Thị trường hóa quá mức nhà ở và hậu quả xã hội của nó – Từ vấn đề nhà ở của Engels nhìn tiêu dùng nhà ở của cư dân trung hạ lưu thành thị – Phần IV


Đáng cảnh tỉnh là, mấy năm gần đây, bất động sản dường như trở thành điều kiện chọn bạn đời quan trọng hơn, ít nhất là không kém con người. Phân tích của Viện Nghiên cứu Hôn nhân Gia đình Hắc Long Giang về 400 trường hợp quảng cáo cầu hôn đăng trên một tờ báo cấp tỉnh của tỉnh này từ tháng 10 năm 2006 đến tháng 6 năm 2007 cho thấy: hai giới nam nữ đều trí coi tuổi tác, chiều cao và tình trạng kinh tế là 3 chỉ tiêu hàng đầu; so với nam, nữ càng coi trọng tình trạng kinh tế (48%) và nhà ở (25,5%). Nhà ở, tình trạng kinh tế chiế 2 trong 3 điểm nóng trong lựa chọn bạn đời.

“Điều tra tình yêu và hôn nhân cư dân mạng Trung Quốc năm 2008” công bố ngày 13 tháng 2 năm 2008, về nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến tình yêu và hôn nhân, trong số 154386 người được điều tra, 72562 người chọn điều kiện vật chất, chiếm 47%; 40140 người chọn hợp tính nhau, chiếm 26%; 22695 người chọn độ hài hòa về tính dục, chiếm 14,7%; 12505 người chọn bối cảnh gia đình, chiếm 8,1%; 6484 người khác, chiếm 4,2%. Tại mấy kỳ Hội tương thân của những người cổ cồn trắng tổ chức tại Thượng Hải, những câu hỏi được xếp ở 3 vị trí đầu là: 1) Bạn mua nhà rồi phải không? 2) Bạn vay tiền mua nhà phải không? 3) Tiền vay mua nhà của bạn còn bao nhiêu? ở góc tương thân, nhà ở và việc làm của bạn trai trong tầm ngắm là nhân tố mà rất nhiều bạn nữ cân nhắc trước tiên. Xét về mặt khách quan, trên thị trường hôn nhân Thượng Hải hiện nay, có một “quy tắc ngầm” bất thành văn gắn liền với nhà ở: phòng ở của con cái tuyệt đại đa số là do bố mẹ bên nam mua, ít nhất là do bố mẹ bên nam và con trai chịu trách nhiệm trả trước một phần, phần còn lại thì do bên nam hoặc hai bên cùng chịu, con gái Thượng Hải đặc biệt coi trọng tình trạng nhà ở của bên nam.

6/ Nhà ổ chuột và các vụ án ở Thượng Hải

Sự lưu hành tiểu thuyết Nhà ổ chuột và cơn sốt về bộ phim truyền hình này là một trong các sự kiện văn hóa có ảnh hưởng xã hội nhất năm 2009. Bối cảnh câu chuyện Nhà ổ chuột là Thượng Hải, nhưng nó phản ánh tình hình thực tế và môi trường sinh thái phát sinh những năm gần đây của rất nhiều thành phố lớn toàn Trung Quốc. Ở đây có các quan tham lọc lõi, các hộ đinh bị hại, các nhà khai thác lòng dạ đen tối, những người lao động trí óc nhỏ bị vấn đề nhà ở đè nặng thở không ra hơi. Vì viết chân thực và xúc động nên gây cộng hưởng và thảo luận lâu dài và mạnh mẽ. Kho dữ liệu dân ý của báo Phương Đông buổi sáng (Dongfang zaobao) đã điều tra 1034 công dân trưởng thành về vấn đề “nạn mua nhà” mà Nhà ổ chuột phản ánh. Trong đó 77,57% người được hỏi cho rằng vấn đề “nạn mua nhà” mà Nhà ổ chuột phản ánh là có tính phổ biến ở Thượng Hải; 72,24% công dân thẳng thắn nói, giá nhà ở Thuợgn Hải “cao quá mức, không chịu nổi”. Bí thư thị ủy Thượng Hải Du Chính (Yu Zheng) nói, không những ông đã xem Nhà ổ chuột, mà tại hội nghị cán bộ còn khuyến khích mọi người xem để thể nghiệm tình trạng khó khăn về nhà ở. Ngoài khó khăn kinh tế, những khó khăn nẩy sinh xung quanh vấn đề nhà ở càng phản ánh nhân sinh quan và giá trị quan méo mó dưới sự chèn ép của giá nhà cao.

“Nhà ổ chuột” là chỉ không gian chật hẹp đến mức nghẹt thở mà người ta phải cư trú. Bất luận đô thị phồn hoa thịnh vượng như thế nào, dân chúng bình thường đều sống tù bức như con ốc sên vậy. Nhà ổ chuột kể câu chuyện hai chị em tình cảm tốt đến mức đổi áo cho nhau mặc, từ ngoại tỉnh đến thành phố lớn tìm không gian cư trú yên ổn để theo đuổi công việc suốt đời mình. Cô chị là Hải Bình (Hai Ping) và chồng là Tô Thuần (Su Chun) sau khi tốt nghiệp đại học ở lại thành phố phấn đấu. Được coi là cổ cồn trắng nhưng hàng ngày bớt ăn bớt mặc vẫn kông mua nổi căn hộ mơ ước.

Sau ki quyết tâm nhà tại Thái Thương bên ngoài Thượng Hải, cuộc sống như là ác mộng. Hải Bình “mỗi ngày mở mắt là có một chuỗi con số nảy ra trong óc: nợ nhà 6 nghìn, ăn mặc hết 2 nghìn rưỡi…” Cứ thế trở thành một “nô lệ nhà” làm thuê cho một ông chủ ngân hàng khác. Dưới sức ép nặng nề của đồng tiền, cảm thấy mình sống rất chán nản và trút nỗi buồn chán trong lòng mình sang cho chồng là Tô Thuần và rút ra được một quan niệm mới về giá trị, cuộc sống và tình yêu. Cô ta bảo cô em Hải Tảo (Hai Zao): “Chị bảo cho em biết, tình yêu, tình yêu, đó chỉ là trò bịp của đàn ông đối với đàn bà. Những gì là “anh trao trái tim cho em, em sẽ mãi mãi có anh”, đó chỉ là thuật che mắt của một kẻ nghèo rớt mùng tơi. Đó là anh ta chẳng có gì nên chỉ nói mấy lời đường mật. Đàn ông nếu thực sự yêu một người phụ nữ thì đừng nói những lời trống rỗng. Anh yêu người phụ nữ này, cái thứ nhất cần cho không phải là trái tim của anh, cũng không phải là thân thể của anh, mà một là chồng lên một chồng tiền để cho người phụ nữ không phải lo lắng về tương lai; hai là tặng một căn nhà, ít nhất là khi không có được người đàn ông, lòng mất mát, thân thể vẫn còn có nơi để ở”. Không rõ là chủ động bao nhiêu bị động bao nhiêu, một cô Hải Tảo từng chân chất đáng yếu đã biến thành một cô bé sùng bái tiền trong ca khúc của Madonna, quan niệm và hành vi cũng phát sinh biến đổi, kết quả cô ta rời xa Tiểu Bối (Xiao Bei) vốn yêu mình sâu sắc để lao vào lòng Tống Tư Minh (Song Siming) nhiều nhà nhiều tiền, quyền thế hiển hách, làm “bà hai” trong tòa chung cư sang trọng. Điều khiến người ta có ấn tượng sâu sắc là, rất nhiều bạn trẻ vô cùng yêu thích Tống Tư Minh đa tình đa nghĩa, thoải mái hào phóng, hâm mộ cuộc sống hào hoa thoải mái, không lo chuyện tiền nong của Hải Tảo. Có thể thấy sức ép của nhà ở và sức cuốn hút của chủ nghĩa sùng bái tiền trong xã hội này là to lớn chừng nào.

III/ Bất động sản với tính cách chính sách xã hội chứ không phải chính sách kinh tế: Tiến tới xây dựng xã hội người tiêu dùng

Để giải quyết vấn đề nan giải về nhà ở, có rất nhiều phương án chính sách có thể lựa chọn. Mao Vu Thức (Mao Yushi) cho rằng, tiền đồ duy nhất bất động sản là trở về thị trường. Từ sau khi Trung Quốc hàng hóa hóa nhà ở, ngành bất động sản đã tạo ra nguồn của cải to lớn, người mua nhà vào ở nhà mới, nhà khai thác cũng kiếm được tiền, toàn xã hội vì vậy mà giàu lên. Giá nhà ở cực kỳ không bình thường là do chính quyền một số địa phương thao túng từ bên trong, nâng giá đất lên, có một phần lớn tiền mua nhà của nugời mua trở thành thu nhập của chính quyền từ bán đất. Để cho chính quyền rút ra, để cho cung cầu trên thị trường trực tiếp gặp nhau, khoản chi phí này sẽ có thể giảm đi rất nhiều. Còn quan điểm để cho chính quyền trợ cấp giúp mọi người mua nhà là hoàn toàn sai lầm. Trái lại Lỗ Phẩm Việt (Lu Pinyue) cho rằng, đầu cơ bất động sản, vốn luân chuyển trong ngàoi nước tràn lan là bàn tay vô hình cướp đoạt thị trường nhà ở, chính phủ quyết không thể áp dụng chủ nghĩa tự do buông thả đối với thị trường bất động sản, mà cần can thiệp sâu vào thị trường bất động sản: khi vận dụng lưu lượng tiền tệ để thúc đẩy kinh tế phát triển, cần xác lập cơ chế giám sát, quản lý dòng chảy của vốn, nâng đỡ nhu cầu hữu hiệu của công dân về nhà ở, kiềm chế đầu cơ bất động sản. Viên Vĩ Thời (Yuan Weishi) thì cho rằng, phương hướng lớn về cải cách thị trường hóa nhà ở tại Trung Quốc là đúng, phương hướng thị trường hóa nhà ở không được dao động, nhưng không tìm được lối ra từ kinh nghiệm địa phương. Ông nhận thấy 80% nhà ở của Singapore đều được giải quyết thông qua chính phủ hoặc các công ty trực thuộc chính phủ, 40% dân số Hương Cảng ở trong các chung cư do chính phủ xây dựng. Trong vấn đề nhà ở của các quốc gia và khu vực này, chính phủ gánh lấy trách nhiệm, thông qua việc xây dựng các hình thức nhà chung cư đã giải quyết được khó khăn của các tầng lớp trung hạ lưu. Trung Quốc đại lục có thể tham khảo những kinh nghiệm này, nếu chính phủ có thể đảm đương xây dựng khoảng 30% nhà ở dùng để giải quyết vấn đề nhà ở của tầng lớp trung hạ lưu khó khăn nhất thì sẽ đóng được vai trò khá lớn trong việc ổn định giá nhà.

