Biển Đỏ, nơi đọ sức mới giữa hai “siêu cường” – Phần cuối


Báo cáo của Lầu Năm Góc công bố năm ngoái cho biết, căn cứ tại Djibouti, cùng với các chuyến thăm thường xuyên của tàu chiến Trung Quốc tới các cảng nước ngoài, đã cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Trung Quốc gần đây đã tăng cường tuần tra hải quân gần Vịnh Oman và Aden.

Một dấu hiệu khác về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc là việc Bắc Kinh tổ chức khánh thành căn cứ ở Djibouti cùng lúc với lễ kỷ niệm di sản của nhà hàng hải Trịnh Hoa đầu thế kỷ 15, người đã chỉ huy chuyến thám hiểm từ Biển Đông, qua Ấn Độ Dương tới Đông Phi, trở thành biểu tưởng của sức mạnh Trung Quốc trong quá khứ và tham vọng của Trung Quốc nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới do Trung Quốc lãnh đạo. Không phải ngẫu nhiên mà các tàu Trung Quốc cập cảng Djibouti vào ngày 11/7/2017 cũng là ngày mà nhà hàng hải Trịnh Hòa thực hiện chuyến hành trình lịch sử của mình hơn 600 năm trước.

Do đó, tầm nhìn của Trung Quốc về một con đường tơ lụa trên biển mới có liên quan mật thiết đến lễ kỷ niệm di sản của Trịnh Hòa, người đã mang lại danh tiếng và sức mạnh cho Trung Quốc từ các thế kỷ trước. Trong các ấn phẩm của Trung Quốc những năm gần đây, các đội tàu của Trịnh Hòa được mô tả là công cụ tăng trưởng kinh tế, nghiên cứu khoa học, trao đổi văn hóa hòa bình và tình hữu nghị. Những chuyến đi của ông được xem là biểu tượng của một trật tự toàn cầu dựa trên thương mại hơn là xung đột.

Tham vọng của Mỹ

Chỉ cách vài km từ các cơ sở của Trung Quốc, căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti có tên gọi Trại Lemonier, là nơi đồn trú của khoảng 4000 binh sỹ.

Căn cứ này giữ vai trò hỗ trợ cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Mục tiêu hàng đầu là tổ chức Al-Qaeda ở Bán đảo Arab tại Yemen. Quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động bí mật và thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào tổ chức khủng bố này từ căn cứ ở Djibouti, cũng như chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabab ở Somalia, vốn thường xuyên thực hiện các vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Mogadishu.

Ngoài việc hỗ trợ hậu cần và tình báo cho liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi ở Yemen kể từ tháng 3/2015, quân đội Mỹ ở khu vực Sừng châu Phi đã giúp đảm bảo cho hoạt động di chuyển tự do qua eo biển Bab Al-Mandab. Một lượng lớn dầu mỏ xuất khẩu từ vùng Vịnh sang phương Tây được vận chuyển qua eo biển này, cũng như hầu hết các tàu chiến của Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm, đi qua Địa Trung Hải đến Ấn Độ Dương. Các tàu chiến của Mỹ, Nga và Trung Quốc, cũng đã thực hiện các cuộc tuần tra ở Vịnh Aden kể từ năm 2008 để chống cướp biển ngoài khơi Somalia.

Bất chấp sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng chính trị lâu nay của Mỹ tại khu vực, Washington đã bị bất ngờ khi Djibouti chấp thuận việc triển khai căn cứ hải quân của Trung Quốc vào năm 2016. Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, từng đến Djibouti để ngăn chặn một thỏa thuận tương tự giữa Nga và Djibouti. Tuy nhiên, Washington đã không thể làm gì để ngăn cản Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở Djibouti, do mối quan hệ kinh tế vững chắc và đang phát triển giữa hai nước.

Động thái thành lập căn cứ quân sự của Trung Quốc ở vùng Sừng châu Phi, và cũng là căn cứ đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, có ý nghĩa tiêu cực đối với Mỹ và đe dọa tới sự thống trị lâu dài của Mỹ trong khu vực. Ngay sau quyết định năm 2016 của Djibouti dành cho Trung Quốc, Nhà Trắng tuyên bố gia hạn hợp đồng thuê căn cứ của Mỹ ở quốc gia Đông Phi này thêm 20 năm nữa và tăng gấp đôi số tiền thanh toán hàng năm cho Djibouti lên 63 triệu USD, cũng như kế hoạch hiện đại hóa căn cứ này với kinh phí trên 1 tỷ USD.

Lầu Năm Góc lo ngại rằng việc triển khai một cơ sở của Trung Quốc ở Djibouti chỉ cách Trại Lemonier vài km sẽ cho phép Bắc Kinh dễ dàng theo dõi hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, cũng như các phương tiện được Mỹ sử dụng trong việc triển khai các chiến dịch.

Ngoài ra, hồi tháng Ba năm ngoái, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ Thomas Wadhaser đã cảnh báo Quốc hội nước này rằng Trung Quốc có thể đe dọa các lợi ích của Mỹ ở “lục địa Đen”, đặc biệt là ở Biển Đỏ, nếu được phép tiếp quản cảng biển chủ chốt Doraleh ở Djibouti. Cảng này từng được Dubai Ports World (DP World), một công ty thuộc sở hữu của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), vận hành kể từ năm 2006, song chính phủ Djibouti đã phá vỡ thỏa thuận với công ty này và quốc hữu hóa cảng vào tháng Hai năm ngoái.

Dù Djibouti đã đảm bảo với Mỹ rằng họ sẽ không cho Trung Quốc thuê lại cảng này, song ông Waldhauser vẫn cảnh báo Mỹ không thể đứng trước rủi ro khi cảng biển quan trọng này có khả năng rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiếp tế căn cứ quân sự Mỹ ở Djibouti cũng như hoạt động tiếp nhiên liệu của các tàu hải quân Mỹ.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đầu tư kinh tế mạnh mẽ vào Djibouti, Washington dường như đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho chiến lược của mình tại nước láng giềng Eritrea, nơi cũng sở hữu một vị trí chiến lược ở phía Nam Biển Đỏ. Một số nhà phân tích cho rằng Eritrea sẽ là nơi Mỹ tổ chức căn cứ quân sự mới trong tương lai và quốc gia này có thể cho phép Mỹ tiếp cận các cảng biển của mình, mặc dù điều đó có thể xảy ra, trước tiên Eritrea sẽ phải bình thường hóa quan hệ với Ethiopia.

Để hiện thực hóa điều này, năm ngoái, Mỹ đã phát động một chiến dịch vận động lãnh đạo hai nước gặp gỡ và giải quyết bất đồng. Tháng 4/2018, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi Donald Yamamoto đã đến thăm Eritrea, chuyến thăm đầu tiên trong hơn một thập kỷ, trước khi đi đến Ethiopia và gặp Thủ tướng nước này Abiy Ahmed. Điều đó thể hiện mối quan tâm của Mỹ trong nỗ lực làm “tan băng” quan hệ giữa Eritrea và Ethiopia.

Ông Yamamoto trước đó đã tổ chức các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao hai nước ở Washington và thiết lập các kênh sau ngoại giao, nhằm đặt nền móng cho một hiệp định hòa bình giữa hai nước. Washington cũng khuyến khích hai đồng minh Saudi Arabia và UAE, những nước có lợi ích quan trọng ở khu vực Sừng châu Phi, giữ vai trò hòa giải giữa Addis Ababa và Asmara nhằm chấm dứt tình trạng xung đột giữa hai nước. Nỗ lực này đã thành công một phần nhờ vào sự hỗ trợ tài chính của Saudi Arabia và UAE. Kết quả là, tháng 7/2018, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed và Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki đã ký một thỏa thuận hòa bình ở Saudi Arabia nhằm chấm dứt hai thập kỷ thù hận sau cuộc xung đột biên giới kéo dài 20 năm.

Đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đỏ, khu vực Sừng châu Phi và trên “lục địa Đen” nói chung, Mỹ đã quyết tâm chống lại tham vọng của Bắc Kinh. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mô tả Trung Quốc là một cường quốc “xét lại” và một đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ, khi luôn tìm cách làm suy yếu sức mạnh, ảnh hưởng, an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Giống như Nga, Trung Quốc hiện được coi là đối trọng thách thức quyền lực, tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ.

Mỹ nhận ra rằng họ có thể không sánh được về quy mô đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi, ngay cả khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ giảm ảnh hưởng kinh tế trong khu vực. Washington đặc biệt lo ngại về khía cạnh an ninh khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát các nguồn lực chiến lược trên thế giới, bắt nguồn từ các khoản vay giá rẻ mà nước này dành cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi. Chiến lược của Mỹ do đó sẽ dựa một phần vào việc khuyến khích các công ty nội địa đầu tư nhiều hơn vào “lục địa Đen”, cũng là nguyên nhân lý giải vì  sao các khoản vay của Mỹ dành cho châu Phi thời gian gần đây tăng lên đáng kể. Những diễn biến này được coi là phương sách tiếp cận nhằm chống lại sự “vung tay” hào phóng của Trung Quốc ở châu Phi và tại các thị trường mới nổi khác.

Một nghiên cứu gần đây của công ty luật quốc tế Baker McKenzie đã chỉ ra rằng cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ còn gia tăng trong thập kỷ tới. Trung Quốc đã chi 8,7 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực cận Sahara châu Phi năm 2017 và quyết định của Tổng thống Trump hồi tháng 10 năm ngoái nhằm điều chỉnh Tập đoàn đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) của Chính phủ Mỹ trở thành Tập đoàn tài chính phát triển quốc tế (IDFC) và tăng gấp đôi khoản cho vay lên đến 60 tỷ USD dành cho các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, nhằm chống lại ảnh hưởng đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc. Quyết định này sẽ tăng tốc đáng kể cuộc đua không khoan nhượng nhằm tranh giành ảnh hưởng ở “lục địa Đen”, đặc biệt là ở khu vực Sừng châu Phi, giữa hai “siêu cường” thế giới này.

Nguồn: Mạng tin Ahram – 01/2019

TKT – 560/2019

Advertisement

Biển Đỏ, nơi đọ sức mới giữa hai “siêu cường” – Phần đầu


Eo biển Bab Al-Mandeb từ lâu đã được coi là “huyết mạch” kiểm soát tuyến hàng hải nối giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden thông ra Ấn Độ Dương và không có gì bất ngờ khi một số cường quốc thế giới đã quyết định thành lập các căn cứ hải quân tại khu vực này.

Trên thực tế, Pháp đã duy trì sự hiện diện một căn cứ quân sự từ năm 1977 ở Cộng hòa Djibouti, quốc gia nằm tại khu vực Sừng châu Phi và có vị trí địa chiến lược rất quan trọng tại cửa ngõ Biển Đỏ. Tương tự, Mỹ đã thành lập một căn cứ tại đây vào năm 2002 sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Nhận thấy vị trí chiến lược và chế độ chính trị tương đối ổn định của Djibouti so với các nước láng giềng khác, các cường quốc như Italy, Nhật Bản và gần đây nhất là Trung Quốc cũng không bỏ qua cơ hội để giành được chỗ đứng tại Djibouti.

Một cường quốc khác đang đặt mục tiêu tiến vào khu vực Sừng châu Phi là Nga, khi quốc gia này tuyên bố hồi tháng Tám năm ngoái sẽ xây dựng một căn cứ hậu cần trên Biển Đỏ ở Eritrea. Dù không thông báo chính xác địa điểm hoặc khi nào dự án sẽ được triển khai, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Eritrea rằng Nga hướng tới mục tiêu thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại song phương. Đây dự kiến sẽ là căn cứ đầu tiên của Nga ở châu Phi kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sẽ cung cấp cho Moskva cơ hội để thúc đẩy sức mạnh của mình trên khắp Trung Đông và các tuyến vận chuyển giữa châu Á và châu Âu. Dự án này khẳng định quyết tâm của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm khẳng định vai trò toàn cầu của Nga và đảm bảo vị trí của nước này trong cuộc đua giành ảnh hưởng với Mỹ và Trung Quốc.

Tháng 8/2017, Trung Quốc cũng đã khánh thành căn cứ hải quân của mình ở Djibouti với kinh phí 600 triệu USD và có sức chứa 10.000 binh sỹ. Theo chính phủ Trung Quốc, căn cứ này nhằm giúp Bắc Kinh thực thi các nhiệm vụ nhân đạo và sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở châu Phi và Tây Á, cũng như phụ trách công tác cứu trợ khẩn cấp, bảo vệ và sơ tán công dân Trung Quốc đang sinh sống ở nước ngoài và tham gia hợp tác quân sự, bao gồm các cuộc diễn tập chung và chống cướp biển. Hiện có khoảng 2400 binh sĩ Trung Quốc đang được triển khai trên khắp “lục địa Đen”.

