Những điều rút ra sau một năm cuộc xung đột Nga – Ukraine


Trang mạng theconversation.com ngày 21/02 đăng bài viết đánh giá về những tác động của cuộc chiến tại Ukraine đối với thế giới, trong đó cảnh báo nguy cơ cuộc chiến này phân chia lại bản đồ địa chính trị thế giới.

Với việc Ukraine đang tiến hành một trận quyết chiến và Nga dường như có xu hướng muốn tiêu diệt Ukraine nếu không chinh phục được Kiev, không bên nào có động cơ muốn chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến có thể sẽ kéo dài trong suốt năm 2023 và lâu dài hơn nữa.

Năm 2023 sẽ rất quan trọng

Những gì xảy ra ở Ukraine trong năm 2023 sẽ rất quan trọng. Năm 2023 sẽ cho thấy quyết tâm của những người trong cuộc và những người ủng hộ. Ukraine có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và chiếm lại lãnh thổ. Mức độ mà Tổng thống Putin có thể quản lý sự phục tùng trong nước. Thậm chí là cả ý định của Trung Quốc khi Bắc Kinh cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Moskva.

Cuộc chiến diễn ra nhưt hế nào vào năm 2023 cũng sẽ cho thấy quyết tâm và sự tin cậy của phương Tây trong việc chống lại những kẻ bắt nạt. Phương Tây liệu sẽ tiến xa hơn theo hướng hỗ trợ Kiev bằng mọi cách, hay sẽ quay trở lại hỗ trợ nhỏ giọt hoặc lựa chọn nhượng bộ trước sự thờ ơ và mệt mỏi vì chiến tranh?

Trong những tháng tới, Kiev sẽ phải đối mặt với hai thách thức chính. Thứ nhất, Ukraine sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công của Nga trong khi vẫn phải thực hiện các cuộc tấn công, đặt ra yêu cầu về vũ khí hạng nặng của phương Tây, khả năng tấn công tầm xa và có thể cả sức mạnh không quân. Thứ hai, Ukraine cần viện trợ và hỗ trợ quốc tế liên tục để đảm bảo trật tự xã hội không bị phá vỡ do suy thoái kinh tế và để có thể giảm thiểu thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng của mình.

Quân đội và quyền lực của cá nhân Tổng thống Nga

Ngược lại, để xoay chuyển tình thế, Moskva sẽ phải cải thiện hiệu quả hoạt động các lực lượng vũ trang. Với ước tính 80% toàn bộ lực lượng mặt đất của Nga đã tham gia cuộc xung đột, cộng với hàng chục nghìn lính nghĩa vụ mới được huy động đến mặt trận, áp lực ngày càng lớn đối với những người đứng đầu giới lãnh đạo quân sự của Nga.

Thất bại trong việc đạt được mục tiêu sẽ tác động đến hành động của Tổng thống Putin. Để duy trì trật tự xã hội, Putin ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn với việc ban hành các chính sách hà khắc, như bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự và bỏ tủ nhiều người lên tiếng phản đối chiến tranh. Trong khi cuộc đấu đá nội bộ gay gắt giữa các lực lượng vũ trang với tổ chức bán quân sự Wagner đã được giải quyết, việc các mâu thuẫn được thể hiện một cách công khai cho thấy Putin không còn uy quyền mạnh mẽ như trước đây đối với giới chức Nga.

Chiến tranh có thể leo thang trong năm 2023

Nếu việc duy trì quyền kiểm soát trong nước trở nên khó khăn hơn đối với Putin, chiến thuật “Bên miệng hố chiến tranh” mới sẽ ngày càng hấp dẫn. Đổi lại, điều đó làm tăng nguy cơ leo thang xung đột.

Các nước phương Tây phần lớn đã tự loại bỏ năng lượng của Nga trong năm 2022, một phần quan trọng trong đòn bẩy chiến lược của Nga. Tuy nhiên, vào năm 2023 có thể Moskva sẽ gia tăng nỗ lực phá vỡ sự thống nhất của phương Tây.

Trọng tâm của NATO sẽ tiếp tục dịch chuyển về phía Đông

Trọng tâm của NATO có thể sẽ tiếp tục dịch chuyển xa hơn về phía Đông. Cả Ba Lan và Estonia đều nổi lên như những nhà đấu tranh mạnh mẽ cho chủ quyền của Ukraine, đặc biệt là các quốc gia châu Âu kín tiếng hơn, bao gồm cả Đức và Pháp. Các thành viên đầy triển vọng của NATO là Phần Lan và Thụy Điển cũng đều tăng chi tiêu quốc phòng năm 2022 từ 10% đến 20%. Nhóm Bucharest Nine (B9) – gồm 9 nước đồng minh ở sườn phía Đông NATO, đã nổi lên như một tiếng nói mạnh mẽ trong NATO, ủng hộ việc chuyển giao các hệ thống vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine.

Thách thức đối với NATO là cách tiếp cận hai chiều đối với cuộc chiến tại Ukraine trong liên minh làm tăng nguy cơ bất đồng và rạn nứt. Cuối cùng, những người dự đoán cuộc chiến của Nga ở Ukraine nhanh chóng kết thúc có thể sẽ thất vọng. Năm 2022 đã dạy chúng ta nhiều điều. Giờ đây, sau một năm cuộc xung đột ở châu Âu xảy ra, chúng ta sẽ thấy cách mà các cuộc chiến tranh định hình lại thế giới.

Nguồn: TKNB – 27/02/2023

Cộng đồng Chính trị châu Âu: “Bình cũ rượu mới” – Phần cuối


Thứ hai, Cộng đồng Chính trị châu Âu cần chứng minh đối xử bình đẳng với tất cả các thành viên và tránh trở thành một cơ chế đẳng cấp của cơ cấu gồm trung tâm và rìa ngoài. Trong bài phát biểu vào tháng 5, Macron cho biết Ukraine có thể tham gia một “cộng đồng châu âu song song” trong khi chờ quyết định cho phép gia nhập EU, để các nền dân chủ có “cùng chí hướng” ở châu Âu, bao gồm cả các nước không thuộc EU, có thể tìm thấy một không gian hợp tác chính trị mới, nhằm giải quyết các thách thức chính trị và an ninh mà châu Âu đang phải đối mặt. Tuy nhiên, nếu Cộng đồng Chính trị do EU nắm vai trò chủ đạo, hoặc thông qua một phương thức bỏ phiếu đặc biệt để quyết định quyền hạn giải quyết của các thành viên khác nhau đối với công việc châu Âu, thì những thành viên không thuộc EU có thể bị phụ thuộc vào cơ chế này, khiến Cộng đồng Chính trị châu Âu cuối cùng trở thành cơ cấu không bình đẳng, do các nước hạt nhân kiểm soát, các quốc gia ngoài rìa tham gia hạn chế.

Vấn đề này phần lớn phụ thuộc vào hình thức tồn tại của Cộng đồng Chính trị châu Âu: Là tổ chức quốc tế dựa trên các hiệp ước và nền tảng quy tắc pháp lý, hay diễn đàn lỏng lẻo, không ràng buộc? Quyết định thông qua cơ chế biểu quyết đa số hay toàn bộ phải nhất trí? Liệu có trở thành công cụ để các nước ngoài EU gây sức ép lên tổ chức này? Những vấn đề này sẽ cần được làm rõ trong tương lai, nếu không sẽ không thể thực sự giải quyết các vấn đề lớn của châu Âu và đối mặt với rủi ro nhanh chóng bị gạt ra ngoài lề.

Thứ ba, Cộng đồng Chính trị châu Âu buộc phải đối mặt với sức ép mở rộng của EU. Cộng đồng Chính trị không có nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề mở rộng và EU cũng không thể kết nạp thêm thành viên trong ngắn hạn, nhưng xét từ mục đích chủ yếu của việc thành lập Cộng đồng Chính trị châu Âu là nhằm khắc phục khiếm khuyết tạm thời của EU không thể nhanh chóng mở rộng, khiến cho các nước láng giềng không thể gia nhập EU trong tương lai gần, có thể giải quyết vấn đề chiến lược và an ninh chung thông qua phối hợp với các nước EU. Điều này trên thực tế là mối đe dọa tiềm ẩn: Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ giảm mạnh tính cấp bách việc mở rộng, hạ thấp triển vọng các nước EU nhanh chóng kết nạp các nước láng giềng, vì vậy liệu con đường Ukraine, các nước Kavkaz và Tây Balkan gia nhập EU sẽ càng dài hạn hơn? Thậm chí, trạng thái hiện tại trở thành vĩnh viễn?