Những kiến nghị chính sách này có ý nghĩa và giá trị xây dựng quan trọng. Nhưng cũng có chỗ sai lầm. Nói khái quát, Mao Vu Thức (Mao Yushi) tiếp tục kiên trì con đường thị trường hóa và vận dụng thêm một bước phương án thị trường hóa vào bất động sản, nhưng không cân nhắc đầy đủ đến tính bên ngoài của thị trường, dù là thị trường hóa và thương mại hóa với quyền tài sản rõ ràng, nếu mất đi công bằng xã hội cũng có thể đi tới hiệu ứng Matthew: người nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu. Lỗ Phẩm Việt (Lu Pinyue) nhấn mạnh việc chính phủ kiềm chế vốn luân chuyển và đầu cơ, như tăng thuế giao dịch, tăng lãi suất tiền cho vay mua căn nhà thứ hai hoặc các căn nhà tiếp theo…, nhưng trước đây, sau khi thực thi các biện pháp tương tự cũng đã từng phát sinh tình huống tác dụng nhỏ bé, hơn nữa hướng suy nghĩ này chú trọng kỹ thuật, bỏ qua cấp độ lớn lao hơn, quan trọng hơn. Thí dụ những nhà đầu tư chân chính rõ ràng là có vốn lớn, không bị hạn chế bởi tiền cho vay mua nhà và thuế. Viên Vĩ Thời (Yuan Weishi) chú trọng trách nhiệm của chính phủ, nhưng ở Trung Quốc hiện nay, thông qua chính phủ hay các công ty trực thuộc chính phủ để giải quyết vấn đề khó khăn về nhà ở của các tầng lớp trung hạ lưu đông đảo rõ ràng là một vườn ươm lớn khác làm nẩy sinh tham nhũng, hình thành bữa đại tiệc tham nhũng từ các công trình công cộng; đồng thời cũng dễ dàng hình thành “hệ thống tồn tại song hành hai quỹ đạo” là thị trường cung cấp bất động sản và chính phủ, gây tổn hại nặng cho những thành quả thời kỳ đầu cải cách nhà ở. Quan trọng hơn là, những kiến nghị chính sách này phần nhiều dựa trên những cân nhắc về kinh tế, kỹ thuật hay chính trị, đối với sự thiếu hụt nhà ở, sự tăng vọt giá nhà với tính cách là một mặt của vấn đề xã hội  phần lớn đều bị bỏ qua.

(còn tiếp)

Người dịch: Viễn Phố

Nguồn: TN 2014 – 74, 75 76

Thị trường hóa quá mức nhà ở và hậu quả xã hội của nó – Từ vấn đề nhà ở của Engels nhìn tiêu dùng nhà ở của cư dân trung hạ lưu thành thị – Phần III


Tình trạng nhà ở của quần thể sinh viên mới tốt nghiệp, trong đó kể cả “họ kiến”, chẳng khá hơn là bao so với những di dân nông thôn ra thành thị này. Có một số quần thể tốt nghiệp sinh đại học ở lứa tuổi “8x” thu nhập thấp tụ cư hình thành nên “họ kiến”, quần thể này có rất nhiều đặc điểm giống như kiến: thông minh, nhỏ yếu, sống thành bầy. Tại các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu, Tây An… quần thể này đều tồn tại với quy mô lớn. Tại các “thôn tụ cư” mà họ sinh sống như Đường Gia Lĩnh (Tangjialing), Tiểu Nguyệt Hà (Xiaoyuehe), Mã Liên Oa (Malienwa), điều kiện ăn ở sơ sài, môi trường tồi tệ. Ở đây, các loại cửa hàng cửa hiệu liên doanh không phép như quán cơm nhỏ, hiệu làm tóc nhỏ, xưởng thủ công nhỏ, phòng khám nhỏ, quán cà phê Internet nhỏ, cửa hiệu đồ dùng người lớn và quán giải trí cấp thấp… tập trung rất nhiều và tăng lên một cách lộn xộn, các vụ án hình sự như đột nhập trộm cắp, cướp của, đánh lộn thường xuyên xảy ra, tình hình đời sống rất đáng lo ngại. Môi trường đó rõ ràng thuộc về một thế giới hoàn toàn khác với những quán bar sang trọng, các cửa hiệu chuyên bán hàng tinh chế, quán cà phê hạng sang, hội quán, câu lạc bộ… Những người sống trong hai loại môi trường cũng rất ít giao lưu đi lại với nhau trong đời sống thường ngày, thuộc các mạng quan hệ xã hội tách biệt nhau.

3/ Giá nhà và ác quỷ trong đời sống thường ngày

Trong 7 năm tác giả sống ở Thượng Hải, ít có cuộc tụ họp đồng nghiệp hay bạn bè nào mà không nói tới chuyện nhà ở và giá nhà. Là lý tưởng an cư lạc nghiệp cơ bản nhưng đối với không ít người lại là ác mộng thường xuyên xảy ra. Thỉnh thoảng nghe được những câu chuyện như thế này: một bác sĩ ở tuổi 30 vì không có nhà ở cảm thấy xấu hổ, thấp kém một bậc giữa đồng nghiệp; một sinh viên vừa mới tốt nghiệp hai năm làm việc trong công ty tuyển mộ chuyên viên giỏi hỏi dò bạn thân tín về giá một loại chất kích thích, bởi vì cô ta đang tính toán mua nhà mà tích lũy trong tay có hạn; một cặp tình nhân vì một bên để mất cơ hội mua nhà năm 2003, cuối cùng họ không đi tới lâu đài hôn nhân; mấy sinh viên tỉnh ngoài đến thành phố làm việc, vì không chịu được sức ép của giá nhà, cảm thấy đời sống bấp bênh, buộc phải trở về tỉnh nhà tìm lối thoát khác; một vị trí thức vì hỏi vay tiền đồng nghiệp kiêm bạn bè trong văn phòng để trả tiền nhà lần đầu, từ đó giữa hai người chỉ còn quan hệ đồng nghiệp; một nhân tài khoa học kỹ thuật với chức cao được tiến cử, vì chính sách của đơn vị quy định phải kết hôn mới được nhận trợ cấp tiền nhà, căn phòng đã ưng năm 2004 thì đến năm 2009 giá đã tăng gấp 3 lần, anh ta thường xuyên kể lể dài dòng về chuyện này giống như thím Tường Lâm [nhân vật nữ chịu nhiều bất hạnh trong tiểu thuyết Chúc phúc của Lỗ Tấn] vậy, và đem sự bất mãn đối với đơn vị truyền đạt cho bạn bè và thân thích; một cặp vợ chồng tình cảm bất hòa nhiều năm nay vì không ly hôn được đành sống riêng dưới cùng một mái hiên; để mua được một căn phòng rẻ, một cặp vợ chồng trung niên đành hy sinh chỗ đi làm gần và thuận tiện, kết quả là hàng ngày đi đi về về giữa chỗ ở và nơi làm việc mất hơn 4 tiếng đồng hồ, một cặp khác cũng trong tình cảnh tương tự đành làm vợ chồng cuối tuần ở cùng thành phố; để trả tiền thuê nhà, một trưởng ban của công ty đã tham ô công quỹ và bị kết án; một phụ nữ vì nhà đang bị gắn bảng “nhà cho thuê” nên tố cáo lên báo chí, vì vậy bị mang tiếng xấu, kỳ thị và oan khuất; vì lo con đến lúc cần không mua được nhà, một số cha mẹ đã tìm mọi cách mua nhà cho con cái; vì vấn đề mua nhà dẫn đến gia đình bất hòa, cha mẹ anh chị em lục đục.

4/ Quấy rối bằng điện thoại và tin nhắn

Do các vụ việc (như mua bán và thuê nhà), số điện thoại di động cá nhân bị các văn phòng mua bán nhà và các môi giới xấu biết được. Các đối tượng này sẽ gửi hàng loạt tin nhắn và gọi điện thoại, cho bạn biết thông tin về chỗ nào đang cho thuê hoặc bán nhà, cả những thông tin về trang trí, sửa sang như tủ chạn, gạch lát nền…, hỏi bạn phòng ở tiểu khu là bán hay cho thuê, thậm chí lừa gạt tiền bạc. Tôi và rất nhiều bạn bên cạnh đều than phiền gần đây nhận được những tin nhắn tương tự, cách làm của mọi người nói chung là trực tiếp xóa đi, có người nhìn thấy số điện thoại lạ gọi đến thì đành trực tiếp tắt máy. Phía gọi điện thoại và gửi tin nhắn không tiếc chi phí, làm tốn thời gian và sức lực của hai bên, thậm chí tổn thương tình cảm. Thứ đối thoại này có lúc kết thúc bằng chửi nhau. Trên mạng đã xuất hiện đối sách đối phó với mấy thứ quấy rối này, có một số là dĩ độc trị độc. Nhưng ý nghĩa xây dựng cảu thứ trao đổi thông tin, giao lưu điện thoại này cực ít, phần nhiều là hậu quả tiêu cực. Nhưng chỉ cần đạt được một phần vạn thành công thì bên chủ động gây chuyện vẫn sẽ kiên trì thực hiện. Nếu không phải là “có tiền mua tiên cũng được” thì không thể nào phát sinh những sự việc đê tiện và thủ đoạn thấp hèn như vậy được.

Các trường hợp mà tác giả thu thập những năm gần đây như sau:

“Sau khi mua nhà, hàng ngày tiếng điện thoại réo liên tục, tin nhắn không ngớt, trúng thưởng rồi, đã gửi tiền cho tôi tới tài khoản của ai ai rồi, đã cung cấp dịch vụ sửa chữa rồi…, còn biết chính xác họ của tôi, vị trí chính xác của căn hộ. Mới kết hôn chưa bao lâu đã tiên tục được gọi linh tinh là “tiểu thư”, “quý bà”…, phiền phức không dứt, không cách nào thoát được. Điều khác thường là ngày nghỉ, ngày tết họ cũng gọi” (25 tuổi, kế toán công ty).

“Những quấy rối qua điện thoại và tin nhắn rác này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của tôi, có lúc đang tập trung tâm trí soạn bài, đột nhiên một trận chuông làm đứt quãng dòng suy nghĩ mới hình thành. Tệ hại nhất là khó khăn lắm mới chợp được mắt thì lại bị tiếng chuông không hẹn mà tới làm bừng tỉnh, vừa cầm máy nghe thì lại là môi giới bất động sản, bực mình không kể xiết. Có lúc tôi đang chờ một cuộc gọi quan trọng, thì cuộc gọi này lại tới” (34 tuổi, giáo viên trung học).

“Chiều qua nhận được một cú điện thoại quấy rối của môi giới (nhà ở), rất phiền phức. Sáng nay vừa ngủ dậy đang chăm chú viết bài, nghe thấy chuông điện thoại. Thấy số lạ, tôi kết nối nhưng không nói, đối phương im lặng, tôi cho rằng lại gọi điện quấy rối đây, liền lạnh lùng bảo, có gì thì nói đi. Tiếng nói vang lên, hóa ra là bà con ở quê. Tôi cảm thấy ngượng và có lỗi” (41 tuổi, kỹ sư nhà máy).

“Tôi đang lái xe trên đường vành đai về nhà, nghe chuông điện thoại kêu, sợ có chuyện gì quan trọng, bật nghe. Đối phương không giới thiệu về mình, đã hỏi có nghe rõ không, sau đó hỏi căn nhà X, X (tên tiểu khu) của anh bán phải không. Nghe điện thoại khi đang lái xe trên đường cao tốc rất dễ xảy ra sự cố, những đồ chết tiệt này bất chấp bạn đang bận gì” (54 tuổi, giám đốc công ty bất động sản).

“Lúc bình thường điện thoại không nhiều, điện thoại reo thì cho rằng bạn bè, đồng nghiệp gọi đến. Chiều qua đang họp, việc quan trọng, các thủ trưởng như trưởng ban… đều có mặt, máy điện thoại của tôi reo, không nghe không tiện, vừa nghe liền phát hiện là điện thoại quấy rối, trưởng ban liếc nhìn tôi. Chút phận thăng chức của tôi nằm trong tay lãnh đạo, cú gây rối này quá…” (30 tuổi, viên chức cơ quan chính quyền).

