bén rễ quyền lực từ các nhiệm kỳ tổng thống của Ronald Reagan và Bush (cha) đã tìm thấy trong chính quyền phe Cộng hòa của doanh nhân dầu mỏ Bush (con) mảnh đất màu mỡ để vun đắp và ứng dụng Dự án tân thế kỷ Mỹ (PNAC) nhắm vào những mục tiêu khác nhau, trong đó có việc xóa bỏ hoàn toàn vai trò điều tiết của nhà nước và chĩa mọi mũi dùi vào chủ nghĩa khủng bố, một khái niệm mơ hồ nhưng được xác định rõ ràng tại Trung Đông và giữa cộng đồng Hồi giáo.

Một báo cáo của tạp chí Sudestada (Argentina) chỉ ra rằng tại thời điểm đó, Blackwater đã đặt những bước chân đầu tiên vào công việc kinh doanh an ninh cá nhân, sẵn sàng cung ứng cho Washington những đội quân mà trong chiến dịch năm 2001 tại Afghanistan và chiến dịch năm 2003 tại Iraq đã trở thành một lực lượng đánh thuê với quân số tương đương lực lượng chính quy của Mỹ đóng quân trên lãnh thổ Iraq.

Nhưng Prince, cựu thành viên đặc nhiệm SEAL với quan điểm bảo thủ cực đoan và là nhà tài trợ cho các nhóm thiểu số Tin lành cực đoan, không nghĩ tới doanh nghiệp của mình chỉ là một lực lượng thuần túy hậu thuẫn các cuộc chiếm đóng của Mỹ tại các khu vực khác trên thế giới, mà ngay tại chính nước Mỹ, cụ thể là tại đầm lầy Moyock, bang Bắc Carolina, ông đã lập ra cơ sở quân sự tư nhân lớn nhất thế giới, với tổng diện tích lên tới 2800 ha.

(còn tiếp) 

Nguồn: www.estrategia.la

Trung tâm phân tích chiến lược Mỹ Latinh

TLTKĐB – 05/06/2019