Thứ tư, Cộng đồng Chính trị châu Âu đối mặt với sự thù địch lâu dài hơn từ Nga. Cộng đồng này phần lớn được khởi xướng để ứng phó với sức ép địa chính trị của Nga. Năm 2010, mâu thuẫn ở Ukraine giữa phe thân EU và phê thân Nga liên tục xuất hiện, cuối cùng tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị trong nước dẫn đến việc Nga sáp nhập Crimea vào phạm vi chủ quyền của mình. Sau đó, di sản của Thỏa thuận Minsk thất bại dẫn đến xung đột quân sự Nga-Ukraine. Hiện nay, EU không những coi những nước có xung đột an ninh với Nga như Ukraine, Gruzia, Moldova là ứng cử viên tiềm năng gia nhập EU, mà còn đưa họ vào Cộng đồng Chính trị châu Âu chuyên về các vấn đề chính trị và an ninh. Việc làm này chỉ làm gia tăng mâu thuẫn giữa Nga và EU trong lĩnh vực địa chính trị. Cộng đồng Chính trị châu Âu phần nhiều có thể được coi là bước tiến mới nhất trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia EU và Nga đối với các nước láng giềng. Trong bối cảnh đó, châu Âu lục địa (đặc biệt là các nước Trung và Đông Âu) có thể phải đối mặt với sự can thiệp chính trị và an ninh nhiều hơn từ Nga, cũng như phản ứng của Nga mang tính tấn công nhiều hơn về an ninh. Nếu trong tương lai, Nga không được mời tham gia vào hoạt động của Cộng đồng Chính trị châu Âu (điều gần như là không thể), thì đó chính là một “câu lạc bộ” chống Nga và khiến châu Âu rơi vào vòng xoáy cạnh tranh địa chính trị sâu sắc hơn.

Ảnh hưởng bên ngoài của các công cụ địa chính trị

Một phần nguyên nhân khiến ý tưởng về Liên bang châu Âu của Mitterrand thất bại là do Nga và Mỹ cùng gia nhập, hiện nay Cộng đồng Chính trị châu Âu đã loại bỏ cả hai nước này sau khi rút ra bài học. Việc làm đó cho thấy cơ chế này là một cuộc diễn đàn địa chính trị của châu Âu, phù hợp với mục tiêu nội tại tự chủ chiến lược của châu Âu đã được cổ súy trong những năm qua. Nói cách khác, Cộng đồng Chính trị châu Âu từ khởi xướng đã trở thành thực tế, là một phần để châu Âu theo đuổi quyền tự chủ chiến lược, xuất phát từ tự chủ chiến lược và phục vụ cho hiện thực hóa mục tiêu này.

Dễ thấy, cơ chế này sẽ là phương tiện đa phương để giải quyết những công việc chung cảu châu Âu như an ninh, nhân quyền và năng lượng của châu Âu. Với lịch sử và hiện trạng của EU, việc xây dựng và thúc đẩy chương trình nghị sự của tổ chức này sẽ bị chỉ đạo hoặc ảnh hưởng sâu sắc từ EU và các quốc gia thành viên Tây Âu, Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ duy trì lập trường ưu tiên tương tự hoặc thống nhất với EU và các thành viên trong các vấn đề đối ngoại. Cơ chế này có đòi hỏi mạnh mẽ về duy trì “nền dân chủ” của châu Âu, có thể thấy rằng Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ mang màu sắc EU sâu đậm về ý thức hệ.

Là công cụ mới để các nước châu Âu thực hiện các cuộc đấu tranh địa chính trị, có định hướng và yêu cầu ý thức hệ rõ ràng, lập trường đối ngoại (bao gồm quan hệ với Trung Quốc) của Cộng đồng Chính trị này sẽ duy trì sự thống nhất với EU. Tuy nhiên, chức năng chủ yếu của Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ tập trung vào địa chính trị và an ninh của châu Âu, thu hút các nước láng giềng không thể gia nhập EU trong tương lai gần tham gia quản lý công việc châu Âu. Do đó, trước khi trở thành một tổ chức đa phương mạnh (nếu có thể), Cộng đồng Chính trị châu Âu không thể hình thành tương tác thực chất với các nước bên ngoài khu vực, nếu có chăng thì chỉ được thực hiện thông qua các cơ chế đã hoàn thiện như EU hoặc chính sách độc lập của các nước thành viên. Tóm lại, Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ chủ yếu tập trung vào công việc nội bộ của châu Âu, là tổ chức của một châu Âu lớn hơn (44 quốc gia) có thể có những tranh cãi nội bộ phức tạp hơn, cơ cấu tổ chức không mấy phù hợp, dẫn đến tình trạng hệ thống ra quyết sách mang tính hình thức, thiếu kinh phí, nên không thể phát huy ảnh hưởng đối ngoại lớn hơn.

Nguồn: www.thepaper.cn

TLTKĐB – 02/11/2022

Cộng đồng Chính trị châu Âu: “Bình cũ rượu mới” – Phần II


Phản ứng của các bên: Ủng hộ, lo ngại, vui buồn lẫn lộn

Macron đã liên kết Cộng đồng Chính trị châu Âu với Liên bang châu Âu của Mitterrand, sử dụng trực tiếp khái niệm từng xuất hiện trong lịch sử liên kết châu Âu để đặt tên cho sáng kiến, khiến sáng kiến này có màu sắc của Pháp, đồng thời cũng kích hoạt sứ mệnh lịch sử của người châu Âu. Điều quan trọng hơn là có ý nghĩa thiết thực để cố gắng giải quyết vấn đề cấp bách nhất của châu Âu hiện nay. Những điều này đã làm cho sáng kiến của Macron nhìn chung nhận được đồng thuận rộng rãi hơn của các bên, mặc dù cũng có một số ít ý kiến phản đối.

Sáng kiến này ít nhất giành được sự ủng hộ của EU. Tháng 6/2022, Borrell, Đại diện cấp cao về đối ngoại và chính sách an ninh của EU, đã khẳng định sáng kiến Cộng đồng Chính trị châu Âu, cho rằng sáng kiến này có thể cho phép các nước ứng cử viên tham gia ngay lập tức vào các chính sách khác nhau của EU. Nếu họ đồng ý, có thể tác động đến một số nước chưa muốn gia nhập EU như Na Uy, Thụy Sĩ hoặc Anh. Tháng 9/2022, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Von der Leyen bày tỏ sự ủng hộ của EC đối với ý tưởng Cộng đồng Chính trị châu Âu. Bà cho rằng châu Âu cần cố gắng mở rộng hạt nhân của những quốc gia dân chủ này, phương pháp trực tiếp nhất là làm sâu sắc hơn mối quan hệ của EU với các nền dân chủ. Điều này phải bắt đầu từ những quốc gia đang trên con đường gia nhập EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel đã phản hồi đề xuất của Macron theo cách riêng của mình, khoảng một tuần sau khi Macron khởi xướng Cộng đồng Chính trị châu Âu trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn thể Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu, Michel nói: “Từ Reykjavik đến Baku hoặc Yerevan, từ Oslo đến Ankara, có một cộng đồng địa chính trị… Tôi tin chắc rằng chúng ta cần phải mang lại cho khu vực địa lý này một thực tế chính trị. Tôi kêu gọi xây dựng một cộng đồng địa chính trị châu Âu”.

Ngày nay, Cộng hòa Czech, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, đã tổ chức phiên họp đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu, EU không chỉ ủng hộ bằng lời nói mà còn tham gia sâu vào quá trình xây dựng cộng đồng này bằng hành động.

Đức là thành viên quan trọng của EU, Thủ tướng Đức Scholz nhận định: “Sáng kiến của Pháp là một phương pháp thú vị để ứng phó thách thức to lớn mà chúng ta phải đối mặt, mặc dù ông ủng hộ việc cải cách cơ chế bỏ phiếu của Ủy ban châu Âu (từ toàn bộ nhất trí trở thành đa số hiệu quả) để thúc đẩy thành tựu liên kết châu Âu trong các lĩnh vực an ninh và ngoại giao. Nhưng Vương quốc Anh là ngoại lệ. Chính quyền Truss của Anh do dự khi tham gia hội nghị đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu, vì lo ngại cộng đồng này sẽ trở thành cơ chế đa phương mới của châu Âu và có thể bị EU lãnh đạo. Đảng Bảo thủ lo ngại Anh buộc phải rơi vào tình thế phức tạp của lục địa châu Âu sau Brexit (Anh rời EU) và gánh vác trách nhiệm không cần thiết. Việc làm này không có lợi cho quan hệ của Anh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7), hai tổ chức này là tổ chức quốc tế chủ yếu để Anh tham gia vào các vấn đề quốc tế và duy trì địa vị của mình ở phương Tây.