“Mùa thu năm ngoái nhận được một cú điện thoại, nói là cục thuế nhà nước, gia đình tôi sau khi mua nhà có thể hoàn thuế mua. Đối phương biết rành rẽ diện tích nhà tôi, tên tiểu khu, giá giao dịch. Còn tính ra cho có khoảng 5000 NDT, nói sẽ chuyển vào tài khoản của tôi, tôi căn cứ theo lời đối phương, tới máy rút tiền tự động dùng thẻ rút là được. Trong đầu tôi đã lóe lên cảnh mình dùng thẻ đi rút tiền và nhận được tiền hoàn thuế. Về sau cảm thấy có chút không đúng. Cục thuế nhà nước Thượng Hải làm gì có người nói tiếng phổ thông, thái độ tốt như vậy. Gọi điện tới Phòng Nhà đất khu, mới nói vài câu, đối phương nói “giả đấy” liền ngắt máy” (43 tuổi, giảng viên đại học).

5/ Chọn bạn đời hay chọn nhà

Trên thị trường hôn nhân, có nhà để ở không, có mua được nhà đủ rộng, đủ tốt không ngày càng chiếm địa vị và vai trò quan trọng, còn vai trò tác động của tuổi tác, nghề nghiệp, phẩm hạnh, hoàn cảnh gia đình, quan hệ xã hội và vóc dáng… tương đối giảm. Năm 1996, thông qua phỏng vấn tại nhà và điều tra theo mẫu đối với 3200 nam nữ đã kết hôn ở Thượng Hải và Cáp Nhĩ Tân, Từ An Kỳ (Xu Anqi) phát hiện, trong một khoảng thời gian rất dài những năm 80 của thế kỷ XX về trước, “lợi ích vật chất” và “kim tiền vạn năng” từng bị coi là nguồn gốc của mọi cái xấu và bị phê phán mạnh mẽ, nhưng quan niệm lựa chọn bạn đời gần đây trái ngược với hình thái ý thức cách mạng hóa, lý tưởng hóa tình yêu và coi thường ham muốn vật chất trước kia. Phát hiện khác biệt về tiêu chuẩn chọn bạn đời trong các thời kỳ khác nhau: trong lựa chọn ý trung nhân, tỷ lệ đối tượng nghiên cứu quan tâm đến nhà ở trong 4 thời kỳ 1948 – 1966, 1967 – 1976, 1977 – 1986, 1987 – 1996 lần lượt là 16,4%, 27,7%, 33,1% và 37,2%, tỷ lệ quan tâm đến thu nhập lần lượt là 20,1%, 27,5%, 27,0% và 34,9%. Nghiên cứu về thông báo cầu hôn trên tạp chí Phụ nữ Trung Quốc, tỷ lệ đề cập các biến số tài sản trong điều kiện đòi hỏi của người cầu hôn nữ các thời kỳ khác nhau, năm 1985 ít hơn rõ rệt so với các năm khác, năm 1995 nhiều hơn rõ rệt so với các năm khác, năm 1985 và 1990 ít hơn rõ rệt so với năm 1995 và 2000.

(còn tiếp)

Người dịch: Viễn Phố

Nguồn: TN 2014 – 74, 75 76

Thị trường hóa quá mức nhà ở và hậu quả xã hội của nó – Từ vấn đề nhà ở của Engels nhìn tiêu dùng nhà ở của cư dân trung hạ lưu thành thị – Phần II


2/ Giá trị sử dụng bị bỏ qua, giá trị trao đổi nổi lên

Theo Tư bản, “hàng hóa là một thứ hai mặt, tức là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi… Đây là điểm nút để lý giải kinh tế học chính trị…”. “Nói hàng hóa có giá trị sử dụng, không có gì khác là nói nó có thể thỏa mãn nhu cầu xã hội nào đó”. Giá trị trao đổi trước hết thể hiện thành quan hệ về lượng mà các loại giá trị sử dụng có thể trao đổi lẫn nhau, nó “trước hết biểu thị thành quan hệ hoặc tỷ lệ về lượng mà một thứ giá trị sử dụng trao đổi lẫn nhau với một thứ giá trị sử dụng khác”. Ngoài tính cách là tượng trưng cho địa vị thân phận, nhà ở với tính cách là hàng hóa vừa có giá trị sử dụng (use value) thỏa mãn nhu cầu đời sống thực tế, đồng thời còn có giá trị trao đổi (exchange value) để giao dịch trên thị trường. Tiền tệ, vật ngang giá chung, làm cho giá trị trao đổi và giá trị sử dụng của hàng hóa đạt tới thống nhất. Tương ứng với điều đó, nhu cầu về nhà ở có hai loại: “nhu cầu thực sự” (nhu cầu nhà ở đối với nhu cầu giá trị sử dụng nguồn tài nguyên) và “nhu cầu có tính đầu cơ” (đầu tư kiếm tiền), tỷ lệ giữa hai bên là thước đo quan trọng cho thấy loại giá trị nào được xã hội coi trọng hơn. Những thước đo này đồng thời cho chúng ta thấy, tiền tệ và tư bản đã khiến cho giá trị sử dụng và giá trị trao đổi đạt tới “thống nhất” như thế nào trên thị trường nhà ở Trung Quốc.

Chỉ tiêu cụ thể trước hết là tỷ lệ thuê-bán nhà ở (tỷ lệ tiền thuê tháng và giá nhà). Phạm vi tỷ lệ thuê-bán trên thị trường bất động sản tương đối lành mạnh được quốc tế công nhận là khoảng 1:100 đến 1:230, điều tra theo mẫu cho thấy, tỷ lệ thuê-bán nhà ở tại đa số khu phố ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã vượt 1:350, vượt xa tuyến cảnh báo quốc tế 1:300.

Thứ hai là tỷ lệ mua nhà có tính đầu tư và tỷ suất nhà để không. Theo Nghiên cứu về nhà ở hàng hóa để không toàn Trung Quốc do Viện Nghiên cứu Bất động sản Dị Cư Thượng Hải công bố tháng 4 năm 2009, tỷ lệ nhà hàng hóa để không ở Trung Quốc năm 2008 là 9,503%, xét theo tiêu chuẩn quốc tế thì thuộc mức đặc biệt cao, tỷ lệ nhà để không tại các thành phố trung tâm như Bắc Kinh, Thượng Hải lúc bấy giờ so với mức bình quân toàn quốc cao lần lượt là 75% và 50%. Năm 2009 sau khi bất động sản phục hồi, tỷ lệ này tiếp tục tăng, hiện nay rất có thể đã đột phá 10%, mức cảnh báo quốc tế. Tỷ lệ nhà để không của Bắc Kinh, Thượng Hải có thể đã tiếp cận mức nguy hiểm là 20%. Nghiên cứu về nhà ở hàng hóa để không toàn Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ nhà ở hàng hóa để không của một số thành phố tuyền một Trung Quốc hiện nay quá cao, trong đó tỷ lệ để không của Bắc Kinh đạt 16,64%. Còn ở Mỹ trước khủng hoảng cho vay thứ cấp, tỷ lệ để không chỉ là 3%. Những dữ liệu này đều thể hiện, sau khi hai loại nhu cầu bị tiền tệ hóa, tỷ lệ mua nhà để tự dùng giảm xuống, tỷ lệ mua nhà đầu tư tăng lên, tỷ lệ nhà để không có xu thế tăng lên. Tình hình nhà để không ở Bắc Kinh, Thượng Hải đạt tới mức nguy hiểm. Những người được lợi từ tiền tệ hóa nhà ở thì chủ yếu là các tập đoàn lợi ích bất động sản như các nhà khai thác bất động sản, những người đầu cơ nhà ở, các tổ chức môi giới.

3/ Chính quyền địa phương coi khai thác bất động sản là ngành trụ cột, từ trong đó đạt được thu nhập thuế và phí quá cao

Trong thể chế hiện hành, không có sự can thiệp của chính phủ, nhất là chính quyền địa phương, các tập đoàn lợi ích bất động sản khó mà hình thành, dây chuyền lợi ích sẽ bị gián đoạn. Chen đã hồi cố một cách hệ thống lịch trình cải cách kinh tế và cải cách nhà ở thời kỳ đầu, cho rằng việc khai thác nhà ở đã chuyển từ thể chế tái phân phối tập trung tới phân quyền tài chính. Cải cách chế độ thuế bắt đầu từ năm 1994 đã quy một bộ phận rất lớn thu nhập về trung ương, khiến thu nhập thuế của chính quyền địa phương không đủ, chỉ có thể dựa vào bán đất để giải quyết vấn đề tài chính, từ đó hình thành cộng đồng lợi ích với các nhà kinh doanh bất động sản, đẩy giá nhà lên cao. Ngành bất động sản và ngành thông tin, ngành tài chính tiền tệ, ngành thương mại phân phối, ngành chế tạo xe hơi, ngành chế tạo thiết bị đồng bộ đã cấu thành “6 ngành trụ cột lớn” của Thượng Hải, tỷ lệ giá trị gia tăng 3 năm 2000, 2006, 2007 lần lượt chiếm 5,5% 6,6% và 6,6% trong giá trị tổng sản lượng của thành phố Thượng Hải. Theo dữ liệu bài viết “Bất động sản cột chặt Trung Quốc” của Kiếm Viên (Jian Yuan) cung cấp, trong thời gian từ năm 2001 đến 2003, thu nhập của chính quyền địa phương từ chuyển nhượng đất là 910 tỷ NDT. Mà năm 1998 chỉ là 6,7 tỷ NDT, tổng mức quốc trái phát hành từ năm 2001 đến 2003 chỉ là 930 tỷ NDT. Diệp Đàn (Ye Tan) trong “Chiến tranh bất động sản ở Trung Quốc” thì chỉ rõ lợi ích của người chiến thắng: Trong toàn bộ quá trình xây dựng, giao dịch bất động sản, thu nhập thuế, phí của chính phủ chiếm tới 30 – 40% giá bất động sản. Nếu cộng thêm chi phí đất đai chiếm 20 – 40% giá bất động sản thì thu nhập của chính quyền địa phương về bất động sản sẽ chiếm tới 50 – 80% toàn bộ giá bất động sản. Trong khi đó tại các nước Âu, Mỹ, giá đất, thuế, phí gộp lại chỉ chiếm đến trên dưới 20% giá nhà ở.

II/ Hậu quả xã hội của việc hàng hóa hóa, thị trường hóa, tiền tệ hóa quá mức nhà ở

30 năm nay, cải cách nhà ở tại thành thị đi từ phân khúc nhà phúc lợi tới hàng hóa hóa, nói chuẩn xác là “tái hàng hóa hóa”, và cùng với sự phát triển cao độ của thành thị Trung Quốc, đã xuất hiện tình trạng giá nhà tăng vọt. Bất luận là đế quốc Đại Thanh hay là chính phủ Bắc Dương, chính phủ Quốc dân Đảng đều chưa gặp tình hình như vậy. Hàng hóa hóa, thị trường hóa, tiền tệ hóa quá mức nhà ở là căn nguyên cốt lõi của vấn đề này, hậu quả xã hội mà nó tạo ra cực kỳ tệ hại.

1/ Các sự kiện bạo lực đổ máu do tranh chấp bất động sản, đặc biệt là do phá nhà cũ tái định cư liên tục xảy ra

Ngoài các vụ án tranh chấp nhà ở tăng vọt, các vụ xung đột bất động sản chiếm quá nửa số vụ kiện tụng. Sự phản kháng của Đường Phúc Trân (Tang Fuzhen) được phía quan phương nhận định là “chống lại pháp luật bằng bạo lực” và tự thiêu, các vụ bạo lực thậm chí đổ máu tương tự do cưỡng chế tái định cư liên tục phát sinh, cho thấy, do nóng lòng mong muốn thu lợi lớn, các nhà khai thác không tiếc hy sinh thậm chí cố ý làm tổn hại nhân thân và an toàn sinh mệnh của dân chúng. Nói lên rằng một số “hộ đinh” nào đó không tiếc trả giá bằng sự sống của mình để bảo vệ nhu cầu an cư cơ bản, ở đây giá trị sử dụng được coi quá cao, hoặc để thu được bồi thường nhiều hơn, ở đây thì giá trị trao đổi lại bị đẩy lên vô hạn, và bị ác quỷ kim tiền làm hại giống như là nhà khai thác. Không thể đánh giá thấp hậu quả xã hội thậm chí ảnh hưởng chính trị do những vụ xung đột này đã gây ra. Đúng như Mao Vu Thức (Mao Yushi) đã nói, loại xung đột này đã vượt ra ngoài phạm vi kinh tế thuần túy, trở thành vấn đề chính trị. Nó làm suy yếu rất lớn quyền uy của chính phủ, quan hệ cán bộ-dân chúng gần như biến thành quan hệ đối địch.