Căn cứ tại Djibouti sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển quốc tế và chiến lược gần eo biển Bab Al-Mandeb, nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế lớn của Bắc Kinh tại châu Phi và Trung Đông. Nó cũng sẽ đóng vai trò một tuyến vận chuyển nguyên liệu thô từ các quốc gia ở khu vực Sừng châu Phi đến Trung Quốc và các sản phẩm điện tử từ Trung Quốc đến khu vực Sừng châu Phi.

Trung Quốc đã đầu tư hơn 30 tỷ USD vào Sudan và Nam Sudan. Ngoài ra, Bắc Kinh đã xây dựng một tuyến đường sắt dài 750 km nối từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến Biển Đỏ thông qua Djibouti. Căn cứ của Trung Quốc sẽ là điểm nút để mở rộng mạng lưới đường sắt tới các quốc gia thuộc khu vừng Sừng châu Phi nhằm hỗ trợ vẫn chuyển hàng hóa giữa các quốc gia này và Trung Quốc thông qua cảng Djibouti.

Việc thành lập căn cứ của Trung Quốc tại Djibouti cũng đánh dấu một bước đột phá trong chính sách đối ngoại truyền thống của Bắc Kinh vốn chủ yếu tập trung vào khu vực Đông Á. Đó là sự phản ánh về sức mạnh của Trung Quốc, thể hiện sự quan tâm ngày càng gia tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với khu vực châu Phi và Trung Đông, đặc biệt là trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm thiết lập các tuyến đường bộ và đường biển nối Trung Quốc với châu Âu thông qua khu vực Á – Âu và Trung Đông.

Căn cứ là minh chứng cho tham vọng của Bắc Kinh nhằm xây dựng một con đường tơ lụa trên biển mới của Trung Quốc, kết hợp thành một “chuỗi ngọc trai” dựa trên các điểm nối liền từ Ấn Độ Dương, vùng Vịnh và Biển Đỏ, phục vụ cho sáng kiến Vành đai và Con đường được công bố năm 2015. Là một phần trong sáng kiến này, Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 8000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng tại 68 quốc gia, trong đó có Djibouti, vốn là điểm neo rất cần thiết cho các tuyến đường từ châu Phi và châu Âu đến Trung Quốc.

Kế hoạch của Trung Quốc

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã tích cực mở rộng vai trò kinh tế và thương mại của mình ở châu Phi và Trung Đông. Trung Quốc có kế hoạch vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào thập niên 2030. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đang thông qua căn cứ hải quân của mình ở Djibouti để bảo vệ lợi ích kinh tế đang phát triển của mình ở khu vực châu Phi. Trung Quốc cũng tìm cách bảo đảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên để hỗ trợ phát triển kinh tế, trong bối cảnh một nửa số dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu được vận chuyển qua eo biển Bab Al-Mandeb và hầu hết hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu đều được vận chuyển qua Vịnh Aden và Kênh đào Suez.

Để phục vụ lợi ích kinh tế và thương mại của mình ở châu Phi, Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở phía Đông “lục địa Đen”. Minh chứng rõ ràng nhất là việc Bắc Kinh xây dựng một tuyến đường sắt nối giữa thủ đô Nairobi và cảng Mombasa của Kenya với tổng kinh phí 3,6 tỷ USD. Được khánh thành vào tháng 5/2017, tuyến đường sắt này là dự án cơ sở hạ tầng có kinh phí cao nhất được thực hiện ở nước này kể từ khi Kenya giành được độc lập vào năm 1964.

Ngoài các hoạt động hỗ trợ kinh tế, đầu tư và kinh doanh của Trung Quốc tại khu vực Sừng châu Phi và Trung Đông, khu vực này cũng là nơi có hàng nghìn công nhân Trung Quốc làm việc. Năm 2015, Bắc Kinh đã sơ tán 600 công nhân Trung Quốc khỏi Yemen khi xảy ra cuộc xung đột ở nước này. Trước đó, năm 2011, Trung Quốc đã cử một tàu chiến và một máy bay vận tải quân sự đến Libya để sơ tán khoảng 35.000 công dân Trung Quốc sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ. Cuộc khủng hoảng Libya cũng là một nhân tố chính tác động tới quyết định thành lập căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti.

Căn cứ của Trung Quốc được xây dựng trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và Djibouti ngày càng phát triển. Trung Quốc cung cấp gần 40% nguồn tài chính cho các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng lớn ở Djibouti, bao gồm đường ống dẫn dầu Ethiopia-Djibouti và đường ống nước ngọt Ethiopia-Djibouti.

Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc đã chi 957 triệu USD để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng khác, bao gồm tuyến đường sắt nối thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến thành phố Djibouti trên eo biển Bab Al-Mandeb. Tuyến đường sắt giúp Djibouti kết nối với một trong những nền kinh tế châu Phi có tốc độ tăng trưởng mạnh mè và sẽ biến Djibouti thành một trung tâm thương mại của Đông Phi.

Trên thực tế, Djibouti sẽ không có nhiều cơ hội để tăng trưởng kinh tế nếu không khai thác vị trí địa chiến lược gần eo biển Bab Al-Mandeb. Ngoài lợi ích tài chính trực tiếp từ việc cho thuê đất và các căn cứ nước ngoài, các căn cứ của Mỹ và Pháp ở nước này cung cấp cơ hội việc làm cho người dân Djibouti, đồng thời đóng góp đáng kể cho kinh tế đất nước. Hoạt động của cảng biển hiện chiếm 70% giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Djibouti.

Sự tham gia quân sự của Trung Quốc tại khu vực Sừng châu Phi bắt đầu vào năm 2008 với các nhiệm vụ chủ yếu là chống cướp biển. Ngày nay, cam kết của Bắc Kinh đã mở rộng tương ứng với việc tăng cường mối quan hệ kinh tế và thương mại với khu vực, và là một phần trong chính sách tăng cường sự hiện diện quân sự toàn cầu của Trung Quốc trải rộng và kéo dài từ châu Á đến châu Phi. Do đó, việc thành lập một lực lượng hải quân mạnh sẽ cho phép Trung Quốc triển khai sức mạnh cảu mình trên khắp thế giới và căn cứ hải quân ở Djibouti sẽ là điều kiện cần thiết để đạt được tham vọng này.

(còn tiếp) 

Nguồn: Mạng tin Ahram – 01/2019

TKT – 560/2019

Lý do khiến Dubai trở thành “Điểm đến lý tưởng” của vàng buôn lậu từ châu Phi


Trang mạng reuters.com ngày 24/4 có bài phân tích về tình trạng khai thác bất hợp pháp và buôn lậu vàng với quy mô rất lớn tới Dubai. Theo nội dung bài viết, một khối lượng vàng khổng lồ trị giá hàng tỷ USD đã bị buôn lậu mỗi năm từ châu Phi tới UAE ở Trung Đông – cửa ngõ vào các thị trường châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác.

UAE lên ngôi

Phần lớn vàng không được ghi nhận trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu của các nước châu Phi. Kết quả phỏng vấn của hãng tin Reuters với 5 nhà kinh tế thương mại cho thấy, có một khối lượng vàng rất lớn đang bị buôn lậu ra khỏi châu Phi, gây thất thoát lớn về thuế đối với các nước sản xấut. Không ai có thể đưa ra con số chính xác về tổng giá trị vàng đang bị buôn lậu từ châu Phi, song phân tích của Reuters có thể phỏng đoán về quy mô khiến nhiều người kinh ngạc.

Hãng tin Reuters ước tính khối lượng vàng bị buôn lậu bằng cách so sánh tổng lượng vàng nhập khẩu vào UAE với lượng vàng xuất khẩu được các nước châu Phi ghi nhận một cách chính thức. Trao đổi với Reuters, các công ty khai thác vàng bằng phương pháp công nghiệp ở châu Phi cho hay vàng do các công ty này khai thác không được xuất khẩu sang UAE, nghĩa là lượng vàng nhập khẩu của UAE từ châu Phi đến từ các nguồn không chính thức khác.

Dữ liệu hải quan do chính phủ các nước cung cấp cho Trung tâm Dữ liệu thống kê thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (Comtrade) cho thấy năm 2016, UAE đã nhập khẩu lượng vàng trị giá 15,1 tỷ USD từ châu Phi – mức nhập khẩu cao nhất thế giới, tăng hơn 11 lần so với mức 1,3 tỷ USD năm 2006. Trong năm 2016, tổng khối lượng vàng nhập khẩu của UAE là 446 tấn với nhiều mức độ tinh luyện khác nhau, trong khi năm 2006 nước này nhập 67 tấn.

Năm 2015, Trung Quốc – nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – đã nhập khẩu nhiều vàng từ châu Phi hơn UAE. Nhưng năm 2016, năm gần nhất được thống kê, giá trị vàng nhập khẩu của UAE cao gần gấp đôi so với con số 8,5 tỷ USD giá trị nhập khẩu vàng của Trung Quốc. Thụy Sĩ, trung tâm tinh luyện vàng thế giới, đứng thứ 3 với giá trị nhập khẩu 7,5 tỷ USD. Hầu hết vàng được giao dịch tại Dubai – thủ phủ ngành công nghiệp vàng của UAE. Dữ liệu của UAE cũng cho thấy quốc gia Trung Đông này đã nhập khẩu nhiều vàng hơn, khoảng 67 tấn trị giá 3,9 tỷ USD.

Ông Frank Mugyenyi, cố vấn cấp cao về phát triển công nghiệp tại Liên minh châu Phi (AU) đồng thời là sáng lập viên cơ quan phụ trách khoáng sản của AU, cho rằng một lượng vàng rất lớn đã bị đưa ra khỏi châu Phi mà không được thống kê từ các cơ quan chức năng. UAE đang trục lợi từ môi trường kinh doanh không được kiểm soát ở châu lục này.

Sự khác biệt trong dữ liệu được phân tích của Reuters không hẳn đã dẫn đến kết luận rằng vàng khai thác ở châu Phi bị buôn lậu tới UAE. Sự khác biệt nhỏ về số liệu có thể do nguyên nhân chi phí vận chuyển và thuế được khai báo khác nhau, độ trễ về thời gian giữa hàng hóa đến và đi, hoặc đơn giản là sai sót về số liệu. Các nhà phân tích thị trường vàng cho biết một số giao dịch, đặc biệt là từ Ai Cập và Libya, có thể bao gồm vàng đã được tái chế. Matthew Salomon, nhà kinh tế người Mỹ chuyên nghiên cứu sử dụng số liệu thống kê thương mại để xác định dòng tài chính bất hợp pháp, cho rằng vấn đề này đáng để xem xét kỹ lưỡng.

Cái giá của tình trạng khai thác vàng bất hợp pháp

Giá vàng cao làm bùng nổ tình trạng khai thác vàng trái phép. Hiện vàng đang được giao dịch ở mức hơn 40.000 USD/kg, thấp hơn mức đỉnh điểm của năm 2012 nhưng vẫn cao gấp 4 lần so với 2 thập kỷ trước.

Các phương thức khai thác vàng không chính thức, gồm khai thác thủ công ở quy mô nhỏ, vẫn đang phát triển trên toàn cầu. Tuy nhiên, phương pháp này đã và đang làm rò rỉ hóa chất ra môi trường. Trong thập kỷ qua, nhu cầu cao về vàng đã khiến cho những chủ thể khai thác không chính thức sử dụng thiết bị đào đãi và hóa chất độc hại nhằm tăng năng suất. Nước nhiễm bẩn từ khai thác vàng chảy xuống các dòng sông, âm ỉ đầu độc bộ phận dân cư phụ thuộc vào những nguồn nước này để sinh sống. Độc tố của thủy ngân, hóa chất dùng phổ biến trong khai thác vàng, có thể làm tổn thương thận, tim, gan, lá lách và phổi, gây ra các rối loạn thần kinh. Theo các nhà nghiên cứu và thợ mỏ Ghana, chất kịch độc xyanua và axit nitric cũng đang được sử dụng trong khai thác vàng.

Các công ty khai thác vàng bằng phương pháp công nghiệp cũng góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm, từ sự cố tràn xyanua đến các vấn đề hô hấp do bụi thải ra từ hoạt động khai thác. Nhiều chính phủ ở châu Phi như Ghana, Tanzania và Zambia cho rằng việc sản xuất và buôn lậu vàng qua biên giới ở các nước này đang diễn ra trên quy mô rộng lớn, đôi khi do các lực lượng phạm tội thực hiện và thường phải đánh đổi chi phí cao về môi trường và con người.