Nhưng cũng có người lo ngại sâu sắc, vào ngày Macron đề xuất sáng kiến Cộng đồng Chính trị châu Âu, 13 quốc gia EU, bao gồm cả Bulgaria và Thụy Điển, đã bày tỏ lập trường tập thể đối với những sáng kiến cải cách châu Âu khác nhau: “Không ủng hộ tiến trình sửa đổi hiệp ước thiếu cân nhắc và thử nghiệm quá sớm. Việc làm này sẽ dẫn đến rủi ro nghiêm trọng khi sức mạnh chính trị bị chuyển hướng khỏi nhiệm vụ quan trọng là tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề mà công dân của chúng ta kỳ vọng câu trả lời, đối phó với những thách thức địa chính trị cấp bách đặt ra trước châu Âu”. Tuyên bố một phần được hiểu là hoài nghi về những cải cách cực đoan, bao gồm Cộng đồng Chính trị do Macron đề xuất.

Có thể có nhiều vui mừng và lo ngại lẫn lộn về việc các nước Tây Balkan mong muốn gia nhập EU. Nhưng cho dù thế nào, tất cả các quốc gia châu Âu được xác định trong “cộng đồng” này cuối cùng đều tham gia hội nghị đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu (Vương quốc Anh cũng tham gia sau khi cân nhắc ưu và nhược điểm). Điều này cho thấy cho dù Na Uy và Thụy Sĩ không tìm cách gia nhập EU, cũng như các thành viên EU phản đối  những cải cách triệt để, đều có kỳ vọng khi tham gia một cộng đồng non trẻ.

Một số thách thức gây cấn bên trong, bên ngoài

Việc tổ chức Hội nghị của Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ biến sáng kiến của Pháp thành sự đồng thuận của châu Âu, thành cơ chế đa phương bao gồm tất cả các nước châu Âu. Tuy nhiên, trong tương lai, sáng kiến này cần phải xử lý nhiều thách thức, bao gồm quan hệ với các tổ chức quốc tế như EU, sự phối hợp rõ ràng về cơ cấu và chức năng, liên quan đến vấn đề mở rộng EU.

Thứ nhất, về mặt tổ chức và chức năng, Cộng đồng Chính trị châu Âu cần có sự khác biệt với các tổ chức khác của châu Âu như EU. Đến nay, không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy phương châm Cộng đồng Chính trị châu Âu trong việc xử lý quan hệ với EU. Theo như ý định ban đầu, vì Hội đồng châu Âu thiếu hiệu quả lý tưởng trong việc giải quyết những vấn đề chính trị và an ninh quan trọng ở châu Âu, không thể thu hút sự tham gia của các nước không thuộc EU ở châu lục này. Việc thành lập Cộng đồng Chính trị châu Âu nhằm cung cấp phương tiện để có thêm quốc gia châu Âu cùng tham gia giải quyết công việc quan trọng của châu Âu, nhưng hiện nay, hội nghị đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu đang do Chủ tịch luân phiên EU đứng ra tổ chức, việc làm này gây ấn tượng EU sẽ nắm vai trò chủ đạo cộng đồng mới, cho dù EU tuyên bố đây là phương tiện phối hợp, Cộng đồng Chính trị châu Âu không thể thiết lập, cũng không thể thay thế bất kỳ tổ chức, cơ cấu hoặc quy trình hiện có nào.

Ngoài ra, lĩnh vực quản lý của Cộng đồng Chính trị châu Âu bao gồm an ninh, năng lượng, khí hậu, chuyển dịch nhân sự, nhân quyền và phát triển kinh tế…, không phân biệt rõ ràng các chức năng của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hội đồng châu Âu, và đặc biệt là EU trong các lĩnh vực có liên quan. Rõ ràng, muốn Cộng đồng Chính trị châu Âu thành công, không thể đơn giản là bộ phận mở rộng của EU hoặc các tổ chức khác, mà cần duy trì sự độc lập của tổ chức này thông qua các chức năng riêng biệt và thiết thực, tránh sự trùng lặp về chức năng với các tổ chức đa phương của châu Âu.

(còn tiếp)

Nguồn: www.thepaper.cn

TLTKĐB – 02/11/2022

Cộng đồng Chính trị châu Âu: “Bình cũ rượu mới” – Phần I


Ngày 6/10/22, tại Praha, Cộng hòa Czech, nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu trong nửa cuối năm 2022, đã mời nguyên thủ của tất cả 27 quốc gia thành viên EU và 17 quốc gia ngoài EU tổ chức hội nghị đầu tiên được gọi là Hội nghị Cộng đồng Chính trị châu Âu. Hội nghị này khởi đầu từ bài phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ bế mạc Hội nghị tương lai châu Âu vào tháng 5, trogn đó ông tuyên bố: “Trước bối cảnh địa chính trị mới, chúng ta rõ ràng phải tìm ra phương pháp để nghiên cứu châu Âu của chúng ta, sự thống nhất và ổn định của châu lục này, mà không làm suy yếu sự thân thiết được thiết lập trong nội bộ EU”. Phương pháp mà ông đề cập đến là thành lập Cộng đồng Chính trị châu Âu.

Cộng đồng Chính trị châu Âu: “Bình mới rượu cũ”

Khi Macron đề xuất Cộng đồng Chính trị châu Âu trong bài phát biểu trên, ông đặc biệt đề cập đến “Liên bang châu Âu” mà cố Tổng thống Pháp Mitterrand đề xuất khi Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc. Macron tuyên bố: “Năm 1989, khi Liên Xô tan rã, Tổng thống Franςois Mitterrand đã khởi xướng suy nghĩ này, đề xuất một liên bang châu Âu. Đề xuất của ông ấy không có kết quả… nhưng ông đã đưa ra câu hỏi đúng đắn, vẫn còn ý nghãi cho đến ngày nay: Từ góc độ chính trị, chúng ta làm thế nào tổ chức châu Âu với phạm vi lớn hơn Liên minh châu Âu (EU)? Hiện nay, chúng tôi có nghĩa vụ lịch sử để đáp ứng điều đó”.

Macron đã đề cập đến Mitterrand trong bài phát biểu của mình, điều này có ngụ ý rất lớn rằng Cộng đồng Chính trị châu Âu được Macron đề xuất phần lớn là sự tiếp nối tư tưởng chính trị của Pháp (mặc dù “Liên bang châu Âu” vào thời điểm đó là do Mỹ, Đức và Tiệp Khắc tẩy chay nên cuối cùng đã bị hủy bỏ), mang lại tính hợp pháp nhất định và tạo ra màu sắc nước Pháp rõ ràng cho sáng kiến này.

Trên thực tế, Cộng đồng Chính trị châu Âu không phải là một khái niệm hay một dự án mới. Năm 1952, châu Âu hình thành Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC), ra đời cùng với sự xuất hiện của Cộng đồng Quốc phòng châu Âu (EDC). Tuy nhiên, dự thảo thành lập Cộng đồng Chính trị châu Âu đã bị Quốc hội Pháp bác bỏ hai năm sau đó, từ thời điểm xuất hiện đến kết thúc diễn ra nhanh chóng. Sau đó, Tây Âu vẫn có ý đồ thúc đẩy tiến trình liên kết chính trị của họ, nhưng hiệu quả không cao. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, EU đã phối hợp tiến trình liên kết châu Âu trong lĩnh vực chính trị thông qua Chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP) dựa trên chủ nghĩa liên chính phủ.

Hiện nay, Cộng đồng Chính trị châu Âu mang hàm nghĩa mới, có ý đồ vượt trên EU để ứng phó với mối đe dọa từ Nga, nhằm khắc phục khiếm khuyết EU không thể nhanh chóng mở rộng sang phía Đông đến các nước láng giềng của Nga như Ukraine, Moldova và Grudia, đưa Thổ Nhĩ Kỳ là nước luôn trì hoãn chưa thể gia nhập EU và Anh là nước đã rời khỏi EU, vào khung đối thoại và hợp tác chính trị.