2/ Quần thể nghèo khổ ở thành thi, di dân nông thôn ra thành thị, sinh viên mới tốt nghiệp trở thành vật hi sinh cho ván bài bất động sản, khoảng cách xã hội giữa các tầng lớp và quần thể khác nhau mở rộng rõ rệt

Thời kỳ đầu cải cách mở cửa, thông qua các phương tiện truyền thông như điện ảnh, truyền hình, cư dân ý thức được rằng “có nhà có xe” là một trong các tiêu chí của của các nước giàu có ở phương Tây. Nhà ở và xe hơi riêng đã đi vào lý tưởng sống của tầng lớp trung lưu, trở thành dấu hiệu thân phận và tượng trưng địa vị không thể thiếu trong lối sống của tầng lớp này. Nhưng đối với rất nhiều người, lý tưởng hạnh phúc có nhà có xe hoàn toàn không dễ thực hiện, kể cả những người tự cho rằng mình thuộc tầng lớp trung lưu hoặc có thu nhập trung bình.

Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa, việc cung cấp nhà ở tại thành thị Trung Quốc chủ yếu do các ngành thực hiện, cùng với sự ổn định trong công việc, nhà ở trở thành một khâu quan trọng nhất trong chế độ phúc lợi, những người được lợi từ cải cách nhà ở chủ yếu là những cán bộ có tư cách và kinh lịch tương đối. Tính tương quan giữa thu nhập và tình trạng nhà ở là rõ ràng, thu nhập thấp, nhà ở kém trở thành chỉ tiêu quan trọng nhất của sự nghèo khó ở thành thị Trung Quốc. Theo ý nghĩa này, cải cách đã tăng cường sự bất bình đẳng vốn đã tồn tại trong phân phối nhà ở. Thông qua việc phân tích các hộ cư trú ở thành thị trong dữ liệu tổng điều tra dân số lần thứ năm ờ Trung Quốc, Biên Yên Kiệt (Bian Yanjie) đã phát hiện, các hộ cư trú mà chủ hộ có địa vị nghề nghiệp cao thì về các mặt tỷ suất sở hữu tài sản, tỷ lệ mua, thuê, năng lực mua nhà (đặc biệt là mua nhà hàng hóa mới xây dựng) đều thể hiện ưu thế rõ rệt. Mặt khác, từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX trở đi, diện tích và chất lượng nhà ở tăng lên rất lớn, diện tích nhà ở của các gia đình thuộc giới elite quản lý và elite chuyên môn thường rất lớn, chất lượng rất tốt. Những phát hiện này nói lên rằng, đằng sau cải cách kinh tế thành công, cơ chế phân tầng xã hội vừa thể hiện sự vượt lên về chế độ vừa duy trì sự tiếp nối về chế độ. Nếu nói rằng một số cực ít tầng lớp quyền quý có biệt thự, tầng lớp xã hội giữa và trên cư trú trong các chung cư cao cấp, đa số dân số có hộ tịch tại các thành phố lớn mua chung cư thông thường khó khăn thì di dân nông thôn ra thành thị cực kỳ thiếu nhà ở, điều kiện cư trú rất tồi tệ. Đối với một xã hội nhà quê truyền thống như Trung Quốc, xu thế thành thị hóa nhanh chóng trên quy mô lớn đang diễn ra hiện nay là không thể đảo ngược, dân thường Trung Quốc được gọi là “công nhân nông dân”, nói chính xác hơn là di dân nông thôn ra thành thị (rural-urbanmigrants), trong làn sóng công nghiệp hóa, tuyệt đại đa số trong số họ không thể không, chủ động hoặc bị động, thông qua các phương thức như làm công…, đi vào thành phố làm việc và sinh sống. Về mặt chế độ họ từng bị gạt ra ngoài việc mua nhà ở thành phố, tuyệt đại đa số họ không mua nổi nhà, một số cực ít dù có mua được thì còn phải đối mặt với những rào chắn về mặt chế độ như việc đi học của con cái, việc làm, an sinh xã hội… Môi trường cư trú nhà ở ngày càng được người hiện đại coi trọng, người ta ngày càng nhận thức được rằng, “nhà ở” không chỉ bao gồm kết cấu che phủ về vật lý, mà có tương quan mật thiết với môi trường cư trú rộng lớn hơn. Đúng như Pynoos đã nói, nhà ở không chỉ là chỗ cư chú để che chắn gió mưa mà còn bao gồm môi trường cư trú rộng lớn hơn, như sức khỏe, an toàn, bí mật riêng tư, quan hệ xã hội láng giềng, địa vị, công trình và dịch vụ công cộng, cơ hội làm việc… Những di dân nông thôn ra thành thị ở Trung Quốc không để ý, cũng không có điều kiện để ý đến môi trường láng giềng của nhà ở, trang thiết bị nhà ở kém, chỉ có 4% có thiết bị tắm rửa tự dùng, chỉ có 8% có nhà vệ sinh riêng, không ít gia đình dùng chung bếp và đường nước với các hộ cư trú khác. Tại các nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Ninh Ba, Tế Nam…, tác giả quan sát thấy, những người làm công này thường tụ cư tại các nhà một tầng sơ sài hoặc các chung cư chất lượng kém, một số nhà ở còn tiềm ẩn nguy cơ về an toàn; hơn nữa họ ở tách rời cư dân sở tại, về các mặt vị trí nhà ở, chất lượng nhà ở, trang thiết bị bên trong, môi trường xung quanh đều ở vào trạng thái bị cách ly, ngoài các việc như trả tiền thuê nhà… giữa hai bên gần như không có giao tiếp thực chất, đặc trưng bài xích xã hội thể hiện rõ.

(còn tiếp)

Người dịch: Viễn Phố

Nguồn: TN 2014 – 74, 75 76

Thị trường hóa quá mức nhà ở và hậu quả xã hội của nó – Từ vấn đề nhà ở của Engels nhìn tiêu dùng nhà ở của cư dân trung hạ lưu thành thị – Phần I


Zhang Dunfu

Tóm tắt

Tiêu dùng nhà ở thuộc về lĩnh vực đời sống cơ bản của cư dân, nhưng lại được coi là ngành trụ cột của tăng trưởng kinh tế; dân chúng coi trọng giá trị sử dụng, còn các nhà kinh doanh, đầu cơ khai thác bất động sản, chính quyền địa phương… lại coi trọng giá trị trao đổi, các hàng tiêu dùng cơ bản để an cư lạc nghiệp bị tiền tệ hóa, tư bản hóa quá mức; giá nhà vọt lên một cách bất hợp lý đã làm tổn hại đến quan hệ liên cá nhân, quan niệm đạo đức, hệ thống giá trị lành mạnh hài hòa và tình cảm xã hội quan trọng, hậu quả xã hội rất đáng lo ngại. So với vấn đề nhà ở mà Engels trình bày, vấn đề nhà ở của Trung Quốc hiện nay vừa có chỗ riêng (thời kỳ chuyển hóa xã hội, phương án giải quyết, sự can thiệp của chính phủ…), vừa có chỗ chung (công nghiệp hóa, khác biệt giữa thành thị và nông thôn, di dân nông thôn ra thành phố, ý chí của tư bản, thị trường hóa). Nhà nước và chính phủ có trách nhiệm làm cho quốc dân an cư lạc nghiệp. Con đường căn bản để giải quyết vấn đề nhà ở là ở chỗ đối xử với nó như vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề kinh tế thuần túy, ứng phó bằng chính sách xã hội chứ không phải bằng chính sách kinh tế, xây dựng xã hội người tiêu dùng trong đó các tầng lớp, các quần thể cùng chia sẻ lợi ích.

Nhà ở đi vào lĩnh vực nghiên cứu xã hội học đã gần 70 năm. Ngay từ năm 1978 trước khi Hội Xã hội học Nhà ở Quốc tế thành lập, các nhà xã hội học đã có những nghiên cứu chuyên đề về nhà ở. Một quan điểm quan trọng của trường phái Weber trong nghiên cứu thành thị là giai cấp nhà ở (housing class). Giữa năm 1940 – 1960, trường phái Chicago đã có nghiên cứu hệ thống về phân khu nhà ở thành thị. Rex phát hiện, phần lớn cư dân thành thị có định hướng giá trị chung về nguồn nhà ở, tức là mong muốn vào ở khu nhà cao sang sạch sẽ, cách xa phiền não hoặc khu ngoại ô có điều kiện ưu việt; cạnh tranh về nguồn lực thành thị đã hình thành nên các giai cấp khác nhau. Saunders đi sâu thêm một bước khi thảo luận về giai cấp nhà ở, cho rằng trong xã hội hiện đại, quan sát tình hình nhà ở của một người quan trọng hơn là lưu ý đến công việc của người ấy, có thể căn cứ vào tình trạng nhà ở của người ta để phân thành các giai cấp khác nhau. Nhà xã hội học M. Halbwachs khi nghiên cứu về lưu động dân số và thị trường bất động sản Paris phát hiện, sự phát triển của ngành bất động sản rốt cuộc không quyết định bởi sự lựa chọn của nhà đầu tư, thậm chí cũng không phụ thuộc vào quy hoạch thành thị. Xuất phát từ động lực căn bản là theo đuổi lợi nhuận, nhà đầu cơ ra sức nắm bắt “trạng thái nhu cầu đại chúng”, từ đột phá hạn chế đất đai thành thị, vi phạm sự bố trí quy hoạch thành thị.

Điều liên quan đến các tư liệu trên đây nhưng khác biệt rõ rệt là, bài viết này quan tâm đến vấn đề nhà ở trong xã hội Trung Quốc từ khi thực hiện cải cách thị trường hóa và hàng hóa nhà ở trở lại đây, tức là các vấn đề xã hội do tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng hoặc giá nhà ở cao vọt tạo ra. Về vấn đề nhà ở mà Engels công bố năm 1872 đã từng bàn một cách chính xác về nạn thiếu nhà ở như là vấn đề xã hội, sự luận bàn này chưa được coi trọng, đánh giá và vận dụng một cách đầy đủ với tính cách một tài liệu nghiên cứu  về xã hội học nhà ở, thậm chí bị bỏ qua và quên lãng do “niên đại đã xa”, “không hợp mốt”. Nhưng các hiện tượng khiến người ta rất quan tâm liên quan đến nhà ở diễn ra 10 năm gần đây ở cái công xưởng của thế giới là Trung Quốc này, như giá nhà cao vọt, tầng lớp thu nhập vừa và thấp ở thành thị khó mua và thuê nhà ở, các doanh nhân khai thác bất động sản, các tập đoàn đầu cơ nhà ở, các tổ chức môi giới, chính quyền địa phương phát tài mạnh nhờ bất động sản…, thì có rất nhiều chỗ giống với tình hình từng diễn ra tại Đức và Anh mà Engels đã quan sát. Vấn đề nhà ở thể hiện tính chất chung cảu vấn đề xã hội, thông qua phân tích vấn đề nhà ở, các nhà nghiên cứu quan tâm đến đời sống xã hội có thể học được rất nhiều điều trên các mặt vai trò của quy phạm, tính phức tạp của các nhân tố và phương pháp phân tích chung các vấn đề xã hội. Còn đối với thế giới xã hội chủ nghĩa nhà nước, vấn đề nhà ở là vấn đề quan trọng nhất, bức thiết nhất. Vì vậy, nhìn nhận lại từ giác độ xã hội học vấn đề nhà ở phát sinh trong sự chuyển hóa xã hội của Trung Quốc không chỉ có lợi cho việc làm rõ nguyên nhân của tình trạng căng thẳng cực độ về nhà ở của tầng lớp hoặc quần thể có thu nhập vừa và thấp, góp phần tìm ra phương pháp và sách lược giải quyết những vấn đề này, cung cấp kiến nghị chính sách xác đáng để khắc phục tình trạng này, giúp mọi người hiểu rõ tính chất chung và cơ chế tác động của nhiều vấn đề xã hội tương tự hiện nay, cung cấp cho nghiên cứu học thuật về xã hội học nhà ở những kinh nghiệm không giống với các xã hội khác.

