Quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến Nga – Ukraine tại Liên hợp quốc


Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng

Việt Nam cùng với 32 quốc gia khác đã bỏ phiếu trắng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

Nghị quyết mới được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong phiên họp đặc biệt lần thứ 11 vào ngày 23/2 (giờ Mỹ) với 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng. Trong số các phiếu chống có Nga, Triều Tiên, Syria và trong số các phiếu trắng có Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Việt Nam, Pakistan, Sri Lanka, hầu hết các nước châu Phi và Trung Á. Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra nhân 1 năm ngày Nga tấn công Ukraine.

Trong ASEAN, có 2 nước bỏ phiếu trắng là Việt Nam và Lào; còn lại 8 nước bỏ phiếu thuận. Trong đó, Philippines và Myanmar bỏ phiếu thuận đối với cả 4 nghị quyết đã thông qua của Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan tới xung đột.

141 nước bỏ phiếu thuận gồm hầu hết các nước phương Tây và tất cả các nước châu Âu.

Ông Zachary Abuza, chuyên gia có nhiều năm theo dõi tình hình an ninh và chính trị Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia (Mỹ), bình luận: “Việt Nam và Lào tiếp tục từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga, trong khi Philippines đã thể hiện là một người bạn của Ukraine”.

Đây là lần thứ 5 Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Việt Nam một lần bỏ phiếu chống Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

Nghị quyết mới nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc bao gồm 11 điểm, trong đó kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.

Liên hợp quốc tuyên bố việc thông qua Nghị quyết là một thông điệp mạnh mẽ của tổ chức này đối với cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lên án hành động xâm lược của Nga không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng với người dân Ukraine, mà còn gây tổn thương toàn thế giới.

Phó trưởng phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Đới Bình tuyên bố đàm phán hòa bình nên là ưu tiên của cộng đồng quốc tế, bày tỏ lấy làm tiếc trước sự bế tắc hiện nay. Ông cũng khẳng định việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không mang lại hòa bình.

Việt Nam bày tỏ quan ngại về chiến tranh

Theo đài VOA, trong bài phát biểu ngày 22/2 tại phiên họp khẩn cấp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Ukraine hãy “chấm dứt hành động thù địch, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng”. Tuy nhiên, ông không nêu tên cụ thể bên nào trong cuộc xung đột kéo dài một năm này, tiếp tục phương châm không chọn phe của Hà Nội.

Trong bài phát biểu được kênh UN Web TV (kênh truyền hình của Liên hợp quốc) phát trực tiếp từ New York, đại diện Việt Nam bày tỏ quan ngại về tình hình Ukraine trong năm qua, những diễn biến đáng lo ngại gần đây, hậu quả của cuộc xung đột, bao gồm những thiệt hại nặng nề về người và của, tác động tiêu cực đến khu vực và thế giới cũng như những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Ông kêu gọi các bên liên quan khẩn trương nối lại đối thoại và hòa đàm nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh lời kêu gọi của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, các quốc gia, các tổ chức và đối tác quốc tế tiếp tục tăng cường nỗ lực cung cấp hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi xung đột: “Việt Nam ủng hộ các nỗ lực và sáng kiến quốc tế, bao gồm cả những nỗ lực và sáng kiến của Liên hợp quốc và của Tổng thư ký nhằm gắn kết tất cả các bên lại với nhau. Việt Nam sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình vào các nỗ lực ngoại giao, tái thiết, phục hồi và cung cấp viện trợ tại Ukraine”.

Nguồn: TKNB – 27/02/2023

Những điều rút ra sau một năm cuộc xung đột Nga – Ukraine


Trang mạng theconversation.com ngày 21/02 đăng bài viết đánh giá về những tác động của cuộc chiến tại Ukraine đối với thế giới, trong đó cảnh báo nguy cơ cuộc chiến này phân chia lại bản đồ địa chính trị thế giới.

Với việc Ukraine đang tiến hành một trận quyết chiến và Nga dường như có xu hướng muốn tiêu diệt Ukraine nếu không chinh phục được Kiev, không bên nào có động cơ muốn chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến có thể sẽ kéo dài trong suốt năm 2023 và lâu dài hơn nữa.

Năm 2023 sẽ rất quan trọng

Những gì xảy ra ở Ukraine trong năm 2023 sẽ rất quan trọng. Năm 2023 sẽ cho thấy quyết tâm của những người trong cuộc và những người ủng hộ. Ukraine có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và chiếm lại lãnh thổ. Mức độ mà Tổng thống Putin có thể quản lý sự phục tùng trong nước. Thậm chí là cả ý định của Trung Quốc khi Bắc Kinh cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Moskva.

Cuộc chiến diễn ra nhưt hế nào vào năm 2023 cũng sẽ cho thấy quyết tâm và sự tin cậy của phương Tây trong việc chống lại những kẻ bắt nạt. Phương Tây liệu sẽ tiến xa hơn theo hướng hỗ trợ Kiev bằng mọi cách, hay sẽ quay trở lại hỗ trợ nhỏ giọt hoặc lựa chọn nhượng bộ trước sự thờ ơ và mệt mỏi vì chiến tranh?

Trong những tháng tới, Kiev sẽ phải đối mặt với hai thách thức chính. Thứ nhất, Ukraine sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công của Nga trong khi vẫn phải thực hiện các cuộc tấn công, đặt ra yêu cầu về vũ khí hạng nặng của phương Tây, khả năng tấn công tầm xa và có thể cả sức mạnh không quân. Thứ hai, Ukraine cần viện trợ và hỗ trợ quốc tế liên tục để đảm bảo trật tự xã hội không bị phá vỡ do suy thoái kinh tế và để có thể giảm thiểu thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng của mình.

Quân đội và quyền lực của cá nhân Tổng thống Nga

Ngược lại, để xoay chuyển tình thế, Moskva sẽ phải cải thiện hiệu quả hoạt động các lực lượng vũ trang. Với ước tính 80% toàn bộ lực lượng mặt đất của Nga đã tham gia cuộc xung đột, cộng với hàng chục nghìn lính nghĩa vụ mới được huy động đến mặt trận, áp lực ngày càng lớn đối với những người đứng đầu giới lãnh đạo quân sự của Nga.

Thất bại trong việc đạt được mục tiêu sẽ tác động đến hành động của Tổng thống Putin. Để duy trì trật tự xã hội, Putin ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn với việc ban hành các chính sách hà khắc, như bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự và bỏ tủ nhiều người lên tiếng phản đối chiến tranh. Trong khi cuộc đấu đá nội bộ gay gắt giữa các lực lượng vũ trang với tổ chức bán quân sự Wagner đã được giải quyết, việc các mâu thuẫn được thể hiện một cách công khai cho thấy Putin không còn uy quyền mạnh mẽ như trước đây đối với giới chức Nga.

Chiến tranh có thể leo thang trong năm 2023

Nếu việc duy trì quyền kiểm soát trong nước trở nên khó khăn hơn đối với Putin, chiến thuật “Bên miệng hố chiến tranh” mới sẽ ngày càng hấp dẫn. Đổi lại, điều đó làm tăng nguy cơ leo thang xung đột.

Các nước phương Tây phần lớn đã tự loại bỏ năng lượng của Nga trong năm 2022, một phần quan trọng trong đòn bẩy chiến lược của Nga. Tuy nhiên, vào năm 2023 có thể Moskva sẽ gia tăng nỗ lực phá vỡ sự thống nhất của phương Tây.

Trọng tâm của NATO sẽ tiếp tục dịch chuyển về phía Đông

Trọng tâm của NATO có thể sẽ tiếp tục dịch chuyển xa hơn về phía Đông. Cả Ba Lan và Estonia đều nổi lên như những nhà đấu tranh mạnh mẽ cho chủ quyền của Ukraine, đặc biệt là các quốc gia châu Âu kín tiếng hơn, bao gồm cả Đức và Pháp. Các thành viên đầy triển vọng của NATO là Phần Lan và Thụy Điển cũng đều tăng chi tiêu quốc phòng năm 2022 từ 10% đến 20%. Nhóm Bucharest Nine (B9) – gồm 9 nước đồng minh ở sườn phía Đông NATO, đã nổi lên như một tiếng nói mạnh mẽ trong NATO, ủng hộ việc chuyển giao các hệ thống vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine.

Thách thức đối với NATO là cách tiếp cận hai chiều đối với cuộc chiến tại Ukraine trong liên minh làm tăng nguy cơ bất đồng và rạn nứt. Cuối cùng, những người dự đoán cuộc chiến của Nga ở Ukraine nhanh chóng kết thúc có thể sẽ thất vọng. Năm 2022 đã dạy chúng ta nhiều điều. Giờ đây, sau một năm cuộc xung đột ở châu Âu xảy ra, chúng ta sẽ thấy cách mà các cuộc chiến tranh định hình lại thế giới.

Nguồn: TKNB – 27/02/2023

Thông điệp Liên bang 2023 tiết lộ gì về kế hoạch của Putin ở Ukraine?