Đúng như Macron đã khẳng định, trên thực tế, có thể mất 10 năm, thậm chí vài chục năm để Ukraine cuối cùng gia nhập EU, đồng thời ông không muốn hạ thấp tiêu chuẩn gia nhập để đạt được sự mở rộng nhanh chóng. Năm 2019, Pháp đã phủ quyết việc Albania và Bắc Macedonia bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU (các cuộc đàm phán gia nhập giữa hai nước đã bắt đầu vào tháng 7 năm 2022). Điều này cho thấy mục đích chính trong đề xuất của Macron về Cộng đồng Chính trị châu Âu là giải quyết tình thế khó khăn đối với việc mở rộng EU, đối mặt với thực tế không thể đưa các nước láng giềng gia nhập EU trong tương lai gần. Đồng thời, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, EU phải thông qua một cơ chế mới để củng cố ảnh hưởng đối với các nước láng giềng, phối hợp với phạm vi rộng và ứng phó đối với vấn đề an ninh và chính trị phức tạp cũng như thách thức hơn của châu Âu, là điều mà EU hiện không thể thực hiện được.

Lý do Macron đề xuất Cộng đồng Chính trị châu Âu phần nhiều là mô phỏng và nỗ lực mới để thực hiện những thử nghiệm mà châu Âu đã làm trước đây, đối mặt với thách thức địa chính trị mới, là biện pháp mới để giải quyết khó khăn mở rộng EU, vấn đề chính trị, an ninh, chiến lược của châu Âu rộng lớn hơn, có ý đồ để châu Âu lớn hơn (44 nước) vượt qua châu Âu nhỏ (27 quốc gia thành viên của EU) nhằm xử lý công việc liên quan đến lĩnh vực an ninh và chính trị châu Âu.

(còn tiếp)

Nguồn: www.thepaper.cn

TLTKĐB – 02/11/2022

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp sẽ có lợi cho Việt Nam


Theo đài RFI, có thể thấy hàng loạt hoạt động ngoại giao của Pháp trong thời gian gần đây cho thấy khu vực Đông Nam Á giữ vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được Paris công bố năm 2018. Việc lần đầu tiên, một Tổng thống Pháp và cũng là nguyên thủ châu Âu đầu tiên được mời dự thượng đỉnh APEC ở Bangkok (Thái Lan, trung tuần tháng 11/2022) là một thành công của ngành ngoại giao Pháp trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hiện trở thành “một ưu tiên đối với Pháp”. Liệu Việt Nam sẽ có vai trò nào đó trong chiến lược của Pháp không? Việt Nam có lợi ích gì từ chiến lược này? Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul-Valéry Montpellier (Pháp), phân tích:

Tổng thống Emmanuel Macron gặp đồng nhiệm Indonesia, nước chủ tịch luân phiên G20 tại Bali. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đến Jakarta họp với đồng nhiệm Indonesia. Indonesia là đối tác quan trọng, có thể là quan trọng nhất, không chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự, mà có lẽ còn do trọng lượng của nước này: đông dân nhất khu vực với 276 triệu dân, là quần đảo lớn nhất thế giới. Indonesia cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Pháp năm 2011, tăng cường quan hệ trong nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng đến kinh tế và văn hóa. Sau đó, Pháp ký thỏa thuận tương tự với Singapore năm 2012 và với Việt Nam năm 2013.

Việt Nam có vai trò nào trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp không? Về câu hỏi này, có thể thấy 2 thực trạng.

Trước tiên là những điểm yếu. Không thể phủ nhận là Pháp-Việt chưa hẳn đã phát triển hợp tác trong một số lĩnh vực, như kinh tế, thương mại. Đây là điểm yếu chính trong mối quan hệ giữa hai nước và cần phải được nhìn thẳng, cải thiện theo thời gian. Dù trao đổi đã tăng, Pháp vẫn chưa chiếm thị phần lớn ở Việt Nam và ngược lại. Cho nên, hai nước còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp.

Ngược lại, hai quốc gia có mối quan hệ chính trị rất tốt vì thường xuyên có những chuyến thăm cấp cao, thậm chí là cấp Nhà nước. Hợp tác phi tập trung, giữa các vùng, tỉnh, đô thị của hai nước cũng rất quan trọng, đa dạng và có từ lâu. Ngoài ra, còn phải kể đến mối quan hệ văn hóa song phương có từ rất lâu, rất mạnh, nhưng cũng cần được cải thiện, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ.

Từ những ưu điểm nói trên, dù hiện chưa phải là ưu tiên của Tổng thống Pháp, nhưng hy vọng mối quan hệ đó đủ vững mạnh để ông đến Việt Nam trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương năm 2023.

Chiến lược của Pháp không phải chỉ nhắm vào mỗi Trung Quốc, nhưng có thể đó là một ưu tiên. Chiến lược của Pháp nhằm kiềm chết một chút “nhiệt huyết” của Trung Quốc ở trong vùng, nhưng cũng nhằm bảo vệ tốt hơn những lợi ích kinh tế, văn hóa và người dân Pháp vì Pháp có nhiều vùng lãnh thổ trong vùng, như Polynésie, Nouvelle Calédonie, Wallis và Futuna ở Thái Bình Dương.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp khó có thể đẩy Việt Nam vào thế tế nhị vì chiến lược này không thể so sánh được với chiến lược của Mỹ. Ngoại giao Pháp không đi theo hướng xung đột giữa các khối mà đề xuất “con đường thứ ba”, cụm từ cũng thường được ông Macron sử dụng. Có thể đây là khái niệm thứ hai về một “cường quốc tầm trung”. Nếu như Pháp có tham vọng trở thành một cường quốc tầm trung và có thể mở ra “con đường thứ ba” cùng với những nước khác thì Việt Nam yên tâm.

Pháp không thể và không có ý định tách rời Việt Nam và Trung Quốc, mà ngược lại, có thể sẽ tìm được cách hành động để đóng vai trò cân bằng và tránh rơi vào kịch bản gần như kiểu Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, Biển Đông là khu vực có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam và những nước khác trong vùng, trong khi Trung Quốc lại có những đòi hỏi. Châu Âu, đặc biệt là Pháp, có thể đóng vai trò hữu ích trên phương diện ngoại giao, cũng như về kinh tế và văn hóa để tránh cho một đất nước như Việt Nam bị cuốn theo cuộc đối đầu Mỹ-Trung, và rơi vào thế trở thành con tin.

Nguồn: TKNB – 07/12/2022

Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc: Sự đoạn tuyệt với Thỏa thuận Liên minh?


Theo thediplomat.com, khi chính phủ liên minh hiện tại của Đức được thành lập vào cuối năm 2021, Thỏa thuận Liên minh của Đức đề cập đến việc thực hiện một cách tiếp cận mới, quyết liệt hơn đối với Trung Quốc. Cho đến lúc đó, chính sách kinh tế giữa hai nước; những lo ngại về vi phạm nhân quyền và việc đàn áp những tiếng nói bất đồng ở Trung Quốc, hay các động thái ngày càng quyết đoán hơn của Bắc Kinh ở khu vực Đông Á, đều chỉ là để phô diễn. Điều này giờ đây đã thay đổi.

Thỏa thuận Liên minh ủng hộ việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, nhưng chỉ “khi nào có thể” và chỉ “trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và luật pháp quốc tế”. Thỏa thuận này tuyên bố rằng Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, mà chính phủ tiền nhiệm dưới thời Thủ tướng Angela Merkel đã xoay sở để Hội đồng châu Âu đồng ý cho thông qua trong những ngày cuối cùng của năm 2020, đi ngược lại những cảnh báo của chính quyền sắp nhậm chức tại Mỹ Joe Biden lúc đó, hiện không thể hoàn tất “vì một số lý do” và yêu cầu đối xử có đi có lại đối với các công ty châu Âu tại thị trường nội địa Trung Quốc. Thỏa thuận Liên minh cũng đề cập việc giảm sự phụ thuộc chiến lược của Đức vào nền kinh tế Trung Quốc. Thỏa thuận này cho rằng xung đột lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông và các nơi khác trong khu vực cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế và hiện trạng ở Eo biển Đài Loan chỉ có thể được thay đổi bằng các biện pháp hòa bình và với sự nhất trí của cả hai bên.