Burkina Faso đã cấm các hoạt động khai thác vàng quy mô nhỏ ở một số khu vực có các đối tượng liên quan đến nhóm khủng bố Al Qaeda đang hoạt động. Đầu tháng Tư vửa qua, Chính phủ Nigeria đã đình chỉ khai thác vàng ở bang Zamfara, phía Tây Bắc nước này, do các báo cáo tình báo chỉ ra rằng có sự “cấu kết rõ ràng và chặt chẽ” giữa những kẻ cướp có vũ trang và những người khai thác vàng bất hợp pháp.

Các nhà đầu tư phương Tây cần vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ấn Độ và Trung Quốc cần vàng cho đồ trang sức. Nhưng hầu hết các công ty phương Tây cũng như các ngân hàng tài trợ những công ty này né tránh giao dịch trực tiếp với nguồn vàng ở châu Phi được khai thác bằng các biện pháp phi công nghiệp. Họ không muốn mạo hiểm khi mua bán nguồn vàng được khai thác phục vụ cho các cuộc xung đột hoặc có thể liên quan đến vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như ở CHDC Congo hoặc Sudan.

Mọi con đường đều dẫn tới Dubai

Các quốc gia, bao gồm cả UAE, ít chú ý đến vấn đề buôn lậu vàng. Trong thập kỷ qua, vàng được khai thác từ châu Phi ngày càng trở nên quan trọng đối với Dubai. Dữ liệu của Comtrade cho thấy từ năm 2006 đến 2016, tỷ lệ vàng có nguồn gốc châu Phi nhập vào UAE tăng từ 18% lên gần 50%. Trung tâm Thương mại Dubai (DMCC) – thị trường vàng chính của UAE – tự công nhận là cửa ngõ giao dịch toàn cầu. Giao dịch vàng chiếm gần 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của UAE.

Tuy nhiên, theo Reuters, các “ông lớn” về kinh doanh vàng, bao gồm AngloGold Ashanti, Sibanye-Stillwater và Gold Field đều cho biết sẽ không xuất vàng tới thị trường này. Reuters đã liên hệ với 23 công ty khai thác vàng hoạt động ở châu Phi, trong đó công ty nhỏ nhất sản xuất khoảng 2,5 tấn năm 2018, và được biết 21/23 công ty này cho hay không gửi vàng đến Dubai để tinh chế.

Ông Neil Harby, Giám đốc kỹ thuật của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA) – cơ quan thiết lập tiêu chuẩn cho ngành khai thác vàng tại các thị trường phương Tây, cho biết LBMA không muốn giao dịch vàng với châu Phi do lo ngại về sự yếu kém trong hải quan, giao dịch tiền mặt, cũng như vàng được vận chuyển bằng hàng xách tay.

Các nhà điều tra và những người trong ngành công nghiệp vàng cho rằng thái độ dễ dãi đối với những kẻ buôn lậu vàng trong hành lý xách tay trên các chuyến bay xuất phát từ châu Phi khiến hàng hóa này bị đưa ra khỏi châu lục mà không bị phát hiện. Tình trạng hạn chế luật pháp liên quan của UAE đã cho phép vàng khai thác bất hợp pháp có thể được nhập khẩu hợp pháp, miễn thuế vào nước này.

Một số thương nhân châu Phi cho Reuters biết vàng có thể được nhập khẩu vào Dubai mà hầu như không cần có giấy tờ kèm theo. Reuters đã trao những phân tích thu thập được cho 14 chính phủ ở châu Phi. Có 5/14 nước cho biết phân tích của Reuters phản ánh đúng quan tâm của họ về tình trạng buôn lậu vàng hiện nay. Các nước còn lại đều không có phản ứng tích cực. Các chính phủ ở châu Phi đang cố gắng tìm ra biện pháp quản lý, bất kể rủi ro của lĩnh vực đó là gì, theo hướng mang lại sinh kế cho nhiều người dân cũng như nguồn thu cho đất nước.

Nguồn: TKT – 26/4/2019

Các nước vùng Vịnh tìm kiếm gì ở khu vực Sừng châu Phi?


Trang mạng economist.com có bài phân tích về sự cạnh tranh giữa các nước vùng Vịnh trong khu vực Sừng châu Phi khi các nước này tăng cường cả quan hệ chính trị và kinh tế tại khu vực Đông Bắc Phi bất ổn nhất thế giới này.

Nhiều bằng chứng ở khắp khu vực Sừng châu Phi cho thấy các nước vùng Vịnh đang tăng cường mối quan hệ với các quốc gia tại khu vực đầy bất ổn này. Tháng trước, đại diện Djibouti, Sudan và Somalia đã nhóm họp tại Riyadh (Saudi Arabia) để thảo luận về việc thành lập m65t liên minh an ninh mới ở Biển Đỏ.

Ba tháng trước đó, dưới sự bảo trợ của Saudi Arabia, Thủ tướng Ethiopia và Thủ tướng Eritrea đã ký một thỏa thuận hòa bình. Tại Addis Ababa, nhà thầu từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang thực hiện dự án lớn nhất với tổng mức đầu tư cao nhất từ trước tới nay ở thủ đô của Ethiopia.

UAE đã đưa vào hoạt động căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở Eritrea từ năm 2015 và đang xây dựng một căn cứ khác ở Somaliland – khu vực ly khai ở phía Bắc Somalia. Saudi Arabia có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti. Trong khi đó, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đang sửa chữa một cảng ở Sudan. Lý giải thế nào cho tất cả những động thái trên?

Giống như vùng Vịnh, Hồi giáo là tôn giáo chính ở khu vực Sừng châu Phi và vấn đề di cư cũng gắn kết hai khu vực này với nhau. Trong suốt những năm 1990, quan hệ kinh tế giữa hai khu vực này không có gì đáng kể. Tuy nhiên, sau khi giá lương thực tăng vọt vào năm 2008, các quốc gia vùng Vịnh giàu có đã để xô đi mua đất nông nghiệp ở Sudan và Ethiopia nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.

Theo nghiên cứu của Viện Clingendael, Hà Lan, từ năm 2000 đến năm 2017, các quốc gia vùng Vịnh đã đầu tư 13 tỷ USD vào khu vực Sừng châu Phi, chủ yếu ở Sudan và Ethiopia. Đối với các nước khu vực Sừng châu Phi nghèo tài nguyên, lợi ích kinh tế do đầu tư của các nước vùng Vịnh mang lại là rất rõ ràng.

Cả Sudan và Ethiopia đều thiếu hụt nghiêm trọng nguồn dự trữ các loại ngoại tệ mạnh. Một trong những động thái đầu tiên của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed khi nhậm chức vào tháng 4/2018 là bảo đảm 3 tỷ USD viện trợ và đầu tư từ UAE, trong đó khoản tiền gửi 1 tỷ USD vào Ngân hàng trung ương Ethiopia. Tháng 3/2018, UAE cũng đã gửi 1,4 tỷ USD vào Ngân hàng trung ương Sudan.

Tại các quốc gia vùng Vịnh, nguồn vốn ít khi thực sự là của tư nhân và doanh nghiệp có xu hướng phục vụ các mục tiêu chính sách đối ngoại. Đối với Saudi Arabia, sự quan tâm trở lại đối với khu vực Sừng châu Phi chủ yếu xuất phát từ cạnh tranh với Iran. Năm 2014, Saudi Arabia buộc cả Sudan và Eritrea phải cắt đứt quan hệ với Iran, trục xuất các nhà ngoại giao Iran.

Đối với UAE, một cường quốc về hậu cần, vận chuyển và trung chuyển, trọng tâm mới về an ninh hàng hải xuất phát từ mối đe dọa ngày càng tăng của cướp biển Somalia vào những năm 2000, cũng như tình hình chiến sự ở Yemen năm 2015. Chuỗi cảng và căn cứ của UAE dọc theo vành đai phía Nam của bán đảo Arab và kéo dài tới Biển Đỏ là một phần trong chiến lược nhằm gây ảnh hưởng trên toàn khu vực Sừng châu Phi (UAE sử dụng căn cứ ở Eritrea để tiến hành các cuộc tấn công ở Yemen).

Sự thù địch giữa một bên là Saudi Arabia, UAE và bên kia là Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lan tới khu vực Sừng châu Phi. Khi Thổ Nhĩ Kỳ thâm nhập vào khu vực thông qua thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Somalia và giành được các hợp đồng cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh đã cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Saudi Arabia và UAE cũng cảm thấy bắt buộc phải thể hiện đường lối đối ngoại cứng rắn hơn trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ ở “sân sau” của hai nước này đã suy yếu.

Quan hệ chặt chẽ hơn trên Biển Đỏ cũng có thể cải thiện các mối quan hệ nội bộ châu Phi. Cùng với việc bảo trợ đàm phán hòa bình giữa Ethiopia và Eritrea, các quốc gia vùng Vịnh đang cố gắng giảm bớt căng thẳng giữa Ethiopia và Ai Cập liên quan đến đập nước đang được Ethiopia xây dựng trên sông Nile.

Tuy nhiên, sự yếu kém của các quốc gia khu vực Sừng châu Phi đang gây ra nhiều vấn đề rắc rối. Tại Somalia, nguồn tài chính của UAE đã làm trầm trọng thêm sự tranh giành giữa chính phủ liên bang được quốc tế công nhận ở Mogadhishu và các khu vực ly khai.

Nhiều người dân Ethiopia đặt câu hỏi liệu có phải Thủ tướng Abiy Ahmed đã đánh đổi chủ quyền đất nước để có được đầu tư từ vùng Vịnh. Dù Ethiopia đã cố gắng giữ trung lập trong các mối quan hệ thù địch ở vùng Vịnh, nhưng giờ đây, có vẻ như nước này đang đứng về phía Saudi Arabia và UAE. Mặt khác, quan hệ của Ethiopia với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có thể đang nguội lạnh hơn.

Nguồn: TKT – 19/01/2019

Trung Quốc có thể thay thế các nhà tài trợ phương Tây ở châu Phi?


Trong những năm qua, Trung Quốc đã tăng viện trợ đáng kể về giá trị cho châu Phi và số lượng ngày càng gia tăng, nhưng có thể đang được “tô hồng” do Bắc Kinh không công khai các số liệu chính thức, cụ thể và các phương tiện thông tin của Trung Quốc và các nước thụ hưởng thường công bố số liệu dựa trên những cam kết nhưng chưa được triển khai.

Một cuộc điều tra dư luận về việc Trung Quốc gia tăng tài trợ có làm giảm vai trò của các nhà tài trợ phương Tây ở châu Phi hay không, được thực hiện với 50 chuyên gia cấp cao đang làm việc cho các nhà tài trợ song phương và đa phương tại gần 20 quốc gia châu Phi. Kết quả cho thấy hơn một nửa số nhà tài trợ nói “không”, 20% nói “có” và số còn lại thì cho biết họ không chắc chắn. Những chuyên gia trên cho biết khi làm việc với các quốc gia thụ hưởng viện trợ nước ngoài, các nước thường không quan tâm nhiều đến yếu tố viện trợ từ đâu, ví dụ Trung Quốc hay các nước phương Tây, nhất là khi đề xuất chính sách cho các quốc gia châu Phi. Đặc biệt, các quyết định về cung cấp, phân bổ viện trợ và hợp tác phát triển trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên. Đến nay, các nhà tài trợ phương Tây không đánh giá cao tác động của các chương trình, dự án viện trợ từ Trung Quốc ở châu Phi.

Nhận định trên có thể ngược lại với nhiều đánh giá về sự nổi lên và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia châu Phi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhóm tiến hành điều tra đã xem xét các dự án mà Trung Quốc thực hiện ở 3 quốc gia châu Phi là Ghana, Tanzania và Uganda và nhận thấy Bắc Kinh chủ yếu tài trợ cho các công ty nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và khoáng sản. Trong khi các nhà tài trợ phương Tây thường hỗ trợ vào các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo… Vì vậy, trên thực tế Trung Quốc ít khi đối đầu với các nhà tài trợ truyền thống phương Tây. Ngay cả khi các lãnh đạo châu Phi muốn xa rời các nhà tài trợ phương Tây như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản thì Trung Quốc cũng không phải là sự lựa chọn thay thế đầu tiên. Các nhà quản lý ngân sách quốc gia và các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào sự viện trợ nước ngoài cũng không thể dễ dàng khước từ các nhà tài trợ truyền thống.

Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu trên cũng đánh giá sự đột phá và cách tiếp cận về nguồn vốn đầu tư phát triển của Trung Quốc tại châu Phi là rất đáng quan tâm. Trong một số ngành và lĩnh vực, Trung Quốc thực sự đang cạnh tranh với các nhà tài trợ và đang dần chiếm ưu thế so với các nước phương Tây, nhất là Mỹ. Hiện nay, Chính phủ nhiều nước châu Phi “thích” viện trợ của Bắc Kinh bởi sự triển khai nhanh, ít quan liêu, ít ràng buộc, nhất là vấn đề chính trị, tham nhũng, nhân đạo… Ví dụ điển hình là dự án xây dựng đập thủy điện Bui tại Ghana, đã được triển khai rất nhau sau khi chuyển từ Ngân hàng Thế giới (WB) sang cho Trung Quốc, hiện dự án đã xây dựng hơn 1/2 khối lượng và có thể hoàn thành vào cuối năm 2018. Dự án đường sắt nối liền thủ đô Nairobi với thành phố cảng Mobasa của Kenya (ngày 31/5, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã cắt băng khánh thành). Tuyến đường sắt này có chiều dài 472 km, được xây dựng từ nguồn vốn vay và hỗ trợ công nghệ của Trung Quốc, thay thế tuyến đường sắt “Lunatic Express” của Anh trước đây. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, trong đó có cáo buộc liên quan đến tham nhũng, chất lượng công trình và lo ngại về những tác động tiêu cực đối với môi trường, nhưng công trình giao thông lớn nhất Kenya này thực sự là một trong những “quân bài” quan trọng trong việc gây ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Kenya nói riêng và châu Phi nói chung trong tương lai.

Theo nhà phân tích khu vực, hiện chưa có đánh giá đầy đủ về mối tương quan giữa sự nổi lên của Trung Quốc và sự xói mòn vị trí của các nhà tài trợ truyền thống phương Tây tại châu Phi. Mặc dù, chưa thể đánh giá quá cao các nguồn tài trợ cấp từ Trung Quốc cũng như xem xét mối liên hệ trực tiếp giữa việc Trung Quốc tăng ngân sách viện trợ cho các quốc gia châu Phi với việc các nhà tài trợ truyền thống đang có chiều hướng rút dần khỏi khu vực nhạy cảm này.

Nguồn: Allafrica – 31/05/2017

TKNB – 02/06/2017

Sự phản bội: Tại sao chủ nghĩa xã hội thất bại ở châu Phi


George Ayittey

Dưới đây là bản rút gọn từ một bài phát biểu tại “Những buổi tối với FEE” vào tháng Tư năm 2005.

Cuối cùng cũng được tự do! Tiếng hò reo hưng phấn này đã vang dội khắp châu Phi trong những năm 1960 khi hết quốc gia này đến quốc gia khác giành được độc lập khỏi sự cai trị của thực dân phương Tây. Những lá cờ quốc gia mới được phất lên cùng những giai điệu quốc ca mới. Các nhà lãnh đạo đã chiến đấu anh dũng và giành được độc lập đã được ngợi ca là những anh hùng. Giấc mơ tự trị, tự do chính trị và phát triển kinh tế cuối cùng đã trở thành hiện thực. Châu Phi giờ đây tự do phát triển theo ý niệm của riêng mình: nhưng thành cái gì vậy? Sự thách thức này quả là quá lớn.

Giấc mơ đó đã không bao giờ trở thành sự thật. Tài nguyên thiên nhiên đáng kinh ngạc của lục địa này (vàng, kim cương, palladium, titanium – tên của những khoáng sản mà bạn sẽ tìm thấy ở châu Phi!) đã không bao giờ được sử dụng để giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Theo bất cứ tiêu chuẩn nào, [đời sống] đại đa số người dân châu Phi ngày nay còn tồi tệ hơn 40 năm về trước. Điều duy nhất đã thay đổi là màu da của kẻ đàn áp: từ trắng sang đen.

Người Châu Phi cảm thấy bị phản bội, nhưng đó không phải là điều chúng ta có thể nói ở Mỹ bởi vì nó không tế nhị.

Sai lầm nào đã xảy ra ở châu Phi? Thứ nhất, dân chủ và đa nguyên đã bị lên án như là “phát minh phương Tây” và “giáo điều chủ nghĩa đế quốc.” Trong tất cả các quốc gia, trừ bốn quốc gia ở châu Phi, nguyên tắc nhà nước độc đảng đã được áp dụng, theo đó, quyền lực được tập trung vào tay của một người. Bạn không cần phải là một nhà khoa học chế tạo tên lửa để biết rằng bất kỳ hệ thống chính trị với sự tập trung quyền lực như vậy sẽ biến thành chuyên chế. Liên Xô đã cho chúng ta một ví dụ hoàn hảo về trường hợp này.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo châu Phi đã khước từ chủ nghĩa tư bản. Họ nuôi dưỡng một mối ngờ vực sâu sắc và sự ghê tởm chủ nghĩa tư bản, nhận thức sai lầm rằng chủ nghĩa tư bản là một sự mở rộng của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Đối với họ, tự do khỏi ách thống trị của thực dân có nghĩa là tự do khỏi chủ nghĩa tư bản, tự do kinh doanh và đầu tư nước ngoài, cái được xem như là “sự bóc lột của nước ngoài.” Đối với họ, chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết trong đó nhà nước quyết định vận mệnh kinh tế của người dân dường như là cách thích hợp và đúng đắn nhất để bảo vệ chủ quyền mà họ đã giành được một cách khó khăn và để đưa Châu Phi tới sự thịnh vượng kinh tế.

Chủ nghĩa xã hội ở Châu Phi

Một sự biến đổi xã hội chủ nghĩa như vậy đòi hỏi một định chế các quy định và kiểm soát pháp lý gắt gao. Tất cả đất đai vô chủ đã bị chính quyền chiếm hữu. Nhiều công ty nước ngoài đã bị quốc hữu hóa, và nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được thành lập. Các hệ thống rào chắn và giấy phép đi đường đã được sử dụng để kiểm soát nhất cử nhất động của người Châu Phi. Các ủy ban tiếp thị và quy định xuất khẩu được thắt chặt để đánh lừa các nhà sản xuất cây công nghiệp. Sự kiểm soát giá cả đã được áp lên nông dân và thương nhân để làm ra thực phẩm giá rẻ cho giới thượng lưu thành thị. Hàng loạt những hạn chế gây hoang mang được áp lên nhập khẩu, chuyển nhượng vốn, ngành công nghiệp, tiền lương, hiệp đoàn thương mại, giá cả, tiền thuê, lãi suất và những thứ tương tự. Sự phát triển kinh tế chịu tổn thất, như nó luôn luôn tổn thất bất cứ khi nào nhà nước can thiệp. Lập kế hoạch và điều phối yếu kém dẫn đến sự xáo trộn của các ngành công nghiệp, sự suy sụp tinh thần làm việc của công nhân, sự thiếu kỷ luật và trách nhiệm, tình trạng ô dù, con ông cháu cha, sự đình đốn sản xuất và sự thiếu hụt kinh niên hàng hóa và dịch vụ. Thị trường đen tất yếu nổi lên; nạn hối lộ và tham nhũng phát triển mạnh, làm đầy túi quan chức, và làm cho họ càng có nhiều quyền lực hơn.

Phương Tây lẫn Phương Đông, các chính phủ đổ tiền vào các nền kinh tế Châu Phi mới với kết quả có thể đoán trước tương tự nhau.

  • Tại Kenya, chính phủ Na Uy đã cung cấp 25 triệu USD để thiết lập một dự án cá đông lạnh cho một số bộ lạc. Sau khi nhà máy được xây dựng, một vấn đề nhỏ đã được phát hiện: các bộ lạc không nuôi cá, họ nuôi dê!
  • Tại Senegal, Hoa Kỳ đã cung cấp viện trợ để xây dựng 50 kho lưu trữ nông phẩm. Chúng đã được xây dựng tại các địa điểm mà những người nông dân chưa bao giờ đến.
  • Tại Sudan, Liên Xô đã xây dựng một nhà máy sữa đóng chai tại Babanusa. Nhưng các bộ lạc Babanusa uống sữa được lấy trực tiếp từ bò, và không có bất kỳ phương tiện nào để vận chuyển sữa ra khỏi khu vực. Nhà máy 20-năm-tuổi này đã không sản xuất dù chỉ một chai sữa.
  • Tại Uganda, Nam Tư đã xây dựng một nhà máy quốc doanh đóng hộp xoài. Nhà máy có công suất đóng hộp vượt quá tầm mức thương mại của toàn thế giới về xoài đóng hộp.
  • Tại Somalia, người Ý đã xây dựng một nhà máy đóng hộp chuối. Khi nhà máy quốc doanh được hoàn thành, người ta đã phát hiện ra rằng số lượng chuối cần thiết cho sản xuất để hòa vốn đã vượt quá toàn bộ sản lượng chuối cả nước.

Ai giàu ở châu Phi?

Nếu bạn muốn hiểu tại sao châu Phi rất nghèo và Mỹ rất giàu, hãy tự hỏi câu hỏi sau đây: Làm thế nào mà những người giàu có ở hai nơi làm giàu và củng cố sự giàu có?

Ở Mỹ, người giàu nhất là Bill Gates. Ông ta đã kiếm tiền như thế nào? Ông đã kiếm tiền trong khu vực tư nhân bằng cách sản xuất phần mềm máy tính. Ai là người giàu nhất ở châu Phi? Những nguyên thủ quốc gia. Họ đã tạo ra cái gì hoặc sản xuất cái gì để làm giàu? Câu trả lời đơn giản: không gì cả! Họ trở nên giàu có bằng cách sử dụng quyền lực và đặc quyền để cướp đoạt từ những người dân đau khổ của họ. Các lãnh đạo châu Phi đã phản bội chúng ta. Trở lại những năm 1960, họ đã cam đoan: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới cứu vớt được Châu Phi!” Nhưng trong thực tế “chủ nghĩa xã hội ngân hàng Thụy Sĩ ” của họ đã phá hủy châu Phi, cho phép họ chiếm đoạt và cướp bóc kho bạc nhà nước để chuyển vào các tài khoản cá nhân tại các ngân hàng Thụy Sĩ và các ngân hàng nước ngoài khác. Theo một quan chức Zimbabwe, “Tại Zimbabwe, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là những gì của tôi là của tôi, nhưng những gì của bạn thì chúng ta chia sẻ!”

Tại Nigeria, từ năm 1970 đến 2000, có hơn 35 tỷ USD trong doanh thu dầu đã biến mất vào trong các kho bạc của chính phủ Nigeria. Không ai biết điều gì đã xảy ra với số tiền đó.

Quan chức tham tàn khét tiếng nhất của châu Phi, Mobutu Sese Seko – tổng thống Cộng Hòa Dân chủ Công-gô [được đổi tên thành Zaire bởi Mobutu vào năm 1971], đã tích lũy một khối tài sản trị giá 10 tỷ USD. Ông ta đã có thể viết một chi phiếu cá nhân để trả hết toàn bộ nợ nước ngoài của nước ông là 7 tỉ USD! Olusegun Obasanjo, tổng thống Nigeria, tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo châu Phi đã đánh cắp 142 tỷ USD từ người dân của họ từ khi độc lập. Điều đó làm tôi rất tức giận. Nếu các nhà lãnh đạo, những người luôn cầu xin phương Tây giúp Châu Phi – và việc ăn xin làm giảm phẩm giá của những người châu Phi tử tế – sẽ chỉ trả lại một nửa số tài sản cướp bóc họ đã tích lũy được, thì điều này sẽ đặt châu Phi vào một tình trạng tài chính tốt hơn nhiều.