Theo thehill.com thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh những rủi ro trong cuộc chiến của ông ở Ukraine. Nội dung nổi bật trong bài phát biểu là việc ông thông báo rằng Nga sẽ đơn phương ngừng tham gia hiệp ước hạt nhân cuối cùng còn lại với Mỹ – một động thái càng làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa hạt nhân ở phương Tây.

Bên cạnh đó, Thông điệp Liên bang cũng đưa ra những dấu hiệu về cách nhà lãnh đạo Nga có thể đối phó với năm thứ hai của cuộc chiến và cách Putin định hình về cuộc chiến cho cả dư luận trong nước và thế giới.

Daniel Goure – chuyên gia quốc phòng và là Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách công Lexington – nhận định: “Đây gần như thực sự là một bài phát biểu thời chiến mà chúng ta đã nghe cho đến nay”.

Putin không còn định hình cuộc chiến như “chiến dịch quân sự đặc biệt” để giải phóng Ukraine. Giờ đây, ông ta đang biến nó thành một cuộc chiến sống còn chống lại nền văn minh phương Tây.

Xung đột giữa các nền văn minh

Trong thông điệp liên bang, Putin phát biểu: “Giới tinh hoa phương Tây không giấu giếm mục tiêu, đó là “sự thất bại chiến lược của Nga”. Các chuyên gia cho rằng việc dàn dựng cuộc chiến bao trùm – đổ lỗi cho đế quốc Mỹ và các đồng minh để khơi mào chiến tranh bất chấp những nỗ lực hòa bình của Nga sẽ mang lại cho Putin “vỏ bọc chính trị” cần thiết khi ông chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài. Nhà lãnh đạo Nga đã kỳ vọng rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông chỉ mất vài ngày. Giờ đây, ông cần biện minh cho một cuộc chiến tổng lực đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, khiến nước Nga bị cô lập trên trường quốc tế và sẽ phải chịu thêm nỗi đau trong nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa.

Andress Kasekamp – giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto và là chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh – lưu ý rằng Putin cũng cần giải thích lý do tại sao nỗ lực chiến tranh của Nga đang thất bại. Theo giáo sư Kasekamp, trên bình diện quốc tế, việc đổ lỗi cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về cuộc chiến sẽ làm vẩn đục “các vùng biển ngoại giao” và có thể giúp thuyết phục một số quốc gia ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh duy trì lập trường trung lập, thay vì lên án hành động gây hấn của Nga.

“Tống tiền” hạt nhân

Theo Giáo sư Kasekamp, thông báo Nga sẽ đình chỉ tham gia hiệp ước hạt nhân New Start là “sự làm bộ và cố gắng nhấn một nút mà Putin nghĩ rằng đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, ông có thể thu hút sự chú ý và khiến họ khó chịu”. Leon Aron, một chuyên gia về Nga tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho biết tống tiền hạt nhân là công cụ duy nhất còn lại của Putin. Trong khi Putin đe dọa sử dụng hạt nhân từ trước khi chiến tranh bắt đầu, chuyên gia Aron cho rằng việc Putin đình chỉ hiệp ước hạt nhân New Start là một động thái cụ thể nhằm hỗ trợ cho việc tống tiền hạt nhân của ông chủ Điện Kremlin.

Liệu Putin có thực sự sủ dụng vũ khí hạt nhân hay chỉ gia tăng mối đe dọa? Cho đến nay, đòn “đe dọa sử dụng hạt nhân” của Putin đã phát huy tác dụng – với việc Mỹ và các đồng minh phương Tây tham gia điều mà ông Kasekamp gọi là “tự răn đe”, chờ đợi hàng tháng trước khi cung cấp vũ khí sát thương vì sợ khiêu khích Putin. Và mỗi loại vũ khí bổ sung lại gây ra một cuộc tranh luận mới xung quanh cùng một nỗi sợ leo thang với bối cảnh là vũ khí hạt nhân của Nga.

Chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài

Thiếu lựa chọn hạt nhân, chiến lược của Putin dường như là duy trì cuộc chiến tranh tiêu hao hiện tại và khuyến khích người Nga thích nghi với thực tế mới này.

Với việc Tổng thống Biden đưa ra bài phát biểu hôm 21/2 hứa hẹn sẽ sát cánh cùng Ukraine đến cùng. Putin đã gửi thông điệp riêng về “cam kết bất diệt” trong cuộc chiến. Giáo sư Kasekamp phân tích: “Kế hoạch trò chơi của Putin luôn là ông ta nghĩ rằng mình có thể tồn tại lâu hơn phương Tây”. Và mặc dù Biden có thể có quyết tâm hỗ trợ Ukraine về lâu dài, nhưng điều đó có thể nhanh chóng thay đổi nếu đảng Cộng hòa giành được Nhà Trắng vào năm 2024 hoặc nếu sự thống nhất của NATO tan vỡ do những thay đổi ở các quốc gia khác.

Nguồn: TKNB – 27/02/2023

Về “Kế hoạch 12 điểm” của Trung Quốc giải quyết khủng hoảng Ukraine


Để thể hiện mình là một bên trung lập có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài một năm qua, Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine. Kế hoạch 12 điểm do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố tại Bắc Kinh ngày 24/02 kêu gọi chấm dứt chiến sự, bảo vệ các nhà máy hạt nhân, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và loại bỏ các biện pháp trừng phạt.

Kế hoạch này là một nỗ lực nhằm định hình kết quả của cuộc chiến theo hướng có lợi cho Bắc Kinh và đưa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành một chính khách toàn cầu. Điều này dường như có rất ít cơ hội thành công do Ukraine đã tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi Nga rời khỏi biên giới và bởi Moskva không có dấu hiệu dừng các cuộc tấn công.

Kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine:

1/ Tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước. Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần phải được duy trì. Tất cả các bên nên cùng nhau duy trì các chuẩn mực cơ bản chi phí quan hệ quốc tế và bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế. Cần thúc đẩy việc áp dụng bình đẳng và thống nhất luật pháp quốc tế, đồng thời bác bỏ các tiêu chuẩn kép.

2/ Từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh. An ninh của một quốc gia không thể dựa vào việc gây tổn hại cho quốc gia khác. Việc đảm bảo an ninh của một khu vực không thể dựa vào việc củng cố hoặc mở rộng các khối quân sự. Các lợi ích và mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia cần phải được coi trọng và giải quyết thỏa đáng. Tất cả các bên nên phản đối việc theo đuổi an ninh của một quốc gia với cái giá phải trả là an ninh của quốc gia khác, ngăn chặn đối đầu giữa các khối và cùng nhau hợp tác vì hòa bình và ổn định trên Lục địa Á-Âu.

3/ Chấm dứt sự thù địch. Tất cả các bên phải duy trì lý trí và kiềm chế, tránh thổi bùng ngọn lửa chiến tranh và làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát. Tất cả các bên nên ủng hộ Nga và Ukraine làm việc theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng nhanh càng tốt, để dần dần hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.

4/ Nối lại hòa đàm. Đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Cộng đồng quốc tế nên cam kết thực hiện cách tiếp cận đúng đắn trong việc thúc đẩy đàm phán vì hòa bình, giúp đỡ các bên xung đột mở ra cánh cửa cho một giải pháp chính trị càng sớm càng tốt, đồng thời tạo điều kiện và nền tảng cho việc nối lại đàm phán. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này.

5/ Giải quyết khủng hoảng nhân đạo. Các hoạt động nhân đạo phải tuân theo các nguyên tắc trung lập và không thiên vị, và các vấn đề nhân đạo không nên bị chính trị hóa. Sự an toàn của dân thường phải được bảo vệ một cách hiệu quả và các hành lang nhân đạo phải được thiết lập để sơ tán dân thường khỏi các vùng xung đột. Liên hợp quốc cần được hỗ trợ trong việc đóng vai trò điều phối trong công tác chuyển viện trợ nhân đạo tới các khu vực xung đột.

6/ Bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh (POW). Trung Quốc ủng hộ việc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mục đích này.

7/ Bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Trung Quốc phản đối các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các nhà máy điện hạt nhân hoặc các cơ sở hạt nhân hòa bình khác, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước về An toàn Hạt nhân (CNS) và kiên quyết tránh các tai nạn hạt nhân do con người gây ra. Trung Quốc ủng hộ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy sự an toàn và an ninh của các cơ sở hạt nhân vì mục đích hòa bình.