Ở Đức, với truyền thống về tuân thủ luật pháp, các Thỏa thuận Liên minh đều rất được coi trọng. Các thỏa thuận này thường rất dài (Thỏa thuận Liên minh hiện nay dài 178 trang) là trọng tâm công việc của chính phủ. Các thỏa thuận này giống như kế hoạch chi tiết cho hoạt động của nền chính trị, các quyết định của chính phủ và việc Quốc hội Đức thông qua các luạt trong 4 năm tới. Khi chính phủ mới bắt đầu làm việc, những phát biểu từ 3 đảng trong liên minh cầm quyền cho thấy rằng chính sách đối với Trung Quốc của Đức đang cần một cuộc đại tu lớn.

Lo ngại về “sự phụ thuộc bị vũ khí hóa”, “các lỗ hổng chiến lược” và việc tìm kiếm “khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng” nhanh chóng không chỉ tập trung vào Nga, mà còn cả Trung Quốc. Điều này dường như đã tạo thêm sức ép và động lực cho Berlin tiếp cận Bắc Kinh. Giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã trở thành khẩu hiệu mới không chỉ ở Berlin mà còn trên toàn ngành công nghiệp Đức.

Ngành công nghiệp xe hơi của Đức tiêu thụ khoảng 40% tổng sản lượng của mình ở Trung Quốc; đối với Volkswagen, con số này là khoảng 50% và nếu không có thị trường Trung Quốc, hãng này có lẽ sẽ không thể tồn tại và phát triển như một nhà sản xuất ô tô độc lập. BASF, công ty hóa chất lớn nhất thế giới, gần đây đã mở một địa điểm sản xuất khổng lồ mới ở miền Nam Trung Quốc, nơi họ đã chi tới 10 tỷ euro; công ty này dự kiến sẽ tạo ra 2/3 tăng trưởng doanh thu trong tương lai tại thị trường Trung Quốc.

Theo một phân tích về các công ty Đức, 40% số công ty thương mại và gần một nửa số các hãng công nghiệp phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguyên liệu thô hoặc hàng hóa trung gian quan trọng. Trong ngành công nghiệp xe hơi, tỷ lệ này là 75%.

Để giảm mức độ phụ thuộc cao như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Mặc dù các tập đoàn của Đức ở nhiều nơi đang tiến hành các bước để phát triển các nguồn cung ứng và thị trường thay thế, nhưng hướng đi chung dường như vẫn là gắn bó với Trung Quốc. Do đó, một nghiên cứu gần đây của MERICS cho thấy ngành công nghiệp xe hơi của Đức đang tăng cường sự hiện diện ở Trung Quốc, chẳng hạn bằng cách tăng cổ phần trong các công ty đối tác địa phương. Ngành này cũng đang chuyển các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sang Trung Quốc. Mục đích dường như là để “Trung Quốc hóa” sự hiện diện của các công ty Đức ở Trung Quốc, với các giá phải trả là giảm bớt mối quan hệ và khả năgn phối hợp với các hoạt động ở Đức.

Thực tế về sự phụ thuộc kinh tế của Đức vào Trung Quốc đã khiến ngành công nghiệp Đức cản trở những nỗ lực nhằm thay đổi lập trường truyền thống, vốn chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh của Berlin đối với Trung Quốc. Điều này cũng đã khiến chính phủ liên minh bị chia rẽ, trong đó Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thúc đẩy một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh như Thỏa thuận Liên minh đã đề ra. Một trường hợp thử thách sự đoàn kết của chính phủ liên minh gần đây là khi công ty vận tải Trung Quốc COSCO nỗ lực mua lại 35% cổ phần của 1 trogn 4 bến cảng thuộc cảng Hmaburg, Đảng Xanh và FDP (cùng 6 bộ) đã phản đối thỏa thuận nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng  quan trọng của Đức. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ thỏa thuận này và cuối cùng áp đặt một dàn xếp với các đối tác liên minh miễn cưỡng của mình. Scholz trước đây từng là thị trưởng của Hamburg; trong một cuộc trò chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi ông còn giữ chức vụ này, ông đã gọi Hamburg là “cảng nhà của Trung Quốc ở châu Âu”.

Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Scholz đến Trung Quốc thể hiện sự đoạn tuyệt với Thỏa thuận Liên minh và quay trở lại cách tiếp cận chính sách đối ngoại chú trọng tới thương mại. Việc ông đi cùng với phái đoàn theo thông lệ gồm những người đứng đầu ngành công nghiệp của Đức là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự thay đổi đó. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức, do bà Annalena Baerbock của Đảng Xanh đứng đầu, đang điều phối công việc của chính phủ để xây dựng một chiến lược mới của Đức đối với Trung Quốc. Hiện tại, tài liệu này dự kiến sẽ được hoàn tất sớm nhất vào mùa Xuân năm 2023.

Nguồn: TKNB – 07/11/2022

Câu chuyện về nhân khẩu học của Czech và sự hội nhập của cộng đồng người Việt – Phần cuối


Thế hệ người Việt Nam thứ hai tại Czech ngày nay sống hoàn toàn khác, bởi tiếng Czech là bản ngữ của họ và không ai cười họ vì họ không thể nói tiếng Czech đúng cách. Ngược lại, phần lớn họ không hiểu tiếng Việt. Thủ môn Filip Nguyễn xác nhận: “Tôi không biết tiếng Việt, kể cả cơ bản. Điều này thường xảy ra ở các gia đình hỗn hợp. Bố tôi là người Việt và mẹ tôi là người Czech. Vợ tôi cũng xuất thân từ một gia đình hỗn hợp và không nói được tiếng Việt. Tôi không phải là một ngoại lệ”.

Filip Nguyễn, 29 tuổi, là một trong những thủ môn xuất sắc nhất giải bóng đá Czech. Anh ấy hiện đang bắt cho Slovácko và nhờ những màn trình diễn của anh ấy, câu lạc bộ từ Uherské Hradištĕ đang chiến đấu để tham dự các cúp châu Âu. Anh ấy bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình trong đội trẻ Loko Vltavín ở Praha, nơi anh ấy sinh ra. Anh từng bước tiến tới giải đấu hàng đầu của Czech, có cơ hội đầu tiên tại Slovan Liberec. Anh ấy đã chuyển đến Slovácko vào năm ngoái. Tuy nhiên, anh ấy chưa bao giờ chơi cho đội tuyển quốc gia Czech. Mặc dù được gọi tham dự trận đấu tại Nations League 2020 với Scotland và vòng loại World Cup năm nay với Bỉ, Filip vẫn chỉ ngồi trên băng ghế dự bị. Anh có cơ hội lớn được bắt chính cùng đội tuyển quốc gia, nhưng không phải đội tuyển Czech mà là đội tuyển Việt Nam. Filip Nguyễn nói: “Tôi chưa ra sân một trận nào cho đội tuyển Czech, vì vậy tôi vẫn còn khả năng ra sân trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Các quan chức bóng đá Việt Nam biết về tôi, tôi có lẽ được biết đến ở đó nhiều hơn ở Czech. Người Việt Nam rất hâm mộ bóng đá”. Filip Nguyễn đang xin nhập quốc tịch Việt Nam. Anh nói: “Sau mùa giải chúng tôi sẽ về Việt Nam thăm gia đình vợ và kết hợp nghỉ dưỡng. Chúng tôi đã đến đó một lần”. Trên sân vận động, Filip đã nhiều lần phải nghe những tiếng la hét phân biệt chủng tộc nhưng anh nói rằng đã quen với điều này.

Sự hội nhập của cộng đồng người Việt

Chuyên trang của Cơ quan Bảo trợ Cộng hòa Czech (GACR) gần đây đã đăng bài viết về kết quả nghiên cứu của 2 nhà nghiên cứu người Czech Martina Hřebíčková và Sylvie Graf cho thấy cộng đồng người Việt Nam hội nhập rất tốt với nước sở tại:

Theo bài viết, vlới khoảng 80000 người sinh sống tại Czech, người Việt Nam là nhóm người nước ngoài lớn thứ ba tại Czech. Từ trước đến nay, người Việt Nam tại Cộng hòa Czech chủ yếu được nhắc đến như một cộng đồng khép kín, không quan tâm đến việc cởi mở quá nhiều với xã hội sở tại. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Martina Hřebíčková và Sylvie Graf từ Viện Tâm lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Czech cho thấy người Việt Nam hòa nhập rất tốt vào xã hội Czech.