Tinh thần Châu Phi

Chủ nghĩa xã hội luôn luôn sai. Nó xa lạ đối với châu Phi cũng như phần còn lại của thế giới. Châu Phi truyền thống đã không bao giờ là xã hội chủ nghĩa. Châu Phi đã có sở hữu tư nhân về phương tiện sản xuất (đất đai, lao động và vốn), tự do kinh doanh, chợ làng tự do, thương mại tự do và tinh thần doanh nghiệp. Có rất nhiều nhầm lẫn về quyền sở hữu đất công tại châu Phi truyền thống. Nhưng về mặt lịch sử, đất đai ở châu Phi đã không bao giờ thuộc sở hữu tập thể, như huyền thoại đã vẽ ra. Đất đai đã được sở hữu riêng tư bởi gia đình hoặc dòng tộc, mà không bởi một chính phủ bộ lạc. Ở phương Tây, các đơn vị kinh tế và xã hội cơ bản là cá nhân. Tại châu Phi, các đơn vị kinh tế và xã hội cơ bản là gia đình mở rộng. Ví dụ, nếu bạn hỏi: “Mảnh đất này thuộc về ai?” Người Châu Phi sẽ nói với bạn: “Nó thuộc về tất cả chúng tôi”, nghĩa là gia đình mở rộng của anh ta, đó là một thực thể tư nhân. Người Châu Phi cũng tin vào sự gắn kết thiêng liêng giữa sự sống và cái chết. Bởi thế, đất đai mà tổ tiên của họ được chôn cất không thể bán được. Người châu Phi theo truyền thống đã hành động theo ý chí tự do của riêng họ. Những người nông dân sản xuất những gì họ cần và bán phần dư thừa tại những chợ làng mở. Những chợ như vậy tồn tại ở châu Phi trong nhiều thế kỷ, rất lâu trước khi người châu Âu đến. Tuy nhiên, để biện minh cho sự lựa chọn của mình về chủ nghĩa xã hội, các nhà lãnh đạo mới của Châu Phi khẳng định rằng những chợ này là các thể chế thuộc địa. Sau khi độc lập, các nhà lãnh đạo đã có thể phục hồi những chợ bản địa đó và xây dựng những chợ mới dựa theo chúng. [Nhưng] họ đã chọn phá hủy chúng, và trong một số trường hợp đã thực sự đã làm chúng nổ tung. Kinh doanh tự do và thương mại tự do đã phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ tiền thuộc địa của châu Phi, với các tuyến đường thương mại dọc ngang toàn bộ lục địa. Người Châu phi đã không cần sự cho phép của thủ lĩnh của họ để buôn bán hoặc kinh doanh. Các thủ lĩnh đã không xác định giá cả; thị trường đã làm việc đó.

Người ta đã có cách riêng để huy động vốn. Ở Tây Phi, ví dụ, hoạt động thị trường đã được chi phối bởi phụ nữ. Họ hiểu làm sao để huy động vốn bằng cách sử dụng “tín dụng quay vòng.” Mười phụ nữ sẽ tập hợp lại và góp 10 USD mỗi tháng vào một hụi. Vào cuối tháng đó, họ sẽ có 100 USD trong hụi. Những người phụ nữ sau đó sẽ thay phiên nhau sử dụng số tiền này như tiền vốn – ví dụ, để mua một chiếc máy may.

Tất cả điều này chứng tỏ rằng không ai có thể biện minh cho chủ nghĩa xã hội trên cơ sở truyền thống châu Phi. Các chính phủ châu Phi đã một mình áp đặt tư tưởng ngoại lai của chủ nghĩa xã hội trên đất nước của họ, củng cố sức mạnh kinh tế và chính trị to lớn trong tay nhà nước. Qua nhiều năm, điều này đã biến thành cái mà tôi gọi là nhà nước ma cà rồng, hoặc nhà nước xã hội đen. Khắp lục địa xuất hiện các chế độ phân biệt chủng tộc trên thực tế (de facto apartheid regimes), nơi mà những người nắm quyền lực sử dụng chính phủ để thúc đẩy lợi ích của họ và loại trừ tất cả những người khác, từ đó dẫn châu Phi vào thảm họa. Trong những năm 1980, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng sâu sắc, các nhà lãnh đạo châu Phi đã thừa nhận một số sai lầm nghiêm trọng của họ. Nhiều người trong số đó đã ký kết các hiệp định với Ngân hàng Thế giới, hứa hẹn cải cách hệ thống chính trị và kinh tế tồi tệ của họ. Giữa những năm 1981 và 1991, Ngân hàng Thế giới đã chi 25 tỷ USD trong nỗ lực cải cách 29 quốc gia châu Phi. Thực tế nghiệt ngã là trên 80 phần trăm các quốc gia đã thất bại. Chỉ có 6 trong số 29 quốc gia đã thành công.

Tuy nhiên, điều này còn chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo châu Phi, nói một cách đơn giản, là không thực sự quan tâm đến cải cách. Họ không định từ bỏ sự kiểm soát kinh tế đã cho phép họ xây dựng đế chế cá nhân và trừng phạt đối thủ của mình. Tất cả họ sẵn sàng làm việc dưới áp lực quốc tế mà tôi gọi là “Babangida Boogie”: một bước tiến, ba bước lùi, một cú lật và một cú đá cánh để đổ bộ vào một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ đầy ắp.

Điều này cũng đúng về mặt chính trị. Vào năm 1990, chỉ có bốn quốc gia châu Phi là nước dân chủ. Mặc dù các nhà lãnh đạo đã được yêu cầu phải cải cách hệ thống chính trị của họ, nhưng chỉ có 16 nước châu Phi là dân chủ ngày nay. Dân chủ hóa chính trị đã bị đình trệ. Điều quan trọng là phải phân biệt giữa Châu Phi “hiện đại” và châu Phi “truyền thống”. Các hệ thống truyền thống phải được khôi phục để tái thiết châu Phi. Cuộc khủng hoảng của châu Phi là do hoạch định xã hội chủ nghĩa hiện đại và bắt nguồn từ sự cai trị tồi tệ, quản lý yếu kém và tham nhũng của tầng lớp thượng lưu. Vấn đề mà chúng ta phải đối mặt hiện nay là di sản của sự phản bội này, bởi vì những người ta cướp bóc cuối cùng cũng nổi loạn chống lại ta.

Lãnh đạo châu Phi quay lưng với người dân, từ chối những cải cách sống còn về chính trị và thị trường. Nếu điều này tiếp diễn, nhiều quốc gia hơn nữa sẽ bùng nổ trong chiến tranh và sự tàn phá.

Đây là thực tế mà chúng ta gặp ở châu Phi ngày nay.

Nguyễn Thu Hương chuyển ngữ

Nguồn: http://fee.org/resources/betrayal-why-socialism-failed-in-africa/

© Học Viện Công Dân, March 2016

——–

Là người gốc Ghana, Tiến sĩ George Ayittey có hiểu biết mắt thấy tai nghe về cách thức bàn tay chuyên chế của chính phủ mang đến độc tài và bất hạnh cho hầu như toàn bộ châu Phi. Chiến tranh, dịch bệnh, khủng bố quốc gia và tàn sát bừa bãi đã tàn phá một lục địa đã từng có hy vọng.

Tiến sĩ Ayittey là một người ủng hộ nhiệt thành con người tự do, thị trường tự do, và pháp trị như giải pháp cho các vấn đề gây tai hoạ cho châu Phi ngày nay. Ông là tác giả của năm cuốn sách và hàng tá bài viết.

Ông giảng dạy rộng rãi về các vấn đề làm xáo trộn sự phát triển của châu Phi và là khách mời thường xuyên trên chương trình phát thanh và truyền hình, trong đó có Nightline, The News Hour, BBC World News, và CNN.

Tiến sĩ George Ayittey là nhà kinh tế học xuất sắc tại Đại học Hoa Kỳ ở Washington DC, và là chủ tịch của Tổ chức Châu Phi tự do, Free Africa Foundation.

Năm bí ẩn về đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi


Deborah Brautigam

Vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một số hợp đồng kinh doanh và đưa ra những đề nghị trị giá hàng tỷ USD về trợ cấp, cho vay, tín dụng xuất khẩu và quỹ đầu tư tư nhân cho châu Phi khi các nhà lãnh đạo châu Phi tham gia Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi lần thứ 6, một sự kiện đặc biệt diễn ra 3 năm một lần để bàn thảo những vấn đề về phát triển và an ninh giữa các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và châu Phi.

Không có gì ngạc nhiên, chuyến thăm thứ hai của ông Tập trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc đến Châu Phi, bao gồm cả chặng dừng chân tại Zimbabwe, đã tập trung sự chú ý vào vai trò gia tăng của Trung Quốc đối với lục địa này. Động thái này đã chiếm hầu hết các trang nhất của các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới. Dưới đây là 5 trong số những bí ẩn nguy hiểm nhất và dai dẳng về sự can dự của Trung Quốc tại Châu Phi.

Đầu tiên và cũng nguy hiểm nhất là Trung Quốc can dự vào châu Phi chỉ vì muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chắc chắn rằng tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên của lục địa này là sức hút lớn đối với các công ty Trung Quốc – cũng giống như các tập đoàn dầu mỏ và khoáng sản phương Tây gồm Shell, ExxonMobil và Glencore. Thậm chí quốc gia giàu có về dầu mỏ như Nigeria cũng không thể tránh khỏi việc này. Chỉ trong năm 2014, các công ty Trung Quốc đã ký kết các hợp đồng xây dựng trên 70 tỷ USD tại châu Phi, mang lại cơ sở hạ tầng quan trọng, công ăn việc làm và thúc đẩy kỹ năng của nguồn lao động tại địa phương.

Các công ty công nghệ đã tập trung mở rộng sự phát triển tại địa phương. Hơn một thập kỷ trước, Tập đoàn viễn thông Hoa Vĩ đã thành lập Trường đào tạo West African tại thủ đô Abuja của Nigeria. Kể từ đó, tập đoàn này đã phát triển kỹ năng cho các kỹ sư địa phương – những người khởi động mạng lưới điện thoại di động đem đến cuộc cách mạng về công nghệ thông tin tại châu Phi. Câu chuyện đối với các lĩnh vực khác cũng tương tự: Nhóm Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc – Châu Phi (CARI) thuộc Đại học Johns Hopkins đã cố gắng định hình sự can dự của Trung Quốc vào châu Phi, phân tích ảnh hưởng của nó và đã phát hiện ra rằng các nhà máy của Trung Quốc tại Nigeria thuê nhân công Nigeria sản xuất vật liệu xây dựng, bóng đèn, đồ gốm và sắt thép từ các con tàu được vớt lên. Một quan chức Nigeria đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2009 “Trung Quốc đang ra sức can dự vào tất cả các thành phần kinh tế của chúng tôi”.

Điều bí ẩn thứ hai nằm ở mức độ can dự của Trung Quốc đối với lục địa này. Các nhà quan sát thường phóng đại quá nhiều về độ lớn của những khoản tiền – các khoản cho vay và hỗ trợ mà Trung Quốc cam kết đối với châu Phi và các nước đang phát triển. Cứ cho là như vậy thì Trung Quốc cũng không hề minh bạch về các dòng tài chính này. Trong khi các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hầu hết là các nước phát triển đều báo cáo về các cam kết hàng năm cấp nhà nước của họ thì Trung Quốc lại không làm thế. Tuy nhiên, Trung Quốc lại công khai số liệu tập hợp vài năm một lần và nó thấp hơn nhiều so với tin đồn. Từ năm 2010 – 2012, các khoản hỗ trợ của Trung Quốc đối với các nước khác tăng nhanh nhưng tổ số chỉ là 14,4 tỷ USD trên toàn thế giới.

So sánh con số này với một nghiên cứu của Rand Corp vào năm 2013 – tập đoàn này đã cố gắng đưa ra dự đoán về mức viện trợ của Trung Quốc bằng việc tập hợp dữ liệu từ các báo cáo, thì con số của nghiên cứu này đưa ra là 189,3 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2011. Có sự băn khoăn về việc họ tính toán như thế nào? Nghiên cứu của một hàng truyền thông nhận viện trợ của Trung Quốc đã đưa ra sự minh họa cụ thể: Năm 2010, nhà xuất bản Tendersinfo News đã báo cáo rằng một doanh nhân Trung Quốc đã ký kết 22 hợp đồng trị giá 250 triệu USD tại một diễn đàn kinh tế ở Ai Cập. Bỏ qua thực tế là chỉ một phần nhỏ các bản ghi nhớ như vậy có thể dẫn đến các dự án thật sự, ý kiến cho rằng các hợp đồng như vậy có thể xem như các cam kết hỗ trợ của Trung Quốc thì thật là ngớ ngẩn!

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã nỗ lực đánh giá số lượng các khoản viện trợ phát triển của Trung Quốc. Không như các nhà nghiên cứu thuộc Rand Corp, họ coi sự hỗ trợ chỉ bao gồm các khoản mà Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia viện trợ phân loại là viện trợ phát triển chính thức (ODA), ví dụ như các khoản hỗ trợ, cho vay. Họ ước tính mức viện trợ của Trung Quốc trong năm 2011 chỉ ở con số khiêm tốn là 4,5 tỷ USD.