8/ Giảm thiểu rủi ro chiến lược. Các bên không được phép sử dụng vũ khí hạt nhân và không được tiến hành chiến tranh hạt nhân. Cần phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Cần ngăn chặn phổ biến hạt nhân và tránh khủng hoảng hạt nhân. Trung Quốc phản đối việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng vũ khí hóa học và sinh học của mọi quốc gia trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

9/ Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Tất cả các bên cần thực hiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc ký kết một cách đầy đủ, hiệu quả và cân bằng, đồng thời ủng hộ Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Sáng kiến hợp tác về an ninh lương thực toàn cầu do Trung Quốc đề xuất cung cấp một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

10/ Chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương. Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương chưa được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn chấp thuận. Các quốc gia hữu quan cần ngừng lạm dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và “quyền tài phán trị ngoại” (thẩm quyền được áp dụng với bị cáo là người ngoại quốc) nhằm vào các quốc gia khác, để góp phần làm dịu cuộc khủng hoảng Ukraine và tạo điều kiện cho các nước đang phát triển phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân.

11/ Giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp. Cần có những nỗ lực chung để giảm thiểu tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng  và ngăn chặn nó làm gián đoạn hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, thương mại lương thực và vận tải cũng như làm tổn hại sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

12/ Thúc đẩy tái thiết sau xung đột. Cộng đồng quốc tế cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái thiết sau xung đột tại các khu vực xung đột. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ và đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực này.

Nguồn: TKNB – 27/02/2023

Cuộc chiến Ukraine làm biến đổi cục diện thế giới như thế nào?


Ngày 24/02/2023 là tròn một năm ngày Nga mở màn cuộc tấn công Ukraine. Cuộc can thiệp quân sự mà Chính quyền Putin dự kiến tiến hành chớp nhoáng, rút cục đã kéo dài và chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây đã giúp Ukraine khắng cự, nhưng các hệ quả của chiến tranh tại Ukraine vượt xa cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước láng giềng.

Theo nhiều nhà quan sát, cuộc chiến Nga-Ukraine đã và đang “thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu”. Hãng tin AFP (Pháp) có bài tổng hợp đáng chú ý về chủ đề này, nhấn mạnh đến cuộc chiến tại châu Âu một mặt đã làm gia tăng xung đột ở nhiều nơi, mặt khác “củng cố thế đối đầu giữa hai khối lớn”, một bên với trung tâm là Mỹ, bên kia là Trung Quốc.

Đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực Mỹ-Trung

Tháng 12/2022, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell thừa nhận, thế giới đang bước vào cục diện “đa cực trong hỗn loạn”, nơi “mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí”, từ năng lượng, dữ liệu, cho đến cơ sở hạ tầng, di dân… Tất cả đều có thể biến thành vấn đề địa chính trị, hay nói cách khác là sự cạnh tranh, đối đầu giữa các khối, các nhóm và các liên minh.

Gần như tất cả các khu vực trên thế giới đã trở thành các địa bàn đọ sức, tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ (trên các phương diện đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thỏa thuận thương mại, quân sự hay ngoại giao). Cuộc tấn công Ukraine của Nga làm lung lay thế cân bằng vốn đã mong manh nói trên của các quan hệ quốc tế, và đặc biệt làm suy yếu vị thế của Nga tại khu vực ảnh hưởng truyền thống tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở Trung Á, mang lại cho cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ một vị thế quan trọng hơn.

Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, tình trạng “tái phối trí trong hỗn loạn” hiện nay chỉ mang tính chất quá độ. Cuộc chiến tại Ukraine rút cuộc sẽ dẫn đến “sự suy yếu của Nga và châu Âu” và “hai bên hưởng lợi chủ yếu từ cục diện này có thể chính là Mỹ và Trung Quốc”.

Chiến lược “bắt cá hai tay” của Bắc Kinh giai đoạn quá độ

Chiến lược bắt cá hai tay của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện là điểm nổi bật của cục diện quốc tế, đang dẫn đến việc củng cố thế lưỡng cực của thế giới. Bắc Kinh một mặt ủng hộ Moskva, nhưng mặt khác cố gắng “làm sao cho việc ủng hộ Nga ở mức độ chấp nhận được với phương Tây”, để hai bên không trở thành thù địch. Quan hệ Trung-Nga đa chiều và phức tạp. Chuyên gia về châu Á Alice Ekman thuộc Viện Nghiên cứu an ninh EU (EUISS) vạch rõ việc Trung Quốc siết chặt quan hệ với Nga. Trao đổi mậu dịch Trung-Nga trong năm qua tăng hơn 30%, đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD.

Tuy siết chặt quan hệ kinh tế với Nga nhưng Trung Quốc cũng chú ý giữ một khoảng cách đủ lớn để không tự biến thành địch thủ của phương Tây. Bắc Kinh không hậu thuẫn Moskva giống như các nước đồng minh và đối tác ủng hộ Kiev trong cuộc chiến với Nga. Bắc Kinh không cung cấp cho Moskva nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Nga vùng vẫy, tránh rơi xuống vị thế “chư hầu”

Theo chuyên gia Agathe Demarais, Giám đốc Trung tâm phân tích rủi ro kinh tế EUI của tập đoàn truyền thông Anh The Economist, Trung Quốc ở “thế thượng phong” trong quan hệ với Nga. Bắc Kinh có thể nhận được những gì mình cần, nhưng Moskva thì không. Cái giá phải trả với Nga là, để đánh đổi lấy sự đồng thuận “về ý thức hệ” với Trung Quốc, Nga bị trói buộc phải chấp nhận thua thiệt về kinh tế.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chuyên gia chính trị quốc tế Pierre Razoux, thế yếu tương đối của Nga trong quan hệ với Trung Quốc cũng được Moskva điều chỉnh với nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong các quan hệ kinh tế, chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Trung Đông, Iran, châu Phi, để tránh bị biến thành chư hầu của Trung Quốc “về mặt kinh tế và chiến lược”.

Xét về nhiều mặt, cuộc tấn công Ukraine của Nga đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực, với một bên có trung tâm là Mỹ, bên kia là Trung Quốc. Trong xu thế này, vị thế của EU đang còn là một dấu hỏi lớn. Bài tổng hợp của AFP đặt câu hỏi: “Cuộc chiến này liệu có cho phép EU khẳng định vai trò là một tác nhân chủ chốt hay đẩy EU xuống hàng nhân vật phụ”, một trợ thủ của Washington.

Vị thế của EU – câu hỏi để ngỏ

Theo một quan chức cao cấp của EU từng tham gia các quyết định lớn của EU ngay từ đầu chiến tranh, EU đã chứng tỏ “khả năng kháng cự, khả năng phản ứng rất nhanh chóng” trong việc hậu thuẫn Ukraine về quân sự, tiếp đón người tị nạn, giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga… EU đã đáp ứng được các đòi hỏi của tình thế trong hiện tại, nhưng việc EU có chuẩn bị cho tương lai và vị trí trên bàn cờ thế giới hay không vẫn là câu hỏi lớn để ngỏ. Chuyên gia Agathe Demarais đặt câu hỏi: Liệu EU có trở thành “một khối thứ ba” hay đi theo Mỹ?

Hiện EU đang dồn lực cùng với Mỹ và các đồng minh đối tác khác, ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc chiến, nhưng rõ ràng, quan hệ mật thiết với Mỹ sẽ không thể tiếp tục như với Chính quyền Biden hiện nay. EU buộc phải chuẩn bị cho kịch bản phe cực đoan trong đảng Cộng hòa có quan điểm “Nước Mỹ trên hết” như kiểu Donald Trump lên nắm quyền, thay đổi lớn có thể sẽ sớm xảy ra trong một hoặc hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

Cuộc chiến tại Ukraine – bước đệm cho chiến tranh khốc liệt hơn ở châu Á

Nếu như châu Âu là tâm điểm của xung đột toàn cầu trong thời điểm hiện tại, thế đối đầu chủ yếu của thế giới trong thời gian tới sẽ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc chiến tại Ukraine được xem như một bước chuẩn bị cho cuộc chiến tương lai hứa hẹn sẽ khốc liệt hơn.

Trong một phát biểu trên tờ Financial Times (Anh) mới đây, Tướng James Bierman – Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản cho biết, cuộc chiến chống Nga của người Ukraine hiện cho phép chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Ngay từ năm 2014, Mỹ đã chuẩn bị cho xung đột tương lai, huấn luyện quân đội Ukraine, dự trữ các phương tiện… Và đây là điều người Mỹ đang làm cùng với Nhật Bản, Philippines hay các đồng minh, đối tác khác.

Tóm lại, cuộc chiến chống Nga tại Ukraine được Mỹ và các đồng minh coi như một bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với tâm điểm là Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh khẳng định nếu cần sẽ dùng sức mạnh để “thu hồi”.

Khởi đầu cho “sự cáo chung” của thị trường toàn cầu

Ngoài phương diện quân sự, các trừng phạt kinh tế quyết liệt của phương Tây chống Nga do cuộc chiến tại Ukraine cũng đang giúp định hình một tình thế quốc tế hoàn toàn khác trước. Lãnh đạo tập đoàn năng lượng Pháp Total Energies Patrick Pouyanné nói đến “sự cáo chung của thị trường toàn cầu”. Việc khối G7 áp giá trần đối với dầu mỏ để siết chặt trừng phạt Nga là một trong những biện pháp không thể có trước đó đối với nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa dựa trên luật pháp quốc tế.