Các nhà khoa học Martina Hřebíčková và Sylvie Graf từ Viện Tâm lý học của Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Czech đã nghiên cứu mối quan hệ giữa các nhóm trong một thời gian dài, tập trung chú ý vào nhóm thiểu số người nước ngoài lớn thứ ba ở Czech – người Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Martina Hřebíčková giải thích thêm: “Cụ thể, chúng tôi đã kiểm tra xem liệu sự tiếp biến văn hóa có phản ánh tinh thần tự nguyện trong hỗ trợ kinh doanh của các thành viên của nhóm khác hay quyền của người thiểu số, ví dụ dưới hình thức kiến nghị hoặc biểu tình cho quyền của người Czech gốc Việt”.

Không giống như các dân tộc thiểu số khác ở Czech, người Việt có nhiều bạn bè trong xã hội sở tại. Do sử dụng được tiếng Czech, các thành viên thuộc thế hệ thứ hai tại Czech có triển vọng tốt để có được nền giáo dục và tìm được việc làm phù hợp. Đây là một tin vui cho cả xã hội đa số và cộng đồng thiểu số Việt Nam.

Theo bà Martina Hřebíčková, “đối với những người Việt Nam được hỏi, chúng tôi nhận thấy mối liên hệ giữa sự tiếp xúc tích cực với các thành viên của xã hội đa số với việc người Việt Nam thích tiếp nhận các yếu tố văn hóa Czech. Tiếp xúc tích cực với các thành viên của xã hội đa số cũng góp phần vào xu hướng của người Czech gốc Việt cư xử tốt hơn với các thành viên của xã hội đa số. Mặt khác, chúng tôi ngạc nhiên rằng không có phản ánh về trải nghiệm tiêu cực trong cách cư xử của người Czech gốc Việt đối với các thành viên của xã hội Czech đa số”.

Nhà nghiên cứu Sylvie Graf cho biết thêm: “Các kết luận này nhấn mạnh lợi ích của tương tác tích cực giữa các thành viên của xã hội đa số và thiểu số, có ứng dụng trực tiếp trong can thiệp nhằm cải thiện mối quan hệ giữa các nhóm. Các can thiệp mang lại cơ hội trải nghiệm tích cực lẫn nhau với các thành viên của các nhóm xã hội khác và do đó góp phần cải thiện mối quan hệ giữa các nhóm xã hội khác nhau có thể có hiệu quả. Trên thực tế, các can thiệp có thể là tổ chức các sự kiện văn hóa thể hiện những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số trong xã hội”.

Trước đây, các ý kiến không thống nhất về việc xu hướng nào tốt hơn: các thành viên của họ, hay nỗ lực thích ứng, nhưng đồng thời duy trì văn hóa của quê hương họ. Nghiên cứu gần đây cho thấy những người thuộc các nhóm thiểu số khác nhau thành công và hài lòng hơn khi họ sử dụng chiến lược thứ hai. Nhà nghiên cứu Martina Hřebíčková nói: “Điều đó có nghĩa là việc kết hợp cả hai ảnh hưởng văn hóa có vẻ thuận lợi hơn. Nghiên cứu của chúng tôi và nước ngoài cho thấy rõ rằng yếu tố quan trọng nhất trong quá trình tiếp biến văn hóa là kiến thức về ngôn ngữ. Đàn ông và phụ nữ Việt Nam sống tại Czech có thể xây dựng, phát triển và duy trì mối quan hệ với văn hóa và truyền thống Việt Nam, đặc biệt nếu họ có trình độ tiếng việt tốt. Do đó, đa số nên ủng hộ việc tiếp thu không chỉ tiếng Czech, mà còn cả khả năng duy trì tiếng Việt cho các thế hệ tiếp theo.

Nguồn: TLKTĐB – 05/11/2022

Câu chuyện về nhân khẩu học của Czech và sự hội nhập của cộng đồng người Việt – Phần II


Nền kinh tế hạn chế di cư

Theo chuyên gia Sobotka, một yếu tố khác khiến Czech trở nên khác biệt với các nước cùng chế độ cộng sản trước đây sau năm 1989 là trong khi ngành y tế rơi vào khủng hoảng ở mọi nơi khác, thì việc Czech không bị sụp đổ về kinh tế đồng nghĩa với việc “đã có sự đầu tư rất nhanh vào các công nghệ mới không có trước đây. Vì vậy, những vấn đề như điều trị ung thư và chăm sóc người cao tuổi được cải thiện nhanh chóng, và tỷ lệ tử vong bắt đầu giảm, chỉ vài năm sau khi thay đổi chế độ và sau 30 năm đình trệ”.

Không giống như phần lớn còn lại của châu Âu cộng sản, Czech vốn đã được công nghiệp hóa trước Chiến tranh thế giới thứ hai, không hoàn toàn phụ thuộc vào các ngành công nghiệp khổng lồ, mà nếu bị đóng cửa sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn về kinh tế ở các thành phố và các khu vực, tương tự như đã xảy ra ở Slovakia. Các ngành công nghiệp nhỏ hơn của Czech có khả năng vượt qua quá trình chuyển đổi tốt hơn nhiều và kể từ đó, người Czech có ít động lực kinh tế hơn để di cư so với công dân của các nước cộng sản cũ khác, thậm chí là một số nước Tây Âu.

Chuyên gia Kucera nói: “Đối với người dân của chúng tôi, không có ý nghĩa gì khi phải đi làm việc ở Anh, bởi vì số tiền họ kiếm được ở đó, trừ đi chi phí ăn ở, ít hơn nhiều so với số tiền họ kiếm được ở đây”.

Lập luận của chuyên gia Kucera được dữ liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Vương quốc Anh ủng hộ. Hậu Brexit, 78.200 người Czech đã nộp đơn xin ở lại Anh so với 136.970 người Slovakia. Trong khi đó, dân số của Slovakia chỉ bằng khoảng một nửa dân số của Czech; 444.940 người Bồ Đào Nha đã đăng ký ở lại Anh dù dân số của Bồ Đào Nha gần như bằng Czech.

Nghiên cứu của Sobotka cũng tiết lộ rằng tỷ lệ di cư của Czech ngang với tỷ lệ di cư của các quốc gia Tây Âu thịnh vượng và khác biệt so với các quốc gia Trung và Đông Nam Âu. Theo ông, khoảng 4 – 6% người Czech thuộc mọi thế hệ hiện đang sống ở nước ngoài và “điều này không quá khác biệt so với những gì bạn thấy ở Anh hoặc Pháp”.

Dòng người nhập cư

Yếu tố đầu tiên khiến Czech giống với một quốc gia phương Tây giầu có hơn về mặt nhân khẩu học là vấn đề nhập cư.

Vào cuối năm 2021, có 660.849 người nước ngoài đăng ký cư trú tại nước này, trong đó 320.534 người có hộ khẩu thường trú trong khi hầu hết những người còn lại có giấy phép lao động ngắn hạn. Các nhóm nhập cư lớn nhất gồm 196.875 người Ukraine, 114.630 người Slovakia và 64.851 người Việt Nam.

Dựa trên dữ liệu và xu hướng của Czech đến cuối năm 2021, Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat dự đoán dân số của Czech sẽ đạt 10,76 triệu người vào năm 2030, sau đó giảm xuống 10,53 triệu người vào năm 2050. Nhưng mọi dự đoán hiện tại đều không còn phù hợp. Đến ngày 13/9, 431.285 người tị nạn Ukraine đã đăng ký và được ở lại Czech vì lý do chiến tranh.

Chắc chắn, kể từ đó, một số hoặc thậm chí phần lớn những người Ukraine này có thể đã trở về nhà hoặc rời sang các nước khác như Đức. Nhưng một số lượng lớn vẫn đang ở lại và khi nhiều trẻ em tị nạn bắt đầu đi học, chiến tranh tiếp diễn, số người thường trú ở Czech sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo chuyên gia Kucera, dân số của Czech “chắc chắn sẽ tăng lên trong viễn cảnh trung và dài hạn”, nhưng sự xuất hiện bất ngờ của hàng trăm nghìn người Ukraine đồng nghĩa với tương lai nhân khẩu học của Czech “rất không chắc chắn” và hiện tại là không thể dự đoán.

Người Việt Nam đã ở Czech hơn 60 năm

Tờ Denik (Nhật báo) của Czech ngày 23/5/2022 đăng bài viết của tác giả Daniela Tauberova nói về sự thay đổi của cộng đồng người Việt ở Czech sau hơn 60 năm hội nhập. Bài viết có tựa đề: “Người Việt Nam đã ở Czech hơn 60 năm. Thế hệ kế tiếp đang thay đổi”.