I/ Các cấp độ chủ yếu của vấn đề nhà ở hiện nay

Cải cách nhà ở khiến cho đại đa số cư dân thành thị Trung Quốc có nhà ở của mình, trở thành “chủ sở hữu hoặc người tiêu dùng công dân”. Năm 2000, 72% hộ cư dân thành thị có quyền sở hữu nhà ở, so với 24% của năm 1990 tăng 48%. Nhưng gần 10 năm lại đây, sự biến đổi của lĩnh vực tiêu dùng nhà ở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc kế dân sinh, nguồn gốc của tai họa là thị trường hóa quá mức nhà ở, tức là nhà ở (chứ không phải đất đai) ngày càng trở thành thứ hàng hóa mà người ta bàn luận nhiều nhất, quan tâm nhất, muốn mua nhất mà lại sợ mất nhất, mức giao dịch cao nhất, lượng giao dịch lớn nhất, sức ảnh hưởng và sức cuốn hút áp đảo các hàng hóa khác. Trước vấn đề trọng đại mà cả nước quan tâm này, rất nhiều tài liệu đã từ kinh tế học thảo luận về nguyên nhân, cơ chế làm nảy sinh và cách thức giải quyết vấn đề này, những thảo luận này tuyệt đại đa số từ giác độ kinh tế học khảo sát các nhân tố quan hệ cung cầu, giá cả, kết cấu ngành, lợi ích kinh tế, hành vi của chính phủ, tình hình mua nhà của dân chúng, còn ảnh hưởng xã hội, hậu quả xã hội (social consequences) của việc hàng hóa hóa, thị trường hóa nhà ở và giá nhà tăng vọt thì lại bị bỏ qua. Còn thảo luận và nghiên cứu của xã hội học về vấn đề này cũng còn xa mới đạt tới mức khiến người ta thỏa mãn. Dựa trên tư liệu kinh nghiệm nghiên cứu, số liệu thống kê tương quan và quan sát của tác giả về tiêu dùng nhà ở của cư dân Thượng Hải 6 năm gần đây, tác giả nhận thấy, cấp độ chủ yếu tạo ra vấn đề xã hội trọng đại này bao gồm mấy điểm sau:

1/ Giá nhà tăng vọt, vượt qua năng lực mua của dân chúng bình thường

Đánh giá giá nhà cao thấp không chỉ cần nhìn tình hình gia tăng và tỷ suất gia tăng thực tế của giá nhà, mà càng cần nhìn mức thu nhập của cư dân và sự biến động của nó. Số liệu mà Chính sách bất động sản của Trung Quốc và triển vọng thị trường (số 09-18) của Mã Tư Huy (Ma Zihui)… cung cấp cho thấy: diện tích tiêu thụ và mức tiêu thụ bất động sản hàng hóa ở Trung Quốc năm 1998 – 2007 bình quân mỗi năm tăng 24,3%, mức tiêu thụ bình quân mỗi năm tăng 33,2%. Năm 2008 do khủng hoảng tiền tệ quốc tế, thị trường bất động sản Trung Quốc hơi sụt giảm. Sau năm 2008 do khủng hoảng tiền tệ quốc tế, thị trường bất động sản Trung Quốc hơi sụt giảm. Sau năm 2009, thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục nhanh, số lượng và giá cả đều tăng. Một bộ phận nhà ở thương mại tại Bắc Kinh… đã hồi phục đến trên 30%, thậm chí đã tạo ra cao trào mới về giá nhà. Lấy một số thành phố tuyến một tháng 11 năm 2009 làm thí dụ, tốc độ tăng giá nhà ở Bắc Kinh đạt 68%, Thâm Quyến đạt tới 73%, Hạ Môn vượt 50%; điều tra theo mẫu cho thấy, tỷ lệ thu nhập giá nhà ở các thành phố trung tâm bình quân cao tới 23:1, vượt xa trên mức dưới 7:1 bình quân thế giới.

Năm 2008 mức lương bình quân công nhân viên chức thành phố Thượng Hải là 39.502 NDT, mà giá nhà cuối năm 2009 mỗi mét vuông là 14.459,53 NDT, tức là thu nhập bình quân một năm chỉ có thể mua 2,7 m2, vì vậy muốn mua một căn phòng 80 m2 sẽ phải chi trọn toàn bộ tiền lương 30 năm. Tuyệt đại bộ phận thời gian làm việc trong cả đời cư dân, tuyệt đại bộ phận toàn bộ thu nhập sẽ dùng vào tiêu dùng nhà ở. Dưới sức ép to lớn của giá nhà ngày càng tăng cao mà vẫn không nhìn thấy “điểm ngoặt”, dự đoán của người ta về tiêu dùng nhà ở thường thường là “bây giờ không mua thì sau này không thể nào mua được nữa”. Lựa chọn bất đắc dĩ là giải quyết nhanh nhất vấn đề nhà ở của rất nhiều gia đình đã đè nén các mặt tiêu dùng khác, sự bóp méo kết cấu tiêu dùng tất nhiên có ảnh hưởng không tốt tới kết cấu của toàn bộ nền kinh tế và sự phát triển lành mạnh của nó. Một số cửa hiệu, nhà máy thuộc một số ngành đóng cửa ăn mừng, các ông chủ may mắn sớm đem tiền đầu tư vào thị trường nhà ở chẳng cần nhọc lòng kinh doanh mà vẫn thu được những khoản tiền lớn.

(còn tiếp)

Người dịch: Viễn Phố

Nguồn: TN 2014 – 74, 75 76

Tình trạng ngập lụt ở đô thị: Chuyên gia đề xuất biện pháp dài hạn


Xây thêm bể ngầm chống ngập, sử dụng cánh đồng, sân vận động làm nơi chứa nước… đang là giải pháp được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề xuất. Liệu những giải pháp này có khả thi? Đâu là căn nguyên của tình trạng ngập úng này và đâu là biện pháp xử lý mang tính dài hạn? Đài BBC ngày 2/6 dẫn ý kiến của một số chuyên gia về đô thị xung quanh vấn đề này:

“Công tác quản lý quy hoạch có vấn đề”

Bàn về nguyên nhân của tình trạng ngập hiện nay, Thạc sĩ Đỗ Đức Thắng, GIảng viên tại Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng công tác quản lý quy hoạch thực sự có vấn đề: “Trong 10 – 15 năm qua, có rất nhiều khu đất đáng lẽ phải là công viên, hồ nước nhưng nhà quản lý quy hoạch không cứng rắn, thậm chí có những biểu hiện bị các nhóm lợi ích thao túng, cho phép mọc lên những công trình cao tầng, rồi những chỗ trống đáng lẽ có thể chứa được nước thì đã bị bê tông hóa mất khả năng hút nước đi”.

Cũng chung quan điểm này, ông Sơn Đặng, Kiến trúc sư trưởng của xưởng thiết kế quy hoạch Sproject ở New York (Mỹ), chỉ ra rằng các đô thị VIệt bị cứng hóa bề mặt quá nhiều, dẫn đến nước mưa không thấm xuống đất mà chảy tuột ra sông, nên mức nước ngầm giảm dẫn đến sụt lún toàn thành phố.

Không chỉ Hà Nội, các địa phương miền Bắc như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang cũng biến thành biển nước sau mưa. Tiến sĩ Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng nông thôn ngập do 2 vấn đề: một là các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tăng lên do biến đổi khí hậu; hai là những khu vực nông thôn ở ven đô bây giờ đã đô thị hóa rồi thì cũng tương tự như đô thị, thiếu không gian thoát nước tạm thời.

Theo các chuyên gia, thủ đô Hà Nội và khu vực miền Bắc nói chung vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện mưa lớn, có khả năng ngập lụt trên diện rộng. Trong khi đó, việc giải quyết tình trạng này không thể ngày một ngày hai.

Sân vận động, cánh đồng thành bể chứa

Về khuyến nghị biến sân vận động, cánh đồng thành bể chứa, Thạc sĩ Đỗ Đức Thắng cho rằng đáng lẽ đáng lẽ việc này phải được thực hiện 10, 15 năm trước với một tầm nhìn quy hoạch tốt hơn: “Hà Nội chỉ có 2 sân vận động Mỹ Đình và Hàng Đẫy, không đáng bao nhiêu. Tôi nghĩ mở rộng cho tới sân các trường học, sân của các trường mẫu giáo cũng biến thành bể chứa thì may ra, nhưng chi phí đội lên rất lớn và cũng sẽ có khá nhiều chuyện xảy ra để có thể làm được điều đó. Nhưng rồi cũng phải làm thôi, có lẽ lúc này không còn cách nào khác. Việc làm hầm chứa lớn ở dưới lòng đường, các khoảng đất trống là các biện pháp kỹ thuật mà các nước tiên tiến đã làm rất triệt để.”

Kiến trúc sư Sơn Đặng ủng hộ ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Việc xây bể giữ nước mưa ngầm là một ý kiến tốt, cần được bình tĩnh hiểu và ủng hộ”. Trong khi đó, Tiến sĩ Trương Ngọc Lân nói: “Bề mặt sân vận động vốn cao hơn các khu vực xung quanh nên khó sử dụng nguyên trạng, trừ khi chúng ta xây hồ ngầm ở bên dưới, hoặc làm sân vận động ở chỗ trũng hơn. Tất nhiên, có thể tận dụng các sân vận động để thoát nước, nhưng quy mô vẫn nhỏ và không mang tính tổng thể, đồng thời đào thêm các hồ ngầm sẽ làm phức tạp thêm quy hoạch hạ tầng ngầm của các thành phố”.

Thạc sĩ Đỗ Đức Thắng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả quản trị, tức là quy hoạch ra sao, quản trị thế nào, dùng đồng tiền ngân sách hay người dân đóng góp như thế nào cho hiệu quả thì mới mang lại hiệu ứng tích cực nào đó”.

Nước ngoài đang sử dụng các biện pháp gì?

Bể trữ nước mưa ngầm: Việc xây dựng bể trữ nước mưa ngầm đã được các nước phát triển luật hóa, thành các mã code xây dựng. Theo Kiến trúc sư Sơn Đặng, Đức là nước tiên phong khuyến khích dân/khối dân sự/khối chức năgn nhà nước lắp đặt hệ thống trữ nước mưa. Điều này mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm tái sử dụng nước mưa, giảm thiểu sử dụng nước sạch để tưới vườn, rửa đường, rửa xe…, bồi hoàn nguồn nước ngầm, giúp thu lại một phần nước mặt, giúp hệ thống cống bớt quá tải.