Theo chuyên gia Agathe Demarais, đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy nhanh xu thế thị trường toàn cầu bị “xé nhỏ” vốn đã bắt đầu trước chiến tranh Ukraine.

Nghèo đói gia tăng – hậu quả địa chính trị khó lường

Hậu quả trực tiếp của chiến tranh Ukraine là giá cả thực phẩm, năng lượng và các nhu cầu căn bản của con người tăng vọt. Sự tác động của thực trạng này đến các khối quốc gia khác nhau rất khác biệt. Đây cũng là một hệ quả lớn và khó lường về địa chính trị của cuộc chiến tại Ukraine.

Nguồn: TKNB – 17/02/2023

Sự thay đổi bối cảnh và thực tiễn chính trị quốc tế


Trang mạng valdaiclub.com số ra mới đây có bài viết cho biết các sự kiện kịch tính của năm 2022, mà trọng tâm là cuộc xung đột quân sự-chính trị giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, là một ví dụ sinh động về sự tác động lẫn nhau giữa bối cảnh và thực tiễn của nền chính trị quốc tế. Bối cảnh toàn cầu, trong đó không thể không xét tới các biểu hiện gay gắt nhất của xung đột lợi ích hiện nay – là sự kết thúc của thời kỳ tương đối độc quyền của các nước phương Tây trong nền chính trị và kinh tế thế giới và khả năng của họ trong việc quyết định trật tự quốc tế. Thực tiễn chính trị thế giới được xác định bởi các nguồn lực vẫn còn tương đối lớn của Mỹ, Tây Âu và sự thiếu hụt rõ ràng về các lực lượng mà các đối thủ chính của họ là Trung Quốc và Nga, có thể triển khai để chiến đấu. Kết quả là, nếu các yếu tố khách quan của sự phát triển nền chính trị quốc tế và kinh tế thế giới ủng hộ sự rút lui không thể tránh khỏi của các nhà lãnh đạo trước đây, thì tính chất chủ quan của các đối thủ của họ, như sự ra đời của một trật tự quốc tế mới, là một triển vọng hoàn toàn không chắc chắn.

Sự thay đổi bối cảnh, vốn rất có thể là một trong những yếu tố quyết định của Nga, là khá rõ ràng:

Thứ nhất, không khó để nhận thấy điều này trong kết quả các cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nghị quyết được các nước phương Tây thông qua như một phần trong chiến dịch chống lại Nga. Mặc dù thực tế là, theo quan điểm của luật pháp quốc tế chính thức, việc lên án Nga sẽ không phải là vấn đề đối với họ, song ngày càng có nhiều quốc gia thích thực hiện phương pháp bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia bỏ phiếu. Tất nhiên, cơ sở hạ tầng của các thể chế được tạo ra trong vài thập kỷ qua không hướng về phương Tây và không tuân theo ý chí của họ – như BRICS, SCO, Liên minh Kinh tế Á-Âu – cũng góp phần vào việc này. Nhưng trước hết, nhiều quốc gia trên thế giới đơn giản là không cảm thấy cần phải hỗ trợ vô điều kiện cho phương Tây trong chiến dịch chống lại Moskva. Điều này không đáp ứng các lợi ích và các mục tiêu phát triển chính của họ, các quốc gia này không có yêu sách riêng chống lại Nga. Nhìn chung, cần lưu ý rằng phản ứng đối với các hành động của Nga kể từ tháng 2/2022 là vô cùng nhẹ nhàng.

Thứ hai, sự thay đổi bối cảnh được nhấn mạnh bởi sự thất bại của Mỹ và các đồng minh trong việ xây dựng một liên minh rộng lớn bền vững chống lại Nga ngay từ đầu cuộc xung đột. Hiện giờ, danh sách các quốc gia khởi xướng các biện pháp chiến tranh kinh tế chống lại lợi ích của Nga chỉ bao gồm tất cả các thành viên thường trực của các khối chính trị-quân sự phương Tây – NATO và EU, cùng với Nhật Bản và Australia – 2 quốc gia có quan hệ đồng minh song phương mạnh mẽ với Mỹ. Tất cả các quốc gia khác trên thế giới, ngoại trừ các khách hàng siêu nhỏ của Mỹ ở châu Đại Dương hoặc Caribean, dưới áp lực của phương Tây, chỉ thực thi “các biện pháp trừng phạt” ở cấp quốc gia hoặc tập đoàn.

Nói cách khác, số các quốc gia mà Mỹ và EU không ép buộc phải thực hiện các quyết định của họ đối với Nga hóa ra lại vô cùng hẹp. Và điều này có nghĩa là các mối quan hệ giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới đang dựa trên chính sách đàn áp cưỡng chế, bản thân chính sách này không có ý nghĩa gì tốt cho các vị thế toàn cầu của Mỹ. Trước hết, bởi vì chính sách này chắc chắn buộc một số lượng đáng kể các quốc gia phải cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ vì những lý do hoàn toàn thực tế. Và mối lo ngại về sự trả thù của phương Tây đang dần chuyển mối quan hệ của các quốc gia này với phương Tây từ yếu tố thúc đẩy sự phát triển sang thành những yếu tố cản trở phát triển.

Điều này cho phép Moskva và Bắc Kinh nhìn về tương lai với sự tự tin tương đối và cho rằng họ đang ở “phía đúng của lịch sử”, trong khi các đối thủ của họ ở phương Tây chống lại những thay đổi không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng một bối cảnh thuận lợi là một điều kiện quan trọng, nhưng không phải là duy nhất cho sự tồn tại của các quốc gia trong một môi trường quốc tế hỗn loạn. Không kém phần quan trọng là khả năng ứng phó với những thách thức hiện tại phát sinh trong các giai đoạn lịch sử quan trọng. Và không còn nghi ngờ gì nữa, những gì chúng ta đang trải qua hiện nay chỉ đại diện cho một thời đại như vậy.

Vì vậy, bên cạnh việc hiện thực hóa những lợi ích ích kỷ của mình, cả thế giới đang theo dõi khả năng tồn tại và thành công của Nga trong các khía cạnh khác nhau của cuộc xung đột với phương Tây. Đặc biệt, người ta chú ý đến khả năng tiếp tục kháng cự tích cực của các lực lượng Ukraine, nhất là trong bối cảnh nguồn cung cấp vũ khí khá ổn định từ phương Tây. Dù muốn hay không, tốc độ thực hiện các mục tiêu của Nga trên lãnh thổ Ukraine trong mọi trường hợp đang trở thành một yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của các quốc gia thân thiện với họ. Ngoài ra, sự tập trung rõ ràng các nỗ lực của Moskva vào một hướng tạo ra vô số cám dỗ cho các nước thứ ba giải quyết các vấn đề của họ mà ít quan tâm đến các ưu tiên của Nga. Theo đó, ví dụ như hành vi của Azerbaijan trong mối quan hệ khó khăn với Armenia có dấu hiệu vội vàng, do hiểu rằng Nga chưa sẵn sàng cho các hành động đủ quyết đoán ở Nam Caucasus. Chúng ta cũng tìm thấy những ví dụ ít nổi bật hơn ở Trung Á, nơi các chế độ chính trị coi quá trình hoạt động của Nga ở Ukraine là động lực để giải quyết các nhiệm vụ ngắn hạn của họ ở trong nước và trong chính sách đối ngoại.

Ở một vị thế thuận lợi hơn là Trung Quốc – quốc gia chưa tham gia vào cuộc đụng độ trực tiếp với phương Tây. Mặc dù thực tế là vấn đề mà giới lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt cũng không kém phần quan trọng – vấn đề Đài Loan – mà cho tới nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn tỏ ra kiềm chế. Điều này giúp kéo dài thời gian, nhưng cũng làm gia tăng nỗi sợ hãi của thế giới rằng chính quyền Trung Quốc đang hành xử theo cách này không phải vì đó là một phần trong chiến lược dài hạn của họ, mà vì không có khả năng hành động tích cực hơn. Đồng thời, người ta phải hiểu rằng sự kiềm chế là tốt trong thời điểm hiện tại.

Tóm lại, khi xung đột gia tăng xung quanh cấu trúc của trật tự quốc tế tương lai, mâu thuẫn giữa bối cảnh và thực tiễn có thể tăng lên. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, đó sẽ là đặc điểm hệ thống quan trọng nhất của cuộc đối đầu, mà chúng ta đã có cơ hội quan sát trong suốt năm 2022 và sẽ tiếp tục như vậy. Theo nghĩa này, năm 2023 có thể trở thành một bước ngoặt – các phe đối lập sẽ bắt đầu cạn kiệt nguồn dự trữ và vấn đề huy động các nguồn lực mà ban đầu họ dự định để dành cho mục đích phát triển tương lai sẽ xuất hiện. Và điều quan trọng đối với Nga là tận dụng bối cảnh thuận lợi không chỉ như một sự khẳng định về tính đúng đắn chiến lược của mình, mà còn như một nguồn tài nguyên cho sự ổn định của chính mình. Và điều này có nghĩa là biến quan hệ với phần lớn thế giới trở thành một phần quan trọng trong quan hệ kinh tế đối ngoại của Nga.