Những người Việt Nam đầu tiên đến Czech vào năm 1956. Họ là trẻ em từ miền Bắc Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, được đưa đến Chrastava ở Liberecko. Năm 1973 trở thành một cột mốc quan trọng khi Việt Nam đề nghị Czech tiếp nhận từ 10.000 đến 12.000 người sang học tập.

Thế hệ đầu tiên của những người nhập cư sống rất khép kín trong cộng đồng của họ và làm việc chăm chỉ 7 ngày một tuần – chủ yếu là ở các khu vực. “Đó là nơi tất cả những người Việt Nam bắt đầu. Tôi còn có một chị gái và một em trai. Chúng tôi đã phải giúp đỡ cha mẹ của chúng tôi. Làm việc 7 ngày một tuần” – Jana Nguyenová từ Olomouc, người đến Czech năm 1996 khi mới 12 tuổi xác nhận. Chị nhớ lại: “Đó là một sự thay đổi lớn đối với tôi. Môi trường, văn hóa nước ngoài, tôi không biết tiếng Czech. Lúc đó ở Olomouc không có nhiều người Việt Nam. Ở độ tuổi tôi có khoảng 5 người. Những người bạn đồng lứa của tôi lúc đầu không chấp nhận tôi”.

Những người nhập cư đầu tiên từ Đông Nam Á (người Việt Nam) làm việc không biết mệt mỏi, rất quan tâm để đảm bảo rằng con cháu của họ, chủ yếu sinh ra ở Czech, được học hành và nhờ đó họ khá giả hơn cha mẹ mình.

(còn tiếp)

Nguồn: TLKTĐB – 05/11/2022

Câu chuyện về nhân khẩu học của Czech và sự hội nhập của cộng đồng người Việt – Phần I


Trang BalkanInsight số ra mới đây đã đăng bài phân tích của tác giả Tim Judah với tựa đề “Nhân khẩu học của Czech: Hướng Tây xin chào!”, trong đó cho biết các nhóm nhập cư lớn nhất ở Czech gồm người Ukraine (gần 200.000), người Slovakia (115.000) và người Việt Nam (80.000). Tim Judah là phóng viên tờ The Economist, chuyên viết về chủ đề nhân khẩu học với tư cách là thành viên của chương trình Europe’s Futures của Viện Khoa học nhân văn ở Vienna và Quỹ ERSTE. Nội dung bài viết như sau:

Dân số Czech đang tăng lên và vào năm 2021, phụ nữ Czech sinh nhiều con hơn bất kỳ nơi nào khác ở châu Âu. Czech đang đi ngược lại xu hướng của tất cả các nước châu Âu xã hội chủ nghĩa trước đây. Đó là xu thế số người nhập cư tăng và tỷ lệ di cư thấp. Xu hướng này về tính chất nhân khẩu học giống một quốc gia thịnh vượng ở phương Tây hơn là một quốc gia từng là xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, hiện nay, một yếu tố khiến cho việc dự đoán biến động dân số nhập cư và di cư của Czech trở nên khó khăn hơn. Đó là cuộc chiến ở Ukraine. Không thể dự đoán được bao nhiêu trong số 431.285 người tị nạn Ukraine đã đăng ký “bảo vệ tạm thời” tại Czech sau này sẽ ở lại Czech hoặc trở về nhà. Năm 1989, dân số Czech là 10,3 triệu người. Theo điều tra dân số năm 2021, dân số của Czech là 10,5 triệu người, không bao gồm người tị nạn Ukraine.

Vào năm 2021, tổng tỷ suất sinh ở Czech là 1,83 con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Vào năm 2022, con số này được dự báo giảm trong khoảng 1,65 – 1,70, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 1,5.

Người Czech đang già đi như tất cả người châu Âu, nhưng “sự thay đổi tự nhiên” – sự cân bằng giữa tỷ lệ sinh và tử – đang được cải thiện. Trong giai đoạn 1994 – 2005, có nhiều năm số ca tử vong hàng năm ở Czech cao hơn số ca sinh. Nhưng sau giai đoạn này tính đến năm 2020, khi COVID-19 làm tăng tỷ lệ tử vong, số ca sinh cao hơn số ca tử vong trong hầu hết các năm.

Có một thực tế là gần như hoàn toàn nhờ vào tăng số người nhập cư mà dân số của Czech hiện nay đông hơn so với thời điểm hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Chính điều này đã khiến Czech trở nên khác biệt với các quốc gia cộng sản Đông Âu trước đây.

Tại sao Czech lại là một ngoại lệ? Câu trả lời năm ở bản đồ địa lý. Tomas Kucera, nhà nhân khẩu học cấp cao tại Đại học Charles ở Praha nói: “Czech có một trong những vị trí địa lý tốt nhất ở châu Âu”.

Lập luận cho rằng với vị trí giao điểm của các hành lang giao thông Đông-Tây và Bắc-Nam, Czech từ lâu đã được đặt ở vị trí lý tưởng cho một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đây là nhân tố chính giúp Czech thoát khỏi những khó khăn về nhân khẩu học mà những nước châu Âu cộng sản trước đây phải đối mặt, ngoại trừ Slovenia.

Chuyên gia Kucera nói: “Nếu Moldova ở nơi chúng tôi đang ở và chúng tôi đang ở đó, chúng tôi sẽ ở trong tình huống tương tự Moldova và ngược lại”. Kể từ năm 1989, Moldova đã mất một phần ba dân số.

Ông Kucera cho biết, khi Đế chế Áo-Hung sụp đổ vào năm 1918, nước Tiệp Khắc mới – hay đúng hơn là một phần của nó ngày nay là Czech – đã thừa hưởng phần lớn nền công nghiệp, bảo tồn và phát triển kể từ đó. Trong những năm giữa các cuộc chiến tranh, Tiệp Khắc là một nền kinh tế phát triển ngang bằng một số nước Tây Âu, xu hướng nhân khẩu học của nó cũng tương tự.

Trong thời cộng sản, Tiệp khắc vẫn là một cường quốc công nghiệp quan trọng, nhưng về mặt nhân khẩu học, xu hướng đã thay đổi tương tự với các nước cộng sản Trung và Đông Âu khác. Sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu, tình hình nhân khẩu học của Czech nhanh chóng quay trở lại xu hướng giống như của Tây Âu.

Suy giảm không phải sụp đổ

Câu chuyện về tỷ lệ sinh sản của Czech, ở mức 1,83 vào năm ngoái và vượt qua tỷ lệ sinh sản của vùng đô thị Pháp vốn từ lâu là một trong những nơi có tỷ lệ sinh cao nhất châu Âu, là một cái nhìn sâu sắc hấp dẫn về lịch sử nhân khẩu học của Czech.

Trong những năm suy thoái của những năm 1930, sự không chắc chắn về tương lai đã khiến tỷ lệ này thấp hơn 2,1 – tỷ lệ sinh mà dân số một nước cần có để tự thay thế mà không cần nhập cư. Đáng chú ý, tỷ lệ này tăng vọt ngay trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một phần vì Czech hầu như không tham gia giao tranh và vì có con là cách để thoát khỏi việc bị bắt lao động cưỡng bức tới Đức.

Tỷ lệ sinh sản vẫn ở mức cao trong những năm đầu cộng sản, mà đối với nhiều người là mức lạc quan. Năm 1989, tổng tỷ lệ sinh của Czech là 1,87, nhưng sau đó giảm mạnh xuống 1,13 một thập kỷ sau. Trong năm đó, chỉ có 89.471 em bé được sinh ra, con số thấp nhất trong lịch sử hiện đại của Czech. Kể từ thời điểm này, số trẻ em được sinh ra hàng năm tăng trở lại. Năm 2021, có 111.793 ca sinh ở Czech. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2022, chỉ có khoảng 50.000 ca sinh, nghĩa là năm nay, vì những lý do chưa rõ ràng, tỷ lệ sinh dường như sẽ giảm khoảng 10% so với năm ngoái.

Sự suy giảm mạnh về tỷ lệ sinh sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã đã xảy ra trên khắp Trung và Đông Âu (CEE). Đây là những năm kinh tế hỗn loạn và hầu như khắp mọi nơi đều gặp khó khăn, thất nghiệp, tỷ lệ tử vong ngày càng tăng và tỷ lệ di cư cao.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Tomas Sobotka thuộc Viện Nhân khẩu học Vienna cho thấy những gì xảy ra ở Czech hoàn toàn khác. Ông lập luận rằng “sự suy giảm tỷ lệ sinh” thực sự không phải là một sự sụp đổ, mà là sự xếp lại các mô hình hôn nhân và sinh đẻ ở Đông Âu thời cộng sản để trở lại với các mô hình Tây Âu mà nước này đã có trước chiến tranh.