Một ví dụ khác tương tự là câu chuyện kỳ lạ trên một tờ báo Hong Kong rằng Trung Quốc cam kết 1000 tỷ USD hỗ trợ châu Phi đến năm 2025, trong đó 70 – 80% đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Khi bài báo này xuất hiện, ngân hàng của Trung Quốc đã đăng lời phủ nhận trên mạng và thậm chí còn đe dọa sẽ có hành động pháp lý. Câu chuyện này vẫn được lan truyền. Số liệu từng không rõ ràng thì nay đã sáng tỏ: Để đạt được mục tiêu này cần phải có 83 tỷ USD mỗi năm. Mặc dù các ngân hàng Trung Quốc ngày càng chủ động trong hoạt động đầu tư ở châu Phi, dữ liệu về các khảon vay từ Trung Quốc cho thấy các cam kết tài chính của nước này trong vài năm gần đây chỉ khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Thậm chí mức chi phí này cũng khiến Trung Quốc phải cân nhắc rất nhiều khi đầu tư vào những nước đang gặp vấn đề nợ công tăng. Ví dụ vào năm 2014, Ghana đã hủy một nửa khoản vay trị giá 3 tỷ USD mà họ đã ký kết với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc 3 năm trước đó.

Điều bí ẩn dai dẳng thứ ba là các công ty Trung Quốc thuê nhân công chủ yếu là người của quốc gia họ. Tháng 7 vừa qua, khi nói chuyện với Đại sức của các nước châu Phi tại Ethiopia, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng “quan hệ kinh tế không chỉ đơn giản là xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn lao động nước ngoài”. Ai cũng biết ông Obama đang nói về Trung Quốc. Nhưng đây liệu có phải là mô tả chính xác về hoạt động kinh doanh của Trung Quốc? Trong nhóm các quốc gia dầu mỏ với ngành xây dựng đắt đỏ như Algeria, Guinea, Angola, các chính phủ này cho phép các công ty xây dựng Trung Quốc mang theo công nhân đến từ Trung Quốc. Nhưng tại các quốc gia khác thuộc châu Phi, phần lớn nhân công tại các công ty Trung Quốc là người dân địa phương. Học viện Bary Sautman và Yan Hairong có trụ sở tại Hong Kong khảo sát 400 công ty Trung Quốc hoạt động tại hơn 40 quốc gia ở Châu Phi. Họ phát hiện ra rằng trong khi vị trí quản lý và kỹ sư chính có xu hướng là người Trung Quốc thì hơn 80% công nhân là người địa phương. Một vài công ty còn thuê nhân công tới 99% là người địa phương.

Nghiên cứu tại Ethiopia cho thấy gần 4800 người Ethiopia được các công ty Trung Quốc thuê để xây dựng dự án tàu nội đô. Khoảng 4000 người Ethiopia khác làm việc tại Huajian, một nhà máy giày của Trung Quốc gần thủ đô Addis Ababa. Trong cả hai trường hợp trên, một số công nhân địa phương còn được gửi sang Trung Quốc để đào tạo nghiệp vụ quản lý. Điều này đem lại lợi ích kinh tế cho các công ty Trung Quốc. Để đưa công nhân từ Trung Quốc sang, họ phải trả lương cao hơn cộng thêm chi phí máy bay, phòng ngủ và tiền ăn. Tất nhiên vẫn có tình trạng căng thẳng xung quanh nhiều khu công nghiệp của Trung Quốc nhưng phần lớn xuất phát từ mâu thuẫn về lương và điều kiện làm việc chứ không phải vì chỗ làm cho người dân địa phương hay không.

Bí ẩn thứ tư là sự viện trợ của Trung Quốc là phương tiện đảm bảo quyền lợi về dầu mỏ và khai thác than. Như Richard Behar (phóng viên điều tra người Mỹ làm việc cho tạp chí Forbes) viết một bài báo vào năm 2008 cho rằng “Trung Quốc hỗ trợ các bệnh viện, đường ống nước, đập nước, đường tàu, sân bay, khách sạn, sân vận động, tòa nhà Quốc hội – tất cả theo cách nào đó đều liên quan đến việc tiếp cận với các nguồn khoáng sản thô”.

Nghiên cứu của Rand Corp được đề cập ở trên cũng gợi ý tương tự rằng “Trung Quốc có được nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên như là lợi nhuận thu được sau các khoản viện trợ”. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) năm 2009 đã kết luận “viện trợ nước ngoài của Trung Quốc được định hướng chủ yếu bởi nhu cầu tài nguyên thiên nhiên”.

Vào đầu năm nay, một nhóm các nhà nghiên cứu – những người đã theo dõi sát các cam kết viện trợ của Trung Quốc – thông báo rằng nhu cầu tài nguyên thiên nhiên không lý giải được chi tiết những cam kết này. Dữ liệu của họ chưa phát hiện ra trường hợp nào mà sự viện trợ của Trung Quốc lại trực tiếp dẫn đến sự nhượng bộ về khai thác than hoặc dầu mỏ. Chỉ có một hợp đồng nổi tiếng gần giống với điều này. Vào năm 2007, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo và hai công ty xây dựng Trung Quốc tham gia một dự án mạo hiểm nhằm khôi phục một mỏ khai thác đồng. Họ đã đàm phán với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về một khoản vay thương mại trị giá 6 tỷ USD, bảo đảm sẽ hoàn lại sau khi có lợi nhuận từ mỏ đồng này. Khoản vay này sau đó giảm xuống 3 tỷ USD và được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho hai công ty này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, rõ ràng lợi ích cốt lõi của các công ty Trung Quốc không phải là việc tiếp cận nguồn tài nguyên mà là tìm cách hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại một đất nước nghèo tín dụng.

Trong hầu hết các trường hợp khác khi mà ngân hàng Trung Quốc yêu cầu sự bảo đảm cho các khoản vay lớn ở châu Phi bằng nguồn thu đảm bảo thì đều không có mỏ than hay giếng dầu nào có liên quan đến Trung Quốc. Ví dụ như việc Ghana dùng sản lượng coca của người nông dân nhằm đảm bảo cho khoản vay trị giá 562 triệu USD để xây đập thủy điện. Tương tự như vậy, họ bảo đảm khoản vay 3 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc – khoản vay này sau đó giảm xuống một nửa – với việc xuất khẩu dầu mỏ cho công ty dầu mỏ đa quốc gia Anh Tullow Oil và các đối tác không phải là Trung Quốc. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Trung Quốc cung cấp khoản vay 1,5 tỷ USD được đảm bảo bằng dầu mỏ nhưng không có chút dầu mỏ nào được trả lại. Dầu mỏ được khai thác tại đó thuộc hai công ty châu Âu là Total (Pháp) và Eni (Italy).

Điều bí ẩn cuối cùng là Trung Quốc có nhu cầu không thể thỏa mãn đối với các vùng đất châu Phi và có lẽ sẽ có kế hoạch gửi một nhóm dân đến trồng trọt ở châu Phi sau đó chuyển nông sản về Trung Quốc. Năm 2012, Giám đốc Kinh tế thuộc Ngân hàng Phát triển châu Phi đã gọi Trung Quốc là “kẻ chiếm đoạt đất” tại châu Phi. Nhưng trong một cuốn sách xuất bản vào tháng 11, các nghiên cứu đã xem xét 60 trường hợp đầu tư nông nghiệp của Trung Quốc, kể cả tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Nghiên cứu này đã mất 3 năm khảo sát thực tế và tiến hành phỏng vấn trên hàng chục quốc gia. Kết quả cho thấy trong số 15 triệu ha được cho là do công ty Trung Quốc sử dụng thì thực tế tìm thấy bằng chứng có ít hơn 700.000 ha. Nông trại của Trung Quốc lớn nhất là nông trại cao su, đường và đồn điền cây gai dầu. Không có nông trại nào trồng lương thực để xuất khẩu sang Trung Quốc. Và tại Zambia – nơi có vài chục trang trại Trung Quốc để trồng trọt, nuôi gà cho thị trường địa phương – thì nghiên cứu cũng không tìm thấy thị trấn nào của người Trung Quốc.

Tạo nên những điều bí ẩn như vậy ngày càng gây khó khăn cho việc tập trung đánh giá một loạt vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên, bảo vệ các loài gặp nguy hiểm trong mối quan hệ Trung Quốc – châu Phi. Bị cản trở bởi những vấn đề khó khăn này, quan hệ hợp tác Trung – Mỹ trong vấn đề châu Phi sẽ không đi đến đâu. Nếu làm rõ được những bí mật trên, nó sẽ tạo ra một nền tảng cơ sở thông tin tốt hơn cho sự can dự của phương Tây với Trung Quốc ở châu Phi hoặc bất cứ nơi nào khác.

Nguồn: Foreign Policy (Mỹ) – 04/12/2015

TLTKĐB 23/12/2015

Deborah Brautigam, là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về yếu tố Trung Quốc tại châu Phi thuộc trường Đại học Johns Hopkins.

Nga đang “thế chân” Mỹ tại châu Phi


Sau một thời gian dài hầu như “không quan tâm” đến châu Phi, nhưng hiện nay Nga đang thực hiện chính sách tái trở lại “lục địa Đen” nhằm tăng cường quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự tại lục địa nhiều tiềm năng này.

Tại cuộc hội thảo về “Triển vọng và tiềm năng phát triển của châu Phi” vừa được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia mới đây, chuyên gia Mỹ Eugene Steinberg, trợ lý Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR) Mỹ, cho biết thực tế, trong suốt thời kỳ Liên Xô trước đây, Kremlin đã chú ý thúc đẩy quan hệ với châu Phi, ủng hộ các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, phi thuộc địa hóa. Đặc biệt Nga đã cung cấp và hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị quân sự cho các nước ở châu lục này.

Tuy nhiên, khi kỷ nguyên Liên bang Xôviết kết thúc đã khiến mối quan hệ vừa được thiết lập với châu lục này bị ảnh hưởng. Nga gần như không có sự hiện diện về chính trị, kinh tế và quân sự tại châu Phi từ thời gian đó đến nay. Tuy nhiên, sau hơn hai thập niên “vắng bóng”, hiện nay Nga đang tái thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Phi. Đặc biệt, châu lục này đang trở thành một trong những khu vực trọng tâm trong kế hoạch điều chỉnh chiến lược toàn cầu mới của Nga.

Chuyên gia Steinberg nhấn mạnh kể từ khi áp đặt các biện pháp cấm vận của phương Tây đối với Nga, kim ngạch thương mại Nga – châu Âu đã sụt giảm mạnh, trong khi đó châu Phi lại trở thành cơ hội và thị trường đầu tư, thương mại hấp dẫn đối với Moskva. Đáng chú ý là chính các quốc gia châu Phi cũng bày tỏ thiện chí và mong muốn nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Nga nhằm tăng cường xuất khẩu vào thị trường rộng lớn châu Âu này.

Mới đây, các quốc gia châu Phi như Nam Phi, CNDC Congo, Zimbabwe, Keynya, Ai Cập, Tunisia và Morocco đã thể hiện rõ mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Nga và sẵn sàng tăng trao đổi buôn bán song phương nhất là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp vào thị trường Nga. Đến nay, mặc dù tỷ trọng thương mại giữa Nga và châu Phi đứng ở mức rất “khiêm tốn” trong tổng kim ngạch thương mại của Nga, nhưng khối lượng trao đổi thương mại giữa hai bên đã tăng hơn 10 lần trong giai đoạn 2004 – 2014.

Theo số liệu thống kê vừa công bố của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), năm 2014, các tập đoàn, công ty Nga đã đầu tư 20 tỷ USD tại châu Phi thông qua các chương trình, dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng như năng lượng, khai khoáng, dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, đóng tàu, đánh bắt hải sản… Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn dầu khí Rostec của Nga tuyên bố thắng thầu xây dựng dự án lọc dầu, trị giá khoảng 4 tỷ USD tại Uganda. Dự án lớn này hứa hẹn mang lại cho Uganda cơ hội to lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế và trở thành một đối tác quan trọng của Nga tại khu vực rộng lớn này. Ngoài ra, Nga cũng vừa ký một hợp đồng lớn, trị giá hơn 3 tỷ USD với Zimbabwe tron việc thăm dò, khai thác mỏ bạch kim ở quốc gia miền Nam châu Phi này.

Tháng 8/2015, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga đã có những bước tiến tích cực trong việc tham gia thiết kế, xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân hiện đại tại Nam Phi và cam kết cung cấp hỗ trợ tài ch1inh cần thiết, trị giá gần 100 tỷ USD, cho quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai châu Phi để triển khai dự án quan trọng này. Theo các chuyên gia quốc tế, hiện nay nguồn điện năng của Nam Phi chủ yếu dựa vào các nhà máy nhiệt điện với nguồn nguyên liệu than đá, nên hiện nước này đang rất cần hiện đại hóa lĩnh vực năng lượng, nhất là điện hạt nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Bộ Năng lượng vừa trình Quốc hội, Nam Phi dự kiến khởi công xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên vào năm 2016, nhưng quốc gia và công ty trúng thầu vẫn chưa được công bố.