Nguồn: TKNB – 12/01/2023

Vì sao quân Nga cố chiếm thị trấn Soledar bằng “bất cứ giá nào”?


Theo đài RFI, từ nhiều ngày nay, quân đội Nga mở nhiều cuộc tấn công dữ dội nhằm vào thị trấn nhỏ Soledar, thuộc tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Ngày 11/01, chỉ huy lực lượng Wagner Nga thông báo đã chiếm được thị trấn Soledar, Kiev ngay lập tức bác bỏ. Vì sao thị trấn, chỉ với 10.000 dân trước chiến tranh này, lại là mục tiêu quân sự quan trọng của quân Nga?

Bàn đạp bao vây thị xã chiến lược Bakhmut

Đài France 24, ngày 10/01, có bài tổng hợp một số lý do chính cho thấy ý nghĩa chiến lược của thị trấn Soledar đối với Nga. Điểm đầu tiên được các chuyên gia nhấn mạnh là vị trí chiến lược của Soledar cho phép làm bàn đạp tấn công các thành phố lớn của Ukraine thuộc tỉnh miền Đông Donetsk. Nhà phân tích quân sự Sim Tack, thuộc Stratfor, công ty chuyên về tình báo địa chính trị, có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Tại miền Đông Ukraine, tỉnh Luhansk đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga, nhưng tại tỉnh Donetsk, các thành phố lớn như Sloviansk và Kramatorsk (thuộc miền tây tỉnh Donetsk) hiện vẫn thuộc về Ukraine”. Tình báo Anh cũng xác nhận việc chiếm được Soledar cho phép khép chặt vòng vây đối với thị xã chiến lược Bakhmut từ phía Bắc, cắt một phần Bakhmut ra khỏi hậu phương Ukraine.

Đối với Moskva, việc kiểm soát Soledar trước hết cho phép củng cố được các vị trí của các lực lượng Nga xung quanh thị xã Bakhmut, cách Soledar khoảng 20 km về phía nam, nơi quân Nga đang cố chiếm lấy từ nhiều tháng nay.

Trên truyền hình Nga ngày 10/01, chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga tỉnh Donetsk, Denis Pouchiline, khẳng định việc kiểm soát Soledar sẽ tạo ra được “viễn cảnh thuận lợi” để kiểm soát được Bakhmut, cũng như giúp cho việc tấn công chiếm lĩnh thị trấn Siversk, nằm chếnh về phía bắc, cách Soledar khoảng 30 km, nơi quân Nga đã mở nhiều đợt tấn công từ tháng 7/2022 nhưng không thành công.

Hệ thống đường hầm 200 km

Soledar vừa có vị trí chiến lược về mặt địa lý và giao thông, nhưng cũng là đầu mối của một hệ thống đường hầm rộng lớn sâu trong lòng đất. Đây là ý nghĩa chiến lược quan trọng thứ hai của thị trấn nhỏ này. Truyền thông Mỹ dẫn nhận định của Bộ Quốc phòng Anh cho hay mục tiêu của quân Nga là xâm nhập vào “hệ thống đường hầm bỏ hoang của một mỏ muối, với chiều dài tổng cộng 200 km”. Hệ thống đường hầm 200 km này trải rộng khắp khu vực Bakhmut, cho phép bảo vệ an toàn cho nhiều đơn vị và thiết bị quân sự. Không chỉ là nơi ẩn náu của binh sĩ và phương tiện, hệ thống đường hầm trong các mỏ muối ở Soledar còn “cho phép luồn qua các chiến tuyến của đối phương” và có thể được sử dụng để tấn công tập hậu quân địch, theo tình báo Anh.

Trữ lượng khoáng sản lớn

Theo viện tư vấn Mỹ Institute for the Study of War (ISW), có trụ sở tại Washington, thị trấn Soledar còn có một ý nghĩa chiến ljược khác với Nga. Lực lượng tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào Soledar không phải là quân đội chính quy Nga mà là các nhóm vũ trang thuộc công ty lính đánh thuê Wagner, Evgueni Prigojine, ISW cũng như hãng tin Reuters (Anh) dẫn lại một nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, mục tiêu hàng đầu của ông chủ Wagner khi cố chiếm lĩnh khu vực xung quanh thị xã Bakhmut là nhằm kiểm soát được nhiều khoáng sản rất lớn ở đây.

Thạch cao, đất sét, đá phân và đặc biệt muối, là các khoáng sản chính của Soledar. Trữ lượng muối ở đây được đánh giá đủ khai thác trong 2000 năm. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (ISW), đây có thể là lý do hàng đầu giải thích cho quyết tâm kiểm soát khu vực này bất chấp các nỗ lực kéo dài, cái giá phải trả là rất lớn.

Lợi ích tuyên truyền

Một động cơ quan trọng khác khiến Nga kiên quyết chiếm được thị trấn Soledar là về truyền thông. Theo chuyên gia quân sự Sim Tack, Nga chắc chắn sẽ phô trương việc chiếm được Soledar như một “chiến thắng lớn”. Hiện tại, theo chuyên gia Sim Tack, Moskva “đang bị sa lầy trong một cuộc chiến dằng dai trên bộ, trong bối cảnh màu đông bất lợi”. Việc giành được thị trấn Soledar sẽ có ý nghĩa lớn với Nga cho việc tuyên truyền.

Đối với quân đội Ukraine thì sao? Cuộc kháng cự tại thị trấn Soledar có thể là một cơ hội cho phép Ukraine kìm chân và tiêu hao binh lực của đối phương, buộc đối phương phải tung ra các lực lượng tinh nhuệ bậc nhất. Đài France 24 dẫn phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tối 09/01: “Nhờ sự kháng cự của các binh sĩ ở Soledar, chúng ta đã có thêm thời gian và bảo tồn được các lực lượng của Ukraine”.

Nếu Soledar thất thủ thì sao? Đài France Info dẫn lại thông tin từ Bộ Quốc phòng Anh, theo đó, ngay cả trong trường hợp Soledar thất thủ, các hệ quả với thị xã chiến lược Bakhmut là hoàn toàn không có gì chắc chắn trong tương lai gần. Theo Bộ Quốc phòng Anh, Bakhmut vẫn có thể trông cậy vào “nhiều tuyến phòng thủ sâu và ổn định” và các lực lượng Ukraine vẫn còn “kiểm soát được một số tuyến giao thông huyết mạch”.

Trận chiến tại Soledar và Bakhmut, tỉnh Donetsk đã khiến quân độ Nga phải chịu hàng loạt tổn thất chồng chất.

Nguồn: TKNB – 13/01/2023

Quan hệ Nga – Trung Quốc: Mô hình mới của quan hệ quốc tế thế kỷ XXI – Phần cuối


Như Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố nhân kết quả cuộc đàm phán với Tổng thống Nga V. Putin tháng 5/2015: “trong quá trình thiết lập mối quan hệ quốc tế kiểu mới, Trung Quốc và Nga đã tích lũy được những kinh nghiệm tuyệt vời. Vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc, Trung Quốc và Nga với tư cách Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên tiếng ủng hộ việc kiên quyết tuân thủ quy tắc của Liên hợp quốc và những quy phạm cơ bản của luật pháp quốc tế và hình thành quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên nguyên tắc hợp tác và cùng giành phần thắng”.

Trung Quốc chìa bàn tay hữu nghị và tương trợ cho Nga trong sự nghiệp chung tạo lập trật tự thế giới mới: “Chúng ta phải hợp nhất lợi ích riêng của mình với lợi ích chung của tất cả các nước, tìm kiếm và mở rộng những điểm giao hòa lợi ích của các bên khác nhau, đề xuất và xác định quan điểm mới “cả hai cùng thắng, nhiều bên cùng thắng và tất cả cùng thắng”, luôn luôn sẵn sàng chìa bàn tay tương trợ lẫn nhau giữa những giây phút khó khăn, cùng nhau thụ hưởng quyền và lợi ích và cùng nhau nhận trách nhiệm, bằng sức mạnh tập thể cùng giải quyết những vấn đề toàn cầu đang mỗi ngày một lớn lên”.

Dựa trên cơ sở những kinh nghiệm thành công của chính mình về thiết lập và phát triển quan hệ kiểu mới giữa các quốc gia, tuân thủ nguyên tắc duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác và cùng nhau xây dựng tương lai, Nga và Trung Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới:

+ Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, những lợi ích then chốt và mối quan tâm cơ bản của nhau, các dân tộc ở tất cả các quốc gia tự do lựa chọn chế độ xã hội và con đường phát triển, lên tiếng chống những hoạt động phá hoại chính quyền chính trị hợp pháp.