Thành phố xốp: Tiến sĩ Trương Ngọc Lân cho biết một số thành phố như ở Trung Quốc đã có những đô thị xây dựng theo mô hình “thành phố xốp”. Thay vì đưa toàn bộ nước mưa vào hệ thống thoát nước thì trong “thành phố xốp”, chúng sẽ được quản lý đa dạng hơn, chỉ một phần nước được xử lý bằng hệ thống thoát nước, còn một phần nước được để thấm tự nhiên xuống đất và chảy vào các ao hồ giúp bảo tồn hệ sinh thái nước, một phần nước còn lại được thu hồi, lưu trữ để tái sử dụng cho các mục đích khác.

Hồ ngầm khổng lồ: Theo Tiến sĩ Trương Ngọc Lân, ở Nhật Bản đã xây dựng hệ thống hồ ngầm khổng lồ trong lòng thành phố Tokyo để chứa nước khẩn cấp trong những lúc thời tiết cực đoan. Nhưng giải pháp này tốn kém, không thể áp dụng trong trường hợp của Việt Nam hiện nay.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Có 4 giải pháp chính đang được các chuyên gia ủng hộ và đề xuất:

Thứ nhất, xây thêm không gian điều hòa: Theo Tiến sĩ Trương Ngọc Lân, Việt Nam cần tăng không gian mặt nước của hồ, ao, sông ngòi, công viên, vườn hoa, sân chơi, nơi các bề mặt đất tự nhiên được bảo tồn, không bị bê tông hóa giúp hấp thụ nước…

Thứ hai, tận dụng mặt bằng làm bể chứa: Giải pháp tận dụng mặt bằng là làm các hầm ngầm sâu 5m – 7m từ tất cả các khoảng đất trống có thể khai thác, nhưng giải pháp này lại có hạn chế là chi phí đầu tư quá lớn, cũng như không thể giải phóng nhà dân được.

Thứ ba, quy hoạch nước và sử dụng đất: Theo Kiến trúc sư Sơn Đặng, về lâu dài, Việt Nam cần nỗ lực thay đổi để tiến đến các phương pháp quy hoạch đô thị tiến bộ hơn. Chẳng hạn, các nước phát triển đã tiến hành quy hoạch nước, tức dựa trên yếu tố trọng tâm là nước, nhưng chúng ta vẫn quy hoạch chủ yếu hướng đến việc phân lô. Các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM, những nơi có mật độ dân số rất cao, nhưng mảng xanh rất ít, cần rà soát các quỹ đất công cuối cùng còn sót lại và nỗ lực biến thành công viên và ao hồ.

Thứ tư, cải thiện công tác dự báo: Việc dự báo sớm và chính xác cũng là một trong những biện pháp giảm thiểu ngập lụt mà các chuyên gia đề xuất. Thạc sĩ Đỗ Đức Thắng cho rằng trong những trận mưa lớn tuần qua, nếu được dự báo mưa có cường độ lớn như vậy, các công ty thoát nước sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp. Trong khi đó, Kiến trúc sư Sơn Đặng đưa ra một đề xuất mang tính công nghệ cao hơn: Việt Nam rất cần các ứng dụng cảnh báo ngập lụt được toàn dân tiếp cận dễ dàng. Công tác cảnh báo sớm sẽ giúp giảm thiệt hại kinh tế đáng kể. Những công nghệ này hoàn toàn nằm trong tầm tay đội ngũ công nghệ Việt.

Nguồn: TKNB – 03/06/2022

Xung quanh vấn đề chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh


Theo đài RFA, kế hoạch giảm ngập nước giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Sở Xây dựng TPHCM trình UBND TPHCM cho thấy cần thêm 100.000 tỷ đồng để cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố. Đây là vấn đề nội tại của một thành phố bị bê tông hóa nhanh chóng mà chuyện giải quyết không dễ do vướng lỗi quy hoạch.

Với chi phí dự trù 100.000 tỷ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD, trong 5 năm tới, TPHCM đặt mục tiêu xóa ngập cho 18 trục đường chính, hoàn thành 7 dự án trọng điểm về chống ngập, bổ sung 96 km hệ thống thoát nước và hoàn thành các hệ thống nhà máy xử lý nước thải.

Theo kế hoạch, trong tổng số chi phí dự trù 100.000 tỷ đồng thì hơn 38.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các dự án thuộc quy hoạch 752, gọi là tổng thể hệ thống thoát nước của TPHCM đến năm 2020; hơn 20.600 tỷ đồng đầu tư cho các dự án thuộc quy hoạch 1547, thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM, chưa kể các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải là 41.000 tỷ đồng và các công trình khác là hơn 1.700 tỷ đồng.

Năm 2021, Sở Xây dựng cho biết TPHCM sẽ thực hiện 12 dự án chống ngập, trong đó có 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường. Tất cả những con số và chi tiết trên cũng là nội dung đã được UBND TPHCM chính thức phê duyệt tại “Đề án chống nhập và xử lý nước thải” giai đoạn 2020 – 2205, cũng như kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030.

Theo thống kê, TPHCM có rất nhiều dự án chống ngập cùng hàng chục nghìn tỷ đồng đã được chi vào công tác này, nhưng đến giờ vẫn chưa thể thoát ngập. Mới đây nhất, trận mưa lớn ngày 25/5 đã khiến đường Ung Văn Khiêm, quân Bình Thạnh bị ngập nước, khiến giao thông bị ngưng trệ trong suốt 8 tiếng.

Một cư dân thành phố, không muốn nêu tên, vốn là công chức trước 1975 cho biết: “Mấy chục năm qua, TPHCM phát triển rất nhiều các khu dân cư và kinh doanh địa ốc, trong lúc xem nhẹ việc quy hoạch thế nào cho hợp lý và bảo vệ thành phố không bị ngập. Các khu dân cư, công nghiệp mọc lên mà không để ý đến vấn đề trở ngại đối với chuyện thoát nước ra khỏi thành phố như thế nào.

Ví dụ, đầu tiên là khu Phú Mỹ Hưng ở Quận 7 là vùng trũng, nơi mà nguyên thủy của Sài Gòn là nước ở các vùng cao tụ về đó rồi chảy ra sông, ra biển Vũng Tàu. Thế nhưng, cả 600 ha và sau đó là 2000 ha của Nam Sài Gòn xây dựng như thế đã chặn hết đường thoát nước của thành phố. Đó là nguyên nhân chính gây ngập chứ không phải do hệ thống ống cống cũ thời Pháp xây cho Sài Gòn trước đây.

Như khu vực Phú Mỹ Hưng, có những túi nước di chuyển liên tục để đưa nước ra biển đã bị chặn lại vì quá trình xây dựng, gây ngập úng cả khu vực. Nặng nhất hiện nay là ở Quận 6 và Quận 7, nguyên nhân chính là xây dựng mà không nghiên cứ vấn đề thoát nước.

Không những thế, trong quá trình xây dựng, họ đã lấp rất nhiều kênh rạch thoát nước nên đã gây ngập úng. Bây giờ, cho dù thành phố có mở rộng thế nào đi nữa cũng không thoát khỏi cảnh ngập lụt. Hậu quả quá lớn, muốn khắc phục cũng không phải dễ”.

Về các biện pháp khắc phục của TPHCM, vị cư dân này cho rằng: “Thành phố có nhiều giải pháp, nhưng toàn những giải pháp mang tính ngắn hạn. Ví dụ như đường Hùng Vương ở Quận 6, nhiều khi nước ngập đến yên xe máy, mặt đường đã được nâng lên hơn 10cm nhưng cũng không giải quyết được.

Thành phố cũng có chủ trương tạo nhiều ao hồ để chứa nước trong các khu dân cư, nhưng như thế sẽ tốn rất nhiều đất.

Còn như đường Nguyễn Hữu Cảnh ở Bình Thành, đã đầu tư khoảng 12 tỷ đồng, nhưng cũng không giải quyết được chuyện thoát nước. Trong khi đó, việc cải tạo hệ thống cống kéo dài triền miên, nhưng không bao giờ đúng tiến độ, vì tất cả đều liên quan đến việc xây dựng thiếu quy hoạch”.

Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn tin từ Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, tính đến năm 2020, thành phố đã chi gần 26.000 tỷ đồng cho công tác chống ngập trong 5 năm qua, nhưng đến nay, TPHCM vẫn còn 22 điểm ngập thường xuyên.

Thạc sĩ Hồ Phi Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nước và biến đổi khí hậu, nguyên Phó Ban Điều phối chống ngập TPHCM, cho rằng các dự án thoát nước, ngăn triều và xử lý nước thải diễn ra chậm nhưng không phải là không là không có kết quả: “Nếu lật lại những số liệu cũ những năm 2007 – 2008, khi những điểm ngập của thành phố cao nhất là 150 điểm ở các khu trung tâm như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Quận 3, Quận 5, Quận 10, Chợ Lớn… Sau đó, thực hiện đề án 2001, lúc đó có vốn viện trợ của Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)…, tổng cộng hơn 1 tỷ USD, đã cải tạo được kênh Thị Nhgè, làm trạm bơn, là cống ngăn triều”.

Hiệu quả từ những việc như vậy đã khá rõ, khi mưa quá lơn thì vùng trung tâm mới bị ngập lụt. Thế nhưng, tình trạng ngập úng lại lan ra những nơi khác, như Gò Vấp, Quận 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Quận 7, Nhà Bè… tức là những nơi chưa được đầu tư.

Theo Thạc sĩ Hồ Long Phi, chưa được đầu tư là do sau khi hết vốn vay ưu đãi, mỗi năm thành phố chỉ có thể bỏ ra vài nghìn tỷ: “Suốt từ năm 2012 đến bây giờ, 10 năm mà chỉ đầu tư chắp vá vì không có tiền làm các dự án lớn. Tất cả những thời gian đó không thể nói là không có kết quả. Chỉ có điều nó quá chậm so với mức độ đô thị hóa”.

Thạc sĩ Hồ Long Phi giải thích, tiến trình đô thị hóa đang mở rộng tới Thủ Đức, rồi lên Bình Dương, từ Quận 12 ra tới Hóc Môn, trong khi đề án của Sở Xây dựng muốn giải quyết một phần hiện tượng ngập úng chứ chưa thể làm hết được: “Điều băn khoăn ở đây là số vốn quá lớn để giải ngân trong 5 năm. Giai đoạn đầu bỏ ra tổng cộng hơn 2 tỷ USD, nhưgn đã kéo dài từ 2003 cho tới bây giờ là 20 năm. Bây giờ, số tiền gấp đôi (4,3 tỷ USD), thời gian giải ngân không thể là 5 năm mà có thể phải dài hơn. Nếu trong 5 năm mà giải ngân được 50% số đó cũng đã là tốt. Về phía cá nhân tôi nó sẽ hiệu quả vì đó là những giải pháp đã được kiểm nghiệm trên thế giới. Thế giới làm sao thì mình làm vậy, nhưng mình làm chậm hơn”.

GS.TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, cho rằng ngoài lũ tràn khi mưa lớn, TPHCM lại có đặc điểm triều cường và bê tông hóa tới đâu thì ngập lụt tới đó khiến tình hình trở thành nan giải: “Về mặt thủy lợi, cuốn sách của GS.TS Văn Thế Châu đang công tác bên Mỹ viết rằng “ngập lụt đô thị là vấn đề lớn liên quan đến quá trình phát triển không phù hợp”. Đối với TPHCM bây giờ và trong 5 năm tới cũng chưa thể giải quyết nếu chưa xác định được khu nào đề ngập nước và trữ nước, phải giảm mức độ bê tông hóa để đất có thể cấn nước”.

Đó là những điều mà báo chí hay sách vở thường bỏ qua khi đề cập về phát triển đô thị chóng vánh ở Việt Nam, GS Vũ Trọng Hồng kết luận.