Ngoài ra, Nga cũng đang trở thành quốc gia cung cấp vũ khí quan trọng cho các nước Bắc Phi và khu vực miền Nam châu Phi. Các loại vũ khí của quốc gia châu Âu này đang có chiều hướng thay thế vũ khí của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), vốn đã phổ biến tại thị trường rộng lớn này trong nhiều năm qua, mặc dù giá cả, chi phí của các hợp đồng mua bán vũ khí cao. Hiện nay, các phân tích cho rằng vai trò của Mỹ tại châu Phi cũng đang suy giảm do nhiều nguyên nhân, nhất là trường hợp Mỹ từ chối đề nghị của Nigeria cho máy bay trực thăng tân công khu vực Cobra vào năm 2014 và Nigeria đã phản ứng lại bằng cách tạm ngừng toàn bộ chương trình tập huấn quân sự song phương nhằm chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram, đặc biệt quốc gia Tây Phi này đã quay sang mua các thiết bị quân sự của Nga, trong đó có máy bay chiến đấu. Hiện nay, Nga đang thay thế Mỹ đào tạo, huấn luyện cho lực lượng đặc biệt của Nigeria.

Chuyên gia Steinberg nhấn mạnh hiện phương Tây, nhất là Mỹ đang cố gắng làm giảm vai trò và ảnh hưởng của Nga vốn ngày càng lớn mạnh tại khu vực châu Phi rộng lớn khi chính sách trở lại “lục địa Đen” là một chiến lược lâu dài, chứ không phải là một chính sách mang tính ngắn hạn của Nga, nhất là trong tình hình thế giới đang rất phức tạp hiện nay.

Nguồn: TKT – số 395/2015

Châu Phi đang chứng tỏ tiềm năng phát triển


Samson Demissie Teffera

“Số phận” của châu Phi đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, mặc dù tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và thất thoát tài nguyên vẫn còn phổ biến. Những nhà lãnh đạo trên thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết hỗ trợ châu Phi và thúc đẩy lục địa này tham gia vào các diễn đàn toàn cầu. Một sự thay đổi sâu sắc đã và đang diễn ra tại châu Phi trong hơn một thập niên qua và điều này đã làm thay đổi lớn trong nhận thức của thế giới về châu lục này. Trước đó, tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới The Economist đã nhắc đến châu Phi trên trang nhất với tiêu đề đau xót: Lục địa bị bỏ quên. Năm 2011, tạp chí này đã đưa lên trang nhất một tuyên bố mạnh mẽ Châu Phi trỗi dậy. Và chỉ hai năm sau đó trên trang nhất lại một hình ảnh với tiêu đề Một châu Phi đầy khát vọng. Tờ The Economist không hề “đơn độc” trong việc nhận ra những biến đổi kinh tế và xã hội đang diễn ra ở châu Phi. Trong ấn phẩm nổi tiếng khác là tờ The New York Times số ra mới đây, ông David Leonhardt, một nhà phân tích nổi tiếng, nhấn mạnh: “Châu lục này đang trong giai đoạn đầu của một quỹ đạo mà có thể rất tương đồng với khu vực Mỹ Latinh, hay tham vọng hơn là giống như các nước mới nổi nhất ở khu vực châu Á… Châu Phi rút cuộc đã trở thành một phần của câu chuyện thần kỳ này”. Và câu chuyện này chính là việc mà các nền kinh tế châu Phi đã không còn là một phần lạc hậu của kinh tế thế giới. Một nghiên cứu năm 2014 của McKinsey & Company, công ty tư vấn quản lý toàn cầu có uy tín và tự hào là một cơ sở cung cấp tri thức cho 80% các tập đoàn lớn nhất thế giới, cho biết hiện tượng tăng trưởng kinh tế của châu Phi chủ yếu là do sự thay đổi cơ cấu tổ chức và quản lý. Các yếu tố chính đã thúac đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu của các quốc gia châu Phi, bao gồm sự linh hoạt và năng động của sức trẻ, cơ hội kinh doanh phát triển nhanh, lợi tức đầu tư (tính trung bình) cao hơn bất cứ khu vực đang phát triển khác. Đặc biệt là sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng của châu Phi và còn nhiều nguyên nhân khác. Trong khảo sát về sự hấp dẫn đầu tư ở châu Phi vào năm 2011, Ernst & Young tuyên bố: “Thời kỳ của châu Phi đã đến”. Khảo sát của E & Y vào năm 2015 lại nhấn mạnh: “Năm 2014, tỷ lệ của châu Phi trong đầu tư toàn cầu và cơ hội việc làm tại đây đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Trong các khu vực, chỉ có khu vực châu Á – Thái Bình Dương mới thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn châu Phi trong năm 2014. Từ đó có thể thấy châu Phi đã thu hút nguồn vốn FDI nhiều hơn cả Bắc Mỹ, Mỹ Latinh – vùng Caribê và Tây Âu. Đây là những khu vực mà trong lịch sử trước đó dòng vốn FDI cao hơn châu Phi rất nhiều.

Các đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và các bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB) đều tán thành với nhận định trên, thậm chí còn lạc quan hơn. Theo Economic Outlook của AFDB, ngoài dòng vốn FDI ngày càng tăng nhanh, kiều hối chuyển về châu Phi được dự báo sẽ lên đến 64,6 tỷ USD trong năm 2015, tăng gấp sáu lần so với năm 2000. Báo cáo của AFDB cũng nhấn mạnh rằng viện trợ quốc tế được đo bằng nguồn vốn ODA sẽ giảm xuống còn 54,9 tỷ USD trong năm 2015 và dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa. Đáng chú ý hơn là đang có sự thay đổi diễn ra trong các thảo luận về sự phát triển của châu Phi, mối quan hệ giữa châu Phi và phần còn lại của thế giới đã thay đổi với tư cách là nhà nhận tài trợ sang nhà tài trợ. Thật vậy, “Châu Phi đang chuyển ình và một lục địa “Đen” mới đang nổi lên”, như Tổng thống Obama đưa ra trong bài phát biểu lịch sử của mình tại Liên minh châu Phi (AU) tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia mới đây. Tổng thống Mỹ đã ghi nhận: “Là Tổng thống, tôi đã làm việc hết sức mình để biến đổi mối quan hệ giữa Mỹ và châu Phi. Do vậy, chúng tôi đang không chỉ thực sự lắng nghe người bạn châu Phi của chúng tôi mà còn làm việc cùng nhau như các đối tác bình đẳng. Tôi tin tưởng rằng sự trỗi dậy của châu Phi không chỉ quan trọng đối với bản thân châu lục này mà còn quan trọng với toàn bộ thế giới”. Ngay trước khi đưa ra những tuyên bố hùng hồn, Tổng thống Obama đã có các cuộc thảo luận đầy nhiệt huyết với cộng đồng châu Phi về các vấn đề có liên quan, trong đó có chủ đề được Giám mục Jesse Jackson gửi đến Tổng thống Obama. Ông Jesse Jackson kêu gọi Tổng thống Mỹ nên sử dụng bài phát biẻu lịch sử tại AU như là một đại diện cho tiếng nói của châu Phi trên các diễn đàn toàn cầu. Châu Phi đang thiếu đại diện trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) – một tổ chức có mục tiêu cơ bản là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên thế giới, cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển, đồng thời từ đó tạo ra các lợi ích cho người dân ở mọi quốc gia. Theo ông Jackson, châu Âu và Bắc Mỹ hiện đang chiếm 14% dân số thế giới, nhưng lại “sở hữu” gần 1/2 số ghế tại khối G20. Trong khi đó châu Phi, nơi có dân số chiếm tới 16% dân số toàn cầu nhưng chỉ có một đại diện là Nam Phi. “Việc thiếu vắng đại diện châu Phi trong G20 dẫn tới việc thiếu vắng ở các diễn đàn kinh tế quốc tế lớn khác như Diễn đàn B20 cho doanh nghiệp và các diễn đàn C20 cho xã hội. Khối B20 cung cấp mối liên kết giữa sự hoạch định chính sách toàn cầu và cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới. Thông qua diễn đàn C20, công dân các quốc gia trong G20 có tiếng nói trong các cuộc thảo luận về việc hoạch định, thúc đẩy phát triển nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều nhà lãnh đạo quốc tế cho rằng Tổng thống Barack Obama đã và đang chứng minh cho thế giới thấy rằng sẽ không thể giải quyết được những thách thức của thời đại mới mà không có tiếng nói và sự đóng góp của người dân châu Phi. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ đã sử dụng vị thế chính trị quốc tế to lớn của mình để làm một việc chưa từng có tiền lệ là minh chứng cho sự trỗi dậy của lục địa “Đen” và nhiều người dân nơi đây cũng đang hy vọng ông Obama sẽ góp phần mang lại sự phát triển và hạnh phúc cho châu lục này.

Nguồn: The Diplomat

TKT 15/09/15

An ninh lương thực đối với châu Phi


An ninh lương thực là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển và phát triển nhưng sự khác biệt nằm ở tầm quan trọng của vấn đề và tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng. Đối với các nước phát triển, thách thức đối với an ninh lương thực có thể được giải quyết thông qua các biện pháp can thiệp như viện trợ lương thực, chiến lược cứu trợ trực tiếp như phát trợ cấp lương thực hay gián tiếp thông qua hỗ trợ sản xuất lương thực. Những biện pháp tương tự như vậy cũng được áp dụng tại các nước đang phát triển với tỷ lệ thành công thấp hơn. Đối với những khu vực không được đảm bảo về an ninh lương thực, đặc biệt tại những nước đang phát triển ở châu Phi, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề có thể là do người nghèo không có khả năng tiếp cận với nguồn lương thực.

Tiến bộ trên toàn cầu hướng đến đạt mục tiêu an ninh lương thực

An ninh lương thực là một khái niệm không cố định và được phản ánh trong nghiên cứu và xây dựng chính sách. Khái niệm này có thể được định nghĩa là có sự tiếp cận đầy đủ vào mọi thời điểm đối với thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng nhằm duy trì cuộc sống năng động. Khái niệm này được xây dựng dựa trên 3 yếu tố chính:

Tính sẵn có của lương thực: nghĩa là đảm bảo đủ số lượng, chất lượng thực phẩm và nguồn cung cấp đa dạng.

Tiếp cận lương thực: là khả năng người dân có lương thực vốn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chi phối như cơ sở hạ tầng và sở thích của người tiêu dùng.

Sử dụng lương thực: là việc sử dụng lương thực phù hợp trên cơ sở kiến thức về dinh dưỡng và chăm sóc cơ bản cũng như có sự tiếp cận đầy đủ về nước và vệ sinh môi trường.

Kết quả là an ninh lương thực được xem là một vấn đề phức tạp liên quan đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế bền vững, môi trường và thương mại.

Năm 1996, Hội nghị Thượng đỉnh lương thực thế giới (WFS) đã đưa ra mục tiêu đến năm 2015 giảm một nửa tỷ lệ người dân thiếu lương thực trên thế giới. Sau đó mục tiêu này đã được Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ năm 2000 thông qua. Tháng 6/2002, tại Hội nghị Thượng đỉnh lương thực thế giới, những tiến bộ và thành tựu đạt được đã được xem xét đánh giá rất kỹ lưỡng. Trên cơ sở phân tích những xu hướng mới nhất cho thấy không nhiều khả năng sẽ đạt được các mục tiêu này. Lương thực cung cấp cho người tiêu dùng, trực tiếp đã tăng 19% trong khoảng thời gian 1960 – 1996, tuy nhiên nguồn cung lương thực không đồng đều. Trong suốt thập niên 1990, mức tăng trưởng bình quân đầu người về sản lượng nông nghiệp trên thế giới đã chậm lại. Ví dụ, sản lượng ngũ cốc thế giới là 342 kg/người vào giữa những năm 1980, đã giảm xuống còn 311 kg/người vào giai đoạn 1993 – 1995. Và sản lượng thu hoạch ngũ cốc trong năm 2012 đã giảm 2,7% so với năm 2011. Từ năm 1995 – 1997, ước tính khoảng 820 triệu người bị suy dinh dưỡng, 96% trong số này sống tại các nước đang phát triển. Cho dù con số này giảm đi 40 triệu so với giai đoạn 1980 – 1982 nhưng sự cải thiện này được xem là không đồng đều tại nhiều quốc gia. Mặt khác, những nước còn lại tăng lên đến 60 triệu người suy dinh dưỡng. Sự sụt giảm con số trên là quá thấp để đạt được các mục tiêu của WFS trong việc giảm tỷ lệ người suy dinh dưỡng xuống còn một nửa trong năm 2015 và điều này có nghĩa cần phải giảm 20 triệu người suy dinh dưỡng mỗi năm cho đến năm 2015.