+ Tuân thủ những điều khoản Hiến chương Liên hợp quốc, tuân thủ năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và những nguyên tắc cơ bản khác của luật quốc tế và quan hệ quốc tế; tận tâm thực hiện các điều ước quốc tế, thúc đẩy quan điểm phát triển hòa bình và hợp tác cùng có lợi cho tất cả các bên với tư cách là phương hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình, góp phần củng cố xu thế đa cực hóa, dân chủ háo và thượng tôn pháp luậ trong quan hệ quốc tế;

+ Giải quyết các bất đồng và xung đột giữa các quốc gia bằng con đường chính trị – ngoại giao; không cho phép thực hiện “trò chơi với tổng số bằng không” và tư tưởng “kẻ thắng trận sẽ có tất cả” đặc trưng cho thời kỳ chiến tranh lạnh; lên tiếng phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực, chống lại việc thực hiện trừng phạt đơn phơng và đe dọa trừng phạt;

+ Tạo điều kiện phối hợp hành động một cách xây dựng giữa các nền văn minh khác nhau; lên tiếng ủng hộ việc làm phong phú giữa các nền văn minh, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt văn hóa, chống lại thái độ không dung nạp văn hóa;

+ Phối hợp cùng nhau kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Liên hợp quốc; củng cố vai trò trung tâm của tổ chức này trong công việc quốc tế, vai trò quan trọng của Hội đồng Bảo an trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bảo vệ lợi ích chung của các quốc gia thành viên, biến Liên hợp quốc thành cơ chế chủ yếu bảo đảm cùng tồn tại hòa bình của các quốc gia có chế độ chính trị – xã hội, truyền thống văn hóa và con đường phát triển khác nhau, thiết lập trật tự thế giới đa trung tâm công bằng hơn dựa trên hợp tác có lợi cho tất cả các bên;

+ Kiên quyết bảo vệ nguyên tắc không phân biệt nền an ninh trong quan hệ quốc tế. Việc đơn phương phát triển và bố trí hệ thống phòng, chống tên lửa trên quy mô toàn cầu sẽ tác động bất lợi lên tình hình quốc tế và có thể gây tổn hại đến ổn định và an ninh chiến lược toàn cầu. Cần có những nỗ lực chính trị – ngoại giao chung của tất cả các nước quan tâm để ngăn chặn phổ biến tên lửa đạn đạo và công nghệ tên lửa. Không cho phép âm mưu bảo đảm an ninh cho một quốc gia hay nhóm quốc gia cá biệt mà làm mất an ninh của những quốc gia khác;

+ Bảo đảm an ninh cho hoạt động vũ trụ và sử dụng không gian vũ trụ chỉ vào mục đích hòa bình, áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang trên vũ trụ; dốc sức khởi động nhanh chóng các cuộc đàm phán tại Hội nghị về giải trừ quân bị tại Geneva nhằm mục tiêu ký kết hiệp định quốc tế có giá trị cam kết pháp lý trên cơ sở dự án do Nga và Trung Quốc đề nghị về Hiệp ước ngăn ngừa bố trí vũ khí trên vũ trụ, sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực đối với các mục tiêu trên vũ trụ. Nga và Trung Quốc một lần nữa tuyên bố không cho phép bố trí vũ khí trên vũ trụ và kêu gọi tất cả các cường quốc vũ trụ hãy tuân thủ nguyên tắc này;

+ Tiếp tục bằng mọi biện pháp tăng cường phối hợp và cùng hành động trong khuôn khổ Ủy ban Liên hợp quốc về vũ trụ, trước tiên là những vấn đề trước mắt, như hoạt động bền vững dài hạn trên vũ trụ, bao gồm an ninh cho các hoạt động vũ trụ, cũng như phương thức và phương tiện duy trì không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình;

+ Tiếp tục kiên quyết tuân thủ những nguyên tắc và mục tiêu của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó có những nguyên tắc “trách nhiệm chung, nhưng có phân biệt”, công bằng và những khả năng sẵn có; dốc hết sức nhằm củng cố hợp tác quốc tế trong vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng nhau hợp tác nhằm thực hiện Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các bên lần thứ 21 – Nghị định thư Kyoto tại phiên họp thứ 11 của các bên ở Paris năm 2015 về những giải pháp có tính đến lợi ích của tất cả các nước nhằm mục tiêu đối phó hiệu quả và công bằng với vấn đề thay đổi khí hậu;

+ Trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau nỗ lực thiết lập không gian thông tin đối tác cởi mở, an toàn và hòa bình; nghiên cứu đề xuất một mô hình vạn năng và hiệu quả về cách ứng xử của các quốc gia trong không gian thông tin, chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, cũng như nhằm mục đích phá hoại sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội các quốc gia. Xem xét dự án cách tân “Những quy tắc ứng xử trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế” do Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm trong thời gian ngắn nhất có thể đạt được sự đồng thuận quốc tế về vấn đề này.

Từ sự thấu hiểu lẫn nhau đến cùng hiệp đồng và hợp tác với nhau trong quá trình kiến tạo trật tự thế giới mới – đó là con đường mà quan hệ Nga-Trung đã đi qua ngay trước mắt chúng ta. Kinh nghiệm độc đáo của mối quan hệ đó có thể và cần phải được các nước thành viên của quan hệ quốc tế hiện đại biết tới và học tập áp dụng.

Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov một lần nữa nhấn mạnh: “Về thực chất, ở đây nói đến mối quan hệ kiểu mới giữa các quốc gia, ở mức độ nào đó là mô hình hợp tác của thế kỷ XXI”. Ông còn nói thêm: “Nga và Trung Quốc đều có những quan điểm trùng lắp hay gần gũi với nhau về những vấn đề then chốt của thời đại, liên tục lên tiếng ủng hộ sự ra đời của một cấu trúc thế giới mới đa trung tâm dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, tự chủ của các dân tộc và quyền của họ được tự mình lựa chọn con đường phát triển.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: M.L. Titarenko, V.E. Petrovski – Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới mới: Lý luận và thực tiễn – NXB CTQG 2017

Trung Á – khu vực Trung Quốc không thể bỏ qua – Phần cuối


(+) Chiến lược của Trung Quốc ở Trung Á tác động như thế nào đến các quốc gia phương Tây?

(-) Trung Á không phải là ưu tiên hiện tại của châu Âu hay Mỹ. Tuy nhiên, ở một số thời điểm gần đây, khu vực này nhận được sự quan tâm của phương Tây. Điều này được thể hiện chẳng hạn qua việc Mỹ sử dụng các tuyến đường qua Trung Á để tiếp tế cho lực lượng đồn trú bị sa lầy ở Afghanistan và việc các nước lớn ở châu Âu chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung Á để sơ tán người dân khỏi Kabul, Afghanistan, hồi tháng 8/2021. Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) nhìn chung liên tục thảo luận về khu vực mà họ muốn tập trung vào, nhưng Brussels thường gặp khó khăn trong việc duy trì trọng tâm của mình. Và việc EU có can dự vào Trung Á hay không phụ thuộc vào việc ai cầm quyền ở Brussels (hay giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU). Chẳng hạn, Anh có sự hiện diện mạnh mẽ và các mối liên kết chặt chẽ với nhiều quốc gia Trung Á, nhưng Trung Á lại không phải là một ưu tiên đối với London.

Đồng thời, tất cả các bên đều đóng vai trò quan trọng ở khu vực xét về mặt kinh tế và viện trợ. Các nước sốt sắng tìm cách thuyết phục các quốc gia Trung Á cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm hơn. Nhưng sự thiếu tập trung có nghĩa là mục tiêu này chỉ được các lãnh đạo cấp cao theo đuổi ở mức độ hạn chế. Điều này trái ngược với Trung Quốc hay Nga, vốn có quan điểm gia trưởng đối với khu vực. Trong các phát biểu và hội đàm với các nhà lãnh đạo khu vực, Putin đã thể hiện quan điểm rằng Nga sẵn sàng triển khai lực lượng quân đội để giúp Trung Á đối phó với các mối đe dọa an ninh khu vực. Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy trong khu vực cả về kinh tế lẫn chiến lược, nhưng nước này vẫn tiếp tục thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các nhà lãnh đạo của Trung Á. Tất cả những điều này sẽ giúp lấn át các lợi ích và cách tiếp cận của phương Tây, vì trong khi Trung Á muốn tiếp cận nhiều bên, bao gồm cả phương Tây, thì phương Tây dường như lại không gắn kết với Trung Á hoặc không tỏ rõ sự quan tâm đối với khu vực này. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga vẫn giữ quan điểm. Riêng Trung Quốc còn tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á trên cơ sở phát huy tiềm lực kinh tế mạnh mẽ của mình.