Theo ông, phụ nữ sinh năm 1965 thường có con đầu lòng khi 20 hoặc 21 tuổi. Nhưng một phụ nữ sinh năm 1990 “thường có con đầu lòng khi 29 tuổi và đây là giai đoạn chuyển đổi khi phụ nữ và bạn đời của họ phải chờ đợi lâu hơn trước khi có đứa con đầu lòng. Vì vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp này, tỷ lệ sinh giảm xuống, một phần không phải vì mọi người ngừng sinh con, mà vì họ đang đợi đến khi nhiều tuổi hơn”.

Ông giải thích thêm, một lý do khác khiến tuổi sinh con đầu lòng tăng rất nhanh là do thời xã hội chủ nghĩa, giáo dục giới tính kém và ít sử dụng thuốc tránh thai nên nhiều người mang thai lần đầu là do vô tình. Năm 1990, chỉ có 4% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ dùng thuốc tránh thai. Điều này thay đổi nhanh chóng và do đó, số lượng ca sinh và phá thai không có kế hoạch đã giảm mạnh. Hiện nay, khoảng 30% phụ nữ Czech trong độ tuổi sinh đe uống thuốc tránh thai.

Nhà nghiên cứu Sobotka cho biết ngày nay, mức sinh được hỗ trợ “bởi các chính sách gia đình tương đối hào phóng”, “cho phép cha mẹ nghỉ phép linh hoạt và được trả lương cao trong 3 hoặc 4 năm đầu đời của mỗi đứa trẻ”. Các chính sách phúc lợi tái phân phối công bằng theo chủ nghĩa bình đẳng cũng giúp giữ “ổn định xã hội hơn và tránh được điều tồi tệ nhất của bất bình đẳng kinh tế và sự thái quá thường thấy ở các nước hậu cộng sản”.

(còn tiếp)

Nguồn: TLKTĐB – 05/11/2022

Vương quốc Anh trong thế giới hậu Brexit – Phần cuối


Từ tham vọng toàn cầu hóa đến chủ nghĩa duy ý chí ngoại giao

Với Brexit, Vương quốc Anh được kỳ vọng sẽ lại trở thành một nhân tố hàng đầu, có sức nặng ngoại giao. Tóm lại, nước này sẽ tạo ra một tiếng nói mới trên trường quốc tế, tiếng nói của “Nước Anh toàn cầu”. Sự tái định hướng chiến lược này dẫn đến việc đổi mới các thể chế của Anh. Ngay từ năm 2016, Thủ tướng Anh Theresa May đã thành lập Bộ Thương mại quốc tế, trong khi vào năm 2020, Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã sáp nhập với Bộ Phát triển quốc tế của nước này. Một cơ quan mới được hình thành, mang tên Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và phát triển (FCDO), nhằm tối đa hóa ảnh hưởng toàn cầu của Vương quốc Anh, kết hợp ngoại giao với hỗ trợ phát triển. Về phía Bộ Quốc phòng, tuy không có sự cải tổ về cơ cấu, nhưng có một sự gia tăng đáng kể ngân sách được phân bổ, – tháng 11/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố chi thêm 24 tỷ bảng Anh dành cho quốc phòng trong 4 năm tiếp theo.

Đối với Vương quốc Anh hậu Brexit, chiến lược “Nước Anh toàn cầu” lúc này là một mong muốn hơn là một chính sách hiệu quả. Mùa Hè 2021, việc Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan đã thử thách tham vọng toàn cầu hóa của Anh. Trước giờ Kabul bị đánh chiếm, Thủ tướng Anh Boris Johnson, và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab còn đang nghỉ hè. Sân bay bay Kabul tràn ngập những người đang cố chạy trốn khỏi cuộc khủng bố sắp tới, nhưng Raab thì bặt vô âm tín. Ông ủy quyền, trì hoãn, cuối cùng quay trở lại London và từ chức vào tháng 9, do không theo kịp tình hình. Tháng 11, Raphael Marshall, người phụ trách bộ phận xử lý khủng hoảng của Bộ Ngoại giao Anh trong quá trình sơ tán khỏi Kabul, đã cung cấp cho Quốc hội Anh một bằng chứng không thể chối cãi: sự hỗn loạn và vô số những quyết định thiếu sáng suốt trong những ngày tháng 8 nước sôi lửa bỏng đã khiến hàng nghìn người có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Anh đã bị bỏ rơi.

Từ khát vọng thống nhất đến một đất nước bị chia rẽ

Cuộc bỏ phiếu về việc Anh “đi” hay “ở lại” EU, và việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trước đó đã không thể dẫn tới một tính toán hợp lý nhằm đưa nước Anh vào một tiến trình chinh phục các thị trường trên thế giới. Người đứng sau cuộc trưng cầu ý dân này, cựu Thủ tướng David Cameron, đã coi đây là cơ hội để chấm dứt hoàn toàn sự chia rẽ giữa những người ủng hộ và những người bài châu Âu trong đảng Bảo thủ Anh. Những căng thẳng giữa Scotland và Anh không phải là mới, nhưng Brexit đã khiến chúng trở nên nghiêm trọng hơn, bởi phần lớn người dân Scotland đã bỏ phiếu chọn “ở lại” trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.

Về phía Bắc Ireland, người dân không mấy thích nghi với tình hình hiện tại. Boris Johnson đã không giữ lời hứa mà ông đã đưa ra ở Belfast rằng việc “ly hôn” với EU sẽ không bao giờ gây thiệt hại cho sự đoàn kết giữa Anh và Bắc Ireland. Thế nhưng, chính Nghị định thư Ireland và Bắc Ireland, một phần của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU, lại là nguồn gốc gây rắc rối. Để duy trì tính toàn vẹn của thị trường chung châu Âu, mà Cộng hòa Ireland là thành viên, và các hiệp định hòa bình Ireland, theo đó hai miền Ireland không thể tách rời nhau, hàng hóa quá cảnh giữa Anh và Bắc Ireland phải chịu các hạn chế, khai báo và kiểm tra giống như các sản phẩm đến một quốc gia EU. Nói tóm lại, ở Bắc Ireland, Brexit vẫn chưa kết thúc.

Brexit: một vương quốc tan rã?

Cùng với thời gian, những vấn đề khác đã được đặt ra trong đời sống chính trị và xã hội của Anh. Đặc biệt, vào tháng 12/2021, thất bại của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử lập pháp tại North Shropshire cho thấy những cái buộc tham nhũng liên quan đến chính phủ đảng Bảo thủ được quan tâm hơn so với sự phân cực của Vương quốc Anh vì Brexit. Những bất bình đẳng kinh tế-xã hội sẽ không mất đi sau Brexit trừ khi chúng được giải quyết bằng con đường chính trị.

Đối với những người ủng hộ “rời khỏi EU”, lựa chọn này đồng nghĩa với việc Anh có thể lấy lại sự tự do, vượt qua được những rào cản đối với thương mại phi điều tiết, nêu cao bản sắc nước Anh. Tuy nhiên, kể từ ngày 31/01/2020, việc rời khỏi EU, các hiệp ước và các quy tắc hậu Brexit đã khiến những rắc rối xuất hiện, thay vì khiến chúng biến mất. Mọi thứ cần được xây dựng lại: các chuẩn mực thương mại, các mối quan hệ đa phương, sự thống nhất quốc gia. Brexit đã được định hình, sự giải phóng của Anh dường như không chỉ là một chiến lược, một khát vọng, mà là một giấc mơ về quyền lực, tự do, thống nhất được nuôi dưỡng không phụ thuộc vào thực trạng của thế giới ngày nay. Cùng với thời gian, Vương quốc Anh có thể biến giấc mơ này thành hiện thực. Với tất cả những điểm yếu của nó, đất nước này vẫn là một cường quốc kinh tế – đứng thứ 6 thế giới – và có một quyền lực mềm mạnh hơn mức trung bình. Nhưng trước mắt, sự hứa hẹn mà Brexit mang lại vẫn còn xa vời thực tế.

Nguồn: TLTKĐB – 29/07/2022