Mặc dù có sự cải thiện ở một số nước, nhưng nhiều quốc gia châu Phi rất quan ngại về an ninh lương thực và vấn đề này càng trở nên khó khăn hơn từ năm 1970, đặc biệt tại khu vực cận sa mạc Sahara châu Phi (SSA), nơi tỷ lệ dân số suy dinh dưỡng luôn ở mức 33% – 35%. Con số này cũng thể hiện khác nhau ở từng khu vực, thấp nhất là tại Bắc Phi (4%) và cao nhất tại Trung Phi (40%). Theo ước tính, khoảng 70% dân số châu Phi không được đảm bảo về lương thực sống tại khu vực nông thôn và 30% còn lại là người nghèo ở đô thị.

Các chỉ số an ninh lương thực

Ủy ban về An ninh lương thực của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) đã tổng kết có sáu chỉ số sau khi nghiên cứu thị trường ngũ cốc thế giới, đó là: tỷ lệ sử dụng ngũ cốc thế giới; tỷ lệ các nguồn cung đối với nhu cầu trong năm nước xuất khẩu chính; tỷ lệ đóng góp vốn trong năm nước xuất khẩu chính đối với lượng tiêu thụ trong nước cộng với xuất khẩu; sản lượng ngũ cốc tại ba nhà nhập khẩu chính Trung Quốc, Ấn Độ và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG); sản lượng ngũ cốc tại các nước thiếu lương thực có thu nhập thấp (LIFDC); và sản lượng tại các nước LIFDC ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ.

Một khó khăn quan trọng trong việc giải thích các chỉ số này là không đề cập đến khả năng của một nước để đáp ứng những yêu cầu nhập khẩu đang tăng lên. Các nước đang phát triển nhìn chung phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến thương mại. Giá cả của các mặt hàng xuất khẩu thiết yếu của các nước đang phát triển giảm theo thời gian so với hàng hóa nhập khẩu. Một vấn đề nữa liên quan đến lĩnh vực này là sự khó dự đoán về giá cả của những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là hàng nông nghiệp xuất khẩu. Giá cả được thị trường xác định, vượt quá ảnh hưởng hay tầm kiểm soát của những nước phát triển. Hơn nữa, sản lượng hàng hóa nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu như hạn hán và mưa lũ, làm thiệt hại hay làm giảm đáng kể sản lượng nông nghiệp.

Những thách thức đối với an ninh lương thực của châu Phi

Cứ 4 người tại châu Phi thì có 1 người bị suy dinh dưỡng, và 90% sản lượng lương thực của SSA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa. Điều này làm cho việc sản xuất nông nghiệp tại khu vực này dễ bị ảnh hưởng do sự thay đổi điều kiện thời tiết. Thay đổi của môi trường đã khiến thời tiết biến đổi và tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực, đặc biệt tại khu vực dễ bị tổn thương nhất của châu Phi, khu vực SSA chiếm phần lớn trong số này. Tại các nước đang phát triển ở châu Phi, nông nghiệp vẫn là khu vực kinh tế lớn nhất, do đó các thỏa thuận quốc tế về nông nghiệp là rất quan trọng trong việc duy trì các mục tiêu an ninh lương thực của quốc gia. Những lo ngại này đã khiến các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra khuyến cáo về đàm phán thương mại đối với các hiệp định nông nghiệp, từ đó cho phép các nước đang phát triển được đánh giá lại và tăng thuế trên các sản phẩm chủ chốt nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và việc làm. Toàn cầu hóa khiến cho các nước được hưởng lợi từ dòng vốn luân chuyển, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu rẻ hơn và thị trường xuất khẩu lớn hơn về dài hạn. Tác động của toàn cầu hóa phụ thuộc và mức độ phát triển kinh tế, cấu trúc từng nước trong giai đoạn thực hiện toàn cầu hóa và tính linh hoạt của nền kinh tế. Toàn cầu hóa đi cùng với tự do hóa thị trường.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tiếp cận các nguồn phân bón có thể bị hạn chế bởi tự do hóa thị trường và các chính sách thương mại làm tăng giá phân bón, dẫn đến tăng giá hàng tiêu dùng. Tại châu Phi, một trong số những nguyên nhân dẫn đến xói mòn đất là sự hạn chế việc thực hiện chiến lược bổ sung phân bón cùng với các biện pháp bảo tồn đất và nước. Các hộ nông dân nhỏ sản xuất ở châu Phi sản xuất hơn 90% nguồn cung cấp lương thực cho châu lục. Tại các nước đang phát triển ở châu Phi, nông nghiệp chiến 9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhưng lại chiếm hơn một nửa tổng số việc làm. Tại những nước nơi mà hơn 34% dân số bị cho là suy dinh dưỡng, nông nghiệp có thể chiếm hơn 30% GDP. Ví dụ như Yêmen, quốc gia có khoảng 2/3 dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp (gồm cả hai lĩnh vực cây trồng và chăn nuôi) để duy trì cuộc sống. Người dân nông thôn chiếm 85% dân số nhưng chỉ chiếm 3% đất canh tác và tỷ lệ nhỏ nhoi đất trồng trọt này đang nhanh chóng trở nên cạn kiệt do khai thác quá mức, xói mòn và tăng dân số. Việc này đã làm gia tăng thêm áp lực lên các cộng đồng dân cư nghèo khó và dễ bị tổn thương. Những yếu tố khác như biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, thất nghiệp, trình độ học vấn thấp, tỷ lệ cao về không đảm bảo an ninh lương thực và suy dinh dưỡng càng làm trầm trọng thêm tình hình hiện nay tại Yêmen. Không thể làm giảm nguy cơ về mất an ninh lương thực mà không thay đổi chất lượng cuộc sống. Một trong những giải pháp cho vấn đề này là phải tăng năng suất nông nghiệp, tạo thêm việc làm ngoài lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Các giải pháp

Các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực có thể trực tiếp liên quan đến nghèo đói. Bước đầu tiên hướng đến cách tiếp cận toàn diện là phải hiểu được đặc điểm của cộng đồng và đặc điểm từng loại hộ gia đình. Đối với người nghèo (từ đô thị đến nông thôn) đều cần phải: có biện pháp hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng; tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường lương thực; cho phép xây dựng các nguồn lực về lương thực; khuyến khích phát triển giống có năng suất cao; xây dựng các chính sách chiến lược; tạo ra các cơ hội phi nông nghiệp; có chiến lược quản lý hiệu quả với nông nghiệp. Để giải quyết vấ đề dinh dưỡng và các đối sách chiến lược, điều cần phải bàn đến ở đây là không cần thiết đối với một quốc gia phải phát triển tất cả các loại cây lương thực mà chỉ cần những loại cây cần thiết. Điều này có nghĩa quốc gia đó có khả năng kiếm đủ tiền từ xuất khẩu hàng hóa để trả cho việc nhập khẩu lương thực. Nguyên tắc này được định nghĩa là “tự túc lương thực”. Nó cũng có nghĩa là một quốc gia phải tự chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Các biện pháp có thể và nên làm bao gồm cả việc bảo hộ cho nông dân trong nước. Không phải tất cả các nước đều có thể hy vọng tự cung tự cấp khi cơ hội xuất khẩu hạn chế và giá lương thực tăng cao so với sản xuất trong nước. Đây là trường hợp xảy ra đối với các nền kinh tế nhỏ. Vì lý do này, các chính phủ nên thiết lập một khu vực có tiềm năng về nông nghiệp và xác định các nhu cầu lương thực có thể đáp ứng. Cải cách nông nghiệp có lợi ích rất lớn và có thể gia tăng sản lượng thông qua tăng cường lợi nhuận dự trữ và đảm bảo giá lương thực thấp hơn trong thời điểm hiện tại. Các nhà phân tích cho rằng châu Phi nên tập trung vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển. Giáo dục không chỉ có lợi về khả năng đọc viết mà còn là công cụ để mọi người giao tiếp.

Trọng tâm của nhiều chính phủ châu Phi là mở cửa thị trường. Tuy nhiên, lợi ích dự kiến của tự do hóa thương mại toàn cầu đến nay rất hạn chế tại vùng cận sa mạc Sahara châu Phi. Tăng thu nhập từ tự do hóa thương mại chỉ có lợi cho những nước có lợi thế cạnh tranh.

Tại các nước đang phát triển ở châu Phi, khuôn mẫu hiện nay vẫn còn tồn tại là phụ nữ đóng vai trò chính trong hộ gia đình và do đó chịu trách nhiệm cuối cùng cho chế độ dinh dưỡng cơ bản. Việc trao quyền cho phụ nữ nông thôn có thể khiến vấn đề thêm phức tạp khi việc chăm sóc gia đình phải được đảm bảo rằng người đàn ông không được đứng bên lề của vấn đề này. Điều này cũng có thể được hiểu rằng những biện pháp can thiệp của phương Tây có thể đi ngược lại tập quán văn hóa trong các hộ gia đình, xâm phạm đến vai trò của đàn ông.

Nguồn sinh sống tại nông thôn không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp mà có thể khai thác từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này thường được gọi là cơ hội phi nông nghiệp nông thôn. Phi nông nghiệp nông thôn là một đóng góp quan trọng đối với nguồn sinh sống của nhiều người dân tại các nước châu Phi. Một số nghiên cứu cho thấy thu nhập phi nông nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn trong thu nhập của họ gia đình. Do đó, tạo công ăn việc làm hay sự sẵn có của các việc làm phi nông nghiệp có thể hạn chế tình trạng người nông thôn di cư vào đô thị.

Một phần vai trò của công tác quản lý là xây dựng các chương trình giúp đỡ cho các đối tượng dễ bị tổn thương. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các quyết định liên quan đến đầu ra và sẽ ảnh hưởng tổng thể đến chất lượng cuộc sống. Các chương trình trợ giúp sẽ giải quyết những rủi ro với đối tượng dễ bị tổn thương và nâng cao các biện pháp phòng ngừa xã hội. Những chương trình hỗ trợ cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương phải được triển kha để chống lại sự rủi ro đến kế sinh nhai của họ và duy trì mức độ phù hợp về tiêu thụ thực phẩm, đồng thời cải thiện an ninh lương thực tổng thể. Các chương trình này cũng hộ trợ các hộ gia đình đối phó với các vấn đề tiêu cực có thể làm cạn kiệt các tài sản của họ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách hỗ trợ cho nông dân cũng có thể làm giảm bớt khó khăn thanh khoản cho các hộ sản xuất nhỏ, thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp, bồi dưỡng chiến lược tạo thu nhập và tạo ra các hiệu quả nhân rộng đối với kinh tế địa phương. Người nông dân ở các nước châu Phi thường có liên kết xã hội mạnh mẽ và tuân thủ sự lãnh đạo của người đứng đầu trong cộng đồng.

Kết luận

Dựa trên định nghĩa về an ninh lương thực với ý nghĩa là quyền tiếp cận đầy đủ mọi lúc để đảm bảo thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng nhằm duy trì cuộc sống năng động, các nước châu Phi sẽ phải tìm các giải pháp bền vững để nuôi dưỡng các hộ gia đình “có nguy cơ”. Những kiến thức về thiếu hụt an ninh lương thực sẽ có được qua tìm chọn các giải pháp thay thế như công nghệ và nguồn lực để phổ biến thông tin đến các hộ gia đình đang có “nguy cơ” mà chỉ riêng việc tăng trưởng kinh tế không thể giải quyết được vấn đề an ninh lương thực. Đối với các nước đang có nội chiến, không chỉ làm ảnh hưởng đến kinh tế mà còn khiến người dân phải rời bỏ đất nước. Do đó, vấn đề lớn lao này chỉ có thể được giải quyết thông qua các cam kết của chính phủ và thể chế chính trị khác cũng như thực hiện đầy đủ các mục tiêu có liên quan. Vai trò quan trọng của các nước cung cấp viện trợ lương thực cũng không thể được bỏ qua. Báo cáo phát triển nguồn nhân lực năm 2012 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã cho thấy “an ninh lương thực nên được thúc đẩy bằng việc xây dựng sự tin cậy khi đối mặt với những khó khăn”. Do đó, nên trao quyền cho người dân để đưa ra quyết định và dự báo bất kỳ trở ngại nào trên con đường đảm bảo những quyền lợi cơ bản như tiếp cận lương thực, thu nhập, y tế và giáo dục.

Nguồn: Mạng tin châu Phi

TLTKĐB 16/02/13