Điều này có nghĩa là Trung Á sẽ ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy của Trung Quốc. Do vậy, Mỹ hoặc châu Âu sẽ khó đạt được mục tiêu cao hơn. Điều này cũng có nghĩa là Trung Á sẽ trượt dần khỏi ảnh hưởng của phương Tây và rơi vào ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga. Và nếu nhà địa lý lịch sử người Anh Halford Mackinder đúng, thì phương Tây đang mất kiểm soát đối với “hòn đảo thế giới” và do đó mất dần quyền lực và ảnh hưởng trên toàn thế giới.

(+) Chiến lược của Trung Quốc ở Trung Á có gì giống và khác với chiến lược của các nước lớn khác trong khu vực (như Nga) và những nước ngoài khu vực có lợi ích quan trọng ở Trung Á (như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản)?

(-) Có nhiều điểm tương đồng giữa chiến lược của các nước khi xét tới việc tìm kiếm cơ hội và đề nghị đầu tư cũng như sự quan ngại về các vấn đề an ninh khi can dự với người dân Trung Á. Nhưng đồng thời cũng có một số khác biệt lớn. Nga không coi Trung Á là một khu vực láng giềng, mà là phần lãnh thổ mở rộng của nước này. Nga không có quan điểm tương tự đối với các khu vực thuộc các nước láng giềng khác có người Nga sinh sống, nhưng xét về khía cạnh kinh tế và xã hội, Nga vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với các quốc gia Trung Á. Điều này không chỉ được thể hiện ở sự xuất hiện của một loạt cơ chế sau khi Liên Xô sụp đổ – như Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU), Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) hoặc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) – mà còn được thể hiện ở quan điểm của Nga rằng khu vực này là điểm yếu với những nguy cơ và mối đe dọa tiềm tàng đối với họ (các lực lượng thù địch có thể xuất phát từ Afghanistan, đi qua khu vực Trung Á để tấn công Nga). Điều này khác với cách tiếp cận mang tính giao dịch của Trung Quốc, vốn ít quan tâm đến việc kiểm soát hoặc thể hiện trách nhiệm với Trung Á mà tập trung vào lợi ích của chính mình và ảnh hưởng của các diễn biến ở khu vực đối với họ.

Các nước khác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hàn Quốc quan tâm đến khu vực ở những mức độ khác nhau và có những động thái khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã kêu gọi tranh thủ các di sản của người Turk để phát triển các mối quan hệ ở Trung Á, nhưng những điều này thường không mang lại kết quả như mong đợi. Thổ Nhĩ Kỳ là một lựa chọn thay thế cho lao động nhập cư từ Trung Á, một số công ty và hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ rất được đón nhận trong khu vực và Istanbul đã tích cực tìm cách tăng cường các liên kết quyền lực mềm thông qua giáo dục và văn hóa. Tuy nhiên, Istanbul khó có thể tạo ra ảnh hưởng tương tự như các quốc gia khác. Cả hai nước đều sử dụng ngân hàng chính sách và các công ty của mình để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc tiếp cận các nguồn lực trong khu vực. Và cả hai đều có tầm nhìn tiên tiến về việc can dự, nhưng khoảng cách địa lý khiến chính sách can dự của Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ thực sự hiệu quả nếu họ duy trì quan hệ song phương tốt đẹp với các nước láng giềng Trung Á.

Tương tự, Ấn Độ luôn tìm cách can dự với Trung Á. Tất cả các nhà lãnh đạo Ấn Độ gần đây đều đã thực hiện các chuyến công du lớn đến Trung Á sau các tuyên bố thể hiện sự quan tâm và chú ý đến khu vực này. Và trong lịch sử, Ấn Độ từng hiện diện ở khu vực với lực lượng không quân đồn trú ở Tajikistan. Nhưng sự hiện diện này sau đó bị gián đoạn – không chỉ do sự phức tạp về mặt địa lý (với Afghanistan và Pakistan ở giữa, và cảng Chabahar ở Iran là một tuyến đường khó khăn từ Trung Á đến Ấn Độ), mà còn bởi những lo ngại chiến lược liên quan đến Trung Quốc cũng như thực tế rằng Ấn Độ không phải là một nền kinh tế chỉ huy và có xu hướng không rõ ràng trong chính sách đối ngoại (ngoại trừ với Pakistan). Tất cả những điều này trái ngược với mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc dành cho Trung Á. Trung Quốc dễ dàng can dự với Trung Á nhờ ưu thế địa lý và không phải lo lắng về sự nghi kỵ của Nga trong thời điểm này.

(+) Nhiều cuộc thảo luận về Trung Quốc tập trung vào sự trỗi dậy của nước này trên phạm vi toàn cầu cũng như ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chủ yếu là trong lĩnh vực hàng hải. Liệu một khu vực không giáp biển như Trung Á có bị gạt ra khỏi các cuộc thảo luận đó hay không? Nếu vậy, tại sao lại cần quan tâm đến đế chế mà Trung Quốc vô tình gây dựng ở trung tâm châu Á?

(-) Việc chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của các nước hầu như chỉ tập trung vào sức mạnh hàng hải là điều đáng thất vọng bởi điều này đồng nghĩa với việc bỏ sót vùng đất rộng lớn và giàu có ở trung tâm lục địa Á – Âu – một khu vực tràn ngập cơ hội, sở hữu nền văn minh và văn hóa cổ đại, cũng như gây ra nhiều vấn đề đáng buồn cho phương Tây trong quá khứ. Sự kiện khủng bố ngày 11/09/2001 bắt nguồn từ Afghanistan. Gần đây hơn, Trung Á đã trở thành khu vực có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Trung Quốc và Nga (và thậm chí là cả Iran) – các cường quốc và là đối thủ chính của phương Tây. Xét ở nhiều phương diện, việc phát triển các chiến lược hướng tới châu Á nhưng lại bỏ qua vùng trung tâm Á – Âu khiến phương Tây bỏ lỡ một cơ hội. Như đã đề cập trước đây, theo Mackinder, bất cứ ai kiểm soát khu vực này đều có thể kiểm soát thế giới. Cho dù không tính đến vai trò địa chính trị quan trọng của Trung Á thì đây vẫn là khu vực đáng quan tâm, vì Trung Á tiếp giáp châu Âu nên những gì xảy ra ở Trung Á đều có thể ảnh hưởng đến phương Tây. Việc bỏ qua Trung Á không chỉ khiến phương Tây bỏ lỡ cơ hội gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, mà còn khiến họ mất đi cơ hội đánh giá cách thức hoạt động của chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở một khu vực mà nước này không thể bỏ qua.

Nguồn: TLTKĐB – 31/07/2022

Trung Á – khu vực Trung Quốc không thể bỏ qua – Phần đầu


Theo The Diplomat, trong cuốn sách “Sinostan: China’s Inadvertent Emprie” (tạm dịch “Kẻ cuồng Trung Quốc: Đế chế Trung Quốc vô tình gây dựng”, Raffaello Pantucci – nghiên cứu viên cao cấp tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore và là thành viên cấp cao của Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) ở London – và Alexandros Petersen – học giả, nhà văn và chuyên gia đánh giá sức mạnh địa chính trị đã thiệt mạng trong vụ tấn công và đánh bom một nhà hàng ở Kabul, Afghanistan, năm 2014 – đưa độc giả đến vùng trung tâm lục địa Á – Âu để có cái nhìn sâu sắc về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những kinh nghiệm đúc kết từ hơn một thập kỷ bôn ba, nghiên cứu và viết lách đã được đưa vào cuốn sách, phác họa bức tranh về sự gia tăng quyền lực và hiện diện của Trung Quốc ở Trung Á. Năm 2013, tại Kazakhstan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra tuyên bố về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Và thông qua việc xem xét bước tiến của Trung Quốc ở Trung Á, chúng ta có thể thực sự nắm bắt được các phương thức và động cơ thúc đẩy sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn dưới đây, Pantucci (-) sẽ giải thích về mối liên hệ giữa Tân Cương và Trung Á, vốn là trọng tâm của các nỗ lực của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời đi sâu phân tích các tác động từ sự can dự của Trung Quốc vào khu vực Á – Âu đối với các cường quốc khác như Nga và Mỹ.

(+) Cuốn sách bắt đầu với hình ảnh những người công nhân Trung Quốc đang làm đường ở Kyrgyzstan vào năm 2011. Vậy cơ sở hạ tầng vật chất (như đường xá) có tầm quan trọng như thế nào đối với sự can dự cũng như các mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc ở Trung Á?