GS Vũ Trọng Hồng kiến nghị, lãnh đạo thành phố và cả lãnh đạo Chính phủ nên tham vấn các chuyên gia là những người am hiểu, cẩn trọng trước vấn đề đô thị hóa. Không phải chỉ loay hoay bơm nước, hút nước, thông cống, đắp mô… khi mà chi phí quá cao và ngân sách có thể không đáp ứng nổi.

Nguồn: TKNB – 31/05/2021.

Việt Nam có đủ tiềm lực để thực hiện kế hoạch phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu 2021 – 2030?


Theo đài RFA, phát triển đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu cho Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 là đề án cuối cùng của ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi rời cương vị Thủ tướng chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030”.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 là kịp thời, phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng có 4 lý do dẫn đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt đề án với mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp với tỷ lệ đô thị hóa từ 42% hiện nay lên 65% vào năm 2030: “Thứ nhất là thể hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu ở Paris, thường gọi là COP-21.

Thứ hai, năm 2020, trong tình trạng cả nước phải dồn vào việc kiểm soát COVID-19 thì gần 15 cơn bão đã tràn vào tàn phá các tỉnh miền Trung. Tình trạng các khu dân cư ven biển bị tàn phá do ngập lụt lâu ngày, núi lở, đất sụt gây chết chóc và mất tích rất nhiều người. Chính phủ Việt Nam ý thức được rằng không thể phát triển các đô thị như hiện nay trong khi nhiệm vụ đô thị hóa như một trọng tâm 10 năm tới.

Thứ ba, trong thời gian miền Trung bị bão lũ, Ngân hàng thế giới (WB) đã hoàn thành báo cáo “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển: Phát triển khu vực ven biển Việt Nam – Cơ hội và rủi ro thiên tai”. Báo cáo chỉ ra rằng: “dù có tiến bộ đáng kể nhưng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu”. Đếm lại con số 11,8 triệu cư dân ven biển đang gặp rủi ro cao do lũ lớn, 35% khu dân cư ven biển thuộc vùng hay bị sạt lở. Mỗi năm, kinh tế thiệt hại 852 triệu USD, tương đương 0,5% giá trị GDP, thiệt hại 316 nghìn việc làm do lũ sông và lũ ven biển.

Thứ tư, 2021 là năm đầu của kỳ quy hoạch cho thời kỳ 2021 – 2030 với tầm nhìn 2050. Đó là năm chuẩn bị quy hoạch cả nước, các vùng địa lý kinh tế, các tỉnh. Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu cần được đặt như một trọng tâm, đặc biệt phải đặt điểm nhấn vào quy hoạch phát triển đô thị trong quá trình đẩy mạnh đô thị hóa”.

Đối với chuyên gia về biến đổi khí hậu, PGS.TS Lê Tuấn Anh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giúp tìm giải pháp để các đô thị phục hồi tốt hơn sau khi thiên tai, đồng thời có sự chuẩn bị nhằm giảm nhẹ tác hại khi thiên tai xảy ra: “Bởi vì, hiện nay các đô thị của Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động của biến đổi khí hậu. Khi thiên tai xảy ra thì tất cả các hoạt động đều ngưng trệ hoặc chậm lại, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế cũng như xã hội của các đô thị”.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, thành quả cần đạt được trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ bao gồm 6 điểm quan trọng:

Một là hình thành cơ sở dữ liệu cảnh báo rủi ro đô thị, Atlas đô thị và khí hậu tại các địa phương.

Hai là ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quy hoạch và phát triển đô thị, thực hiện lồng ghép các hướng dẫn và nội dung quản lý rủi ro trong phát triển đô thị.

Ba là các định hướng, quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được điều chỉnh, bổ sung nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và có giải pháp kiểm soát phát triển đô thị.

Bốn là chỉ tiêu xác định các khu vực ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo tại các đô thị ứng phó với biến đổi khi hậu làm cơ sở đầu tư xây dựng hiệu quả.

Năm là bổ sung hệ thống các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng và phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, hệ sinh thái bền vững; ban hành các tài liệu đào tạo nâng cao năng lực quản lý rủi ro, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sáu là hợp tác quốc tế nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số chương trình, dự án ứng dụng công nghệ, vật liệu mới nhằm phát triển đô thị đảm bảo sức chống chịu với biến đổi khí hậu.

Chuyên gia biến đổi khí hậu Lê Anh Tuấn giải thích bổ sung: “Ví dụ, mỗi thành phố phải có kế hoạch dự báo, cảnh báo khi thiên tai sắp xảy ra. Và khi thiên tai đã xảy ra thì phải có biện pháp giảm nhẹ hoặc biện pháp cứu trợ nạn nhân thiên tai. Sau đó là những chương trình tái thiết, đồng thời chương trình chuẩn bị cho những thiên tai khác trong tương lai.

Đây là cách mà tất cả những thành phố lớn trên thế giới phải làm theo. Có nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị trước, trong và sau khi có thiên tai”.

Tuy nhiên, vẫn theo lời nhà nghiên cứu Lê Anh Tuấn, trong điều kiện của Việt Nam thì có thể có một số điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của một quốc gia chưa phát triển cao như các nước Âu – Mỹ: “Việt Nam có phương châm “cứu người tại chỗ”, có nghĩa là cộng đồng có thể chỉ huy được phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, ví dụ các nhóm thanh niên, các nhóm tình nguyện viên để giúp người khó khăn. Địa phương cũng phải có những kho chứa lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men, lều, trại cả những kế hoạch tập huấn cứu hộ cứu nạn trong những tình huống khác nhau. Đó là cách Việt Nam làm bên cạnh những tiêu chuẩn mà quốc tế đã làm”.

Kế hoạch phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt trước khi rời nhiệm sở, được chia làm 3 thời kỳ:

+ Giai đoạn từ 2021 – 2025: các tỉnh được quan tâm cải tạo gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương, 7 tỉnh vùng ven biển, 7 tỉnh vùng núi.

+ Giai đoạn hai từ 2025 – 2030: kế hoạch được mở rộng ra các tỉnh khác và bị tác động của biến đổi khí hậu.

+ Giai đoạn ba sau 2030 xem xét tất cả các đô thị trên phạm vi toàn quốc.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ nhận định tính hợp lý rất cao trong quyết định của Thủ tướng, quan trọng Việt Nam có làm được hay không: “Tôi chỉ nói rằng nó hợp lý và nội dung như vậy là đủ. Thế nhưng bằng cách nào và điều gì quan trọng nhất thì tôi cho rằng là vấn đề ngân sách. Việt Nam có tiền để làm hay không? Với số lượng lớn các tỉnh, trước kia phát triển có phần lộn xộn, thì có đủ tiền cải tạo hay không? Đây là câu hỏi chỉ những người trong hệ thống lãnh đạo hiện nay mới có thể trả lời đc”.

Khó khăn cần đến là trí tuệ, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Khi đã cần hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kể cả cơ sở dữ liệu, thì cảnh báo như thế nào từ những cơ sở dữ liệu đó cũng cần sáng kiến gọi là chắt lọc về mặt trí tuệ, về mặt chất xám”. Thực tế lâu nay cho thấy có nhiều kế hoạch đề ra được đánh giá là hoành tráng, nhưng khi áp dụng thì không thể vượt qua những trở ngại do chính đội ngũ thực thi gây ra.

Nguồn: TKNB – 09/04/2021.

Dư luận về quy hoạch thành phố Nha Trang đến năm 2025


Theo đài RFA, quy hoạch thành phố Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có việc giải tỏa ga Nha Trang chuyển thành đất ở. Tuy nhiên, trong phương án di dời ga lại có đề xuất xây nhà ở, cao ốc thương mại. Việc này đã gây nên nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung là doanh nghiệp được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho phép lập các phương án đề xuất cải tạo, dời ga Nha Trang nhằm đầu tư khai thác kinh doanh quỹ đất của ga Nha Trang hiện nay.

Phương án 1 chỉ dời hoạt động vận chuyển hàng hóa đến ga mới. Còn ga hành khách vẫn tiếp tục duy trì tại ga Nha Trang hiện nay. Phương án 2 di dời toàn bộ ga Nha Trang đến ga mới.

Cả 2 phương án của Công ty Tuấn Dung đều có mục đích quy hoạch sử dụng đất ga Nha Trang xây dựng chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp cao 35 tầng, nhà liền kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ. Nhiều người cho rằng, để công ty tư nhân đầu tư quy hoạch như vậy là một hình thức tư nhân hóa bất động sản.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng: “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội là một chủ trương đúng. Vấn đề quan trọng là đằng sau sự cho phép đó có thực hiện đấu thầu hay không, hay là biểu hiện tham nhũng trong đó. Tôi cho rằng đó là việc cần làm. Tư nhân hay nhà nước làm đều tốt cả, nhưng theo tôi, khuyến khích khu vực tư nhân làm có lẽ tốt hơn”.

Ga Nha Trang là một nhà ga chính trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Gađược khánh thành ngày 2/9/1936. Nhà ga là nơi chứng kiến cuộc nổ súng chống Pháp của người Việt rạng sáng 23/10/1945. Vì thế, ga này được coi là một di tích lịch sử. Cho đến ngày nay, ga Nha Trang vẫn còn giữ được kiến trúc độc đáo thời Pháp. Ông Võ Văn Tạo, cư dân Nha Trang bày tỏ niềm tiếc nuối khi ga Nha Trang bị biến thành những chung cư cao tầng. Ông nói: “Thật ra, việc di dời ga xe lửa ra khỏi thành phố là xu thế của một thời, không riêng gì ga Nha Trang. Riêng ga Nha Trang có kiến trúc Pháp từ lâu đời rất đẹp. Có giá trị cả về kiến trúc lẫn lịch sử. Quan điểm của tôi là cố gắng giữ lại ga Nha Trang. Nếu di dời ga Nha Trang là một sai lầm nghiêm trọng khó khắc phục.

Phương án đưa ga Nha Trang lên phía Bắc thành phố đã được nói đến từ những năm 90 khi đất đai bắt đầu có giá. Bây giờ khu đất đó kkho6ng còn là khu đất vàng mà đã là khu đất kim cương thì họ khơi lại”.

Việc di dời ga xe lửa ra khỏi nội đô ở các thành phố lớn được nói tới từ mấy mươi năm trước dưới vỏ bọc quy hoạch thành phố. Đa số bị người dân phản đối. Ngay từ năm 2008, UBND TPHCM đã có văn bản góp ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch được đưa ra là dời ga Sài Gòn, ga Bình Triệu về ga Dĩ An tỉnh Bình Dương. Và dự án giữ lại ga Sài Gòn bằng việc xây dựng đường trên cao.

Giáo sư Đặng Hùng Võ có cái nhìn khác, cho rằng: “Ga Nha Trang thuộc di sản văn hóa. Nó được xây dựng lâu đời. Nếu ga này không có giá trị lịch sử về văn hóa thì việc quy hoạch lại trên nguyên tắc không đi qua trung tâm thành phố như hiện nay thì cũng là một việc nên làm. Còn trụ sở cũ để làm gì thì tôi cho rằng cái quan trọng nhất là quy hoạch sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố Nha Trang. Đó là việc phải xem xét kỹ lưỡng. Xu hướng đa số ở Việt Nam là những “miếng vàng” thường hay dùng để xây chung cư là vì bán được giá cao. Tôi không đồng ý với những việc như thế!”.

Truyền thông trong nước dẫn lời kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc – nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa rằng, việc phá dỡ ga Nha Trang và đương sắt vào tận trung tâm thành phố du lịch Nha Trang hiện nay để cho làm dự án theo đề xuất của doanh nghiệp tư nhân là một sự “đánh đổi rất lớn” của thành phố Nha Trang. Nha Trang đã có lịch sử cả trăm năm cùng hệ thống đường sắt hiện hữu vào ga này nếu dỡ bỏ thì hàng trăm năm sau không dễ gì có thể khôi phục, xây dựng lại được.