(-) Cơ sở hạ tầng vật chất luôn là yếu tố then chốt giúp Trung Quốc can dự vào Trung Á. Nhìn lại chuyến công du của Thủ tướng Lý Bằng tới khu vực này năm 1994 (ông đã đến thăm thủ đô của tất cả các nước Trung Á, ngoại trừ Dushanbe, thủ đô Tajikistan và là nơi bị nội chiến tàn phá), có thể nhận thấy hai vấn đề cốt lõi mà ông tập trung trong suốt chuyến đi là lực lượng ly khai và việc xây dựng những con đường tơ lụa mới. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các tuyến đường đang được nói đến đều bắt đầu từ Trung Á, chạy qua Trung Quốc đến Nhật bản và mới chỉ được thay đổi trong thời gian gần đây. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng lớn đầu tiên trong khu vực là các đường ống dẫn khí từ các khu mỏ ở Kazakhstan đến Trung Quốc. Sau đó, các công ty và quỹ tài chính của Trung Quốc đã được huy động vào việc nâng cấp đường xá, xây dựng thêm các đường ống dẫn từ các mỏ khí đốt quan trọng của Turkmenistan đến Trung Quốc, cũng như xây dựng các đường hầm, đường sắt và đường bộ xung quanh khu vực. Tất cả những công trình này là sự bổ sung cho một loạt cơ sở hạ tầng khác đã được xây dựng như trạm điện, hạ tầng năng lượng phụ trợ, sân bay và các tòa nhà.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc vì nó giúp kết nối Tân Cương với thế giới – một trong những lợi ích chính mà nước này có được ở Trung Á. Tân Cương và các quốc gia tiếp giáp khu tự trị này đều có cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Và nếu Trung Quốc muốn làm cho Tân Cương thịnh vượng (đáp án lâu dài cho sự bất ổn mà Bắc Kinh nhìn thấy ở Tân Cương), thì họ cần cải thiện cơ sở hạ tầng ở Tân Cương cũng như các khu vực xung quanh.

Cuối cùng, xét ở nhiều phương diện, những gì đang diễn ra ở Trung Á trong hơn hai thập kỷ qua  là nền tảng đã được toàn cầu hóa của BRI. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tầm nhìn về Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (SREB) khi công bố ý tưởng về chính sách đối ngoại dài hạn của Trung Quốc trong bài phát biểu tại Astana vào năm 2013. Một tháng sau đó, tại Jakarta, Tập Cận Bình đã đề cập đến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (MSR), mà sau đó được kết hợp với SREB để trở thành BRI với phạm vi điều chỉnh rộng hơn. Toàn bộ ý tưởng về cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho tầm nhìn về chính sách đối ngoại xuất phát từ những gì đang diễn ra ở Trung Á. Ý tưởng này được xây dựng trên lập luận rằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng và tăng cường sự kết nối là biểu hiện của một nền kinh tế thịnh vượng hơn, giúp khu vực ổn định hơn. Đây là mô hình mà Trung Quốc đã áp dụng thành công ở trong nước, có thể nhân rộng ra bên ngoài và là quân bài giúp gắn kết Trung Quốc với thế giới.

(+) Trung Quốc có hay không một chiến lược toàn diện đối với Trung Á? Các cam kết trong chiến lược này có phải chỉ là các giải pháp tình thế trong mối quan hệ song phương?

(-) Khi phỏng vấn nhiều chuyên gia và quan chức cấp cao của Trung Quốc về việc liệu Bắc Kinh có một chiến lược riêng cho khu vực Trung Á hay không, các tác giả đều bị từ chối và chế nhạo. Nhưng trong những năm đầu tiên triển khai chiến lược của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Trung Á và tuyên bố thành lập SREB. Tuy nhiên, SREB chỉ đưa ra một tầm nhìn chứ không chỉ ra một kế hoạch cụ thể. Chúng tôi cho rằng SREB không phải là một chiến lược cụ thể (một chiến lược cụ thể là phải chỉ ra trình tự các bước cần thực hiện để đạt được mục tiêu). Tuy nhiên, một tầm nhìn rộng lớn hơn lại được đặt ra và toàn bộ hệ thống của Trung Quốc đã đi theo hướng mà tầm nhìn đó chỉ ra. Điều này có nghĩa là tất cả các tổ chức, cơ quan và ban ngành đã hoạt động theo những cách riêng nhằm kết nối với nhau và thể hiện vai trò trong tầm nhìn rộng lớn hơn mà Tập Cận Bình đã đề ra.

Việc Trung Quốc có một chiến lược toàn diện đối với khu vực Trung Á chưa được thể hiện một cách rõ ràng. Trung Quốc có một chiến lược rõ ràng hơn nhiều đối với Tân Cương. Và xét ở một số phương diện, Trung Á ngẫu nhiên nằm trong mục tiêu cốt lõi (ổn định Tân Cương) và đóng vai trò là phần mở rộng của chiến lược Tân Cương. Kết quả là, tầm nhìn của Trung Quốc đối với khu vực được thể hiện phần lớn qua một loạt cam kết song phương mà nếu được kết hợp lại với nhau thì có thể tạo thành một chiến lược (nhất là khi các cam kết giống nhau trong từng trường hợp), nhưng rõ ràng đó không phải là chiến lược toàn diện cho khu vực Trung Á (BRI có thể được xem là một chiến lược chính sách đối ngoại rộng hơn của Trung Quốc và không chỉ nhằm vào Trung Á).

Điều khác biệt duy nhất cần đề cập đến trong bối cảnh này là sự ra đời của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sau sự sụp đổ của Liên Xô và nhóm Thượng Hải 5 (bao gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan), vốn được thành lập để giúp phân định biên giới và thiết lập quan hệ an ninh giữa Trung Quốc với các quốc gia mới được thành lập có chung biên giới với họ. Tổ chức này đôi khi được mô tả là phương tiện để thực hiện chiến lược của Trung Quốc, nhưng trên thực tế, nó dường như tồn tại song phương với các lợi ích cụ thể của Trung Quốc vốn được giải quyết ở cấp độ song phương.

(+) Vì sao nói chiến lược của Trung Quốc đối với Trung Á là phần mở rộng của chiến lược và chính sách của họ đối với Tân Cương?

(-) Bắc Kinh từ lâu đã lo lắng về sự ổn định và an ninh ở Tân Cương. Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì quyền kiểm soát đối với Tân Cương do khu vực này cách xa Bắc Kinh (chênh lệch hai múi giờ nếu Trung Quốc sử dụng múi giờ theo khu vực, tương đương khoảng 5 hoặc 6 giờ đi máy bay). Có thời điểm căng thẳng ở Tân Cương đã leo thang thành bạo lực và các hành động ly khai thậm chí đã diễn ra. Sự kiện mang tính bước ngoặt xảy ra gần đây nhất là vào tháng 7/2009, khi bạo loạn ở Urumqi (thủ phủ Tân Cương) khiến ít nhất hàng trăm người thiệt mạng và tạo ra hình ảnh đáng xấu hổ về nhà lãnh đạo Trung Quốc khi ông buộc phải rời Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Italy để trở về ổn định tình hình trong nước.

Sau đó là nỗ lực thay đổi mọi thứ theo hai hướng: Một là tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Trung Á thông qua việc triển khai chiến dịch “công kích dữ dội” trong bối cảnh các lợi ích và cư dân Trung Quốc ở Trung Á bị tấn công và Trung Quốc lo ngại các nhóm người Duy Ngô Nhĩ bất đồng chính kiến có thể sử dụng khu vực này như một căn cứ để tấn công Trung Quốc. Hai là đầu tư mạnh mẽ vào khu vực – một phương án dài hạn để ổn định Tân Cương theo quan điểm của Bắc Kinh.

Nhưng để làm cho một khu vực trở nên thịnh vượng, cần ủng hộ sự thịnh vượng và kết nối ở các khu vực láng giềng. Xét ở nhiều phương diện, Tân Cương có thể được coi là “quốc gia” thứ sáu hoặc thứ bảy ở khu vực Trung Á (tùy thuộc vào việc Afghanistan có được xem là một quốc gia Trung Á hay không). Điều này không phủ nhận việc Tân Cương là một phần của Trung Quốc nhưng nhấn mạnh việc Tân Cương có sự gắn kết sâu sắc với khu vực – ở Tân Cương có đông người Kyrgyzstan, Tajik và Kazakhstan sinh sống, tương tự như việc ở Trung Á có nhiều người Duy Ngô Nhĩ, người Hán và người Đông Can (một dân tộc liên quan đến người Hồi ở Trung Quốc) cư trú. Điều này làm nổi rõ mối quan hệ giữa Tân Cương và Trung Á, cũng như việc Tân Cương, giống như các nước Trung Á khác, có vị trí địa lý cách xa bờ biển và các tuyến đường thương mại hàng hải toàn cầu.

Vì vậy, Tân Cương chỉ có thể phát triển kinh tế khi các tuyến đường từ đây qua Trung Á đến châu Âu, Nga và nhiều nơi khác được mở ra và khi khu vực này nắm bắt được các cơ hội và thâm nhập các thị trường ở Trung Á. Cuối cùng, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của Trung Á đương nhiên là thứ mà cỗ máy kinh tế Trung Quốc tham lam vô độ sẽ không ngừng thèm khát. Tất cả những điều này làm nổi bật tầm quan trọng của khu vực Trung Á đối với người Trung Quốc, đặc biệt là đối với Tân Cương (theo quan điểm của Trung Quốc).

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 31/07/2022