Hầu như tất cả các dự án di dời ga xe lửa ra khỏi nội đô đều với lý do giảm ùn tắc trong thành phố dù đường sắt là một loại hình giao thông công cộng. Nếu di dời sẽ bỏ qua tiềm năng rất lớn về phát triển giao thông công cộng. Vì vậy, di dời nhà ga không còn đơn thuần là chuyện quy hoạch, giảm ùn tắc cho địa phương, mà trở thành câu chuyện giữa lợi ích cục bộ và lợi ích số đông bởi những khu đất vàng đang rất nhiều nhà đầu tư nhắm đến.

Nguồn: TKNB – 24/03/2020.

Phú Quốc: Thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam


Theo RFA, truyền thông trong nước ngày 21/8 dẫn thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến đề nghị của tỉnh Kiên Giang đối với việc thành lập thành phố Phú Quốc và huyện đảo Thổ Châu.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam yêu cầu Bộ Nội vụ hướng dẫn Kiên Giang làm báo cáo để xin ý kiến của Bộ Chính trị trong quý III/2019.

Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất của Việt Nam có diện tích xấp xỉ 600 km2, nằm ở Vịnh Thái Lan là đơn vị hành chính cấp huyện loại 1, trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Sau một thập niên phát triển theo Quyết định số 633 quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hồi tháng 5/2010, Chính quyền tỉnh Kiên Giang đề nghị trung ương cho tạm dừng quy hoạch huyện đảo Phú Quốc theo hướng trở thành đặc khu kinh tế (gọi tắt là “đặc khu”), với lý do Quốc hội chưa thông qua Luật đặc khu, địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và hội đồng thẩm định…

Đề nghị tạm dừng phát triển Phú Quốc theo hướng đặc khu vừa được Bộ Xây dựng thông báo tán thành hồi trung tuần tháng 8 và nêu đề xuất thành lập thành phố Phú Quốc được thông qua. Tỉnh Kiên Giang tin rằng Phú Quốc sẽ trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam tạo được sức hấp dẫn thu hút đầu tư và du lịch, tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Phát triển của Liên hợp quốc nhận định “Tôi thấy Phú Quốc có tiềm năng rất lớn và có một vị thế rất đẹp. Vấn đề bây giờ là phải tạo điều kiện để cho Phú Quốc phát triển. Tôi nghĩ với những hướng dẫn và theo những quy hoạch đã có hiện nay thì Phú Quốc có đủ điều kiện để phát triển rồi. Và bây giờ, với việc cho thêm quyền chủ động của chính quyền địa phương, tôi rất hy vọng Phú Quốc sẽ thu hút được đầu tư và trở thành một hòn đảo ngọc, trở thành một thành phố đảo để thu hút du lịch và phát triển một cách rất mạnh mẽ. Đấy là điều tôi mong muốn cho Phú Quốc và cũng là mong muốn cho đất nước”.

Ngay sau khi truyền thông trong nước loan tin đề nghị tạm dừng quy hoạch Phú Quốc theo hướng đặc khu được trung ương tán thành, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng cho biết, tỉnh Kiên Giang sẽ theo bước của tỉnh Quảng Ninh là chuyển sang phát triển huyện đảo Phú Quốc theo “cơ chế đặc thù”. Ông giải thích: “Cơ chế đặc thù ở đây thực ra chỉ đơn thuần là vấn đề về vốn thôi. Ví dụ như những tỉnh, thành loại 1 mà có “cơ chế đặc thù” được cấp trung ương cho phép thì sẽ được trung ương cấp vốn nhiều hơn, được để lại ngân sách thu nhiều hơn mà không phải trích về cho trung ương và được quyền sử dụng đồng vốn đó vào một số chương trình quan trọng của khu vực, của đại phương đó mà không cần phải quá phụ thuộc vào ý kiến của các bộ, ngành, chuyên ngành kinh tế – kỹ thuật. Đó chính là “cơ chế đặc thù” mà một số nơi hiện nay như Quảng Ninh, Kiên Giang hay Khánh Hòa đang xin”.

Tuy nhiên, không ít thắc mắc của dư luận cho rằng phải chăng đề xuất mới của tỉnh Kiên Giang với sự kết hợp giữa nguồn vốn theo “cơ chế đặc thù” và sự chủ động, linh hoạt trong quản lý của chính quyền địa phương thì Phú Quốc sẽ có thể nhanh chóng ghi dấu trở thành thành phố biển đảo của Việt Nam?

Phú Quốc cần một quy hoạch mới

Đảo Phú Quốc phát triển, với giấc mơ “Singapore” thứ hai tại khu vực Đông Nam Á sau một thập niên được truyền thông lẫn dư luận “kêu gào” chính phủ Việt Nam từ trung ương tới địa phương cần quan tâm chấn chỉnh.

Mặc dù không thể phủ nhận những kết quả đầy khả quan mà “Đảo ngọc Phú Quốc” đạt được nhờ du lịch, đóng góp đến 65% tổng doanh thu. Tuy nhiên, qua hình ảnh mới nhất của hòn đảo giữa biển khơi – Phú Quốc bị ngập chìm trong nước sau 3 ngày mưa do ảnh hưởng bão hồi đầu tháng 8, đã khiến không ít người phẫn nộ vì  cho rằng đó là “hậu quả nhãn tiền” của một sự phát triển hỗn loạn mà không biết quy trách nhiệm về cho ai.

Những người dân sinh sống ở huyện đảo Phú Quốc đều vui mừng trước thông tin Phú Quốc đang được Chính quyền tỉnh Kiên Giang và trung ương đặc biệt quan tâm trong việc điều chỉnh quy hoạch cho thích hợp, đặc biệt sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được “bê tông hóa” Phú Quốc, khi ông tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang diễn ra vào ngày 29/7 ở thành phố Rạch Giá.

Nguồn: TKNB – 23/08/2019

Hà Nội có sớm đuổi kịp Singapore và Hong Kong?


Theo đài RFA, lâu nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam lên tiếng cho rằng thành phố này hay thành phố kia của Việt Nam sẽ sớm sánh ngang các địa danh nổi tiếng thế giới như Paris, Venice… Cơ sở nào cho thấy Hà Nội sẽ sớm bắt kịp Singapore?

Ông Nguyễn Khắc Trọng, chuyên ngành quy hoạch kiến trúc, từng làm việc tại Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, nêu rõ: “Theo tôi, 4 năm qua, Hà Nội rất khó đuổi kịp Singapore cũng như một số thành phố lớn trong khu vực. Riêng quy hoạch kiến trúc của Hà Nội hiện tại lại càng khó đuổi kịp các thành phố đó nếu chúng ta không nỗ lực cải cách và chuẩn chỉ những quy hoạch, không chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện. Cứ như hiện nay thì sẽ còn rất lâu mới có thể đuổi kịp Singapore, 10 hay 20 năm cũng không thể”.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Hà Nội hiện là thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam, khoảng gần 333 nghìn hecta, với dân số tính đến năm 2018 là 8.215.000 người, chỉ sau TPHCM.

Năm 2008, sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) vào Hà Nội, tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Chưa kể các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn…

Năm 2010, Hà Nội lập Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 – tầm nhìn năm 2050, cho một thành phố ước tính 9,1 triệu dân vào năm 2030 và trên 10 triệu dân vào năm 2050. Về mặt kiến trúc, dự tính chia Hà Nội thành 4 khu vực: khu phố cổ, khu thành cổ, khu phố Pháp và các khu mới quy hoạch.

Liên quan đến việc quy hoạch Hà Nội, mong muốn sớm đuổi kịp Singapore, Hong Kong, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Hy vọng, mong muốn là điều tốt, nhưng trên thực tế, tôi cho rằng khó có thể đuổi kịp các thành phố có hạng trên thế giới như Singapore và Hong Kong trong vài năm tới, bởi vì còn nhiều vấn đề về thể chế hiện cần phải tiếp tục đổi mới thì Hà Nội mới có cơ hội đuổi kịp được”.

Ông Nguyễn Khắc Trọng cho rằng phải đẩy mạnh thông tin quy hoạch đến người dân và doanh nghiệp thì việc triển khai quy hoạch mới tốt. Ông nói: “Hiện nay, bản thân người dân và các tổ chức doanh nghiệp không nắm rõ được hiện thành phố có những quy hoạch nào và được triển khai như thế nào? Chính vì vậy, việc kiểm tra, giám sát của người dân đối với các quy hoạch chưa tốt. Việc triển khai thực hiện theo quy hoạch hiện nay tại Hà Nội còn nhiều vấn đề”.

Cần phát triển đồng bộ

Cùng thời điểm này, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin Chính phủ đồng ý giao hoàn toàn hơn 2000 hecta đất thuộc khu vực trục Nhật Tân – Nội Bài cho một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chỉ nhận làm một phần để xây dựng thành phố thông minh trị giá 4 tỷ USD.

Nhận xét về điều này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết: “Tôi cho rằng ý tưởng Hà Nội đuổi kịp Singapore và Hong Kong là ý tưởng tốt, vì lúc này là lúc chúng ta có thể thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và lúc đó sẽ dẫn tới các đô thị thông minh. Liệu việc đó có làm cho Hà Nội mất đi chất văn hóa, chất truyền thống hay không, tôi cho rằng một đô thị có thể có rất nhiều khu vực”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đưa ra ví dụ về việc quy hoạch Thủ đô Paris của Pháp, với Paris cũ vẫn là khung cảnh Paris ngày xưa và bên kia sông Seine là Paris mới hiện đại với các tòa nhà chọc trời. Ông nói: “Tôi cho là tất cả những cái này cũng không làm thay đổi Hà Nội cổ, Hà Nội cũ. Vậy chúng ta có thể phát triển một đô thị, như lựa chọn bên kia cầu Nhật Tân chẳng hạn, đó là một đề xuất phù hợp”.

Ông Nguyễn Khắc Trọng cho rằng nếu để cho các doanh nghiệp nước ngoài triển khai những quy hoạch của Hà Nội thì chất lượng và công nghệ sẽ tốt. Tuy nhiên, ông nói: “Việc chúng ta chỉ khoanh vùng một khu vực để triển khai cho hiện đại, ngang tầm các nước trong khu vực, tôi nghĩ việc đó hơi duy ý chí. Bởi vì, để phát triển một thành phố thì phải phát triển đồng đều, đồng bộ, và tất cả các lĩnh vực hạ tầng xã hội, hạ tầng xây dựng phải phát triển đồng bộ. Không nên chỉ khaonh vùng một khu vực trong Hà Nội để làm một khu vực thật hiện đại, thật phát triển, thì Hà Nội lúc đó phát triển được như Singapore. Tôi nghĩ việc này không ổn”.

Phát biểu sau Hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và phát triển”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong trung và dài hạn, Hà Nội có thể đuổi kịp Singapore nếu chỉ xét về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ lại cho rằng không điều gì có thể xem xét độc lập được, mà phải xem xét mối quan hệ với các yếu tố khác. Ông nói: “Môi trường kinh doanh có tốt đến đâu thì cũng không thể độc lập với thể chế hiện nay, trong khi thể chế hiện nay đang bị nhiều người cho là yếu tố không thuận lợi cho phát triển. Cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, kể cả khung pháp luật cũng vậy. Đó là những yếu tố cơ bản để có thể quyết định Hà Nội vượt lên được hay không”.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu chỉ xem xét riêng môi trường kinh doanh để khẳng định Hà Nội sẽ đuổi kịp Singapore trong 4 năm nữa thì ông cho rằng đó là cách nhìn không đầy đủ, phiến diện.

Nguồn: TKNB – 02/07/2018